Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Chuyện đời Bùi Giáng 2

Chuyện đời Bùi Giáng 2 
Kỳ 12: Giữa cõi đời hư thực
Mấy ngày qua chúng tôi được xem một số bản thảo viết tay của Bùi Giáng trên những trang giấy đã bạc màu, nhiều chỗ xóa đi viết lại bên lề, gạch ngang sổ dọc, với nét chữ phóng túng tự do như chính con người ông đã sống…
Bùi Giáng đang mua chim phóng sinh trước 
Lăng ông Lê Văn Duyệt - Ảnh: Gia đình cung cấp
Có tờ lấm tấm những vết loang nhỏ, có lẽ do ông ngồi viết say sưa lặng lẽ ngoài trời, dưới bóng cây mít, hoặc tàng vú sữa trên sân nhà còn đọng nước mưa giọt xuống. Đọc di cảo ấy, thấy Bùi Giáng đã viết không ít về thế giới “thực” và “hư” này, với những chữ “mộng” triền miên xuất hiện ở những dòng thơ cuối…
Như chút tình ông muốn trao cho ai ông cũng thấy nó là lạ mỏng manh ảo ảnh thế nào: “Anh trao em từ mật niệm thiên thai/ Một tặng vật lạ lùng hư hay thiệt?”. Cả tên của ông nữa, ông cũng muốn kẻ khác hãy“quên đi” lời đã gọi lâu nay: “Thấy anh em chợt nhớ rằng/Anh từ tộc Giáng đổi tên họ Bùi”. Một bài với tựa nghe khá vui: “La hét!”, lại có một dòng buồn len xuống: “tình người có lẽ như tình chiêm bao”. Một số trong bản thảo trên đã xuất bản sau ngày ông qua đời, số khác vẫn chưa có dịp in. Chúng tôi hỏi anh Thanh Hoài là, anh đã đọc tất cả, vậy anh nhớ nhất những bài nào, câu nào?.
Bùi Giáng là một trong những nhà thơ thuộc loại hiếm của gia tài thi ca dân tộc, đã chạm được một tay vào chính cái chỗ ta vẫn thường nói khi thảo luận về tôn giáo, đó là quyền năng. Nhưng ông không là một giáo chủ… mà là một nhà thơ đã nắm được quyền lực: quyền lực thi ca. Trong thế giới tâm linh - trực giác thiên khải đó và cuộc đời “vật dục - trần gian” u mê này, ông đã đi về như một “tự do cá nhân”, không một vết xước nhân quyền.

Đặng Ngọc Như

- Nhiều, nhưng tôi nhớ và thường nhắc đến hai câu thơ của bác Giáng viết về tiếng hót của loài chim mà tôi hay đọc cho bạn bè nghe mỗi lần thấy họ cãi vã, to tiếng nhau.
- Câu gì vậy?
- Con chim ca hót thơ ngây/ Con người nói ít mà gây gổ nhiều. Thường khi đọc câu ấy xong các bạn của tôi im lặng, cười, giảm bớt nóng giận đi.
Thơ đã xuất bản khi ông còn sống, so với thơ trong bản thảo chưa in, thường cùng nhắc về một “nơi chốn” ở kiếp nào đó ông đã sinh ra: “Đi về một bữa hôm nay/ Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần”. Cả thiên nhiên, suối ngàn, cây cỏ, mưa gió trong thơ ông cũng “đầu thai” nhiều bận như ông: “Ra đi gió định trở về/ Ngày sau mây hẹn trả khe đầu ngàn”. Ông không cho cái chết là chấm hết: “Mai sau hẹn với ban đầu/ Chờ nhau ngỏ khác ngó màu nguyên xuân”. Mang theo nỗi lòng “trường mộng” trong những chuyến “luân hồi” ấy, ông bước ra đường phố, say sưa cười nói, múa may, khó có ai hiểu ông muốn gì. Lúc ông chửi bới này kia khiến có người ngỡ lầm là ông chửi họ, nên nổi sân si, xúc phạm, đánh ông bị thương phải vào bệnh viện như một tay bán hủ tiếu nọ. Người ta giục ông viết đơn kiện, nhưng ông lắc đầu nói hãy tha cho nó, vì “nếu mà kiện không chừng công an sẽ bắt nó lấy ai nuôi con nó, rồi lỡ nó ngồi tù nữa thì lấy ai bán hủ tiếu cho bà con ăn”.
Tận mắt chứng kiến một cảnh tương tự giữa phố, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thanh ghi lại: “Khoảng mươi người hiếu kỳ, và vài ba người trai tráng bặm trợn, đang hung hăng la hét ồn ào, chỉ chỏ sừng sộ vào một ông già lạ lùng đang đứng ở giữa. Ông già mang một cặp kính trắng dày cộm, mái tóc bạc bù xù, vài lọn tóc dài nghiêng xuống vầng trán rộng. Có vẻ như ông già vừa bị hành hung (…) đám đông thì đích thị chửi mắng thô lỗ ông già bằng tiếng Việt, còn ông già thì vi vu mắng chửi bằng tiếng Pháp, mà đối tượng ông gửi gắm không nhất thiết nhắm vào đám đông cụ thể mà ông đang đối diện. Tôi tiến tới gần, ép chiếc xe đạp của mình sát vào đám đông. Nhìn thấy một vết bầm tím đỏ bất thường trên trán ông, tôi hốt hoảng y như nhìn thấy người huynh đệ quyến thuộc của mình bị nạn, tôi thảng thốt kêu lên: Anh Bùi Giáng!” (Bùi Giáng - Lời không tiếng).
Không chỉ “kể”, Nguyễn Quang Thanh còn có lời bình được nhiều người tâm đắc: “Nói cãi vã, nhưng thật ra, chắc là, ông chẳng định ý tranh biện cãi vã với ai. Vì có lẽ, đối với ông, còn có gì đâu để cãi vã, khi mà mọi lẽ đời xuôi ngược ỡm ờ đã được ông tự đặt mình vào những tình huống đối nghịch tương ứng khác nhau, và rồi, ông đã mổ xẻ quá đầy đủ qua những tác phẩm kiệt xuất của ông. Ông đã tự đối thoại, tự tranh biện, tự đặt tâm hồn và thân xác mình vào những vị trí và vai trò khác nhau của cõi đời hư thực, trụ vào những vị trí khác nhau, trụ vào những vị trí không vị trí, trụ vô sở trụ, để cười, để khóc, để suy tư, để chiêm nghiệm, để sáng tạo, một cõi sáng tạo vừa xa vừa gần với cõi xứ mà những thiên tài kim cổ thường hội ngộ”. 
Kỳ 13: Bùi Giáng với làng báo Sài Gòn
Ghé tòa soạn tạp chí Văn những năm trước 1975, Bùi Giáng thường “ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo”...
Bùi Giáng đọc số Báo Thanh Niên 
có đăng thơ ông - Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhà văn Mai Thảo kể như thế trong hồi ức của mình và nhớ lại thời ấy Bùi Giáng “chỉ còn là da bọc xương trong bộ quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy”, nhiều lúc ông ngủ ngon lành trên bàn viết, rồi “lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống”.
Sau 1975, Bùi Giáng “đi xích lô đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM để gửi thơ (…) đi tìm ai, nếu không gặp, ông nhắn lại… bằng thơ! (Lê Minh Quốc)”. Ông cũng “lãng du” đến tòa soạn Báo Tuổi Trẻ năm 1994, đưa bài thơ đăng trên Báo Xuân Tuổi Trẻ 1995 có hai câu cuối: “Nhành đời gió lộng trùng khơi/ Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay”.
Với Báo Thanh Niên, vào một dịp có giải bóng đá thế giới, anh em phóng viên có truyền nhau mấy câu cho là của ông: “Truyền hình trực tiếp đá banh/ Sao không trực tiếp truyền thanh Mưa nguồn”… Ông biết được, cười vui vẻ và đã viết mấy dòng “nói cho rõ” như sau: “Câu thơ ấy chắc là của anh em Câu lạc bộ cao hứng nói ra. Nghe vui thật. Hay thật. Ngộ nghĩnh thật. Nhưng quả nhiên là không phải của tôi. Mong quý Báo, quý anh em thông cảm. Ký tên: Bùi Giáng”. Ông cũng gửi đến Báo Thanh Niên bài thơ Nàng tiên ấy với bốn câu mở đầu: “Nàng tiên ấy đã đi đâu/ Hay còn luẩn quẩn giữa màu lá cây/ Nàng đi nhớ tháng thương ngày/ Thương năm tháng rộng thương ngày cong cong…” và bài Ly rượu cuối cùng - cả hai đều đăng trên Thanh Niên số Xuân Bính Tý 1996.
Mấy dòng Bùi Giáng gửi Báo Thanh Niên - Ảnh: Tư liệu
Ông cũng thăm nhiều tòa soạn khác. Đọng lại nhất trong chúng tôi là hôm ông “ghé” Báo Khoa học phổ thông năm 1983 - cách đây đã tròn 30 năm. Nguyên hôm ấy, ông lang thang từ chùa Xá Lợi về hội quán Văn nghệ số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Thời đó, quán 81 bán bia hơi có “kèm mồi”, anh em mời ông ngồi uống, ông nốc cạn một ly rồi đi ngay ra cửa. Chúng tôi theo để gọi xích lô cho ông. Đến ngã tư Trần Quốc Thảo - Võ Thị Sáu một đoạn, ông đứng khựng lại chỉ vào tấm bảng có ghi: Tòa soạn Báo Khoa học phổ thông. Ông sừng sộ, hai tay xỉa xói từng chập lên cái bảng hiệu Khoa học phổ thông ấy. Nghe ông la mấy tiếng “đồ khoa học điên đảo!”, “khoa học đáng nguyền rủa!” - người trong tòa soạn ngỡ ông đang kiếm chuyện “gây” báo mình. Nhưng không. Vì thực ra ông không có gì để đụng đến tòa soạn uy tín này. Mà chỉ nhân hai chữ “khoa học” đọc thấy tình cờ trên tấm bảng, đã gợi lên niềm uất giận trong ông. Uất thế nào? Chúng tôi tự đi tìm lời giải đáp qua những dòng ông viết:
“Khoa học giết người, triết học giết người. Khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta nhìn không thấy rõ. Và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều con người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên. Khoa học thơ ngây được phép không ngờ. Khoa học đã hồn nhiên gieo bóng tối. Nhưng cái ghê tởm nhất là cái bóng tối từ ở giữa lòng triết học tỏa ra. Nietzsche đã chịu một mình mang tủi nhục để gào to. Nietzsche - cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa từ bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay… để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: cớ sao mà điên? Nêu một cách rất ngây thơ, tròn trĩnh. (…) Suốt hai mươi mấy thế kỷ, các nhà triết gia học giả u Tây đã gây điên đảo cho triết học như thế nào? Và từ một vài thế kỷ nay, tại sao khoa học lại gieo rắc đau thương nhiều đến thế?
Phải nêu câu hỏi đó lên, ta mới rõ vì sao Einstein một mực đòi đi bán bánh mì, Heidegger cùng với Nietzsche một mực đòi chôn vùi hay đập vỡ nền triết học từ Aristote về sau. Từ đó mà đi các bạn không còn chỉ trích chúng tôi sao lại cố tâm cố ý đưa những hình ảnh thiên nhiên - và gọi chúng là những tượng số - về ở giữa triết học hoạt tồn, triết học tồn lưu tồn thể… Đã là người Việt Nam, thì chẳng lẽ lại viết triết học bằng chữ. Phải viết bằng lời. Mà lời của biển dâu không thể là lời của văn xuôi. Phải là lời thơ “tái tân thanh” tái tạo. Văn xuôi cũng phải buộc là thơ. Và mở cửa cho thơ rúc vào nằm trong một vòm tròn trịa méo mó ôm nhau…” (Tư tưởng hiện đại, NXB Tân An, Sài Gòn 1974 và NXB Văn hóa Sài Gòn - Quỳnh Na 2008).
Đọc đoạn trên để hiểu phần nào về nguyên do khiến Bùi Giáng có những cơn giận bất ngờ trên đường phố, quay quắt bỏ đi, đi hoài tới trước. Và chắc là những lúc đó thơ ông cứ như thác đổ, ào ào tuôn dội từ những cơn “mưa nguồn” đổ xuống sau lưng!.
Kỳ 14: Bùi Giáng yêu sách và hoa
Gia đình thi sĩ Bùi Giáng vừa đưa chúng tôi mượn một số sách, trong đó có cuốn Lời cố quận và lễ hội tháng ba của Heidegger, do Bùi Giáng dịch và được Nhà xuất bản An Tiêm in năm 1972 tại Sài Gòn.
Thi sĩ Bùi Giáng “ngồi xuống bên đời”… 
 Ảnh: Gia đình cung cấp
''Trong vòm trời khô khan của triết học, người ta nghiêm nghị và đăm chiêu quá, nhất là các triết gia Đức, họ ít biết cười. Ông nắm tay dẫn họ vào cuộc hôn phối. “Cuộc hôn phối nào? Là Càn lấy Khôn. Trời cưới Đất, Gió Mộng gả Sóng Biển cho Rừng” (…). Ông đưa “gió mộng”, “khói hương” vào triết học, và như thường lệ, dắt cả chị Kiều, em Thúy vào chơi để nhờ chị em góp tiếng cười giải thoát trước những “công án” vỡ đầu. Công ông chỗ đó''.
Bùi Văn Nam Sơn
Chỉ riêng nhan đề cuốn sách trên đã gợi chúng tôi nghĩ đến một Bùi Giáng bước vào cuộc đời này như bước vào một “lễ hội” chưa tàn. Đọc những cuốn khác, thấy Bùi Giáng giới thiệu nhiều triết gia, như Soeren Kierkegaard được xem là “vị thủy tổ sáng lập chủ nghĩa hiện sinh. Ông là người Đan Mạch, sinh ở Copenhagen tiền bán thế kỷ 19, (…) muốn hòa mình với tâm tình bơ vơ của thời đại, ước mong đem triết học hòa vào nguồn thơ và nhạc của thăm thẳm núi rừng. (…) Kierkegaard la to lên: “Lý luận tư tưởng, không bao giờ đạt tới cái ân tình say đắm của tồn sinh. Có một cõi bờ bí huyền bát ngát của đời sống không thể nào lý luận lịch kịch đủ sức đưa ta vào. (…). Hiện sinh, là bước ra khỏi phòng tối, là không chấp thuận cái kín cổng cao tường, là chối từ cái im lìm, cái bất động của cái gì đã đạt, đã xong, đã rồi, đã đủ… Không. Sống là còn đòi hỏi thêm… thêm… Thế còn chưa đủ. Thế vẫn chưa vừa. Hôm nay phải khác hôm qua. Ngày sau không thể nào lập y như bữa trước” (Soeren Kierkegaard và cơ sở chủ nghĩa hiện sinh).
Bạn đọc trách thi sĩ Bùi Giáng tại sao bàn chuyện triết học lại cứ xen lẫn thi ca vào? Ông trả lời: “Xin thưa: đó không phải là một điều đáng trách. Theo quan niệm nhiều triết gia thời nay và thời xưa, thì “La philosophie a cessé d’être un drame, d’être une pensée, pour devenir un chant”. Triết học sau bao lần dọ dẫm tơi bời ở mọi đường quanh nẻo quẹo, cuối cùng đã không còn là một bi kịch rứt ray, một suy tư nghiêm ngặt, để trở thành một lời ca vi vu”.
Ông nhắc đến Karl Jaspers là người “muốn xiển minh cái quyền lực hiện hữu của con người bằng cái khả năng của tự do phát minh, tự do sáng tạo bằng quyền lực chọn lựa lối đi ở từng cảnh huống (…). Phải nói rằng: “tôi” trước hết, là hữu thể tự tạo mình bằng khả năng chọn lựa, bằng ý lực tung hoành vùng vẫy”. Rồi tiếp: “Kỷ niệm như đem về sương tuyết để pha in. Em chấp nhận không? Hãy cùng nhau dấn thân vào giông tố. Yêu là chết. Ngay từ đầu hãy lên đường ly biệt nhé, em. Triết lý của Jaspers là cả một con đường vũ bão. Hãy can đảm rời mái gia đình, vào trong siêu hình sa mạc se sắt để đón lấy gió võ vàng thổi lại ý phong lan. Những tờ cảo thơm mang nhiều biểu tượng; hãy nắm, hãy cầm, và đọc nhé, những ẩn ngữ nào kỳ bí sẽ minh giải cái nghĩa đời cho nhau đó, thưa em” (Thân phận con người trong triết học Karl Jaspers).
Về André Malraux, Bùi Giáng nhận định: “Qua tác phẩm ông (Malraux), ta bị đập mạnh bởi giọng nói quả quyết, hiên ngang, sống động của kinh nghiệm và qua những gì ta biết về đời ông, là một sự sáng suốt kiếm tìm một hình ảnh của con người. Bởi vì con người đã mất hình, mất bóng. Con người đã không còn níu giữ được thượng đế trong hai tay. Thì sau lúc thờ thẫn khóc than, phải tự tạo cho mình những giá trị nào để mình bám vào mà sống, mà đứng lại với đời, ở lại với lá cây, cợt cười cùng cồn cát”.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi kể ra đây câu chuyện (chuyện thực, không phải giai thoại) để minh họa thêm chân dung Bùi Giáng - một thi sĩ đã sống không phải bằng “khuôn định của triết học và luận lý”, mà luôn sống động, rực nóng như những hồn thơ cháy đỏ, lăn lóc trong gió lộng và trên đường phố cuối chiều 30 tết. Nguyên khoảng từ rằm tháng chạp trở đi, vào những năm đầu của thập niên 1990, các vị sư ở chùa Phật Đà - một ngôi chùa nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM - thường mang hoa ra bán cạnh lễ đài Bồ tát Thích Quảng Đức để kiếm chút ít tiền hương đèn giao thừa. Một năm nọ, Bùi Giáng xuất hiện đi lui đi tới, đi qua đi lại, không mua chậu hoa nào, mà cứ chen lấn với khách, đẩy người này xô kẻ nọ để dòm quanh dưới đất. Thầy Bổn của chùa Phật Đà hỏi: “Cụ tìm gì?”. Bùi Giáng đáp: “Tìm hoa rơi”. Một lát sau, có vài bông hoa rơi xuống thật. Bùi Giáng hớn hở chạy tới lượm từng chiếc lên, ngắm nghía nâng niu. Thầy Bổn bảo: “Cụ lượm làm gì?”. Đáp: “Lượm đem về cho nó ăn tết”. Lại hỏi: “Hoa mà biết ăn tết à?”. Bùi Giáng “khai thị” rằng: “Hoa cũng như người. Người ăn cơm thì nó uống nước. Ban đêm người ngủ nó vẫn thức. Nghe thơ đây: Trong linh hồn một bông hoa/ Dường như có cõi người ta đường hoàng”. Rồi ông lẳng lặng đi, mang theo những đóa hoa cuối năm vừa mới rời cành…
Kỳ 15: 'Ông trời tròn' trò chuyện với… Kiều!
rước khi mất, vào đầu năm 1998, Bùi Giáng nhận được một tham luận ký tên Kiều Nguyên Tá từ Mỹ gửi về mà khi đọc, theo người nhà - ông đã vui vẻ cười nói nhiều hơn bên “khung cửa hẹp”…
Tham luận trên do người em ruột của Bùi Giáng là ông Bùi Văn Vịnh (nay đã mất) gửi về cho người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài nhận qua bưu điện và trao tận tay ông. Ông nằm trên chiếc võng móc ở giữa hai cây vú sữa và cây mận trước sân, gật đầu mỉm cười khi đọc tới đoạn Kiều Nguyên Tá nhắc đến mấy câu thơ của ông: “Hãy về gấp cho Trẫm quỳ dưới gối/ Bày tỏ niềm ân hận suốt trăm năm/ Rồi từ đó ra sông dài tắm gội/ Anh nhìn em như ngó nguyệt đêm rằm” và “Nhìn anh em có thấy không/ Anh là rất mực một ông trời tròn”.
Kiều Nguyên Tá luận: “Qua thân thể hình tướng Bùi Giáng, ai hiểu được tuổi Đời, tuổi Đạo của Bùi Quân, có chăng người ta nhìn bề ngoài, nhìn cái giả, chứ mấy ai nhìn được cái thực của Bùi Giáng… Bùi Giáng cứ lộn lên lộn xuống mãi hàng tỷ, tỷ kiếp để đến ngày hôm nay ông nghiễm nhiên trở thành “TRÒN VO”, không còn luẩn quẩn trong cái tròn (dương), trong cái vuông (âm) thường tình nữa”. Đọc xong, Bùi Giáng đung đưa võng rất lâu, chẳng biết ông nghĩ gì suốt buổi hoàng hôn ấy. Sáng hôm sau, theo lời người nhà, Bùi Giáng dậy rất sớm trước lúc mặt trời mọc, đi ra quán ông Tốt ghi nợ mấy ly rượu trắng uống lúc chưa ăn gì, rồi trở về nhà bảo:
- Bây giờ “ông trời tròn” sẽ nói chuyện lai rai với nàng Kiều đây…
Thực ra chỉ có một mình ông nói với một nàng Kiều nào đó vô hình vô ảnh, say sưa như thể có cụ Nguyễn Du đang đứng một bên làm chứng, rằng: nàng Kiều đã chết từng giờ từng phút từ khi nàng mới sinh ra! Chẳng ai hiểu gì. Người nhà hỏi: nàng Kiều chết như thế nào, ông bảo hãy giở cuốn Mùa xuân trong thi ca tìm câu trả lời.
Cuốn đó, đúng là ông có viết về “cái chết” của Kiều. Song cái chết ấy không chỉ riêng Kiều, mà chung cho tất cả những ai mới lọt lòng: “Con người ta là một sinh thể cho tử - vong - tử - diệt. Vừa mới sinh ra đời là đã như đang chết. Sinh và tử, tử và sinh đi gắn liền nhau trên mặt biển dâu. Sinh, lão, bệnh, tử, ly, biệt, nói ra là năm tiếng, đáo cùng vẫn chỉ là một tiếng: Parting is all we know of heaven, and all we need of hell” (Emily Dickinson): ly biệt là tất cả những gì ta biết về thiên đường, và tất cả những gì ta cần ở nơi địa ngục. Vĩnh ly là chất của trời. Vĩnh ly là thói của đời nhà ma”.
Có nghĩa là, “Kiều” dưới ngòi bút Bùi Giáng thành tên gọi chung của niềm “ly biệt”. “Ly biệt ngày chia tay đã đành: Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Nhưng ly biệt ở ngay trong giờ sơ ngộ: Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao - Nhưng ly biệt cũng ở ngay trong giờ tái ngộ: Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?”.
Ngay giữa mùa xuân, giữa ngày sinh cũng chớm mầm tảo mộ: “Rằng sao trong tiết thanh minh/ Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”. Bùi Giáng viết: “Không phải đợi tới bây giờ đối diện với cái nấm mộ sè sè nọ, Thúy Kiều mới nhận ra cái tính chất vắng tanh của phong cảnh giữa tiết thanh minh. Nàng là cái tại thể tài hoa đã vốn để nảy ra tồn lưu “một cung bạc mệnh”. Và “Cái Dasein Thúy Kiều tự bao giờ đã liễu giải viên mãn cái nghĩa tử sinh gay cấn”. Từ đó ông nhắc tới những nỗi “sầu đời”: “Người ta bảo mùa thu sầu? Nhưng tại sao mùa xuân lại càng sầu hơn nữa? Nhân ngôn thu bi/ xuân cánh bi. Đôi lúc lời thơ lại ỡm ờ hàm hỗn hơn: Nhân hành do khả phục/ Tuế hành nan khả truy! (Tô Đông Pha): Người đi, còn có thể trở lại. Năm tháng đi, biết làm sao có thể dõi theo níu trở về?”. Rồi ông nêu hai câu thơ của Hoài Khanh: “Lang thang trong vạn hồn chiều/ Nghe mùa gãy đổ dưới nhiều bến sông” và bình: “Đợi chờ gì dưới nhiều bến sông gió quạnh? Dòng nước vẫn trôi, em hãy xuôi đò, xin cùng anh vĩnh biệt”. Trước giờ “qua bên kia bến”, ông nhắn: “Mỗi người hãy tự mình tìm trở lại chân lý cho đời mình, gột rửa những mớ hệ thống lý luận đã có sẵn, để nhận chân thực tại của đời sống và nội tâm. Đừng quá ham biện luận mà trở thành mù quáng”. Câu nói đó được nhắc lại trong bữa giỗ đầu tiên nơi căn nhà ông ở trước lúc qua đời 15 năm trước… 
Hiểu biết vạn vật đất trời, trước sau vẫn là tự hiểu biết mình (…) cái miền thân thể, cái bình thịt xương với tứ chi lếu láo, ta đừng để chúng lung lạc, thao túng con người xác thực của ta. thân thể, ta phải canh chừng nó. cũng như ta phải đề phòng cái tinh khí của ta. vâng, thân thể và khí chất phải được vượt qua!.
Kỳ 16: Một bài thơ bí hiểm
Trong khối lượng thơ đồ sộ của thi sĩ Bùi Giáng có một bài thơ khá bí hiểm vì suốt bài quanh đi quẩn lại hai chữ “như thị! như thị!”.
Đọc hai câu thơ: “Bà Trời trắng nõn than ôi - Lúc lâm bồn ắt bà 
ngồi quặn đau” xong, Bùi Giáng đã trầm tư - Ảnh: Gia đình cung cấp
Trước khi đọc bài đó, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nhắc đến câu nói “bí hiểm” của Bùi Giáng qua câu chuyện do anh Phạm Chu Sa - nhà thơ, nguyên là biên tập viên của Báo Thanh Niên - đã kể lúc rảnh rỗi quanh bàn trà tòa soạn. Mới đây, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Chu Sa để hỏi lại lần nữa cho chính xác, thì được anh giới thiệu bản thảo chưa xuất bản của cuốn Một vài hồi ức về những văn nghệ sĩ quen biết do anh viết, với đoạn về Bùi Giáng dẫn dưới đây (nguyên văn):
“Hằng ngày Bùi Giáng mang lỉnh kỉnh trên người đủ thứ đồ phế thải mà người ta vất ra đường, từ cái chuồng chim, thùng các tông, tấm áo mưa rách đến cả áo lót phụ nữ ông cũng choàng lên vai, ra đứng giữa đường chỉ trỏ như hướng dẫn xe cộ, có khi ông bị mấy cậu thanh niên đeo băng đỏ túm kéo về phường. Lần đó, đâu khoảng giữa năm 1976, gặp ông mang đủ thứ trên người, đứng giữa đường trước chợ Trương Minh Giảng (sau đổi là chợ Nguyễn Văn Trỗi) múa chân múa tay, tôi chạy đến năn nỉ ông đi với tôi, mãi ông mới chịu đi. Tôi bảo ông vất bớt ba thứ linh tinh đi, nhưng ông nổi giận. Tôi đành chở ông mang theo đồ lỉnh kỉnh ra “văn phòng giao dịch” của tôi ở chợ trời là quán cà phê ở 75 Lý Tự Trọng. Tôi mời ông uống cà phê, ông hỏi tôi “cà phê sữa bao nhiêu?”, tôi bảo hai đồng. Ông nói  “Tao không uống cà phê. Tao uống nước trà, mi cho tao hai đồng rứa, hỉ?”. Tôi đưa ông mấy đồng, ông cười hề hề bảo, uống cà phê mà lại có tiền thì tao tới tìm chú mi hoài. Té ra ông già tỉnh như sáo chứ có điên gì đâu! Rồi ông ngồi im lặng ngó ra đường. Chợt thấy tôi cầm cuốn Nam Hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống, mà tôi vừa mua được ở vỉa hè đường Lê Lợi, mắt Bùi Giáng sáng lên. Ông hỏi: Mi đọc Nam Hoa mà mi có biết tại sao “thằng” Trang Tử chửi “thằng” Khổng Tử không? Tôi khá bất ngờ và tính thưa thiệt là không biết, nhưng không chờ tôi nói, ông đã tự trả lời: Bởi “thằng” Trang Tử “nó” quá mê và nể sợ Khổng Tử nên phải chửi thôi! Chửi theo ngôn ngữ của Trang. Ông đã khai sáng cho tôi một điều phải nói là kinh khủng mà tôi nhớ hoài!”.
Trong lúc nói về Trang Tử và Khổng Tử với những giải thích “hình nhi thượng”, đôi lúc Bùi Giáng đã giúp người chung quanh đang ngồi nghe bớt phải “nặng đầu” bằng những câu thơ vui vẻ của mình, như bài Tặng bà Khổng Tử: Lòng không lửa tuyết phun hoa/ Tàn canh nuôi dưỡng mưa sa nửa dòng (...)/ Lòng đi trong cõi người ta/ Lòng đi đi mất đi là đi đi. Nối theo bài Con chim: “Con chim người ở giữa trời/ Tháng đi theo tháng tìm mồi hắt hiu/ Con chim người xuống ban chiều/ Cấp ban hôm sớm một triều sóng hoa/ Linh hồn mộng mỵ bay xa/ Con chim người đã té ra về trời...”.
Bí quyết sáng tạo?
“Mỗi lần nói tới cái gì, nghe ra cái gì, ngó lại cái gì, là y như đó là LẦN ĐẦU TIÊN ngó, nghe, nói. Ai đọc Nguyễn Du mà không cảm thấy điều đó? Câu chuyện cũ, tiết điệu cũ (có cái gì là không “cũ” đâu?) - thế tại sao mỗi lần “lần giở” vẫn nghe như cái cõi đời trong ta lại tân kỳ như bất ngờ ngẫu nhĩ...”.

Bùi Giáng
Đọc đoạn trên, chúng tôi về nhà, giở phần phụ lục cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng xem lại, thấy ông khen Nhượng Tống đã dịch hai cuốn Nam Hoa kinh (Trang Tử) với lời bàn giải của Lâm Tây Trọng và Tây Sương ký (Vương Thực Phủ) với lời phê bình của Kim Thánh Thán, rằng: “Đặt vào trong toàn thể tư tưởng Đông Phương, hai cuốn sách (dịch) của ông (Nhượng Tống) và cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim đã thừa sức tẩy trừ bao nhiêu những sách vở nhảm nhí của bọn học giả hiện đại từ Việt Nam đến Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản. Đó là điều mà bọn trí thức rởm sẽ không sao hình dung được”. Tiếp đó Bùi Giáng nhận định đoạn Mở Níp (khư khiệp) trong Nam Hoa kinh đã “mang một ẩn ngữ đồ sộ ở phía sau những điều Trang Tử trực tiếp nói ra (…).
Suốt bài, Trang Tử đẩy Đạo Chích ra giảng giải về “Đạo ăn trộm”. Đạo Chích giảng giải một cách rắn rỏi nghiêm mật dị thường. Không cách gì bắt bẻ được. Nhưng tại sao càng không bắt bẻ được, thì cái chân lý hiện ra ở phía sau ngôn ngữ Đạo Chích lại toàn thị hiện là một chân lý ngược lại hẳn cái chân lý mà Đạo Chích nói ra”. Căn cứ đó, anh Phạm Chu Sa và chúng tôi “hiểu” câu nói “bí hiểm” của Bùi Giáng về việc Trang Tử “chửi” Khổng Tử chính là để “khen” vậy - nhưng đó là cách khen không giống với thường nhân. Cũng từ đó, chúng tôi liên tưởng đến bài thơ “bí hiểm” khác của Bùi Giáng, đọc thấy trong cuốn Lời cố quận và lễ hội tháng ba (NXB An Tiêm, Sài Gòn 1972, tr.192), như sau: “Như thị, thị như, như thị thị/Thị như, như thị, thị như như/ Thị như, như thị, như như thị/ Như thị, thị như, thị thị như/ Hiển thể thị như như hiện thể/ Sơ đầu thị hiện thị nhiên như”.
Còn hai câu nữa: “Xưng danh nhứt xuất do thy sĩ/ Sạ hiện tức hình hiện thể như”, nhưng sa môn Huệ Thiện bảo ngang bốn câu “như thị” đó là đã đầy đủ lắm rồi. Giải mã bài thơ ấy ra sao, xin hẹn một kỳ sau.
Kỳ 17: Một ngày ngao du
Chắc hẳn nhiều bạn đọc - cũng như chúng tôi - đều muốn biết thi sĩ Bùi Giáng đã sống ra sao hằng ngày, đi đâu, về đâu và làm chi từ sáng đến chiều...
Bùi Giáng với bé Quỳnh 
(con gái Thanh Hoài) trong ngày sinh nhật 27.8:
  “Bài thơ sinh nhật Bé Quỳnh 
Cầm cây bút viết thình lình tay run (...)
Lời chúc tụng Nàng Thơ về ẻo lả
Tự đầu tiên Quỳnh Bé đã vô ngần 
Ảnh: Gia đình cung cấp
Câu hỏi chuyển đến anh Nguyễn Thanh Hoài - người sống kề cận hơn 15 năm cuối đời với Bùi Giáng và được nghe kể:
- Bác Giáng dậy sớm lắm, thường khoảng 3 rưỡi đến 4 giờ sáng để ngồi thiền. Xả thiền xong ông lên tiếng đọc thơ khá lớn giọng, đánh thức cả nhà dậy. Nếu có ai ra mở cửa thì thôi, bằng không ông tự leo rào ra ngoài để bắt đầu một ngày ngao du.
Nơi ông đặt chân đến đầu tiên trong ngày thường là bất cứ một quán cóc nào đó trên vỉa hè đường Lê Quang Định, cạnh chùa Dược Sư, hoặc chùa Già Lam, gọi một ly cà phê đen cho có lệ, cốt để ngồi đảo mắt nhìn thiên hạ qua lại trong cảnh mờ mờ tối tối.
Đợi lát sau lúc trời vừa rạng sáng, thấy rõ mặt người, là ông đã vào gõ cửa quán rượu ông Tốt gần nhà để ghi chịu vài ly rượu trắng “mở hàng”. Uống xong ông bắt đầu đi là đà lãng đãng chỗ này chỗ nọ tùy thích cho đến trưa mới về ăn vài hột, có bữa không về, mãi đến trời sập tối mới thấy ông ngất ngưởng ngoài cửa. Lúc tỉnh táo thì không nói. Lúc say ngã tới ngã lui, người nhà phải bồng ông vào, năn nỉ ngủ. “Lịch sinh hoạt” ấy của ông ngày này qua ngày khác “rớt hột phiêu bồng” như thế...
- Chẳng có gì khác hơn sao?
- Có. Một điều gần như lặp đi lặp lại theo chu kỳ trong hơn 15 năm cuối đời của ông, là hễ ông “ngao du” một tháng theo cách trên, thì tháng kế tiếp ông ở nhà, không hề bước chân ra ngõ. Mà ở nhà, ông không nói một lời với bất cứ ai. Chỉ khi nào có việc hợp ý thì ông gật đầu. Không hợp ý thì ông lắc đầu. “Khoảng lặng” đó của ông kéo dài như những đám mây âm thầm tụ lại, rồi bỗng nhiên trổ một trận mưa bất chợt. Ở đây là “trận mưa thơ” không lường trước được.
Trong đó có những bài tặng các “nàng công chúa” bán ve chai, mà ông biểu lộ tấm lòng thương cảm từ bi, bằng cách trong lúc rong chơi đây đó ông vẫn để ý lượm những bao ni lông, giấy vụn và đồ tế nhuyễn về chất đầy một góc, đợi những người bán ve chai đi ngang qua, ông gọi vào rồi lỉnh kỉnh gom hết đem ra tặng cho họ, không lấy tiền. Tôi nhớ một bài ông đọc giữa trời: “Dzeee chai bééén! Dzeee chai beéén/ Dzeee chai bán!/ Bán dzeee chai!/ Tiếng rao mộng ảo dẻo dai dị thường/Tiếng rao huyền diệu phố phường.../ Tôi đi khắp chốn tình trường nhớ nhung/Tiếng rao lanh lảnh nghìn trùng/ Nghìn nhung nhớ một tao phùng nết na/ Người đi tôi ở lại nhà/ Chiêm bao mộng tưởng vẫn là... dzeee chaiii!”.
- Bùi Giáng thường nhắc đến ai trong những triết gia phương Tây?
- Heidegger!
Vừa nói, anh Thanh Hoài vừa lật những trang Bùi Giáng viết: “Dasein - danh từ trụ cốt trong tư tưởng Heidegger - Dasein có thể dịch như thế nào? Gabriel Marcel sau vài tuần hội đàm với Heidegger, đành than thở: Dasein không cách gì dịch ra Pháp ngữ. Xưa kia, Henry Corbin đã dịch là “réalité-humaine”. Sau này các triết gia Pháp sẽ còn dịch là “l’être-le-là”.
Trong một số đặc san kỷ niệm Bùi Giáng, thấy có viết: “Martin Heidegger (1889 - 1976) là triết gia vĩ đại nước Đức, người đã gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trên tư tưởng nhân loại trong suốt thế kỷ 20 và là người đã “kiên nhẫn dùng nhiều phương tiện thiện xảo, để gỡ bỏ bao gai góc trên mảnh đất siêu hình học phương Tây, giúp bạn đọc tìm về cõi uyên nguyên của tư tưởng bằng tất cả tâm nguyện “tín giải thọ trì” của một bậc bồ tát phương Tây”. Còn Bùi Giáng: “Heidegger khoát nhẹ một nửa bàn tay đủ lật nhào hai ngàn năm rưỡi tư tưởng triết học Tây phương và dựng lên một cõi gì chưa có danh hiệu chỉ định. Nhưng mà ông cứ giả vờ lất lay, lần mò lóng cóng đún đẩy rất mực ngược ngược xuôi xuôi”.
Trần Trung Phượng nhận định: “Bùi Giáng không chết. Và Heidegger cũng thế (tuy chúng ta biết rằng ông ra đi vĩnh viễn vào ngày 26.5.1976 tại Messkirch, quê hương của ông). Trong thế giới của những nhà suy tư lặng lẽ và ồn ào, bên cạnh Pythagore, Socrate, Trang Tử, Lão Tử, Shakespeare, Nietzsche, Kierkegaard... cả hai vẫn đang tiếp tục đùa giỡn, không phải là đùa giỡn với ngôn ngữ và tư tưởng hoặc với “hữu thể và thời gian” (Sein und Zeit) mà là đùa giỡn với hư vô, một sự đùa giỡn khốc liệt và bi tráng nhất trong lịch sử con người, một kiểu đùa giỡn đã từng làm một thiền sư - thi sĩ Việt Nam, khi một mình bước lên đỉnh núi cô đơn, phải hét to lên, làm lạnh cả bầu trời bát ngát xanh lơ - Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. 
Hai lần thế giới binh đao (Thế chiến 1 và 2) vẫn chưa cho ta một nửa bài học. Ta vẫn hồn nhiên bước chân vào trường học để mài miệt học triết học, khoa học, trộn với chút ít thi ca. Nhận rõ cái hiểm họa ấy, Schweitzer đã đưa hai tay nắm lấy khoa học, Heidegger đã chín móng bấu lấy triết học, để gột rửa chúng khỏi những bùa ngải điêu linh. 
Bùi Giáng
Kỳ 18: Xin chào!
Tối 6.10. 2013, chương trình văn nghệ tưởng niệm Bùi Giáng sẽ tổ chức tại chùa Phổ Quang (64/2 Phổ Quang, Q.Tân Bình - TP.HCM) lúc 19 giờ, do thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam - TP. HCM chủ trì…
Buổi tưởng niệm có phần giao lưu với hòa thượng Thích Giác Toàn, kỳ nữ Kim Cương, họa sĩ Triều Sơn, đạo diễn Hoàng Thiên, nhà thơ Huệ Hiền và nhiều văn nghệ sĩ khác. Đây không phải là lần đầu tiên tưởng niệm Bùi Giáng ở các ngôi chùa, mà ngay lúc ông mới mất, đã có cầu siêu, lễ tụng, vào lễ chung thất 49 ngày một đặc san kỷ niệm nóng hổi được in ra, liên tục 5 năm sau đó mỗi năm đều có in một cuốn nối theo, được tổ chức biên soạn và góp mặt bởi hòa thượng Thích Quảng Hạnh (Người Chơi Đẹp), Thích Thông Bác (Trần Đới), Thích Nguyên Hiền (Nhất Thanh), Thích Nhuận Châu, Thích Nhuận Quốc, Thích Nhuận Độ, Trương Thìn, Hoài Anh, Nguyễn Thiên Chương, Tây Tạng (Giao Hưởng)… Xuất hiện những năm cuối trong thế giới thơ của ông là ni sư Thích nữ Tâm Mãn, tức bà Thân Thị Ngọc Quế.
Bà Ngọc Quế định cư ở Pháp hơn 40 năm, đến 1988 bà mới trở về Việt Nam, lúc ấy bà đã 70 tuổi (sinh ngày 2.4.1918 tại TP.Huế), sáng tác ào ạt và xuất bản liên tục: Giọt nước cành sen (1988), Thơ gởi muôn trùng (1990), Mây trắng đường về (1990), Trắng cả hoàng hôn (1991), Đường lên đỉnh biếc (1992), Ngọn cỏ mặt trời (1993), Tuyết mùa viễn xứ (1994), Tìm trong cát bụi (1994)… Nhiều nhạc sĩ tài hoa trong nước như Dzoãn Mẫn, Tô Vũ, Hoàng Giác, Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn… đều có phổ nhạc thơ của bà Ngọc Quế. Một hôm bà mang mấy tập thơ của mình đến gặp thi sĩ Bùi Giáng. Ông mở ra đọc và hốt nhiên rung động như gặp người bạn tri kỷ đã lâu trên thi đàn mà sau này ông gọi những tập thơ của bà là “món quà rạng rỡ của sông Hương núi Ngự đã gởi đến tặng vào những ngày hiu hắt nhất của kiếp thơ này!”. Bà mất năm 2007 tại TP.HCM, linh cữu chở về ngoài Trung và nhập tháp tại khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế.
Trong số di cảo Bùi Giáng để lại có một số viết về bà Ngọc Quế bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp như đoạn: “Chị Ngọc Quế, Đã qua miền sỏi đá/Tìm về hướng mặt trời/Ngàn năm giọt nước có buồn không? Passé - la terre des cailloux des pierres arides/Nous recherchons aujourd’hui la contrée du soleil en sa splendeur/Ô goutte (gouttelette) d’eau! As-tu jamais été triste durant des milléraires?”.
Một di cảo khác viết: “Thân Thị Ngọc Quế! Có những tác giả khép lại một chu kỳ/ Họ tiến lên theo tiếng hát cuối cùng và cuộc đối đầu tối hậu”. Hình như René Char đã nói câu bất hủ đó. Có lẽ chúng ta cũng có thể nói như  thế về nàng thơ Ngọc Quế Việt Nam. Hoàn toàn như lời nói trên đây. Nàng thơ này đã yêu đời vô cùng tận. Nàng thơ - nữ xử - đã để lại cho chúng ta những gì trong thi phẩm? Xin miễn trả lời! (…) Trước khi trở về từ cõi mộng tôi xin giã từ nàng nơi đây”.Một trang khác ông viết: “Thượng thừa Ngọc Quế, bỗng nhiên tôi cảm thấy rằng chẳng bao giờ nàng hiểu được ngôn ngữ của tôi, một nỗi buồn kinh khủng xâm chiếm lòng tôi. Và tôi trở thành, mãi mãi tôi có thể trở thành một gã điên trên cõi đời này, cõi đời đang tiến đến vực thẳm, trên sườn dốc của một nhân loại chẳng bao giờ hiểu biết những đòi hỏi của con người khi lên tiếng”.
Và ông, ông đã “lên tiếng” trong hành trình trăm năm của mình, để: “ai cũng có thể có một Bùi Giáng, một thơ Bùi Giáng cho riêng mình” (Đỗ Quyên). Và “thay vì nằm xuống với hàng nghìn vòng hoa thương tiếc, đám tang của Bùi Trung Niên thi sĩ lại cũng vui vẻ “thập thành” với đủ mọi giới từ thượng tầng trí thức đến xích lô ba gác ăn mày ăn chơi đủ kiểu đến tiễn đưa (…) thi ca Bùi Giáng sẽ còn là ẩn ngữ triền miên cho các thế hệ sau lý giải - Cái lớn của họ Bùi là ở đó” (Du Trốc Tử).
Còn khá nhiều tài liệu, bản thảo của Bùi Giáng dịch hoặc nhận định về André Gide, Albert Camus, Saint-Exupéry và về thơ Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, hoặc giải mã về bài thơ bí hiểm “như thị”… chưa thông tin được đến bạn đọc, đành hẹn một duyên sau. Cuối loạt bài này, xin nhắc mấy “lời chào” của thi sĩ: “Xin chào nhau giữa lúc này/ Có ngàn năm đứng ngó cây cối và/ Có trời mây xuống lân la/ Bên bờ nước có bóng ta bên người/ Xin chào nhau giữa bàn tay/ Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con (…) Xin chào nhau giữa làn môi/ Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam (…) Xin chào nhau giữa bụi đầy/ Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu (…) Hỏi rằng đất trích chiêm bao/ Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau?/ Thưa rằng ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”… 
Giao Hưởng
Nguồn: thanhnienonline
Theo https://www.cailuongvietnam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn) Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nhà ...