Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Những giọt mưa

 Những giọt mưa
Mưa là hiện tượng khoa học nhưng mưa xuống mặt đất thì mưa hóa thành niềm vui lẫn nỗi buồn của con người, thành nhạc và thơ.
Thằng cu đẫm mưa trong ngõ 
khác với
Mưa đem sầu thiên thu đến cho ta
khác với
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu của một đoàn chiến sĩ nào đó...
Nói chung, mua gợi nỗi buồn cho thi nhân nghệ sĩ. Trong chương này tôi sẽ nêu lên những giọt mưa thần kỳ trong âm nhạc Việt Nam: Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, Phố Buồn, Mưa Rơi, Giọt Mưa Trên Lá của Phạm Duy. Ta hãy hát lại vài đoạn giọt mưa rơi của nhà nghệ sĩ họ Đặng tài hoa qua đời còn quá trẻ: 
Ngoài hiên, giọt mưa thu thảnh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Dương thế bao la sầu 

Buồn quá! Tôi đàn hát bài này từ thuở thiếu thời cùng với các bài Hòn Vọng Phu, Thiên Thai, Suối Mơ, Tiếng Đàn Tôi... Hồi đó hát không thấy buồn gì cả, trái lại còn vui. Bây giờ mới thấy buồn, có lẽ vì thế nên không hát nữa, nhưng ai hát cho nghe thì vẫn thích. Cũng là buồn, nhưng Phố Buồn của Phạm Duy lại khác. Cũng là mưa nhưng mưa Phạm Duy lại khác.

Đường về đêm đêm 
mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên 

bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành
Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng xuân sang,
Yêu phố vui, nhà gạch ngon
Đèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong

Bức tranh mưa tả chân đầy màu sắc này biểu hiện đôi mắt và trái tim của nhà nghệ sĩ. Đó là cái nhìn tinh tế và sự rung động nhạy bén trước cuộc sống. Một khu phố buồn đứng dưới trời mưa, chuyện đó ai trong đời mình mà không nhìn thấy một đôi lần. Nhưng khi đọc những dòng chữ trên, phải chăng ta thấy khu phố sống hẳn lên dưới mưa như ta chưa từng thấy bao giờ. Bạn thấy trong mưa đêm, trong ngõ hẹp bùn lầy không tên, không đèn.
Xin nhớ lại bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya. Trong những tiếng chân của chốn phồn hoa sau những trận vui hương úa, có tiếng chân ê chề, tiếng chân nặng nề:
Bước chân nào rầu rầu chen tiếng mưa Ngâu
Ôi bước chân sầu vọng lời ai oán dân nghèo
Ôi tiếng cơ cầu lén với trời cao...
Tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi ...

Ta thấy tâm hồn của nhà nghệ sĩ rung động khi nghiêng xuống cuộc đời chật vật. Cậu bé nhỏ trong một gia đình trí thức ở thủ đô Hà Nội lớn lên trong cuộc sống xa hoa của chốn kinh kỳ, và chính cậu ta cũng vùi vào cuộc sống đó nhưng lại nghe ra bước chân ai oán dân nghèo... phải chăng nhờ ngủ ổ rơm, ăn khoai lùi bếp tro của bà vú ở vùng Sơn Tây? Trái tim cậu đã sớm rung động với cảnh nghèo, tình nghèo, quê nghèo, vợ chồng nghèo, em bé chăn trâu, anh thợ chài, bác nông phu... một cách tự nhiên. Cũng như Nguyên Hồng trong truyện, không có một nhạc sĩ đưa vào tác phẩm của mình nhiều nét nghèo bằng Phạm Duy. Con mắt của nhà nghệ sĩ không bỏ xót một ai, từ những hạng người cao sang trong xã hội tới những o nghèo, cô hàng bánh ế. Nhưng rõ ràng trái tim nghệ sĩ giành cho người nghèo nhiều hơn. 

Đời Đường, ở bên Tàu đã có cô gái tên Liễu Kim Huê yêu anh chàng ở đợ tên Tiết Nhơn Quý, đã ném cho chàng cái áo bông đắt tiền giữa đêm đông rồi hai bên thành vợ chồng.
Đời Tống bên Tàu có Bao Công đi chẩn bần cho dân đói. Và vị đại thần này đã chui vào tận lò gạch để thăm nghèo hỏi khổ nhân dân. Phạm Duy là nhạc sĩ của mọi lứa tuổi và là của riêng người nghèo. Phạm Duy đã thấy hoàn cầu mơ khúc đại đồng ca mà không phải phá biên cương, không cần phanh thây uống máu ai, càng không cần xâm lăng nước khác. Phạm Duy chỉ đàn hát vì con người. Tình yêu đây là khí giới, đó là tư tưởng của Phạm Duy. 
Sau đây là một giọt mưa thần kỳ khác nối tiếp giọt mưa tí tách từ Phố Buồn. Bài ''mưa'' này là một cảm xúc tự nhiên, rất cá nhân chủ nghĩa, không có lập trường vô sản (!) như Phố Buồn, nhưng tôi tin chắc rằng vô sản hay tư bản cũng có thể đều thích như nhau. Bài hát nhan đề Mưa Rơi:
Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu thiên thu đến cho ta
Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa
Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ
Mưa trôi về đời ta, mưa xây nhà âm u
Mưa giăng vải màn sô nuôi giấc mơ
Mưa rơi vào lòng ta, mưa rơi vào tình ta
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta
Mưa rơi, và còn rơi, không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi.
Mưa rơi ngoài đường đêm, 

đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quít dưới chân êm
Mưa rơi lạnh trời đen, 

mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhè nhẹ một ca khúc không tên
Mưa to nhỏ trìn miên, mưa trên đầu vô biên
Mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền...

Mưa rơi, vẫn mưa buồn, nhưng giọt mưa ở đây biến động. Nghệ sĩ cho nó một chức năng. Mưa biến hóa vô biên. Mưa chẳng những rơi vào đời ta, mưa rơi vào tình ta, mưa còn làm ta bạc đầu, mưa còn nuôi giấc mơ ta, mưa chẳng những đưa em về nhà, mưa còn xây nhà cho em, mưa lại làm men nồng cho tình ta, mưa ấp ủ tình ta, mưa nhỏ to tâm sự với ta. Anh chàng mưa tị nạn này gets một mình đúng 10 cái jobs. Một mưa mà biến thành trăm tình, một mưa chia dòng lệ ra thành chín con thơ. Giọt mưa thần kỳ. Không còn có thể cho mưa thêm một chức năng nào khác. Với những rung cảm sâu xa, Phạm Duy cho ta sống với mưa đầy đủ nhất. Cảm xúc mơ hồ bàng bạc nào về mưa mà ta chưa hoặc không nói được, Phạm Duy đã nói hết dùm cho ta rồi. Phạm Duy làm cho ta thấy yêu mưa trong trời đất cả mưa trong lòng ta hơn. Phạm Duy làm cho ta chợt nhớ ra rằng mưa từ ngàn xưa, và vì chúng ta mà mưa rơi. Mưa không phải chỉ là sầu thiên thu như mưa của Đặng Thế Phong, mưa đẹp, mưa làm ta không bao giờ nguôi yêu người tình, cũng như mưa không bao giờ ngưng rơi cả. 

Một giọt mưa, một trận mưa không là gì cả. Nhưng nhà nghệ sĩ đã làm mỗi giọt mưa thành một dấu nhạc tình, tình người, tình yêu, tình vui, tình buồn, tình mơ, tình thực... biến giọt mưa thành những ngón tay phàm, tay tiên. Giọt mưa vô biên, từ trời buông xuống. Không có ai có thể thay trời làm mưa được. Giọt mưa trong vũ trụ. Vũ trụ trong giọt mưa.
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi dài mộng dài
Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời...

Nếu giọt mưa rơi được nghệ sĩ cho nhiều chức năng như ta thấy ở trên thì ở đây, giọt mưa trên lá chứa đựng cả vũ trụ, một giọt mưa có một không hai, sâu thẳm, long lanh hơn cả giọt mưa của Verlaine mà người đời cho là bất hủ.
Giọt Mưa Trên Lá cho ta thấy cái thế giới mênh mông ấy trong một hạt mưa nhỏ bé, nhưng không phải một thế giới lộn xộn lừa đảo, không phải một thế giới chợ trời, không phải một thế giới xanh xanh xám xám, đỏ lộn đen... mà là một thế giới tự do công bình bác ái. Một thế giới có nước mắt mẹ già, khóc con chết vì chiến tranh phi lý, có nước mắt vợ trẻ mừng vì dứt chiến tranh chồng sống sót trở về, có tiếng khóc của trẻ sơ sinh, có tiếng ru tình già, tình trẻ, có tiếng vui tiếng buồn của sum họp chia ly, lâu mau, dài ngắn.
Giọt mưa hay trái đất? Trái đất hay giọt mưa? Giọt mưa hóa ra trái đất, cái trái đất có Phật về, có Chúa ngự, giọt mưa như bàn tay nhiệm mầu xoa vết thương trần thế, giọt mưa như giọt máu chảy từ tim Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. Giọt mưa là kiếp luân hồi vòng quanh tử sinh, hay là gạch nối liền hai cõi tử sinh? Giọt Mưa Trên Lá là bài hát hay nhất thế giới mà tôi được biết. Phạm Duy là nhạc sĩ duy nhất tả đến tận cùng một giọt mưa. 
Xuân Vũ
Theo http://phamduy.com/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...