Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Thơ và ca khúc viết về mùa thu, ngày khai trường

Thơ và ca khúc viết về 
mùa thu, ngày khai trường
Với nhiều người, dẫu rằng tóc không còn xanh, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng trống trường rộn rã, tưng bừng mừng năm học mới là lại thêm một lần bồi hồi, xao xuyến, hoài niệm. Tiếng trống tựu trường sao thật ấn tượng khó phai! Có lẽ suốt đời in trong tâm tưởng, gắn với kỉ niệm về một thời học trò trong sáng bên thầy cô, bè bạn, nơi những ngôi trường.
Những lời thơ và ca khúc và hay viết về nhà trường - mùa thu - mùa khai giảng luôn được đông đảo phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo đón nhận. Như một đề tài quen thuộc mà không mòn cũ, vẫn sống động, là chuyện muôn thuở của cuộc sống hôm qua, hôm nay. Vào đây ta như bước vào một khu vườn đa sắc, đa thanh, vẹn nguyên cảm xúc về ngày đầu đi học - những buổi mai khai giảng trời thu sáng trong, thanh khiết đến nao lòng, những kỉ niệm về trường lớp cũ… Đã mang đến cho mỗi người bao cảm nhận tinh tế.
Trước hết hãy cùng nghe ca khúc Mùa thu ngày khai trường của nhạc sĩ Vũ Trọng Tường. Giai điệu âm nhạc giục giã nâng cánh cho ca từ vút lên trong trẻo, chân thành:
Tiếng trống trường rộn rã, làm tan cái nắng hè, dịu đi những tiếng ve còn vương trên vòm cây xanh lá. Mùa thu sang đẹp quá xao xuyến bao tâm hồn, vui tiếng trống tựu trường trong tiếng hát mùa thu…
Trong lời hát nghe như có cả nhịp chân sáo tung tăng nhảy múa của tuổi thơ, sau mấy tháng hè giờ được reo vui bên bạn bè, trường lớp, cùng hoan ca với tiếng trống mừng họp mặt, giữa một thiên nhiên - không gian trời thu đẹp tươi, sáng trong, xanh biếc. Ca khúc ra đời vào năm 1980, cách đây hơn ba thập kỉ và vẫn được đông đảo giáo viên, học sinh yêu thích. Nhạc sĩ cho biết ca khúc hình thành khi ông được mời dự lễ khai giảng tại trường Mạc Đĩnh Chi - Hà Nội. Ông vô tình ngồi cạnh chiếc trống trường. Đến khi cô hiệu trưởng giang tay đánh tiếng trống khai giảng, ông chợt giật mình. Từng tiếng trống vang lên rồi tan ra, lại nối tiếp vọng lên rồi tan ra… gợi cảm hứng cho nhạc sĩ: ngày khai trường là khi mùa hè tan ra và mùa thu ùa đến. Vậy là từng nốt nhạc và từng lời ca cứ ào ạt tuôn chảy. Cảm hứng từ tiếng trống trường âm vang như làm tan đi cái này để mời gọi một cái khác giúp tác giả sáng tạo. Ông nói rằng từ khi vỡ ra được câu hát đầu tiên thì những câu còn lại được viết rất nhanh:
Mùa thu ơi mùa thu! Mùa đi xây những ước mơ. Tung bay màu khăn thắm rực rỡ trên vai em. Mùa thu ơi mùa thu! Mùa thơm trang sách mới. Tiếng hát ngày khai trường trong sáng như trời thu.
Phải chăng nhờ vậy mà “tiếng trống” của Vũ Trọng Tường có sức lan tỏa qua nhiều thế hệ, từng được chọn dự hội diễn toàn ngành giáo dục ở Huế. Nhạc sĩ còn cho biết ông sinh vào mùa thu - mùa tựu trường của bao học trò. Ngẫu nhiên mà mùa thu, tiếng trống trường và tuổi học trò cứ gắn vào ông, hòa quyện tâm hồn, tạo chất men cho Vũ Trọng Tường viết nhiều ca khúc hay về mùa thu, mái trường, tuổi thơ. Ngoài Mùa thu ngày khai trường, còn có: Tiếng trống mùa thu, Ngây thơ tuổi hồng, Lời ru của mẹ, Chị Hằng, Hạt nắng sân trường… Trước khi công tác ở Hội nhạc sĩ Hà Nội, ông từng có nhiều năm gắn bó với ngành Sư phạm. Cùng với tình yêu tuổi thơ, môi trường sư phạm cũng là điều kiện giúp nhạc sĩ thành công trong rất nhiều ca khúc viết về mái trường, cho tuổi thơ.
Được đi học, đến trường luôn là hạnh phúc, niềm vui của trẻ em. Hoàng Minh Chính đã thể hiện niềm vui ấy qua bài thơ Đi học, được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Bao thế hệ đã hát vang, ngân nga, và cùng cảm nhận: với trẻ thơ mỗi ngày đi học của các em phải là một ngày vui, từ con đường đến trường tươi đẹp, đến cô giáo gần gũi, lớp học thân thương… Hôm qua em còn bỡ ngỡ, được mẹ dắt tay, nâng từng bước chân đi. Còn hôm nay con đường đã quen thuộc, ngôi trường không còn xa lạ, em tự tin cả trong mắt nhìn: trường be bé, cô giáo tre trẻ… cả hương rừng, dòng suối, cây cọ, cảnh vật đồi núi trung du cùng theo chân em tới trường. Những vần thơ: 
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước 
Hôm nay mẹ lên nương 
Một mình em tới lớp 
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì 
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi… 
thật gần gũi với tâm hồn, cách nghĩ của trẻ, được viết từ nỗi rung cảm chân thành, từ tình yêu tuổi thơ, mái trường của nhà thơ. Là một trong những bài thơ trong sách giáo khoa tiểu học đã đi qua nhiều thế hệ trong gia đình. Cha mẹ, cả ông bà đều vui, thú vị gặp lại bài thơ xưa mình từng học trong bài học của con cháu hôm nay.
Yêu thích bài thơ, nhưng ít người biết về tác giả. Anh hùng - liệt sĩ, nhà thơ bộ đội, thượng úy đại đội trưởng Minh Chính sinh năm 1944, quê Nam Hà, nhập ngũ năm 1963, hi sinh tháng 3/1970 tại Quảng Trị, đến giờ vẫn chưa tìm được mộ chí. Thơ của anh được in trên các báo từ năm 1964: Đường về quê mẹ, Dòng sông Công, Cô gái lái đò… Ngoài cả trăm bài thơ dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, Minh Chính còn sáng tác các điệu xẩm và làm ca dao cho bà con nghe. Bài thơ Đi học cảm hứng từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Cả 6 anh chị em được mẹ gồng gánh đi theo cha chuyên trách công tác lương thực cho chính quyền Việt Minh, tản cư lên Phú Thọ từ năm 1948, qua nhiều nẻo đường khói lửa khắp trung du. Lần đầu trong bài thơ có các câu: Chiến hào chạy giữa lớp/ chẳng sợ gì máy bay… Sau được sửa lại, viết thêm, sắp xếp lại trật tự các khổ, như bài thơ hoàn chỉnh được in trong SGK Tiếng Việt 1, tập 2 bây giờ. Hi sinh ở tuổi 26, Minh Chính đã 2 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt cơ giới, 1 bằng khen dũng sĩ diệt tàu chiến. Năm 1969 anh về thăm nhà, điều trị vết thương ở chân, trở lại chiến trường khi chân còn đi tập tễnh, để rồi năm 1970 anh đi mãi không về. Cả một thế hệ các anh đã hi sinh chuyện học hành, tình yêu, và những say mê, ước vọng của bản thân để cầm súng ra trận. Bao người đã yêu mến, trân trọng những câu thơ anh đã để lại cho đời. Tự hào và cũng tiếc thương, đau đớn thay!
Viết về cảm xúc của học sinh trong ngày khai trường còn phải nói đến bài thơ Tựu trường của Huy Cận ra đời khoảng năm 1936 trong trào lưu thơ Mới. Huy Cận mang đến cho người đọc hình ảnh những chàng trai 15 tuổi, rời quê lên tỉnh theo Tây học, hồn trong như ngọc, lòng mới nở giữa tay đời ấm áp. Cậu học sinh bước vào ngưỡng cửa trung học, ở ký túc xá nên có rương nho nhỏ, bước đầu tự lập nên có thật nhiều mơ ước trong sáng của tuổi hoa niên êm ả.
Giờ náo nức của thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc…
…Tựu trường đó; lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương…
…Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát.
Ở thế hệ sau nhà thơ Huy Cận, thuộc lớp nhà thơ trưởng thành thời kháng chiến chống Mỹ, nhà giáo, nhà thơ Quang Huy hiện sống ở Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều bài thơ có cái nhìn quan sát thiên nhiên mùa thu thật tinh tế: Mùa thu của em (Sách giáo khoa Tiếng Việt 3, tập 1), Nét mùa thu… Trong Mùa thu của em ta bắt gặp nhiều niềm vui của tuổi nhỏ vào mùa thu: 
mùa hoa cúc nở vàng - như nghìn con mắt 
mở nhìn trời êm; 
mùa cốm mới - mùi hương như gọi
từ màu lá sen; 
mùa trung thu - rước đèn họp bạn 
hội rằm tháng tám 
chị Hằng xuống xem; 
mùa khai trường - bạn thầy mong đợi
lật trang vở mới 
em vào mùa thu. 
Phải rất yêu tuổi học trò, hiểu trẻ em, tác giả mới nói được bao cảm xúc, ước ao, hạnh phúc khi thu về - mùa của đàn em nhỏ với điệp khúc nhấn mạnh “mùa thu của em” mở ra ở câu đầu trong 3 khổ thơ đầu và khép lại ở dòng cuối, khổ cuối. Còn trong bài Nét mùa thu, tác giả khám phá thu về rất riêng: 
Như còn níu lại mùa hè
Chùm hoa phượng đỏ tiếng ve cuối tường
Nhặt khoan cuốc gọi sau vườn 
Diều anh như mảnh trăng non giữa trời. 
Như mùa đông đã đến rồi 
Gió se lạnh tự chân trời gió lên 
Sương chiều như lạ như quen
Bên sông lá đổ mũi thuyền vàng khô
Là mùa thu đó. Mùa thu 
Tặng bông cúc nở vô tư trước thềm 
Mặt hồ gương kín đài sen 
Trời cao nâng bỗng tiếng chim mơ hồ. 
Là mùa thu đó. Mùa thu 
Vầng trăng như chẳng bao giờ đẹp hơn 
Mùa em cắp sách tựu trường
Cánh khăn đỏ mãi bay vờn gió thu.
Cùng viết về mùa thu, khai trường theo bút pháp truyền thống, nhưng qua các ca khúc và một số bài thơ nêu trên đã có cách lập tứ, cách khai thác đề tài rất riêng, mang đến sự thú vị cho người nghe, người đọc, góp phần làm phong phú thêm cho các sáng tác viết về nhà trường, mùa khai giảng.
Bài viết có tham khảo các tài liệu sau:
1. Báo Giáo dục thời đại - số đặc biệt tháng 9/2004: Trang thơ viết về nhà trường (Lời giới thiệu của nhà văn - nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi).
2. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2, 3.
3. Sông Lam. Bài viết về Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường. Báo Giáo dục và thời đại chủ nhật.
 Nguồn: vanhocquenha.vn
Theo http://tonvinhvanhoadoc.vn/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...