Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Dòng sông về muộn

Dòng sông về muộn
“…Ta lớn lên cùng năm tháng yên bình
Mắt trẻ thơ trong veo như hạt ngọc
Đã qua rồi khói lửa chiến chinh…”
Có thể mượn mấy câu thơ trên trong bài “Thời mở đất” của Đinh Lăng rút từ tập thơ in riêng Dòng sông về muộn (NXB Văn nghệ TP. HCM - 2004) để hiểu về anh, về thế hệ của những đứa trẻ lớn lên khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh dài, đang ra sức hàn gắn lại những đau thương, mất mát. Nói như vậy để biết rằng thế hệ của anh vừa có nhiều khó khăn, vừa có nhiều thuận lợi, vừa có thiệt thòi lại vừa viên mãn…
Đinh Lăng làm thơ đã từ lâu, và anh thường tỉ mẫn cắt những bài thơ được đăng báo của mình dán vào quyển sổ riêng có những tranh vẽ tự minh họa khá dễ thương và duyên dáng. Và trong sự tỉ mẫn ấy, tôi đã thấy được một chút gì đó đam mê, cái đam mê nhẹ nhàng rất trẻ thơ và “trong veo như hạt ngọc”:
“…Về lại miền quê, đê mê con diều biếc
Tiếng dế than nức nở phía sau hè
Muốn bứt tóc câu từng con cun cút
Sợ đau lòng khi kỷ niệm về thưa…” (Về lại miền quê)
Và mỗi một bài thơ được anh yêu quí, trân trọng và nâng niu ấy cũng hồn nhiên như bờ cây, ngọn cỏ tuổi thơ anh:
“…Con đường nhỏ lắng trong tim kỷ niệm
Những buổi trưa tìm kiếm cỏ gà…” (Giấc mơ tuổi trẻ)
Ai cũng có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm nhưng không phải ai cũng có những tuổi thơ hồn nhiên như nhau. Tôi nghĩ Đinh Lăng là một người may mắn khi tuổi thơ anh “giàu” và đẹp như thế. Nên khi đã “xa rồi tuổi thơ”, nỗi nhớ trong anh vẫn mãi da diết một nỗi niềm hoài vọng khôn nguôi:
“Tuổi thơ mê mãi rong chơi
Giật mình… vắng tiếng ru hời bên nôi
Lũy tre xanh ngút một thời
Ngập ngừng tay vẫy, dạ bời bời mong…” (Trước mẹ)
Thế hệ tôi lớn hơn Đinh Lăng trên mười năm. Và cơn lốc chiến tranh đã cuốn tuổi thơ tôi qua dặm trường phù sa cát bụi. Trở về, bàng hoàng tìm kiếm một tuổi thơ hồn nhiên trên một quê quán cũng hồn nhiên nhưng không tìm thấy. Và có lẽ bởi vì vậy mà tôi thích vô cùng những câu thơ nặng lòng với “quê quán tôi xưa”:
“…Thôi hãy về một chiều quê yên ả
Nhìn khói bếp chiều ru những mái tranh…
…Giai điệu thần tiên cứ vọng về mỗi tối
Là tiếng ru một thời nâng bước chân con…
…Nguồn cội êm đềm võ vàng trong mắt nhớ
Cứ vọng về trong thao thức của đêm…” (Nguồn cội)
Dù quê hương ấy không phải lúc nào cũng bình yên:
“…Cơn bão nào vừa mới đi qua?
Nước sông Ba đục ngầu dữ dội
Sông Ba ơi bao cuộc đời chìm nổi
Pensée buồn tím cả chiều đông…” (Pensée giữa chiều đông)
Có vẻ như tập thơ Dòng sông về muộn của Đinh Lăng không tập trung cho một chủ đề nào xuyên suốt. Đó giản đơn chỉ là những suy tư, nỗi nhớ… mà một lúc nào đó bất chợt anh bật ra thành câu, thành lời. Và tất nhiên dấu ấn của tình yêu cũng là một đề tài mà không ít lần đã làm anh phải bâng khuâng, thao thức. Tuy nhiên tôi vẫn cứ thấy thấp thoáng phía sau những câu thơ tình kia bóng dáng của một tà áo dài và đôi mắt nai ngỡ ngàng, mộng mị:
“…Em đâu rồi mười tám của tôi ơi!
Lục lại hộc bàn toàn dòng chữ lạ
Mười tám dễ thương như hoa, như lá
Ngơ ngẩn giữa chiều, tiếng gọi mùa sang…” (Tuổi mười tám)
Và cũng như mọi chàng trai đang yêu, anh đã vui khi tình yêu đến:
“Em về như một ngày vui
Phố xưa/ lịm giấc ngủ vùi tỉnh ra
Con đường bỗng nở nhiều hoa
Gót xưa vỗ nhớ/ lòng da diết lòng…” (Trở về)
Rồi buồn khi tình yêu đi:
“…Mưa/ về lặng lẽ bên hiên
Còn đâu trong nắng/ dáng hiền của em
Nỗi buồn/ đốt cháy cả đêm
Hoa vàng khép cánh im lìm giữa đông!” (Lối hoa vàng)
Mà cũng thật lạ, cái vui - buồn của Đinh Lăng sao nhẹ nhàng quá đỗi! Tôi đã cố ý tìm những câu, chữ cho một sự trách móc, dỗi hờn nào đó nhưng chịu. Anh vẫn từ tốn, đôn hậu ngay cả khi là người tình:
“…Nếu chúng mình xa nhau
Mùa đông/ cánh sẻ nâu/ bay về một phương tròi khác
Cây bàng trước hiên một thời xanh biếc
Chiều nay lá đổ thật nhiều…” (Hoang tưởng mùa đông)
Và đôi khi là một chút rụt rè:
“…Dại, khôn nhặt sợi tình/ tình rối bòng bong
Trách chi tơ hồng vàng/ rối bơm trên lá
Ta rút một dây/ cứ sợ động rừng!...” (Tơ hồng vàng)
Anh tình nguyện nhận lấy nỗi buồn về mình và vẫn nhìn đời bằng đôi mắt “trong veo”:
“…Đối diện với nỗi buồn
Ta càng hiểu mình hơn!” (Đối diện với nỗi buồn)
“…Cuộc đời vẫn xanh/ dù nhiều nỗi khổ
Đâu hề hờn trách chi ai…” (Bài thơ bóng đêm)
Đặc điểm chung của thơ Đinh Lăng là tính biểu cảm cao và giàu hình ảnh. Được biết ngoài làm thơ anh còn rất thích vẽ. Và do đó rất dễ dàng bắt gặp trong thơ anh những đường nét, sắc màu và trực cảm tinh tế:
“…Con còng gầy dương đôi mắt dễ thương
Hoa lông chông mệt nhoài gió cuốn…” (Biển ngày trở lại)
“…Bìm bìm vương, vương tím bờ rào
Như áo em chiều đông pha màu mực
Hoa thanh long giữa trời khuya thổn thức
Trăng vừa lên sáng loáng một góc vườn…” (Về lại miền quê)
“…Tiếng đàn vỡ trong buổi chiều màu xám
Đôi mắt u hoài như những chiều mưa…” (Chuyện cũ)
“…Phố vẫn đèn vàng/ từng đêm buồn mắt nhớ…” (Bây giờ)
Tuy nhiên tôi vẫn thích thơ Đinh Lăng ở cái man mác dịu vợi của thể thơ lục bát như:
“…Hằng mong giây phút bình yên
Dòng sông nhỏ chảy về miền xa xanh
Âm vang cuối bãi đầu gành
Mạn thuyền sóng vỗ sao đành… một mai!...” (Thơ viết ở Sông Cầu)
Bởi nó làm tôi nhớ lại lời ru của mẹ khi tôi còn bé: “Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim”.
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...