Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Tri thức luận và tâm thức thiện trong thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành


Tri thức luận và tâm thức thiện 
trong thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành
Lời người viết:  
Người viết không phải là văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ… hay là nhà phê bình văn học. Đây chỉ là cảm nghĩ chân thành của một độc giả có cơ duyên hạnh ngộ trong vườn hoa văn hóa Bến Đợi. Thành kính cảm ơn thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ… đã cống hiến cho thế nhân những tác phẩm tuyệt đẹp.
Dẫn nhập:
Nếu được ngắm muôn sắc màu trong vườn hoa “Bến Đợi“ thế nhân cũng sẽ được thưởng thức những tiếng hát trầm ấm, ngọt ngào… đang vang vọng đâu đây… trọn vẹn lời ước hẹn của một tình yêu….hình thành từ những ngày xưa thân ái, đã hiện hữu và trường tồn với tâm thức “Thiện“. Mà ý tưởng “Thiện“ là ý tưởng đẹp nhất, toàn vẹn nhất, trong sáng nhất, là suối nguồn vô tận, là niềm cảm xúc tự nhiên trung thực nhất của các ý tưởng….của “Tri Thức Luận“.
Thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành xuất phát từ một tâm thức sinh động, lung linh muôn ngàn sắc màu của tình yêu thủy chung với đầy đủ nét đẹp văn chương và niềm u ẩn của một tâm tình hiến dâng…. Mai kia, dẵu có thế nào, mọi người cũng có dịp quy tụ về “Bến Đợi“ để chuẩn bị cho cuộc hành trình vào một tương lai…
Ngày mai Chị sẽ lên đồi
Hái bông hoa dại tô môi cho hồng
Rồi chị lạy hỏi trời xanh
Cớ sao anh mãi đi không khứ hồi?
Quạnh Hiu - Thơ - Kim Thành
Khi màn đêm buông xuống, muôn triệu vì sao lấp lánh trong màn đêm cô tịch… thế nhân sẽ nghe… như văng vẳng đâu đây tiếng nhạc dập dìu… từ những thơ tình đã được phổ nhạc với kỹ thuật hòa âm điêu luyện... Rumba, Slow, Boston... của các nhạc sĩ Mộc Thiêng, Lê Mạnh Trùy, Kiều Túy Vinh… và với những tiếng hát truyền cảm, âm điệu ngọt ngào của các ca sĩ Bảo Yến, Hương Giang, Mỹ Dung, Quỳnh Lan, Hồng Vân, Diệu Hiền… ru hồn thế nhân… êm đềm, nhẹ nhàng, quý phái…
Hồn thi ca của thi sĩ Kim Thành sẽ hòa cùng tư tưởng của thế nhân, sẽ lững lờ trôi trên “Giòng Sông Biến Dịch“, sẽ phải xuyên qua cái vô định của thời gian, cái vô hạn của không gian… trường tồn, biến dịch… theo ngàn cơn sóng vỗ của đại dương bao la và theo mây bay về chân trời vô định…nhưng mãi vang vang như lời ca buồn… theo phím nhạc sầu...  
Hỡi con sóng bên bờ Đại Hải
Cuốn đi đâu để lại mù khơi
Cho dấu yêu dài theo năm tháng
Phím nhạc sầu rớt xuống chơi vơi…
Tình cuối chân mây - Thơ Kim Thành
I - Vào vườn thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành
Sinh thức hòa cùng thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành đã tỏa hương thơm ngạt ngào cùa một khối tình chung thủy. Đây chính là hồn thi ca và hương sắc tâm hồn thi nhân. Quy chiếu vào “Duy Nghiệm Luận“ thi sĩ tiền chiến Chế Lan Viên ví “Hương sắc và tâm hồn của thi sĩ như vẻ đẹp và mùi hương thơm của vạn loài hoa“:
Nở rồi trông dễ như không
Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay…
Thơ - Chế Lan Viên
Khi vào vườn thơ nhạc “Bến Đợi“ mọi người sẽ thấy rõ những dòng thi ca với một âm điệu đầy nhạc tính hay nhạc ngữ… Thơ của thi sĩ Kim Thành đã được các nhạc sĩ chuyển hóa, biến thể theo từng nốt nhạc… thành những nhạc phẩm tuyệt vời…, gợi ảnh, gợi hình… và biểu thị âm thanh, nhạc điệu… theo đúng âm giai… mà chính ngôn ngữ thi ca hàm chứa…
Riêng em giờ chỉ một mình
Bút nghiêng gõ nhịp cung trầm phiếm rung
Giăng giăng một sợi tơ chùng
Phong thu giá lạnh trăng hờn ngủ quên…
Mất anh em làm thơ - Thơ - Kim Thành
Và nếu lạm bàn về tâm thức “Tiểu Ngã“ của thi nhân lung linh muôn sắc màu…, mọi người sẽ nhận diện hồn thơ này đi từ các vật thể cực kỳ nhỏ bé đến cái bao la của vũ trụ, từ cái hồn siêu nhiên tâm thức cá nhân đến cái sinh thức đại chúng, từ cái “Duy Thức Tiểu Ngã“ đến cái “Bản Thể Đại Ngã“… Quy chiếu vào “Tri Thức Luận“, qua ngôn ngữ thi ca được sử dụng, qua những ý tưởng siêu thực, trừu tượng… thi sĩ đã trao gởi tâm tình sinh động, hữu thể… của cuộc đời…:
Trời xuống thấp thời gian sao mà vội
Lời kinh trầm cây cỏ cũng rưng rưng
Tiễn anh đi chân em bước ngập ngừng
Hoa hồng đỏ đưa anh vào cõi lạ
Bỗng một hôm - Thơ Kim Thành
Tìm hiểu “Tri Thức Luận“ là đi vào thế giới ý niệm. Ý niệm là cái gì được thiết định từ tư tưởng và thực tại sinh động của cuộc đời… Nó nằm trong tư tưởng và tư tưởng được hình thành từ ý niệm (concept), ý niệm được xác định từ ý tưởng.
Ý tưởng hiện hữu một cách cụ thể, biến động. Nó không phải là vật thể cứng nhắc mà nó chuyển động cùng với sinh thức, nó là lãnh vực đích thực của tinh thần tuyệt đối:
Có những sợi tình suốt đời không gặp
Bỗng thình lình rớt xuống thật dễ thương
Cho nước sông Tương sóng cuồn cuộn chảy
Trần gian buồn dâng khúc nhạc thần tiên
Có những sợi tình - Thơ Kim Thành
1- Chân lý hữu thể và nét diễm tình trong thơ nhạc Kim Thành
Hoa mẫu đơn vẫn khoe sắc màu hai bên bờ sông Tương với cánh lá xẻ có chiều sâu, hoa lớn có nhiều mằu sắc rực rỡ luôn tỏa mùi hương thơm: loài hoa Thiên Hương Quốc Sắc
Thơ em viết cho anh
Phải là hồn em trong đó
Có ánh trăng đưa
Ru tình cô phụ
Sợ tội con tim - Thơ Kim Thành
Hoa mẫu đơn, loài hoa ru tình cô phụ, có tên khoa học là Paeonia, dòng dõi của họ Paeoniaceae được tôn vinh là hoa phú quý…
Hoa mẫu đơn… là tri kỷ của thế nhân, nó hiện hữu trong khúc nhạc tình thần tiên… và cũng chính là nét diễm tình mãi trường tồn trong tình yêu trọn vẹn cho một lời nguyện ước…
Giao thừa trời đổ cơn mưa
Anh về ướt sũng đường xưa bạt ngàn
Mời anh so lại cung đàn
Cho anh dạo khúc đá vàng trăm năm
Đá vàng - Thơ
Kim Thành
Lời thơ của thi sĩ Kim Thành luôn toát ra vẻ lộng lẫy kiêu sa của tình yêu lãng mạn nhưng thủy chung: yêu một cách trầm lặng nhưng nhiệt tình ướt lệ, rưng rưng nhỏ lệ nhưng quan hoài đằm thắm, kín đáo nhưng tha thiết…với nhiều mộng mơ… Đó chính là chân lý hữu thể và nét diễm tình…của một khối tình… đầy sinh thức và nhiều sắc màu trong bể khổ ái tình:
Sao lại khóc hỡi em yêu dấu
Từng giọt buồn xé nát lòng anh
Chiếc thuyền tình dù có mong manh
Đời sẽ đẹp khi mùa xuân đến
Sao lại khóc hỡi em yêu dấu - Thơ Kim Thành
 
Lời thơ mộc mạc, chân thành… đã diễn tả một tư tưởng trừu tượng, dùng cái tỉnh lặng để tả cái động, dùng âm để tả cái dương, dùng vật để gợi tâm, dùng cảnh để ngụ tình…
Đôi guốc mộc, bài ca dao đẹp quá
Vẫn gõ đều trên phiến đá thời gian
Trái tim ta chưa già như ta tưởng
Chợt mơ về một thoáng dạ hoàng lan
Thuở ấy học trò - Thơ Kim Thành
Một đặc điểm khá nổi bật là lời thơ của thi sĩ Kim Thành biểu hiện bản chất đôn hậu, nhân bản… người đọc thơ sẽ không tìm thấy cái dáng dấp “rợp bóng văn thơ“, hay “tính biểu thị văn chương“… kiểu “Chủ Nghĩa Hiện Sinh” của Francoise Sagan qua tác phẩm “Bonjour Tristesse“.
Ôi! hai chữ ái tình thật kỳ diệu!
Tình cao ngất vượt trên ngàn cung bậc
Đẹp vô cùng trong suốt một đại dương
Sóng lô nhô xô vỡ ánh trăng suông
Chờ đợi mãi trên muôn vàng nhungnhớ…
Giọt tình sầu - Thơ Kim Thành
Thi nhân muốn vượt qua cái khổ lụy, cái khối tình u ẩn… của trạng thái tâm thức chuyển động không ngừng nghỉ để dòng dư lệ nhỏ xuống thành thi ca… thi nhân đã hiện thực, gởi gắm, ve vuốt những nhánh sầu đầy u ẩn, tiếc thương, hoài niệm…
Nhiều nhà triết học đều đồng thuận rằng: Con người với nhiều những hệ lụy, đau khổ... nếu vào “Tri Thức Luận“ để vượt qua bên kia “Giòng sông Biến Dịch“… bằng lời thơ nhọn hoắc tâm tình, bằng tiếng hát rung động của tâm hồn nhân thế, bằng con tim chân chính… thi nhân có thể vượt qua bên kia bờ “Bĩ Ngạn“.
Đại thi hào Hàn Dũ đời nhà Đường cũng có cùng một ý niệm:
“Vật bất đắc kỳ bình tắc minh“
Dịch nghĩa: Vật Không được như ý thì nó sẽ kêu lên…
Tiếng kêu đó chính là thi ca, là văn chương, là chữ nghĩa của tâm hồn thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ,…
Tiếng hát buông lơi điệu đàn thiên cổ.
Đang dỗ dành một nỗi nhớ chết khô
Trôi về mô tình ai vàng lá thắm
Ta buồn hiu bên con sóng vỗ bờ….
Nghe đời buồn hiu - Kim Thành
2- Nàng thơ và người tình tri kỷ
Nàng thơ hỡi đã trót là tri kỷ
Có dễ gì nàng vỗ cánh bay xa
Hình như đã hơn năm năm đấy nhỉ?
Ta gặp nàng khi máu vỡ buồng tim
Hỡi Nnàng thơ - Thơ Kim Thành
Em Đã Trở Lại Paris, đã thăm lại Bãi Biễn Paris (Paris Plages), viếng lâu đài nghệ thuật Paris Des Arts (Paris I), vui chơi tại Institut De France (Hàn Lâm Viện Pháp)… thả hồn trên bến nước sông Seine… nhưng em vẫn cô đơn, lạnh lẽo… với tháng bảy mưa ngâu… vắng bóng người tình si.
Vào buổi hoàng hôn của cuộc đời, lá đỗ muôn chiều… mây lang thang về phương trời vô định… thi nhân đã ký thác tâm tư sầu muộn vào người tình tri kỷ là “Nàng Thơ“… thi nhân đã vịn vào thơ mà đứng dậy… tiếp tục cuộc hành trình… dẫu biết rằng… hỡi Thương Đế, có thấu cho nỗi niềm riêng…:
“God grant me the courage to change the thing I can change, the senerity to accept those I cannot change and Wisdom to know the difference…”
Đêm xôn xao buồn lênh đênh bất tận
Đời theo đời lận đận kiếp phù vân
Nỗi khắc khoải xoáy mòn tim nhức nhối
Ta mệt nhoài ôm bóng tối vây quanh
Một cõi chập chùng - Thơ Kim Thành
“Nỗi khắc khoải xoáy mòn tim nhức nhối“, thi nhân đã hiển lộ một ý niệm phân cực...
“Tri Thức Luận“ giúp con người đi tìm chân lý hữu thể của “Chân Thiện Mỹ“. Và hạnh phúc cũng không phải là động lực từ bên ngoài tác động vào chủ thể mà nó bắt đầu từ sự “Tỉnh Thức“ và chuyễn đổi ý tưởng của chủ thể theo quy luật vận hành của vũ trụ: “Có sinh, Có diệt“ = The life is uncertain, death is certain
Gót lợi danh buồn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ , bèo đầu bến mê
Cung oán ngâm khúc
Vậy thao thức chờ mong… là một tâm thức động trong trạng thái “hồn tỉnh thức“…
Cây trụi lá âm thầm chờ nẫy lộc
Phiến đá buồn ôm mưa nắng làm khuây
Riêng ta đây bốn bề rong rêu phủ
Giấc ngủ dật dờ nát cánh phù du
Thao thức - Thơ Kim Thành
Cây vẫn sừng sững trên trường sơn lộng gió... hồn thơ của thi sĩ Kim Thành vẫn dạt dào như nước biển trong xanh… và mọi người cảm nhận rằng lời thơ gói trọn một tâm hồn đa sầu, đa cảm, đầy tính lãng mạn… thánh thót theo dòng dư lệ…
Cho tôi chép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
Bài thơ thứ nhất - Thơ TTKH
Những tâm hồn lãng mạn ẩn chứa nỗi khổ lụy mênh mông sẽ thổ lộ tâm tình cùng cỏ cây hoa lá , than thở cùng biển rộng , sông dài. Thi nhân năn nỉ chim muông thôi ca hát, cây rừng ngừng lay động, đại dương thôi gầm thét...:
Em đang đứng trước bến bờ ảo giác
Một ngảđường mấy lối rẽ buồn tênh
Phải chi em là gió núi lênh đênh
Sẽ hò hẹn cùng anh nơi cuối biển
Lỡ mai nầy - Thơ Kim Thành
Mai kia dù có thế nào… khi hồn thơ nhả nhạc đi vào lòng nhân thế… thi ca sẽ tìm tri kỷ từ muôn ngàn độc giả…
Lời dạy của đại văn hào Jean Paul Sartre khá trung thực và chính xác: Nhà văn, nhà thơ… không thể là độc giả của những tác phẩm của chính mình… lý do khi viết những dòng thơ, bài văn…, tác giả đã biết rõ ý nghĩa ngôn từ, nội dung sự việc, quan diểm văn hóa… nên khi đọc lại chính tác phẩm của mình thì đã mất đi tính độc lập, khách quan cần có rồi….
Độc giả có cái tự do nhận định, đánh giá, cảm nhận, phê bình… độc giả là tri kỷ của hồn thi ca, và có thể thẩm định gíá trị của một tác phẩm văn học…
Tình thương đó tưởng như con suối mát
Chảy êm đềm ra đến tận dòng sông...
Hạnh phúc ôi! xa rồi tầm tay với
Ta mơ hồ một tiếng hạc kêu sương
Lạc bước chân quen - Thơ Kim Thành

II.- Tri thức luận ẩn hiện trong thơ nhạc của thi sĩ Kim Thành
Đi tìm ý nghĩa của lời thơ và suy nghiệm những giá trị của hồn thi ca… thông thường người đọc suy gẫm tinh thần nhân bản và giá trị văn học… của ý nghĩa một bài thơ là vào “Tri Thức Luận“ để tìm về chân lý “Chân Thiện Mỹ“ cuộc đời.
Tri Thức Luận là nền tảng căn bản của các luận thuyết triết học Đông và Tây phương. Tri Thức Luận được hình thành từ sự suy nghiệm về các đối tượng triết học và khả năng tri thức của con người.
Thơ của thi sĩ Kim Thành đẹp như những áng mây ngũ sắc và là đối tượng của tri thức, là những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa tình ái được thi nhân ghi lại bằng ý thức “Trực nhận“ (Instant comprehension, Intuition):
Người ở phương Đông hay phương Tây
Trong tôi thương nhớ vẫn đong đầy
Chiếc phao vẫn mãi trôi cùng sóng
Vẫn mãi lênh đênh nườc giữa dòng…
Chiếc phao - Thơ Kim Thành
Trí khôn của tập thể (Collective Intelligence) vẫn cứ dần phát triển và êm đềm trôi theo cái vô định của thời gian và cái vô hạn của không gian… vì thế tư tưởng của con người trường tồn và biến dịch. Tư tưởng là yếu tính của ý tưởng dù nó có tính phi vật chất hay có yếu tính của sự vật.
Thực nghiệm những phạm trù “Tri Thức Luận“ là tìm hiểu cái lực khởi nguyên sự hình thành, các lực tác động đầu tiên để vũ trụ chuyển động và quay đều… và xác định được những vi thể cực kỳ nhỏ bé đã tạo nên vũ trụ, con người và vạn vật…
Vậy “Tri Thức Luận“ là khả năng nhận biết (Knowing faculty) và khả năng tri nhận (Cognizing faculty) là đối tượng của tri thức. Thi nhân đã hướng thiện tâm hồn người đọc, tìm về cái giá đích thực tâm linh của chính mình:
Chao ôi một mảnh tơ tằm
Bay vào cõi mộng trăm năm hóa rồng
Trời bên ngoài đổ cơn dông
Trong tôi mưa gió đã thành thiên thu
Trở trời - Thơ Kim Thành

Đối tượng cuả tri thức trong chân lý “Mỹ“ là niềm cảm xúc dâng trào như vạn lời thơ ngọt ngào, đầy cảm hứng… hòa nhịp cùng một tình yêu diễm lệ.
Thi nhân đã khai mở cho chính mình một chánh niệm (Mindfulness)… để cùng thế nhân ru tình qua bên kia của bờ “Bĩ Ngạn“ và hòa cùng trời đất bao la bên kia bờ “Giác Ngộ“ (Process of awakeing):
Anh sẽ thổi bay đi mộng ảo
Nhốt mặt trời rạng rỡ trong thơ
Cho trăn trở đi vào quên lãng
Ru tình anh một thuở đi tìm…
Có một lần - Thơ Kim Thành
Thi sĩ Kim Thành đã nhìn trực diện vào nội tâm của chính mình bằng trí khôn nhân bản và tổng hợp trí tuệ huyền linh của chánh niệm xuyên suốt “Tri Thức Luận“ để nhìn về ngày mai… mông lung, huyền ảo… bên ngoài cảm quan (Relation between phenomena)… để lời thơ như lời kinh cầu… mãi mãi cho một tình yêu diễm ảo…
Tôi sẽ đến
Rất chân tình
Vụng dại
Hát lại một lần bài ca một thuở
Đi lại một lần đại lộ năm xưa
Bằng những tin yêu
Dài hơn thế kỷ
Và tôi sẽ cố quên… quên hết
Những nỗi muộn phiền một cõi riêng tôi
Hôm nay tôi vui - Thơ Kim Thành
Thời gian thấp thoáng… thi nhân vẫn đợi, vẫn chờ ”Một Thoáng Hương Xưa“ như một kẻ lữ hành… mà nỗi buồn cô đơn như những tỉnh giác (Alertness), những tỉnh thức (Awareness), những hồi ức (Remembering), những chuyên tâm (Heedfullness)… những kỷ niệm ẩn hiện chập chùng trong tri thức… để lời thơ cho thế nhân hiểu thêm rằng: Hỡi Thượng Đế! “Chỉ có những tâm hồn vĩ đại mới chuyên chở những khổ đau tâm thức“… như vạn tình ca diễm lệ:
Em đã nói với anh
Lời nói rất chân thành
Xa ngàn trùng mà vô cùng tha thiết
Trần gian không anh hạnh phúc nghi ngờ….
… Em muốn nói với anh
Lời thì thầm rất nhỏ
Em đã nói với anh - Thơ Kim Thành

Vậy “Tri Thức Luận“ cho con người hiểu được sự vận hành của vũ trụ và những quy luật vận hành này đều có một sự đồng nhất (Uniformity) và tính nhất quán vì thế loài người tin tưởng vào sự nhất quán này: Sự hài hòa giữa cái vô định của thời gian và cái hữu hạn của một kiếp người…
Hồn thơ của thi sĩ Kim Thành xuất phát từ niềm tin, có thể từ vô thức (Unconsciously) hay từ phản xạ cảm xúc (Reflex action emotionally)… Nó cũng vượt qua trực giác và lý luận… và tạo nên sự cân bằng giữa tâm và trí tuệ, giữa cảm xúc (Emotion) và tri thức (Intellect), giữa đức tin (Faith) và trí tuệ (Wisdom)…
Nét chơn chất, hồn nhiên… trong thơ của thi sĩ Kim Thành đã hiện thực sự đồng nhất và tính nhất quán của niềm tin như là chánh niệm vì thế:
Người lại không quên đem nỗi nhớ về
Cho tôi thẫn thờ đi giữa hôn mê
Một nửa nơi đây, nửa chờ đâu đó
Trời đang trở gió lạnh lắm anh ơi
Trăm năm vẫn thế - Thơ Kim Thành
Lời thơ vẫn lai láng, tình thơ vẫn chập chùng muôn vạn lời khấn nguyện… dẫu biết rằng trăm năm nhật nguyệt xoay vần… đất trời muôn đời cách biệt... để chân dung hạnh phúc theo lời thơ tiếng nhạc hòa trong… mộng tưởng… như ngày xưa mái tóc em xanh…
Trăm năm anh đã qua cầu
Trăm năm em viết thơ sầu khóc anh
Ngày xưa mái tóc em xanh
Bây giờ tóc đã hai màu tuyết sương
Vần thơ em viết - Thơ Kim Thành

Thay lời kết:
1- Thuở học trò, người viết rất sợ môn chính tả (Dictation) vì viết là đụng tới chữ, mà có chữ thì phải có nghĩa và phải hiểu ý nghĩa của nó dù nó là chữ đơn nghĩa (Monosemic) hay chữ đa nghĩa (Polysemic)…
Hồn thi ca của thi nhân trải dài theo óc tưởng tượng, rong chơi trong vườn hoa chữ nghĩa và ghi nhận thật nhanh, thật trung thực, chính xác… những ý tưởng mới lạ, trong sáng…xuất hiện như tia chớp của đất trời… Thi nhân cũng bị quyến rũ theo quyền năng vô hạn của chữ nghĩa… để tâm thức hiện thực qua ngôn từ những thực tế, những cảm xúc, những biến động, những trắc ẩn của cuộc sống… hình thành những trang thơ với đầy đủ tính hư cấu, huyền ảo, mông lung… của ý tưởng… và đã kết tình tri kỷ với nàng thơ kiều diễm…
Vậy chữ nghĩa có một quyền năng huyền bí, cao cả, sống động… trên ý tưởng của con người, nhưng chữ nghĩa hoàn toàn độc lập với con người và nó cũng độc lập với chính nó. Chữ nghĩa quả thật có tác động to lớn với con người, cuộc đời… Nó có thể làm thăng hoa những ý tưởng huyền diệu, những biến động chính trị, xã hội, văn hóa… của xã hội loài người… Nó hiện thực một tâm thức sinh động…
Thơ của thi sĩ Kim Thành đã nở hoa trong rừng chữ nghĩa và ý thơ rất trung thực, nhân bản… được cô đọng trong niềm “hoan lạc cô đơn“… Thi nhân đã đưa người đọc vào rừng chữ nghĩa, hít thở, vui chơi… cùng muôn hoa tươi thắm. Thi nhân đã dẫn tha nhân về cuối chân mây với khung cửa “khép hờ“… để thơ sẽ dìu nàng thơ qua cuối con đường tình… dẫu cuối trời phượng tím buồn tênh…
Tình phượng tím buồn theo cung nguyệt lạnh
Tiếng thở dài lịm chết bóng hoàng hôn
Trăng quạnh quẽ đưa hồn trôi trên lá
Em, một trời yêu dấu vội lên ngôi
Phượng tím buồn tênh - Thơ Kim Thành
Tình yêu thời xuân sắc đã đi vào dĩ vãng…, lời thơ ngậm ngùi tình cô phụ… thi nhân lẫn trốn những thực tại hiện hữu của cuộc đời… trân quý nỗi buồn cô đơn... độc hành trên vạn nẻo tình mơ…
Mỗi âm điệu trong tình thơ của thi sĩ Kim Thành là những chuổi ngọc ngà của một thời dĩ vãng…, mỗi nốt nhạc là tiếng vọng từ muôn ngàn âm giai tình ái…. lời thơ rộn ràng, tao nhã, chơn chất, đầy ân tình…, tỏa hương thơm ngạt ngào…:
Love looks not with the eyes, but with the mind
And therefore winged cupid paiteđ blind
William Shakespeare: Đại Thi Hào Anh quốc (1564 - 1616)
Dịch nghĩa: Tình yêu không được nhìn bằng ánh mắt mà phải bằng trí tưởng tượng.
Và từ đó thần ái tình được vẽ như kẻ đuôi mù vạn thuở.
… Kiếp người dẫu có long đong
Vẫn còn đây chút tấm lòng thủy chung
Nói làm chi chuyện tương phùng
Cho thêm đau nhức một cung nhạc sầu
Chỉ biết là thương - Thơ Kim Thành
2- Thơ của thi sĩ Kim Thành không phải là một tác phẩm nguy nga, đồ sộ… nhưng rất độc đáo sắc sảo… ẩn hiện ngôn ngữ thi ca trữ tình diễm lệ… và đi đến tận cùng khắc khoải, suy tư…
Gọi mãi tên anh nghe xót xa
Dang tay em níu tháng ngày qua
Bốn bề sương phủ mờ dư ảnh
Ôm mảnh tình si em nhớ anh
Nhớ ơi là nhớ - Thơ Kim Thành
Hồn thơ nhạc đến từ “Cõi Hư Vô“ nên không thể nhìn bằng giác quan hay “sờ“ bằng xúc giác… Nó vô hình, vô thể… lung linh muôn sắc màu..., ẩn hiện vô thường… trong cõi mù sương tâm thức nên chỉ có thể lấy lời tâm phúc mà tương tri:
Mấy lời tâm phúc ruột rà
Tương tri dường ấy mới là tương tri
Kim Vân Kiều - Nguyễn Du
Châu Đại Dương - Vùng Biển Mặn
Những ngày tàn đông - 2012
(Lão Đưa Đò Trên Giòng Sông Biến Dịch)
Tài liệu tham khảo:
1- Thi phẩm Bến Đợi I (2007) - Bến Đợi 2 (2010) và CD: Tiếng Chiều - Như Ngẩn Như Ngơ - Em Đã Trở Lại Paris Thơ Nhạc KT̀ và TTPS.

Lời bài hát Em Đã Trở Lại Paris (Nhạc Tùng Nguyên, thơ Kim Thành


2- Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - VTV.
3- Hàn Dũ - Thơ Đường - NXBHN.
4- Sartre-Jean Paul - The Roads of Freedom - Paris 1945
5- Hồn Viêm Tộc Trong Lời Kinh Việt Đạo - VTV
6- William Shakespear - Oxford UNI - 1946
7- Khảo Cứu Văn học: Phần Thơ Tình Lãng Mạn - VTV
8- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim - TT/ Học Liệu/ Saigon 1971
9- Bảng Lược Đồ Văn Học VN - GS Thanh Lãng - NXB TB - Saigon 1967
10- Thương Chi văn Tập - Học giả Phạm Quỳnh - BQGGD - Saigon 1962
11- Chân Dung Nhà Thơ: Tình Yêu và Hạnh Phúc VTV
12- Khảo Luận Về Kim Vân Kiều - Học giả Đào Duy Anh - QHTT - Huế 1943.
 Vương Thiên Vũ
Theo http://www.ninh-hoa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...