Nhận diện thơ Việt Nam đương đại thông qua báo chí,
các phương tiện truyền thông đại chúng và dựa trên những mối quan hệ cá nhân với
từng tác giả, quả là công việc nặng nhọc nhưng đầy hào hứng với tôi. Nó phản
ánh khá rõ nét bước ngoặt quan trọng trong định hình và phát triển một giai đoạn
văn học Việt Nam, đặc biệt thơ ca, vừa đa diện vừa phức tạp. Nếu không
đánh giá đúng bản chất và nắm được quy luật vận động của giai đoạn này, sẽ làm
bạn đọc hoang mang, chán nản, mất phương hướng thẩm mỹ; làm phần lớn các tác giả
trẻ lúng túng, thậm chí tiêu phí quỹ thời gian cho những tìm tòi vô ích.
Sự nghiệp Đổi mới (từ 1986) đã tạo cơ hội cho văn học Việt Nam hội
nhập nhiều hơn với thế giới. Nhưng thơ Việt Nam đương đại đang ở đâu?
Đó là câu hỏi đã nhiều lần đặt ra và cũng không dễ trả lời. Thơ Việt Nam,
theo tôi, chỉ duy nhất thời kỳ Thơ Mới (1930 -1945) đã hòa vào dòng
thơ thế giới, cụ thể hơn là thơ ca Pháp. Trước đấy, tạm lấy thơ cụ Tản Đà làm mốc,
nền văn chương cử tử của Việt Nam chủ yếu ảnh hưởng thơ Đường và giai
đoạn đầu của thơ Tống. Từ cuối thơ Tống đến giai đoạn tiền Thơ Mới ở
Việt nam, nhiều khuynh hướng thơ ca Trung Hoa với chúng ta vẫn còn xa lạ. Phòng
trào Thơ Mới ra đời từ cuộc hội nhập Đông - Tây thế kỷ qua. Từ những năm
ba mươi, thơ Việt Nam đã tiếp thu và phát triển khuynh hướng
thơ Hiện thực và Lãng Mạn Pháp, có kết hợp với Siêu thực và
đi được một nửa Tượng trưng. Lúc đó, thơ ca cũng như văn học nghệ thuật
nói chung phải dồn hết tâm lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng
như chống Mỹ sau này. Chúng ta mãi biết ơn những nhà thơ tiêu biểu cho Phong
trào Thơ Mới, như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… Họ đã
có công khởi xướng, Việt hóa, kết hợp nhuần nhuyễn với thơ truyền thống để có một
trào lưu thơ ca hiện đại tồn tại đến hôm nay. Qua mỗi giai đoạn, một số nhà thơ
đã tự phát và đơn độc khởi xướng cách tân, nhưng không trụ được trong dòng thác
thói quen thẩm mỹ của đám đông lúc đó, bởi rất nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh
lịch sử, mặt bằng văn hóa bạn đọc và tài năng không đủ để độc sáng.
Vậy thơ Việt Nam đương đại đang ở đâu? Xin thưa,
thơ chúng ta vẫn chậm so với khu vực và thế giới, chưa có diện mạo riêng, dòng
chảy chưa được định hình.
Ngay sau năm 1986, đã xuất hiện số ít nhà thơ (trong và ngoài
nước) có ý thức sâu sắc cách tân thơ Việt. Họ có chủ thuyết riêng biệt, chắc chắn
và tự tin trên con đường đã chọn. Họ có đủ kiến thức thi ca, có nền tảng văn
hóa & xã hội sâu rộng, có bản lĩnh khám phá và cả lòng dũng cảm, bình tĩnh
trước sức ép công luận, dám chấp nhận đơn độc trên con đường mới, mở ra một không
gian thơ khác, tạo tiếng nói khác. Họ khác hẳn số đông từ nền tảng, lý tưởng
thi ca đến cách biểu đạt ý tưởng, lập ngôn, cách tạo những chuyển động thi ảnh...
Thời kỳ đầu, đa số bạn đọc đã phản ứng quyết liệt trước một số hiện tượng thơ
cách tân, thậm chí đã chống lại những quan niệm thẩm mỹ mới lạ. Nhưng thời gian
khách quan đã minh chứng một số thành công nhất định của các tác phẩm (dù chưa
nhiều) nhưng cũng để bạn đọc bình tĩnh nhận ra chân/ giả của những
chuyển động mới.
Kế tiếp là các gương mặt trẻ cũng hào hứng đi tìm tiếng nói mới
cho thơ. Và mỗi người, theo cách của mình, đã ít nhiều tạo cho thơ ca những diện
mạo mới lạ hơn. Nhìn chung, lớp trẻ có kiến thức tổng hợp phong phú, giỏi ngoại
ngữ nhưng do thiếu hệ thống lý thuyết về thi ca, thiếu cả cung bậc về văn hóa
xã hội nên đa phần lúng túng trước các trào lưu trường phái du nhập từ phương
Tây, một số khác như ngựa phi nuớc đại nhưng cắm mốc vào ngõ cụt.
Có thể điểm một số trường phái thi ca tiêu biểu đã ảnh hưởng
đến dòng chảy của thi ca Việt đương đại. Trường phái tượng trưng, một trào
lưu nghệ thuật của Phương Tây cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, chủ trương biểu
hiện bằng những hình ảnh gián tiếp, gợi ra những ý niệm tương đương về thế giới
và sự vật, những bí ẩn mà cảm giác không thể nhận biết. Trường phái Siêu thực
tuyên ngôn vào năm 1924,
nhằm thoát ly hiện thực để biểu đạt những tưởng tượng chủ quan của mình, ghi
lại những ảo giác tự phát.
Ngoài ra còn có các trường phái nghệ thuật khác có ảnh hưởng trực tiếp đến thơ ca, như Trường phái Dada, Vị lai, Biểu hiện v.v… Các trường phái nêu trên có tên chung là chủ nghĩa Hiện đại, thực chất là chủ nghĩa hình thức và duy mỹ. Nó phát triển rực rỡ những năm 30 thế kỷ trước, nhưng cho đến nay, nhiều nghệ sỹ, kể cả ở châu Âu vẫn sử dụng nó như những cảm thức sáng tạo. Từ khi chủ nghĩa tư bản độc quyền chuyển thành chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã xuất hiện chủ nghĩa Hậu hiện đại. Về cơ bản, chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải sự tiếp nối của chủ nghĩa Hiện đại, không phải một trào lưu nên không có chủ thuyết ổn định. Nó phát triển trong điều kiện hậu hiện đại tùy thuộc địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc. Từ cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa Cổ điển mới đã xuất hiện, là sự tái hợp huy hoàng của nghệ thuật với chủ nghĩa nhân văn cao cả mà nhân loại có lúc đã sao nhãng, nhằm chống lại cơn tuyệt vọng thẩm mỹ của thế kỷ 20, để nghệ thuật hướng đến cái đẹp nhân bản hơn, cái đẹp không thể tách rời cái đẹp đạo đức và cái đẹp trí tuệ…
Ngoài ra còn có các trường phái nghệ thuật khác có ảnh hưởng trực tiếp đến thơ ca, như Trường phái Dada, Vị lai, Biểu hiện v.v… Các trường phái nêu trên có tên chung là chủ nghĩa Hiện đại, thực chất là chủ nghĩa hình thức và duy mỹ. Nó phát triển rực rỡ những năm 30 thế kỷ trước, nhưng cho đến nay, nhiều nghệ sỹ, kể cả ở châu Âu vẫn sử dụng nó như những cảm thức sáng tạo. Từ khi chủ nghĩa tư bản độc quyền chuyển thành chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã xuất hiện chủ nghĩa Hậu hiện đại. Về cơ bản, chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải sự tiếp nối của chủ nghĩa Hiện đại, không phải một trào lưu nên không có chủ thuyết ổn định. Nó phát triển trong điều kiện hậu hiện đại tùy thuộc địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc. Từ cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa Cổ điển mới đã xuất hiện, là sự tái hợp huy hoàng của nghệ thuật với chủ nghĩa nhân văn cao cả mà nhân loại có lúc đã sao nhãng, nhằm chống lại cơn tuyệt vọng thẩm mỹ của thế kỷ 20, để nghệ thuật hướng đến cái đẹp nhân bản hơn, cái đẹp không thể tách rời cái đẹp đạo đức và cái đẹp trí tuệ…
Nhìn lại những trào lưu nghệ thuật, đặc biệt thơ ca, chúng ta
thấy chúng xuất hiện trong bối cảnh lịch sử nhất định, đã đóng góp xứng đáng và
tất yếu vào lộ trình thi ca nhân loại. Nhưng ngay ở thời điểm rực rỡ nhất, nó
cũng chịu không ít những áp lực phủ định quyết liệt từ phía dư luận. Nhà thơ nổi
tiếng Wallace Stevens (1879-1955) của Hoa Kỳ cũng từng nói về chủ nghĩa Hiện
đại không mấy thiện cảm: “Chúng ta không nên tiêu phí thì giờ để làm hiện
đại, còn bao nhiêu việc quan trọng hơn…”. Tuy nhiên, không thể vì những phủ định
mà dừng lại, cần thám hiểm, cần phiêu lưu, cần đặt chân lên những vùng đất mới.
ĐI và sẽ TRỞ VỀ. Thơ trẻ đương đại đang có biểu hiện khao khát muốn
“trở về nhà”. Sự trở về không có nghĩa quay lại ngôi nhà cũ (tạm gọi Hiện
thực và Lãng Mạn), mà mang một diện mạo khác, một tâm thế khác, trên con đường
khác.
Tôi hâm mộ ai đó dám bước đi và biết quay về trên cội nguồn
thơ Việt, với tâm thức của thời đại, biết vận dụng linh hoạt thi pháp các trường
phái mà không đánh mất bản chất tâm hồn Việt, vốn sáng trong, chân thành, bao
dung mà rất hiện sinh, tinh tế trong cảm nhận, nhân bản hồn hậu trong nghĩ suy
về phận người…
Đã có những lúng túng giữa các nẻo đường chủ nghĩa với trường
phái, có cả những “lạc đường” dung tục, có những khuynh hướng “phi
thơ” mà dùng thơ như “phương tiện” để trục danh, trục vọng. Từ nhận diện thơ Việt
đương đại như trên, tôi mạnh dạn đề xuất:
1- Các cơ quan báo chí và truyền thông, trước hết của Hội
Nhà văn VN, nên tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng khuynh hướng, đăng lại
các chủ thuyết, nhận định, tuyên ngôn hay tiêu chí, quan trọng hơn là các tác
phẩm tiêu biểu cho từng trường phái. Điều đó tạo cho các nhà thơ và bạn đọc tầm
nhìn phổ quát mang tính định hướng về thơ ca thế giới, là cơ hội để phát huy và
làm phong phú thêm giá trị truyền thống của chúng ta.
2- Sẵn sàng hội nhập để không có ngoài/ trong lề, trong/
ngoài nuớc bằng việc cho công bố những tác phẩm hay và mới. Sẵn
sàng đối thoại công khai bình quyền với các chủ trương/ trường phái/ nhóm thơ
trên các mặt báo và phương tiện truyền thông, đồng thời chọn tác phẩm tiêu biểu
đưa vào nghiên cứu ở các trường đại học.
Tôi tin rằng gương mặt của trở sự trở về chắc chắn
phải là hình ảnh thơ Việt Nam đương đại trải ra trên bề mặt thế giới
phẳng mang tính toàn cầu, mới mẻ, giàu tính nhân văn, đẹp đẽ sáng trong tâm hồn
Việt. Con đuờng vẫn đang ở phía truớc và tất cả chúng ta, những người cầm bút,
phải trả lời bằng chính tác phẩm của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét