Đầu tiên phải kể đến “Cô láng giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quí.
Ca khúc kể lại câu chuyện tình buồn và dang dỡ của chính người nhạc sĩ tài hoa
yểu mệnh ấy:
“Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng bước phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười…”
Và
chân dung “cô láng giềng” hiện ra:
“…Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu…”
Chỉ
có chừng ấy thôi! Chỉ một chút phác thảo “đôi mắt trong đen” và “làn tóc mây
chiều” cùng với “nỗi niềm yêu” cũng đủ để hiện ra một “cô láng giềng” dễ thương
và duyên dáng. Thật ra ba tiếng “cô láng giềng” là cách goi yêu thương trìu mến
của chàng trai si tình chứ nào họ có xa lạ gì nhau, nếu không muốn nói họ đã từng
có nhiều ước hẹn:
“…Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Đôi ta còn đứng bên hàng tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly…”
Và
không chỉ có lời ước hẹn của người con gái, chàng trai kia trên bước đường
“phiêu linh” vẫn “tuy cách xa phương trời tôi không hề quên bóng ai bên bờ
đường quê, đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…”. Thế nhưng cô gái đã không
chờ đợi nữa. Không ai biết vì sao, vì sự mòn mõi của đợi chờ hay vì trong cô đã
có một hình bóng khác? Chỉ biết ngày chàng trai trở về cũng là ngày:
“Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao
Tôi biết người ta đón em tưng bừng…”
Con
sáo đã sang sông! “Cô láng giềng” đã đi lấy chồng nên:
“…Đành lòng nay tôi bước chân ra đi
Giơ tay buồn hái bồng hồng tường vi…
Cô láng giềng ơi!
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi
Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về”
Được
biết ca khúc “Cô láng giềng” được nhạc sĩ Hoàng Quí viết vào năm 1942, nội dung
là câu chuyện tình có thật của chính ông, và bài hát chỉ có lời 1. Lời 2 được
nhạc sĩ Hoàng Phú (tức Tô Vũ, em ruột Hoàng Quí) viết thêm vào sau khi ông mất.
Và nhờ đó câu chuyện tình buồn cũng trọn vẹn hơn, tha thiết hơn trên nền hợp âm
rê thứ. Để cuối cùng lắng đọng lại là một đóa tường vi và âm hưởng buồn sâu lắng.
Ba
năm sau, năm 1945, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc cho ra đời ca khúc “Cô lái đò”.
Nhưng ông chỉ là tác giả phần nhạc. Ca từ trong bài được phổ theo nguyên tác bốn
khổ thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. (Ca khúc được xây dựng trên nền hợp âm mi thứ với
những quãng lạ mang âm hưởng dân ca. Phải là một nhạc sĩ giỏi mới có thể phổ nhạc
nguyên bài thơ thất ngôn hay và thành công như vậy”. Đây cũng là câu chuyện
tình buồn, là lời hẹn ước không thành bởi sự xa cách và chờ đợi mõi mòn. Và mặc
dù nội dung không hề đề cập đến “vẻ ngoài” của “cô lái đò” nhưng chỉ cần hai
câu: “Vắng bóng cô em từ dạo ấy, để buồn cho những khách sang sông” là ta
có thể hình dung “cô lái đò” kia phải là một người có nhan sắc.
Chuyện
tình buồn bao giờ cũng là chuyện tình dang dỡ. Bởi nếu không dang dỡ thì chắc
chắn họ sẽ “nên vợ nên chồng” như đoạn kết chuyện tình cô gái đi chùa Hương của
thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Và như thế thì hết chuyện và không còn tác phẩm. Ở
đây hình như nỗi buồn dễ san sẻ hơn niềm vui và dỡ dang dễ đồng cảm hơn sự viên
mãn! Và mặc dù “cô lái đò” đã phụ người yêu đi lấy chồng nhưng vẫn để lại trong
lòng ta sự thông cảm, yêu mến. Bởi vì:
“…Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mòn mõi trông…”
Chắc
chắn “cô lái đò” không phải là người bội bạc, quên câu chung thủy. Chỉ vì sự chờ
đợi đã vượt quá giới hạn để đến nỗi “đốm lửa tình yêu tắt lụi dần” nên “chẳng
lẽ ôm lòng chờ đợi mãi, cô đành lỗi ước với tình quân”. Đó cũng là chuyện
thường tình. Nhưng nghe hai câu “bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông, cô lái đò
kia đi lấy chồng” được thể hiện bằng những quãng tám nghẹn ngào ta không
thể không thấy một chút ngậm ngùi man mác…
Năm
1952, nhạc sĩ Vũ Minh có ca khúc “Cô hàng nước” rất vui và ngộ nghĩnh. Vui và
ngộ nghĩnh bởi vì đây chưa phải là câu chuyện tình mà chỉ là mối tình thầm lặng
từ phía chàng trai si tình. Và tất nhiên dưới con mắt của một kẻ si tình thì đối
tượng bao giờ cũng đẹp. Một cách hồn nhiên, chàng trai giới thiệu về “cô hàng
nước” của mình như sau:
“…Tôi kể rằng đầu làng Ngũ Xá có nàng
Một nàng bán nước chè xanh
Người đâu trông mà duyên dáng
Và cô em chừng đôi tám…”
Rồi
chừng như cho rằng lời giới thiệu còn khái quát quá, chưa đủ để nói lên được
nét đẹp và sự hấp dẫn của cô gái, chàng trai tiếp tục miêu tả “cận cảnh” hơn:
“…Miệng cô như là hoa
Đóa hoa thật tươi, trông càng say đắm
Mắt cô đưa tình khiến bao chàng trai ngất ngây vì cô mỗi khi qua
hàng…”
Mặc dù không nói ra nhưng ta vẫn hiểu trong cái đám “bao chàng trai
ngất ngây” đó anh ta là người say đắm nhất. Cái say đắm lên đến đỉnh điểm nên
chàng trai không ngần ngại gì mà không bộc bạch tình cảm của minh - tất nhiên
là qua tác phẩm:
Ơi hỡi nàng hàng xinh xinh ơi
Má lúm đồng tiền trông duyên ghê
Làm ta say đắm bao tháng ngày
Chiếc áo nhuộm màu nâu non a
Với dáng người nàng thon thon a
Làm ta say đắm bao ngày tháng
Vì em xinh quá xinh là xinh
Nàng ơi, anh đã yêu nàng…”
Tiếp
theo là một đám cưới diễn ra thật hoành tráng, bài bản. Đám cưới to lớn và rình
rang đến độ “khắp xóm làng cùng ra xem a, người ta cầu chúc chú rễ mới
cùng cô dâu sống đến bạc đầu”. Nhưng thật tiếc! Đó chỉ là giấc mơ, là trí tưởng
tượng của kẻ si tình. Trên thực tế ngày tháng vẫn qua đi, vẫn “xa quá rồi em
người mỗi ngã” (thơ Quang Dũng), khi chàng trai tìm về “thì em đã rời nơi ấy,
để cho quán hàng lạnh lẽo”. Và thế là tan vỡ một mối tình si, chỉ còn tiếng
lòng kia là ở lại: “Ơi hỡi nàng ơi, biết cho lòng anh, đã bao năm trước,
anh đã yêu nàng”.Lời thổ lộ muộn màng! Bài hát kết thúc như một chấm lửng buồn.
Cũng dễ cảm thông thôi, bởi vì có người đã từng thú nhận: “Tôi còn có mỗi cây
đàn, tôi đem bán nốt tôi theo cô hàng chè xanh” kia mà!
Cùng
một mô tuýp như “Cô hàng nước”, năm 1954 nhạc sĩ Canh Thân có tác phẩm “Cô hàng
cà phê” cũng vui và ngộ nghĩnh không kém:
“Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Có một cô nàng be bé xinh xinh
Cô hay cười hồn xuân phơi phới
Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình
Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô…”
Và
chắc rằng trong “mấy anh nho nhỏ” ấy không thể thiếu được kẻ si tình kia. Chỉ lạ
một điều anh không si tình cô nàng bởi “làn thu ba” hay “hồn
xuân phơi phới” mà chỉ vì một “cánh tay ngà” dưới ánh trăng đêm
muộn:
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào
Trông cô rón rén ra vào
Đôi môi thắm cánh hoa đào
Lòng tôi dạt dào muốn xiêu…”
Bài
hát còn trở nên dí dỏm hơn ở lời 2, khi người nhạc sĩ cho thêm vào một nhân vật
si tình khác:
“…Một anh chàng dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang…
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma…”
Ở
đây cái sự si tình đã trở thành cực đại và hóa ra nỗi thất tình. Con người hiên
ngang ngày nào bỗng “ốm la liệt”. Nhưng dù sao cũng còn một chút an ủi:
“…Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng
Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khóe mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
Vừa lúc cô nàng biết yêu…”
Người
nhạc sĩ không nói gì thêm về chàng trai thất tình kia và mối lương duyên của
hai người. Cũng có thể chính anh là chàng trai thất tình “ốm la liệt” ấy.
Nhưng dù đó là ai đi nữa ta cũng có thể hiểu được mối tình ấy không thể viên
thành. Thời gian trôi đi, kẻ si tình năm xưa đôi khi lại nhớ. Và “cánh tay
ngà” với “đêm trăng tà” lại hiện ra như là một điểm nhấn trong
ký ức tình yêu:
“…Giờ đây đã mấy năm qua
Có lúc mơ về đường xa
Tôi nhớ những đêm trăng tà
Cô hàng với bàn tay ngà”…
Không
phải ngẫu nhiên mà “Cô láng giềng”, “Cô lái đò”, “Cô hàng nước”, “Cô hàng cà
phê”, bốn cô gái xinh đẹp, yêu và được yêu kia lần lượt xuất hiện trong giai đoạn
đầu phát triển của nền tân nhạc nước nhà - vào quãng trước và sau Cách mạng
tháng 8 - mà chúng ta vẫn quen gọi là “nhạc tiền chiến”. Bốn cô gái bước ra từ
âm nhạc đã làm xúc động lòng người qua nhiều thế hệ. Ta như nghe từ những mối
tình si ấy có một chút vui, một chút ngộ nghĩnh dễ thương và một chút ngậm ngùi
buồn man mác. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương:
“Đó là những bài hát lãng mạn, những khúc tình ca mà hầu hết các nhạc
sĩ Việt Nam trong giai đoạn khai hoa nở nhụy đầu tiên của mình đều nói lên những
cảm xúc nồng cháy, bộc lộ tâm tình sâu kín của mình đối với thiên nhiên, đối với
quê hương, làng xóm, đối với những người thân yêu. Những nét nhạc, lời ca bật
ra một lúc xuất thần nào đó đã để lại dấu ấn của tác giả và gieo vào lòng người
nghe những ấn tượng khó phai mờ…”.
Lê Phú Hải
hãng hàng không eva air
tìm vé máy bay đi mỹ
hang ve may bay korean
vé máy bay khứ hồi đi mỹ giá rẻ
đặt vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich