Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Khói huyền bay lên cây

Khói huyền bay lên cây
Thuở còn là học sinh trung học, chúng tôi rất thích hai câu thơ ”Thơ viết chớ xong thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau… lơ lững… với nghìn xưa… và cứ nhầm tưởng đây là hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thật ra hai câu thơ này nằm trong bài thơ “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh với những câu thơ hay và ngộ nghĩnh thường được thế hệ chúng tôi thời ấy ưa thích và truyền miệng cho nhau nghe. Bài thơ được mở đầu bằng tứ thơ ngộ nghĩnh và dễ thương:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: gớm, sao mà nhớ thế!...
Có lẽ chúng tôi đã từng thích thơ Hồ Dzếnh trước hết bởi nét giản dị và không hàm chứa ý nghĩa triết lý cao siêu. Có vẻ như ông xúc cảm thế nào thì viết ra thế ấy. Thỉnh thoảng giữa mạch thơ nghiêm túc ông lại đưa ra một câu thơ tưng tửng khôi hài như ta thường thấy trong thơ Búi Chí Vinh hiện nay:
… Có lần tôi thấy tôi yêu
Mắt nhung, cô bé khăn điều cuối thôn
Lâu rôi tôi đã… hơi khôn
Biết cô hang xóm có còn nhớ nhau?
(Quê hương)
… Ổ rơm bác Xã thôi nằm
Chân đi guốc thấp, xỏ nhầm guốc cao
Mắt còn líu ríu chiêm bao:
“Với cho tao điếu thuốc lào, cu con!”
(Sáng quê)
Hay như trong bài “Rằm tháng giêng”:
… Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
“Lòng thành lễ phật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng”
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi…
… Nghe nói mùa này bên đất Pháp
Ngày hè dài tới… chín giờ đêm
Hẳn vì cây cối xanh tươi lắm
Nên nắng quên đi, đắm đuối nhìn…
(Paris, mùa nắng)
Thật ra thơ Hồ Dzếnh khá trữ tình và không kém phần lãng mạn. Ở miền Nam trước đây học sinh không ai không thuộc và không từng nghêu ngao đôi ba câu trong bài thơ “Chiều” của ông đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc trên nền điệu tango nhịp nhàng và quí phái:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…
Thể loại thơ năm chữ như bài “Chiều” trên đây của Hồ Dzếnh không nhiều. Có vẻ như ông sở đắc thể loại lục bát và thất ngôn nhiều hơn. Đặc biệt thơ lục bát của ông dù viết về đề tài gì đi nữa cũng không thể thiếu được yếu tố ngộ nghĩnh qua cách quan sát tinh tế. Ông đã tả về phố huyện và làng quê ông như sau:
Vài thanh đá dựng làm hè
Vài nhà tranh yếu vai kề sát nhau
Phố tôi trông dáng buồn rầu
Khó khăn của kẻ làm mầu vô duyên…
Khi vàng đứng bóng im trưa
Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường…
(Phố huyện)
Làng tôi thắt đáy lưng… tre
Sông dài, cỏ mượt đường đê tư mùa
Nhịp đời định sẵn từ xưa:
Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng…
…Trong làng lắm gái thưa trai
Nên thường có luật chồng  hai vợ liền!...
(Lũy tre xanh)
…Trên đường đê bé chạy dài
Bóng trâu trên nước bóng người trên cây
Ngoài trời mây sáng hây hây
Nước son tô loãng da ngày cuối thu
Đáy hồ mấy mắt sao lu
Và trên nón dạ sương mù quệt ngang…
(Sáng quê)
Ở thể thơ thất ngôn ông cũng rất có duyên trong sử dụng câu chữ để diễn đạt ý tình:
Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca, tiếng sang rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương…
Sắc biếc giao nhau cành bắt cành
Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh
Chim bay, cánh trĩu trong xuân ý
Em đợi chờ ai khuất bức mành?
Giữa một giờ thiêng, tình rất đẹp
Rất buồn và rất… rất thanh thanh
Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ
Em ạ, yêu nhau… chết cũng đành!
(Xuân ý) 
Đã có khá nhiều bài viết nói về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Hồ Dzếnh. Cuộc đời ông vốn không bằng phẳng và hoàn cảnh riêng cũng có nhiều trắc trở, long đong. Tuy nhiên ông cũng đã sống trọn vẹn cho đến cuối đời và tác phẩm để lại cả văn và thơ là dấu ấn riêng của một thời ông đã sống và làm việc. Đối với thế hệ chúng tôi, nói đến Hồ Dzếnh là nghĩ ngay đến những câu thơ tình chan chứa và hình ảnh của một lãng tử yêu đời:
Tôi không chọn nắng, cầu mưa
Nhớ người không cứ về trưa hay chiều
Tôi yêu vì nắng cây reo
Bướm bay vô cớ, gió vèo tự nhiên…
(Lặng lẽ)
Và:
…Chiều nào nghe xuống hoàng hôn
Tôi rười rượi nhớ, quay hồn về mơ
Chiêu Quân biệt Hán sang Hồ
Có buồn cũng đến như là… thế thôi!
(Buồn Chiêu Quân) 
Chiều 
Hồ Dzếnh - Giang Tử
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...