Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Chút tình đã cũ

Chút tình đã cũ
Tôi nhận được thư nhỏ Mai từ Mỹ gởi về vào những ngày giáp tết Nguyên đán. Trong thư, ngoài những lời lẽ thăm hỏi và chúc mừng, nó còn nhắc lại những kỷ niệm thuở hai đứa còn ngồi ghế nhà trường. Nó cũng nhắc đến Tân, anh chàng “trưởng lớp” của chúng tôi ngày xưa mà nó vừa tình cờ gặp lại ở Cali và nói là đã gặp lại “chút tình đã cũ”. Tôi chợt mĩm cười vì cách dùng chữ có vẻ ngộ nghĩnh của nó. Mà suy cho cùng nó nói cũng đúng, chuyện tình cảm học trò ba mươi mấy năm rồi mà không cũ sao được…
Chúng tôi bước vào những năm cuối cùng của thời trung học khi cuộc chiến dai dẵng ở Việt Nam đã sắp đến hồi kết thúc. Còn nhớ năm học cuối cùng, cả miền Nam dường như xôn xao hơn bình thường. Những buổi học trên lớp luôn kèm theo tiếng ì ầm đâu đó phía chân trời và những tin về chiến sự không mấy sáng sủa cho phía quân đội Sài Gòn. Thật ra những xôn xao ấy đã bắt đầu từ mùa xuân năm bảy lăm, khi đứng giữa thủ đô Sài Gòn người dân vẫn nghe rõ tiếng đại bác u u vọng về từ đâu đó. Thế hệ chúng tôi là thế hệ học sinh lớp cuối bậc trung học trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này. Khắp các thành thị của cả dãy miền Nam Trung bộ đang rùng rùng chuyển động. Dăm ba lời kêu gọi “tổng động viên” rời rạc vang lên trong các trường trung học càng làm cho chúng tôi hiểu phe miền Bắc đang đến gần. Và lúc này giọng ca Khánh Ly “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” chợt trở nên thấm thía hơn bao giờ hết. Những buổi học đôi khi bị ngắt đoạn giữa chừng bởi những lời kêu gọi hiến máu cho binh sĩ bị thương từ các chiến trường tải về các quân y viện mỗi ngày một nhiều. Nhớ có một lần “trưởng lớp” của chúng tôi lên tiếng phản đối thật gay gắt. Anh đứng ra trước lớp và nói với chúng tôi, đại ý là cuộc chiến tranh đang đến hồi tàn cuộc, và mỗi người chúng tôi hãy tự thương lấy bản thân mình. Anh ta nói nhiều và hay lắm, bây giờ tôi không nhớ được hết, chỉ biết lúc đó chúng tôi đã xuýt xoa anh chàng nói hay thiệt, có sức thuyết phục lắm! Thầy giáo dạy bộ môn chỉ ngồi gật gù không nói năng gì. Khi chúng tôi lên tiếng hỏi thầy chỉ đáp thản nhiên và lấp lững: “Tùy vào phán đoán của các anh chị thôi. Tân nó nói đúng đó… và có thể biết rằng chiến thắng sẽ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa…”
Thật ra bọn con gái chúng tôi không để ý gì nhiều về thời cuộc. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, cuộc sống không giàu có dư dật nhưng cũng tương đối vừa phải, chúng tôi sống vô tư trong sự bình an của thị thành, không cả lo cả nghĩ như các bậc cha mẹ mình. Chỉ biết khi có những sự cố gì đó được nghỉ học là vui rồi. Xì xào bàn tán một hồi cuối cùng bọn chúng tôi cũng đứng dậy rần rần bỏ lớp ra đường, chỉ còn một nhóm nhỏ con trai ở lại. Thật ra chúng tôi chỉ mượn cớ để… đi chơi. Nhóm Loan -Điệp - Thu đi dạo biển, nhóm Vân – Phương - Nga đi chợ, nhóm Mai - Yến và tôi đi ăn kem còn các nhóm khác đi về nhà hay đến rạp xi nê tùy theo “vốn liếng” nhỏ nhoi mang theo trong cặp…
Cho đến giờ tôi vẫn không tìm hiểu xem các con mình có kết bạn theo từng nhóm sở thích như chúng tôi ngày xưa hay không nhưng đối với chúng tôi lúc bấy giờ tình bạn quả là sâu đậm. Mối thân thiết gắn bó đến nỗi mỗi nhóm đều chọn một màu mực riêng cho nhóm mình. Nhóm Hồng Loan hay mơ mộng chọn màu mực tím. Nhóm chúng tôi lập dị chọn màu đen tuyền để gây “ấn tượng”, nhóm Bạch Vân yêu báo “Tuổi Ngọc” nên chọn màu xanh dương còn nhóm Ngọc Lan chọn màu xanh đen. Các anh chàng lớp tôi thì đơn giản hơn, cứ ra tiệm sách mua mực Pilot blue black pha sẵn đem về dùng. Riêng trưởng lớp Tân bắt chước chúng tôi sử dụng mực đen, chỉ vì một lý do anh ta hơi có tình ý với nhỏ Ngọc Mai.
Đầu tháng ba, thầy giáo phụ trách lớp tôi tổ chức chuyến đi picnic ở Bãi Dương vào một ngày chủ nhật. Tôi còn nhớ hôm ấy trời rất đẹp, bãi biển như trải dài ra với những đợt sóng êm vỗ nhẹ vào bờ cát. Bãi cát dưới chân rừng phi lao rộng và mát mẻ đủ cho chúng tôi đùa nghịch đủ trò. Những bộ quần áo thể thao gọn gàng thay thế cho tà áo dài và những chiếc sơ mi trắng thường ngày cho phép chúng tôi tha hồ nghịch phá. Sau một hồi vui đùa mệt đứ đừ, chúng tôi túm tụm nhau lại thành từng nhóm quanh những chiếc trại nhỏ được dựng lên vội vàng bằng những tấm poncho của lính. Cây ghi ta bập bùng giữa một nhóm bạn phía xa xa. Có tiếng ồ ề của mấy thằng bạn cùng lớp: “Ta cùng lên đường đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng xa, vác những cây rừng to về nơi đây ta xây lại nhà. Dựng nhà mới cho dân ta về, dựng nhà mới cho làng quê…” (nhạc TCS). Rồi đến giọng đơn ca của nhỏ Cẩm Phương: “Nắng nóng cháy da đã về rồi trên thân người đẹp tôi. Bão tố buốt xương cũng về rồi cho thêm tàn phai…”. Cả lớp yên lặng chăm chú lắng nghe vì giọng ca của nhỏ hay nhất lớp. Bài hát với âm giai nghe buồn buồn như lời than thở mênh mông đâu đó. Giọng ca nhỏ dần và kết thúc với hai câu hát mà mãi tới giờ tôi vẫn còn nhớ: “…Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều, ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu…”. Tôi vốn không có khiếu văn nghệ nên cũng chẳng để ý biết bài hát của ai, chỉ nhặt ra được dăm ba câu hay hay để nghêu ngao rồi nhớ nhớ một cách vô tình… Giờ đây thỉnh thoảng hồi ức đi rong lại đôi khi bắt gặp những câu hát cũ. Những câu hát vô tình thuở nào bất chợt trở nên có ý nghĩa vô cùng… Không khí vui tươi của buổi picnic chợt như chùng xuống, mọi người lại quay về với thực tại, xôn xao bàn tán về những gì sẽ xảy ra nay mai trong nỗi lo lắng xem lẫn chút ít vui mừng. Trên đường về, tôi rẽ xe đạp ra sau lưng tháp Bà hướng ra phía bờ sông. Dòng sông Cái vẫn lặng lẽ trôi in đầy dấu tích tuổi thơ tôi qua từng trưa từng chiều nhạt nắng. Năm ấy tôi đã gần mười tám tuổi.
Ngày mười tháng ba năm bảy lăm quân miền Bắc đánh chiếm Ban Mê Thuột, quân Sài Gòn rút chạy theo tỉnh lộ bảy về thị xã Tuy Hòa. Rồi từng đoàn người di tản ào ạt tràn về phía Nam, không khí như đặc quánh lại vì khói và bụi. Xe cộ lũ lượt ngày đêm xuôi ngược tiến về hướng Sài Gòn. Chúng tôi vẫn đến trường mỗi ngày nhưng hình như không còn học hành gì nữa. Thầy trò ngồi yên lặng nhìn nhau và chờ đợi. Chờ đợi một nỗi bất hạnh nào đó mơ hồ không rõ nghĩa, hay chờ đợi một điều gì đó đã rõ ràng nhưng chưa tiện nói ra.. Rồi bắt đầu lác đác có người ra đi. Vài đứa bạn đến lớp chào tạm biệt với con mắt đỏ hoe để theo gia đình di tản… Rồi đến một ngày, không cần lệnh ai, cả trường chúng tôi tự động giải tán. Ba tôi đưa gia đình tản cư về một vùng nông thôn gần đó để phòng tránh tai bay đạn lạc. Nhà tôi đào hai cái hầm thật to để tránh bom. Hàng ngày chúng tôi chỉ được phép đi ra đi vào trong cái xóm quê nhỏ bé ấy, nấu cơm ăn rồi ngủ vùi hay đọc sách, chờ nghe tiếng sung nổ hay tiếng bom hú là vội chạy ra hầm.
Ngày hai tháng tư, quân miền Bắc tiến vào Nha Trang, đi ngang chỗ chúng tôi ở và tiếp tục tiến về phía Nam… Đến lúc này nghe tin nhà ngoại tôi ở Tuy Hòa vẫn bình an và mấy cậu tôi đã thoát chết từ các chiến trường trở về, má tôi vui mừng lau vội hai hàng nước mắt. Rồi hai quả bom rơi vào thành phố gần xóm nhà tôi ở khi chiến sự đang diễn ra ở Phan Rang. Tôi vội vả đạp xe chạy về ngơ ngác nhìn hố bom tròn to ngay giữa cầu Xóm Bóng mà tưởng như tuổi thơ mình đang bị sứt mẻ. Quả kia rơi vào xóm nhà dân dưới chân tháp Bà và đã có nhiều người chết trong đống gạch ngói hoang tàn… Tôi bàng hoàng đạp xe ra phía bờ sông. Sông vẫn trải dài trước mắt tôi và tôi như nhìn thấy sông đang vừa mừng vui vừa dập dềnh thương nhớ…
Chúng tôi lại gặp nhau sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Vẫn còn đầy đủ các nhóm nhưng hình như nhóm nào cũng thiếu vắng đôi ba người. Nghe phong phanh có đứa đã di tản sang nước ngoài, có đứa ở lại luôn trong thành phố. Cũng bùi ngùi nghe tin nhỏ Vân Bích - cô bé nhỏ con nhất lớp - bị đạn chết trên đường di tản… Len lõi một nỗi ngậm ngùi trong lòng mỗi người. Chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau mà không nói được gì. Bước vào tháng sáu, chúng tôi được tập trung lại theo khu vực liên trường để học nốt chương trình năm cuối cấp trung học. Một số thầy cô vừa từ căn cứ về, vừa ở miến Bắc vào cùng với một ít thầy cô cũ tham gia giảng dạy theo chương trình học mới. Một không khí học tập lạ lẫm diễn ra vừa sôi nổi vừa ngỡ ngàng. Tháng tư xôn xao đã đi qua, chúng tôi cũng xôn xao bước vào cuộc sống mới… Trưởng lớp Tân được bầu làm tổng thư ký liên lớp mười hai và hoạt động rất tích cực trong các hoạt động đoàn thể suốt ba tháng học bù sau đó. Nhỏ Ngọc Mai bỗng trở chứng. Nó không còn ngoan hiền như trước nữa. Nó thường hay tranh luận gay gắt với một số thầy cô giáo mới. Tôi lựa lời khuyên can nó nói kệ tao, tao không chịu được cách dạy và học như thế này. Tôi nói coi chừng không được thi tốt nghiệp nó bảo không cần. Và quả thật năm đó nó bị kỷ luật không được thi tốt nghiệp. Nó lặng lẽ rời bỏ chúng tôi, bỏ luôn trưởng lớp Tân mà một thời nó từng yêu mến.
Cuộc sống bắt đầu khó khăn, tôi bận bịu với việc chuẩn bị thi vào trường sư phạm vì tôi muốn đi làm ngay để có điều kiện giúp đỡ gia đình. Ba má tôi lúc này đã chuyển hẳn về quê cũ. Căn nhà tôn ở phố được bán rẻ cho người khác nên vốn liếng chẳng là bao. Tôi học sư phạm cấp tốc trong sáu tháng rồi ra trường đi dạy ở một tỉnh kề bên. Bạn bè xưa ít khi còn gặp lại. Mà thỉnh thoảng có gặp lại ai đó thì cũng ít biết thêm về người khác. Chỉ biết cùng đi dạy với tôi chỉ có đôi ba người, số còn lại lưu lạc lung tung và làm đủ thứ nghề. Hoài Phương bán hàng ngoài chợ, trưởng lớp Tân thi đậu vào đại học, Bạch Vân theo ngành thương nghiệp, Hồng Loan lấy chồng xa xứ… Rồi ít lâu sau tôi được tin Ngọc Mai, Cẩm Phương và Phi Yến bị bắt vì tội vượt biên, đã được đưa đi cải tạo. Chỉ biết lo lắng bâng quơ và cầu may cho chúng nó.
Nhưng thật bất ngờ tôi gặp lại Ngọc Mai trong một lần nhỏ cùng đội văn nghệ của trại cải tạo A30 xuống diễn ở thị xã. Tôi hẹn buổi chiều sau giờ dạy sẽ đến thăm. Anh công an phụ trách bằng lòng cho tôi bảo lãnh nhỏ Mai trong vòng hai tiếng đồng hồ. Hai đứa lang thang qua các phố phường và nói đủ thứ chuyện. Tôi hỏi nhỏ sau này khi được thả về sẽ làm gì, nó nói như giỡn: “Tao tiếp tục vượt biên”. Tôi nói: “Mày gan quá!”. Nhỏ cười: “Gan gì mà gan, liều mạng thôi”. “Thôi, bây giờ đi vô chợ, mày muốn gì tao mua tặng một thứ. Vừa mới lãnh lương đây”. Nhỏ nhìn tôi, vẽ mặt chợt ngây ra vì cảm động: “Tao thèm… một đôi guốc mày ạ”. Tự nhiên tôi thấy như nước mắt mình chực ứa ra hai bên khóe mắt…
Ba năm sau tôi lấy chồng và sinh cơ lập nghiệp luôn nơi quê mới. Chồng tôi cũng dạy học như tôi và hơn tôi khá nhiều tuổi. Anh là giáo viên lưu dung. Gia đình anh là một gia đình bình thường ở thị xã nhỏ này. Ban đầu chúng tôi ở tập thể sau được nhà nước cấp cho một lô đất. Vậy là cũng yên ổn một đời con gái… Tôi sinh được hai đứa con trong những năm sau đó. Cuộc sống cũng bình yên, tĩnh tại. Năm thì mười họa có dịp đưa con về ngoại cũng không đủ thì giờ thăm hỏi bạn bè xưa, chỉ biết nhỏ Ngọc Mai đã thực hiện được cái quyết tâm ngày nào của nó…
Cho mãi đến năm kia, trong một lần về nước nó tìm đến thăm tôi. Thật là một điều ngạc nhiên thú vị. Nó vẫn nhanh nhảu như thuở nào nhưng dáng vóc thì thật là “bệ vệ”. Tôi hỏi mày ăn gì mà mập vậy? Nó nói chẳng ăn gì cả nhưng nhờ sống vô tư. Tôi hỏi mày có gặp đứa bạn nào ngày xưa bên đó không? Nó nói có vài đứa nhưng cũng ít có điều kiện gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng nói với nhau qua điện thoại chút đỉnh rồi thôi. Tụi nó sống ra sao? Mười đứa thì hết bảy đứa li dị hay bỏ chồng. Đứa nào cũng bù đầu vào việc kiếm tiền. Ngọc Mai có chồng người Mỹ. Tôi hỏi: “Sống với nhau ra sao mày?”. Nó hỏi ngược lại tôi: “Mày nghĩ sao khi có đứa tỏ tình với mày bằng câu I love you hay bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ anh yêu em?”. Rồi nó cười phá lên nói tiếp: “Kệ! Vậy cũng yên một đời mày ạ”. Tự nhiên tôi thấy thương thương nó chi lạ.
Thư nó gởi tôi mới đây có đoạn viết: “…Vừa rồi tao tình cờ gặp lại Tân. Hình như “ổng” tham gia một phái đoàn nhà văn hay nhà báo gì đó qua làm việc bên này. Tao có mời về nhà chơi và anh chàng đã trố mắt nhìn lũ con tóc vàng mắt xanh của tao. Gặp lại Tân tự nhiên tao nhớ đến tụi mày ghê gớm. Chưa biết khi nào có dịp về thăm. Còn tình cảm riêng đối với anh ta hình như lòng tao không còn gì xao xuyến. Chỉ hơi bâng khuâng mơ hồ về “chút tình đã cũ”…
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...