Thẩm Thệ Hà - Một tài hoa
và nhân cách văn học
Thẩm Thệ Hà (1923-2009), tên thật là Tạ Thành Kỉnh, người huyện Trảng
Bàng, tỉnh Tây Ninh. Là con ông Tạ Thành Tàu và bà Nguyễn Thị Tám, thuộc gia
đình trung lưu. Học tiểu học tại quê nhà, trung học tại Sài Gòn, đỗ Tú Tài
Pháp. Tham gia Cách mạng từ 1945 trong ban Điệp báo Sài Gòn. Cùng nhà
văn Vũ Anh Khanh (1926-1956) mở nhà Xuất bản Tân Việt Nam. Từ 1952, dạy Việt
văn tại nhiều tư thục lớn ở Sài Gòn : Nguyễn Văn Khuê, Chi Lăng, Đức Trí,
Trần Hưng Đạo…Năm 1966, cùng Tô Nguyệt Đình (1920-1988) còn gọi là Tiêu Kim Thủy,
thành lập nhà Xuất bản Lá Dâu (1966) và hoạt động trong ban Văn-Báo-Giáo
Sài Gòn. Cả hai nhà xuất bàn đã in được nhiều tác phẩm mang nội dung đấu tranh
cách mạng. Trước 1975, Thẩm Thệ Hà viết bài và biên tập cho các báo và tạp
chí: Văn hóa, Việt Bút, Tiếng chuông, Dân tộc, Nhân loại, Tiểu thuyết thứ
bảy..., phụ trách mục “Phê bình sách mới’’ và Những áng thơ hay trên
tạp chí Phổ thông (1958-1965) của Nguyễn Vỹ (1912-1971). Sau 1975, Thẩm Thệ Hà
viết cho các báo và tạp chí: Văn, Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, Sân khấu,
Sài Gòn Giải phóng Thứ bảy, Giác ngộ. Ông là hội viên Hội Văn nghệ Tây
Ninh và hội viên Hội Nhà văn Tphố Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp ngành Văn, tôi bắt đầu làm nghề gõ đầu trẻ, dạy môn tiếng
mẹ đẻ cho học trò bắt đầu ngoài thập niên 1960. Ngoài lòng yêu nghề, yêu quốc
văn sẵn có, tôi có được sự hỗ trợ của một số sách giáo khoa và tham khảo giá trị
do những nhà giáo chuyên khoa biên soạn. Trong đó, những quyển sách viết về văn
học mà tôi tâm đắc nhất đều của Thẩm Thệ Hà. Sau ngày giải phóng, năm
2006, trong lần đi thực tế của hội Nhà văn về thăm lại chiến khu xưa, căn cứ
MTDTGPMN tại Tây Ninh, quê hương của Thẩm Thệ Hà, tôi có dịp biết thêm thân thế,
sự nghiệp và chân dung đích thực của tác giả tài năng, khả kính mà tôi đã trân
trọng từ lâu.
Với một năng khiếu đặc biệt trời cho, cộng thêm ngọn lửa đam mê bẩm sinh luôn bừng
cháy trong lòng, Thẩm Thệ Hà đã đến rất sớm với văn chương. Mới
14 tuổi, với bút danh Thành Kỉnh rút ngắn từ tên thật Tạ Thành Kỉnh (1),
Thẩm Thệ Hà đã làm chủ bút tạp chí Bạn Trẻ, quy tụ nhiều cây bút trẻ
lúc bấy giờ như: Hường Hoa - tác giả cuốn truyện “Trong vườn hương“ - Khổng
Dương (1921-1947), Đoàn Giỏi (1925-1989)...Năm 1937, ông đã có thơ đăng trên
các báo và tạp chí ở Sài Gòn và Hà Nội như: Phổ thông bán nguyệt san (Trúc
Khê chủ trương), Đồng Trinh, Chúa Nhật, Thanh niên, Điện tín...
Những bài thơ đầu tiên của Thẩm Thệ Hà đã gây chú ý nhiều cho người đọc
với thi tứ trang nghiêm, trữ tình và phong cách mượt mà, chải chuốt như: Trịnh
Đán, Phạm Thái, Xuân thanh sắc, Rồi mỗi chiều xuân... Sau cách mạng Tháng
Tám, cũng giống như nhà thơ Hoài Sơn (2) tại Cần Thơ, Thẩm Thệ Hà
chuyển hướng thơ theo nội dung cổ vũ đấu tranh để hợp với hoàn cảnh xã hội, với
các bài: Trời nổi phong yên, Tống biệt hành, Việt Nam mến yêu... Ngoài
vở kịch thơ Tình phi (Tân Việt - 1950). những bài thơ đã tạo được tiếng
vang tập trung trong 2 tập: Thâm thúy và Trời nổi phong yên (có
nơi cho là Mộng Đào) vẫn chưa được tác giả ưng ý cho xuất bản. Bắt đầu từ
sau năm 1945, ông chính thức đổi bút danh thành Thẩm Thệ Hà (có nghĩa là “lời
thề với núi sông“) trên thơ văn và báo chí để nói lên phương hướng hoạt động
của mình để đáp ứng với tình hình mới ở Nam bộ.
1/ Về
văn xuôi, Thẩm Thệ Hà để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, đủ thể loại và
được đánh giá cao:
+ Tiểu thuyết: Người yêu nước (Tân Việt Nam -
1949), Vó ngựa cầu thu (Tân Việt -1949), Gió biên thùy (Tân Việt -1949), Lưu
động (Tân Việt Nam - 1949) vừa xuất bản đã bị tịch thu, Đời tươi thắm (Lá
Dâu-1956), Hoa trinh nữ (Sống Mới - 1957), Bạc áo hào hoa (Miền Nam- 1969),...,
+ Truyện ngắn : Nàng Phượng tóc
thề (1960), Ai nghe lòng đất quặn đau (1961), Tình yêu và lý tưởng (1989), Thằng
đưa đám (1990), Lửa tình (1991)....
+ Truyện thiếu nhi: 14 cuốn
(Sống Mới và Khai Trí xuất bản từ 1968 đến 1971): Bài học thương nhau,
Con chim xanh, Tàn giấc mơ tiên....
+ Chính luận: Việt Nam trên đường
cách mạng tân văn hóa (1949)...
+ Sách giáo khoa: Phương pháp làm văn
nghị luận, Phân tích và nghị luận văn chương, Chính tả văn phạm, Quốc văn toàn
thư (soạn cho bậc Trung học Đệ nhất cấp, nay là cấp Phổ thông Cơ sở). Đây
là bộ sách giáo khoa về tiếng Việt rất phong phú về tư liệu, khoa học về phương
pháp mà tác giả đã soạn rất công phu – một quyển sách gối đầu giường cho học
trò, tôi và nhiều giáo viên dạy Việt văn trước đây.
Ngoài ra, ông còn là dịch
giả của 2 cuốn tiểu thuyết: Con đường cứu nước (Maroussia của P. J.
Satahn, Nam Việt, 1947) và Mũi tên đen (The black Arrow của S. L.
Stevenson, Sống Mới – 1969. Nhìn chung, dủ thuộc thể loại nào, hầu hết tác phẩm
của Thẩm Thệ Hà được viết cẩn thận và mang nội dung giáo dục, yêu nước lành mạnh.
Với một lòng say mê thơ văn kèm theo một năng khiếu có thể coi là hơi thở của
mình, Thẩm Thệ Hà đã dấn thân vào thế giới văn chương ngay từ thuở còn ở tuổi
thiếu niên. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, những bài thơ đăng báo trước 1945,
được ký với bút danh Thành Kỉnh, có nội dung chứa đậm tình cảm trong sáng, bằng
lời thơ nhẹ nhàng, mượt mà bay bướm. Những bài thơ này có khuynh hướng theo mạch
thơ mới bảy chữ, tám chữ rất truyền cảm nên đã thuyết phục người đọc ngay từ buổi
đầu mới xuất hiện. Đọc lại những câu thơ tiêu biểu trong các bài: Trịnh
Đán, Rồi mỗi chiều xuân, Bến đò chiều, Xuân thanh sắc, Thâm thúy, Tương tư, Làm
thơ, Giận dỗi...: “Gió cừu thổi lạc ngàn mây/ Ôi! vàng võ lắm cho gầy
nét thu/ Đời buồn như kẻ chinh phu/ Lên yên! Vó ngựa cầu thu nhịp đều“ (Trịnh
Đán) ; “Rồi một chiều kia gặp gỡ ai/ Đường mi yểu điệu, tóc trâm cài/ Chiều
xuân nâng tiếng tơ trong gió/ Khiến dậy lòng thơ mộng trẻ trai“ (Rồi mỗi
chiều xuân) hay: “Đẹp quá, nàng tiên của cõi đời/ Mộng hồng đem rải khắp nơi
nơi/ Kẻ trần ngơ ngác khi trông thấy/ Uyển chuyển mình mai, yểu điệu lời “(Xuân
thanh sắc)...
Người đọc có thể nhận ra cái giọng thơ âm hưởng giai điệu của cái tôi trữ tình,
khá gần gũi với các nhà thơ mới tiếng: Đông Hồ (1906-1969), Xuân Diệu
(1916-1985), Huy Cận (1919-2005), Nguyễn Bính (1918-1966), Hoài Sơn
(1920-2001)...: Trong thời kỳ trước 1945, thơ Thẩm Thệ Hà ở đây tuy có ước lệ ở cách dùng hình ảnh, màu sắc không mới, chưa có bước đột phá cách tân sáng tạo
nhưng vẫn có sức truyền cảm thuyết phục người đọc nhờ ở tình cảm dạt dào và âm
điệu dặt dìu, phong phú trong từng câu thơ.
Là một trí thức yêu nước, Thẩm Thệ Hà bắt đầu đổi mới
cách nghĩ và cách viết, góp phần làm thi ca chuyển mình từ sau Cách mạng Tháng
Tám: “Ta đau đớn nhưng giờ ta đã hiểu/ Tại vì sao mắt đẹp động u hoài/ Em đã
gởi mộng hồn cho đất nước/ Tấm lòng son muôn thuở vẫn không phai“ (Khóe mắt
u hoài – 1952). Như minh họa đúng theo lý tưởng của bút danh, ông sáng tác những
bài thơ mang nội dung gắn liền với cuộc đấu tranh gian khổ mà hùng tráng của
nhân dân: Trời nổi phong yên, Việt Nam mến yêu, Tống biệt hành...: Ta
hãy lắng nghe nhà thơ bày tỏ: “Bỗng ... tiếng nổ vang rền dữ dội/ Khắp trời đêm
như muôn vạn sao sa/ Tiếng quân reo như chấn động sơn hà/ Tiếng gió lộng như
chan hòa máu lệ (Sơ ca); và cả một niềm tin yêu vào ngày mai tươi sáng của
tổ quốc: “Ta sống nơi này, đất Việt Nam/ Giữa mùa binh lửa động giang san/ Lòng ta là cả niềm yêu nước/ Là cả san hà chí
dọc ngang/...Nào có quản gì cảnh máu sông/ Hồn thơ thêm nữa nợ tang bồng/ Việt
Nam! xin gởi niềm yêu mến/Củ một lòng trai đã cảm thông“ (Việt Nam mến
yêu - 1949). Vẫn với thể thơ mới quen thuộc như nhiều nhà thơ khác cùng
thế hệ, Thẩm Thệ Hà, với ngòi bút đứng đắn của mình, đã góp phần vào cuộc đấu tranh
của toàn dân.
2/ Trong nỗi ưu tư canh cánh về vận mệnh của đất nước, Thẩm Thệ Hà sớm nhạy bén ý
thức được tác dụng tuyên truyền, phổ biến của văn xuôi có phần tích cực hơn. Do
vậy, từ sau 1945, bên cạnh thơ, tiểu thuyết là bộ phận ông tập trung sáng tác mạnh
mẽ. Chính 7 cuốn truyện dài mang nội dung lành mạnh, có tính cách cổ vũ tinh thần
đấu tranh cách mạng của Thẩm Thệ Hà đã tạo nên dấu ấn rực rỡ trong nền văn học
yêu nước Nam bộ. Dưới đây, chúng ta hãy tìm hiểu qua một cuốn tiểu thuyết tiêu
biểu được nhiều nhà phê bình đánh giá là quan trọng nhất trong văn nghiệp của
Thẩm Thệ Hà.
+ Người yêu nước: là cuốn tiểu thuyết được nhà báo Dương Tử Giang
(1918-1956) và nhà văn Tô Nguyệt Đình (1920-1988) đánh giá là tác phẩm đặc sắc
nhất của Thẩm Thệ Hà, tiêu biểu cho dòng “văn chương tranh đấu“ ở miền Nam: cốt
truyện cảm động và ý nhị, hành văn trong sáng và linh hoạt. Truyện kể về nhân vật Vũ,
một thanh niên trí thức thành thị còn bở ngỡ hoài nghi trong những ngày đầu cuộc
kháng chiến. Nhưng sau đó Vũ được Bảo giác ngộ, đi theo cách mạng. Chàng lăn lội
đi các nơi, đem hiểu biết của mình hướng dẫn những người lao động ít chữ nghĩa
đi theo cách mạng. Vũ hiểu ra thêm vai trò then chốt của quần chúng nhân dân
trong sự nghiệp cách mạng: “cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân“ và“
dân là gốc”, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Hình ảnh Vũ có mặt trong tiểu thuyết “Người yêu nước “ rất gần gũi với nhân vật
“Người Đảng“ trong tác phẩm ở giai đoạn chống Mỹ cứu nước: người được giác ngộ
lại tiếp nối đi tìm người khác để giác ngộ, theo cách mạng: sau khi được Bão
giác ngộ, Vũ giác ngộ Phượng và Phượng lại giác ngộ cho cha mình.
Trong tiểu thuyết “Vó ngựa cầu thu“, nhân vật chính Sơn cũng
hiện diện cùng một vai trò như vậy : Sơn đã giác ngộ cho Lan Phương... Chân
dung của Vũ, Sơn khiến người đọc nhớ đến các nhân vật: A Châu trong Vợ chồng
A Phủ (Tô Hoài), Thế trong Đất nước đứng lên và Quyết trong Rừng
xà nu (Nguyên Ngọc), chị Ba Dương trong Một chuyện chép ở bệnh viện (Bùi
Đức Ái). Hình ảnh Vũ cũng khiến ta không thể không liên tưởng đến nhân vật Dũng
trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh (1905-1963), nhân vật Độ trong Đôi
mắt của nhà văn Nam Cao (1915-1951). Đó là những con người trí thức thành
thị đã khổ sở, bị dằn vật trong quá trình tìm đường và nhận đường.
GS. Nguyễn Văn Sâm đã nhận định đúng khi cho rằng Người yêu nước thể
hiện “một diễn trình ý thức cách mạng“ của Thẩm Thệ Hà.
Với cuộc đời cống hiến cao đẹp, hết mình cho sự nghiệp văn học
và lý tưởng giải phóng dân tộc, Thẩm Thệ Hà đã vinh dự được mọi tầng lớp quần
chúng và trí thức, văn nghệ sĩ ngưỡng mộ, ca ngợi đặc biệt về tài năng, nhân
cách của ông. Thẩm Thệ Hà là“ một nghệ sĩ đa năng“ (nhà thơ Hoàng Tấn), “một
cây bút khả kính“ (GS. Trần Hữu Tá), nhiều sinh viên, học sinh, nhà giáo, ngưỡng
mộ, trân trọng nhà văn yêu nước Thẩm Thệ Hà. Trong số đó có một nữ sinh hoa
khôi - về sau trở thành một minh tinh màn bạc nổi tiếng, đóng phim “Người đẹp Bình Dương “- đã lấy nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng để được mang họ ông,
vì quá cảm mến thần tượng của mình. Không ít giáo sư, soạn giả và văn nghệ sĩ đã
nhận định về tài năng và nhân cách của Thẩm Thệ Hà bằng những lời tán dương
trân trọng. GS. Trần Hữu Tá (Nhìn lại một chặng đường văn học), GS. Nguyễn Văn Sâm (Văn chương tranh đấu
miền Nam), GS. Nguyễn Q. Thắng (Văn học nơi miền đất mới), nhà thơ Trần Tuấn Kiệt
(Thi ca Việt Nam hiện đại), Phạm Thanh (Thi nhân Việt Nam hiện đại), Thanh Việt
Thanh (Thẩm Thệ Hà - Thân Thế và sư nghiệp).
3/ Cuộc đời và tác phẩm của Thẩm Thệ
Hà cũng được nhắc đến trong: Tuyển tập thơ, truyện ngắn thành phố Hồ Chí
Minh (Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Tphố Hồ Chí Minh), Thơ mùa giải
phóng (Nxb Sống chung), Từ điển văn học (bộ mới) - Nxb. Thế Giới,
2004.
Tóm lại, sự hiện diện của những trang văn trang trọng và tác phẩm đứng đắn viết
về Thẩm Thệ Hà, đã minh họa cho một điển hình nhà giáo, nhà văn yêu nước,
tài hoa và giàu nhân cách của vùng đất Nam bộ trong suốt cả hai thời kỳ kháng
chiến. Từ đó, tôi thiển nghĩ nó cũng mang ý nghĩa một sự tôn vinh, khen thưởng
xứng đáng xuất phát từ tâm thức quần chúng nhân dân, không kém giá trị hơn một
giải thưởng văn học nào.
(1) Nhà văn Nguyễn Bá Thế (1925-1996) bút danh: Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ- cho Tạ Thành Kỉnh chính là nhà thơ T.T.Kh do các
chữ đầu tên thật của Thẩm Thệ Hà ghép thành.
Nhưng xét kỹ, ta thấy ý kiến này chưa ổn
vì văn phong của hai tác giả không giống nhau: Ở Thẩm Thệ Hà, lời thơ óng ả, đài cát và cố
kính; còn ngôn ngữ trong các bài thơ tình của T.T.Kh như; Hai sắc hoa ti
gôn, Bài thơ đan áo...thì dung dị, tự nhiên như lời nói thường.
(2) Hoài Sơn tên thật là Ung Ngọc Ky (1920-2001), còn có
bút danh Trường Sơn Chí, một hồn thơ chiến sĩ, tác giả hai thi tập “Hương
lòng“ (Đuốc Việt-1949), “Kiếp gió sương“ (Nam Việt- 1949) là chiến sĩ có mặt trong đoàn quân của Lê
Bình tiến đánh Cái Răng, Cần Thơ (12/11/1945).
- Xem tạp chí Văn Nghệ.TP.HCM số 371 ra
ngày: 17/9/2015: “Hoài Sơn, một hồn thơ chiến sĩ “ của Nguyễn Thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét