Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Tuệ trong trái tim tôi


Tuệ trong trái tim tôi
Cuộc thi viết “TUE trong trái tim tôi” do Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường ĐHSPTN phối hợp tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trường, đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đã được đông đảo sinh viên tham dự. Cuộc thi cũng là một thành công lớn của tập thể sinh viên khoa Ngữ văn. Với số lượng và chất lượng các bài viết chiếm ưu thế, khoa Ngữ văn đã đạt 50% tổng giải thưởng với 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Triển vọng. Ngoài ra, với con số hơn 200 bài dự thi, Liên chi khoa Ngữ văn còn nhận được giải Tập thể có số bài dự thi viết nhiều nhất từ Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Trường.
Xin giới thiệu với bạn đọc các bài viết được giải cao trong cuộc thi này của sinh viên khoa Ngữ văn
MÙA THU NÀO CHO TA!!!
Có lẽ suốt cuộc đời tôi không thể quên được nơi này, ngôi trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bước ngoặt lớn trong hành trình đi tới tương lai hòa chung với nhịp đập con tim - rung động đầu đời của tôi.
Mười tám tuổi lần đầu tim rung động
Có phải yêu không mà tâm hồn bay bổng.
Mùa thu nào cho em!
Mùa thu ấy ta quen nhau…
Chúng ta gặp nhau một  buổi chiều đầu thu, lúc đó vẫn còn những vạt nắng còn sót lại của ngày hè. Hình như duyên số đã sắp đặt cho ta gặp nhau vào thời điểm “nhạy cảm” nhất, một trận bóng giữa khoa Địa và khoa Văn .
Em lúc ấy còn là sinh viên khoa Văn năm nhất mới bước vào cánh cửa tương lai còn nhiều bỡ ngỡ nhưng mang trong mình sự năng động. Anh là sinh viên năm ba với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng lại hoạt bát cùng với niềm đam mê bóng đá. Tháng 10 năm 2014, nhà trường tổ chức giải bóng đá truyền thống. Là một cô bé yêu thích thể thao, đây là cơ hội cho em thực hiện điều đó. Em đăng kí tham gia đội bóng nữ của khoa cùng các bạn, anh chị khóa trước tập luyện để giao lưu và tranh đấu giải. Với sở thích và niềm đam mê trái bóng tròn chúng ta đã tập luyện miệt mài, mang trong mình tâm thế sẵn sàng giao lưu, ẵm giải về cho Khoa. Cũng đến ngày mong đợi nhất, đội nam thi đấu trước cùng với Khoa Địa lý vào 15 giờ chiều. Với cương vị là những cổ động viên nhiệt tình của Khoa Văn, em hào hứng lắm, chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu, trống để cổ vũ. Khi đội nam vào sân bỗng có thủ môn lạ hoắc mà trong lúc tập luyện em chưa gặp bao giờ. Thắc mắc, em hỏi chị khóa trên “Anh thủ môn này lạ quá chị à?” và chị có giải thích với em rằng anh ấy là thủ môn giỏi, nhưng vì vấn đề sức khỏe mà không ra tập luyện thường xuyên được, lúc anh ra tập thì là lúc em bận… “À” một tiếng vỡ lẽ, em mỉm cười theo dõi trận bóng và cổ vũ cho các anh. (Em tự hỏi trận bóng ấy là định mệnh với em chăng?)
Ánh nắng chiều thu vẫn phảng phất chiếu xuống, gió thu vẫn thổi nhè nhẹ. Bóng lăn tròn trên sân, chuyền từ  người này tới người khác, đôi lúc có những pha bóng làm “rớt tim” người xem. Bóng áp đảo khung thành đội bạn - Khoa Địa, cổ động viên Khoa Văn reo hò náo nhiệt đối lập với nửa sân bóng còn lại. Cổ động viên Khoa Địa có lẽ hồi hộp, căng thẳng  mà im lặng như tờ xem diễn biến ra sao. Và ngược lại, hai đội cứ thay nhau cổ vũ tạo nên một không khí náo nhiệt trong sân vận động của trường.
Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến đúng không anh? Cái khoảnh khắc không ai trong đội bóng muốn có thì nó lại đến. Đội bạn dẫn bóng áp đảo khung thành, các anh hậu vệ, tiền vệ… và thủ môn đã cố gắng hết sức nhưng  không ngăn cản được đường bóng của tiền đạo  đối phương. Khoa Địa dẫn bàn trước với tỷ số 1-0.
Nắng vàng vẫn chiếu, gió vẫn thổi nhưng mạnh hơn khi “bóng sa vào lưới” cuốn theo muôn hạt cát vàng trên sân như giận dữ, gào thét tiến về phía anh. Dáng anh cao, gầy với chiếc áo thủ môn rộng thùng thình mang tên BẢO TÍN số 93 bay trong gió. Anh đứng một mình trơ trọi nơi khung thành trống vắng. Ánh mắt xa xăm nhìn theo trái bóng, đôi tay kia từ từ đan vào nhau dằn vặt. Anh đứng trước gió cát, để gió táp vào như “nghênh diện thu phong trận trận hàn”  (ngửa mặt đón nhận gió thu từng trận táp vào mặt lạnh buốt.), cũng là đang tự trách mình chăng?… Chỉ điều ấy thôi làm em rung động biết chừng nào.
Mùa thu ấy ta gặp nhau  cũng chính mùa thu em mang rung động đầu đời của một cô bé 18 tuổi chưa biết yêu là gì? Em vẫn luôn thắc mắc rằng:  Trời lúc đó đâu mưa giông, bão tố mà em đã bị “tiếng sét ái tình” xuyên qua trái tim.
Mùa thu em đã quen anh, mùa thu em đã gặp anh, em chỉ biết rằng trái tim đang loạn nhịp. Một chàng trai ngoại hình không bắt mắt, dáng vẻ lại lạnh lùng nhưng sao lại làm em nhớ đến thế? Hình ảnh ấy, bóng dáng ấy trên sân trong chiều thu đó làm em điêu đứng, thầm thương trộm nhớ đến vậy. Em là một cô gái nhút nhát trong chuyện tình cảm nên chỉ dám hỏi tên anh qua các chị khóa trên mà thôi. Với em mùa thu là mùa của hạnh phúc, là mùa của yêu thương và với em mùa thu này em đơn phương nhớ thương anh…
Sau khi giải bóng truyền thống kết thúc, cũng là khi em bắt tay vào việc học tập bận rộn với bài vở, nỗi nhớ về anh cũng nguôi ngoai phần nào. Và  có lẽ em chỉ dám để hình ảnh của anh trong một miền ký ức mà thôi. Cuộc sống của em, cuộc sống của anh cứ như vậy trôi đi… Nhưng chính mùa thu ấy đem anh lại với em, cũng chính mùa thu ấy em không dám thổ lộ, cũng chính mùa thu ấy em đã lạc mất anh! Mùa thu nào không mang lá rụng Cuộc đời nào không có sự chia ly Mỗi người đi đều mang một tâm sự Là nỗi buồn nỗi nhớ và tình yêu. Thời gian vẫn cứ trôi , mùa đông giá buốt qua đi em vẫn nhớ anh, mùa xuân mùa của đoàn tụ trôi qua em vẫn nhớ anh. Những chú ve kêu râm ran cả một vùng trời báo hiệu mùa hè đến. Nhịp sống của em vẫn cứ vậy…
Mùa thi đã đến em bắt tay vào ôn thi có lẽ anh cũng vậy. Cứ thế ta vô tình như hai đường thẳng song song. Điều gì đến cũng sẽ đến. Ta như hai đường thẳng vô tình chuyển hướng giao nhau. Cũng nhờ mạng xã hội Facebook, cũng nhờ câu lạc bộ bóng đá Khoa Ngữ văn - nơi ta cùng chung niềm đam mê bóng đá. Em chủ động gửi lời mời kết bạn vào lúc 3 giờ sáng, ấn nút “like” vào những bài viết của anh trên bảng tin. Có lẽ anh cảm thấy bất  thường và nhắn tin hỏi. Em hồi hộp khi anh nhắn tin, vội vàng trả lời nhưng sợ anh sẽ không để ý nữa. Vừa nói chuyện với nhau em tưởng rằng dường như  chúng ta quen thân quá đỗi. Dần dần hai ta làm bạn thân thiết từ khi nào không hay… Mùa thi qua đi, em và anh đều về nghỉ hè nhưng ta vẫn trò chuyện, ta vẫn chia sẻ những buồn vui cho nhau như một thói quen…
Mùa thu này cho em!
Tình yêu cũng phải qua thử thách, Mùa thu, mùa của vĩnh cửu, tình yêu là bất diệt…
Lại mùa thu tới, mùa của nắng vàng, mùa của gió thơm mùi hoa sữa, mùa của cát vàng trên sân bóng, mùa yêu thương, đầy ắp kỷ niệm, tiếng cười… Năm nay em đã là sinh viên năm hai, không còn nhút nhát,  không còn lạ lẫm, là Bí thư của lớp em nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường. Cũng giống anh vẫn đam mê bóng đá.
Lại một lần nữa trái tim em loạn nhịp trước anh, gặp lại anh trên sân bóng ấy nhưng ta đã không còn xa lạ… Miền ký ức đó lại ùa về trong tâm trí em. Em lại khẽ cười, ngồi xuống bàn học tay cầm cây bút viết tặng anh bài thơ đó:
CHẠM LƯNG ANH!!!
Chạm lưng anh mùa thu năm ấy,
Vai áo rộng trong nắng vàng thu xưa.
Ánh mắt anh theo trái tròn lăn mãi
Thẩn thờ, em ở lại phía sau anh!

Chạm lưng anh em đã thấy mùa thu
Thu vàng, cát vàng bay trong gió.
Áo anh bay gói cả chiều thu ấy,
Để hồn em cuốn theo về nơi đây.
Chạm lưng anh chiều thu xưa ấy,
Dáng anh gầy mang theo nét buồn thu.
Phải chi chăng do bóng sa vào lưới,
Hay vì nỗi lòng nào riêng anh.
Chạm lưng anh em đâu là em nữa,
Nắng thu anh, em lỡ say mất rồi!!! 
(2/10/2015)
Dường như duyên số đã định cho ta gặp nhau, mùa thu mang anh đến với em, mùa thu cũng đã lấy đi anh và giờ lại trả anh về bên em.
Lê Thị Năm
NGƯỜI MẸ THỨ HAI CỦA TÔI
Xa mái trường THPT, tôi đã làm hồ sơ theo học ngành học mà tôi yêu thích từ khi còn nhỏ, ước mơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông là trở thành thầy giáo dạy môn Ngữ văn. Tôi đã bước được bước đi đầu tiên: đỗ nguyện vọng 1 khoa Ngữ văn  Đại Học Sư Phạm - Đại học Thái Nguyên. Tôi  đã rất lo lắng, không biết mình có thể hòa nhập với môi trường mới này không? Nhưng tất cả những lo lắng đó đã biến mất và nhường chỗ cho những tiếng cười khi tôi trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các anh chị trong khoa với những tiết mục văn nghệ sôi nổi. Tôi được hòa nhập với những người có cùng niềm say mê môn Ngữ văn. Các thầy cô giáo luôn tận tình, các anh chị, các bạn và nay có thêm các em khóa dưới nữa là những người mang đến cho tôi động lực, sự yêu mến với môn Ngữ văn. Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm - Đại Học Thái Nguyên, đã là ngôi nhà thứ hai của tôi. Thấm thoắt đã  sang năm thứ ba tôi học tập tại mái trường này. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những kỷ niệm mà tôi đã gắn bó suốt ba năm học qua. Cô giáo Nguyễn Hằng Phương là một người tôi rất yêu quý và ngưỡng mộ, cô luôn là người quan tâm đến tôi cả về việc học và sức khỏe, tôi thấy mình thật may mắn là cậu học trò luôn được cô quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn việc học. kỷ niệm khó quên trong tôi đó là: Trong một tiết dạy của cô môn Văn học dân gian, được nửa tiết học, tôi thấy mệt, tôi lạnh người đi, trước mắt tôi mọi thứ xung quanh tối sầm lại rồi tôi bất tỉnh, mọi người chạy đến đỡ tôi, cô giáo nhanh chóng dừng bài giảng và đưa tôi đi viện. Tôi tỉnh dậy thấy cô đang bên cạnh tôi, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Với tôi, một cậu sinh viên xa nhà xa bố mẹ, có cô ở bên và chăm sóc tôi, cô đã cho tôi cảm giác được yêu thương và được  bảo vệ, cô là người mẹ thứ hai của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên những tiết học rộn rã tiếng cười, cả cô và trò say sưa trong bài học. Với tính cách mạnh mẽ và hài hước, nụ cười luôn rạng ngời trên gương mặt cô cả lúc làm việc lẫn giảng bài. Mỗi tiết học cô dạy đều trôi qua nhanh đến không ngờ. Thích nhất là lúc cô kể chuyện, từ những câu chuyện có thật liên quan đến bài giảng, mỗi câu chuyện tưởng chừng như giản dị lại gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Ai đã từng là học sinh của cô đều biết cô giống như một người mẹ vậy, vừa giàu tình yêu thương lại rất hiểu tâm lý học sinh.
Trình độ chuyên môn vững vàng và khả năng truyền đạt lôi cuốn của cô có lẽ cũng đã đủ để khiến chúng tôi nể phục. Mọi người thường nhắc đến cô với niềm quý mến, kính phục vì những sáng tạo bất ngờ trong giảng dạy. Không rập khuôn một cách khô khan, cũng không ép buộc suy nghĩ của học sinh, cô luôn luôn tìm cách để mỗi bạn học sinh đều phát huy được khả năng cảm thụ của mình. Từ việc đứng lớp thuyết trình về bài học cho đến những buổi xem phim, xem tư liệu liên quan đến bài học,... tất cả đã khơi dậy ở học sinh một niềm hứng thú vô hạn đối với từng kiến thức văn học. Cô luôn có những phương pháp, những ý tưởng vô cùng sáng tạo trong công việc, đem lại niềm vui cho học sinh.
Cô là một nhà giáo luôn tận tụy, nhiệt huyết với nghề, luôn quan tâm, thấu hiểu, yêu thương học sinh nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Cô là một người bạn mà  tôi có thể trò chuyện, tâm sự những lúc vui buồn. Nếu không có cô, tôi sẽ không thể có được những kỉ niệm tuyệt đẹp như ngày hôm nay. Đối với  tôi, cô Hằng Phương luôn là một người mẹ, một cô giáo rất tuyệt vời!
Hoàng Văn Hữu
NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH
“Mùa đông được coi là mùa của lãng quên, người ta quên tiếng sóng, quên luôn cả mặt trời, quên cái vị hanh nồng của gió nồm, cái oi bức của mùa hè cùng tiếng ve nhức nhối và sắc đỏ của phượng vĩ. Nhưng mùa đông bắt ta phải nhớ rằng vẫn còn rất nhiều điều không thể nào quên. Nhớ về nếp nhăn hằn trên trán mẹ, nhớ cái nhọc nhằn thao thức khó ngủ của cha. Nhớ về những bậc sinh thành đáng kính ấy và ta nhớ về thầy về cô, về những người đã âm thầm cùng mẹ cha chở chuyến đò ngang đưa ta về bến đỗ của cuộc đời.
Một đời người một dòng sông Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ Muốn qua sông phải lụy đò
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa. Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò tri thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thấy đưa tiếp những đò đầy qua sông”.
Những lời tâm sự tha thiết kết hợp với những câu thơ ngân xa đầy trữ tình trên kênh Radio BGO mà tôi từng nghe đã ngấm vào tôi. Cứ mỗi lần nghe, tôi lại nhớ tới một người thầy kính yêu của sinh viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên chúng tôi, người thầy đã để lại rất nhiều ấn tượng trong trái tim tôi cũng như mỗi thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn.
Nếu như trong hình dung của tôi, thầy giáo khoa Văn là người nhỏ nhắn, lãng tử, đào hoa, thư sinh với cặp kính cận và lời nói thánh thót nhẹ nhàng thì người thầy tôi đang chuẩn bị nhắc tới lại khác hoàn toàn. Thầy tôi ngoài năm mươi tuổi với ngoại hình cao to vạm vỡ và khỏe khoắn, khuôn mặt rám nắng với bộ ria “rất tây”,  mái đầu thầy hơi ít tóc đúng với hình tượng một “ông tây”. Nếu nhìn thoáng qua chắc hẳn ai đó sẽ lầm tưởng khoa tôi có một thầy giáo người nước ngoài. Thầy có đeo kính nhưng không hề thư sinh mà rất phong cách, thầy có giọng nói to, rất rõ ràng và truyền cảm. Ngoại hình của thầy đủ làm người khác phải ấn tượng . Người thầy mà tôi muốn kể đó là thầy giáo Đặng Quyết Tiến - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Giáo viên giảng dạy bộ môn văn học nước ngoài - thực đúng như phong cách của thầy.
Nghe các anh chị khóa trước kể lại rằng thầy “ghê” lắm, “khó tính” lắm, “khó gần” nữa. Hễ nói chuyện với thầy hay đi thi vấn đáp mà gặp thầy là “run” lắm và sợ nữa, đi học thì nhiều người ít khi chọn bàn đầu để ngồi vì sợ đối diện với thầy. Tôi thực sự tò mò vì điều lạ lùng ấy, làm gì có người thầy nào lại “đáng sợ” thế kia chứ.
Thế rồi tất cả những lời đồn về thầy bỗng tan biến trong tâm tưởng của tôi cho tới một ngày kia tôi được gặp thầy trong tiết học đầu tiên của môn Cơ sở văn hóa. Thầy làm quen với chúng tôi, chào đón chúng tôi và còn hát tặng lớp tôi nữa rồi thầy tâm sự với chúng tôi về cuộc sống sinh viên đầy những khó khăn vất vả của thầy. Thầy kể về ngày 1/10/ 1982 - ngày đầu tiên thầy đi dạy. Chỉ có những người cởi mở mới tâm sự với người khác những điều thầm kín trong lòng mà thôi, vậy thầy tôi khó gần ở điểm nào kia chứ? Những sinh viên năm đầu quen cái thói tự do, cái thói trẻ con, cứ mải nói chuyện cười đùa vô tư trong giờ nên thầy đã quát và “giảng” cho chúng tôi một trận. Nếu bằng cái nhìn chủ quan và phiến diện thì quả là thầy khó đó nhưng thử hỏi thầy quát là vì lẽ gì? Ca dao xưa có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thế đấy thầy cũng vì muốn hình thành cho sinh viên những thói quen tốt, lối sống văn minh cũng như ý thức tôn trọng người khác. Thầy quát hay thầy mắng là vì thầy muốn tốt cho sinh viên mà thôi.
Ngay từ những buổi học đầu tiên thầy đã truyền lửa cho chúng tôi bằng những bài học thật đáng quý. Thầy muốn mỗi sinh viên phải “sống nghiêm túc để không phải mang gánh nặng vào mình”, thầy nói  rằng người thầy phải biết “khước từ mọi sự nổi tiếng và làm việc thầm lặng”, “Nghệ thuật của nghề giáo chính là quên đi cá nhân, chôn vùi cảm xúc của mình”. Với thầy “ mỗi giáo án là một chuẩn mực, mỗi giờ lên lớp là một chuẩn mực”. Thầy khuyên chúng tôi cần phải học tập, trau dồi tri thức cũng như tu dưỡng đạo đức. Để làm được những điều đó cần hình thành cho mình những thói quen tốt. Thầy nói rằng trong cuộc đời thầy có ba thói quen mà thầy không bao giờ hối hận đó là: đọc sách, rèn luyện thân thể và làm việc nghiêm túc. Bản thân tôi cũng đã chiêm nghiệm đươc điều đó ở thầy. Thầy cho chúng tôi bài học về thói quen sống.
Tôi nhớ thầy từng nói rằng “Bạn có thể mua được máu, nhưng không thể mua được lòng nhân ái”. Thế đó cứ mỗi ngày trôi đi, mỗi ngày lên lớp, thầy không chỉ truyền lửa, dạy tri thức cho chúng tôi mà thầy còn dạy chúng tôi bài học làm người, bài học về đối nhân xử thế. Có một bài học mà tôi mãi không bao giờ quên, đó là bài học về sự ngạo mạn cá nhân, thầy nói mình phải biết mình: “Ta có thể có mắt Nhưng chưa chắc đã có tai Ta có thể có cả mắt và tai Nhưng chưa chắc đã có mũi Ta có thể có cả mắt, tai, mũi Nhưng chưa chắc đã có lưỡi Ta có thể có tất cả mọi thứ. Nhưng không thể có sự hiểu biết vô tận. Thế nên hãy bớt đi sự ngạo mạn.”
Cái hay ở ngôn từ thầy nói ra, hay nhất đó chính là ý nghĩa sâu xa hàm ẩn trong từng câu nói ấy của thầy. Quả đúng là vậy, kiến thức là vô cùng vô tận, con người chỉ là hạt cát giữa sa mạc kiến thức ấy mà thôi. Mỗi chúng ta phải tích cực học tập, trau dồi cho mình hành trang tri thức để bước vào đời, đừng bao giờ “ngạo mạn” nghĩ mình đã biết mọi sự trên đời.
Để tiếp thu kinh nghiệm, hay những bài học đáng quý từ người thầy đáng kính ấy, tôi luôn đem theo bên mình một cuốn sổ nhỏ và ghi chép lại lời thầy dạy bảo để có thể đọc lại rồi suy nghẫm làm hành trang cho bản thân mình.
Trong giảng dạy, thầy rất nghiêm khắc nhưng ngoài đời thực thầy rất vui vẻ và dễ gần. Thầy đặc biệt quan tâm tới sinh viên bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Thầy vui cùng niềm vui của sinh viên và đôi khi tôi bắt gặp nỗi lo phiền trên đôi mắt in dấu thời gian của người cha già đáng kính ấy. Thầy động viên, khích lệ tinh thần mỗi khi các con của thầy thi đấu . Một người bận rộn cho cả công tác khoa và công tác giảng dạy thế nhưng thầy vẫn dành thời gian để đi cổ vũ các trò, tình cảm của thầy dành cho sinh viên chúng tôi thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Cuộc đời của mỗi học trò chúng ta ai cũng giữ cho mình thật nhiều kỷ niệm đẹp về mái trường, thầy cô và bạn bè. Tôi cũng vậy tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm tuyệt đẹp dưới mái trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên - nơi nâng cánh ước mơ cho tôi, giữ mãi tình yêu đối với thầy cô bè bạn và giữ mãi sự trân trọng, lòng biết ơn đối với người thầy đã, đang đi qua cuộc đời tôi - Người thầy kính yêu của khoa Ngữ văn.
Vi Thị Thuyền
Nếu ai đó yêu mùa thu vì cái se lạnh giao mùa, vì hương hoa sữa nồng nàn hay bởi sự ấm áp bên tình yêu tuổi trẻ thì mùa thu này, tôi cũng cũng có cho riêng mình một lý do để yêu, để mến. Chúng tôi đang bước qua ngưỡng cửa của nửa thế kỷ dựng xây và trưởng thành - sinh nhật thứ 50 của Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Những ngày gắn bó với môi trường chuyên nghiệp này quả thực để lại cho tôi nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Có lẽ, cái năng động, sôi nổi, nhiệt huyết của một cán bộ Đoàn khiến tôi dần bị cuốn theo những điều hào nhoáng, mà thực sự không nhận ra rằng, trong cuộc sống còn có những khoảng lặng, còn có những con người bình dị như một”nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca mà chúng tôi vẫn ngân nga biết mấy tự hào. Rằng Đại học Sư phạm Thái Nguyên với đội ngũ giảng viên giỏi, nhiệt huyết, sinh viên năng động, tự tin, sáng tạo cùng dựng xây nên bề dày truyền thống suốt 50 năm, đưa ĐHSPTN trở thành một trong những trường đại học hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc… Nhưng ngay cả sinh viên chúng tôi, ít ai nhắc tới, nghĩ tới hay mảy may quan tâm đến những “hạt phù sa lặng lẽ” - nhân viên vệ sinh giảng đường.
Tôi cũng đã từng vô tâm như vậy trong gần ba học kỳ qua. Không phải lần đầu tiên tôi bắt gặp người nhân viên vệ sinh giảng đường nhưng buổi sáng hôm ấy thật khó quên. Tôi ngồi lại giảng đường sau tiết 6 với đống bài tập dày đặc trên mặt bàn. Dĩ nhiên, điều tôi quan tâm nhất là “mớ” bài tập kia phải hoàn thành trước tiết 7 của buổi chiều. Bác Thủy bước vào cùng xô giẻ lau bảng. Tôi cất tiếng chào lấy lệ rồi đâm đầu vào đống bài tập còn dang dở. Bỗng dưng, bác bắt chuyện khiến tôi bất ngờ quá:
- Trưa nay con không đi ăn à mà còn ngồi đây?
Lâu quá rồi tôi chẳng gặp cách xưng hô thân quen ấy từ một người xa lạ. Cảm giác ấm áp lạ kì lắm. Tôi gác lại công việc nói chuyện với bác, và dĩ lẽ, tôi cũng gọi “bác” xưng “con”. Bác Thủy, một người phụ nữ trải đời và sâu sắc! Hãy ngừng nói về cái giáo lý của sự đời, bác quan tâm đến người khác bằng chính cái vốn sẵn có của mình: đôi mắt biết nói, biết cười khi nào cũng xoáy sâu vào người khác khiến họ có cảm giác an toàn, bình yên lắm. Đôi mắt bác Thủy không sắc sảo, không “ươn ướt” gợi cảm, cũng không trĩu buồn những tâm sự, ủ dột mà có chiều sâu, và theo cách mà tôi nghĩ, ấy là sự trải đời. Bác không tâm sự nhiều điều, hỏi xã giao một vài câu về cậu sinh viên cho vui miệng, vậy mà nắm bắt được ngay tính cách cậu sinh viên này để mà khuyên, mà răn mấy lời. Bác giục ăn nhiều vào lấy sức mà học, sinh viên các con học khổ quá, đi học suốt ngày, bác dặn không được bỏ bữa, bác dạy lau bảng làm sao cho sạch, dạy phép lịch sự tối thiểu với người khác… Những điều đơn giản mà thầy cô tôi ít khi đề cập tới. Sao tôi thấy gần gũi, ấm áp quá. Những tưởng công việc chỉ có quét lớp, lau bảng, nhưng giờ giấc đi về mới là cái khó, cái khổ. Mùa đông lạnh đến vậy mà 6h sáng phải mở xong cửa các phòng giảng đường, trưa ở lại quá 12 giờ để quét dọn, khóa cửa và nghỉ ngơi đến 1 giờ kém lại mở cửa giảng đường, tối 9h kém chưa được về nhà. Giảng đường sạch đẹp mà mỗi ngày chúng tôi qua lại hẳn là điều “dĩ nhiên” phải như thế, vậy nên không ai quan tâm? Đóng tiền rồi sẽ xả rác thẳng xuống mặt đất, bất chấp hai thùng rác trước mặt và ngay sau lưng, thậm chí để luôn trong ngăn bàn, điều ấy có đáng suy ngẫm hay không? Quả thực, nếu một trong số 10 ngàn sinh viên chúng tôi nhận công việc
như các bác, chắc hẳn sẽ hậm hực lắm…
Bác Thủy - một “vết xước” của cuốn phim của cuộc đời mà tôi đang từng ngày hoàn thiện. Nó không thoáng qua như một cơn heo may mùa thu, nó không vảng vất như hương thơm một loài hoa cuối hạ mà ngưng đọng lại một khoảnh khắc rất nhỏ trong cuộc đời, cũng đủ để lắng xuống, suy ngẫm những gì đã xảy ra và những gì sắp tới. Hãy nghĩ một điều đơn giản hơn những triết lý tự suy ngẫm, thay vì cáu gắt với người khác, tại sao ta không cười với nhau, quan tâm nhau để gần nhau hơn? Như bác Thủy vậy, tôi biết đến bác chỉ bằng một vài câu chuyện qua lại, chỉ một nụ cười hiền hậu, vậy là đủ rồi.
Có lẽ, chẳng cần những mĩ từ quá trau chuốt, tôi rất kính trọng những con người như bác Thủy!
Ngô Quang Thiện
NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA TÔI
Các bạn biết không, trong mỗi cuộc đời của con người luôn có những khoảnh khắc đáng để chúng ta nhớ, đáng để chúng ta lưu lại thành kỉ niệm. Ước mơ được vào trường Đại học Sư Phạm - Đại học Thái Nguyên rồi cũng thành hiện thực đối với tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc khi đặt chân đến trường, dù hôm đó trời mưa tầm tã nhưng trong tôi vẫn tràn ngập niềm vui, háo hức của tân sinh viên mới nhập trường. Ngày hôm nay khi ngồi viết những dòng chữ này tôi đã là cô sinh viên năm 3, theo học khoa Ngữ Văn của trường.
Mọi người nói là học khoa Văn nên khéo giao tiếp và suốt ngày văn thơ rồi lại thỉnh thoảng cứ thơ thơ thẩn thẩn thôi ạ! Có lẽ mỗi khoa đều mang trong mình những nét cá tính riêng và khoa Văn của tôi cũng vậy. Tôi có đọc được ở đâu đó bài thơ viết rất đúng về con gái khoa Văn:
Con gái khoa Văn vốn là hay mơ mộng
Thả hồn theo dù chỉ một ánh mây chiều
Vẩn vơ trước một làn hương gió thoảng
Một ánh nhìn cũng nghĩ tới niềm yêu.
Con gái khoa Văn vốn là hay lãng mạn
Nghĩ xa xôi mơ ước đủ mọi điều
Sống với tương lai nhiều hơn quá khứ
Để tâm hồn bay bổng chốn phiêu diêu.
Thầy Cô luôn và mãi mãi giống như những người cha, người mẹ hiền bên cạnh dạy cho chúng ta biết chữ và quan trọng hơn dạy cho chúng ta cách làm một “con người” có ích cho xã hội. May mắn biết bao dưới ngôi trường Đại học này tôi cũng như các bạn cũng được nhiều thầy cô giảng dạy và chia sẻ mọi điều trong học tập và cả trong cuộc sống nữa. Sẽ thật khó để viết hết ra thành lời sự tri ân sâu sắc đối với các thầy cô yêu quý của chúng tôi.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một cô giáo rất trẻ của khoa tôi. Chắc chắn đây sẽ không phải là lần cuối cùng tôi viết về cô nhưng có lẽ sẽ là lần đầu tiên tôi dám nói lên những suy nghĩ của mình. Tôi yêu quý cô từ những ngày đầu tiên gặp cô ở học phần “Lý luận văn học 1”. Với thân hình nhỏ nhắn, cô sở hữu một đôi mắt đẹp và một nụ cười thật tươi, mái tóc ngắn khiến cô thêm phần trẻ trung, năng động. Đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hương - giảng viên bộ môn Lý luận văn học.
Tôi cũng biết học phần này khá là khó và trừu tượng nhưng cô đã dạy cho chúng tôi bằng cả niềm đam mê, nhiệt huyết của mình. Cô giáo của tôi còn rất nhiều tài lẻ. Cô hát hay lại múa đẹp nữa. Cô thường hát cho chúng tôi nghe mỗi khi cô cảm thấy chúng tôi mệt mỏi, do vậy mà những tiếng hát, những câu chuyện cô kể càng ý nghĩa biết bao nhiêu.
Tôi vẫn giữ những câu thơ đầy ý nghĩa của cô:
“Ừ thất bại ta biết mình thất bại
Đốt vào đêm niềm hối tiếc một mình
Rồi sớm mai là một mùa nắng mới
Đi hết đường dù muộn cũng thành công”.
Nhớ ngày 20/11 vừa rồi cô đi dự trong hội trường C2 nhưng bé con nhà cô khóc quá cô phải cho em ra ngoài, rồi như chợt nhớ ra, cô lại lên văn phòng khoa lấy lịch thi môn Lý luận 1 của chúng tôi. Cô thì tất bật còn em bé thì vẫn khóc trên đôi tay mẹ. Và vô tình tôi gặp cô khi cô và tôi cùng đi đến chiếc ghế đá gần phòng thí nghiệm. Cô lại cười thật tươi với tôi rồi cô hỏi: có giấy ướt không cho cô một tờ. Tôi vội vàng lôi trong cặp ra, lúc đấy may mắn sao vẫn còn một cái duy nhất. Tôi lau mồ hôi và nước mắt cho em bé rồi quay sang thấy trán cô cũng lấm tấm mồ hôi. Không biết có phải tôi là một người dễ vui dễ buồn hay không nhưng ngay lúc ấy tôi lại thêm yêu và tự hào về cô hơn bởi cô không chỉ là một giảng viên giỏi mà còn là một người mẹ tốt…
Câu chuyện của tôi và cô cứ nhẹ nhàng trôi qua như vậy nhưng đọng lại trong tôi bao kỉ niệm, bao tình cảm. Là sinh viên năm 3 rồi, chẳng còn mấy nữa tôi phải rời xa ngôi trường này do vậy mà tôi càng thêm trân trọng nâng niu hơn, dù đó là những điều nhỏ bé. Lời cuối trang viết tôi muốn gửi đến cô lời chúc sức khỏe, chúc cô luôn tươi trẻ, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người để có thể dìu dắt được nhiều hơn nữa những thế hệ học trò qua sông. Chúc các thầy giáo, cô giáo của Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Thái Nguyên sức khỏe, hạnh phúc, công tác tốt, chúc mái trường yêu dấu của tôi, của bạn ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tích hơn nữa.
Vũ Thị Luân                                                                                          Quang Thiện tổng hợp
Theo http://khoavan.dhsptn.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...