Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Dấu ấn truyền thống qua “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu


Dấu ấn truyền thống qua “Thơ thơ” 
và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu
Trong Phong trào thơ mới, Xuân Diệu được biết đến như một nhà thơ mang dáng dấp Tây phương. Đã từng “ăn sâu bén rễ” trong tâm thế tiếp nhận của nhiều thế hệ người Việt nhận định nổi tiếng của Hoài Thanh: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Thi nhân Việt Nam). Nhưng "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió" - hai tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu - không chỉ có cách tân mà có cả kế thừa, vừa khoác lên mình bộ “y phục tối tân” vừa nhuần nhị bản sắc truyền thống Đông phương. Những bài thơ đặc sắc nhất trong hai tập như Đây mùa thu tới, Thu, Thơ duyên, Buồn trăng, Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ… đều có sự kết hợp tài tình, khéo léo hai phẩm tính cổ và kim, dân tộc và hiện đại. Nói cách khác, vốn liếng truyền thống quý báu đã là một phần không thể thiếu trong hành trang nghệ thuật của Xuân Diệu. Khi được tiếp sức bởi một hồn thơ có lối tư duy hiện đại và giàu sáng tạo, nó như được hồi sinh, toả sáng, góp phần đắc lực vào thành tựu rực rỡ của một chặng đường thơ được coi là hoàng kim của cả một đời thơ.
Đọc "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió", ấn tượng bao trùm không gian thơ Xuân Diệu là thiên nhiên tạo vật và con người tương giao hoà hợp, cảnh sắc đất trời và lòng người như có cùng giai điệu. Duyên của đất trời làm nẩy nở duyên lứa đôi:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ lá xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
(Thơ duyên)
Bên cạnh lối cảm nghĩ, nói năng, cách đặt câu lựa chữ có nhiều “lung lay” do sự xô đẩy của luồng tư tưởng quá mới mẻ, dồi dào, thơ Xuân Diệu vẫn gợi được một cái gì đó gần gũi, thân thuộc, rất Việt Nam cả trong tâm hồn và ngoại cảnh:
Chính hôm nay gió dại tới trên đồi,
Cây không hẹn để ngày mai sẽ mát.
Trời đã thắm, lẽ đâu vườn cứ nhạt?
Đắn đo gì cho lỡ mộng song đôi!
(Tặng thơ)
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm,
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?
(Cảm xúc)
Những câu thơ của Xuân Diệu cho thấy ông đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của quan niệm “Tam tài” - một dòng tư tưởng chi phối mạnh mẽ đến thi pháp thơ ca Trung đại bằng hệ hình: Thiên - Địa - Nhân hợp nhất. Cùng với thời gian “tứ thời” vô hạn, không gian “tứ phương” trong thơ Xuân Diệu có lúc tưởng chừng như vô cùng tận nhưng vẫn được đặt trong tương quan với con người - một tiểu ngã đơn côi giữa đại ngã vũ trụ: Bốn bề ánh nhạc biển pha lê/ Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề/ Sương bạc làm thinh khuya nín thở/ Nghe sầu âm nhạc đến sao khuê (Nguyệt cầm). Đành rằng Xuân Diệu từng say mê đón nhận thuyết hô ứng của phương Tây và đã rất thành công khi tạo nên một thứ thơ kết hợp cả hương vị, màu sắc, âm thanh (Huyền diệu, Hoa đêm…). Song, trong bức tranh thơ chung của Xuân Diệu, thuyết hô ứng dù mới mẻ vẫn chưa thể thay thế mô hình “Thiên – Nhân nhất thể”, chưa xoá mờ bản sắc phương Đông trong rất nhiều bài thơ đặc sắc của cả hai tập (Cảm xúc, Nụ cười xuân, Vì sao, Thu, Chiều, Thơ duyên, Tặng thơ, Mơ xưa…), chưa làm mất đi cái “dáng dấp yêu kiều, vẻ đài các rất hiền lành, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam đã quyến rũ ta” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam).
Trong thế giới thơ trữ tình, sự lựa chọn hệ thống mô típ, hình ảnh thể hiện đặc điểm thi pháp và kiểu tư duy của nhà thơ. Đó đồng thời cũng là những yếu tố lập nên phong cách. Về lĩnh vực này, Xuân Diệu khá gần gũi truyền thống. Viết về thiên nhiên, bức tranh bốn mùa trong thơ Xuân Diệu vẫn là hình bóng của nhóm “tứ quý”:  xuân, hạ, thu, đông  mai, đào, cúc, trúc… những mô-típ tài tử - giai nhân, những người thanh quý - tài sắc theo cách nói của Xuân Diệu đã là một kiểu nhân vật trữ tình có xuất xứ từ trong thơ văn cổ điển. Ngay một số phát ngôn của cái tôi tác giả - cái tôi chủ thể cũng không xa lạ với mỹ học tiếp nhận của người Việt:
Nghiệp tài tử nghìn xưa đông lắm chắc,
Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên.
Cảm nếp trán của người lo sáu khắc,
Thương năm canh nước mắt những ai phiền.
(Lời thơ vào tập Gửi hương)
Những hiện hữu của thiên nhiên: trăng, gió, mây trời trong thơ Xuân Diệu vẫn là những mẫu mực cho sự kết hợp giữa cảm quan vũ trụ Đông và Tây, giữa ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ pháp và sắc thái tượng trưng của Đường Thi Trung Hoa.
Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ,
Thương ai không biết, đứng buồn trăng.
Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió,
Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng.
(Buồn trăng)
Đặc biệt là những dòng chữ “lạ lùng” diễn tả cái khí lạnh của một đêm thu, không chỉ bởi khí trời mà là cái lạnh của ánh trăng, của tiếng đàn: đàn trăng. Nó là tập hợp của nhiều cảm giác, từ cảm giác thực đến siêu cảm giác, từ cảm nhận trực tiếp đến những liên tưởng xa xôi, là một thực thể sinh động về sự phối kết tài tình giữa cổ điển và hiện đại, Đông phương và Tây phương:
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
(Nguyệt cầm)
Ngay đến sự xuất hiện của “người đẹp” với những điểm nhấn là đôi mắt và cặp má hồng cũng vẫn rất thân thương, gần gũi với cảm thức á đông, hiền hoà và ấm áp:
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như thuyền.
Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
(Thu)
Là một nhà thơ uyên bác, có trình độ và am hiểu sâu Hán học, bên cạnh một số bài thơ mang tên Cảm xúc, Nguyên đán, Nhị hồ, Viễn khách, Nguyệt cầm, Lưu học sinh, Đa tình, Hy Mã Lạp Sơn…, ngôn từ thơ Xuân Diệu có khá nhiều từ Hán Việt được sử dụng hợp lý, tạo nên sự đa sắc cho bảng màu ngôn ngữ: khởi sự, vô biên, hoài xuân, ly biệt, đa mang, vô hình, nhân sinh, ân ái, ái tình, vô tâm, tài tử, đa duyên, sáu khắc, năm canh, riêng tây, giai nhân, kỹ nữ, đoạn trường, dung nhan, lữ cô, phong nhã, nhân gian, thiên di, phản trắc, hư vô, ý nhi, vô tình, sơn khê, trinh bạch, thiết thạch, nguyên tiêu, tiên tri, vô định, vạn kiếp, giang hà, phong cảnh, vô minh, cô liêu, thiên đường, hoan lạc, xuân tâm, trinh nữ, dương quan, cung nữ, biên thuỳ, tà dương, lữ hành, thiên thu, sơn hà, tà huân, niên hoa, đa tình, phong lưu, công tử, suy hưng, tạo hoá, vũ trụ, nhật nguyệt, vạn kỷ, vương giả v.v... và v.v…
Thế giới nhân vật của Thơ thơ và Gửi hương cho gió cũng biểu thị khá rõ rệt tâm thức hoài cổ của cảm hứng thơ. Sự hiện diện của những thiên tình sử Kim Trọng - Thúy Kiều, Phạm Thái - Quỳnh Như, Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Tiêu Lang - Lộng Ngọc… những địa danh A Phòng, Cô Tô, Chiêu Dương, Hậu Đình, Cung nhà Tần…, những tứ đại mỹ nhân gắn với tên tuổi của các bậc vua chúa, làm điêu đứng, thậm chí là gây nên những tấn bi kịch cho các triều đại phong kiến Trung Hoa như Tây Thi, Điêu Thuyền, Tần Nữ Dương Phi… cho thấy Xuân Diệu rất có ý thức trong việc khai thác và vận dụng các điển tích, điển cố. Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, qua trường hợp bài Mơ xưa, ông đã tìm được hàng chục kết nối liên văn bản với kho tàng văn thơ truyền thống: từ hạc đến tiên, từ chim phượng đến hoa cúc, từ nỗi “sen còn chung một đế” đến “cây cũng chắp liền cành”, từ “gió liễu chiều” đến “nước mắt hàng dương”, từ “cung nữ” đến “thi sĩ”, từ “ca oanh” đến “múa yến”, từ “xuân” đến “thu” v.v… lần lượt, tỉ mỉ qua 38 dòng thơ, nhà nghiên cứu đã có những đối sánh thú vị với Tô Đông Pha, Khuất Nguyên, Đào Uyên Minh, Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh, Đỗ Mục…, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà… Chọn Xuân Diệu, một hiện tượng điển hình của Thơ mới để tìm hiểu cách “đọc” văn học truyền thống của nhà thơ, Trần Nho Thìn đã lý giải khá thuyết phục mối quan hệ giữa tiền đề truyền thống với những nỗ lực cách tân của trào lưu thơ ca lãng mạn (*). Điều đó cách nghĩa vì sao khi viết về Xuân Diệu, mặc dầu luôn khẳng định những sáng tạo mới mẻ, Hoài Thanh vẫn không quên lưu ý đến cái “tình đồng hương vẫn nặng”, “cái tinh thần cố hữu của nòi giống” của người thơ.
Về thể thơ, hai tập thơ của Xuân Diệu sử dụng nhiều nhất là thơ 7 chữ có nguồn gốc từ thất ngôn truyền thống. Mỗi bài thơ được chia thành nhiều khổ, mỗi khổ 4 câu ngay ngắn. Vần và nhịp có nhiều thừa kế thi pháp cổ điển, 4 câu 3 vần:
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
(Thu)
Nhịp thơ cũng thường là 4/3 hoặc 2/2/3 như cách phân bổ của thất ngôn bát cú và tứ tuyệt:
Mây biếc về đâu/ bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng/ cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng/ giang thêm cánh,
Hoa lạnh/ chiều thưa/ sương xuống dần
(Thơ duyên)
Thể lục bát khá hiếm hoi, cả 2 tập chỉ 7/104 bài. Tuy nhiên vẫn có thể nhận ra điệu hồn lục bát dân tộc qua sự trầm lắng của cảm xúc và sự mềm mại, uyển chuyển của ngôn từ. Đó là thứ lục bát “quí tộc”, gần với mỹ cảm của Nguyễn Du và khá xa cách với ca dao:
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm em chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn…
(Chiều)
Mặc dầu Xuân Diệu được đánh giá là thành công hơn cả ở thể thơ 8 chữ (có nguồn gốc từ cổ phong, hát nói) với Lời kỹ nữ, Phải nói, Giục giã, Mời yêu… nhưng thơ 7 chữ của ông đậm nét truyền thống hơn. Nhiều bài thơ trong hai tập trở thành nổi tiếng là một phần nhờ vẻ đẹp cổ kính ấy (Nụ cười xuân, Trăng, Huyền diệu, Nhị hồ, Đây mùa thu tới, Ý thu, Thơ duyên, Nguyệt cầm, Buồn trăng, Thu…). Theo thống kê của chúng tôi, tỉ lệ thơ 7 chữ nhiều hơn cả: 49/104, trong khi đó thơ 8 chữ là 37/104. Thơ 5 chữ lại càng ít ỏi 5/104 bài. Và so với Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, thể thơ này của Xuân Diệu không mấy đặc sắc. Hồn cốt của ngũ ngôn truyền thống có lúc đã bị pha loãng: Cho lòng xin chút hương/ Cho lòng xin chút lửa/ Cho lòng xin chút thương/ Cho lòng xin chút nữa… (Chiều đợi chờ). Ngắn nhất là bài thơ chỉ có 2 câu:
Mưa dầm - thu dưới nguyệt
Máng chảy - suối trần nhà
(Mười chữ)
Tuy thế, tinh thần, sự đúc đọng của ngũ ngôn được biểu thị phần nào khi ông tìm về một khía cạnh của thơ văn cũ qua mô thức biệt ly, đưa tiễn:
Mắt nghẹn nhìn thâu dạ;
Môi khô hết níu lời…
Chân dời, tay muộn rã…
Kẻ khuất… kẻ trông vời…
Buổi chiều ra cửa sổ;
Bóng chụp cả trời tôi!
Ôm mặt khóc, rưng rức;
Ra đi là hết rồi.
(Viễn khách)
Còn lại, thơ 5 chữ của Xuân Diệu dường như chỉ là hình thức, là số lượng của từ vị trên mỗi dòng thơ.
Cuối cùng, một trong những thủ pháp truyền thống được Xuân Diệu sử dụng nhiều nhất và có tần số văn bản cao nhất, đó là các hình thức đối. Nhờ phép tắc mang tính quy phạm này, câu thơ Xuân Diệu dù mới mẻ và hiện đại vẫn luôn có được ngữ điệu nhịp nhàng và ý nghĩa thanh toát. Nó thể hiện sự am tường của nhà thơ về kỹ thuật trữ tình cổ điển, là cơ sở để thứ âm điệu trầm bổng du dương trong thơ Xuân Diệu thăng hoa, lan tỏa.
Về phương diện này, Xuân Diệu đã rất gần gũi với truyền thống khi ông tiếp nhận rộng rãi các cách thức đối của thơ ca dân tộc từ đối thanh đến đối ý, đối ngược đến đối xuôi, từ đối cách cú đến đối câu và tiểu đối. Hơn 80% tổng số các bài thơ trong cả hai tập sử dụng phép đối đã cho thấy đây là một hiện tượng đáng lưu ý, một dấu hiệu thi pháp nổi bật của nhà thơ. Không còn bị trói buộc trong những lề luật gò bó của thơ cũ, các hình thức đối ở thơ Xuân Diệu có phần linh hoạt, phóng khoáng hơn. Câu thơ trở nên hài hoà và nhịp nhàng cả lời lẫn ý.
Đối đoạn (còn gọi là đối cách cú) là một phương thức đối mới được Xuân Diệu vận dụng nhiều và có sáng tạo trong thơ. Cách đối này không tự nhốt trong khuôn khổ của trật tự từ, số từ, loại từ… mà vẫn đảm bảo sự chặt chẽ của tình, ý. Tứ thơ không bị “loãng”, cảm xúc và nhịp điệu bài thơ trôi chảy, liền mạch:
Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước, đứng say sưa;
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay; - thế cũng vừa.
(Vì sao)
Chỉ là gió, nhưng lòng tôi thả bướm,
Thêm phất phơ cho hơi thở vừa hiền;
Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên…
Chỉ là tình; nhưng tôi rất mê man
(Chỉ ở lòng ta)
Cứ thế, lời gợi lời, ý đối ý đã tạo nên những tương xứng hài hòa rất cần thiết cho từng bài thơ: “Các chữ đi tiếp với nhau thì phải hứng đỡ lấy nhau, tương xứng với nhau” (Xuân Diệu). Sự kết nối mạch lạc giữa ý và lời, sự cân bằng nhịp điệu giữa khổ thơ này với khổ thơ kia, đoạn trên và đoạn dưới trong các bài Cảm xúc, Vì sao, Huyền diệu, Chỉ ở lòng ta, Giục giã, Đa tình, Tình mai sau… chính là nhờ hình thức đối này.
Đối câu được coi là kiểu đối phổ biến nhất trong thi ca cổ điển dân tộc. Kế thừa quy tắc truyền thống này, Xuân Diệu đã tạo cho câu thơ độ kết lắng, chặt chẽ và đúc đọng. Điều đó cho thấy nhà thơ mới của chúng ta rất am tường về âm thanh, từ loại, về sự tương xứng và “kỹ thuật pha màu” trong ngôn ngữ, đặc biệt là “cái ý thức nền tảng về kỷ luật ngôn từ”. Người đọc đã không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp trong thơ ông những vế đối rất chỉnh:
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
(Lời kỹ nữ)
Mái tranh tàng đỡ rét một đêm sương,
Vò nước lã mát xoàng đôi buổi nắng.
(Chỉ ở lòng ta)
Hiu hắt nhẽ bốn phương trời vò võ,
Lạnh lùng chăng sầu một đỉnh chon von
(Hy Mã Lạp Sơn)
Và rất nhiều những câu thơ khác nhờ phép đối mà những cặp câu đi song đôi có được sự tương phản (nếu là đối ngược) hoặc tương đồng (nếu là đối xuôi) về mặt ý nghĩa và hợp lý về cấu trúc âm thanh:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
(Thơ duyên)
Tay ái ân du khách hãy làm rèm
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
(Lời kỹ nữ)
Thắm tuyệt vọng hai hàng bông phượng lửa
Thê lương đời như trải mấy binh đao.
(Hè)
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.
(Xuân không mùa)
Khác với đối câu, đối chữ (còn gọi là tiểu đối) thường diễn ra trong phạm vi của từng câu thơ. Với Xuân Diệu, đây thực sự là một hiện tượng đặc biệt lạ thường. Ông đã thực hiện phép đối này trên tất cả các loại từ, ở tất cả các thể thơ với mặt bằng ngôn ngữ vô cùng rộng lớn và một tần số văn bản cao chót vót.
Thơ 4 chữ:                         
Trăng thu, gió hè
Đổi bờ, thay đê.
Thơ 5 chữ:                       
Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết.
Thơ lục bát:                        
Mây dàn rộng, gió dàn mau
Nẻo chừng đã khuất, lòng đau còn chờ.
Thơ 7 chữ:               
- Hiển hiện hoa và phảng phất hương
- Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn
- Phong cảnh trăm năm, buồn vạn đời
- Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà... v.v...
Thơ 8 chữ:               
- Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
- Phút gần gũi cũng như giờ ly biệt
- Tôi ưng đùa, người hãy cợt thản nhiên
- Bằng lời riêng, nơi cuối mắt đầu mày.
- Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
- Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt v.v...
Ở thể hỗn hợp, phép đối rơi vào câu nào, ông ứng biến theo đơn vị số từ trong câu. Riêng với những câu thơ 9 chữ hiếm hoi, nhà thơ ngắt thành 3 vế đều đặn:
- Nửa câu nói, một chút cười, đôi tiếng thở.
- Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng.
Đó là những tìm tòi xét theo đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất của mỗi câu thơ. Nhưng trong phạm vi toàn bài, để tránh sự rời rạc mà phép tiểu đối có thể gây nên, Xuân Diệu một lần nữa lại tìm cách liên kết chúng thành 2 câu, 4 câu, 6 câu như những nhịp chẵn đều đặn:
2 câu: 
Thôi hết rồi! còn chi nữa đâu em!
 Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm.
(Tương tư chiều)
Tơ liễu giong gần tơ liễu êm;
Bướm bay lại sánh bướm bay kèm.
(Rạo rực)
4 câu:
Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch
Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ
Hương mới thắm bền ghi như thiết thạch
Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ.
(Tình thứ nhất)
6 câu:
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài.
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
(Giục giã)
Rõ ràng là phép đối trong thơ Xuân Diệu được sử dụng ở tất cả mọi cấp độ và với mật độ dày đặc. Những bài thơ đặc sắc như Cảm xúc, Vội vàng, Xa cách, Lời kỹ nữ, Mời yêu, Chỉ ở lòng ta, Tặng thơ, Xuân không mùa, Hoa đêm… luôn có sự cân đối, hài hòa giữa các vế trong từng câu, giữa các câu trong từng đoạn như một dòng chảy liền mạch của cảm xúc và âm điệu. Đặc biệt, có một số bài từ lúc mở đầu cho đến khi kết thúc là sự xen kẽ, thay thế, di chuyển liên tục các hình thức đối:
Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói;
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.
(Giục giã)
Không chỉ riêng phép đối, các yếu tố hình thức khác như nhịp, vần, thanh, điệu… cũng được Xuân Diệu vận dụng một cách sáng tạo trên cơ sở truyền thống. Chính vì vậy, dù góc tiếp cận và cách đọc khác nhau, “cộng đồng diễn giải” vẫn có chung cảm nhận là thơ Xuân Diệu “cực kỳ du dương”, tiêu tao, réo rắt, là “một sự tuyệt tác của nhạc cảm”… Để đạt đến hiệu ứng thẩm mỹ đó, Xuân Diệu, ngoài khả năng thẩm âm tinh tế còn có biệt tài sử dụng một nghệ thuật hòa âm rất mực điêu luyện bởi kết hợp được những giai điệu quyến rũ của cả cổ nhạc và tân nhạc.
Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) là hai tác phẩm đã làm rạng danh tên tuổi của Xuân Diệu trên thi đàn lãng mạn 1932-1945. Là một gương mặt sáng giá, một vận mệnh thi ca tiêu biểu cho cả thế hệ thi nhân tiền chiến, thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 ở những bài thành tựu nhất luôn có sự gặp gỡ, giao thoa văn hóa Đông - Tây, nhuần nhị, hài hòa giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại.
Trên hành trình nửa thế kỷ của đời thơ Xuân Diệu, Thơ thơ và Gửi hương cho gió là hai tập thơ lưu giữ nhiều dấu ấn truyền thống và chắt lọc được nhiều nhất tinh hoa của thơ cổ điển Việt Nam. Sau 1945, dưới sự chi phối của quan điểm sáng tác “chân chân chân, thật thật thật”, Xuân Diệu đã gắng gỏi mở lòng để đón nhận hơi thở của ca dao, của văn chương bình dân nhưng không mấy thành công… Cái cốt cách, phong điệu tài hoa, sang trọng, đài các của người thơ dễ hòa nhập hơn với tố chất uyên bác, tài tử của thơ ca bác học. Chính vì vậy, bước vào thế giới nghệ thuật của Thơ thơ và Gửi hương cho gió, chúng ta đã bắt gặp một tâm hồn Việt và một lối kiến trúc thơ Việt ở vào thời điểm nhiều ý nghĩa của tiến trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc.
Ghi chú:
(*) Xem Trần Nho Thìn: Nhà thơ lãng mạn “đọc” văn học phương Đông truyền thống: Xuân Diệu với bài Mơ xưa. Tiếp nhận văn học nghệ thuật - NXB Đại học Quốc gia. H. 2013, Tr. 509.
Lý Hoài Thu

Theo http://vanhien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...