Theo từ điển Wikipedia, Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một nhà
văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với
120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau
như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân,
chính trị, kinh tế. Nguyễn Hiến Lê (NHL) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai,
tỉnh Sơn Tây nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho,
ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi. Năm 1934, ông
tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền
Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, chủ yếu là Sài Gòn
và Long Xuyên.
Nguyễn Hiến Lê là một học giả nổi tiếng, tên tuổi của ông gắn
liền với nhiều tác phẩm, trong đó có quyển sách dịch “Đắc nhân tâm” (vẫn thuộc
loại bán chạy nhất hiện nay trên Internet). Người ta biết NHL viết sách, chứ
không nhiều người biết ông đã từng là nhà giáo. Tháng 11 năm 1950 NHL nhận lời
mời dạy học ở trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, đến năm 1952 ông xin
nghỉ, lên Sài Gòn mở nhà xuất bản, biên dịch sách, sáng tác và viết báo. Trong
thời gian ở Long Xuyên, ông dạy môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục, về sau
thêm cả Hán văn (từ lớp 7 đến lớp 9 ngày nay). Quan điểm dạy học của ông tuy
cách đây đã 60 năm, song vẫn còn hữu ích đối với thế hệ giáo viên trẻ ngày nay.
Ông cho biết: “Tôi soạn bài kĩ, giảng cho rõ ràng, bắt học sinh làm nhiều bài tập,..
dù con bạn thân mà làm biếng tôi cũng rầy, dù con các người tai mắt trong tỉnh,
nếu lười tôi cũng mắng nặng lời”. “Tôi cho rằng trong nghề dạy học, tư cách ông
thầy quan trọng nhất: phải đứng đắn, nhất là công bằng; rồi lời giảng phải sáng
sủa, có mạch lạc, muốn vậy ăn nói phải lưu loát, và soạn bài phải kỹ”.
“Trong trường học, giáo sư nên khuyến khích những học
sinh chịu đọc thêm sách, chứ đừng khen những trẻ giỏi học thuộc lòng.
Trong các kỳ phát phần thưởng, đừng mua sách giáo khoa để phát, mà
nên lựa những sách giúp học sinh mở mang thêm kiến thức”.
Về giáo dục NHL nêu vài vấn đề mà ngày nay chúng ta cũng cần
phải suy nghĩ. Trong quyển Thế hệ ngày mai, NHL cho rằng nền giáo dục
trong thời đại của ông “quá thiên về trí tuệ, xao nhãng thể dục và
đức dục”. Từ bậc tiểu học đến đại học, người dạy đã nhồi nhét quá nhiều những
môn “để luyện trí”. “Phương pháp dạy ở trường có tính cách quá
nhồi sọ”. “Môn gì cũng cần nhớ, nhớ cho thật nhiều, tới môn
toán pháp mà cũng không dạy trẻ phân tích, bắt học thuộc cách chứng
minh các định lý”. Từ đầu thế kỷ 20, Nhiều giáo sư, học giả Pháp đã phê
phán lối học “không tập cho suy nghĩ ấy”. Nhiều nhà doanh nghiệp phàn nằn rằng
phần lớn “ những học sinh ở Trung học hay Đại học ra không hiểu chút
gì về công việc, không biết kiến thiết, sáng tạo, chỉ huy”.
Một điểm đáng chú ý khác: Vì sao học sinh không thích học?
Ông cho rằng học sinh có thể không thích học môn nào đó vì cảm thấy không hợp.
Có người thích văn nhưng buộc phải học Toán; có người thích vẽ nhưng buộc phải
học Sử. Ngoài ra, “Ta cũng có thể ghét sự học ở trường vì nhiều
giáo sư giảng bài như ru ngủ chúng ta, hoặc tới lớp thì bắt ta chép
lia lịa từ đầu giờ tới cuối giờ mà không hề giảng cho một chữ,
chép tới tay mỏi rời ra, không đưa nổi cây viết, nguệch ngoặc không
thành chữ, rồi về nhà phải cố đọc, đoán cho ra để chép lại một
lần nữa cho sạch sẽ. Ta cũng có thể ghét sự học ở nhà trường vì
có những ông giáo, suốt năm mặt lạnh như băng, vẻ quạu quọ, hờm hờm,
coi học sinh như kẻ tù tội, phải hành hạ cho đến mực, làm cho học
sinh gần tới giờ thì lo lắng, mặt xám xanh, như sắp bị đưa lên đoạn
đầu đài. Ta cũng có thể ghét sự học ở nhà trường vì kỷ luật,
hình phạt của nó, vì những kỳ thi liên miên bất tận..”.
Điều quan trọng nhất trong cách dạy của NHL không chỉ nằm ở
chuyên môn, mà còn ở cách hướng dẫn học sinh tự học. Vì phần lớn học sinh thời ấy
“không biết cách ghi chép lời giảng của thầy, không biết cách học bài, làm bài,
không biết cách học ôn, cách tìm tài liệu, không có một thời dụng biểu ở nhà. Họ
không hiểu rằng cách học một bài ám đọc (récitation), khác cách học một bài
toán; một bài sử, địa khác một bài sinh ngữ… Họ không có cả một sổ tay ghi những
điều cần nhớ để thường coi lại”.
Vâng, tự học là điều cần thiết không chỉ khi ngồi trên ghế
nhà trường, mà còn là phương tiện giúp ta đi tới thành công trên đường đời. Đừng
nghĩ rằng khi có bằng cấp cao là đã thành công và không cần phải tự học nữa.
NHL viết: “Bạn có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ mà không học thêm thì
suốt đời cũng chỉ là một tiến sĩ, một thạc sĩ. Paul Doumer 14 tuổi
đã phải thôi học, tự học lấy rồi sau thành Tổng thống nước Pháp.
Louis Bertrand xuất thân làm thợ mà lên ngôi Tổng trưởng”. Ở nước ta cũng
không thiếu người nhờ tự học mà có danh vọng”. Thí dụ như Phạm Quỳnh,
Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Bạch Thái Bưởi và Trương Văn Bền… đã thành
công lớn trong nghề nghiệp của mình.
Cách tự học
NHL viết: “trên con đường tự học, tôi chẳng có chút hiểu biết,
kinh nghiệm nào cả, phương tiện thật thiếu thốn, tốn công nhiều mà kết quả rất
ít. Vì nghĩ vậy mà sau này tôi viết cuốn Tự học để thành công (sau đổi
tựa là Tự học, một nhu cầu của thời đại) để hướng dẫn thanh niên tránh những
lỗi lầm của tôi”. Ông cho rằng “Tự học cũng là một cuộc du lịch, du
lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gắp trăm du lịch bằng
chân”. “Tự học còn là một thú vui rất thanh nhã nó nâng cao tâm hồn
ta lên”. Vậy, muốn tự học, trước hết phải thấy nó là một chuyến “du lịch”, là
“thú vui” mới có thể kiên trì theo đuổi.
Theo NHL, người mới biết đọc, biết viết; người già cũng có thể
tự học được. Quan trọng là có sức khỏe, thời gian và tin vào việc học của mình
(có lợi cho bản thân, giúp ích cho người khác). “Nếu học 5-7 lần không
thuộc, cũng đừng chán rồi bỏ cuộc. Học nhiều hơn nữa, có ngày sẽ thành công”.
Ông nghĩ rằng cái lợi của tự học là “tự do lựa môn học,
lựa thầy học”. “Nếu chưa hiểu rõ một chương, ta có thể bỏ ra hàng
tuần hàng tháng để học thêm...Nhờ vậy ta có nhiều thì giờ để suy
nghĩ so sánh, tập xét đoán, giữ tư tưởng được tự do. Không ai nhồi
sọ ta được, bắt ta phải lặp lại những điều mà ta không tin”. Tuy
nhiên, ông cũng thấy cái hại của việc tự học là do “không ai dẫn dắt ta, nên
ta không biết học cái gì”. Có người quyết học hết một bộ Bách
khoa từ điển nhưng mới học khoảng một tuần thì bỏ ngang vì chán nản,
không hiểu nhiều đoạn trong tự điển. “Có kẻ gặp cái gì đọc cái ấy…
không tự lượng sức mình, chưa biết những sách đại cương về một môn
nào đã đọc ngay những sách quá cao viết cho các nhà chuyên môn”. Đọc
qua loa những điều mình thích nên không hiểu tường tận để áp dụng. “Học như
vậy phí công vô ích”, do “không có một mục đích nhất định để nhắm,
một chương trình hợp lý để theo”.
Ông cho rằng tự học “có mục đích gần và mục đích xa”.
Học để có một chỗ làm, có cuộc sống tiện nghi là học với mục đích gần. Học để đủ
tư cách làm chủ gia đình, một công dân và phần tử của nhân loại. Học để phát
triển đức trí, giúp ít người khác mỗi ngày một nhiều hơn mới là mục
đích xa. Nếu là giáo viên toán ta cũng nên đọc về kinh tế, chính trị; nếu
là thợ thuyền cũng nên học về triết lý, luật khoa… “Nhà văn phải
biết khoa học, vì khoa học giúp ta nhận xét, lý luận, hiểu vũ trụ
hơn. Nhà khoa học cũng phải hiểu văn chương vì những áng văn thơ bất
hủ nâng cao tâm hồn con người”… “Kẻ nào quá chuyên nghiệp, chỉ đọc
những sách về ngành hoạt động của mình thì không khác chi đeo vào
hai bên thái dương hai lá che mắt, không khác chi tự giam mình vào một
phòng chỉ có mỗi một cửa sổ để thông ra ngoài.”
Những cách tự học
Theo NHL, có hai cách tự học: học có người dạy và tự mình
tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm (theo ông, cách thứ hai “quan trọng
hơn nhiều”).
Tự học (có người chỉ dẫn) là theo một lớp giảng công hay
tư, một lớp hàm thụ hoặc nghe diễn thuyết.
+ Lớp giảng: Theo ông, “ở Âu, Mỹ, có rất nhiều trường
công hay tư dạy những người lớn muốn học thêm” (từ tiểu học đến đại học). “Lại
có những trường dạy một ngành chuyên môn như môn Tổ chức công việc, môn viết
văn, làm báo, khoa nói trước công chúng, khoa nội trợ...”.
+ Lớp hàm thụ: Học từ xa bằng những phương tiện thông
tin đại chúng, “
học những trường này phải trả tiền vì đều là trường tư, hoặc bán công tư”.
học những trường này phải trả tiền vì đều là trường tư, hoặc bán công tư”.
+ Nghe diễn thuyết: Nghe những diễn giả nói về đề tài mà
mình muốn biết thêm.
Tự học không có người chỉ dẫn là tập nhận xét và đọc
sách…
+ Nhận xét: NHL viết: “Người tự học nào cũng phải tập nhận
xét. Phần đông chúng ta không nhìn bằng mắt mà bằng óc, bằng tim”. Một giáo sư
đại học bảo sinh viên tập trung nhìn những ông làm rồi bắt chước làm theo. Ông
nhúng một ngón tay vào một ly nước rồi đưa lên miệng nếm. Mỗi sinh viên đều làm
như vậy, nhưng lại nhăn mặt vì nhận thấy nước rất hôi thối. Sau khi họ nếm
xong, vị giáo sư mỉm cười, bảo: “Các cậu không nhận thấy ngón tay tôi đưa lên
miệng không phải là ngón tay đã nhúng vào nước à”. Vị giáo sư nhúng ngón tay
này vào nước nhưng lại nếm ngón tay kia nên không có cảm giác hôi thối, còn
sinh viên thì…. Điều này cho thấy “họ đã không nhìn bằng mắt mà bằng óc. Óc họ
tưởng tượng ra sao thì họ thấy vậy”. Tóm lại, muốn học hỏi thì ta phải tập nhìn
bằng mắt, chứ đừng bằng óc hoặc tim. Trước khi nhận xét, phải có một chương
trình: xét những điểm nào? điểm nào trước? điểm nào sau? Thí dụ, muốn nhận xét
một cây, bạn phải: quan sát từng bộ phận của nó (từ gốc rễ đến cành lá); cây
này mọc ở miền nào, hợp với loại đất nào; mùa nào trổ bông, có trái; cách trồng
ra sao; ích lợi thế nào…
Lập sẵn chương trình như vậy thì không sợ quên những chi tiết
nhiều khi quan trọng. Trong khi nhận xét phải so sánh (như cây sao với cây dầu
giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?), phân tích (như xét một bông phải xét:
đài, cành, nhụy, sắc hương). “Chịu nhận xét, tập chú ý vào những điều trông thấy
thì tài nhận xét sẽ tăng lên. Mỗi ngày ta nên tập nhận xét vài lần… không tốn
thì giờ mà chỉ trong vài ba tháng đã thấy nhiều kết quả”.
+ Đọc sách: theo một lớp giảng hoặc một lớp hàm thụ chỉ
là biện pháp nhất thời. Muốn tự học suốt đời, thì phải đọc sách, vì thế “có thể
nói tự học là đọc sách”. “Khi đọc tôi luôn luôn có một cây viết chì để đánh dấu
những chỗ đáng nhớ, hoặc có thể dùng tới sau này; cuốn nào thường phải đọc lại
thì tôi ghi những ý quan trọng cùng số trang lên mấy trang trắng”…“sách nào thường
dùng tôi để riêng, sắp theo từng loại”.
Muốn học môn gì đó, cần phải tìm đúng sách rồi học từ dễ đến
nâng cao dần. Không thể ngay từ đầu học những điều quá khó, vì như thế sẽ không
hiểu, một thời gian sẽ chán nản rồi bỏ cuộc. Nhìn chung, những người như thế
“không thành công vì không biết cách học”. Ho chưa biết những điều thường
thức đã vội đọc ngay những sách cao đẳng. Họ “chưa có một khái niệm gì
rõ ràng đích xác về đạo Phật mà đọc ngay kinh Tam Tạng! Tự học mà
thiếu phương pháp như vậy thì 100 người có tới 95 người thất bại”.
Cách học ngoại ngữ
Ngoài tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, bắt buộc phải học
vào thời ấy, NHL còn học thêm tiếng Hán và tiếng Anh. Hồi nhỏ ông học chữ Hán cốt
để “đọc được gia phả”, “chỉ nhớ mặt chữ, hiểu nghĩa là được rồi”. Sau khi học
xong ngành Công chánh, trong thời gian chờ phân công nhiệm sở, ông lại tự học
chữ Hán. “Mỗi ngày, buổi chiều tôi lại thư viện Trung Ương đường Trường Thi, mượn
bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh… rồi bắt đầu từ chữ A, tìm những từ
và từ ngữ nào tôi đoán là thường dùng mà chưa biết thì tôi chép lại trong một tập
vở. Tôi ở thư viện từ 3 đến 5-6 giờ chiều. Tối hôm đó và sáng hôm sau, tôi học
hết những trang đã ghi đó; rồi chiều lại ra thư viện chép bài học sau. Mỗi tuần
nghỉ một ngày để ôn lại những bài trong tuần. Học ba tháng, được độ ba ngàn từ”.
Về sau NHL tự học thêm nữa để có thể viết sách về văn học Trung Quốc.
Về tiếng Anh, ông học chủ yếu là hiểu nghĩa từ và văn phạm, học
để đọc tài liệu nước ngoài, để viết và dịch sách chứ không chủ trương học để
nói lưu loát.
Theo ông, “muốn hiểu một ngoại ngữ thì phải dịch ra tiếng Việt”.
“Khi dịch, bắt buộc ta phải tra tự điển; câu nào dịch rồi mà ý nghĩa không
xuôi, có điểm nào vô lí hoặc mâu thuẫn với một số câu ở trên thì bắt buộc ta phải
soát lại xem mình dịch sai ở chỗ nào”.
Viết sách để tự học
Từ 1949 đến 1953, NHL “làm việc rất nhiều, vừa dạy học, vừa học,
vừa viết sách, không có thì giờ để hưởng nhàn”. Ông dạy học, tự học môn Tổ chức,
tiếng Anh và văn học Trung Hoa. Ngoài ra ông còn ghi danh học một số lớp hàm thụ.
Chính nhờ bài học từ những lớp này NHL đã có tài liệu để viết sách (quyển Nghề
viết văn, Hương sắc trong vườn văn và nhiều sách Học làm người).
Theo ông, “viết sách là tự ra bài cho mình làm. Học mà không
làm bài thì chỉ là mới đọc qua chứ không phải học.” Và ông cho rằng “khi viết
nên nhớ mục đích của ta là để tìm hiểu chứ không phải cầu danh. Đừng cầu danh
thì danh sẽ tới”.
Sức làm việc của ông thật đáng nể, theo Wikipedia, “mỗi ngày
ông làm việc 13 tiếng đồng hồ (6 tiếng để đọc tài liệu và hơn 6 tiếng để viết).
Thời gian biểu này được áp dụng một cách nghiêm ngặt không ai được vi phạm kể cả
chính ông, nhờ vậy mà ông đã hoàn thành một khối lượng công việc, tác phẩm
nghiên cứu, dịch thuật đồ sộ”. NHL cho biết: “nhiều người, từ bạn bè đến độc giả
bảo tôi sống như một nhà tu khổ hạnh. Tôi không biết các nhà tu khổ hạnh có thấy
khổ hay không khi họ nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ, … chứ riêng tôi, chẳng tu
hành gì cả, không thấy lối sống của tôi với sách vở là khổ”.
Trong lời nói đầu của quyển “Đời viết văn của tôi”, NHL viết:
“Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan
mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”. Có lẽ, nhờ
quan niệm như thế nên NHL để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đồ sộ, có giá trị
cao về học thuật, đó là mảng sách về triết học và lịch sử. Mảng sách về văn học
của ông cũng khá phong phú, chủ yếu là văn học Trung Quốc, bên cạnh đó là một số
quyển tiểu thuyết dịch từ tiếng Anh và Pháp. Tuy nhiên, mảng sách mà NHL được
nhiều người biết đến, đem lại dang tiếng cho ông chính là loại “sách học làm
người”. Ông viết và dịch nhiều sách về mảng này, trong đó có một quyển đã làm
“thay đổi hẳn cuộc đời của một thanh niên hiếu học nhưng nhà nghèo”, người mà
sau này đã trở thành bác sĩ và cũng khá nổi tiếng, đó là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Quyển sách ấy có tựa đề là Kim chỉ nam của học
sinh, một quyển mà NHL muốn “giúp học sinh biết cách học”. Ông khởi sự viết
quyển này vào tháng 2 năm 1951, tức giai đoạn ông còn dạy học ở trường Thoại Ngọc
Hầu, Long Xuyên. Sau khi quyển sách ấy được phát hành, nhiều phụ huynh và giáo
sư đã hết lời khen ngợi sự hữu ích của nó. Trong tờ Bách Khoa số
20-4-75, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Kim chỉ nam đã mở cho tôi chân trời mới, đọc
xong, tôi thấy gần gũi với ông (NHL) kỳ lạ. Có những điều tôi đã thoáng nghĩ,
đã từng làm nhưng vì thối chí ngã lòng, vì không được hướng dẫn nên không đạt
được mấy kết quả. Ông đã hệ thống hoá, đặt ra những nguyên tắc giúp cho việc học
đỡ mệt, đỡ tốn thì giờ mà được nhiều kết quả hơn. Điều quan trọng là sách trình
bày những phương pháp thực hành, không có những lý thuyết viễn vông, nhàm
chán”.
Dẫu sống ở Sài Gòn nhiều năm, song Nguyễn Hiến Lê vẫn rất nhớ
cái nơi ông đã từng dạy học, nơi mà ông đã về sống những năm cuối đời. NHL tâm
sự: “Long Xuyên đúng là quê hương thứ hai của tôi, mà bây giờ tôi quyến luyến
với nó hơn quê hương thứ nhất nhiều”.
(*): Để thực hiện bài này người viết chủ yếu tham khảo hai
tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê: quyển Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn Học,
1992) và quyển Tự học - một nhu cầu của thời đại (NXB Văn hóa
Thông tin, 2007).
Ghi chú:
Bài này trích từ quyển Kỷ yếu Chào mừng Ngày Nhà giáo VN 2011
của Hội cựu học sinh Trường trung học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, An
Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét