Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Cảm xúc thăng hoa từ "Chiều nhạc Tây Ban Cầm" của Phương Thảo và thân hữu

Cảm xúc thăng hoa từ "Chiều nhạc 
Tây Ban Cầm" của Phương Thảo và thân hữu
Từng ngón tay của nghệ sĩ guitar cổ điển, cô giáo dạy Tây Ban Cầm Phương Thảo lướt trên những phím đàn guitar nhẹ nhàng bay bổng, thấm đẫm vào hồn từng nốt nhạc, tạo ra dòng suối giai điệu liên tục, để lại ấn tượng thật đặc biệt cho lần trình diễn cá nhân đầu tiên của chị trước sự chứng kiến của gần 300 khán giả ngồi kín hết khán phòng hội trường nhật báo Người Việt trong chương trình biểu diễn live concert “Chiều nhạc Tây Ban Cầm” của Phương Thảo và thân hữu diễn ra lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 10 tháng 1, 2016 tuần qua.
Điểm son của buổi nhạc là khai mạc rất đúng giờ và chương trình trôi chảy nghiêm túc. Đối lại, khán giả đã ngồi rất im lặng để thưởng thức buổi nhạc tuyệt vời này.

Họ đã bị cuốn hút vào những cung bậc, giai điệu, cùng bay bổng với các tác phẩm âm nhạc chuyển soạn cho guitar qua tiếng đàn lúc mạnh mẽ truyền cảm, lúc sâu lắng nhẹ nhàng, lúc êm ái, điêu luyện cùng phong cách trình diễn phóng khoáng và chan chứa cảm xúc của Phương Thảo. 
Điểm xuyết xen kẽ sau những phần độc tấu guitar, tiếng đàn của Phương Thảo còn dìu nâng làm đẹp thêm cho những giọng hát của các ca sĩ thân hữu Bùi Quỳnh Giao, Như An, Thanh Vân, Phạm Hà, Hồng Tước.
Vẻ đẹp tuyệt diệu của tiếng đàn Phương Thảo
11 tác phẩm được nghệ sĩ guitar Phương Thảo chọn để độc tấu trong chương trình là những nhạc phẩm, những giai điệu quen thuộc với hầu hết những khán giả thích nghe guitar cổ điển. Những tác phẩm này không chỉ có độ phức tạp, độ khó về mặt kỹ thuật trình tấu, mà còn đòi hỏi người nghệ sĩ thể hiện cho được chiều sâu, hồn cốt của tác phẩm, tạo được phong cách trình tấu riêng. Những yêu cầu trên đã được nghệ sĩ guitar Phương Thảo thể hiện thật thuyết phục với bản sắc và sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở mức cao nhất, dẫn dắt người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Phần độc tấu của nghệ sĩ guitar Phương Thảo
Ngay từ tác phẩm mở màn chương trình, bài Feste Lariane (là tác phẩm của nhạc sĩ người Ý Luigi Mozzani) tiếng đàn Phương Thảo đã chinh phục người nghe với kỹ thuật tremolo (rung dây) tuyệt diệu tạo cho người nghe cảm giác êm dịu lúc ban đầu rồi sau đó nâng lên thành những xúc động mạnh mẽ ở phần sau. Trong kỹ thuật tremolo, mỗi một nốt của giai điệu được đánh liên tục bằng các ngón áp út, ngón giữa và ngón trỏ của bàn tay phải, trong khi ngón cái đánh phần nốt trầm và các nốt đệm hòa âm. Vì vậy, với kỹ thuật này khi nghe bài nhạc người nghe có cảm tưởng như có hai người đang song tấu guitar thay vì là một người độc tấu. Kỹ thuật tremolo của Phương Thảo thật tuyệt, khi chị đàn, tạo ra một chuỗi âm thanh kéo dài liên tiếp nhau, làm nền cho âm bass nổi lên, đưa người nghe đến các cung bậc cảm xúc khác nhau, khi trầm bổng, khi nhanh nhẹn, khi khoan thai, sâu lắng. Tựa như những dòng nước chảy hay như một làn gió đang nhẹ qua, nghe thật ma mị, mờ ảo, cuốn hút vô cùng.
Tiếng hát Hồng Tước
Kỹ thuật tremolo nhẹ nhàng, êm ái còn được Phương Thảo sử dụng trong phần đệm cho 5 tiếng hát đơn ca qua 5 tác phẩm Come back to Sorrento (Sáng tác Ernesto De Curtis, Lời Việt Phạm Duy- Trở về mái nhà xưa, với tiếng hát của Bùi Quỳnh Giao), Serenade (Sáng tác F. Schubert, lời Việt Phạm Duy, do Như An trình bày), Romance (Sáng tác khuyết danh, lời Việt Phạm Duy do Thanh Vân ca), Ave Maria (Sáng tác F.Schubert, do Phạm Hà hát bằng tiếng Latin), Flying in the wind (Sáng tác Nguyễn Mạnh Cường, do Hồng Tước hát). Kỹ thuật tremolo sử dụng trong phần đệm cho những tiếng hát đã diễn tả sự lung linh, dàn trải, đem lại cho khán giả những thanh âm êm dịu, ấm áp, như len lỏi vào từng ngõ ngách trong sâu thẳm trái tim người nghe và khơi gợi lên biết bao cảm xúc tuyệt đẹp nơi mỗi người khi nghe những tác phẩm này.
Những âm thanh mênh mang và sâu lắng rất giàu màu sắc của tiếng đàn Phương Thảo đưa khán giả trôi nhẹ vào nét nhạc tinh tế, vẻ đẹp mê hồn giàu chất thơ qua các tác phẩm Choro da Saudede (A.Barrios), El Sueno de la Minequita (hay còn gọi là The sleep of the little doll của A. Barrios).
Vẻ đẹp trữ tình quyến rũ của giai điệu sâu lắng, du dương chứa đựng bao cảm xúc: trìu mến, thiết tha qua Serenata Espanola (Redericov Speafico), Un dia de Noviembre (Leo Brower), Romance (J.K. Mertz), Canon in D (Johann Pachelbel), Cavatina (Stanley Myers).
Tiếng hát Phạm Hà
Những giai điệu của các tác phẩm kể trên với sự mượt mà, độ ngân rung cũng như sức truyền cảm của tiếng đàn Phương Thảo đã chinh phục người nghe thật ngọt. Đem lại cho người nghe những trải nghiệm thú vị trong không gian mê hoặc của tiếng đàn guitar, và “mãn nhãn” với những động tác linh hoạt của đôi tay, trưng bày tất cả những khéo léo và tinh tế cùng tốc độ, tạo nên những điệu vũ trên cây đàn. Những nốt nhấn, reo dây, âm giai đồng chuyển, những đoạn vuốt dây, những phần níu dây để làm thay đổi các coma về cao độ, khiến người nghe không còn phân biệt chỗ to chỗ nhỏ nữa mà chỉ lắng mình cảm nhận. Bởi vì những âm thanh to hay nhỏ ấy không phải là do lực tác động của đôi tay mà chính là nội lực, là cảm xúc từ tâm hồn người nghệ sĩ lúc trình tấu.
Còn khi Phương Thảo thể hiện nhạc phẩm vui nhộn Bolero Flamenco (tác giả Juan Serrano) mang phong cách flamenco, với đôi tay mềm mại dẻo dai, những ngón đàn nhanh và cách búng ngón tay tròn đều, những đoạn chạy ngón tốc độ cao, đảo phách, thể hiện rất đạt những âm thanh phóng túng và tươi vui, giai điệu sôi nổi của tác phẩm, cho người nghe cảm giác về một vũ hội đầy màu sắc cùng những vũ điệu rực cháy, đậm chất châu Mỹ la tinh, khiến đôi chân của khán giả như muốn nhún nhảy theo tiếng đàn.
Qua đến tác phẩm Usher Waltz (Sáng tác Nikita Koshkin) vốn là tác phẩm với những kỹ thuật tạo âm sắc mới mẻ trên dây đàn guitar với yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi mở rộng trải dài bên tay trái, với sự kéo dây, bật dây ra khỏi bàn phím tạo nên âm thanh mạnh mẽ, bằng tiếng đàn truyền cảm và những ngón kỹ thuật tuyệt vời của Phương Thảo đã thuyết phục khán giả với các ngón tay thoăn thoắt chạy lên chạy xuống, cao độ luôn chính xác, mạch giai điệu vẫn như một dòng suối âm thanh réo rắt, tuôn không ngừng nghỉ, với sự biến đổi phức tạp và riêng rẽ của các giải âm, các bè đan xen, đuổi nhau không nghỉ, thật thanh thoát, tinh tế.
Tiếng hát Như An
Vẻ đẹp của những giọng hát trong chương trình qua tiếng đàn của Phương Thảo
Xen kẽ phần độc tấu guitar, lần lượt những tiếng hát đơn ca với phần đệm Tây Ban Cầm của Phương Thảo đã tạo thêm nét đặc sắc cho chương trình.
Giọng hát của Bùi Quỳnh Giao khi hát Come back to Sorrento (Sáng tác Ernesto De Curtis, Lời Việt Phạm Duy- Trở về mái nhà xưa) với cách xử lý âm vực rộng của giọng hát mạnh mẽ, giàu biểu cảm khiến ca khúc càng thêm bay bổng, nhẹ nhàng là một thành công của Bùi Quỳnh Giao. Anh đã dìu người nghe thả mình vào giai điệu trữ tình, gợi lên một góc sâu thẳm nào đó nơi trái tim mỗi người nỗi khắc khoải nhung nhớ về quê hương, nơi mái nhà xưa mình đã sống, nay vì hoàn cảnh đành đoạn phải rời xa.

Tiếng hát Như An ngân vang chậm buồn, vang vọng, da diết rất đỗi nồng nàn, thể hiện những lời nỉ non, thổn thức của ca từ quyện với giai điệu lãng mạn, quyến rũ của bản nhạc Serenade (Sáng tác F. Schubert, lời Việt: Phạm Duy) thăng hoa theo từng cung bậc trào dâng.
Bài Romance (Sáng tác khuyết danh, lời Việt Phạm Duy) đã được Thanh Vân trình bày khá thành công khi gửi đến người nghe vẻ đẹp ngọt ngào của tác phẩm.
Giọng nam trung trầm ấm áp, làn hơi khỏe, đầy đặn của Phạm Hà đem lại nhiều xúc cảm đẹp khi anh hát Ave Maria của Franz Schubert. Những đoạn ngân dài, đưa người nghe đến một không gian âm nhạc trải rộng, lan truyền cảm xúc, giúp người nghe như được thư giãn, được nghỉ ngơi khi đắm chìm trong giai điệu thánh thót, dìu dặt của lời ca, tiếng nhạc êm dịu.
Flying in the Wind (Hoài Hương ca) được viết vào năm 2012, là một nhạc phẩm được viết đầu tiên cho nhạc cụ vĩ cầm bởi nhà soạn nhạc Nguyễn Mạnh Cường, được ông soạn cả lời Anh và lời Việt cho tác phẩm này để diễn tả nỗi niềm nhung nhớ quê hương của những người sống xa quê hương, được trình bày qua giọng ca của Hồng Tước. Tiếng hát ngân vang, mượt mà của Hồng Tước đặt trọn cảm xúc vào tác phẩm và truyền cho người nghe vẻ đẹp trữ tình, sâu lắng của tác phẩm, vang lên nghe buồn man mác, giống như một nỗi cô đơn hay tâm trạng của một người đang hướng vọng về quê hương. Bản nhạc du dương và khắc khoải nhưng lại không ủy mỵ, đau buồn.
Tiếng hát của Bùi Quỳnh Giao trong chương trình
Trong các tiết mục đệm hát này của nghệ sĩ guitar Phương Thảo, một người đàn, một người hát, khi to khi nhỏ khi nhặt khi lơi. Phần trình diễn này không còn là đệm hát nữa, mà tiếng đàn và tiếng hát song song với nhau, hỗ trợ và tô điểm cho nhau. Sự giao duyên hòa quyện giữa người đàn và người hát đem lại sự thích thú cho người nghe.
Tiếng đàn Phương Thảo không chỉ giữ nhịp giữ phách, cung cấp hòa âm cho bản nhạc mà người nghe cảm nhận được những gửi gắm tình cảm của người đàn giúp cho tiếng hát quyện vào tiếng đàn truyền được cảm xúc của tác giả thể hiện trong tác phẩm thật tròn đầy.
Kết thúc buổi diễn là một dấu ấn đẹp khi Phương Thảo trình tấu chương 1 Concerto D major của A Vivaldi trên nền nhạc giao hưởng thu sẵn phát ra từ cd.
Tiếng guitar solo và dàn nhạc giao hưởng hòa quyện âm thanh vào nhau, tìm được nhịp thở chung. Để rồi thể tổng hòa này dừng lại, để một mình tiếng guitar cất lên, lúc nhanh, lúc chậm du dương, ấm áp... như một lời thì thầm trìu mến.
Nghệ sĩ guitar Phương Thảo và các ca sĩ thân hữu 
cùng MC Hồng Vân chào khán giả kết thúc buổi diễn
Tiết mục này đã vẽ nên bức tranh âm nhạc tuyệt đẹp đầy lôi cuốn, gợi tả một không khí lễ hội tươi vui tràn ngập tiếng cười, niềm vui, yên bình, đưa tâm hồn người nghe bay bổng rất đỗi tuyệt vời.
“Chiều nhạc Tây Ban Cầm của Phương Thảo và thân hữu” đã kết thúc, nhưng dư âm của vẻ đẹp trong từng tiết mục trình tấu của Phương Thảo và tiếng hát của các ca sĩ thân hữu vẫn lưu lại với các khán giả sau chương trình. Mọi người ra về trong niềm lưu luyến, chờ mong sẽ sớm tiếp tục được thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật guitar cổ điển trong một chương trình lần sau. 
Băng Huyền
Theo http://viendongdaily.com/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...