Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Được yêu và phải sống

Được yêu và phải sống 
Út Nhớ mở tủ lôi mớ áo quần vừa mới giặt sạch chiều qua bỏ ra giường. Chiếc bàn ủi điện cũng vừa nóng lên kêu lách tách nhờ chiếc rờ le tự động bên trong. Ngoài đường lộ những chuyến xe chở khách, xe thồ hang chạy lên chạy xuống tấp nập. Nắng tháng chạp trải vàng trên con đường nhựa ấm áp. Út Nhớ chợt thấy vui vui. Còn không đầy tháng nữa là tết. Có lẽ đây là cái tết đáng nhớ nhất trong đời mình. Út nghĩ thầm như vậy. Mà không đáng nhớ sao được, bởi hai tuần nữa sẽ là đám cưới của Út rồi. Chắc chắn hai vợ chồng sẽ rất bận rộn trong mấy ngày đầu xuân vì vừa phải ra mắt họ hàng hai bên vừa phải đi thăm bạn bè gần xa trong thị xã…
Nếu như đám cưới của bất kỳ người con gái nào cũng là điều bình thường đối với một gia đình thì với Út Nhớ lại khác. Út mồ côi từ nhỏ. Mà cái sự mồ côi của Út cũng không bình thường: ba mất, mẹ trốn con đi lấy chồng khác. Nghĩ đến điều này tự nhiên trong lòng Út trỗi lên một nỗi giận hớn ghê gớm. Út không thể nào hình dung được một người mẹ lại có thể rứt ruột bỏ đứa con chưa tròn hai tuổi của mình để ra đi mà không hề trở lại, dẫu chỉ là ghé thăm trong chốc lát.
Thật ra cuộc đời bà Vang - mẹ của Út Nhớ - cũng khá truân chuyên  và không ít ba chìm bảy nổi. Bà lấy chồng năm mười tám tuổi và về ở phía chồng, một xã giáp ranh nằm trong vùng tranh chấp trong thời chiến. Và có lẽ đối với miền Nam đây là hoàn cảnh khá bình thường: ban ngày quân đội Sài Gòn về chiếm đóng, ban đêm rút đi và cách mạng bí mật về hoạt động. Và cũng có không ít người phải làm việc cho cả hai phía. Chồng bà Vang hoạt động cho cách mạng. Rồi đến khi thằng Nam - con của hai người - vừa tròn tuổi thì ông bị bắn chết trong một trận phục kích. Có lẽ không thể nào kể ra được nỗi đớn đau của một người vợ mất chồng, đứa con mất cha, cha mẹ mất con… mà cả đất nước này đã phải chịu đựng suốt mấy mươi năm trời. Bà Vang phải vượt lên nỗi đau để tiếp tục tồn tại nhờ vào một nghị lực mà ít khi con người rõ tên, hay như có ai đó đặt tên cho điều này là bản năng phải sống của con người.
Và hai năm sau Út Nhớ đã ra đời nhờ vào bản năng phải sống của mẹ. Trong những chuyến buôn gạo qua lại bà Vang đã yêu và làm say mê anh lính gác cầu Đà Phèn là ba của Út. Đám cưới của hai người cũng giản đơn vì mẹ Út là người đàn bà tái giá, và nhất là vì sự phản đối kịch liệt của ông bà nội Út. Cũng phải thôi vì ở xứ ta ít khi nào người ta dễ dàng ưng thuận cho đứa trai tân ưng một bà góa chồng lại đang có mang bất chính! Nhưng “con tim có lý lẽ riêng của nó”, ba Út đưa mẹ về ở tại khu gia binh trong thị xã, kể cả đứa con trai đời trước của bà. Út ra đời trong cuộc sống gia đình khá đầm ấm như vậy…
Rồi đến năm bảy lăm, chiến thắng của cách mạng đã làm một cuộc đổi đời to lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến số phận của cả dân tộc cũng như của mỗi con người. Út Nhớ mới có một tuổi nên cũng chẳng biết gì, chỉ sau này nghe kể lại rồi biết cuộc tháo chạy hỗn loạn chỉ diễn ra ngắn thôi, sau đó cách mạng ổn định lại tình hình, thiết lập chính quyền mới. Trừ những gia đình di tản, cả nhà Út ở lại thị xã và qua cơn binh lửa một cách bình yên. Ba Út chỉ bị đi học tập dăm ba tuần rồi được thả về nhà.
Hòa bình rồi mọi người lục tục trở về quê. Ông nội Út chia đất cất nhà cho các con trai: bác Sáu ở nhà từ đường, bác bảy, ba Út thứ tám và chú Chín mỗi người một lô riêng. Còn chút ít lưng vốn, mỗi người xây lại một căn nhà ở giáp ranh với nhau. Những căn nhà mới xây được tô vôi và kẻ màu khá đẹp mắt. Nhưng chỉ là ở bên ngoài thôi bởi những ngày đầu sau chiến tranh nguyên vật liệu rất khan hiếm nên chí có giàn cột kèo là bằng gỗ tốt còn xi măng trét tường chỉ là pha chế giữa vôi, cây bồ lời và nước mật đường. Bởi vậy nên khi lớn lên Út Nhớ thấy vách tường cứ tự nhiên vỡ ra từng mảng lớn, phô hàng gạch thẻ đỏ au phía bên trong. Sau giải phóng mọi thư đổi thay nhiều và vì vậy bên nội Út chẳng còn ai nhắc lại hay trách móc gì chuyện ngày trước. Anh em Út sống bình yên trong sự bảo bọc của chú bác và ông bà nội. Những tưởng từ đây cuộc sống sẽ rất suôn sẻ nhưng rồi mọi sự lại đổi thay khi ba Út mắc bệnh ung thư di căn phải nằm liệt một chỗ, mọi lo lắng trong nhà đều dồn lên vai người đàn bà lận đận là mẹ của Út. Bà lại phải bương bả xuống lên buôn bán nông thổ sản với huyện miền Tây để nuôi người chồng ốm đau và hai đứa con còn quá nhỏ chưa đến tuổi ăn tuổi học. Rồi một ngày kia mẹ Út Nhớ bỗng không trở về nhà sau một chuyến đi. Người trong họ đi tìm hỏi thì mọi việc mới vỡ lẽ ra, rằng mẹ của Út đã có mối quan hệ với một người đàn ông khác ở miền Tây. Bà lỡ có thai nên xấu hổ không dám quay về. Biết chuyện ba Út chỉ nằm im trên giường bệnh không nói năng gì, vài tháng sau thì ông mất. Lúc này người chồng trước của mẹ Út được truy nhận là liệt sĩ và gia đình phía bên ấy buộc anh Hai của Út về để hưởng chế độ, Út chỉ còn lại một thân một mình…
Thật ra Út Nhớ còn quá nhỏ để có thể ý thức được mọi việc bất hạnh đang xảy ra cho mình. Út chỉ khóc nhớ mẹ vài hôm rồi lại quen dần với cuộc sống mới, cuộc sống của một đứa trẻ mồ côi phải nương nhờ gia đình chú Chín ở kề bên. Căn nhà và mấy sào ruông khoán của hợp tác xã phân cho gia đình Út được gia đình bác Sáu đứng ra chăm lo với tư cách là người giám hộ. Và Út lớn dần lên trong hoàn cảnh côi cút như cái thân cây rừng được chăm chút bởi lòng từ ái của thiên nhiên, cây cỏ. Hết lớp chín Út nghỉ học để đi học nghề. Chút vốn liếng để dành từ mấy sào ruộng do bác Sáu giữ dùm được đem ra chi phí cho một năm theo học nghề may… Và cứ như vậy Út thản nhiên bước vào cuộc đời…
Có tiếng người kêu bên hàng rào, Út rút phích điện bàn ủi chạy ra. Tiếng chú Chín: “Sao tới giờ mày chưa chịu lên miền Tây báo cho má mày một tiếng? Con này khó biểu dữ ha!”. “Từ từ vài bửa rồi con đi chú Chín à, có gì đâu mà nôn nóng. Mà chắc gì bả dìa dự đám mà mời hở chú?” Út trả lời. “Bả có dìa hay không thì kệ bả. Bổn phận mày là phải báo một tiếng cho trọn đạo làm con. Lấy chồng là chuyện đại sự một đời người. Mà dù sao đi nữa thì bả cũng là mẹ ruột của mày. Thôi! Tao không nhắc nữa, liệu mà đi sớm sớm một chút”. Nói xong chú Chín quay vào nhà. Út Nhớ đứng bần thần bên rào, nửa buồn, nửa tủi. Người ta lấy chồng là chuyện vui, Út lấy chồng thiếu đi cái ấm áp của một gia đình đầy đủ. Cũng may là từ lâu chú Chín cũng như là cha nên mọi sự đều do chú lo liệu cho Út. Nhưng dù sao cũng đâu bằng ruột thịt. Tự nhiên Út thấy cay cay nơi khóe mắt…
Người đàn bà ngồi trước mặt Út trông tiều tụy hơn là Út tưởng. Cô cố gắng tìm kiếm một nét quen thuộc nào đó từ khuôn mặt dãi dầu kia nhưng chịu. Có vẻ như ký ức những tháng ngày bên mẹ quá ngắn ngủi nên chưa có hình ảnh nào ghi dấu đậm sâu nơi Út. Đã lâu không gặp mẹ nhưng Út vẫn hiểu được hoàn cảnh của bà nhờ vào những bạn hàng buôn bán lên xuống hàng ngày gặp trong xóm. Út biết mẹ mình có cuộc sống không mấy sướng vui và đầy đủ. Ba đứa con với người chồng sau, cộng với ba đứa con riêng của ông ta quả là một gánh nặng thực thụ đối với một gia đình sống thuần bằng nghề nương rẫy. Và một bầy trẻ thất học để tham gia vào công việc kiếm sống là lẽ đương nhiên. Tự nhiên Út thấy dâng lên trong lòng mình một nỗi xót xa vô hạn.
Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ: “Thôi, có chú Chín và bên nội là được rồi Út à. Chắc má không dìa được đâu. Mà mùa này công việc thu hoạch cũng bận rộn lắm”. Tự nhiên Út cảm thấy giận dữ. Cô nói lớn tiếng: “Chắc má mắc cở chớ gì. Thôi thì tùy má đó. Đây là do chú Chín biểu, má không dìa thì thôi, từ nhỏ tới giờ tui cũng đâu cần gì tới má!”. Một thoáng nhẫn nhục chợt hiện ra trên khuôn mặt người đàn bà lam lũ: “Con trách thì má chịu, biết làm sao bây giờ? Tại cái số má nó vậy. Má cũng cố gắng lắm mà ông trời đâu có thương. Rồi có chồng con sẽ hiểu. Con người ai cũng cần có sự yêu thương và chia xẻ. Đàn bà sống mà không có đàn ông nó thiếu thốn tình cảm lắm con à. Rồi con sẽ hiểu thôi…”.
Út giận hờn quay mặt nhìn ra đường cái. Ánh chiều muộn trải trên lối đi chút ánh sáng vàng vọt, nạm vàng trên mấy cây rơm đầu ngõ. Đám bông vạn thọ của nhà ai bên kia đường trổ hoa sớm vàng chóe một góc sân. Một đàn bò đang thong thả bước đi trên con đường đất dẫn vào xóm trong. Út nhớ giận mẹ ghê gớm. Rồi cơn giận từ từ lắng xuống, nhường chổ cho nỗi xót thương. Từ lâu, ai cũng trách mẹ Út là người không biết kềm chế, nay nghe mẹ thẳng thắn bộc bạch điều đơn giản ấy ra với mình tự nhiên Út cũng thấy hơi xúc động. Bất giác cô đưa tay khẽ sờ vào cái bụng hơi lum lúp của mình mà cảm thấy xót thương mình quá đỗi!.
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...