Buổi thuyết giảng được rất đông người tham dự, ngồi chật kín cả
thiền đường rộng lớn ở tu viện Lộc Uyển (San Diego). Buổi thuyết giảng dự định
kéo dài hơn một giờ, nhưng cuối cùng thời gian đã lên gấp đôi, nhưng tất cả vẫn
ngồi lại cho tới phút cuối. Có thể đó là do tài nói chuyên lôi cuốn của thiền
sư Nhất Hạnh, nhưng cũng có thể là do lòng yêu quý Trịnh Công Sơn vẫn còn tồn
tại mạnh mẽ trong lòng mọi người tham dự. Đó cũng là điều mà thầy Nhất Hạnh
đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong buổi nói chuyện: “Trịnh Công Sơn không
chết, Trịnh Công Sơn vẫn còn sống giữa chúng ta, hiện diện giữa chúng ta, Trịnh
Công Sơn ở trong trái tim mỗi người chúng ta”.
Mở đầu bài nói chuyện thầy Nhất Hạnh cho biết Trịnh Công Sơn đã từng quy y tại
chùa Phú Quang (Huế) với pháp danh là Nguyên Thọ (nghĩa là trao truyền các suối
nguồn yêu thương). Thầy cho biết, cả cuộc đời Trịnh Công Sơn đã thực hiện trọn
vẹn ý nghĩa pháp danh mà anh đã thọ. Trịnh Công Sơn đã dùng ngôn ngữ thơ và
âm nhạc của mình để diễn tả tiếng nói tâm linh tha thiết:
“Tôi yêu mọi người,
cỏ cây mọi loài
Làm sao yêu hết cuộc đời…”
Anh luôn tha thiết:
“Làm sao biết từng nỗi đời riêng.
Để yêu thêm, yêu cho nồng nàn”
Cái tấm lòng yêu thương rộng lớn đó là do “thiên phú”, và phần nào do anh chịu
ảnh hưởng sâu sắc từ tình thương yêu bao la của Mẹ, người mà anh hết mực yêu
thương và gần gũi nhất. Đến khi mẹ mất đi, dù đã ở tuổi 50, anh vẫn bật lên tiếng
khóc: “Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm” để nói lên nỗi bơ vơ khi mất mẹ. Tâm
nguyện cuối đời của anh là được nằm yên nghỉ bên cạnh mẹ, và cuối cùng anh đã
đạt được ước nguyện đó. Thầy Nhất Hạnh kết luận: “Nhiều người phụ nữ đã đi
qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ có một người ở lại: đó là “Mẹ”. Bên cạnh
ảnh hưởng lớn lao của Mẹ, Trịnh Công Sơn còn chịu ảnh hưởng bởi tấm lòng yêu
nước và tinh thần dũng cảm của người cha.
Trịnh Công Sơn đã mạnh dạn nói lên tiếng nói về nỗi chán ghét chiến
tranh của người dân qua các Ca khúc da vàng. Thực vậy chính “Ca khúc Da Vàng”
là phần ấn tượng nhất trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nó làm
cho Trịnh Công Sơn có vị trí khác hẳn với các nhạc sĩ cùng thời với
anh. C.K.D.V. đã gõ cửa đánh thức trái tim thế hệ trẻ sinh viên chúng tôi thời
đó về những nỗi đau của quê hương, dân tộc vì nhìn quanh “chinh chiến đã mang
đi bạn bè”. Anh giúp chúng tôi thức tỉnh để nhìn rõ:
“Tôi mất trong chiến tranh này
bao nhiêu bao nhiêu người tình
Người tình Việt Nam ôi dịu dàng
Người tình Việt Nam quá hùng anh
Tôi mất trong chiến tranh này
bao nhiêu bao nhiêu nụ cười”
Anh không đứng về bất cứ phe nào trong cuộc chiến mà chỉ đứng trên lập trường
của người Việt Nam yêu thương quê hương đất nước mình. Khi Tết Mâu Thân 1968 ở
Huế chứng kiến những vụ tàn sát người tập thể của VC Anh đã vẽ lại thật sống
động:
“Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.”
Anh có thể bị đe dọa đến tính mạng hoặc bị khủng bố về tinh thần đến từ cả
hai phía của cuộc chiến, anh là người nghệ sĩ đi giữa hai lằn đạn, nhưng anh
không hề nao núng, anh vẫn can đảm nói lên tâm tình đau thương chung của cả
dân tộc
“Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng”
Lời ca trong CKDV thật xúc động, nó đánh động vào trái tim người nghe thời đó
một cách mạnh mẽ với hình ảnh thật bi thảm về những cái chết “hai lần”:
”Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan”
Hay là những cái chết “như mơ” của người yêu qua tâm sự một người con gái Việt
Nam:
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ.
Thực ra là người con dân Việt dù ở nơi đâu tận tâm can cũng đều đau xót khi
nhìn thấy quê hương bị chiến tranh tàn phá. Ở miền bắc nhà thơ Lưu Quang Vũ
cũng đã can đảm chắt ra từ trái tim mình để nói lên tiếng nói của người dân
chán ghét chến tranh, dù cả chế độ CS cuồng nhiệt ca ngợi chiến tranh:
“Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi?”
Thầy Nhất Hạnh cho biết suốt thời gian 1955-1958 Trịnh Công Sơn thường lên
chùa Phú Quang để nghe tụng kinh mỗi ngày và anh cũng tụng kinh rất giỏi, còn
hơn một số sư chú trong chùa. Điều này đã ảnh hưởng tới âm điệu trong một số
bài hát của anh sau này. Minh họa điều này, thầy mời một số tu sinh lên sân
khấu tụng kinh, rồi sau đó hát tụng bài “Đại bác ru đêm”. Quả thật khi nghe
bài hát này do các tu sinh hát kèm với tiếng mõ “lóc cóc” và tiếng trống “nhịp,nhịp”
khiến mọi người nhận ra quả đó là một bài tụng thật sự, với những hình ảnh buồn
bã:
“Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi”
Thầy Nhất Hạnh cũng tiết lộ là đã từng viết thư cho Trịnh Công Sơn đề nghị
anh sáng tác nhạc Đạo, nhưng rất tiếc là thư đã lạc mất. Tuy nhạc Trịnh Công
Sơn không phải là nhạc Đạo, nhưng những bài hát của anh gieo mầm những hạt giống về tình yêu thương, về nhân nghĩa ở đời. Anh tha thiết mong
mọi người quan tâm yêu thương nhau vì “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” huống
hồ gì là con người! Anh kêu gọi mọi người hãy sống tử tế với nhau, cư xử có
lòng với nhau
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi… “
Nói về Thiền, thầy Nhất Hạnh cho biết: nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc
Thiền, nhưng lại đầy chất Thiền trong đó, như:
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười”
Bài hát đã được diễn tả mượt mà qua giọng hát một nữ tu sinh trẻ, sinh ra và
lớn lên ở Mỹ. Trước giờ thuyết giảng, giọng ca trong trẻo của sư cô Chân
Không (cùng lứa tuổi với thầy Nhất Hạnh) cũng đã cất lên qua bài “Nắng thủy
tinh“. Tôi nghĩ có lẽ không có ai có thể ca ngợi đôi mắt đẹp trong suốt của
người yêu bằng hình ảnh sống động như Trịnh Công Sơn:
“Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Ðể nắng đi vào trong mắt em”
Như vậy mới biết sức thẩm thấu của nhạc Trịnh Công Sơn quả là lớn lao, nó đi
vào trái tim của nhiều người, không phân biệt trẻ, già, giới tính, nhiều thế
hệ, nhiều dân tộc. Có nhiều người ngoại quốc vì yêu mến nhạc Trịnh Công
Sơn đã học tiếng Việt, để hát được nhạc Trịnh Công Sơn và họ
hát “rất tới” trong những lần tưởng niệm anh. Thậm chí có một cô gái Nhật đã
bỏ nhiều năm để nghiên cứu nhạc Trịnh Công Sơn cho “Luận án Tiến
sĩ” của cô và Trịnh Công Sơn phải thừa nhận là cô nhớ nhạc của anh
giỏi hơn anh. Nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành một phần máu thịt
trong đời sống tâm linh của biết bao con người trong kiếp sống nhân sinh này!
Tôi đã từng tham dự một đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn (1/4) ở
Bình Quới, hàng chục ngàn người ngồi ngoài trời yên lặng để thưởng thức nhạc
của anh (trí thức, bình dân, người giàu, tới em bán vé số…) Có lẽ Trịnh
Công Sơn là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mọi người yêu mến đến mức độ
đó, họ không chỉ là tuổi trẻ đam mê, mà tôi đã thấy có gia đình gồm 3, 4 thế
hệ cùng ngồi quây quần với nhau trong một manh chiếu trãi dưới đất để cùng lắng
nghe nhạc của anh. Người ta nói Văn học mỗi thế hệ cho được vài ba thi sĩ
(đúng nghĩa thi sĩ). Nhưng những nhạc sĩ - thi sĩ đi sâu được vào tâm khảm
đám đông, gặp gỡ tâm hồn một dân tộc còn hiếm hoi hơn nữa. Trịnh Công
Sơn thuộc cái số hiếm hoi đáng quý đó!
“Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người.
Một ngày bỗng thấy gắn bó cuộc đời
Mọi người vẫn tới ta chưa lạc loài
Dù còn phút cuối xin em nụ cười.”
Trịnh Công Sơn đã qua đời, nhưng tiếng hát của anh vẫn bay nhẩy trong
các hang cùng, ngõ hẻm, không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên khắp địa cầu. Người
ta kể lại: Ngày anh ra đi “như nắng vàng vội tắt chiều hôm” cả Saigon đã khóc
anh, dù cái nắng Saigon tháng 4 thật khủng khiếp,dân Saigon vẫn kiên trì đứng
yên lặng trật tự sắp hàng trong nhiều giờ để chỉ được đến nghiêng mình trước
linh cửu tiển biệt anh đúng 1′ vì số người xếp hàng chờ đợi quá đông. Người
ta ở đâu đổ về như kiến, chật cả đường phố. Quen có, lạ có, không đủ chỗ đặt
vòng hoa phúng điếu. Ngày đưa tiễn anh nguời ta đứng dầy đặc hai bên phố dọc
đường xe tang đi qua để chào anh lần cuối. Người ta kéo nhau lên tận huyệt mộ
(ở Bình Dương) để đưa tiễn anh rồi cùng nhau khóc, cùng nhau hát đồng ca những
bản nhạc của anh trước khi hạ huyệt:
“Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nên yêu người yếu kém
Người con gái ngồi mơ thanh bình
yêu quê hương như đã yêu mình”
Những bản đồng ca không hề có sự chuẩn bị hay tập dượt, nó được tự phát cất
lên nhưng ai cũng thuộc lòng vì nó cũng chính là tâm tình chung của mọi người:
“Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn”
Dân Saigon có tâm hồn khi họ tự động bỏ công ăn việc làm, đến tiễn
đưa một thi sĩ –Trịnh Công Sơn là một thi sĩ – nhạc sĩ. Điều này
chứng tỏ dân Saigon còn nghĩ đến cái đẹp, còn có tâm hồn yêu thi sĩ, nghĩa là
yêu cái đẹp, nghĩa là chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ hoàn toàn tuyệt vọng khi
người ta không còn thiết tha đến điều gì, ngay cả cái đẹp. Chính nhạc Trịnh
Công Sơn đã khơi mở những nét đẹp đó trong tâm hồn mỗi người yêu nhạc của
anh:
“Còn tìm thấy quanh đây tình người
Còn tìm thấy bao nhiêu mời gọi
những tâm hồn lá xanh tươi
Biết ơn đời những tin vui”
Tôi hãnh diện khi thấy hiện nay dân Saigon đang thể hiện tâm hồn đẹp qua việc
Saigon càng ngày càng mọc ra nhiều quán cơm từ thiện để cung cấp bửa ăn miễn
phí cho người nghèo. Cám ơn các bạn Saigon của tôi đã biết “sống tử tế” để
cho đời những “tin vui”.
Thầy Nhất Hạnh cũng đề cập đến nhạc tình của Trịnh Công Sơn, thầy cho biết Trịnh
Công Sơn viết được những bài tình ca tuyệt vời là nhờ bị phụ tình, cho nên
cái may là bị phụ tình. (cho nên ai đó nếu có bị phụ tình thì cũng không nên
trách móc mà chi). Hãy bắt chước lòng bao dung của Trịnh Công Sơn:
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi.
Trong một xả hội chiến tranh làm cho con người “yêu cuồng, sống vội”, Trịnh
Công Sơn lại nhắn nhủ:
“Ngày nào đời còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau”
Nghe sao mà thấm thía tận tâm can lẽ nhân nghĩa trong tình yêu. Anh ca ngợi sự
chung thủy trong tình yêu:
"Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu,
gọi
mãi tên nhau"
nhưng nếu có bị phụ bạc anh cũng không hề oán trách chỉ tự hỏi lại mình:
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Những bài hát của Trịnh Công Sơn đi vào lòng người vì nó đã nói dùm chúng ta,
đã ru những nổi niềm bị phụ bạc của mỗi người chúng ta. Vì có ai trong chúng
ta đã không từng bị cuộc đời phụ bạc cách này cách khác? Thầy Nhất Hạnh cũng
đã nhắc tới một mối tình lớn trong đời Trịnh Công Sơn, đó là tình bạn:
“Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề
những con tim bạn bè bao la…”
Cuộc đời anh chủ yếu sống với bạn và vui với bạn, bạn hiểu anh và thương anh.
“Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè.” Anh đã viết: “May thay trong đời
người còn có tình bạn và tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu, và
anh kết luận: “tình bạn quý hơn tình yêu” Càng trãi nghiệm cuộc sống tôi càng
chiêm nghiệm thấy rõ chân lý trong những điều Trịnh Công Sơn nói về
tình bạn. Trong tình yêu chúng ta có thể bị mê muội, bị lợi dụng, phĩnh gạt
hay tình rồi sẽ phai nhạt, sẽ đổi thay, nhưng tình bạn chân chính trong sáng
thì: “Không!”. Tình bạn sẽ còn tồn tại mãi mãi theo thời gian. Nói tới tình bạn
đáng quý đó, chúng ta phải nhắc đến một trong những người bạn thân nhất của Trịnh
Công Sơn chính là Khánh Ly. Do đó trước khi chấm dứt buổi nói chuyện, thầy Nhất
Hạnh đã mời Khánh Ly (mà thầy đã giới thiệu đùa: đây là người bạn trai thân
thiết của Trịnh Công Sơn) lên sân khấu đại diện mọi người thắp ba nén nhang để
tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong ngày giỗ của anh. Sau đó Khánh Ly đã hát một
bài thiền ca “Nếu có yêu tôi… với tiếng đệm đàn của nhạc sĩ Hồ Thành Đức (Nhiều
người trong phòng thất vọng và ấm ức sao Khánh Ly không hát nhạc Trịnh Công
Sơn??) Buổi nói chuyện được kết thúc trong tiếng hòa ca bao la của mọi người
với bài Nối vòng tay lớn (ai cũng thuộc và hát rất to). Mọi người
ra về, nhưng dư âm sự thương yêu, mến phục và những tình cảm hướng về Trịnh
Công Sơn như vẫn còn lẫn khuất trong lời hát và trong tâm tư mọi người mãi mãi.
Hè 2001, khi trở về Việt Nam tôi đã đến viếng mộ Trịnh Công Sơn ở
nghĩa trang Quảng Bình. Thật ngạc nhiên và thú vị khi nhìn thấy nơi anh yên
nghỉ, cạnh bên mộ của mẹ anh, không phải là ngôi mộ như những ngôi mộ khác!
Đó là một mảnh vườn nhỏ với hoa, cỏ lá xanh tươi, có những bậc tam cấp dẫn về
phía núi cao (vì Sơn nghĩa là núi), ngọn núi cao sừng sững của lòng yêu nước,
yêu con người không gì có thể cản ngăn được. Trên ngọn núi là pho tượng anh với
cái nhìn mênh mông đằm thắm của trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân:
“Những hẹn hò từ nay khép lại.
Thân nhẹ nhàng như mây…”
Xin cầu chúc anh được yên vui trong thế giới mới không còn chiến tranh, không
có hận thù, để tâm anh luôn mỉm cười thanh thản, nhẹ nhàng!
Sơn ơi! Anh đã ra đi, nhưng tình thương yêu rộng lớn, trái tim hiền hòa của
anh qua các ca khúc anh viết vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi, những người
yêu quý nhạc của anh. Điều này sẽ nhắc nhở chúng tôi nhớ sống yêu thương, tử
tế với mọi người và luôn khắc ghi trong lòng:
“Cuộc đời này đã có anh,
Từng ngày, từng ngày nhớ ơn đời”
(Vài suy nghĩ nhân dịp tham dự buổi thuyết giảng của Thiền sư Nhất Hạnh nhân
1 ngày giổ của Trịnh công Sơn)
|
eva air
vé máy bay đi mỹ một chiều
mua ve may bay hang korean air
phòng vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich