Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Thiên đường ngưỡng vọng trong thơ Bùi Giáng

Thiên đường ngưỡng vọng 
trong thơ Bùi Giáng
Dưới ánh sáng của cổ mẫu, đường dẫn trong vô thức tập thể, cõi thơ dị biệt Bùi Giáng hiện ra ở nhiều góc độ. Trong đó, cổ mẫu Vườn mang đến cho người đọc một “Thiên đường ngưỡng vọng” thông qua hai biểu tượng lớn mùa Xuân và màu Xanh. Chân dung tự hoạ của thi nhân cũng từ đấy hiện ra rõ nét: một Bùi Giáng phân thân, hiền triết, luôn trăn trở, hoài niệm nhưng cũng không ngừng mơ ước và tìm kiếm về hạnh phúc uyên nguyên, thiện lạc của cuộc sống.
Thế kỷ XX, một cơn gió vô tình hay bàn tay hữu duyên nào của Tạo hóa bỗng gieo về trong khu vườn thi ca Việt Nam hai hạt giống lạ, hai hiện tượng dị thường tiêu biểu cho thơ ca loạn trí: Hàn Mặc Tử - tiền bán thế kỷ và Bùi Giáng - hậu bán thế kỷ. Nói như Chế Lan Viên (về Hàn Mặc Tử) và Hoàng Phủ Ngọc Tường (về Bùi Giáng): “nửa thế kỷ còn lại một người” [6; 227]. Thật vậy, hai hạt giống ấy, bất chấp những tàn tạ của thể xác, vẫn âm thầm phát tiết mãnh liệt trong cơn bão lòng và bão đời để lại cho chúng ta hôm nay những cây quả thơm ngọt đầy nhân bản và độc đáo: Sơ sinh phát tiết muộn lời/ Tâm hồn như lộc trang đời như điên (Đề tựa tập Rong rêu, Bùi Giáng). Có thể nói, giữa hai nhà thơ ấy, lâu nay Hàn Mặc Tử được giới độc giả chuyên lẫn không chuyên quan tâm nhiều, còn Bùi Giáng ít được nhắc đến, nhất là với tư cách một thi nhân tiêu biểu. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi xin viết về thi sĩ Bùi Giáng, cũng nhân dịp sắp kỷ niệm 16 năm ngày mất của ông (7/10/1998 - 7/10/2014). 
Nhưng con đường nào để thâm nhập cõi thơ Bùi Giáng, một cõi thơ lúc phiêu bồng trong vô tận vui với màu hoa trên ngàn, lúc đẫm ướt dưới mưa nguồn, ngàn thu rớt hột, lúc nóng bỏng như sa mạc phát tiết và lúc bồng bềnh, mù khơi ngất tạnh như rong rêu, tuyết băng vô tận xứ? Cách thức nào đây để làm bong lớp mặt ngôn ngữ rối rắm như mê cung của nhà thơ để hiểu những ẩn tàng dưới đáy sâu đó? Và liệu chăng có thể dùng thuần lý trí để hiểu một người làm thơ không bằng lý trí như Bùi Giáng? (Một ngày đêm, ông có thể làm hơn trăm bài, tập thơ Mười hai con mắt với hơn 130 bài được ông sáng tác trong một ngày lễ Noel 1996  là một ví dụ). Vì vậy chúng tôi thử chọn một con đường khác, con đường của vô thức, con đường mà Carl Gustav Jung - nhà phân tâm học Thụy Sĩ - đã giới thiệu đến chúng ta từ những năm đầu của thế kỷ XX để vận dụng khám phá văn học nghệ thuật. Với khái niệm mấu chốt cổ mẫu, phương pháp phê bình cổ mẫu được mở ra giúp chúng ta khám phá ngôi nhà ngôn ngữ kỳ bí của Bùi Giáng. Và cổ mẫu Vườn là một trong những cổ mẫu tiêu biểu trong thơ Bùi Giáng mà thông qua đó, người viết tìm thấy một Thiên đường ngưỡng vọng chan chứa, bất tuyệt. 
Thật vậy, khám phá vô thức là điều lý thú và quan trọng để tìm hiểu thế giới tâm lý tinh thần của một nhân cách, đặc biệt thông qua cổ mẫu. Bởi cổ mẫu - archetype (theo Từ điển văn học) là “những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh trong tưởng tượng của con người, chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại; vô thức tập thể này là một yếu tố đặc trưng cho tất cả các vô thức cá nhân” [3; 972]. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới cũng nhấn mạnh: “Các mẫu gốc hiển hiện ra như những cấu trúc tâm thần gần như phổ biến, bẩm sinh hay được thừa kế, một thứ ý thức tập thể; chúng thể hiện qua các biểu tượng đặc biệt chứa đầy một công suất năng lượng lớn. Chúng đóng một vai trò động lực và thống nhất đáng kể trong sự phát triển nhân cách” [1; XXI]. Vô thức, được các nhà phân tâm học luôn khẳng định, tuy không hiển hiện ra ngoài và dễ nắm bắt như ý thức nhưng lại là phần nền tảng hình thành nên bản vị con người. Saint - Exupéry trong Hoàng tử bé cũng viết: “Điều thiết yếu thì vô hình” (L’essentiel est invisible). Vô thức ví như lòng Trái Đất sâu dày chúng ta không nhìn thấy, còn ý thức là những gì diễn biến trên mặt đất mà chúng ta có thể theo dõi được. Tính cách con người hiển hiện bên ngoài cũng thế, có người như ngọn núi lửa nóng bỏng, người như đại dương băng giá mênh mông, người như đồng bằng trù phú ấm áp, người như rừng núi hoang vu…
Mỗi khu vực tính cách đều do kết cấu thực địa, thổ nhưỡng dưới lòng đất quy định. Nếu có một ngày, ngọn núi lửa kia bỗng trỗi dậy phun trào nham thạch, đại dương bỗng giận dữ nổi sóng hoặc đồng bằng trở nên xơ xác hay núi rừng lại trở nên tưng bừng hoa lá, cây cỏ… thì ta hiểu rằng những biến đổi ấy đều có nguyên nhân, diễn biến sâu xa, âm thầm từ trước đó. Cũng như cây thơ Bùi Giáng trước khi đơm kết thành những chùm hoa đẹp và quả quý cho hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng thì cây đã có quá trình sinh trưởng lâu dài cũng như hấp thu dưỡng chất từ mặt đất rộng lớn. C.G. Jung nói: “Cái sáng tạo sống và lớn lên trong con người, như cái cây mọc lên từ tầng đất đã cung cấp cho nó những nhựa sống cần thiết” [7; 60]. Vô thức tập thể chính là “nhựa sống cần thiết” có sẵn trong mảnh đất nhân loại, cung cấp ngẫu nhiên cho cây thơ Bùi Giáng phát triển. Tìm hiểu Vườn, chúng ta sẽ thấy được những dưỡng chất màu mỡ ấy. 
Vườn, trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, được cắt nghĩa: “Vườn là một biểu tượng của Thiên đường trên mặt đất, của Vũ trụ mà vườn là trung tâm; của Thiên đường trên trời mà vườn là hình tượng; của các trạng thái tinh thần như lúc được sống trên Thiên đường” [1; 1004]. Còn Thiên Đường là một khu vườn có cây cối tươi tốt và hoa quả sum suê do ảnh hưởng của Trời, nơi có nguồn nước mạch, có mùa xuân, ánh sáng bất tận, có tiếng nhạc du dương và sự hiện diện của các thiên thần [1; 888-889]. Thiên đường (Paradis), chữ Phạn là Paradêsha, miền đất tối thượng. Đó là chốn hạnh phúc mà con người được sống mãi, không cần phải nỗ lực. Trong sách Sáng thế, Thiên đường trên mặt đất chính là Vườn địa đàng mà Adam coi sóc. Cuộc sống của Thiên đường trần gian này luôn hưởng ân huệ của Chúa Trời. Adam và Eva có quyền ăn tất cả các loại cây trái trong vườn ngoại trừ cây nhận biết Thiện - Ác. Nên kể từ khi Adam sai phạm ăn quả cấm, bị Chúa Trời bắt phạt, Thiên đường trần gian đã vụt mất trong tay con người không thể tìm lại được, đồng thời mối quan hệ khăng khít giữa Trời - Đất bị phá vỡ bởi sự sa ngã đó của loài người. Niềm nuối tiếc Thiên đường đã mất kể từ đó lưu lại trong ký ức nhân loại, lâu dần trở thành trạng thái tâm lý phổ biến. 
Còn Thiên đường trên trời có nhiều tầng, nhiều cửa. Đạo Hồi quan niệm Thiên đường đó có tám tầng, tám cửa và chìa khóa mở cửa mỗi tầng có ba răng: thừa nhận duy nhất, phục tùng Thượng đế, không làm điều gì bất chính [1; 888]. Đó là cõi bất tử đầy mơ ước của con người: “Một ngày trên thiên đường bằng một ngàn ngày dưới trần. Bốn dòng sông từ trên núi xạ hương chảy xuống, hai bờ sông toàn là ngọc trai và ngọc đá, có bốn ngọn núi (Uhud, Sinai, Liban, Hasid). Cây chuối ở đó to đến nỗi một con ngựa phải phi nước đại một trăm năm mới ra khỏi bóng râm của nó. Chỉ một chiếc lá cây táo bên rìa vườn cũng đủ làm mái nhà che chở cho toàn thể các tín đồ” [1; 888]. 
Thơ Bùi Giáng từng thấp thoáng bóng dáng cây chuối thần kỳ đó: “Chuối tơ từ mọc trong vườn/ Mênh mông nhớ cảnh Thiên đường chia xa” (Chuối tơ - Ngàn thu rớt hột). Và Thiên đường chia xa ấy chính là Vườn Thiên đường bất tuyệt đầy mơ ước (ngưỡng) và nuối tiếc (vọng) với ngập tràn mùa Xuân, màu Xanh nhiên giới, nguồn Nước vĩnh cửu và hình ảnh Thần Tiên trong thơ Bùi Giáng, (Do dung lượng bài viết có hạn, chúng tôi chỉ xin nói về hai biểu tượng mùa Xuân và màu Xanh). 
Mùa xuân: 
Môtíp Xuân bàng bạc trong thơ Bùi Giáng. Tần số xuất hiện của Xuân chỉ đứng sau Sương, hơn 700 lần với Chào nguyên xuân, Màu xuân, Bờ xuân, Xuân thu trang phượng, Xuân xanh, Xuân Bình Dương, Xuân thôn nữ, Và màu xuân đó, Thư xuân, Lời xuân, Mùa xuân tao ngộ, Xuân cổng trước, Nguyên xuân, Gió xuân lệ đất, Xuân đi bước với, Mỗi xuân mỗi mỗi, Xuân thu, Xuân mùa, Mừng xuân, Bình nguyên xuân, Xuân này, Mừng xuân viễn vọng, Xuân phố, Mùa xuân trong thi ca (bình thơ), Mùi hương xuân sắc (dịch)… 
Trước hết, Xuân trong thơ Bùi Giáng là mùa Xuân thơ đẹp của đất trời, quê hương: “Chểnh mảng mùa xuân vẫn tới gần/ Muôn nghìn hồng tía quá thanh tân”, “Thân thiết như hồn thanh thiếu nữ/ Thuần nhiên tợ mộng tuyết băng tâm/ Người từ xa lắc về thăm viếng/ Xuân Sắc Quê Hương đẹp quá chừng” (Xuân - Thơ vô tận vui), “Ra đi hẹn với Xuân đầu/ Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh” (Lời Xuân - Mưa nguồn), “Mùa xuân hoa nở nhiệt tình/ Tâm tư thỏa thích thình lình tê mê” (Mỗi xuân mỗi mỗi - Đêm ngắm trăng)… Một cách khái quát, Xuân biểu trưng cho những gì hạnh phúc, tươi đẹp và ngập tràn sức sống. Xuân trong thơ Bùi Giáng cũng rộn ràng âm sắc như bao mùa Xuân đã trải và như chúng ta đã thấy. Cũng vóc dáng tuyệt trần muôn thuở, cũng khoác lên người chiếc áo lộng lẫy của thiên đường hạnh phúc: muôn nghìn hồng tía, thanh tân, hồn thanh thiếu nữ, thuần nhiên tợ mộng, tiếng ca hòa thanh với lời…, nhưng cõi tâm tư của nàng Xuân đã bị chiếm lĩnh bởi niềm nuối tiếc, hoài vọng về thuở vàng son đã vụt mất của chính mình. Trong Mùa xuân trong thi ca, Bùi Giáng viết: “Ly biệt là tất cả những gì ta biết về thiên đường, và tất cả những gì ta cần nơi địa ngục” (tr.7).
Thiên đường không còn nữa cũng đồng nghĩa hạnh phúc đã xa và bất hạnh đang kề bên. “Mùa Xuân trong thi ca con người từ đó mang tính chất hàm hỗn: vừa tưng bừng nô nức vui tươi, vừa ngậm ngùi tư lự” (tr.8). Những nhận định tinh xác trên của Bùi Giáng đối với thơ Xuân trong Truyện Kiều - Nguyễn Du đã hiển bày rất rõ nỗi ám ảnh của ông về những gì tươi đẹp đã mất cũng như những “hiểm họa” sẽ chực đến trong không gian Xuân: “Ngày xuân lộng lẫy mà phiêu hốt phù động như thế, thì tiếp theo, lù lù hiện ra cái cảnh tư lự của người ta: Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dan tay ra về. Ra về cõi nào? Không rõ. Không dám biết. Không dám nói ra” (tr. 8). Thật vậy, đó chính là cái cõi “bạc mệnh” của Thúy Kiều đã được dự báo trước trong khung cảnh Xuân đẹp mà ảm đạm, ảo não. Ở đây, Bùi Giáng như đã hóa thân thành Nguyễn Du, “nhảy” vào Truyện Kiều để trần tình Xuân mộng. Bởi vào thời khắc ấy, Bùi Giáng đã gặp Nguyễn Du, tay bắt mặt mừng và thắm thiết kết giao tình “vong kỷ” trên lối về vô thức nhân loại. Nói như Jung, đó là khoảnh khắc hạnh phúc đánh dấu đỉnh điểm “cường độ cảm xúc đặc biệt”, đó là lúc “dây đàn” bấy lâu im tiếng bỗng trỗi lên mạnh mẽ. Nhà thơ được “giải phóng triệt để”, “thấy mình như mọc cánh bay”, “như có một sức mạnh không sao cưỡng nổi túm lấy” [8; 71]. Và Bùi Giáng đã không còn là Bùi Giáng mà là Nguyễn Du (thấu hiểu nàng Kiều), là Tử Kỳ (thấu hiểu Bá Nha)… Tiếng nói nhà thơ đã trở thành tiếng nói tri âm, tiếng lòng thổn thức về một dáng Xuân xanh ngần, bất tuyệt đã khuất bóng: “Mùa xuân hẹn thu về em trở lại/ Bên đời đi còn giữ mãi hay không/ Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại/ Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng” (Xuân thu trang phượng, Mưa nguồn). Cái sầu hoang vu và nỗi niềm vĩnh vọng đã choáng hết tình Xuân của Bùi Giáng. Nhà thơ như đứa con lạc lõng giữa thực tại khi mãi mơ về quá khứ hoàng hoa, về bến bờ Xuân hãy còn rập rình sóng vỗ: “Chiêm bao non biển khởi từ/ Hoàng hoa đi lại trong mù sương in/ Nước xuân vỗ bến rập rình/ Đứa con đi lạc tự mình mẩy gieo” (Non biển - Ngàn thu rớt hột). Cho đến một độ, nhà thơ quay quắt choáng váng vì cảm giác hụt hẫng, lạc lõng đó: “Cái gì như thể xuân đi mất/ Ký ức xuân đầu đốt nướng thiêu/ Quay quắt có chừng em chóng mặt/ Bình minh tan mất giữa sương chiều” (Phiêu bồng -  Rớt hột phiêu bồng). 
Hay “Chiêm bao chẳng thể nào ngờ/ Cái gì như thể một giờ phút qua” (Thấp thoáng - Mùa màng tháng tư). “Cái gì như thể”, chỉ có thể là “Thiên đường như thể”. Bởi chỉ Thiên đường vụt mất, nghĩa là hạnh phúc vụt mất, con người mới có cảm giác lòng mình bị thiêu đốt, ký ức cháy rụi và thời gian trôi nhanh, quay quắt đến chóng mặt, phũ phàng. “Bình minh tan mất giữa sương chiều”, câu thơ đã diễn tả chân xác cái trạng thái chới với, nuối tiếc và đau khổ của nhà thơ trong tình thế đối lập bình minh với chiều tà, ngày và đêm, sáng và tối. Hai chữ “tan mất” như cái tua quay, chiếc “cối xay” cuốn bình minh thoắt cái đã sang chiều. Khái niệm đời người trở nên hạn hữu, ngắn ngủi tựa đóa phù dung sớm nở tối tàn. Phải nói rằng, linh giác nhà thơ rất tinh nhạy. Không gọi thành tên, “không rõ”, “không dám nói ra”, nhà thơ chỉ nói “cái gì như thể” nhưng cảm giác “đánh mất” là có thật: Xuân đi mất, Bình minh tan mất. Xuân đó, Bình minh đó chính là Thiên đường ngưỡng vọng mà có lúc nhà thơ đã bất lực không giữ nổi: “Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến/ Ô thiều quang! Làn nước cũ trôi mau” (Giã từ Đà Lạt - Mưa nguồn). 
Và như tất yếu, tiếp nối sự hụt hẫng, “đánh mất” là ý thức tìm kiếm của con người. Nên nhà thơ đã ra đi, tìm về mùa Xuân giữa cội nguồn nguyên sơ Rừng Núi, Khe ngàn: “Gió mang trong cánh hồ đồ/ Màu Xuân Gái Núi hùm xô đuổi về/ Ra đi gió định trở về/ Ngày sau mây hẹn trả khe đầu ngàn”(Hè sau thế kỷ, Ngàn thu rớt hột). 
Theo cuộc tìm kiếm ấy, có thể thấy biểu tượng Xuân trong thơ Bùi Giáng rất đặc biệt. Bởi Xuân gắn bó rất ít với các yếu tố hữu hình như hoa lá, cây cỏ, chim én, đất trời, non nước… mà hầu hết gắn với các yếu tố vô hình tạo thành mùa Xuân phi hình: xuân thơ dại, xuân ký ức… và ấn tượng nhất phải nói đến biểu tượng phi hình “Xuân Tinh Thể”: “Đi về mây gió trong thân/ Tìm Xuân tinh thể mây tần tần xa” (Đi về IV, Thơ Bùi Giáng, Nxb Việt Thường); “Rong rêu ngày tháng rong chơi/ Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là” (Bé con ơi, Thơ Bùi Giáng - Nxb Thế kỷ). 
Xuân Tinh Thể là hạt nhân nhỏ bé, đặc biệt chỉ có trong thơ Bùi Giáng. Đó là một nguyên tử phi hình được hình thành từ trong sâu thẳm lòng Đất: “Mọc từ đất trích mòn hao/ Mùa Xuân Tinh Thể xin chào Hồng Sơn”(Xin em ở lại - Ngàn thu rớt hột). Vậy Xuân Tinh Thể là gì nếu không là sức sống nhiên tuyệt, thuần khiết muôn đời của Đất, nếu không là bản chất tươi nguyên, rạng ngời, mỹ lệ của Thiên đường trên mặt đất.
Vì vậy, mặc cho “rong rêu ngày tháng” bám phủ, mặc cho tấm thân “đi về mây gió” tan tác, Bùi Giáng vẫn miệt mài và thăng trầm với cuộc hành trình tìm Xuân Tinh Thể của mình: “Tìm Xuân Tinh Thể lạc màu/ Bỏ thương nhớ lại bên cầu nước trôi” (Kỷ niệm - Lá hoa cồn), “Tìm Xuân Tinh Thể mênh mông/ Vén xiêm he hé liệu trồng vun cho”; “Hàng hàng cỏ mọc tiêu ma/ Mùa sau tinh thể xuân ngà hết chia”; “Trăm năm chưa trọn một lời/ Gãy Xuân Tinh Thể tạ đời ra đi”; “Thoáng cỏ long lanh màu kỷ niệm/ Hờn Xuân Tinh Thể dấu hoa chìm” (Alêthéia II, Kia kia gió xuống, Albert Camus, Tặng vật - Ngàn thu rớt hột)… Và cuối cùng Xuân Tinh Thể cũng được tìm thấy nhưng không phải trong quá khứ mà trong Thiên thu trang ngàn sau: “Mai sau ải hạng lặng chìm/ Xuân Tinh Thể lạc nhầm tin Hạnh Hồng” (Ngàn thu rớt hột). 
Thơ Bùi Giáng từ vị trí này chuyển sang không gian mới, vùng trời mới: không gian tương lai. Thật vậy Xuân Tinh thể đã được hiển hóa trong thiên nhiên thành tượng trên ngày phù du: “Mùa xuân hiện giữa ngày mai/ Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du” (Bé con ơi - Thơ Bùi Giáng, 1994). 
Như nguyên lý kỳ diệu của cuộc sống, một tế bào bé nhỏ vẫn có thể tái sinh thành mầm sống lớn lao mạnh mẽ, Xuân Tinh Thể đã phức hợp gen, nhân giống tạo nên Nguyên hình Nữ Chúa ngày mai (“Thiên nhiên thành Tượng một nàng gieo châu” - Thơ tựa Màu hoa trên ngàn). Lớp sương mù hoài niệm trong thơ Bùi Giáng giờ đây được vén lên bằng hình tượng Chúa Xuân tỏa sáng. Mùa Xuân đã ngả về phía ngưỡng nhiều hơn vọng: “Bài thơ vô lượng tặng người/ Xuân xanh trái đất niềm vui cuối cùng/ Đường qua ngôn ngữ điệp trùng/ Mừng xuân viễn tuyệt đêm từng từng đêm” (Bài thơ vô lượng - Thơ Bùi Giáng); “Từ cố quận tái sinh xuân tận tuyệt/ Tới tha phương khách địa thu thập thành” (Không thể nói rằng - Rong rêu)… Không còn xuân thơ dại, xuân ký ức mà là xuân viễn tuyệt, xuân tận tuyệt (viễn: vĩnh viễn; tận: vô tận, bất tận; tuyệt: tuyệt diệu, bất tuyệt…). Thơ Bùi Giáng thường xuyên sử dụng những tính từ chỉ cấp độ vô cực như thế: Thơ vô tận vui, Tuyết băng vô tận xứ, Từ vô tận chúng em, Ông từ vô tận, Con từ vô tận, trần gian bất tuyệt… Ngôn ngữ vô cực đã đẩy mùa Xuân thoát tiến lẫy lừng về phía đầu mút tương lai và như câu thần chú “Vừng ơi mở ra”, ngữ ngôn ấy đã mở ra trước mắt người đọc một Thiên đường tái sinh, bất tử: “Xuân xanh mở cỏ hương màu/ Mở thiên thu mộng yêu đào cho mơ” (Từ ấy - Thơ Bùi Giáng); “Thiên thu về chết một vài/ Bừng xuân nộ phóng giậy ngày tái sinh” (Tái sinh - Thơ Bùi Giáng); 
Thưa rằng: ly biệt mai sau 
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân 
(Chào nguyên xuân - Mưa nguồn) 
Những câu thơ trên đã chuyển Thiên đường trên mặt đất thành Thiên đường trên trời. Vườn thơ Bùi Giáng giờ mang một sắc thái mới, không còn triền miên sâu lắng trong Cội nguồn nhiên giới ngàn xưa mà đột phá tưng bừng trong cõi miền tái sinh hoa lá hương màu sáng láng. Nhà thơ thủng thẳng thưa với chúng ta rằng, ly biệt chỉ là cái then do tạo hóa sắp đặt nhằm giúp con người hóa kiếp nhân sinh mệt lử. Và lời hẹn trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân ngập tràn hạnh phúc của nhà thơ đã mở lối thong dong cho chúng ta nhẹ bước về chốn an nhiên Thiên đường. 
Có thể nói, thơ Bùi Giáng dẫu buồn nhưng chưa bao giờ yếu đuối, dẫu miên man trong hoài niệm vẫn luôn nghị lực, phi thường. Tinh Thể Xuân phi hình đã tiếp dẫn cho nhà thơ “đốn ngộ” lẽ sinh tồn và theo đó, nhà thơ vượt qua ranh giới Sắc - Không, phiêu bạt tâm hồn trong cõi uyên nguyên, thiện lạc. Ở nhà thơ, hình hài và trái tim, thân xác và trí tuệ là một khối mâu thuẫn lớn như “khối tình con” bất cập, đa mang trong thơ Tản Đà. Nhưng nếu bậc tiên sinh giao thời Nguyễn Khắc Hiếu mải mê rong chơi trong cõi Thiên thai để lãng quên ngày tháng và không thoát ra được (“Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” - Tống biệt) thì Bùi Giáng đã siêu thăng, thoát lạc với mùa Xuân trên cõi Thiên đường. Một bên luẩn quẩn, ngông ngạo, một bên thần tửng, lông bông; một bên ngất ngưởng mơ mộng, một bên du hý phiêu bồng. Nên Mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng đã vượt ra khỏi nội hàm sức sống cố hữu của nó trở thành một mùa Xuân vô vi, bất diệt: “Thưa rằng nói nữa là sai/ Mùa xuân đang đợi bước ai đang vào” (Chào nguyên xuân, Mưa nguồn). 
Hơi thở Đạo giáo đã phả thần vào hai câu thơ. Thuận tự nhiên, đó là một triết lý sống có giá trị bảo tồn cái đẹp bản nhiên của Đạo giáo. Lão Tử nói: “Vi vô vi tất vô bất vi”. Giới tự nhiên vốn vận hành theo quy luật, chu kỳ riêng của nó, sự tác động của con người không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tích cực, đôi khi làm đảo lộn cả sự sống. Nên không làm gì nghĩa là đã thuận tự nhiên, đã làm tất cả. Hai câu thơ Xuân trên đầy giản dị nhưng lột tả một cách bất ngờ cái sức sống bất tuyệt, dâng tràn của nhiên giới. Mùa Xuân đã viên mãn, đã sẵn sàng đón chờ con người bước vào nhập thể. Mọi lời nói, hành động của con người giờ đây chỉ có thể thừa và sai, có khi phá hỏng cả vẻ đẹp bình yên, phơi phới đang đến của sự sống. Biểu tượng Mùa Xuân như thế trở thành tiếng nói bản nhiên gìn giữ sự sống bất diệt trong thơ Bùi Giáng. Yêu tự nhiên, trân trọng tự nhiên, muốn hòa mình vào tự nhiên và muốn sống một cách tự nhiên là lẽ sống của nhà thơ. Lẽ sống đó đã hun đúc nên niềm tin vĩnh cửu ở phía trước và ngày mai trong điệu Chào nguyên xuân (Mưa nguồn) rất đậm chất Bùi Giáng và đậm tính Thiên đường: 
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”. 
Chào nguyên xuân là một trong những bài thơ Xuân hay nhất của Bùi Giáng. Điệu chào nguyên xuân của nhà thơ đã gián tiếp vẽ ra cảnh sống êm đềm, cao nhã nơi thiên đường. Đó là nơi con người dùng cái tâm lành và thiên nhãn của thánh nhân, thần tiên để cư xử với nhau (“Xin chào nhau giữa con đường”, “Xin chào nhau giữa lúc này”, “Xin chào nhau giữa bàn tay”, “Xin chào nhau giữa làn môi”, “Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng”, “Bên bờ nước có bóng ta bên người”, “Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau”), nơi vạn vật sinh linh đều bình đẳng, cao quý như nhau (“Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây”) và là nơi thiên nhiên như bóng Mẹ chở che con người vương lánh bụi trần (“Xin chào nhau giữa bụi đầy/ Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu”). Điệu chào ấn tượng này còn xuất hiện khắp nơi, nhất là trong những tập thơ gần cuối đời trước khi Bùi Giáng mất (như báo trước sự ra đi của nhà thơ về cõi Thiên đàng - Thiên đường): “Chào em mộng tưởng bao dung” (Các em từ đó), “Chào em một phút lưu tồn” (Ấy có lẽ là), “Chào em một rỡ mười mừng” (Tình yêu 555 - 999), “Chào nhau như chúc một mình cho nhau” (Chúc tụng), “Chào em chào một ra mười/ Chào em vĩnh viễn dưới trời thanh thiên” (Ơi ới dzách), “Chào nhau bất tận nhu mỳ mở ra” (Mà ra rộng mở) – Trúc mai… Mấy câu thơ chào Xuân đó của Bùi Giáng gợi ta nhớ đến những dòng thơ thắm thiết ân tình của Tôn Nữ Hỷ Khương:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Cuộc đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời. Còn gặp nhau thì hãy cứ chào (…) Còn gặp nhau thì hãy cứ cười (…)”. Quả thật, nhân loại hồn nhiên và cảnh sống tươi đẹp như trên Thiên đường luôn là ước mơ thường trực đã làm nên ánh sáng và niềm tin bất tận trong thơ Bùi Giáng. Đó chính là cảm thức ngưỡng vọng thanh tâm cao quý mà không phải ai cũng có được, không phải cõi thơ nào cũng hiển đạt đến. 
Nhưng không dừng ở đấy, mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng còn gắn liền sắc xanh nhiên tuyệt, thường hằng của sự sống. Thông qua sắc Xanh, mùa Xuân càng đậm cảnh Thiên đường và đậm tính ngưỡng vọng. Bởi bản thân màu Xanh cũng là một cổ mẫu riêng, vừa chất chứa hoài niệm (vọng), vừa ngát xanh mơ ước (ngưỡng). 
Màu xanh: 
Hơn 640 lần xuất hiện, sắc Xanh trong thơ Bùi Giáng rất đa dạng: động xanh, đất xanh, xuân xanh, trang xanh, tuổi xanh, tóc xanh, cây xanh, rừng xanh, đêm xanh, ngàn sao xanh, đầu xanh, sóng xanh, bến xanh, áo xanh, sử xanh, tờ xanh, ngày xuân xanh, là dừa xanh, mặt trời xanh, thiên thanh, trời xanh… 
Về cơ bản, Xanh chiếm giữ hai màu Lục, Lam trong bảy sắc cầu vồng (con số bảy này theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới tương ứng bảy nốt nhạc; bảy ngày trong tuần; bảy bầu trời: Mặt Trăng, Sao Thái Dương, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ; bảy minh phủ của Trái Đất: Trái Đất của các Linh Hồn, của sự Sùng Đạo, của cái Tự Nhiên, của sự Dâm Dục, sự Quá Khích, sự Nghịch Đạo và sự Khốn Khổ)… Giữa hai màu Lục (xanh lá cây) và Lam (xanh dương) thì Lục chiếm ưu thế và dày đặc trong thơ Bùi Giáng. Còn Xanh dương chỉ xuất hiện số ít với màu thiên thanh: “Với vòng tay của/ Mười ngón tay măng/ Xin mở một lần/ Màu thiên thanh của…” (Màu thiên thanh mở - Mưa nguồn), “Lại nhà đó mái thanh hiên/ Xanh là nghĩa cánh chim chuyền chắp bay” (Tồn lưu cố quận - Ngàn thu rớt hột)… 
Trước hết, nhìn từ đặc điểm sắc xanh non, tươi mởn của cây cỏ có thể hiểu Lục là màu của phúc lộc và siêu nhiệm, tượng trưng cho điềm lành, sức sống, sự tăng trưởng và tươi mới: “Tặng ai đó một đồ vật màu xanh, nhất là vào buổi sáng, tức là đem vận may cho người ấy. Người ta tung lá cỏ về phía trăng non để làm cho tháng mới trở nên xanh tốt và được ban phước lành. Màu xanh của cây cỏ nảy lộc đâm chồi nhờ nước - ngọn nguồn của sự sống - được xem là rất hiệu dụng, có thể truyền sinh lực cho người đã chết. Ở một số vùng Marốc, người ta lót cành nguyệt quế hoặc lá cọ xuống đáy mộ cũng vì lý do ấy” [1, 564]. 
Xanh gắn liền với cây cỏ nên gọi Xanh lá cây và vì thế còn được xem là màu của sự bừng tỉnh và ấm áp. Bởi sau mùa đông trơ trụi và buốt giá, mặt đất lại khoác lên người tấm áo choàng Xuân màu xanh tươi mới, đầy hy vọng. Mặt khác, màu Xanh lá là màu của nông thôn ví như lòng Mẹ nên gợi sự yên bình, ấm áp: “Tôi cảm thấy sắp khỏi bệnh, đang lướt nhẹ vào một trạng thái an bình, kỳ diệu. Trong phòng tất cả một màu xanh lục. Tôi tưởng như đang đầm mình trong ao nước, tôi thấy như mình nằm trong bụng mẹ… Tôi đang sống ở trong cõi Thiên đường, trong lòng mẹ” [1; 535]. Thật vậy, màu Lục còn có tác dụng chữa bệnh tinh thần và cả thể xác. Đi về đồng quê, con người có cảm giác thanh thản, ngơi nghỉ và cây cỏ cũng là vị thuốc Đông y hữu ích, quý giá. Diệp lục tố là yếu tính của sự sống và tái tạo sự sống. Thời cổ đại và cả bây giờ, các thầy thuốc hay khoác áo choàng màu lục cũng vì lý do này. Xanh lá cây còn là màu của tâm hồn yên tĩnh, sự mát mẻ, khỏe khoắn bởi là màu của Rừng, của khung cảnh bao bọc xung quanh đền đài tôn giáo tĩnh lặng. Và cuối cùng Xanh lục là màu của huyền thoại, của những green pastures (bãi chăn thả xanh rờn) có ý nghĩa như “những thiên đường màu lục của những tình yêu trẻ thơ” [1; 535]. 
Tất cả ý nghĩa tốt đẹp đó của màu Xanh đã nằm sâu trong vô thức nhân loại và giờ đây đi vào Vườn xuân bất tuyệt của Bùi Giáng. Chỉ một câu thơ trong Chào Nguyên Xuân trên cũng đủ nói hết cái vẻ đẹp muôn đời của sắc Xanh, hồn Xuân nhiên tuyệt trong sâu thẳm tiềm thức nhà thơ: “Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây”. Thiên nhiên cây cỏ, miền cõi xanh cây tốt lá là chốn hạnh phúc, đào nguyên mà nhà thơ luôn mơ ước hướng về và tự nguyện hóa thân (phải nói rằng không phải ai cũng có được sự tự nguyện đến thanh thản như Bùi Giáng). Bằng đôi mắt hiền minh của cõi lòng rộng mở, nhà thơ đã nhìn cảnh vật và con người rực rỡ, bát ngát hơn dưới lăng kính màu Xanh: “Em hãy nghĩ: Xuân xanh em rực rỡ”, “Em tươi xinh như vạn thuở xuân xanh” (Và từ đó, Chào em vô tận - Mùa màng tháng tư), “Ồ bông quá thắm trên đường quá xanh” (Chùm hoa xuân mọc - Lá hoa cồn), “Ấy bởi tại rằng/ Cây quá xanh/ Lá cỏ quá xanh/ Mà nàng thì quá đẹp” (Bởi đâu làm thơ tệ), “Một mai cỏ mọc xanh thềm/ Ngậm màu mễ phấn hương mềm mại trôi” (Hoàng hoa siêu thực), “Ồ buổi hội xin mừng vui như thể/ Mồ hôi xanh ngọn cỏ thắm bụi hồng” (Buổi hội) - Ngàn thu rớt hột… 
Màu Xanh đã góp thêm hương sắc tuyệt trù vào Thiên đường mơ ước của Bùi Giáng. Không phải màu Đỏ đam mê tình cảm, không phải màu Vàng rực rỡ mặt trời, cũng không phải Xanh Lam thuần khiết tôn giáo…, chính Xanh lá cây là sự lựa chọn logic của vô thức đi cùng với mùa Xuân làm thành Thiên đường ngưỡng vọng trong thơ Bùi Giáng. Màu sắc, theo J.de la Rocheterie, “nhấn mạnh tầm quan trọng của thông điệp mà cái vô thức gửi cho ý thức” trong giấc mơ con người. “Hiếm có giấc mơ được dệt bằng màu sắc rực rỡ. Nhưng khi trường hợp ấy xảy ra, thì những nội dung của cái vô thức ấy được ta thụ cảm với một xúc động rất lớn” [6; 566]. Lục nói chung và trong thơ Bùi Giáng là màu trung tính, vừa có tính dương (rực rỡ, ấm áp, hy vọng), vừa có tính âm (trầm tĩnh, mát lạnh, lặng buồn). Sự kết hợp đó tuy làm nên hai cung bậc khác nhau: tưng bừng hoa lá và trầm buồn viễn khơi (Nghe triều biển lục xa dần non xanh (Cọp beo và Hoàng hậu – Mười hai con mắt), Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh (Áo xanh – Mưa nguồn)…) nhưng đều hàm chứa sự xúc động mạnh trong tiềm thức nhà thơ: vui quá độ lẫn buồn sâu xa. Thơ ca hơn cả văn xuôi là giấc mơ bất ngờ chợt đến, có khả năng ám thị đặc biệt những sắc màu của vô thức, tương tự những sắc màu của nguyên âm mà Rimbaud từng nói với chúng ta: “A đen, E trắng, I đỏ, O tím, U xanh (…) A là chiếc coóc-xê nhung của những con ruồi óng ánh…/ E là màu trắng của những làn hơi và lều vải…/ I là màu máu khạc ra/ Là nụ cười của những đôi môi đẹp…/ U là chu kỳ ba động của những đại dương xanh biếc…/ O là tia sáng tím trong đôi mắt nàng” (Những nguyên âm). Mỗi màu sắc đều có giá trị thể hiện trạng thái tâm hồn, sắc thái tâm lý nhất định. Nên không phải ngẫu nhiên mà mỗi người ấn tượng hay ám ảnh những màu sắc khác nhau.
Những nghiên cứu của Jung cho thấy màu sắc có liên quan những “chức năng tâm lý quan trọng nhất của con người: tư duy, tình cảm, trực giác, cảm giác” [1; tr.566]. Và màu Xanh lá cây, dưới góc độ tâm lý học, nó chỉ chức năng giác cảm (khác Lam tư duy, Đỏ tình cảm, Vàng trực giác), thể hiện mối quan hệ giữa người chiêm bao với hiện thực. Thật vậy, ở Bùi Giáng, màu Xanh gắn liền với cảm giác bừng nở cùng hiện thực Xuân tươi đẹp (như trên) nhưng cũng không xa lạ với cảm giác sầu muộn xuất phát từ thực tế cảnh tình tương phản. Hai cảm giác đối lập nhau đó, mà khuynh hướng ngả về sầu muộn nhiều hơn, biểu hiện rõ nhất khi Bùi Giáng chứng kiến cảnh chị em Thúy Kiều dạo chơi trong tiết thanh minh ảm đạm trong Truyện Kiều - Nguyễn Du: “Sè sè nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Cảnh ngọn cỏ rầu rầu nhị bội nửa vàng nửa xanh kia, thật ra đã được hàm ngụ từ trước đó ở trong cỏ non xanh rợn và cành lê trắng điểm một và. (…). Và cũng từ đó, chúng ta có thể nói rằng: cái cảnh hương khói vắng tanh thế mà, chính là cái cảnh trạng triền miên trong tâm sự xuân xanh” (Mùa xuân trong thi ca, Bùi Giáng, tr.9). 
Đó cũng là “cái cảnh triền miên trong tâm sự” Bùi Giáng: “Màu hiểm họa chiêm bao là thực/ Linh cảm từ gót bước Đạp Thanh” (Nguyên màu đo ra - Ngàn thu rớt hột). 
Xanh bởi thế đi vào thơ Bùi Giáng không đơn thuần là màu Xanh bất tuyệt của Xuân mà còn là màu của “hiểm họa”: “Đất xanh vẽ cỏ xa trời” (Dửng dưng xuống biển), “Tượng xanh từ vũ trụ đè” (Gót đi Liệp Hộ), “Vòm xanh mất vẻ yên trời/ Đó rừng đổ trái hoa đồi hổn mang/ Chùm xanh gái núi lộn ngàn/ Kia khe cá lội nọ nàng sẩy chân” (Mở gió sai hàng), “Sử xanh còn dội cuối đường mai sau” (Thời gian Nam Bắc), “Sử xanh dâu biển mặc dầu/ Áo xanh còn lệ hàng lau bây giờ” (Vẽ chân vết sóng), “Giấc xanh cô độc thề vàng” (Nguyễn Du), “Lệ vàng xanh mắt mai sau/ Chùm bông tuyết mỏng pha màu vĩnh ly” (Gái nằm đâu), “Võ vàng lá mọc trong thơ/ Mùa xanh vô hạn bây giờ rụng hoa” (Chiêu Quân), “Mái xanh mục tử nhìn sa mạc chào” (Hoelderlin), “Trang xanh vàng võ như tờ” (Hai chân vạn lý), “Vừng xanh chết cả buổi đầu” (Sông), “Sông xanh từ sóng pha mù” (Đoạn trường là sổ) - Ngàn thu rớt hột… 
Vẫn còn rất nhiều sắc Xanh chưa nhắc đến trong thơ Bùi Giáng như: động xanh, rừng xanh, đêm xanh, ngàn sao xanh, bến xanh, bờ xanh, đầu xanh, tuổi xanh, tóc xanh, tờ xanh, lá dừa xanh, xiêm xanh, khe xanh... Nhưng tất cả đều tỏa ra cái dáng vẻ bất ổn của cảnh và người, toát lên cái nguy cơ khôn lường của trời và đất. “Nghe trời đổ lộn nguyên khê/ Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh” (Cỏ hoa hồn du mục), “Giọng người đổ xuống bến xanh (…) Hãi hùng bi kịch đồi tranh” (Gió bão Tây Nam) - Mưa nguồn. Phải chăng do ảnh hưởng một phần màu xanh của Rừng thâm u, huyền bí? Dù thế nào đi nữa, ta vẫn thấy Bùi Giáng bị ám ảnh mạnh mẽ bởi cái màu “xanh rợn chân trời” của Nguyễn Du. Xanh mà rợn, lại còn hun hút, tít tắp chân trời như thế thì thể nào cũng kéo theo cái kiểu “rợn người”, “ớn lạnh” và “dai dẳng”. Chính màu Xanh đó đã chuẩn bị sẵn cái nền cho “bóng ma” Đạm Tiên xuất hiện và đeo đẳng suốt cuộc đời Thúy Kiều cũng như Bùi Giáng. Hai nhân vật người thơ và người thật này dù khác nhau rất nhiều nhưng lại cùng chung một số phận long đong (nhà thơ cũng tự xem mình là Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc khi viết lời đề tựa bài Nỗi lòng Tô Vũ - Mưa nguồn: “Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú”, thực chất ông chỉ bỏ về quê chăn dê vài năm). Biểu tượng màu Xanh vì thế mang nỗi buồn nhiều hơn vui đồng thời chan chứa hoài niệm, mộng ước về một cõi bình yên đã xa, chưa trở lại trong thơ Bùi Giáng: “Mở hai hàng cỏ tháng ba/ Nhìn trăng bãi cũ em là biển xanh”, “Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi/ San sát đồi phủ phục quấn núi xanh” (Mở hai hàng cỏ, Nỗi lòng Tô Vũ - Mưa nguồn); “Em quyến luyến một màu xanh màu xám/ Anh đưa em về viễn ngạn Thanh Khê”, “Ngồi ngẫm nghĩ tuổi xuân xanh đi biệt/ Gắng gượng cười với chim hót trong hoa”, “Người đi tôi ở giữa đàng/ Máu tim mộng tưởng bạt ngàn trăng xanh” (Em nên biết, Em có biết ấy là là là thế đó nên chi, Một nàng tiên - Mùa màng tháng tư)… Có như thế cũng là hợp lẽ tự nhiên, hợp với quy luật vô thường của cuộc sống: trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, trong chia ly đã hẹn ước tái sinh. Màu Xanh với cái trực giác hiểm họa, ngổn ngang mang đến của nó trong thơ Bùi Giáng cũng ngầm chứa một nỗi khao khát, hoài vọng vô bờ bến của nhà thơ về khung trời hạnh phúc của khu Vườn Xanh mộng. Có lẽ sự ra đi đột ngột, mãi mãi vì bệnh tật của người vợ trẻ đã gây nên cú sốc và niềm khát khao mãnh liệt đó trong tâm thức thơ ca Bùi Giáng?
Rõ ràng: “Em xin về lúc cây xanh” (Em xin về lúc), “Trở về trong đáy khe xanh/ Kiếm dòng nước cũ xô nhanh lên bờ” (Màu hương), “Gió bay là nắng không ngờ/ Sầu trưa đất tịch mịch chờ chiều xanh” (Lao mình vào cuộc), “Vườn xanh em hãy lại ngồi/ Con chim hót đó là lời của em” (Vẽ lại) - Lá hoa cồn; “Bao nhiêu ngọn cỏ đồng quê/ Bao nhiêu cây cối xum xuê lá cành/ Bao nhiêu những bấy ngọn ngành/ Về trong tim máu xuân xanh ngút ngàn” (Lá cỏ, Thơ Bùi Giáng, 1994)… 
Màu Xanh như thế cũng như biểu tượng mùa Xuân đều mang tính chất ngưỡng và vọng về Thiên đường hạnh phúc trong thơ Bùi Giáng. Hai trạng thái ngược nhau đó đã tô đậm thêm cái hiện thực mâu thuẫn, phức tạp trong tâm hồn nhà thơ: hồ hởi yêu thương mà vẫn cay đắng ngậm ngùi, lạc quan vững chãi mơ ước mà vẫn nuối tiếc, trầm mộng. Song, đó là sự mâu thuẫn, bù trừ hợp lý cần có để giữ cho tâm thức nhà thơ thăng bằng đi giữa cuộc đời. Nên cổ mẫu mùa Xuân và màu Xanh với hai trạng thái thống nhất đối lập đó đã cho ta thấy cái cốt cách đầy vững chãi, đầy sâu sắc và trải nghiệm ở Bùi Giáng. Hai cổ mẫu ấy như đôi cánh cân đối, khỏe đẹp nâng hồn thơ Bùi Giáng bay cao và rong chơi vô tận chốn Thiên đường. Ở đó nhà thơ được uống Nước nguồn bất tử, được sum vầy, lãng du cùng những nàng Tiên diễm lệ, khả hạnh. Thật vậy Nguồn Nước thuần khiết, bất tận là một phần quan trọng trong cõi Thiên đường thơ của Bùi Giáng. Còn những nàng Tiên - đại diện cho giới Thần Tiên trên Thiên đường đã giáng trần và tỏa sáng khắp các nẻo đường thơ Bùi Giáng (như đã nói trên, về cổ mẫu Nước và nàng Tiên, xin hẹn ở bài viết khác). Ở đây, lướt qua có thể thấy, trong tập Rong rêu có 11 bài lấy tựa Một nàng tiên, Mùa màng tháng tư có 4 bài Nàng tiên, chưa kể các bài thơ tựa khác có bóng dáng Thần Tiên: lúc là nàng Tiên, lúc là Thánh nữ, lúc là vạn đại tiên nga, mẫu thân, Mọi tiên… Tất cả những “nường” siêu nhiệm, tuyệt mỹ này đều có bóng dáng hoặc hóa thân của Thôn nữ và em Mọi, góp phần xác thực Vườn Thiên đường trong thơ Bùi Giáng. Và những nường, Tiên ấy chính là hình ảnh người mẹ tinh thần nâng đỡ tâm hồn Bùi Giáng cất cánh thưởng du trong cõi an lạc đầy hoài niệm và mơ ước. 
Có thể nói, Vườn Thiên đường đã góp phần phong phú thêm thế giới biểu tượng thơ Bùi Giáng. Thông qua đó ta hiểu sâu sắc hơn về con người và giá trị thơ ca Bùi Giáng. Đúng như Jung nói, “những cái tử thi thì giống hệt nhau về phương diện hóa học nhưng những người sống không giống nhau, siêu tượng chỉ bắt đầu sống khi nào người ta kiên tâm khám phá ra tại sao siêu tượng có một ý nghĩa cho một người sống và ý nghĩa ấy thế nào” [7; 143]. Cổ mẫu khi đi vào đời sống tâm lý cá nhân đã chạm trổ nên những gương mặt khác nhau trên cái nền chung vô thức tập thể. Với Vườn nhân loại đã đi vào huyền thoại, mùa Xuân và màu Xanh là sự ám ảnh đặc biệt dựng tạo nên Thiên đường ngưỡng vọng trong thơ Bùi Giáng. Ở đó, thiên nhiên được thành tượng và trái tim nhà thơ cũng đã được “thành tượng” “trên ngày phù du” cho chúng ta, người đời sau, chiêm ngưỡng. 
Mặt khác, một cách ngẫu nhiên, qua cổ mẫu Vườn cùng với các cổ mẫu tự nhiên khác trong thơ Bùi Giáng (Đất, Nước, Mưa, Sương, Bờ, Rừng...), nhà thơ đã tự họa nên chân dung chính mình: một Bùi Giáng nhà quê, một Bùi Giáng của ngàn xưa, nguồn cội; một Bùi Giáng của những trăn trở, hoài niệm và một Bùi Giáng không ngừng mơ ước, tìm kiếm về hạnh phúc uyên nguyên, chân lạc của cuộc sống. Trong đó, Vườn Thiên đường là những nét vẽ thiên tiên tạo nên nhân ảnh thoát tục, siêu tâm và phiêu thăng ở nhà thơ. Người ta có thể đọc rất nhiều thơ Xuân trong khu vườn thi ca hôm qua và hôm nay nhưng chắc chắn sẽ không thể quên những vần thơ Xuân bất tuyệt và bất diệt trong vườn thơ Bùi Giáng một khi bước đến. Xin thắp một nén nhang để tưởng nhớ đến linh hồn thi nhân “kỳ dị” và “kỳ vĩ” Bùi Giáng: “Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây…”.
Tài liệu tham khảo: 
1. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, TP.HCM. 
2. Tác phẩm của Bùi Giáng: in trong nước: Mưa nguồn (1962), Sa mạc trường ca, Lá hoa cồn, Màu hoa trên ngàn, Ngàn thu rớt hột (1963), Bài ca quần đảo (1973), Thơ vô tận vui, Rong rêu (1995), Đêm ngắm trăng, Mười hai con mắt (1996), Mùa màng tháng tư (1997), Như sương (1998), Rớt hột phiêu bồng (2008), Trúc mai (2009)…; in ngoài nước: Thơ Bùi Giáng (1990), Bùi Giáng, Thơ Bùi Giáng (1994), Thơ Chớp Biển (1996) 
3. Nhiều tác giả (2005), Từ điển văn học, Thế giới, TP.HCM. 
4. Nhiều tác giả (2007), Huyền thoại và văn học, Đại học Quốc gia TP.HCM. 
5. Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức (Tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard - Yenching tài trợ), Thế giới, Hà Nội. 
6. Đoàn Tử Huyến (2008), Bùi Giáng trong cõi người ta, Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. 
7. Carl Gustav Jung (2007), Thăm dò tiềm thức, Vũ Đình Lưu dịch, Tri thức, Hà Nội. 
8. S.Freud - C.G.Jung… (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu, nhiều người dịch, Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
9. Lưu Hồng Khanh (2006), Tâm lý học chuyên sâu ý thức và những tầng sâu vô thức, Trẻ, TP.HCM. 
10. Đỗ Lai Thúy (1999), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 
11. Đỗ Lai Thúy (2009), Bút pháp của ham muốn, Tri thức, Hà Nội. 12. Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Hội Nhà văn, Hà Nội. 
13. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2007), “Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam”, Nghiên cứu văn học, số 1, tr.105-130.
Trần Nữ Phượng Nhi
Theo https://www.vhu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...