Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Mái nhà đêm Bạch hạc

Mái nhà đêm Bạch hạc
Nói đến nhà thơ Quang Dũng, ai cũng nghĩ ngay đến chàng chiến sĩ vệ quốc và khúc hành ca “Tây tiến”: Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Lứa học sinh chúng tôi ở miền Nam trước 1975 cũng có biết đến ông như một “chinh phu” của một thời “Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt” (Chinh phụ ngâm), rất oai phong và cũng rất trữ tình. Bởi, bên cạnh một Tây tiến người đi không hẹn ước lại còn có lúc Thoáng hiện em về trên đáy cốc, Nói cười như chuyện một đêm mơ (Đôi bờ).
Từ sau ngày đất nước đổi mới đến nay, sáng tác của ông đã được nhìn nhận trở lại với sự đánh giá khách quan, chân thật và chính xác hơn. Chúng tôi đã có dịp lật lại từng trang Tuyển tập Quang Dũng (NXB Văn học, nhà thơ Trần Lê Văn tuyển chọn và giới thiệu) để hiểu thêm về đời tư, gia đình và bạn bè ông qua một số bài viết ngắn. Và cũng nhờ đó được biết thêm rằng ông đã thật sự xếp “kiếm cung” tự trước thuở đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954). Trở về ông vẫn tiếp tục sáng tác nhưng trong những bài thơ sau này đã không còn tìm đâu được cái giọng điệu hào sảng của một thời “khoác chiến y phi tuấn mã”. Có lẽ vì ông đã không còn trẻ nữa, không còn là người lính, mà cũng có lẽ vì lịch sử đã sang trang, cả dân tộc đang lao vào một cuộc chiến đấu mới. Một số sáng tác của ông là hoài niệm về một thời chinh chiến cũ như: Đường trăng, Rừng, Gửi Sơn Tây, Nhớ một bóng núi…, một số là nỗi niềm riêng dành cho mỗi vùng đất, tên làng: Hồ Nam, Bố Hạ, Thu quê ai… và một ít dành cho tình cảm riêng tư: Nhớ về mẹ, Nhớ bạn, Không đề…
Tuy nhiên, trong từng tác phẩm, ta vẫn thấy như phảng phất đâu đó cái yêng hùng, cái giang hồ, cái hào hoa của một chàng lãng bạt.
Gần tuổi năm mươi, ông có bài Đêm Bạch hạc viết trong một dịp “lữ hành”. Ngay từ đầu bài thơ, ta đã thấy cái lãng đãng, mơ hồ, cái lang thang trên dặm trường dong ruỗi:
Có những chiếc giường lạ
Nhìn ra mảnh sân nào
Nửa đêm chợt thức giấc
Thấy ta nằm ở đâu
Người đọc bỗng chạnh lòng và cảm thương cho người lữ khách thường xuyên “ăn nhờ ở đậu” đến nỗi thức giấc nửa đêm không kịp nhận ra mình đang ở nơi nào. Không gian và thời gian ở đây như giãn ra, dài ra… bất định. Chàng đã tự ví mình như một cánh chim trời tung bay, bay mãi cho đến khi bất chợt mỏi cánh tự lúc nào không hay. Và như thế cánh chim giang hồ kia không thể và không cần chọn cho mình một chỗ trú ngụ ấm êm, như ý:
Như cánh chim mỏi cánh
Tạt vào rừng không quen
Không chọn cành ngủ đổ
Nào mong gì ấm êm
Để đêm nay bất chợt nhận ra:
Đêm nay đêm Bạch hạc
Ta lại vào nhà ai
Nghe song Lô cuộn nước
Dềnh lên suốt đêm dài
Đêm trung du như dài ra vì khách lữ hành chợt thức giấc nửa đêm, nằm nghe tiếng sông Lô cuồn cuộn chảy. Dòng sông của một thời kháng chiến vẻ vang đã từng làm nên chiến thắng? Dòng sông có những kỷ niệm êm đềm của một thời đánh giặc ngoại xâm?
Bạch Hạc, tên một vùng đất? Tên một dòng sông? Hay chính là tên của một loài chim đang mãi hoài bay xuôi theo dòng đời chưa mỏi mệt? Đã có một tên đất như thế, tên một dòng sông như thế và chắc chắn rằng đã có tên một loài chim-lữ-khách như thế: Bạch Hạc. Nhưng không phải là “một con hạc trắng bay về bồng lai” mà là một cánh chim bay cô đơn giữa đời, giữa trời bão giông với những hoài niệm dĩ vãng chưa thể nào quên được.
Sớm mai rồi tiễn biệt
Tóc đẹp nhường bâng khuâng
Một đêm dài để nhớ
Những người xa vô cùng
Ai đã và sẽ là “những người xa vô cùng” ấy để chàng lãng tử suốt đêm nằm nhung nhớ? Người vợ hiền thảo ở chốn quê nhà? Cô em vườn ổi ngày xưa? Cô gái tản cư bán quán bên đường hay một người “tóc đẹp” nào miền non nước song Lô đang chờ nói câu tiễn biệt? Ta như thấy ẩn nấp đằng sau những câu thơ kia có dáng một “bóng hồng”. Nhưng sẽ là điều không phải nếu cứ đi tìm một con người cụ thể. Bởi vì đường đời mà người lữ khách kia đi qua dặm dài nhiều theo năm tháng, chất chứa trong trái tim độ lượng của thi nhân chừng như không mang nổi. Hãy cứ nhìn thấy ở đây một tâm hồn hiệp sĩ vị tha, chan chứa lòng yêu. Dễ thương yêu và khoáng đãng như mây trời đến nỗi chỉ một khoảnh khắc cảm nhận bất chợt dọc đường thôi cũng đủ làm sợi dây hồn rung lên những nốt ngậm ngùi, cảm xúc. Và cũng giống như năm xưa người lính vệ quốc rời quán nước giữa trưa ra đi: Hồn lính vương qua vài sợi tóc, Tôi thương mà em đâu có hay, bây giờ, chàng lữ khách tóc sương lại khăn gói lên đường mà lòng mơ hồ bâng khuâng mãi:
Mái nhà đêm Bạch Hạc
Có nhớ người đi không?
Câu hỏi thể hiện như một tự vấn không đòi được trả lời. Thậm chí câu hỏi không phải là ngụ ý “ai đó” có nhớ “tôi” không mà cái tình riêng ở đây - nếu có - đã đồng hóa vào cái vật chất là “mái nhà đêm Bạch Hạc”, và cái “tôi” ở đây bỗng như lớn vượt ra ngoài cái tôi-bản-ngã để trở thành cái tôi-người-đi. Mái nhà đêm Bạch Hạc, Có nhớ người đi không?
… Và bây giờ người lữ khách ấy đã thực sự đi rồi (1988). “Con hạc trắng” đã thực sự đi vào “cõi bồng lai”, bỏ lại cho đời, cho người một cõi lòng rộng lớn đầy ắp yêu thương. Và chắc chắn rằng những “mái nhà đêm Bạch Hạc” sẽ không bao giờ quên được bóng hình ông.
Tây Tiến
Đôi mắt người Sơn Tây
Đôi bờ
Cố quận
Chiêu Quân
Đêm Bạch Hạc
Nguồn: Kiến thức ngày nay 
số 369 ngày 10/11/2000
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...