Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Âm nhạc Hà Nội qua những chặng đường lịch sử


Âm nhạc Hà Nội 
qua những chặng đường lịch sử
Với tình yêu Hà Nội, vô hình trung các nhạc sĩ của chúng ta đã xây dựng nên một tượng đài Hà Nội bằng âm nhạc (ngôn ngữ của Nguyễn Thị Minh Châu) thật tráng lệ và chứa đựng trong đó đầy đủ tính vật chất và tinh thần phi vật chất trong vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của người Hà Nội.
Ca trù - một thể loại âm nhạc bác học được 
tư liệu chính sử ghi chép sớm nhất ở Hà Nội
Thăng Long xưa, Hà Nội nay được biết đến là một trung tâm hội tụ đa diện. Chỉ nhìn vào riêng lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, chúng ta đã có thể nhận thấy rất rõ điều này. Đó là một không gian luôn kết tinh, lan tỏa những tinh hoa văn hóa âm nhạc dân tộc, đồng thời ẩn chứa vẻ đẹp riêng, một đặc trưng riêng của truyền thống Hà Nội, với tư cách là một trung tâm bao gồm nhiều trung tâm kéo dài nhiều thế kỷ.
Theo những tư liệu chính sử thì ngay từ thời kỳ nước ta mới độc lập, các vua chúa phong kiến, cụ thể là thời Nhà Lý - Trần, khi đặt Thăng Long - Hà Nội là kinh đô mới, đã xác định rõ quan điểm xây dựng một nền âm nhạc truyền thống dân tộc thể hiện bản sắc riêng, trên cơ sở nguồn văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống, chống lại sự xâm lăng trong văn hóa ngoại lai, trực tiếp là văn hóa Trung Hoa. Họ cũng là những người yêu văn nghệ, ca hát. Theo nghiên cứu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì: “Ngay từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, vua quan không bài bác nghệ thuật ca múa, trái lại còn tham gia hát múa, có khi hát múa chung đụng với nhân dân […]. Vua Trần Nghệ Tông nói “Tiền triều ta lập nước đã có phép tắc riêng, chứ không theo kiểu nhà Tống. Nam Bắc đều tự chủ trong nước mình, không nên phóng chép của nhau… Bọn Thư sinh không hiểu ý tứ sâu xa của tổ, tông, cứ muốn bắt chước phong tục Tàu” [1]. Đây là phương hướng, là động lực tinh thần quan trọng để Thăng Long - Hà Nội xây dựng một truyền thống âm nhạc mang đậm bản sắc Việt Nam mà âm nhạc dân gian Hà Nội là một cơ sở quan trọng để thực hiện quan điểm đó.
Sang tới thời Nhà Lê, truyền thống chống ngoại lai tiếp tục được phát huy. Cuộc tranh cãi giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng, giữa một bên là tiếp thu tổ chức dàn nhạc cung đình Trung Hoa (Lương Đăng) với một bên là phát huy truyền thống âm nhạc Đại Việt (Nguyễn Trãi) trong xây dựng dàn nhạc cung đình triều Lê đã một lần nữa khẳng định một quan điểm, chính sách nhất quán của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc - ở đây, Thăng Long ngày ấy là cơ sở và trung tâm để “thí nghiệm” điều đó.
Ngoài âm nhạc sử dụng trong thiết triều, Ca trù cũng là một thể loại âm nhạc bác học được tư liệu chính sử ghi chép sớm nhất ở Hà Nội. Văn bia có tên “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” được soạn bởi Tiến sĩ Lê Đức Mao (1462 - 1529) ở đình làng Đông Ngạc, Từ Liêm được coi như “giấy khai sinh” đánh dấu sự có mặt của hai chữ “Ca trù” ở nước ta. Mặc dù được diễn xướng ở nhiều địa phương của Việt Nam, song Ca trù Hà Nội được coi như một đỉnh cao bởi tính chuyên nghiệp bác học khi nơi đây trở thành không gian hội tụ của người trình diễn và đối tượng thưởng thức nghệ thuật này.
Âm nhạc Thăng Long - Hà Nội còn được bồi đắp, kế thừa và phát triển bởi một nền âm nhạc dân gian truyền thống. Đó là các thể loại Ví, Đúm, Trống quân, Xa mạc, Bồng mạc; các thể loại âm nhạc gắn với nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng như nhạc Phật giáo, Tế lễ thành hoàng làng và nhạc tang lễ trong dân gian. Đây chính là những thể loại âm nhạc tạo nguồn cho âm nhạc cung đình, bác học, đồng thời làm nên tinh túy trong truyền thống âm nhạc Hà Nội.
Mùa Thu Hà Nội luôn là cảm hứng để 
nhiều tác giả sáng tác ca khúc về Hà Nội
Tiếp thu một bề dày lịch sử lâu dài, sự phong phú và độc đáo trong đặc trưng diễn xướng âm nhạc Hà Nội cùng với quá trình tiếp biến văn hóa âm nhạc phương Tây nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, âm nhạc Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ mà nền âm nhạc cách mạng và các dòng nhạc sau này gắn với tên tuổi các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và các nhạc sĩ sau đó như Phó Đức Phương, Trương Quý Hải v.v… là minh chứng sống động cho tinh thần này. Toàn bộ tinh hoa của người Hà Nội, từ đặc điểm điều kiện tự nhiên cho đến danh lam, thắng cảnh rồi nếp sống, nếp nghĩ của người Hà Nội được các nhạc sĩ đưa vào tác phẩm của mình. Đó là Người Hà Nội (1947) của Nguyễn Đình Thi, Bài Ca Hà Nội (1966) của Vũ Thanh, Nhớ mùa Thu Hà Nội (sau 1975) của Trịnh Công Sơn, Làng lúa làng hoa (1981) của Ngọc Khuê, Hà Nội mùa Thu (1981) của Vũ Thanh, Em ơi Hà Nội phố (1985) của Phú Quang, Một thoáng Tây Hồ (1984) của Phó Đức Phương, v.v…
Có thể khẳng định ngay rằng, những ca khúc viết về Hà Nội như những trang nhật ký bằng âm thanh về tất cả những gì hun đúc, thể hiện trong con người và không gian Hà Nội. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, biết bao niềm vui, nỗi buồn, cảm xúc nhớ nhung, nỗi đau mất mát của người Hà Nội trước vận mệnh của dân tộc được đan xen, hòa quyện trong từng ca khúc gắn với mỗi giai đoạn cụ thể của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến này. Nếu như Người Hà Nội là một bức tranh đa sắc, đa cảm xúc của người chiến sĩ, nghệ sĩ (Nguyễn Đình Thi) về một Hà Nội vừa lịch sử, tinh hoa “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nhưng vừa bi tráng, anh hùng - xen lẫn những đau thương của “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời… ầm ầm rung”, rồi cùng “đoàn quân Việt Nam đi, Hà Nội say mê chen đón Cha già” trong niềm tự hào của khí thế mà nhân dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946); thì trong Bài Ca Hà Nội (1966) của Vũ Thanh, một lần nữa bức tranh ấy lại được tái hiện nhưng với một khí thế mới, cách nhìn mới của một Hà Nội chiến thắng với khung cảnh thi vị của “đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân”, ở người “Thủ đô ta chiến thắng” nhiều lần trước đế quốc Mỹ trong những trận “Nam tiến” và những cuộc ném bom ở miền Bắc và Hà Nội. Trong tất cả những mất mát đau thương ấy, luôn ánh lên hình ảnh người lính Hà Nội vừa trung kiên, bất khuất nhưng vừa hào hoa, lãng mạn dù trước bom đạn hay trước vẻ đẹp thiên nhiên của Hà Nội. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong phần lớn những ca khúc Hà Nội nói riêng giai đoạn cả nước đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1930 - 1945; 1945 - 1975). Có thể nói, tất cả những gì thiêng liêng nhất về mảnh đất và con người Hà Nội đã được các nhạc sĩ vẽ lên một cách chân thực với nhiều cảm xúc, bút pháp, gam màu khác nhau.
Sau năm 1975, đại thắng Mùa Xuân kết thúc, hai miền Nam - Bắc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nguồn cảm hứng vô bờ của người nghệ sĩ, nhạc sĩ về đất nước và con người Việt Nam - trong đó có người Hà Nội anh hùng và hào hoa - liên tiếp được được đề cập. Và ở đây, tinh thần ngợi ca lao động, sản xuất, ghi chép lại những địa danh Hà Nội tinh hoa được các nhạc sĩ liên tục đề cập đến. Đó là Nhớ mùa Thu Hà Nội (sau 1975) của Trịnh Công Sơn, Làng lúa làng hoa (1981) của Ngọc Khuê, Hà Nội mùa Thu (1981) của Vũ Thanh, Một thoáng Tây Hồ (1984) của Phó Đức Phương, Em ơi Hà Nội phố (1985) của Phú Quang v.v... Nếu như trong chiến tranh, chất bi tráng và hào hoa của người lính là mô-tip chủ đạo trong phần lớn các sáng tác về đề tài Hà Nội thì sau dấu mốc này, vẻ đẹp Hà Nội ẩn dấu trong từng con đường, góc phố, trong từng con người Hà Nội thanh lịch - lại được thay thế để làm nổi bật bức tranh sống động về người Hà Nội. Những “phố Quang Trung, đường Nguyễn Du”, “những đêm hoa sữa thơm nồng”, “những tiếng leng keng tàu sớm khuya” (Nhớ mùa Thu Hà Nội) như khắc sâu thêm vào tâm trí những người đã và đang sống ở Hà Nội những hình ảnh thật thân thương, thi vị. Hà Nội không chỉ đẹp bởi những con phố, những âm thanh đặc trưng mà còn cả những sinh hoạt rất riêng của phố “làng” Hà Nội. Trong Làng lúa làng hoa, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã thật tài tình khi vẽ lên bức tranh với những “cánh đồng làng ven đê”. Thật tuyệt vời biết nhường nào khi nhạc sĩ cảm nhận đến mức tinh tế hình ảnh “sóng lấp lánh mặt hồ” để “cho hoa em ngào ngạt” giữa mùa Xuân Tràng An - Hồ Tây - Hà Nội. Những hình ảnh này ở mùa Thu lại được tô đẹp bằng một bút pháp khác bởi Phó Đức Phương khi những giọt sương Thu trên những cành lá, bên mặt hồ được cơn gió xua tan: “sương Thu tan trong gió”. Rồi hình ảnh “trăng ngân”, đẹp đến lạ lùng một khoảng trời Hà Nội: “bát ngát trăng ngân một khoảng trời”. Cần phải nói thêm rằng, ở “Một thoáng Tây Hồ”, Phó Đức Phương không chỉ lấy đặc trưng của Hà Nội qua một thoáng Tây Hồ bằng địa danh đặc trưng mà còn khai thác những gì tinh hoa nhất của Hà Nội qua những giai điệu độc đáo trong Ca trù. “Một thoáng Tây Hồ”, vì thế cho người ta thấy một Hà Nội vừa cao sang, bác học, vừa mê hoặc, ám ảnh bởi chất liệu của Ca trù được đưa vào để mô tả những con phố, hàng cây, ngôi đền của Hồ Tây v.v... Có thể nói, hình ảnh của Hà Nội sau năm 1975 được các nhạc sĩ vẽ lên với những gam màu tươi mới, nhiều đường nét đối lập với những khoảng thời gian trước đó. Đó cũng là quy luật tất yếu, cũng là quy luật của sự sáng tạo bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” và ngược lại. Bao nhiêu năm tháng Hà Nội và cả nước sống trong đau thương, mất mát, nay được sải cánh trong niềm hân hoan về một tương lai tươi sáng thì vẻ đẹp ấy được cộng hưởng và cố nhiên đẹp lên rất nhiều lần.
Những Đêm nhạc Hà Nội luôn thu hút khán giả
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đường hướng phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, chuyển từ kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hòa chung với không khí đó, hoàng loạt bài viết phản ánh không khí về Hà Nội với con người hăng say lao động và hội nhập, thiên nhiên tươi mới và thi vị được tô vẽ, tả thực với nhiều gam màu khác nhau. Nếu “Một thoáng Tây Hồ” là bức tranh nổi bật những đặc trưng về một Hồ Tây lịch sử và thơ mộng thì Truyền thuyết Hồ Gươm (những năm 90 của thế kỷ XX) của Hoàng Phúc Thắng, Hà Nội đêm trở gió (khoảng những năm 90 của thế kỷ XX) của Trọng Đài, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (1993) của Trương Quý Hải, v.v... giúp người ta tự hào trở về với gần nửa thiên niên kỷ để sống lại một câu truyện dân gian Vua Lê trả kiếm về Hồ Gươm. Ở giai đoạn này, ngoài tinh thần thúc giục con người hăng hái tăng gia lao động sản xuất, kinh doanh thương nghiệp, hay những mảng đề tài phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Hà Nội, thì đề tài lịch sử lại như những gì thiêng liêng cần có sự hồi cố để tiếp tục viết lên bằng truyền thống âm nhạc như những gì đã và đang làm, mà “Truyền thuyết Hồ Gươm” là một trong số tác phẩm đi theo hướng đó. Có thể thấy, toàn bộ giai đoạn sau từ 1975 đến thập kỷ cuối thế kỷ XX, hàng loạt tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Hà Nội như một sự thôi thúc, bù đắp của bao nhiêu năm tháng máu lửa chiến tranh. Đó là những ca khúc phản ánh những cảm xúc của nhạc sĩ về những vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội như Hà Nội phố xưa của Nguyễn Đình Bảng, Hà Nội và tôi của Lê Vinh, Hà Nội những con đường của Thịnh Trường, Hát dưới trời Hà Nội của Phạm Tuyên, Khao khát Hà Nội của Trần Hữu Bích. Hay những ca khúc viết về vẻ đẹp của các mùa ở Hà Nội như Hà Nội vào Xuân của Phạm Đình Sáu, Hà Nội cơn mưa đầu Hạ của Vũ Mạnh Cường, Hà Nội vào Thu của Vĩnh Cát, Thu về Hà Nội của Đức Trịnh, Hà Nội mùa Đông của Thế Hiển. Hay là những ca khúc viết về một khoảng thời gian cụ thể trong ngày như Có một chiều như thế Hồ Gươm của Tân Huyền, Đêm yên tĩnh của Hồng Đăng, Hà Nội đêm và Hồ Gươm chiều Thu của An Thuyên, Hà Nội những năm 2000 của Trần Tiến, v.v… Đó là những sắc màu khác nhau để tạo nên bức tranh tổng thể về một Hà Nội thơ mộng, hào hoa và anh hùng.
Như vậy, với những nét khắc họa bước đầu trên đây đã cho thấy phần nào bức tranh âm nhạc Hà Nội xuyên suốt một tiến trình với những bước thăng trầm khác nhau mà căn bản ở đó sáng lên một niềm tự hào về một truyền thống âm nhạc với đặc trưng, sắc thái rất riêng. Cái riêng ấy không chỉ thể hiện ở điều kiện tự nhiên, về điều kiện kinh tế, xã hội mà quan trọng hơn hết là một hạt nhân quan trọng - đó là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhạc sĩ đã được kết tinh, chọn lọc từ nhiều vùng miền, địa phương của cả nước - trên cơ sở tài năng và trí tuệ được đào tạo, cảm nhận về vùng đất và con người Hà Nội, mà một phong cách Hà Nội trong âm nhạc được định hình và không ngừng được tiếp nối, phát triển.
Ghi chú:
[1] Lưu Hữu Phước (1980), “Vị trí của Nguyễn Trãi trong lịch sử âm nhạc dân tộc”, Tạp chí Âm nhạc, số 3, in trong Hợp tuyển Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, Tập 1, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 712.
 Nguyễn Đình Tùng 
Theo http://quehuongonline.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...