Vệt ánh sáng ngoài cửa sổ hắt vào vách tường làm nổi bật những
mạng nhện đang mờ ảo trong làn khói thuốc. Ánh sáng cắt vách tường ra làm
đôi, vùng tối bên trái của nó là bức tượng Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá
bằng gỗ. Thân hình tiều tụy của Đấng Cứu thế dường như tan biến trong tăm tối,
gương mặt Chúa buồn bã, in hằn nét đau khổ của mọi kiếp người. Bên phải là bức
tranh sơn dầu hình thù kỳ dị. Mọi màu sắc âm ỉ sức nóng của sự sống, của vầng
thái dương, những cánh hoa đỏ lấm tấm trên cánh đồng lúa mì vàng rực, nhưng tất
cả không vực dậy niềm hoan lạc trong căn phòng lạnh lẽo chứa đựng một con người
cô đơn, đói rét cùng cực. Van Gogh nằm vắt tay lên trán, thỉnh thoảng đưa tẩu
thuốc lên miệng, rít thật mạnh và khói thuốc luồn nhanh vào buồng phổi, cuống
cuồng sợ hải tìm lối thoát thân. Khói không thể đào tẩu theo đường hô hấp của
con người, dường như nó len lỏi vào từng lỗ chân lông, bốc hơi qua mái tóc cắt
ngắn, hóa thân thành những giọt nước mắt bất lực lăn xuống trũng mắt thẳm
sâu, mệt mỏi và rớt vào những nếp nhăn trên gò má xanh xao của Van
Gogh.
Trừng trừng, bất động. Đôi mắt thao láo như mắt của người
chết oan ức. Cặp đồng tử căng ra, thu nhận vùng sáng tối phía trước. Mạng nhện,
tượng Chúa, những cánh hoa và vô số hạt bụi nhảy múa trên vùng sáng quyện đầy
khói thuốc. Làn mi không dám che khuất sự buồn thảm, nó như cánh buồm bị kéo
lên bằng những sợi dây thần kinh căng thẳng của sự suy nghĩ miên man. Cha Van
Gogh là một vị mục sư khả kính chỉ biết thờ phượng Chúa Trời và lúc nào cũng
muốn Van Gogh quỳ dưới chân của đấng siêu nhiên ấy. Cánh cửa tu viện luôn rộng
mở nhưng Van Gogh vẫn làm ngơ trước âm thanh quyến rũ của nhà thờ, lời cầu
kinh huyền nhiệm, giọng thánh thót của tiếng chuông, tất cả chơi vơi, lạc
lõng trên con đường chân lý của tâm linh Van Gogh.
Tuần lễ đầu tiên đến vùng Borinage xa xôi, hẻo lánh, giam
mình trong căn phòng lạnh lẽo này, Van Gogh ngỡ mình đang rơi trên cầu thăng
bằng xuống một dòng sông chảy xiết và đằng kia, hạ lưu của dòng nước là địa
ngục. Chàng hiểu mình đang lao đầu vào những chuyện rồ dại, trái với khát vọng
sống của mình.
Các nhân vật truyền giáo Tin Lành nhún vai lạnh nhạt khi được
báo tin Van Gogh nóng lòng muốn gặp. Họ miễn cưỡng tiếp chàng và biết rằng
chàng không bao giờ trở thành một mục sư thực thụ được. Van Gogh đứng trên bục
giảng đạo thì con chiên của Chúa không tâm giao được với bề trên, họ cảm thấy
cơn buồn ngủ xồng xộc kéo đến sau những lời nói ồ ồ, thô kệch của Van Gogh.
Các nhà truyền giáo tiếp chàng vì cha chàng là mục sư. Họ đã quá biết chàng.
Trước thiện chí và lòng say mê của Van Gogh, một người trong tim mang cả bầu
nhiệt huyết và tràn ngập tình yêu như muốn bao dung cả nhân loại, họ đành phải
chấp nhận. Nhưng bề ngoài của chàng thiểu não quá. Dáng người kín đáo, rụt
rè, ăn nói cộc lốc, thiếu văn hóa, đôi bàn tay như rạn nứt không giữ yên được
lâu một chỗ, mái tóc ngắn và bộ râu như nhuộm đỏ, cặp mắt có cái nhìn nghi kỵ
như một con thú bị săn đuổi.
Vì thế, Hội truyền giáo gởi chàng đến Borinage như quăng một
gánh nặng, một nơi dù giàu đức tin cách mấy, bất cứ vị mục sư nào cũng có thể
nản lòng. Từ La Haye, Van Gogh khăn gói lên đường trong tâm trạng hân hoan và
một tuần lễ nặng nề trôi qua đã cướp mất dần nghị lực của chàng.
Đúng là một địa ngục. Borinage tiêu điều, đầy khói và bụi
than, chẳng có ai sinh sống ngoài đám thợ mỏ và gia đình họ. Trong sự nghèo
đói và bần cùng, Van Gogh say sưa truyền bá thuyết nhân ái và lời ân sủng của
Thiên Chúa cho đám người sống chui rúc dưới lòng đất. Nhưng không ai quan tâm
đến lời rao giảng của chàng. Những lời của Van Gogh không phải là cánh cửa của
thiên đường, mọi bày biện cám dỗ tâm hồn đối với họ đều hoàn toàn vô ích, họ
chỉ thích nhấm nháp cà phê và ăn bánh mì.
Sống với đám người lao khổ này, Van Gogh cảm thấy sự cô độc
đang giày xéo lòng mình. Không gian chung quanh là một thế giới xa lạ. Chàng
muốn xoa dịu những nỗi đau khổ vật chất của lớp người dưới đáy xã hội ở
Borinage, nhưng họ xem chàng như một anh hề múa rối, một hình nộm phát ra những
lời vô nghĩa của mớ triết lý không có chất liệu từ bánh mì cà phê. Sự thành
tâm của Van Gogh được đáp lại bằng những lời chế ngạo và nụ cười nửa miệng
nghi ngờ.
Ánh sáng len qua kẽ lá rung rinh ngoài cửa sổ, vách tường
chìm trong bóng tối, một vệt nắng chẻ đôi gương mặt Van Gogh, nửa phần dưới
quai hàm bạnh ra, răng cắn môi ứa máu. Một con nhện đu đưa trước mặt chàng,
treo lơ lửng trên một sợi tơ mỏng manh dính với trần nhà. Van Gogh thấy con vật
điên khùng kia đang làm trò xiếc cười cợt sự ngu xuẩn của chàng, nó còn điểm
để bấu víu trong không gian, đong đưa quen thuộc giữa thăng bằng và sự sống;
còn Van Gogh, chàng té ngã giữa niềm tin và sự trống rỗng khủng khiếp. Van
Gogh bật ngồi dậy, thổi phù vào con vật gớm ghiếc đang chứng tỏ khả năng lố bịch
kia, con nhện bay một đường cong rồi vụt trở lại, sợi dây mỏng của nó đứt rồi,
loài sâu bọ kia rơi xuống nền nhà, chạy biến vào gầm giường và lần đầu tiên
nó hiểu thế nào là thế giới xa lạ, tối tăm của loài chuột, gián dưới nền gạch
đầy bụi bặm và mùi ẩm ướt thoang thoảng xà bông, rượu và quần áo cũ.
Ngày hôm sau quá tuyệt vọng, Van Gogh van xin một người phu
mỏ cho chàng biết lối sống thật của anh ta. Anh ta mỉa mai:
- Lối sống của chúng tôi ư? Hừ, dưới kia không có ánh sáng
mặt trời và cung cách nhàn tản của giới quý tộc. Chúng tôi làm việc như loài
trâu ngựa.
- Tôi xuống hầm mỏ được không?
Hai người chui xuống hầm mỏ hẹp, vòng vèo khá lâu, sau đó cả
hai đến trung tâm khu mỏ, quang cảnh nơi đây tràn ngập bóng đêm địa ngục và
Van Gogh chợt hiểu tại sao họ gạt ngoài tai lời giảng của chàng.
Van Gogh thấy từng đám người lem luốc tranh nhau từng
cục than trong đất, những đứa trẻ im lặng chạy như những bóng ma rách rưới,
chui rúc như bầy chuột. Tuổi thơ của chúng bắt đầu từ hầm mỏ và trò chơi duy
nhất của chúng là cướp trên tay nhau những cục than xù xì, những thứ đem đổi
được bánh mì loại mạt hạng, khô cứng và mốc meo.
Van Gogh chảy nước mắt, chàng thương hại cho kiếp sống cùng
cực của họ, lòng thương cảm chợt phát ra tín hiệu mới lạ, chàng hiểu rằng muốn
đem ánh sáng bác ái và đức tin của Chúa đến giúp họ, chỉ còn cách là phải hoà
đồng với cuộc sống của họ. Chàng trút tất cả đồng lương mục sư ít ỏi của mình
cho họ, phân phát hết quần áo cho những kẻ rách rưới và khiêng chiếc giường
ngủ của mình tặng cho những người đàn bà bệnh hoạn. Cả số tiền dùng để khuếch
trương họ đạo, Van Gogh cũng tặng hết cho người nghèo. Từ đó, thế vào bộ áo
nhà tu, Van Gogh khoác lên bộ đồ của con người hầm mỏ.
Ngày nọ, hàng trăm tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ hầm
than. Van Gogh đang ăn trưa, chàng tức tốc chạy lại và thấy cửa lò than bị lấp
đầy, vùi chôn hàng đống thây người dưới đó. Chàng cùng với những thợ mỏ còn sống
kéo những thân người trần truồng cháy nám đen từ trong hầm ra, an ủi gia đình
kẻ xấu số. Mải đến tối mịt Van Gogh mới ngưng làm việc, buông mình mệt lả
trên đống rơm thay cho giường. Tử thần cướp đi những người chất phác, hiền
lành mà Van Gogh vừa hiểu được đó là những con người cần thiết nhất cho lời
giảng so với đồng loại.
Thiếp lả trong giấc ngủ mệt nhọc, Van Gogh vẫn còn nghe tiếng
kêu bi thảm, âm thanh văng vẳng từ địa ngục kêu gào sự sống, mắt chàng chứng
kiến hàng chục sọ người trắng hếu, những cánh tay cháy đen, trụi như những
thanh củi quơ quào trong không khí và nét đau khổ tột cùng của những người
còn sống.
Một đêm khủng khiếp trôi qua, giấc mơ của Van Gogh không có
Chúa chịu cực hình trên thập tự giá, không có nhà giảng đạo hay tiếng chuông
giáo đường ngân nga mỗi sáng, chỉ có màu đen của cái chết cháy rụi, màu
trắng của sọ người, nhầy nhụa óc và máu…
Một ngày kia, hai thanh tra của Hội truyền giáo đến thăm
chàng. Họ vô cùng bất mãn khi gặp một người tóc tai rũ rượi, quần áo rách
bươm, sống như một con vật với những mẩu bánh vụn trong một căn phòng không
khác gì chuồng thú. Họ gằn giọng hỏi chàng đã làm những gì số tiền mà họ gởi
đến. Van Gogh cố giải thích cho họ về nỗi khổ cực, bần cùng của đám phu mỏ.
Và chàng đã dùng tiền để thoa bớt nỗi khổ tinh thần của lũ người dưới địa ngục
kia. Hai vị thanh tra sống no đầy đủ đó, hai con người phục sức sang trọng
phớt lờ mọi lời biện minh của Van Gogh. Họ cảnh cáo:
- Đức tính thứ nhất của một mục sư là phải làm cho người ta
nể trọng. Hình như ông đã quên điều đó, bộ tịch của kẻ ăn mày như ông khó có
thể hướng họ đến với nước Chúa được.
Van Gogh đứng phắt dậy, gương mặt dính đầy vệt than đá của
chàng bừng nóng, con mắt dưới vầng trán đẫm mồ hôi và cái đầu óc rối bù bắn
ra tia nhìn của loài thú dữ. Van Gogh lồng lộng quát tháo, hét vào mặt hai sứ
giả có gò má trắng bệch, nưng nức thịt kia:
- Cút khỏi nơi đây! Chúng mày là phường giả dối, đội
lốt tu nhưng lòng không có chút tình người. Tao không chấp nhận kiểu Thiên
Chúa ăn no đầy đủ và y phục tươm tất của chúng mày.
Chung quanh biết bao người đói rét, bệnh tật, chúng mày có
nhìn thấy không? Xéo ngay, cút cho khuất mắt tao!
Hai viên thanh tra sợ hãi lùi ra cửa, họ kinh hoàng trước
thái độ và ngôn ngữ của Van Gogh, địa ngục đã che mờ Chúa Trời trong tâm hồn
chàng rồi. Họ đã gởi phúc trình về giáo hội cấm Van Gogh không cho hành
nghề mục sư nữa.
Chỉ có một người duy nhất thông cảm Van Gogh vào lúc này,
đó là Théo, em chàng. Théo rất đau lòng về kiếp sống đọa đày của anh nhưng
chàng không bao giờ trách móc anh mình, chàng hiểu và cảm phục Van Gogh ngay
từ lúc còn nhỏ. Théo biết anh mình đang đi tìm cái gì giữa cuộc đời trăm dòng
trong đục này. Sự bần cùng của Van Gogh không chỉ là bề ngoài, nó biểu hiện
cho sự khánh tận niềm tin cả trong tâm hồn Van Gogh nữa.
Théo đến tìm anh ở Borinage. Chàng bước vào căn phòng của
Van Gogh, bắt gặp ông anh mình đang quỳ dưới tượng chúa, khuôn mặt như kẻ đưa
ma. Nghe tiếng động Van Gogh chậm rãi quay lại, không một nét vui nào khi gặp
Théo, câu đầu tiên buông khỏi cửa miệng là một sự chán nản tột độ:
- Sự tuyệt vọng của nhân loại như một cái giếng không đáy,
Théo ạ! Anh không bao giờ tìm được dưới đó những gì anh muốn.
Théo ngồi im lặng, lắng nghe. Van Gogh đi tới lui trong
phòng, giọng khích động theo từng cử chỉ quơ tay run rẩy. Chàng trút tất cả nỗi
lòng mình cho đứa em thân yêu từ xa mới đến. Hồi lâu Théo mới đứng dậy:
- Ngày mai, anh về Hà Lan với em. Ba má sẽ giúp đỡ anh
trong lúc ngặt nghèo này. Gia đình là chỗ dựa cho tâm hồn anh. Không có nơi
nào đủ hơi ấm dung dưỡng tinh thần của người con xa nhà, về với em, anh
Vincent, em van anh.
Tình cờ Théo thấy vài bức tranh nguệch ngoạc, những nét
phác thảo của Van Gogh trong góc phòng bẩn thỉu. Chàng ngạc nhiên thấy dáng dấp
đám phu mỏ đang làm việc trong tranh thật sinh động, những người đàn bà trên
bãi than; đám trẻ ngoài đường phố toát lên không khí sinh hoạt của một vùng
hoang dã nghèo nàn. Những hình ảnh đập vào mắt khiến chàng co thắt trái tim,
cảm xúc lạ thường, và trong đầu Théo loé lên một tia sáng: biết đâu anh Van
Gogh có thể thành công trên con đường hội họa? Đằng sau những vệt ngoằn ngoèo
kia chứa đựng một cái gì lạ lắm, tình yêu và sự sống âm thầm nhen nhúm trong
những con người lao động lam lũ kia ánh lên một tia chớp của sấm sét, báo hiệu
một cơn bão của tư duy nghệ thuật lạ lùng.
Théo đưa Van Gogh về nhà cha mẹ ở Hà Lan rồi tức tốc đến Paris,
nơi đây chàng có một chỗ trưng bày và bán tranh. Théo mua ngay lập tức những
vật dụng vẽ tranh cần thiết, gởi về liền cho Van Gogh.
Từ dạo ấy, Van Gogh tìm được lẽ sống mới. Chàng xách giá vẽ
đi khắp các miền đồng bằng Hà Lan. Nếu trước đây Van Gogh tuyên bố với Théo rằng: "Chúa là một nghệ sĩ lỗi lạc nhất" thì lúc này chàng cảm thấy cần
phải thông báo với Théo một điều: "Anh yêu hội họa tha thiết và anh
nguyện sống chết với nó".
Van Gogh lang thang trên bờ sông, dừng lại ngắm một người
nông dân làm việc, hoặc ngắm một người thợ sửa xe trên đường. Chàng vẽ không
ngừng tay, nhưng bị hành hạ bởi một cơn sốt không cưỡng nổi hoặc cái gì đó
bên trong thôi thúc, khiến chàng phải chọn giữa hai cách giải quyết: chết hoặc
vẽ.
Đầu đội nón rơm rộng vành, mình mặc áo da cừu, giá vẽ trên
tay, Van Gogh lăng xăng chạy khắp đồng ruộng, điên cuồng với cảm hứng sáng tạo.
Nếu ức chế nó chắc chàng ngã lăn ra tắt thở vì trái tim không thể chịu đựng
được cơn co giật bất thường. Thấy một cảnh nào gây ấn tượng, dù trời mưa hay
nắng, Van Gogh cũng dừng lại vẽ cho bằng đựơc. Thiên hạ hiếu kỳ nhìn Van Gogh
lúc chàng lên cơn thần hứng, quên hết thực tại, chỉ còn màu sắc, đường nét và
hơi thở tràn đầy sức sống toát ra từ khung vải. Người đời không cảm nhận được
chàng là một họa sĩ. Dáng dấp đó không có vẻ thanh thoát, bay bổng của một
nghệ sĩ đang đắm mình trong nghệ thuật mà là vẻ man dã của một con hổ đang
say sưa xé xác con mồi dưới nanh vuốt nhọn hoắc của mình.Thực ra, Van
Gogh đang chìm đắm, chơi vơi trong khoái lạc sáng tạo, một cảm giác hạnh phúc
khiến chàng say sưa hơn cả lúc giảng kinh trước đám phu mỏ.
Đối với Van Gogh ý nghĩa của cuộc sống lúc này là sáng tạo,
mà sáng tạo thì không có biên giới và tự thân nó đã có ý nghĩa rất lớn lao. Đại
văn hào Pháp Romain Rolland rất có lý khi cho rằng :"Chỉ có một
loại hạnh phúc thôi: đó là sáng tạo. Chỉ người nào sáng tạo người đó mới sống.
Số còn lại chỉ là cái bóng chập chờn trên mặt đất, xa lạ với cuộc sống, Tất cả
moị niềm vui sáng tạo: Tình yêu, thiên tài, hành động, những loại sức mạnh nảy
sinh trong ngọn lửa của một khối lửa chung". Và Van Gogh đang như một ngọn
đuốc sống, hừng hực cháy với ánh sáng mà cả trăm năm sau người đời mới hiểu
được đó là ánh hào quang nghệ thuật của một con người vĩ đại.
Một ngày kia, khi trở về nhà, ngồi vào bàn ăn, chàng gặp
Kay, cô em họ vừa đến với cậu con trai nhỏ. Ánh mắt của người góa phụ cố che
giấu sự buồn bã vì chồng chết trong một tai nạn bất ngờ. Mái tóc đen óng mượt
và cái nhìn sâu thẳm của người đàn bà gợn một chút sóng lòng trong tâm hồn
Van Gogh và chàng ngẫm nghĩ, phải chăng trước mắt chàng là một người trong
tranh? Chàng lơ đãng nói về chồng của Kay. Vẻ hồn nhiên đến độ tàn nhẫn của
chàng khi nhắc về người đã khuất hơn một năm nay khiến Kay phát khóc.
Cha Van Gogh bất mãn, trách chàng bất nhã và độc ác, ông
nói như giảng kinh giáo đường:
- Thỉnh thoảng con nên đến giáo đường hơn là cứ đi
hoang suốt ngày ngoài đồng.
Van Gogh ngẩng đầu nhìn cha mình:
- Con không thích thờ phượng Chúa Trời của những kẻ giả
vờ đội lốt nhà tu, trong khi lòng họ trống rỗng. Đối với con, Chúa Trời ở khắp
nơi và người ta có thể thờ phụng ngài trong khi vẽ cũng như khi đến giáo đường
nghe giảng kinh.
Cả gia đình hốt hoảng trước những lý lẽ phạm thượng của
Van Gogh. Ông mục sư đứng dậy, kéo những đứa trẻ đi nơi khác để chúng khỏi
nghe những lời của kẻ ăn nói bằng giọng của quỷ Sa Tăng, dù đó là con quỷ do
vợ ông rút ruột đẻ ra.
Van Gogh vẫn ngồi bất động, chàng cứ tiếp tục nói, không cần
ai nghe. Mọi người bỏ đi hết, chỉ còn Kay ngồi lại. Nàng lắng nghe nhưng tâm
hồn mơ tưởng đâu đâu, hình ảnh người chồng quá cố lảng vảng trong tâm trí
nàng. Những lời nói của Van Gogh vang động trong căn phòng tịnh mịch, trôi tuột
vào hư vô. Người đàn bà trước mặt chỉ là cái bóng ma dật dờ tiếp nhận sự cuồng
điên một cách hững hờ, lạnh nhạt.
Mấy ngày sau, Van Gogh cố tránh mặt cha mẹ nhưng mỗi lần gặp
Kay, ánh mắt chàng lại sáng lên tia nhìn trìu mến. Chàng hiểu rằng
người đàn bà kia đang lớn dần, đậm đặc màu sắc luyến ái, định hình trong trái
tim chàng. Nàng đã đem lại cho chàng những tình cảm dạt dào, tự nhiên như khí
trời mát dịu của sáng tinh mơ. Van Gogh xoắn xuýt bên nàng như đứa trẻ và đem
khoe nàng những bức tranh chàng vẽ xong.
Mặc dù không am tường hội họa nhưng Kay vẫn thích bình phẩm
theo cách cảm thụ của một người góa phụ sống trong xã hội trung lưu, có điều
kiện làm quen với nghệ thuật. Và Van Gogh như một con chiên ngoan đạo, uống từng
lời của nàng. Nhưng tâm tưởng của Kay luôn hướng về quá khứ, nơi mà nàng đã từng
sống với người chồng bạc mệnh. Nàng không thể hiểu rằng chàng họa
sĩ đang nuôi một giấc mộng tình quá lớn, thuần khiết và hoàn hảo như kết tinh
từ chất liệu của viên kim cương.
Một ngày hè trên cánh đồng tràn ngập ánh nắng, Van Gogh tay
cầm cọ sơn, run rẩy trước cánh đồng lúa vàng rực xa xa với những người nông
dân đang lom khom nhổ cỏ. Chàng xúc động trước thiên nhiên và con người,
nhưng hôm nay chàng không thể phân thân trong nỗi đam mê sáng tạo. Kay đứng kế
bên ngắm bức tranh đang lộ dần những đường nét chính sinh động. Nàng không hiểu
rằng Van Gogh cố gắng kềm chế cơn bão lòng. Bất chợt, Van Gogh quăng cọ sơn
xuống lề đường, chàng quay sang Kay, ôm chầm lấy nàng. Kay giãy giụa xô mạnh
chàng ra. Nàng chỉ thấy ánh mắt yêu thương và giọng lắp bắp van xin của chàng
là cử chỉ và hành động của một kẻ động kinh điên loạn. Kay kinh hoàng chạy lại
ôm con mình. Tưởng mẹ bị ăn hiếp đứa bé khóc thét lên.
Giống như thói suy nghĩ của giới trung lưu, Kay làm
sao có thể hiểu được những cảm xúc thiêng liêng đang dâng trào trong tâm hồn
Van Gogh. Tâm hồn nàng nhỏ nhen quá. Dưới ánh mắt bình thường, nếu không nói
là tầm thường, của xã hội dầy đặc những định kiến thiếu tình người, Van Gogh
trở thành một tên dâm đãng, vũ phu và ngờ nghệch. Vẻ dại khờ của một trái tim
mơ mộng yêu thương khiến những người thủ cựu hoảng sợ và lo ngại cho danh giá
của mình, cho hạnh phúc tương lai mình. Kay bỏ chạy về nhà Van Gogh, bỏ mặc
chàng đứng như trời trồng trong tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Sáng hôm sau, Kay bồng con về nhà cha mẹ mình. Van Gogh lẽo
đẽo theo sau và chàng phải đụng hàng rào danh giá của gia đình Kay. Cha mẹ
nàng nhìn chàng bằng cặp mắt khinh miệt. Đối với họ Van Gogh là một tên vô lại,
một kẻ giang hồ bệnh hoạn, một loại nửa người nửa ngợm đã làm nhơ bẩn cái kỷ
niệm khả kính đối với người chồng đã mất trong tâm hồn con gái mình. Họ càng
kinh tởm khi thấy Van Gogh chứng tỏ tình yêu bằng một hành động điên rồ. Van
Gogh úp lòng bàn tay lên ngọn lửa của cây nến đặt giữa nhà, gương mặt bình thản,
thanh khiết như một thiền sư đã mặc khải chân lý, không còn nỗi đau về thể
xác.
Hành động kỳ hoặc của Van Gogh thăng hoa thành mặt trời tỏa
sáng trong tranh, nhưng lúc này, mùi thịt người cháy khét làm cả nhà rúng động.
Kay ngất xỉu trên tay mẹ nàng, cha Kay tỏ ra giận dữ hơn là thương xót, cảm
thông chàng.
Để chấm dứt hành động man dại đó, cha nàng nói với Van Gogh
rằng Kay ghê tởm chàng. Van Gogh không nói một lời, chàng lần lượt nhìn từng
người, ánh mắt tuyệt vọng khi thấy Kay kinh hoàng, co rúm thân người trước
cái nhìn của chàng. Van Gogh bỏ đi.
Chàng lấy chiếc khăn quấn chung quanh bàn tay cháy sém, thất
thểu lang thang giữa trưa hè nắng gắt, bóng chàng cô đơn trên mặt đường, và đằng
kia, một quán rượu đang chờ chàng. Ma đưa lối quỷ dẫn đường, xô dạt Van Gogh
vào một cái quán vắng tanh. Chàng ngồi xuống ghế, lưng dựa vào vách, trước mặt
chàng là một người đàn bà đang úp sấp trên mặt bàn, thỉnh thoảng thân hình giật
nảy theo từng cơn ụa như muốn nôn thốc mọi thứ trong bụng ra.
Trước mặt người thiếu phụ say mèm kia, lăn lóc những vỏ
chai và ly không còn một giọt rượu. Van Gogh bỗng thèm khát một tình bạn, một
sự đồng điệu giữa những kẻ không thăng bằng. Chàng lê bước đến bàn của người
thiếu phụ, đặt ly rượu của mình trước khuôn mặt vô hồn, đầu tóc rối bù của một
hình hài như con ma đói. Câu chuyện mở đầu của kẻ xa lạ ngắn ngủn, trơ trẽn
và khinh bạc:
- Trông em có vẻ khổ sở quá, sao thế em?
- Cuộc đời…
- Cuộc đời thế nào…?
- Chó má. Nếu cần cho anh biết thêm. Tôi phải lao đầu xuống
vũng bùn để nuôi một đứa con hoang. Làm đĩ, nói văn chương hơn là làm nai
móng đỏ, hoa gốc cây, làm bò lạc… ha ha… đời đểu giả, bọn đàn ông khốn nạn…
ha ha…
Người đàn bà ngửa mặt cười vang, nước mắt chảy xuống khuôn
mặt phấn son lem luốc. Van Gogh nốc cạn ly rượu, chàng muốn cười như người
đàn bà kia, nhưng mọi cảm giác chợt lắng xuống trước nỗi khổ của con người.
Van Gogh cảm thương số phận bụi bờ của người thiếu phụ và tự thương hại mình.
Định mệnh cay nghiệt đã quất lên tâm hồn của mỗi kiếp đời những vết hằn độc
ác khác nhau, nhưng tất cả đều là sự bất hạnh.
Đồng cảnh thì tương lân, người thiếu phụ thấy bàn tay Van
Gogh bị thương nên dìu chàng về nhà để băng bó. Chẳng mấy chốc, Van Gogh cảm
thấy khó có thể rời Christine. Hai người sống với nhau và tiền trong túi Van
Gogh bốc hơi nhanh chóng. Nghĩa tình vẫn tràn đầy, nhưng sự sinh tồn bắt buộc
Van Gogh phải đi kiếm việc làm. Chàng đến thăm Mauve, một người anh bà con.
Mauve là một họa sĩ nổi tiếng, sống dư dật bằng cọ sơn với những hợp đồng khổng
lồ. Tranh của Mauve bán đắt như tôm tươi và giá cả của nó chỉ có giới thượng
lưu mới đủ khả năng sờ mó tới.
Mauve vẽ tranh giống y như thật, cánh đồng trong tranh sống
động như một bức hình chụp rõ ràng. Mauve tiếp người em họ với vẻ mãn nguyện
của kẻ thành đạt bằng tài năng của mình. Khi Van Gogh đưa tranh của mình cho
Mauve xem. Mauve chờ đợi với tâm lý sẽ thấy nét vẽ ngây ngô của một kẻ nhà
quê. Nhưng dưới lớp than nguệch ngoạc kia, Mauve lại nhận ra dấu hiệu của một
thiên tài. Ông không thích lập dị, nhưng hiểu rằng đứa em họ quái đản của ông
sẽ tạo ra những tác phẩm để đời. Mauve cho Van Gogh vài hộp màu và ít tiền.
Mauve khích lệ chàng nên tiếp tục vẽ tranh và nghiên cứu cách thể hiện tinh tế
hơn, nhưng phải tìm con đường sáng tạo riêng, không trùng lập với những
khuynh hướng nghệ thuật tạo hình trước đấy.
Van Gogh cảm động, từ giã ông anh họ rồi trở về. Chàng bắt
Christine và đứa con của nàng ngồi làm mẫu cả ngày. Chàng vẽ như một kẻ điên
chạy khắp cánh đồng. Chàng ôm giá vẽ ra đường phố, chạy vào quán rượu. Bất cứ
hình ảnh gì tạo được xúc động, Van Gogh đều muốn ghi cả lên tranh, muốn phơi
bày đời sống con người, thiên nhiên lên mặt vải bằng những mảng màu chắc khỏe,
diệu kỳ mà ma quái.
Hình ảnh một người nông dân ăn khoai xuất hiện trên khung vẽ
phải như thế nào? Van Gogh muốn vẽ bàn tay người đó, chính bàn tay chai
sạn kia đã làm ra củ khoai và giờ đây đang hưởng giây phút hoan lạc do chính
sức lao động của mình. Vì ở đó, chính là đời sống.
Ở mãi một chỗ cũng sinh nhàm, thỉnh thoảng mối tình đầu tuyệt
vọng hiện lên khiến Van Gogh vô cùng bứt rứt. Chàng muốn đi xa để tìm cảm hứng
sáng tạo và quên lãng quá khứ yêu đương. Van Gogh đến Paris và Toulouse,
cuối cùng chàng dừng chân ở Arles. Và vùng đất này khiến Van Gogh phải
thốt lên: "Ôi mặt trời tươi đẹp, mày làm tao đau đầu, và tao không ngờ
người ta trở nên điên vì mày!". Mặt trời vàng óng, lung linh trên
đầu cây ngọn cỏ là cảm hứng thể hiện trên nhiều bức tranh của Van Gogh.
Thỉnh thoảng ông anh họ Mauve gửi cho chàng ít tiền và Théo
cũng không quên Van Gogh, hàng tháng chàng nhận được tiền cấp dưỡng của Théo.
Phần lớn số tiền Van Gogh dùng để mua vải và màu nên cuộc sống của chàng và
Christine luôn bị cái đói đe dọa. Những trận cãi vã diễn ra hàng bữa vì đồng
tiền cứ thiếu trước hụt sau. Nhưng Van Gogh chẳng màng đến, mỗi lần chàng cầm
cọ sơn là chàng quên hết những lụy phiền, đời đã có một ý nghĩa khác và lớn
hơn nhiều rồi.
Cuộc sống cứ thế trôi đi. Nhưng Christine và Van Gogh lại
va chạm nhau dữ dội vì sự túng quẫn. Sau một trận cãi vã kịch liệt với
Christine, Van Gogh nhận được điện tín báo tin cha chàng đang bệnh nặng, Van
Gogh quyết định trở về nhà. Christine bồng con tiễn chàng ra nhà ga. Hai người
im lặng đi bên nhau, lòng buồn rười rượi. Chàng bịn rịn chia tay, bồng đứa bé
hôn như không muốn rời. Christine nhìn chàng, nói trong niềm u uất:
- Trở về rồi anh sẽ không còn gặp em đâu.
Van Gogh chợt nghe lòng mình lắng xuống. Chàng nhìn nàng
không oán ghét, thù hằn và nàng cũng thế. Trái tim người đàn bà chai sạn hơi
hám đàn ông vẩn rất cần một chút gì đó, một sự le lói của ánh đèn trong đêm
thâm u, lạnh lẽo.
Nàng yêu Van Gogh, một thứ luyến ái thuần túy tinh thần.
Nàng hiểu chàng, hiểu cuộc đời dâu bể với những thăng trầm của nụ cười và nước
mắt.
Van Gogh về đến nhà, đội lên đầu vành khăn tang tiễn người
cha khả kính đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Một thời gian sau, Van Gogh lại xách giá vẽ đi rong ngoài đồng.
Những cuộc mộng du man dã đến chân trời nghệ thuật của Van Gogh
không một con chiên ngoan đạo nào có thể tìm thấy ở nhà thờ. Nhưng tiếng sét
mỉa mai, tàn nhẫn của dư luận lại ập đến với chàng. Người ta tránh Van Gogh
như tránh một con quỷ. Cả gia đình cũng bị vạ lây. Cô vợ sắp cưới của Théo
không dám giao thiệp với gia đình Van Gogh nữa. Théo đau khổ cùng cực, nhưng
chàng hiểu người anh đáng kính của mình, con người "bất bình thường"
đó nào có hại ai. Tại sao người ta quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh
khi nó không phương hại đến quyền lợi vật chất hay tinh thần của họ? Một con
người trong cộng đồng xã hội như Van Gogh đã đắm say với nghệ thuật là một
cách sống tội lỗi hay sao? Théo vẫn một lòng tận tụy với anh mình. Nhưng Van
Gogh buồn bã ra đi. Lần này chàng quyết định dấn thân suốt đời trong hội họa,
Van Gogh tìm đến các bậc danh họa nổi tiếng như Picasso, Monet, Gauguin... Tất
cả trình bày cho chàng những lý thuyết riêng trong cách tạo hình của họ. Những
nghệ sĩ của trường phái "ấn tượng" này gây cho Van Gogh quá nhiều
hoang mang. Chàng tự hỏi rằng như thế, họ có quên ghi và quên nhìn cuộc
sống trước mắt họ không?
Suốt mấy đêm sau đó, Van Gogh thức trắng bên giá vẽ, cố thể
hiện những gì chàng nghe các họa sĩ kia nói. Đôi khi trong giấc ngủ chập chờn
nửa đêm, Van Gogh tốc mền ngồi dậy bởi một tiếng réo gọi trong tiềm thức.
Chàng vẽ và suy nghĩ miên man. Van Gogh gửi thư cho Théo và Théo trả lời rằng:
"Trong hội họa, anh bắt chước người khác như thế là lầm,
nếu anh muốn tìm được nét độc đáo trong tranh. Cứ nhìn rồi vẽ, đừng lo gì đến
ý kiến của người khác".
Thế là Van Gogh tìm một con đường sáng tạo cho riêng mình.
Tranh của chàng được triển lãm trong phòng tranh của Théo, những hình thể màu
sắc mà sau này người ta gọi là trường phái "dã thú" (Fauvisme) đã
gây nên những trận cười chế nhạo của giới tài tử thời bấy giờ. Họ cho rằng
tranh của Van Gogh là sự nhục mạ cho giới hội họa. Tuy nhiên, vẫn có người
can đảm dám trưng bày các bức tranh quái lạ, mới mẻ và dễ gây mầm phản đối của
Van Gogh. Đó là ông Tanguy, một người mà Van Gogh hy vọng nhiều nhất.
Chàng mang một bức tranh đến thăm ông Tanguy.
Khi chàng đến, một nhóm họa sĩ đang tranh luận sôi nổi về ý
nghĩa đích thực của hội họa. Van Gogh đưa bức tranh của mình cho đám họa sĩ
xem. Lại những lời phê bình khiến Van Gogh phải chạnh lòng. Ông Tanguy an ủi
chàng, còn họa sĩ Gaugin thì gật gù, chỉ có Gaugin cho là đẹp và khen chàng
đã dũng cảm đi con đường riêng, không chạy theo những thuyết lý mới của đám họa
sĩ muốn lên mặt dạy đời kia. Thế là một tình bạn nảy sinh bất ngờ!.
Van Gogh trở lại vùng Arles, mướn một căn phòng trọ
giá 8 quan. Chàng gởi thơ xin Théo mua cho chàng "màu xanh tươi, màu
xanh của xứ Prusse, tất cả màu vàng, từ màu da cam đến màu vàng vỏ chanh, màu
son và màu trắng kẽm". Chàng nhận được 50 quan mỗi tuần do Théo gởi.
Nhưng con ma vật chất vẫn hành hạ chàng. Do tiền trợ cấp trút gần hết vào sơn
và vải nên Van Gogh phải nhịn ăn ba ngày trong một tuần. Nhiều lần trong lúc
vẽ, Van Gogh xây xẩm mặt mày, té xỉu vì đói. Nhưng con người kiên trì với nghệ
thuật vẫn tiếp tục cuộc hành trình về đất Thánh. Chàng đi khắp miền Crau,
Saintes Maries de la Mer. Dưới bầu trời miền Bắc, mỗi ngày chàng ra đồng ghi
lại trên tranh ánh sáng nhiệm màu của vầng thái dương. Chàng linh cảm rằng
nơi đây có nhiều ánh nắng chói sáng nhất trên hành tinh này. Cả một sự bùng nổ
ánh nắng chói lòa trong tranh. Nắng trên ngọn cỏ, trên lá, trên hoa, trên nền
đường đá, trên mái ngói đỏ rực, Chàng vẽ mặt trời. Và chính mặt trời
cũng say vì ánh sáng của nó.
Những người nông dân ở Arles thường thấy Van Gogh
vẽ khi màn đêm buông xuống trên bờ sông Rhône. Trên nón Van Gogh thắp đầy đèn
cầy để lấy ánh sáng, chàng chống lại cơn đói, chóng lại cơn buồn ngủ đang kéo
mí mắt chàng xuống và chịu đựng luôn cả sự mệt mỏi do suốt nhiều giờ đứng làm
việc liên tục.
Van Gogh làm việc phát khiếp, nhưng tranh chàng bán chẳng
ai mua, cũng chẳng ai buồn để mắt đến. Một hôm, bà chủ nhà trọ đến đòi tiền nợ,
chàng không còn một cắc dính túi, thế là phải khăn gói ra đi, sống lang thang
ở vỉa hè nhà người. Thời may, lúc Théo gởi tiền đến, Van Gogh gặp một anh
phát thư tốt bụng giới thiệu một căn nhà rộng cho chàng mướn, giá 15 quan mỗi
tháng. Căn nhà mới của Van Gogh chẳng mấy chốc đã trở nên bừa bãi, chàng trở
thành một sinh vật sống say ánh nắng hắt từ bên ngoài cửa sổ vào. Van Gogh
say sưa vẽ, khổ hạnh như một thiền sư, ép xác như một tên tù, hối hả và ray rứt
như sợ không có đủ thì giờ để hoàn thành những gì chàng dự định.
Sự cô độc vẫn ám ảnh Van Gogh song song với hội họa. Chàng
muốn có bạn bè đồng điệu nên mời những họa sĩ ấn tượng đến nhà chơi và gọi
căn nhà mình là "Nhà của các bạn". Nhưng chỉ có một người đáp lại
thiện chí của chàng là Gauguin.
Anh chàng vạm vỡ và rất to mồm đó hãnh diện và tự tin ở tài
mình, với ý nghĩ chế ngự, Gauguin đến nhà Van Gogh năm 1888. Van Gogh tiếp bạn
như tiếp một vị thánh sống, đưa bạn đi xem phòng tranh của mình. Gauguin cảm
thấy buồn cười khi đọc dòng chữ khắc tay của Van Gogh "Tôi là Đức Chúa
Thánh thần, tôi có tinh thần lành mạnh".
Tối đến, hai người sánh vai nhau bách bộ trên đường phố
Arles và chui vào một quán nhậu, Gauguin là một kẻ giang hồ lãng tử, đã từng
lê gót giày đi khắp xứ, không ngần ngại trước bất cứ việc gì, kể cả chuyện
choảng nhau. Van Gogh tỏ vẻ cảm phục nhìn dáng nghênh ngang, ngật ngưỡng của
Gauguin đi trên phố. Hai kẻ say đời say tình, chân nam đá chân xiêu trở về
nhà, đánh một giấc ngon lành, kỷ niệm vui cho ngày đầu kết bạn.
Sáng hôm sau hai người xách giá vẽ ra đồng. Van Gogh để ý
xem bạn mình sung sướng thế nào khi tiếp xúc với thiên nhiên. Nhưng Gauguin tỏ
vẻ thờ ơ lãnh đạm. Mặt trời, cỏ cây, con người lao động chả gây chút hứng thú
nào cho anh chàng này. Gauguin chỉ thích họa những giấc mơ và kỷ niệm của
mình. Khi nghe Van Gogh say mê nói về cảnh lao động, Gauguin bật cười :
- Nếu anh biết tôi đã làm những gì, nếu anh biết tôi đã từng
làm phu bến tàu, nếu anh đã làm việc nặng nhọc của kiếp ngựa kéo xe, anh sẽ
không quý trọng sự làm việc đến thế.
Van Gogh phản ứng ngay:
- Tôi không quý trọng cũng không gớm tởm công việc lao động
tay chân. Nhưng tôi muốn ghi lại sự sống qua hình ảnh đó. Còn những thứ trong
tranh của anh, tất cả đều trống rỗng, nhạt phèo.
Thế là sự cãi vã bùng lên quyết liệt. Nhưng hai người cố gắng
nhường nhịn nhau, chấp nhận tương đối cá tính và sự suy nghĩ của nhau.
Và một ngày kia, như một ung nhọt lâu ngày bể miệng phun mủ,
Gauguin không thể chịu đựng cuộc sống địa ngục như thế này nữa, Van gogh cảm
phục Daudet, Ziem, Raphael, Degas thì Gauguin lại nổi khùng.
Ngày nọ, hai người đang vẽ trên cánh đồng, bỗng một cơn gió
thổi ào đến, gió càng lúc càng dữ dằn hơn, cuốn phăng giá vẽ của Gauguin đi
khiến chàng chửi bới om sòm cái phần đất chết tiệt đó. Trong lúc ấy,Van Gogh
say sưa vẽ, ôm chặt giá vẽ chống lại cơn gió quái ác, chống lại tất cả.
Gauguin vùng vằng bỏ về. Van Gogh chỉ nơi để tiền mà Théo vừa gởi đến cho
chàng.
Đến chiều Van Gogh mới về nhà. Chàng thấy Gauguin đang soạn
quần áo xếp vào valise. Van Gogh van xin Gauguin đừng bỏ mình sống trong cô độc,
nhưng Gauguin nhất định không nghe. Bởi vì mấy ngày trước, mầm mống bất hoà
giữa hai người trong quán "Café de Nuit" đã quá sức chịu đựng rồi.
Van Gogh đem khoe với Gauguin bức tranh vẽ ba cây đèn như những mặt trời.
Gauguin chế nhạo đường nét và ý tưởng của Van Gogh. Thế là cơn điên trổi dậy,
Van Gogh liệng cái ly đang cầm vào mặt Gauguin.
Gauguin né đầu tránh và bỏ về nhà. Chiều nay, chàng dứt
khoát ra đi bỏ mặc cho Van Gogh hết lời dịu ngọt. Khi đóng nắp valise lại,
Gauguin nghe tiếng động, chàng ngoái đầu nhìn ra sau. Van Gogh mắt trừng trừng
ngầu đỏ, trên tay lăm lăm một con dao cạo sáng ngới. Hai người nhìn nhau, mắt
toé lửa. Gauguin nghĩ rằng Van Gogh đang đau buồn vô hạn, vì quá sợ cô đơn
nên chàng phản xạ một cách điên loạn như vậy, Lưỡi dao hạ xuống, những ngón
tay cầm dao lỏng ra, một tiếng cạch khô khan rớt trên nền nhà, Van Gogh úp mặt,
chạy vào phòng riêng....
Nhưng trong phòng Van Gogh vẫn tràn ngạp ánh nắng chói
chang, vàng rực như đổ lửa. Sức nóng trong căn phòng hầm hập làm quay cuồng đầu
óc Van Gogh. Tia nắng quái ác xuyên vào mặt, chạy vào trái tim chàng khiến
chàng quờ quạng. Cơn sốt đang hành hạ chàng, cơn điên làm chàng bốc lửa. Đầu
chàng như sắp nổ tung ra, ngón tay cấu lại như không thể ghi được trên tranh
cái ma lực ghê gớm của ánh nắng đang đè bẹp óc chàng. Mắt trừng to, tóc dựng
ngược, hình ảnh phản chiếu trong gương là hiện thân của một con vật quái đản.
Để chấm dứt ảo tưởng về cây thánh giá đã từng hành hạ chàng, để quên tiếng
gào của nắng, của lá cây ngoài vườn, của gió lùa vào căn phòng tịch mịch, Van
Gogh tự cắt tay trái của mình, một đường ngọt sớt và máu phun ra xối xả. Hành
động như một cái máy vô hồn vô cảm, Van Gogh lau khô vành tai, gói lại trong
một tờ báo rồi để lên bàn.
Sáng hôm sau người ta thấy chàng nằm chết giấc trên vũng
máu khô bám đầy ruồi. Chàng còn sống quả là một phép lạ. Cái tin chàng nổi
điên xén vành tai loan nhanh như một vệt dầu trên dòng sông dư luận ớ Arles.
Thấy họa sĩ điên xuất hiện, bọn đầu đường xó chợ cười nhạo ồm lên và lấy đá
liệng vào người chàng. Chưa bao giờ Van Gogh khổ sở, buồn đau như vậy. Chàng
trùm hai cánh tay lên đầu tránh trận mưa đá phủ phàng, chệch choạng bước về
nhà, ngã vật xuống chiếc giường và giờ đây, nỗi cô đơn khiến chàng run rẩy. Hồi
lâu, bật người ngồi dậy, Van Gogh cầm tờ giấy báo có gói vành tai của mình,
chàng lảo đảo ra đường tìm đến nhà một cô gái điếm quen, chàng nói
:
- Đây là kỷ niệm của tôi, em Gaby ạ!
Nắng. Nắng chói chang trên cành lá, xuyên qua mái nhà thờ,
phả từng luồng điện nghiệt ngã, đâm thẳng vào mặt Van Gogh, khiến chàng thét
lên, đầu óc quay cuồng và cơn điên chợt nổi lên. Van Gogh đập phá bất cứ cái
gì xuất hiện trước mặt. Người ta quay lại, vật ngã Van Gogh xuống lòng đường,
trói chàng lại rồi chở chàng vô nhà thương điên ở Arles.
Hay tin chàng điên, Gauguin bỏ đi, không hề quay lại và đó
là lần cuối cùng của ba tháng bạn bè mà Van Gogh cứ ngỡ là vĩnh cửu.
Suốt mấy tuần liền, Van Gogh nằm như một xát chết trong căn
phòng dành cho bệnh nhân điên nặng. Thế giới loài người xa xăm quá. Căn phòng
thâm u thỉnh thoảng vang lên tiếng xích sắt trói tay chân của những người
điên. Nắng. Con quỷ ánh sáng lại ám ảnh chàng. Van Gogh la hét điên cuồng, đầu
đập vào vách tường bất tỉnh.
Khi mở mắt ra Van Gogh cố gắng tìm cách tự chủ, ổn định
tinh thần trong sự yên tĩnh. Bên ngoài khung cửa sổ nhà thương điên, những
cành olive, những đám cây mồng gà rập rờn theo gió, những thảm cỏ xanh mượt
tít chân trời đã xoa dịu thần kinh của Van Gogh.
Người ta trả tự do cho Van Gogh sau 15 ngày chàng nghiến
răng chịu đựng những cơn động kinh co giật. Nhưng tự do khiến chàng còn đau đớn
hơn lúc vật vã trong nhà thương điên. Khi Van Gogh về nhà, lũ con nít hàng
xóm leo lên các nhánh cây chung quanh nhà chàng, leo qua tường cất tiếng cười
chế giễu và ném đá vào người điên "Cắt vành tai".
Cả thành phố xua đuổi Van Gogh, 85 chữ ký đề nghị
chính quyền bắt giam chàng vì sợ rằng chàng sẽ gây những hậu quả tai hại khôn
lường cho họ. Van Gogh buồn chán quá. Thế giới loài người ơi! Đâu là trái
tim đỏ thắm tình người. Chàng trở lại nhà thương điên để trốn tránh những tia
nhìn ghê tởm.
Nơi đây, Van Gogh nói với vị bác sĩ khám bệnh cho mình rằng
"Tôi đã được học miễn phí trong một trường đại học bần cùng lớn nhất".
Mấy ngày sau, Van Gogh lẻn vào phòng riêng của vị bác sĩ này, định cắt cổ ông
ta nhưng ông ta may mắn thoát kịp. Khi bình tâm, để tỏ lòng hối hận. Van Gogh
tặng ông ta một bức tranh vẽ chân dung của mình. Nhưng số phận bức tranh cũng
đen đúa như cuộc đời chàng. Vị bác sĩ đem nó che một lỗ hổng trong chuồng gà
của ông ta.
Một bà phước tình cờ thấy chàng vẽ tranh. Nhìn cánh đồng cỏ
tràn ngập ánh nắng trong đó, bà phước hỏi chàng thì chàng trả lời với nụ cười
bí ẩn :
- Tranh này tượng trưng cho cái chết. Nhưng là cái chết thật
đẹp. Bà xem đây, tràn ngập ánh nắng vàng mơ...
Mấy ngày sau, người ta cho phép chàng ra ngoài vẽ tranh.
Vài cơn điên lại đốn ngã chàng. Sau đó người ta gởi Van Gogh đến bệnh viện của
bác sĩ Gachet ở Auvers.
Nơi đây Van Gogh sáng tạo những bức tranh trác tuyệt của đời
chàng. Van Gogh không trở về căn nhà màu vàng của mình nữa, nơi đã chứng kiến
sự nở hoa huyền bí trên bức tranh "Hoa hướng dương" nổi tiếng của
chàng.
Năm tháng trước đêm Giáng Sinh năm 1888, lúc người bạn Paul
Gauguin bỏ đi, Van Gogh đã đem tất cả sự cô đơn, tuyệt vọng của mình vào bức
tranh "Hoa diên vĩ" bất hủ. Chàng rời bệnh viện và nguyện giam mình
trong tu viện Saint- Paul De Mausol ở Saint- Rémy De Provence.
Van Gogh cho rằng bức "Hoa diên vĩ" là "chiếc
ống thu hồi của bệnh tình chàng". Bức tranh kỳ dịêu đến nỗi nhà doanh họa
Manet ngạc nhiên thốt lên: "Làm sao mà một con người vào lúc ấy lại có
thể yêu hoa và ánh sáng, lại có thể vẽ được tuyệt vời đến thế, loại người đó
có đau khổ đến thế vậy không? Bức tranh vừa co quắp vừa lóng lánh, trên đó
có một vệt trắng xuất hiện như một niềm hoài vọng về sự yên bình không bao giờ
đến, để phá ra một sức mạnh tương đương với nỗi tuyệt vọng mà Van Gogh khêu gợi".
Sau một lần chàng lên cơn điên loạn, người ta lại chở chàng
đến bệnh viện ở Auver-sur-Oie. Nơi đây, chàng tự lắng nghe lòng
mình. Chàng hiểu khi quá say mê, khi đặt cả tâm hồn vào bức họa, chàng
là một người điên tỉnh táo hơn cả những người có lý trí bình thường.
Ngày 20 tháng 7 năm 1890, vào lúc trưa nắng gắt, Van Gogh
đang vẽ trên cánh đồng. Nhưng chàng không ngờ cơn động kinh cuối cùng đã xô đẩy
định mệnh chàng đến bờ vực thẳm. Lần này tàn bạo và phũ phàng hơn. Trước mặt
Van Gogh là cánh đồng lúa vàng đã gặt xong, từng bó lúa cột chặt nằm lăn lóc
trên nền rơm rạ. Tranh của chàng rực rỡ màu vàng nắng và màu xanh thẳm dịu
dàng của bầu trời. Nhưng bỗng một đàn quạ đen bay đến, tông vào tranh, bấu
vào đầu Van Gogh như báo cho chàng biết đời chàng không có lối thoát. Đàn quạ
bay vọt lên cao. Chàng nhìn bức tranh màu be bét. Đàn quạ lại bổ xuống, chàng
đưa hai cánh tay quờ quạng xua đuổi chúng rồi ôm lấy đầu. Chợt Van Gogh nhúng
cả cây cọ vào màu đen, quệt từng bệt nhớp nhúa, ghê tởm vào bức tranh như một
đàn quạ vần vũ trên trời xanh lơ. Chàng vẽ liên hồi những vệt đen thẳm. Đàn
quạ bổ xuống đầu chàng, kêu thét rền rĩ những âm thanh chi chít quái dị.
Môi Van Gogh mím lại rướm máu. Ván bài quyết định đã đến hồi
kết thúc. Van Gogh đã hiểu mình đã thua cuộc đời.
Chàng lao về gốc cây, móc súng lục trong túi ra, chĩa thẳng
vào ngực, một tiếng nổ chát chúa khô khan vang lên, khiến đàn quạ bay tán loạn.
Nắng. Nắng chói chang chiếu xuống đôi mắt lờ đờ. Máu. Máu thấm ướt đỏ quần áo
Van Gogh, trào sôi trên khuôn ngực phập phồng. Bức tranh "Đàn quạ đen
trên đồng lúa vàng" đã hoàn thành trong cơn hấp hối của Van Gogh.
Khi Théo chạy đến thì Van Gogh đã ngất lịm. Hai ngày sau
chàng thở hắt lần cuối cùng trên tay đứa em thân yêu của mình, người đàn ông
độc nhất biết thương xót chàng.
Kay ơi! Christine ơi! Gaby ơi! Hỡi những người đàn bà một
thời say đắm yêu thương! Ai!? Ai!? Ai!? Người nào nhỏ những giọt nước
mắt xuống tâm hồn kẻ suốt đời cô đơn và tuyệt vọng cùng cực kia?
(*): Bài này trích từ YEUVIETNAM.COM, Bản của tác giả gửi.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét