Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Các vụ án trong xã hội Truyện Kiều

Các vụ án trong xã hội Truyện Kiều
Trong xã hội phong kiến Truyện Kiều, có hai vụ án xưa nay đã được bàn cãi rất nhiều, đó là vụ oan gia nhà họ Vương và vụ Thúc ông kiện Thúy Kiều. Khi bàn về chúng, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đổ lỗi cho quan tham, và kết luận xã hội đã để xảy ra những vụ án như thế là một xã hội thiếu đức trị. Liệu đó có phải là ý đồ Nguyễn Du gửi gắm vào tác phẩm của mình hay không? Ở một góc nhìn mới, ta có thể bào chữa cho “quan tham” và xã hội thiếu “đức trị” bằng cách nào?.
Thúy Kiều xử án Hoạn Thư [Tranh minh họa]
Ta sẽ “mổ xẻ” các vụ án trong xã hội Truyện Kiều để thấy chủ ý của Nguyễn Du ra sao.
Vụ án đầu tiên trong Truyện Kiều là vụ án nhà Vương ông bị thằng bán tơ vu oan. Với vụ án này, ta bắt đầu nhìn nhận về hiện tượng đang xảy ra. Bối cảnh vụ án vô cùng đột ngột:
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao:
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi,
Già giang một lão, một trai
Một dây vô lại buộc hai thâm tình,
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ
Bằng ngôn ngữ tả thực, Nguyễn Du đã vẽ ra một bức tranh sống động để miêu tả sự uy hiếp và vơ vét theo kiểu hỗn loạn, trắng trợn của kẻ thi hành công vụ (trực tiếp là bọn sai nha) xảy ra tại nhà Vương ông. Tính theo trật tự thời gian sự việc, cách xuất hiện bất thình lình của bọn sai nha kèm theo những hành động bắt trói người, rồi vét cho đầy túi tham (đâu phải thu hồi tang vật làm bằng chứng) của cải trong nhà họ Vương, ta dễ nhận ra sự bất thường của vụ án được bộc lộ ngay từ đầu. Sự vơ vét này đâu phải là biểu hiện của kẻ đang đứng trong vòng pháp luật để thực thi nhiệm vụ.
Và cũng thật lạ, khi nhà Vương ông trong tình trạng ngơ ngác Điều đâu bay buộc ai làm?/ Này ai dan dậm, giật giàm bỗng dưng?, họ đã không hiểu nguyên nhân của vụ án bắt đầu từ đâu. Sau khi miêu tả sự uy hiếp và cướp bóc trong sự ngỡ ngàng của gia đình Vương viên ngoại, tác giả mới hé lộ lí do bọn sai nha xuất hiện:Hỏi ra sau mới biết rằng/ Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ. Thì ra, nghi phạm hỏi ra mới biết nguyên nhân. Xét theo từng chi tiết, tính chất mập mờ của vụ án đã thể hiện ngay từ đầu. Xây dựng nên cảnh đối lập về bức tranh xã hội (thu nhỏ trong phạm vi gia đình Vương ông): Êm đềm trướng rủ màn che><Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao, đó phải chăng là chủ ý của tác giả nhằm tạo ra tình huống bất thường đầu tiên xuất hiện trong khoảng thời gian dài hơn mười lăm năm yên bình, để từ đó nhà họ Vương có khả năng suy luận, phán đoán nhằm nhận ra chân tướng của sự việc? Sống trong xã hội phong kiến, thừa hưởng phong lưu, bao nhiêu năm êm đềm dưới sự bảo vệ của pháp luật, không hề có biến động nào, giờ đột ngột xuất hiện lũ đầu trâu mặt ngựa, ấy vậy mà gia đình Vương ông không cảm nhận được sự việc đang xảy ra là bất bình thường hay sao? Cùng một vấn đề đưa ra làm phép thử về cách ứng xử, kẻ vô học - thằng bán tơ còn biết lợi dụng chứng cứ ngoại phạm để đến cửa quan vu oan, thì tại sao những con người thuộc dòng Nho gia có thông minh vốn sẵn tính trời lại không biết nhận ra những điểm nghi vấn của vụ án mà tìm cửa quan để giãi bày? Ở trong xã hội phong kiến có thể chế luật pháp, vậy tại sao nhà họ Vương không dựa vào pháp luật để làm sáng tỏ sự việc mà cứ phó mặc cho hoàn cảnh để giải quyết sự việc một cách bột phát, bản năng? Biến cố xảy ra, không biết xử sự sâu sắc theo kiểu cách con nhà Nho, gia đình Vương ông đang nhìn nhận và giải quyết vấn đề hoàn toàn cảm tính:
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.
Hạ từ, van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.
Nhà họ Vương trong tâm trạng hoảng hốt thiếu bình tĩnh, nên dẫn đến nhìn nhận và xử lý vấn đề không sáng suốt. Thứ nhất, đối tượng họ kêu oan là bọn sai nha, đó chẳng phải là kẻ đang gây tai họa trực tiếp cho mình hay sao? Thứ hai, cách kêu oan Hạ từ, van lạy suốt ngày/ Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn, phỏng có ích gì khi mà bọn sai nha đang thể hiện thái độ rũ bỏ, phỉ báng một cách thô bỉ? Kêu oan không đúng đối tượng, lại thêm với thái độ kêu như thế, đó là cơ sở để bọn sai nha nhìn ra ngay ra điểm hạn chế của gia đình Vương ông, vì thế chúng càng mặc sức hoành hành. Với bản tính tham lam, khi nhận ra điểm yếu này của nhà họ Vương, bọn sai nha đã coi đây là cơ hội để kiếm tiền, vì thế chúng đã tiến hành hành động uy hiếp ở mức cao hơn:Một dây vô lại buộc hai thâm tình --> Rường cao rút ngược dây oan. Từ biểu hiện này, ta dễ dàng nhận ra một hiện trường đang trở nên khốc hại.
Tại sao có sự tiến triển này? Giả sử nhà họ Vương nhận ra điểm khả nghi của vụ án để rồi thay việc van lạy chúng, có ý thức đi cửa quan kêu cứu, thì hẳn bọn sai nha đã dám hành động trắng trợn từ buộc sang hình thức rường cao rút ngược như thế hay không? Rõ ràng cách ứng xử của nhà họ Vương như thế đã tạo cơ hội cho bọn sai nha thực hiện những hành vi bạo ngược. Thói sai nha, với bản chất tham lam (lợi dụng việc công biến thành của riêng: đầy túi tham) thì giờ đây “mềm nắn rắn buông” để kiếm tiền chẳng có gì là lạ. Một hiện tượng của thuộc hạ, không những trong xã hội phong kiến mà kể cả mọi xã hội khác, không có gì đáng ngạc nhiên. Với hiện tượng ấy, ta chưa có cơ sở để khẳng định hành động này là chủ ý của quan lại. Bởi, nếu có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, Chung ông đã chẳng phải tính bài và mượn hình thức dâng biếu lễ tâm như vậy. Tạo nên một hiện trường khốc hại như thế, hành động bọn sai nha đã tác động đến tâm lý người nhà họ Vương:
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người
Mặt trông đau đớn rụng rời
Hiệu quả sự tác động yếu tố tâm lý thật rõ rệt qua hai câu thơ giàu tính biểu cảm. Cảm nhận được sự đau đớn của người thân, Kiều đã tìm cách cứu họ, không còn theo kiểu van lạy suốt ngày nữa. Nếu sai nha không tra tấn ở cấp độ cao hơn, liệu Thúy Kiều có thay đổi cách thức trong việc cứu cha và em hay không? Thực chất, tạo nên hiện trường khốc hại như thế, chính tác giả đang xây dựng chi tiết mang tính tiền đề cho sự phát triển cốt truyện. Bởi thế, xét theo diễn biến mạch truyện, với tình tiết cha con Vương ông bị tra tấn, ta không nên coi là biểu hiện cảm xúc của nhà thơ, rằng: ông đặc biệt chú ý đến bản thân nỗi đau đớn, nhục nhã của việc thân xác con người bị dày xéo, chà đạp “Dường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan lọ người”... Với Nguyễn Du, đúng như dân gian nói “Thương người như thể thương thân”, tình thương con người bộc lộ ngay trong sự cảm nhận đầy chất nghiệm sinh của thân thể bị giày xéo, đòn vọt. Đánh đập như thế thì đến vật vô tri vô giác như đá cũng phải quằn quại huống chi là da thịt con người. Đối với người phương Đông xưa, chuyện đánh đòn tội nhân là “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng ai xúc động. Nhưng phản đối việc lăng nhục thân xác con người là một điểm mới trong triết lý con người của Nguyễn Du (Trần Nho Thìn, Xã hội trong “Truyện Kiều”, in trong Nghiên cứu “Truyện Kiều” những năm đầu thế kỷ XXI, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2009, trang 497). Trong Truyện Kiều, ở nhiều thời điểm thời gian, không gian, sự việc, nhân vật đã chịu nỗi đau về thân xác, nhưng Nguyễn Du chỉ ngậm ngùi, xót xa chứ không tỏ thái độ bênh vực bởi con người phải tự chịu trách nhiệm trước cách xử sự của mình. Trong mọi tình huống, những lối thoát vẫn mở ra, tại sao không cố nghĩ cách để tránh hậu họa mà cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh? Vậy nên, từ những câu chuyện về đối nhân xử thế được hóa thân vào hệ thống hình tượng nhân vật trong “Truyện Kiều”, ta thấy Nguyễn Du đã bộc lộ một triết lý sống rất rõ ràng: con người muốn tồn tại, muốn khẳng định mình cần phải có khả năng ứng xử thích hợp (Triết lý sống trong “Truyện Kiều”, rút trong sách “Truyện Kiều”, chưa xong điều nghĩ… - Cùng tác giả, Nhà xuất bản Hội nhà Văn, năm 2016, trang 267). 
Vì thế, sẽ khiên cưỡng khi cho rằng phản đối việc lăng nhục thân xác con người là một điểm mới trong triết lý con người của Nguyễn Du. Qua cách xây dựng một tình huống truyện éo le với hình ảnh thơ đầy tính gợi mở, tác giả đã giúp ta nhận thức cách xử sự của gia đình Vương ông trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống như thế nào. Trong cơn nguy kịch, việc đầu tiên Thúy Kiều nghĩ đến là kêu trời, nhưng phương án này đã bị nàng loại trừ. Kể cũng lạ trước suy nghĩ của một người thông minh, có học như Kiều. Mười lăm năm Êm đềm trướng rủ màn che, căn cứ nào để Kiều không tin tưởng vào việc kêu trời?. Cuộc sống êm đềm ấy chẳng phải do sự ổn định về hệ thống pháp luật của xã hội đưa lại hay sao? Nàng thật hạn hẹp khi nhận thức Oan này còn một kêu trời nhưng xa. Tại sao nàng chưa thử một lần kêu trời mà đã vội đánh giá một cách thiếu căn cứ nhưng xa. Giá như trong hoàn cảnh tai ương, do hoảng loạn tinh thần mà không nghĩ được việc kêu trời thì ta cũng không thể trách cứ nàng, nhưng tiếc thay nàng đã nghĩ tới nó đầu tiên! Như thế, là dòng Nho gia - con đẻ của xã hội phong kiến, có học, nhưng Thúy Kiều đã xử lý tình huống rất bản năng, theo cách tự do, tự loại trừ mình ra ngoài vòng thể chế pháp luật nhà nước như một kẻ vô ơn, thiếu hiểu biết. Không tin tưởng vào việc kêu trời, không hiểu bản chất hiện tượng vụ án đang xảy ra, nàng đã nhận thức Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Vì thế, nàng nghĩ ra cái cách giả quyết tình thế hết sức thiển cận:
Quyết tình, nàng mới hạ tình:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Nhờ sắc đẹp và tài năng, cuối cùng Tiền lưng đã sẵn để nàng lo liệu, cũng là trọn vẹn chữ hiếu theo cách nghĩ của nàng (nếu nàng không đẹp, không có tài năng thì sẽ trở thành bất hiếu sao?). Tại sao điều cần nhất là minh oan để cứu danh dự dòng Nho gia (khi đang bị nghi là một hội một thuyền, đồng lõa với kẻ cướp) thì nàng không hề nghĩ tới? Vụ án vừa xảy, chính bản thân gia đình nạn nhân đã tìm cách thỏa hiệp, khác nào đó là một hình thức nhận tội!? Trước biến cố lớn xảy ra trong gia đình với những dấu hiệu mập mờ, khả nghi, nhưng Thúy Kiều trong vai trò chủ sự, là người thông minh nhưng đã không nhìn được bản chất vấn đề ở chỗ nào nên cách giải quyết sự việc đi vào chỗ bế tắc. Bán mình chuộc cha đâu phải là kế sách khi mà bao hậu họa trên đường đời nàng không lường trước được. Tuy vậy, để đạt được điều này, Thúy Kiều đã nhờ người vào cuộc:
Họ Chung có kẻ lại già
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng, nghĩ cũng thương thầm, xót vay
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng, việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày
Đối tượng giúp đỡ Kiều trong việc này là Chung ông, được coi là người từ tâm, lại ở trong nha dịch, đó sẽ là điều thuận lợi cho việc chạy án do Kiều đặt ra. Được Kiều nhờ cậy, nhận thấy trong cảnh ngộ gia biến nàng là người hiếu trọng tình thâm, nên Chung ông đã thương thầm, xót vay ra tay giúp đỡ. “Từ tâm” để “cứu” gia đình Kiều, Chung ông đã Tính bài lót đó luồn đây, có nghĩa việc “chạy vạy” này cũng không phải dễ dàng, đơn giản chút nào. Tính toán, khôn khéo, biết cách, Chung ông mới dàn xếp được cái giá ba trăm lạng. Tìm ra đầu mối để tiến hành việc thỏa hiệp, Chung ông giúp đưa cha con Vương ông tạm thời thoát ra khỏi bế tắc. Vụ án đang ở giai đoạn đầu, nhưng kể ra vai trò của họ Chung trong nha dịch cũng không phải là “xoàng”, khi mà cha con Vương ông nhận được “ân huệ” Hãy về tạm phó giam ngoài (sau quyết định bán mình của Kiều)--> Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà (khi việc mối lái bán Kiều xong xuôi). Cái được gọi là từ tâm của Họ Chung ra sức giúp cuối cùng đã đạt được kết quả tụng kỳ cũng xong như Kiều mong muốn. Lựa chọn đối tượng cứu giúp mình như thế, kể ra Kiều cũng thể hiện sự khôn ngoan của mình đấy chứ (từ tâm thì sẽ không quỵt tiền bán mình của nàng, ở nha dịch thì biết nên lót chỗ nào)! Giá như Kiều đưa sự khôn ngoan này để dựa vào pháp luật một khi mà nàng cũng đã nghĩ đến việc kêu trời?
Chính cách xử sự “sai một ly đi một dặm” của Kiều như thế nên đã dẫn tới kết cục nàng phải hủy hoại cuộc đời mình.Thuyền đã êm dằm, Kiều bằng lòng về cách xử sự của mình, khi mà nàng muốn lấy đồng tiền để dàn xếp (mà đáng ra phải tìm cách minh oan, cứu danh dự gia đình); khi mà nàng có một Chung ông đứng trong bộ máy pháp luật nhà nước biết cách tính toán chi ly trong từng chi tiết đã đảm nhận giúp đỡ “chạy vạy” (mà đáng ra Kiều phải nhờ ở phương diện tìm hiểu pháp luật để có sự hiểu biết nhằm tháo gỡ tình thế). Nhìn nhận một cách khách quan, trong vụ án này không ai đòi tiền nhà họ Vương cả, thế lực đồng tiền cũng chẳng hoành hành gì, chỉ có Kiều mới coi việc hành hạ thân xác hơn giá trị tinh thần nên đã chủ động dùng tiền làm đảo điên, nhiễu loạn xã hội bằng sự vô thức của mình. Dù đau đớn trong việc bán mình, nhưng mục đích dùng tiền để thỏa hiệp, bởi thế nàng bằng lòng trước cách mình đã lựa chọn:
Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong!
Từ những dấu hiệu nghi vấn về vụ án để dẫn dắt đến con đường pháp luật mong từ đó tìm ra lối thoát, sao Kiều không làm điều ấy để minh oan cho gia đình mà chỉ muốn làm vật hi sinh - bán mình chạy án, biến người thân gia đình mình thành kẻ có tội? Qua cách giải quyết vấn đề của Kiều, không ai khác, chính nàng là người đang dùng tiền để đổi trắng thay đen! Cái tâm, vốn nó là mặt tích cực của cuộc sống, nhưng do cách xử sự của Thúy Kiều và họ Chung, giờ đây nó đã trở thành một hiện tượng tiêu cực vô cùng nguy hiểm. Thứ nhất, nó làm cho bộ máy pháp luật của nhà nước bị lũng đoạn từ trong gan ruột. Thứ hai, nó làm cho con người tự bằng lòng trước cái gọi là “hết mình” (có hiếu, có tâm) khi giải quyết vấn đề. Thứ ba, bản thân người bị nạn tự tước bỏ quyền lợi chính đáng của mình trong thể chế pháp luật để bước vào không gian giang hồ hỗn tạp, vô pháp. Như thế, từ một hiện tượng trong cuộc sống, nếu người trong cuộc biết vận dụng ưu thế để suy xét và giải quyết thì vấn đề đã không trở nên phức tạp hóa lên như vậy. Chính chỉ nhìn hiện tượng mà không nắm bắt vấn đề ở mặt bản chất, nó trở thành nguyên nhân của những tai họa khôn lường mà bản thân người chủ sự - Vương Thúy Kiều phải chịu trách nhiệm trước những hành vi ứng xử của mình.
Nhìn nhận vụ án nhà Vương ông, điều ta nhận thấy bản thân gia đình bi nạn - Thúy Kiều, vì muốn cứu cha và em, đã vô tình tạo cơ hội cho một bộ phận trong bộ máy nhà nước như sai nha, quan xử kiện ăn hối lộ. Điều đặc biệt hơn nữa, khi ta nhận ra điều bất bình thường của một người được coi làtừ tâm như Chung ông lại rất thành thạo trong việc Tính bài lót đó luồn đây để làm “xong xuôi” mọi việc - dù vụ án đang vừa mới khởi đầu. Từ chi tiết này, ta nhận thấy sự bất cập trong giải quyết sự việc của họ Chung. Là người hiểu pháp luật, nằm trong bộ máy thực thi pháp luật của nhà nước mà sao không tìm cho nhà họ Vương một lối thoát bằng luật pháp. Hơn ai hết, Chung ông biết rành rành việc nhà Vương ông đang bị oan trái cơ mà. Một vụ án mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với những dấu hiệu mập mờ, đáng nghi, vậy nhưng kẻ bị nạn đã “tự cứu mình” theo cách thỏa hiệp, hơn nữa chút lễ tâm của kẻ bị tố giác dâng biếu dưới sự dắt dẫn từ chính thuộc hạ, khác gì cách nhà họ Vương đang thông báo rằng sự việc đã được chính người bị hại giải quyết một cách êm thấm, vậy sao có thể qui kết cho “quan tham”? Hơn nữa, người đứng ra thu xếp là một thuộc hạ từ tâm thì sao quan phải nghi ngờ? Sự việc mang tính cá nhân, đôi bên tự thỏa thuận, người bị hại đã bằng lòng về cách xử sự của mình thì quan lại lấy cớ gì đưa ra xét xử? Không xét xử, đó mới chính là biểu hiện của quyền tôn trọng con người. Vì thế, có thể nhìn nhận vụ án này theo xu hướng: Một cái án hết sức là vu vơ, tang chứng chưa thấy đâu, người bị cáo cũng chưa được hỏi đến, thế mà bao nhiêu của cải trong nhà họ Vương đã bị cướp sạch, cha con họ Vương bị tra tấn đến cực hình. Rồi rốt cuộc đến khi có vàng ba trăm lạng thì mọi việc lại xong xuôi. Nói đến cái bọn tay sai nó là đại biểu trực tiếp của chính quyền phong kiến đối với dân chúng, Nguyễn Du đã dùng những lời rất nặng:
“Người nách thước kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh”...
Hơn nữa Nguyễn Du còn cho ta biết đây không phải là một trường hợp riêng lẻ mà chính là một cái thói rất thường:
“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”
Rõ ràng là một bọn cướp có tổ chức hoạt động công khai dưới sự che chở của pháp luật nhà vua (Hoài Thanh,Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 473); hay Chỉ một lời “xưng xuất” không đâu của thằng bán tơ không tên tuổi là giông tố đã nổi lên giữa cuộc sống yên vui của gia đình họ Vương... Bọn sai nha ập vào nhà Vương viên ngoại như một đám cướp, hai cha con họ Vương bị tra tấn tại chỗ trước mặt những người thân, tài sản bị vét “sạch sành sanh”. Quan lại mà dựa vào những nhân chứng như thằng bán tơ kia, với những kẻ thừa hành như bọn sai nha “đầu trâu mặt ngựa” nọ thì vụ án Vương ông được chuộc bằng ba trăm lạng kể cũng là điều dễ hiểu... lý do là vì bọn quan lại trong xã hội lúc bấy giờ đều như thế cả (Lê Đình Kỵ, “Truyện Kiều” và chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, trang 188) hay không? Nhìn nhận vụ án một cách tường tận, ta thấy, rõ ràng không hề có sự che chở của pháp luật nhà vua, cũng như không phải bọn quan lại trong xã hội lúc bấy giờ đều như thế cả. Như thế, qua việc kết hợp các phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm và tự sự để diễn tả về vụ án thằng bán tơ vu oan đang ở giai đoạn thụ lý, Nguyễn Du đã giúp ta nhận ra thái độ, cách thức xử sự của nhà họ Vương khi gặp biến cố trước cuộc sống, chứ không phải thông qua sự kiện này để thể hiện cách nhìn nhận về sự thất bại của dường lối đức trị như ý kiến: Vụ án đầu tiên trong “Truyện Kiều” là vụ thằng bán tơ vu oan cho gia đình Kiều và bọn sai nha đã mượn cớ để cướp bóc, nã tiền của gia đình dân lành này. Tất nhiên, Nguyễn Du chưa thể hình dung một trật tự pháp lý để đảm bảo cho tính chất công minh, khoa học của một vụ án như trong xã hội hiện đại của chúng ta... Từ oan trái trong việc thằng bán tơ vu oan, từ trong vô thức, Nguyễn Du đã mơ hồ nhận thấy sự thất bại của đường lối đức trị... Tố cáo cái xấu, cái ác của bọn nha lại được coi là một khía cạnh trong tư tưởng Nguyễn Du? (Trần Nho Thìn, Xã hội trong “Truyện Kiều”, in trong “Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI”, Nguyễn Xuân Lam sưu tầm và tuyển chọn, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2009, trang 429 - 430). Qua phân tích, ta thấy với cách xây dựng vụ án nhà họ Vương như thế, Nguyễn Du đã bộc lộ ý đồ tư tưởng của mình rất rõ ràng, khi ông đề cập đến vai trò ứng xử của con người trước biến cố cuộc sống chứ không phải từ bi kịch để tố cáo xã hội. Để khẳng định điều này, ta cần so sánh cách xây dựng tình tiết vụ án trong tác phẩm Kim Vân Kiều truyện khác Truyện Kiều ở những điểm nào.
Ở Kim Vân Kiều truyện, khi cha mẹ đi mừng thọ ở bên ngoại, chừng gần trưa, nghe tiếng gọi cửa, (Kiều) vội vàng ra mở thì thấy cha mẹ đã về, và nói “Con ạ! Nguy lắm rồi, chồng dì con cho hai người khách bán tơ ở nhờ. Không ngờ họ là kẻ cướp, lúc bán tơ bị người mất của nhận ra, tố giác với quan, nó cứ nói chồng dì con là nhà oa tàng. Ta cùng họ dự mấy bữa tiệc, chỉ sợ bọn chúng cũng lôi mình vào để làm hại”. Nói chưa xong thì thấy bảy tám tên công sai sấn sổ tiến vào. Của cải nhà họ Vương bị chúng lấy không để lại một chút gì là do vâng lệnh quan trên đến khám tang vật. Những đồ vật lấy đi đây sẽ đưa về trình quan, nếu không phải của gian, cố nhiên sẽ được hoàn lại. Khi quyết định bán mình để cứu cha, giá ba trăm lạng là do Kiều thỏa thuận với công sai:Thúy Kiều lật đật bước tới, níu lấy tên công sai và nói: “Thưa ông! Các ông bất tất làm ác như vậy, chẳng qua các ông chỉ đòi tiền bạc. Nếu ông cứu mạng cha, em tôi, ông muốn lấy bao nhiêu tiền, tôi tình nguyện bán mình để lấy tiền đưa ông…” Tên công sai nói: “Nếu cô quả có lòng hiếu như thế, tôi sẽ giúp cô được dễ dàng. Việc này đến quan nhất định bị giết, trừ phi khoảng một vài ngày phải có ba trăm lạng bạc. Một trăm lễ quan tuần bộ, một trăm mua chuộc lấy tên cướp để chúng đừng làm liên lụy đến nhà cô, còn một trăm thì đưa cho anh em chúng tôi làm tiền thù lao. Có như vậy mới thu xếp được”. Sau khi định giá cả chạy án với công sai và việc mua bán đã tiến hành xong xuôi, Chung ông mới được Kiều mời vào cuộc: Mẹ đưa cơm đi cho cha và em ăn, nhân tiện mời Chung ông tới đây, vì con muốn nhờ ông ta làm giấy tờ chứng cớ rõ ràng cho việc cha và em, chừng ấy con mới đành lòng mà đi. Khi Chung ông đến, Thúy Kiều đặt vấn đề: Thưa ông, giờ đây cháu có tiền, dám hỏi ông làm cách nào cứu thoát cha và em cháu? Phải có bằng cứ cho cháu, để cháu tiện trao tiền cho ông, rồi đi theo Mã lão gia. Nếu tiền mất mà việc kiện cáo không xong, thì tội gì mà đem thân ra bêu rếu, chi bằng liều chết cả cho rồi!. Sau khi nhận lời giúp đỡ gia đình họ Vương, Chung Sự nói với người họ Mã: “Ông cũng đi cùng với chúng tôi đến trước cửa quan chơi một chút, rồi cùng về đây uống rượu”. Bèn viết một lá đơn xin giấy chấp chiếu, một tờ trình công nhận của các lân xá, đựng bạc vào một cái tráp, rồi mọi người nhất tề vào thành, đến dinh Binh mã ty. Chung Sự cùng cha con họ Vương vào nha môn, gõ ba tiếng bang, rồi đi thẳng vào nhà sau, yết kiến quan Binh mã sứ họ Dương, nói rõ việc trước. Dương Binh mã nói: “Đã có lân xã làm chứng là bị oan, thì ta sẽ giải thoát cho cha con ông được vô sự. Ta sẽ bảo mấy tên cướp không được kéo cha con ông vào”. Qua tìm hiểu cách xây dựng tình tiết vụ án nhà họ Vương trong hai tác phẩm, ta nhận ra sự khác nhau cơ bản ở một số vấn đề:
1. Trình tự vụ án:
ỞKim Vân Kiều truyện, ta thấy khi chưa xảy ra biến cố, ngay từ đầu nhà họ Vương đã lường trước được tai họa do có vấn đề liên đới, nên sự xuất hiện của bọn sai nha không còn bất ngờ. Vương ông đã dự mấy bữa tiệc với bọn kẻ cướp, đương nhiên trở thành nghi phạm, là đối tượng cần phải điều tra theo cách thức bình thường của một vụ án.
Còn Truyện Kiều, bọn sai nha xuất hiện đột ngột, vơ vét, tra tấn, trong khi đó gia đình Vương ông không hề biết lý do. Thấy oan ức, sau đó tự tìm hiểu mới biết thằng bán tơ vu oan. Như thế, trong Truyện Kiều, vụ án không đúng quy trình, đó là dấu hiệu mờ ám đầu tiên.
2. Cách hành sự của sai nha:
Ở Kim Vân Kiều truyện, sai nha tịch thu tài sản của nghi phạm làm chứng cứ trong quá trình điều tra, nếu bị oan sẽ được hoàn lại. Nhưng ở Truyện Kiều, sai nha lợi dụng cơ hội để vét cho đầy túi tham, biến của cải nhà họ Vương thành của mình. Đó đâu phải luật lệ của kẻ chịu trách nhiệm thi hành án. Như vậy, trong Truyện Kiều, tình tiết này chính là dấu hiệu mờ ám thứ hai.
3. Cách giải quyết vấn đề của Thúy Kiều
Ở Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân đã xây dựng một vụ án đang thực hiện đúng quy trình. Vì vụ án đúng quy trình, trong lúc đó, hơn ai hết người trong cuộc hiểu được chính bản thân mình là chứng cớ sống động, điều đó sẽ là yếu tố hoàn toàn trở thành bất lợi cho việc xét xử. Nhìn vào tình hình thực tế, gia đình Vương ông khó tìm ra lối thoát. Dù biết bản thân gia đình mình bị hại, nhưng vướng chỗ bế tắc như vậy, trong lúc đó lại sợ cha và em không chịu nổi cực hình, nên việc Kiều quyết định bán mình, cũng là cách nàng tự giải quyết bi kịch trong cơn quẫn bách, khi mà nàng không nghĩ được gì hơn ngoài việc dùng phương án duy nhất này. Mọi thỏa thuận với công sai và việc mua bán được bàn tính xong xuôi, có tiền rồi Kiều mới nhờ Chung ông giúp trong vai trò làm chứng, lo lót. Xã hội trong Kim Vân Kiều truyện là một xã hội mà từ việc Kiều định giá với sai nha cũng như việc họ Chung đưa tiền cho quan lại rất dễ dàng, có nghĩa đồng tiền đã thao túng một cách công khai.
Còn với Truyện Kiều, vụ án nhà Vương ông được Nguyễn Du xây dựng bằng những chi tiết tạo nên dấu hiệu mờ ám đã làm thay đổi bản chất so với nguyên tác. Dù có những dấu hiệu mờ ám như thế nhưng Kiều không nhận ra nên cách xử sự của nàng hoàn toàn không phù hợp theo lẽ thường nhận thức của con người. Một điểm khác nhau rất cơ bản nữa trong hai tác phẩm, đó là cách nghĩ của Kiều trong việc cứu cha và em. Ở Kim Vân Kiều truyện, Kiều chỉ nghĩ ra cách bán mình, nhưng ở Truyện Kiều, nàng đã nghĩ tới việc kêu trời và sau khi tự loại trừ phương án này, nàng mới nghĩ tới việc bán mình. Từ điều này cho ta thấy Kiều thiếu niềm tin vào xã hội mình đang sống - một xã hội đã cho gia đình nàng hơn mười lăm năm êm đềm, thừa hưởng phong lưu - một xã hội chưa hề xuất hiện một hiện tượng nào để gia đình Kiều mất lòng tin đến vậy. Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên!, cách lựa chọn của Kiều khác nào nàng đang tự trói mình vào sự hi sinh đáng ra không nên có. Cùng mục đích dùng tiền để chạy án, cách xử sự của nhân vật Thúy Kiều trong hai tác phẩm cũng khác nhau. Nếu như trong Kim Vân Kiều truyện, khi mọi việc được thỏa thuận xong xuôi, Kiều mới nhờ Chung ông với vai trò làm chứng và phân phát tiền, thì ở Truyện Kiều, sau quyết định bán mình, nàng nhờ ngay Chung ông giúp cho việc chạy án với cái giá Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. Điều này cho thấy, ở xã hội Truyện Kiều, đồng tiền khó lòng thao túng, chỉ có những kẻ đứng trong đội ngũ bảo vệ pháp luật mới biết cách tìm những kẻ hở để “lo lót”.
4. Thái độ tác giả:
Về cách giải quyết vấn đề của Thúy Kiều, trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân không bày tỏ thái độ gì bởi ông chỉ xây dựng một tình huống éo le của nhà họ Vương với mục đích dẫn dắt câu chuyện tình Kim - Kiều từ bình yên đi vào trắc trở - tiền đề cho diễn biến cốt truyện tiếp nối theo chiều hướng bi kịch, rồi mở ra một cách giải quyết có hậu như mô tuyp thường gặp trong truyện cổ tích bĩ cực - thái lai chứ không quan tâm đến việc ứng xử của nhân vật.
Còn ở Truyện Kiều, kết thúc việc mua bán Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao, Nguyễn Du đã bày tỏ thái độ mỉa mai của mình trước cách xử sự của Kiều bằng những câu thơ nhức nhối:
Trăng vàng độc địa làm sao?
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên!
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen, khó gì!
Như thế, so sánh cách thay đổi một số tình tiết trong Kim Vân Kiều truyện như dấu hiệu mập mờ của vụ án, nhận thức của Kiều về luật pháp, cách chạy án của Kiều, thái độ tác giả, ta thấy Nguyễn Du đã đặt nhân vật Thúy Kiều vào một biến cố cuộc sống để xem khả năng ứng xử của nàng như thế nào. Xây dựng tình huống bi kịch bằng một vụ án để đưa nhân vật đối phó với nó, chính đó là cách Nguyễn Du đang hướng người đọc nhận thức vấn đề về khả năng tồn tại của con người trong ứng xử.
Xem xét thấu đáo các vụ án trong xã hội Truyện Kiều, nếu như vụ oan gia nhà họ Vương, do gia đình họ tìm cách tụng kỳ cũng xong, không muốn đưa ra xét xử, thì vụ xử Thúy Kiều được diễn ra công khai, minh bạch giữa công đường.
Vụ án Thúc ông kiện Thúy Kiều, dù chỉ giải quyết mâu thuẫn trong gia đình họ Thúc nhưng vẫn được pháp luật quan tâm một cách triệt để. Xuất phát từ cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, Thúc ông đã thể hiện thái độ Phong lôi nổi trận bời bời/ Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia/ Quyết ngay biện bạch một bề/ Dạy cho má phấn lại về lầu xanh. Vốn nòi thư hương, trước lời dạy của cha, Thúc Sinh đã biết nhìn nhận và xử sự đúng mực mong giãi bày theo phận làm con:
Thấy lời nghiêm huấn rành rành
Đánh liều Sinh mới lấy tình nài kêu.
Rằng: “Con biết tội đã nhiều
Dẫu rằng sấm sét, búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
Ôm cầm ai nỡ đứt dây cho đành!
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi ”.
Dù Thúc Sinh rất nhún nhường, hết lẽ, nhưng Thúc ông không chấp nhận, đã làm đơn khởi kiện.
Vấn đề chỉ ở trong phạm vi của một gia đình nhưng vẫn được quan phủ quan tâm, xét xử phân minh giữa công đường.Trong xét xử, viên quan đã dựa vào tình trạng nguyên đơn:
Gã kia dại nết chơi bời
Mà con người ấy ra người đong đưa!
Tuồng chi hoa thải, hương thừa,
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen!
Nhìn tình trạng nguyên đơn, ta thấy Kiều hoàn toàn nằm trong tình thế vô cùng bất lợi. Trong mối liên quan giữa Kiều và Thúc Sinh, tội lỗi đã được Thúc ông đổ hết lên đầu Kiều. Chàng Thúc dại nết chơi bời, gặp phải người đong đưa, ở chi tiết này coi như hòa nhau. Nhưng với Kiều, Mượn màu son phấn đánh lừa con đen!, ấy mới là kẻ lừa lọc, đáng tội. Trước tình trạng nguyên đơn như thế, ta xem quan có cách xử kiện như thế nào:
Suy trong tình trạng bên nguyên,
Bề nào, thì cũng chưa yên bề nào.
Qua cách suy xét Bề nào, thì cũng chưa yên bề nào của viên quan, ta nhận ra một thái độ xét xử có trách nhiệm chứ đâu đổ lỗi hết cho Kiều và dạy theo cách của Thúc ông. Bởi thế, quan đã dựa vào phép công để xử:
Phép công chiếu án luận vào
Có hai đường ấy, muốn sao mặc mình
Một là cứ phép gia hình
Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Việc quan phủ đặt ra cho Kiều sự lựa chọn hai con đường như thế, Vũ Hạnh cho rằng: Nàng đã tìm đủ mọi cách thoát khỏi cảnh ngộ xấu xa, dù phải trả bằng giá nào. Trong cái hoàn cảnh không thể chọn lựa, nàng đã lựa chọn. Giữa hai đề nghị cay đắng như nhau của một “công lý” sa đọa:
Một là cứ phép gia hình
Hai là cứ việc lầu xanh phó về
Kiều không ngần ngại đã chọn lấy sự gia hình thảm khốc để khỏi trở về thong dong giữa chốn lầu xanh (Vũ Hạnh, Đọc lại “Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, trang 45- 46). Nhưng ta lại thấy, trong hoàn cảnh của Kiều bây giờ, được lựa chọn như thế quả là may mắn, cơ hội tốt để thoát ra khỏi bế tắc. Kiều muốn hoàn lương thực sự, kể ra chịu trận nhục hình cũng là điều bình thường, dễ dàng chấp nhận được, bởi đánh đổi cái đau thân xác để được gột rửa tinh thần quay lại kiếp con người thì còn gì bằng. Vì thế, cái cách của quan phủ xử như thế lẽ nào gọi là “công lý” sa đọa được? Quả thật, Kiều đã lựa chọn đúng:
Nàng rằng: “Đã quyết một bề
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần!
Đục trong thân cũng là thân
Yếu thơ, vâng chịu trước sân lôi đình”
Nhìn thái độ của Kiều, dù cho nàng biện bạch mình là yếu thơ, ta cũng nhận ra sự mạnh mẽ khi đã quyết một việc mà bản thân mình lường trước được mức độ nguy hại của nó sẽ xảy ra trước sân lôi đình. Trong hai phương án quan đưa ra, việc Kiều lựa chọn như thế thì nàng cũng đã đủ khôn ngoan để tự cứu mình. Nhưng thực sự trận lôi đình này vẫn có thể thay đổi được, nếu Kiều biết kháng án. Nhìn nhận sự việc đúng bản chất của nó, khi mà Thúc ông kiên quyết không chấp nhận Kiều trong vai trò lẽ mọn Thúc Sinh, chỉ mong muốn Dạy cho má phấn lại về lầu xanh, thì quan xử kiện vẫn xem xét ở góc độ khác, Bề nào, thì cũng chưa yên bề nào, đấy chẳng phải là cách gợi mở về sự quan tâm đến số phận một con người hay sao? Giữa chốn công đường trang nghiêm, Kiều vẫn có quyền nói, và nàng đã giải bày (Nàng rằng:) đấy thôi. Theo cách khép tội trong nguyên đơn, hơn ai hết nàng biết mình bị oan, tại sao khi có cơ hội, nàng không bộc bạch? Nói theo kiểu khiêm nhường là yếu thơ vậy thôi, chứ lời lẽ nàng đã rất rành rọt (đã quyết), tinh thần rất cứng cỏi (vâng chịu trước sân lôi đình) thì đâu phải vì sợ mà nàng không dám nói, chẳng qua nàng không hiểu hết tình cảm Thúc Sinh đối với nàng lúc này, cũng như không đủ tinh tường để nhận ra sự độ lượng của viên quan mà tìm cách thay đổi tình thế. Điều này được minh chứng rõ ràng ngay khi phép gia hình vừa xảy ra. Về phía Thúc Sinh, dù không đủ dũng cảm để sẵn sàng che chở cho Kiều (nẻo xa trông thấy), thì lúc này chàng vẫn vô cùng thương xót, ăn năn và không hề đổ lỗi cho Kiều (Khóc rằng: “Oan khốc vì ta/ Có nghe lời trước, chẳng đà lụy sau/ Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu/ Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai?”). Về phía quan xử kiện, dù chỉ nghe thoảng vào tai lời chàng Thúc (chứ chưa phải trình bày, cầu cứu rõ ràng gì), vậy mà quan đã Động lòng lại gạn đến lời riêng tây chứ đâu phải kẻ thờ ơ, vô tình. Trước thái độ xử sự của quan về một tình thế đột xuất, đó chính là cơ hội Thúc Sinh biện hộ cho Kiều:
Nàng đà tính hết xa gần
Từ xưa nàng đã biết thân có rày!
Tại tôi hứng lấy một tay
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi!
Từ lời lẽ Thúc Sinh, Phủ đường đủ nhận ra Kiều không phải hạng người Mượn màu son phấn đánh lừa con đen mà trong mối quan hệ của họ đã có sự đồng thuận giữa hai người. Hơn nữa, về làm vợ chàng Thúc, nàng còn là người biết tính hết xa gần mọi điều. Vốn là người biết suy xét trước số phận con người, giờ thêm Thúc Sinh chính là chứng cớ có lợi cho Kiều, với quyền bính trong tay, quan phủ đã mở bài giải vi:
Rằng: “Như hẳn có thế thì
Trăng hoa song cũng thị phi biết điều!”
Ta chớ lầm trước lời lẽ bào chữa của Thúc Sinh mà quan vội phủ định nội dung trong nguyên đơn của Thúc ông, bởi như thế liệu Thúc ông có chịu cho không, khi mà đó là nguyên nhân khởi kiện. Hơn nữa, về lý, thì rõ ràng Kiều vẫn bị quy vào tội trăng hoa bởi khi Thúc Sinh cưới Kiều chưa được sự đồng ý của cha, của Hoạn Thư, đã vậy, nàng lại đang trong thân phận gái thanh lâu. Tuy thế, Kiều đã được Thúc Sinh chấp nhận, rồi lại thị phi biết điều thì lẽ nào Thúc ông không hạ cơn nóng giận? Quan phủ thật biết cách dàn xếp để ổn thỏa đôi bên. Nếu như chỉ dừng tại đây, Kiều cũng đã được Phủ đường mở lối thoát ra khỏi bế tắc rồi. Có cơ hội bộc bạch, Thúc Sinh đưa thêm thông tin về mặt bút nghiên của nàng:
Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo
Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên”
Dù Kiều là người chỉ biết ít nhiều bút nghiên thôi, quan phủ cũng đã thay đổi hẳn thái độ:
Cười rằng: “Đã thế thì nên
Mộc già hãy thử một thiên, trình nghề”
Ta nhận thấy một sự tiến triển về mức độ cảm xúc của quan phủ trong cư xử với Kiều: ra uy nặng lời---> dạy ---> động lòng---> thương---> cười. Nếu quan phủ chỉ dạy, chỉ động lòng, chỉ thương Kiều thì cũng đủ thấy sự độ lượng, trắc ẩn của của ông rồi. Nhưng giữa chốn công đường, đang xử kiện mà quan cười thì quả là điều để cho ta phải suy ngẫm! Vào đầu vụ án ta thấy Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời, vậy tại sao giờ đây có sự thay đổi thái độ như vậy? Chẳng phải quan phủ đang bày tỏ thái độ trân trọng Kiều, cũng là cách đề cao việc học hành, tài năng của dân tình - dù lúc này đang còn là bị cáo hay sao? Cũng chính cái cười ấy, không gian công đường từ chỗ căng thẳng đã chùng xuống. Chính sự gần gũi này chẳng phải là cơ sở để mọi oan khuất dễ giãi bày hay sao? Dưới sự điều khiển của quan phủ, một vụ án được xét xử công minh, đến điều, hết nhẽ như thế, vậy nhưng ở một số góc nhìn khác đã nhìn nhận: Nhiều người cho rằng Nguyễn Du đã lên án bọn quan lại như là những kẻ thuộc về một giai cấp, giai cấp thống trị chà đạp lên quyền sống của những người dân. Nhưng thực ra, Nguyễn Du không hề nhìn chúng như một giai cấp. Mấy tên quan được thể hiện trong tác phẩm chỉ là sự phản ánh quan điểm của tác giả về nền chính trị - đạo đức… Nếu như quan lại đã được nhận thức là một giai cấp và giai cấp ấy xấu, ác tuyệt đối, hẳn Nguyễn Du đã không để cho Vương Quan, Kim Trọng đi thi đỗ ra làm quan và chính ông cũng không làm quan. Nhưng điều cần chú ý là Nguyễn Du đã cảm thấy có sự bất ổn của xã hội được tổ chức theo nguyên lý đức trị ấy (Trần Nho Thìn, Xã hội trong “Truyện Kiều”, in trong “Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI”, Nguyễn Xuân Lam sưu tầm và tuyển chọn, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2009, trang 429). Vụ án chỉ liên quan đến một gia đình, nhưng qua cách xét xử ở công đường, quan phủ đã tìm mọi chứng cớ để nâng giá trị con người lên chứ sao gọi chà đạp lên quyền sống của những người dân? Từ vụ án Thúc ông kiện Thúy Kiều, ta nhận thấy qua tín hiệu ngôn ngữ biểu đạt của tác giả, Nguyễn Du đang xây dựng hình ảnh một xã hội được tổ chức theo nguyên lý đức trị - một xã hội có luật lệ chứ đâu phải ông nhìn ra sự bất ổn. Vì thế, thay bằng nặng lời khi gọi Phủ đường là tên quan, ta nên dùng từ vị quan, như thế mới tương thích với cách hành xử của ông giữa chốn công đường!
Một vụ án hoàn hảo khi Phủ đường đã tạo cho Kiều một cơ may đầy dụng ý. Cơ hội tốt trình nghề để cứu giá trị của mình,nàng vâng cất bút tay đề/ Tiên hoa trình trước án phê, xem tường. Tài năng của Kiều được đánh giá đúng mực. Với tất cả sự trân trọng, quan phủ hân hoan phán quyết:
Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân
Thực là tài tử giai nhân,
Châu Trần nào có Châu Trần nào hơn!
Thôi đừng rước dữ, cưu hờn,
Làm chi lỡ nhịp cho đờn ngang cung.
Đã đưa đến trước cửa công,
Ngoài thì là lý song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!”
Vụ án bắt đầu từ việc bất bình của Thúc ông, vì thế, sau khi hiểu bản chất vấn đề, quan phủ đã tìm cách dẹp nỗi bất bình ấy. Từ lời khen của quan phủ, Thúc ông lẽ nào không nhận ra sự hợp tình, hợp lý trong mối quan hệ Châu Trần nào có Châu Trần nào hơn? Thúc ông kiện Kiều về tội đánh lừa kẻ dại nết, nhưng trên thực tế, kẻ dại nết kia đang đứng ra biện bạch, bào chữa, làm nhân chứng sống cho bị cáo, đấy chẳng phải là bằng chứng, là lý hay sao? Rồi cách suy xét nguyên đơn Bề nào, thì cũng chưa yên bề nào, rõ ràng đấy là cách suy luận hợp lí chứ đâu phải cứ một bề đổ lỗi như Thúc ông. Một kẻ sinh ra từ nòi thư hương, có thể dại nết trăng hoa chứ đâu dễ khờ khạo bị Kiều đánh lừa? Khi cần biện hộ cho sự bất bình, Thúc ông đã dễ dàng hoán đổi vị thế từ thư hương sang con đen cho Thúc sinh, chẳng lẽ quan phủ không nhận ra hay sao? Có suy luận cho nên cách xử kiện của Phủ đường diễn ra thật kín kẽ! Ngoài thì là lý song trong là tình, tình dựa vào lý, trong lý có tình. Lý thì đã rõ, bởi chẳng đã kéo nhau đến trước cửa công là gì? Còn tình, cái tình của sự hiểu biết để suy xét và nghe ngóng chứ đâu phải tùy tiện, vu vơ, vì thế chớ vội cho viên quan dùng tình để xử án! Do cái tài và cái tâm của quan phủ, vụ án khép lại trong sự thỏa mãn Thương vì hạnh, trọng vì tài/ Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba của chính người khởi kiện. Hơn thế nữa, phần thưởng xứng đáng cho tài năng của Kiều đã thay đổi vị thế của nàng:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa lướt gió, đuốc hồng điểm sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Một giá trị tinh thần còn gì bằng! Nếu quan phủ không biết dựa vào bản chất vụ án để suy xét, giá như không biết nghe ngóng dân tình, giá như không biết phân biệt “vàng”, “thau” thì Kiều có được vinh dự như thế hay không? Vụ án tưởng chừng như căng thẳng (bởi Kiều không biết tìm cách tự biện hộ), nhưng nhờ quan phủ tinh tường trong cách xử sự trước mọi chi tiết, (dù nhỏ nhặt nhất), cuối cùng đã tạo nên một kết thúc tốt đẹp, đưa lại quyền lợi chính đáng cho bị cáo, thay đổi số phận một con người. Phủ đường quả là viên quan sâu sắc, giàu kinh nghiệm trong xét xử chốn công đường! Thế nhưng việc quan xử kiện, theo Hoài Thanh, đây chỉ là một ông xử kiện bằng thơ.
Thúc Sinh cưới Kiều làm lẽ, Thúc ông bất bình, kiện. Cái ông quan xử kiện lần này là một ông:
Trông lên mặt sắt đen sì...
ý nói công minh chính trực. Thế mà vô tình Nguyễn Du đã cho ông xử kiện một cách thật lạ. Ông truyền:
Một là cứ phép gia hình
Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Hai đường phải chọn một. Kiều chọn con đường thứ nhất. Thế là Kiều bị lôi ra đánh. Cũng may anh chàng Thúc Sinh ở ngoài trông thấy khóc lóc thảm thiết. Tiếng khóc thoảng đến tai quan. Quan cho gọi đến hỏi. Rồi quan bắt Kiều làm một bài thơ về cái gông. Không hiểu Kiều lúc ấy còn có bụng dạ nào mà làm thơ nhất là lại thơ vịnh về cái gông. Tuy thế nàng vẫn làm và quan khen hay, quan tha bổng.
Giá thử Kiều không biết làm thơ hay hay không chịu được roi vọt thì sự thể sẽ ra thế nào? Một ông quan đã đẩy Kiều vào lầu xanh, một ông quan khác suýt nữa đã giữ mãi nàng ở lầu xanh. Dưới ngòi bút có lẽ là vô tình của Nguyễn Du những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự phong kiến đã hiện ra một cách thật chẳng vinh dự gì cho trật tự phong kiến (Hoài Thanh, Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 473 - 474). Sao lại thế, ta thấy Kiều đủ mạnh mẽ để chịu được roi vọt cơ mà. Hơn nữa, giữa công đường, với thái độ sống Phận đành chi dám kêu oan, nàng đã tự tước quyền bảo vệ của pháp luật thì tự chịu phép gia hình cũng là điều khó thay đổi. Hay giá thử Kiều không biết làm thơ thì nàng vẫn được tha tội, bởi Trăng hoa song cũng thị phi biết điều!, qua xem xét, chính quan phủ đã dạy mở bài giải vi cho Kiều rồi còn gì? Thực chất, việc thơ phú không phải quan bắt Kiều phải làm và làm được mới tha tội. Để Kiều làm thơ, đó là cả một dụng ý đầy gợi mở của quan phủ nhằm tạo một cơ hội để nâng cấp giá trị của nàng, thoát ra khỏi số phận nàng đang có chứ không phải là một điều kiện ràng buộc. Chính thế, quan phủ mới thực sự là người biết bảo vệ trật tự phong kiến chứ không phải Dưới ngòi bút có lẽ là vô tình của Nguyễn Du những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự phong kiến đã hiện ra một cách thật chẳng vinh dự gì cho trật tự phong kiến.
Kể cả Trần Nho Thìn cũng cho rằng: Viên quan xử kiện vụ Thúc ông cũng xét án tùy tiện như trăm ngàn ông quan khác, mà sự tùy tiện này lại do sự kém phát triển của hệ thống tư pháp, do thiếu những thủ tục tố tụng khoa học chứ không phải do “tâm” của kẻ xét xử... Sự tùy tiện đã gây ra hậu quả tai hại cho Kiều là nàng bị đánh đòn, nhưng cũng chính sự tùy tiện đã đem lại sự may mắn cho nàng. Quan phủ đã “động lòng” khi nghe tiếng than khóc của Thúc Sinh và vì tài phục thơ của Kiều, đã xử hòa cho nàng với một phán xét điển hình cho cách xét xử tùy tiện trong xã hội xưa, nhập nhằng “tình” “lý”: “Đã đưa đến trước cửa công - Ngoài thì là lý, song trong là tình”. Hào hứng hơn, quan phủ còn đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người.... Ông quan đó có “tâm” chứ! Nhưng cái tâm ấy, ông ta không thể làm gì khác hơn những gì đã làm. Ông ta biết dựa vào điều khoản nào, chương nào của bộ luật nào để xét xử đây? Xét xử của ông dựa trên căn cứ điều tra nào đây? Nói gì đến luật sư bào chữa! Nhân đây, phải ghi nhận trực cảm sắc sảo của Nguyễn Du đã bằng trực cảm, cho thấy sự độc đoán chuyên quyền, thiếu sự phân quyền có thể dẫn đến oan ức, đau khổ cho người dân như thế nào (Trần Nho Thìn, Xã hội trong “Truyện Kiều”, in trong Nghiên cứu “Truyện Kiều” những năm đầu thế kỷ XXI, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2009, trang 431). Nếu như quan phủ tùy tiện, liệu có dẹp được nỗi bất bình một khi Thúc ông đang Phong lôi nổi trận tơi bời? Nếu như quan phủ tùy tiện thì sao Thúc ông đã tỏ tấm tình Thương vì hạnh, trọng vì tài đối với Kiều - người bị chính ông khởi kiện? Qua vụ án, ta thấy bên cạnh cách xử kiện không hề tùy tiện, quan phủ còn thể hiện là người rất có tâm. Nếu quan phủ không có tâm thì khi bị cáo Phận đành chi dám kêu oan, quan cứ theo trong nguyên đơn mà phán quyết chứ suy làm gì? Nếu quan phủ không có tâm thì một lời nghe thoảng vào tai thôi cần gì chú ý để Thúc Sinh có cơ hội giãi bày (Trong khi, chưa kể thời phong kiến, mà cả thời hiện đại, cứ gõ Google sẽ thấy bao vụ oan khuất, dân đen kêu cứu khắp nơi đâu phải ai cũng nghe cho)? Nếu quan phủ không có tâm, liệu khi nghe nói về chuyện bút nghiên của Kiều đã cười, đã khen, đã tạo cho Kiều một cơ hội bộc lộ năng lực của mình để nâng nàng lên một giá trị? Tất nhiên, cái tâm này dựa vào lí khi mà tác giả đã rất logic trong việc để viên quan xử theo cách từ suy luận (có lý) ---> chứng cớ sống động ---> phán quyết. Diễn biến vụ án nằm trong sự tổ chức, điều hành, kết thúc đầy tính chủ động bằng suy lý của quan phủ đã đem đến cơ hội tốt nhất cho Kiều chứ đâu phải sự tùy tiện đã đem lại sự may mắn cho nàng. Luật pháp là để bảo vệ con người một cách chính đáng nhất, vậy qua cách xây dựng tình tiết vụ án của Nguyễn Du, chẳng phải viên quan này đã bảo vệ được một cuộc đời hay sao? Thế sao có thể cho rằng Nguyễn Du đã bằng trực cảm, cho thấy sự độc đoán chuyên quyền, thiếu sự phân quyền có thể dẫn đến oan ức, đau khổ cho người dân như thế nào? Trong nhiều ý kiến xung quanh vụ án quan phủ xử kiện, ngoài xu hướng phê phán kịch liệt, vẫn có ý kiến thiên về tính trung hòa: Bị Thúc ông cáo giác, Kiều cuối cùng thoát được, cũng là nhờ cách xử kiện khá tài tử của một ông quan:
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý nhưng trong là tình.
Trong ý Nguyễn Du, ông quan xử kiện không là người xấu. Nhưng với tất cả cái tốt kia, Kiều cũng đã bị một trận đòn nên thân, coi chuyện sống chết của con người như một trò đùa (Lê Đình Kỵ, “Truyện Kiều” và chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, trang 188). Tuy nhiên quan phủ có được khen cách xử kiện khá tài tử, rồi không là người xấu, nhưng lại được đổ cho thái độ của quan là coi chuyện sống chết của con người như một trò đùa. Xem xét vụ án theo logic của nó, điều dễ nhận thấy là cách xử lí vấn đề của quan phủ được diễn ra một cách nghiêm túc, linh hoạt, có suy đoán, biến ứng tài tình với chủ ý mở ra lối thoát tốt nhất tùy theo từng tình tiết cụ thể của nó. Vì thế, cách nhìn nhận viên quan coi số phận con người như một trò đùa sẽ không tránh khỏi lối áp đặt mơ hồ.
Nhìn nhận các vụ án trong thể chế pháp luật phong kiến của Truyện Kiều, nếu như vụ thằng bán tơ vu oan, từ cách xử sự của nhà Vương ông, quan không có cơ sở để đưa ra công đường để xét xử, thì vụ Thúc ông kiện Thúy Kiều đã được xử một cách công minh, chính bạch, tạo sự thỏa mãn cho đôi bên. Hẳn rằng, đó là cơ sở để tạo nên một xã hội ổn định Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng chứ đâu phải Cái xã hội phong kiến với các thiết chế, luật lệ, phong tục, tập quán, đạo đức của nó đã chà đạp con người, đã giết chết tài năng, đã tước đoạt quyền hưởng hạnh phúc của con người như thế nào (N.I.Niculin, Nguyễn Du, nhà thơ nhân đạo lỗi lạc, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 1012). Phải nói rằng, từ các sự việc cụ thể, những hiện tượng cực hình đối với con người đã diễn ra ở những không gian, thời gian khác nhau. Giờ đây, dù rất đau lòng trước cảnh Kiều bị cực hình Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày/ Một sân lầm cát đã đầy/ Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc xương thì ta cũng không thể trách viên quan xử án được, khi mà nàng vẫn có thể xoay chuyển tình thế nhưng lại đành chấp nhận một bề. Từ vụ án Thúc ông khởi kiện trong xã hội phong kiến Truyện Kiều, ta nhận thấy, nếu như Kiều là thường dân, không biết ứng xử thì sự thiệt thòi chỉ mang tính cá nhân, còn quan không ứng xử phù hợp thì dẫn đến sự nhiễu loạn xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, rất nhất quán theo mạch truyện, vấn đề chủ đạo trong tác phẩm được Nguyễn Du đặt ra là dù trong cảnh ngộ nào, dù là người có vị thế ra sao thì cũng cần khả năng ứng xử.
Cùng nói về các vụ án trong Truyện Kiều, so sánh cách xử án của viên quan trong xã hội phong kiến có luật lệ và Thúy Kiều trong giang sơn tự do của Từ Hải, ta nhận thấy những điểm bất cập rõ ràng. Nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, quan phủ đã tìm ra những lợi thế tốt nhất trong diễn biến vụ án để đem lại quyền lợi cho dân đen, còn Thúy Kiều, nàng dùng nó để phục vụ cho lợi ích riêng tư, không phân biệt đúng sai, chỉ hướng tới mục đích trả thù man rợ. Điều đó nói lên rằng, chớ nhìn hình ảnh bề ngoài và thái độ ban đầu Trông lên mặt sắt đen sì/ Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời mà cho đó là chà đạp lên quyền sống của những người dân, là sự bất ổn của xã hội khi mà viên quan đã biết dùng phép nước để làm an lòng dân; chớ suy lời Từ công nghe nói thủy chung mà xem việc xử ân oán của Kiều minh bạch, rạch ròi, khi mà không khéo chút nữa người cầm chịch phải bẽ mặt giữa ba quân đấy chứ. Thế mới biết cách hành xử của những người “cầm cân nẩy mực” có vai trò quan trọng như thế nào. Để thấy được ý đồ tác giả Nguyễn Du muốn đề cao việc xử kiện của quan phủ trong một xã hội ổn định, coi trọng luật pháp, ta cần đối chiếu với cách xử kiện của viên quan trong tác phẩm Kim Vân Kiều truyện xem có gì khác nhau.
Trong Kim Vân Kiều truyện, diễn biến vụ án cũng bắt đầu từ việc tranh cãi của hai cha con khi Thúc Sinh báo việc cưới Kiều. Thúc Chính mắng:
- Thằng ngu xuẩn này! Mày đã bao nhiêu tuổi mà vội cưới vợ lẽ? Lấy vợ lẽ là không nên, mà lại còn đi rước đĩ về nhà! Mày phải biết bố vợ mày là hạng người như thế nào? Vợ mày là tiểu thư con nhà quý phái, biết mày lấy vợ lẽ, giận đến núi cao đáy nước thì mày bảo chịu sao nổi điều tức giận đó. Mày phải đuổi ngay con ấy về nhà họ Mã đi thì muôn việc đều êm. Chứ mà còn say mê không tỉnh thì dù có phải đi kiện tao cũng đi kiện để đuổi nó đi.
Thúc Sinh nói:
- Lạy cha, cha mắng con, đánh con, con xin cam chịu, chớ bảo con đuổi cô ấy trở về làm đĩ thì thể diện con ra thế nào? Con chết thì thôi, chớ việc này khó bề nghe lời cha được.
Thúc Chính cả giận nói:
- Mày cưỡng lời tao thì tao nhất định đi kiện để đuổi nó đi.
Thúc Sinh nói:
- Quan thì phải chiểu luật, chỉ có luật cho gái đĩ tòng lương, chớ có luật nào bắt con gái nhà lương đi làm đĩ…
Thúc Chính quát:
- Mày cứng lý sự thì tao nhất định phải đuổi nó đi.
Cùng sự việc không thống nhất quan điểm của hai cha con khi Thúy Kiều làm vợ lẽ Thúc Sinh, trong Truyện Kiều, cha dạy theo cách nghiêm huấn, con thì nài kêu theo kiểu giãi lòng, nhún nhường. Nhưng ở Kim Vân Kiều truyện, biết chuyện, cha mắng mỏ, quát tháo bằng lời lẽ hết sức thô lỗ, con thì đối đáp theo kiểu cưỡng lời, rồi cứng lý sự, cha cho đó là cư xử ngỗ nghịch. Qua đó ta thấy trong xã hội Truyện Kiều, ngay trong cá nhân gia đình cũng đã thể thể hiện một cách xử sự có phép tắc, có tôn ti trật tự chứ không như ở Kim Vân Kiều truyện.
Trong Kim Vân Kiều truyện không có phép tắc từ gia đình trở đi, vì thế việc kiện cáo cũng không theo luật lệ của nó. Sau khi cha con cãi nhau, Thúc Chính chạy thẳng ra ngoài. Vừa may gặp quan phủ đi qua, Thúc Chính liền la lớn, kêu oan, nói là con ngỗ nghịch với cha. Không đơn từ, vụ kiện đã được xử trực tiếp theo nguyện vọng của người khởi kiện. Thúc Chính được dẫn về nha môn và hỏi xem việc gì.
Thúc Chính nói:
- Bẩm quan! Con tôi lấy một gái đĩ. Tôi bắt nó đuổi con kia về lầu xanh, nó ngỗ nghịch không chịu đuổi đi.
Tri phủ hỏi:
- Lấy nhau đã bao lâu?
Thúc Chính nói:
- Bẩm! Đã gần một năm rồi!
Tri phủ hỏi:
- Con ấy ở nhà ông, có làm nhơ nhớp đến môn phong nhà ông không?
Thúc Chính nói:
- Bẩm! Cái đó thì không có!
Tri phủ lại hỏi:
- Con ông là hạng người thế nào?
Thúc Chính nói:
- Bẩm quan! Nó là nho sinh huyện Vô Tích!
Tri phủ hỏi:
- Nếu đã là nho sinh lấy vợ lẽ về nhà rồi lại cho trở về tiếp khách thì còn ra gì nữa. Ông vì cớ gì mà bắt chúng phải bỏ nhau?
Thúc Chính nói:
- Bẩm! Đó là chỗ quan lớn chưa thấu rõ cho! Là vì cha vợ nó là Lại bộ thiên quan, vợ nó đương trạc trẻ trung, sợ rồi không thể dung nhau được, cho nên phải bắt nó đuổi con kia đi.
Tri phủ nói:
- Té ra như thế! Vậy gọi nó đến để bản chức hỏi xem ra thế nào.
Liền thảo tờ trát màu hồng,giục một công sai đem đi đòi Thúc Sinh đưa cả người thiếp đến hầu. Thúc Sinh vốn đứng sẵn ngoài cổng phủ, khi thấy có trát hồng đòi, liền bước vào công đường bái kiến….
Sau khi nghe Thúc Sinh trình bày việc chàng cãi cha khi ông muốn đuổi Kiều trở về lầu xanh, tri phủ nói:
- Điều đó quả nhiên là không nên làm, hãy cứ về đi, ta sẽ có cách phân xử.
Giữa lúc này, bỗng thấy Thúy Kiều đến…
Nếu như ở Truyện Kiều, Nguyễn Du xây dựng phiên tòa mở ra mang tính quy cũ (có đơn từ, nguyên cáo cùng bị cáo đều phải đến cửa công để xét xử, trọng tâm vụ án rõ ràng), thì ở Kim Vân Kiều truyện, việc xử án còn mang tính chất sơ phác (chưa quan tâm về pháp lý - đơn từ, còn thời gian xuất hiện của các đối tượng liên quan thiếu tính chủ động), chỉ dựa vào xét hỏi trực tiếp. Cách thức xử án như vậy, chứng tỏ xã hội trong Kim Vân Kiều truyện đã thiếu hẳn sự uy nghiêm của luật pháp. Một điểm cần chú ý là trong Truyện Kiều, vụ án án xử về việc Thúc ông kiện Thúy Kiều, trong nguyên đơn đã đổ lỗi cho hết cho nàng, quy vào tội đánh lừa con đen - tính chất phạm pháp rất rõ. Từ tính nghiêm minh của pháp luật ngay từ đầu (Trông lên mặt sắt đen sì/ Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời), các manh mối dần mở ra, kết thúc bất ngờ, có hậu cho ta thấy một vụ án giàu kịch tính đã tạo sự hấp dẫn cho người đọc. Nhưng ở Kim Vân Kiều truyện, Thúc ông chỉ kiện Thúc Sinh về tội con ngỗ nghịch với cha và không hề đổ lỗi cho Thúy Kiều.
Qua điều này ta thấy nhân vật Thúc ông trong Kim Vân Kiều truyện không sâu sắc như Thúc ông trong Truyện Kiều. Mấu chốt của vấn đề là loại trừ Thúy Kiều chứ đâu phải Thúc Sinh, vậy nhưng trọng tâm vụ án từ đầu lại dồn vào Thúc Sinh, Kiều chỉ xuất hiện trong mối liên quan. Như thế, ngay từ đầu của vụ án của Kim Vân Kiều truyện, từ cách kêu kiện, thời gian xuất hiện các đối tượng của vụ án, chọn đối tượng khởi kiện, cách xử lý của viên quan, ta thấy được diễn biến của nó rất rời rạc, thiếu ấn tượng.
Tiếp theo, trọng tâm vụ án - xử Thúy Kiều, cách xử kiện của quan phủ trong Kim Vân Kiều truyện cũng hoàn toàn khác ở Truyện Kiều.
Bỗng thấy Thúy Kiều đến, tri phủ nói:
- Mã Kiều! Ông Thúc Chính đến thưa, xin bắt chị trở về lầu xanh, chị nói thế nào?
Thúy Kiều nói:
- Bẩm quan lớn! Chỉ có gái đĩ tòng lương chớ không có lí bắt đàn bà nhà lương thiện đi làm đĩ. Việc này thực khó có thể tuân lệnh!.
Tri phủ nói có ý thử thách:
- Nhà họ Thúc không cần đến chị, tất nhiên trả chị về nhà đĩ. Nếu chị không tuân, bản chức tất nhiên phải dùng hết pháp trừng trị!
Thúy Kiều nói:
- Bẩm quan! Tôi xin quyết chịu chết dưới hình pháp, chớ không muốn trở lại làm đĩ.
Tri phủ hối người đem ra một chiếc gông và nói:
- Đánh đòn thì ta hãy tha cho, nhưng phải mang gông đi rao một tháng, sau đó mới quyết định cho chị khỏi phải trở về nhà đĩ.
Thúy Kiều nói:
- Xin tuân lệnh của quan lớn
Lập tức đóng gông vào cổ. Thúc Sinh chạy vào công đường ôm lấy Thúy Kiều khóc lớn:
- Tôi làm lụy nàng rồi! Tôi làm lụy nàng rồi!
Tri phủ nói:
- Anh làm lụy nó như thế nào?
Thúc Sinh nói:
- Bẩm! Ngay lúc nho sinh này muốn cưới nàng, nàng đã đoán trước đến việc này. Không ngờ ngày nay quả đúng như lời!
Tri phủ nói:
- Nếu quả như vậy thì chị này cũng là người hiểu biết đấy.
Thúc Sinh nói:
- Bẩm! Nàng không chỉ hiểu biết nhiều mà còn rất thông chữ nghĩa. Xin quan lớn mở đường tha cho!
Tri phủ nói:
- Mã Kiều đã thông chữ nghĩa, sao không lấy “chiếc gông” làm đầu đề vịnh thử một bài. Ta biết một tài nữ hồi xưa cũng lấy đầu đề ấy vịnh thành khúc “Hoàng oanh nhi”, nghe rất phong nhã. Vậy chị cũng vịnh ngay một bài tức sự, nếu nghe được ta sẽ tha cho…
Tri phủ xem xong, vui vẻ nói:
- Bài này so với bài trước lại càng hay hơn! Thật là giai nhân sánh với tài tử. Thôi! Ta tha cho về đoàn tụ với nhau!
Liền hối tả hữu mở gông tha cho Thúy Kiều, đoạn gọi Thúc Chính lên khuyên nhủ:
- Người ta kiếm được người vợ như thế thật là khó lắm. Ông sợ nhà thông gia quở trách thì đừng đưa nhà chị này về quê là yên chuyện. Cha con nhà ông đến đây cũng phải lượng tình, còn như bố vợ không có lý gì cấm đoán được việc này.
Thúc Chính nghe nói ngậm miệng, không biết đáp lại thế nào. Quan phủ hối tả hữu sửa soạn cờ quạt, cỗ nhạc, kiệu hoa có chữ “Hỷ” đỏ, đưa hai người song song về nhà.
Đối chiếu tình tiết xử Thúy Kiều ở hai tác phẩm, ta nhận thấy rõ sự khác nhau ở một số điểm:
1. Cách xử lý của quan phủ:
Ở Truyện Kiều, những vấn đề Thúc ông trình bày trong đơn đều dồn tội lỗi cho Thúy Kiều. Nhưng quan phủ đã thể hiện khả năng suy luận của mình (Suy trong tình trạng nguyên đơn) để có cách giải quyết hợp lý. Còn trong Kim Vân Kiều truyện, quan chẳng cần suy luận gì cả bởi các đối tượng xử án đều bộc bạch hết mọi ngõ ngách vấn đề, quan chỉ dựa vào thông tin đó để giải quyết. Như thế, ngay ở tình tiết này, Nguyễn Du đã đề cao khả năng suy đoán của quan phủ.
2. Hình phạt:
Về hình phạt, ở Truyện Kiều là Cứ phép gia hình/ Ba cây chập lại một cành mẫu đơn, còn ở Kim Vân Kiều truyện là tha cho việc đánh đòn nhưng phải mang gông đi rao một tháng. Như thế, theo quan niệm của viên quan trong Kim Vân Kiều truyện, tội đánh đòn nhẹ hơn tội mang gông đi rao. Thiết nghĩ, bị đánh đòn trong phạm vi công đường chỉ là nỗi đau thân xác, nhưng mang gông đi rao sẽ ê chề, nhục nhã về tinh thần! Quan quả chưa có cái nhìn sâu sắc trong việc hiểu đời.
3. Xử lý tình huống nảy sinh của quan phủ:
Về tình huống nảy sinh trong vụ án đó là khi Thúc Sinh thấy Kiều bị hành hạ, chàng xót lòng nên đã kêu oan cho nàng. Ở Truyện Kiều, Phủ đường nghe thoảng vào tai/ Động lòng lại gạn đến lời riêng tây. Quan có lơ qua chi tiết này cũng không thể trách cứ, nhưng trái lại, ông coi đây là một tình tiết phục vụ cho vụ án, vì thế đã có cách xử lý rất hợp lý, hợp tình. Nếu không tập trung nghe ngóng mọi điều của con dân bằng một thái độ đầy tinh thần trách nhiệm thì quan không hiểu hết nỗi niềm của dân tình như vậy. Còn trong Kim Vân Kiều truyện, khi Thúc Sinh khóc lớn, sự tác động như thế lẽ nào quan bỏ qua được. Việc thẳng tuột ra như thế thì cách xử lý của quan trong việc hỏi Thúc Sinh thêm thông tin về bị cáo cũng là lẽ đương nhiên.
4. Phán quyết của quan phủ:
Ở Truyện Kiều, khi nghe Thúc Sinh Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân, quan đã Dẹp uy mới dạy mở bài giải vi, cũng có nghĩa ông đang tháo cho Kiều con đường thoát; khi biết việc bút nghiên của Kiều, quan đã cho trình nghề để cuối cùng được một kết thúc đầy vinh dự Kiệu hoa lướt gió, đuốc hồng điểm sao. Còn trong Kim Vân Kiều truyện, mặc dù qua lời Thúc Sinh, quan biết Kiều là người hiểu biết, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nàng được gỡ lối thoát. Phải đến khi Thúc Sinh đưa thông tin bút nghiên của Kiều và Xin quan lớn mở đường tha cho!, thì lúc ấy quan mới đưa ra giải pháp cho Kiều làm thơ với điều kiện nếu nghe được ta sẽ tha cho. Với tài thơ của Kiều, nàng được giải thoát và cũng có kết thúc Quan phủ hối tả hữu sửa soạn cờ quạt, cỗ nhạc, kiệu hoa có chữ “Hỷ” đỏ, đưa hai người song song về nhà.
Xem xét cách phán quyết của hai vị quan ở hai tác phẩm, ta nhận thấy viên quan trong Truyện Kiều đã đưa ra hai cấp độ giải thoát khác nhau để người đọc nhận thấy sự thông hiểu của quan trong cách tìm giá trị con người. Kiều được giải vi, đó là cách xét xử đúng đồng, đúng lượng; Kiều được Song song đưa tới trướng đào sánh đôi, đó là cách ban thưởng đầy trân trọng. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thúc Sinh phải xin tha, quan mới chấp nhận, nhưng kèm theo đó là một điều kiện ràng buộc. Nếu Kiều không làm thơ được, quan cũng sẽ không biết cách tìm cho nàng một lối thoát như viên quan trong Truyện Kiều, và như thế chẳng phải quan cũng bế tắc hay sao? Cũng với kết thúc ấy, nhưng ta nhận thấy viên quan này xử kiện thiếu linh hoạt, cứng nhắc.
5. Thái độ người khởi kiện
Trong Truyện Kiều, cách xử kiện của viên quan đã có sự tác động tích cực đến chính người khởi kiện. Mục đích Thúc ông kiện là vì sợ Thúc Sinh lấy Kiều sẽ mất thanh danh, gia phong, nhưng qua lời lẽ phân tích hợp tình, hợp lý của quan phủ, Thúc ông thật sự thỏa mãn Thương vì hạnh, trọng vì tài/ Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba. Còn trong Kim Vân Kiều truyện, sau lời quan Thúc Chính nghe nói ngậm miệng, không biết đáp lại thế nào. Thúc Chính bằng lòng sao được khi mấu chốt cơ bản nhất trong vụ kiện Là vì cha vợ nó là Lại bộ thiên quan, nhưng điều này bị quan xem thường: bố vợ không có lý gì cấm đoán được việc này. Quan xử kiện mà không hiểu về lý, cái ý trong xã hội phong kiến đang sờ sờ ra đó. Chưa nói về thân phận Kiều là gái lầu xanh sẽ làm tổn thương nòi thư hương 0 nhà nho, thì việc qua mặt Thúc ông, Hoạn Thư cũng là điều không đúng phép tắc, luật lệ. Đó là chưa nói đến việc nhà họ Thúc đang làm cái việc xúc phạm đến danh dự nhà họ Hoạn danh gia vọng tộc khi mà bên Thúc Sinh một tiểu thư đài các/ một gái thanh lâu. Chính cái cách của quan lại như thế đã đưa Thúc Chính vào bế tắc về mặt tâm lý.
Dựa vào năm điểm khác nhau của hai viên quan khi xử kiện Thúy Kiều, ta thấy trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng hình ảnh một vị quan phủ thấu tình đạt lý giữa công đường thì viên quan ở Kim Vân Kiều truyện còn nhiều điểm hạn chế.
Nhìn nhận về vụ án họ Thúc khởi kiện, ta nhận thấy sự thay đổi ở một số tình tiết cũng như cách xử kiện của hai viên quan trong hai tác phẩm khác nhau. Bởi sự khác nhau đó nên khi vụ án khép lại, ở trong Truyện Kiều, qua xử sự tài tình của quan phủ đã làm nên một kết thúc có hậu thỏa mãn những đối tượng liên quan đến vụ kiện và kể cả độc giả, còn ở Kim Vân Kiều truyện, mặc dù Kiều cứu được mình, nhưng người khởi kiện còn trong tâm lý nặng nề vì quan chưa biết cách tháo gỡ bế tắc cho người khởi kiện, khi họ còn cảm thấy bị áp đặt.
Qua phân tích các vụ án trong Truyện Kiều rồi đối chiếu với Kim Vân Kiều truyện, ta nhận ra một điều, Nguyễn Du chỉ coi các vụ án trong Kim Vân Kiều truyện là phương tiện để thông qua đó ông bộc lộ quan điểm của mình về vấn đề ứng xử của nhân vật trong mọi không gian, ở mọi đối tượng. Như thế, là con người, dù bị cáo hay quan tòa, dù thường dân hay phương diện quốc gia, nếu thiếu khả năng ứng xử sẽ là điều nguy hại. Nếu thường dân, mức độ tai hại chỉ mang tính cá nhân, nếu những người có địa vị xã hội, nắm quyền sinh quyền sát nếu thiếu khả năng ứng xử, sự ảnh hưởng của nó sẽ là hậu họa cho xã hội. Vì thế, trước mọi tình huống thử thách, khả năng ứng xử của con người cần là điều vô cùng cần thiết, đó cũng chính là vấn đề tư tưởng Nguyễn Du đặt ra trong tác phẩm Truyện Kiều.
Phan Thị Thanh Thủy
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
Theo https://www.chungta.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...