Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Nghệ thuật trang trí trống đồng - Tinh hoa văn hóa Đông Sơn

Nghệ thuật trang trí trống đồng
Tinh hoa văn hóa Đông Sơn
Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, phản ánh một thời kỳ phát triển văn hóa rực rỡ mà chủ nhân là những người Việt cổ. Nói đến Văn hóa Đông Sơn là nói đến trống đồng, bởi ở đó tập trung cao nhất những ý niệm về vũ trụ, những quan niệm nhân sinh.
Đông Sơn là tên một làng nằm ở bờ sông Mã, cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km về phía thượng nguồn (thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Năm 1924, người nông dân tên gọi Nguyễn Văn Lắm ở làng Đông Sơn khi ra bờ sông Mã câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng ở nơi bờ sông sạt lở.
Văn hóa Đông Sơn đã làm chủ hoàn toàn nguyên liệu và chế tác ra nhiều loại hình công cụ, vũ khí, trang sức bằng đồng tinh xảo nhất còn lại cho đến ngày nay...Tuy nhiên, niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú. Trống đồng của tổ tiên ta không giống hẳn các trống đồng tìm được tại các quốc gia khác ở vùng Đông Nam Á, mà lại khá nhiều về số lượng, dày đặc về mật độ phân bố, trau chuốt về đường nét và tinh tế về thẩm mỹ cũng như kỹ thuật chế tác, chứng minh rằng nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ đã phát sinh trưởng thành ngay tại bản địa.
Những trống đồng Đông Sơn dù to nhỏ khác nhau, thời gian đúc sớm muộn khác nhau nhưng đều thống nhất về kiểu dáng gồm 3 khối hình học cơ bản chồng lên nhau:
- Đế trống hình chóp cụt.
- Thân giữa là khối trụ
- Phần tang ở trên là một phần của khối chóp cầu bị cắt lát để ngửa.
Ba khối hình học trên khác nhau nhưng lại kết hợp hài hòa làm cho trống có các phần cân đối, vững chãi, sinh động.
Trống đồng Đông Sơn đã đẹp về tạo dáng lại càng đặc sắc hơn về lối tạo hình trong trang trí mang tính biểu tượng về những ý niệm vũ trụ, phong tục tập quán của đời sống con người. Tất cả vũ trụ, trời đất, sông núi, muôn loài...chỉ có thể xác nhận bằng trí tuệ con người và thống nhất một chủ đề là cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời đại các vua Hùng. Trong các trống đồng tìm thấy, tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ (Nam Hà); trống đồng Hoàng Hạ (Hà Tây); trống đồng Cổ Loa (Đông Anh); trống đồng đền Hùng (Phú Thọ) và trống đồng Đa Bút (Vĩnh Thịnh, Quảng Xương TH).
Bố cục mặt trống là những vòng tròn đồng tâm, bao lấy mặt trời hình ngôi sao nhiều cánh: 8- 12 - 14- 16 cánh... tượng trưng cho mặt trời là dương, các vòng tròn tỏa rộng tượng trưng cho mặt trăng là âm. Đường đi của các họa tiết được trang trí trên mặt trống theo chiều ngược kim đồng hồ cũng là quan niệm lấy âm lịch làm trục thời gian trong sự vận hành chuyển hóa vũ trụ. Các họa tiết trang trí trên trống đồng là sự kết nối phong phú đa dạng vừa thể hiện triết lý phương Đông vừa thể hiện tư duy nông nghiệp đầy chất sáng tạo mang tính biểu tượng cao.
Họa tiết mặt trời là mảng lớn đặt chính giữa bề mặt trống được mô phỏng bằng các nét thẳng, tạo góc nhọn hình tia đều nhau làm người xem liên tưởng tới tia chiếu của ánh hào quang từ mặt trời. Mặt khác, nó là sự tượng trưng cho sự khuyếch đại của âm thanh, sự giãn truyền của sóng tưởng chừng không giới  hạn.
Trong những hình trang trí trống đồng Đông Sơn, nổi trội lên là những hình sinh hoạt của con người, hầu hết là những hoạt động tập thể. Đó là những họa tiết hình người khoác áo lông chim, đội mũ cắm lông chim, là những chiến binh cầm mộc, cầm rìu hay đang chèo thuyền trong lễ hội. Hoạt động ít người là hình đang giã gạo với đường nét đơn giản được chắt lọc từ hiện thực đời sống. Tính chủ đạo cho ta thấy con người hòa với thiên nhiên lao động sản xuất, đánh bắt cá, săn bắn thú rừng, nhảy múa và thổi kèn. Con người cầm vũ khí bảo vệ đất đai và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh đều biểu cảm bằng con mắt tròn to gần kín khuôn mặt nghiêng, thân người nhìn thẳng trùng hợp với phong cách của nghệ thuật cổ Ai Cập.
Với đặc điểm là cư trú vùng hạ lưu của các con sông lớn, người xưa coi thuyền là nhà của mình, đi lại bằng thuyền, ở trong thuyền ... Hoàng Nam Tử đã viết: “Người Hồ thạo đi ngựa, người Việt thạo đi thuyền”. Văn hóa “thuyền” đã là dấu ấn in đậm trên họa tiết trang trí trống đồng. Nhìn về góc độ nghệ thuật thì họa tiết hình thuyền hầu như chiếm vị trí duy nhất trên bộ phận tang trống. Những chiếc thuyền to đẹp, đường nét mềm mại hình cánh cung, hai đầu cong vút được cắm lông chim, giữ thuyền có “lầu” với những hình mái chèo, hình người được sắp xếp đứng ngồi tạo sự thay đổi về nhịp điệu, phóng khoáng về đường nét. 
Tư duy của người Việt cổ còn mang đậm hình ảnh “ con cò bay lả bay la”; những cánh chim Lạc, chim Hồng là sự hóa thân vào con chim Hạc được cách điệu cao và phân bố dày đặc trên mặt trống: chim bay, chim đậu, chim đứng chầu mỏ vào nhau ... xen kẽ với hình hươu và thuyền.
Một dạng họa tiết khác góp phần không nhỏ tạo nên giá trị nghệ thuật của trống đồng là các họa tiết hình học cơ bản: hình rẻ quạt được xen kẽ giữa các cánh sao như những tia sáng, là nét đệm chuyển tiếp làm nền cho họa tiết chính. Họa tiết răng cưa là một cách thể hiện khác của họa tiết rẻ quạt, đó là sự tỏa ra của vầng hào quang mà chủ là mặt trời. Các vòng ròn nối nhau có điểm chấm ở giữa có thể hiểu là sóng nước, là hình trang trí điểm xuyết cho diềm trống. Họa tiết chữ S biểu thị cho chớp. Đó chính là tính ước lệ cho nghệ thuật trang trí trống đồng Đông Sơn.
Theo dòng chảy lịch sử, văn hóa Đông Sơn với đỉnh cao là nghệ thuật trang trí trống đồng đã lùi xa cách thời gian của chúng ta ngót trên 2000 năm nhưng hình bóng của một nền văn hóa văn minh dân tộc vẫn còn tiềm ẩn đến ngày nay trong đời sống của các dân tộc Việt Nam, là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Giữa 54 dân tộc anh em với nhau  trên dải đất Việt để vang vọng mãi hai tiếng “đồng bào”.
Họa tiết hình “con thuyền- ngôi nhà” trên trống đồng Đông Sơn chính là hình ngôi nhà của người Kinh- Mường- Thái phía bắc, hình “tuyền” trên trống đồng còn hóa thân vào mái ngôi nhà Rông của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hình chim Hạc trên trống đồng Đông Sơn được tạc bằng gỗ đặt ở đàu hồi nhà sàn người Thái, trên hoa văn thổ cẩm người Thái Mường phía bắc...v.v...
Tự hào biết bao nghệ thuật trống đồng Đông Sơn- văn hóa Đông Sơn; càng tự hào hơn khi trống đồng Đông Sơn còn trong tư cách trống trận trong lịch sử  mà tướng giặc khi nghe tiếng trống của người Việt đã sợ bạc cả tóc:
Bỗng lòe gươm sắt lòng thêm đắng
Rộn tiếng trống đồng tóc đốm hoa
(Trần Phu)
Phương Mai
Theo http://sentichmich89.blogspot.com/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...