Gần nửa thời gian ở trại sáng tác, tôi cứ thao thức, trăn trở,
nghiền ngẫm và loay hoay mãi bên bàn viết nhưng vẫn chưa nặn ra được một từ có
nghĩa, một câu nên hồn. Nằm gác tay lên trán, cốt truyện cứ diễn ra trong đầu một
cách mạch lạc, rõ ràng, sắc nét hệt như một cuộc phim câm quay chậm. Vậy mà khi
bật dậy cầm bút ngồi trước trang giấy trắng thì chao ôi, chữ nghĩa bay đi tứ
tán, đầu óc trống rỗng như người vô hồn vô cảm! Cố viết được vài dòng lại gạch
xoá lung tung, những con chữ gầy đét như que củi cứ đè ép nhau, lấn huých nhau,
chen chúc nhau rối như mớ rau sống giá. Thậm chí viết đến bảy tám trang giấy đến
lúc đọc đi đọc lại vẫn thấy ý tưởng vu vơ, sáo rỗng, nhạt phèo như nước bọt rồi
vò ném vào sọt rác với tiếng thở dài ngao ngán! Những lúc thế này, tôi lại tự
trách mình dại dột, ngốc nghếch. Nghề gì không chọn lại theo cái nghiệp văn
chương, cái nghiệp bị con chữ nó hành hạ, nó tra tấn đến rạc người; không khéo
còn bị nó đánh lừa, bị nó mê hoặc nữa thì khốn khổ cả đời.
Thôi, cứ tạm gác lại việc viết lách và đi dạo một lúc cho tâm
hồn thanh thản, cho trí óc mở mang. Chưa viết được thì cũng nên dành chút ít thời
gian trải lòng cùng đất trời Đà Lạt, thả hồn theo sương khói Đà Lạt để cảm nhận
đến tận cùng sâu thẳm về một thành phố nổi tiếng vừa hiện đại vừa hoang sơ, trầm
lắng mà sôi nổi, kín đáo mà khơi gợi. Đó cũng là điều hết sức bổ ích và cũng rất
cần đối với những người theo nghiệp văn chương.
Khoác thêm chiếc áo, tôi lặng lẽ rời trại viết. Quả thật cái
lạnh của Đà Lạt lúc này rất dịu dàng, rất gợi cảm đến nao lòng chứ không tê người,
cắt da như cái rét ở xứ Bắc. Như một du khách đến Đà Lạt lần đầu, tôi thong thả
men theo rìa một cánh rừng thông giữa buổi chiều nhạt nhòa sương khói. Bất chợt,
một lối nhỏ bỗng mở ra thật tĩnh lặng, thật hoang vắng, hai bên màu sắc rực rỡ,
tươi rói của dã quì, mimosa, hồng tú cầu, dâm bụt... Hoa kiểng ở quê tôi nhợt
nhạt, chóng tàn bởi thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung đầy gió cát;
hoa Đà Lạt rực rỡ đậm đà, khỏe khoắn bởi được hấp thụ tinh khí độc đáo của đất
trời Tây Nguyên. Thi thoảng tôi dừng lại ngoái nhìn Đà Lạt đang bồng bềnh trong
sương chiều lãng đãng và cảm thấy tâm hồn như tan loãng ra trong cảnh sắc thiên
nhiên kỳ vĩ đậm đầy chất thơ.
Vài năm đổ lại đây, nghe nói làn sóng văn minh hiện đại đang
đẩy dần nét hoang sơ thi vị của một thành phố được giới tao nhân mặc khách tặng
cho cái tên đầy ấn tượng: "thành phố mù sương", "thành phố ngàn
hoa", "thành phố hoa quì vàng" đi vào quá khứ. Nhưng cho đến lúc
này, trước mắt tôi, Đà Lạt còn cố níu giữ dáng vẻ rất riêng, rất độc đáo đầy
quyến rũ vốn có của nó.
Trước mặt tôi hiện ra một ngôi chùa nhỏ rêu phong, cổ kính thấp
thoáng sau hàng mimosa vàng sọm xen lẫn mấy khóm hồng tú cầu, cẩm tú cầu, hoa
giấy khoe màu rực rỡ, buộc tôi phải dừng chân. Chùa nằm lưng chừng đồi, cảnh
quang u trầm tĩnh mịch thoáng nét hoang dã như bức tranh thủy mặc của danh họa
Trung Quốc dễ làm nao lòng du khách. Khẽ bước vào cổng chùa, tôi cảm nhận ngay
một mùi hương quen thuộc. Lạ thật! Giữa thành phố hoa muôn hồng ngàn tía sao
nhà chùa chỉ trồng những nguyệt quế, mai chiếu thủy, ngọc anh, lài... loại hoa
kiểng thường thấy ở quê tôi, cánh hoa trắng ngần, mùi hương thỏang nhẹ, đã một
thời được xem như biểu trưng cho sự thanh cao tao nhã, tự tại của kẻ sĩ chán cảnh
quan trường tìm nơi ẩn dật. Mãi đang suy ngẫm vẩn vơ bỗng một sư trụ trì từ
trong chánh điện thong thả đi ra. Tôi vội chắp tay cung kính:
- Mô Phật, con chào thầy, xin sư thầy cho phép được viếng cảnh
chùa trong chốc lát.
Sư trụ trì tuổi khoảng trên 60, cốt cách phong thái, lịch lãm
như một trí giả sinh bất trùng thời, mặc áo lam, đầu trùm chiếc mũ len màu nâu
sậm, chắp tay xá lại:
- A Di Đà Phật, cổng nhà chùa luôn mở rộng đón khách thập
phương, xin chú cứ tự nhiên. Vị sư thầy nhìn tôi một thoáng, hỏi - Hình như chú
là người miền trung lên đây nghỉ mát, ngắm cảnh? Nghe âm giọng tôi đoán thế.
Sư thầy chợt lộ nét vui vẻ:
- Vậy chú là nhà văn? Trại sáng tác của chú đóng có gần đây
không?
Qua câu hỏi, tôi đoán chắc vị sư trụ trì này không mấy
quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật đang diễn ra sôi nổi trên thành phố đậm
đặc chất thơ này. Đã sống ở Đà Lạt ai lại không biết đến Nhà sáng tác VHNT của
Bộ Văn hoá thông tin đóng tại số 02 Yên Thế?.
- Dạ, số 02 Yên Thế. Tôi trả lời một cách miễn cưỡng.
- Vậy cũng không xa đây mấy - Sư thầy lấy giọng thân thiện - Mời
chú vào dùng tách trà nhạt đã, trời còn sớm, vội gì.
Tôi theo vị sư thầy bước vào một căn phòng không rộng lắm
nhưng cách bài trí đồ dùng rất gọn gàng, giản đơn nhưng rất có thẩm mỹ. Một tủ
lớn chứa toàn là sách kê sát vách tường phía Đông đập vào mắt tôi: sách nghiên
cứu văn học của nhiều tác giả lừng danh trên thế giới, sách triết học Đông -
Tây, sách sưu tầm biên khảo, sách nghiên cứu Phật học, tác phẩm văn học trong
và ngoài nước... nói chung là rất nhiều loại sách quí mà tôi chỉ nghe thôi chứ
chưa thấy, chưa được đọc bao giờ!. Vừa loay hoay pha trà, sư thầy vừa hỏi:
- Chú chuyên viết văn hay làm thơ? Như không cần đến câu trả
lời của tôi, sư thầy tiếp - Các chú bây giờ viết khỏe, viết nhanh, được máy móc
phục vụ, lại có dịp tiếp xúc với các trào lưu văn học đương đại trên thế giới,
không như lớp già chúng tôi trước đây. Đẩy tách trà ngun ngút khói về phía tôi
- Hỏi thế này có khi không phải, mong chú bỏ quá cho. Tôi là người tu hành,
không dám đèo bòng việc văn chương thi phú. Nhưng mấy năm gần đây, đọc báo chí
thấy có nhiều ông nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình tranh cãi nhau xung
quanh đề tài "cách tân", "hiện đại", "hậu hiện đại"
trong lãnh vực sáng tác. Chú là người trong cuộc, chắc chú am hiểu việc này?
Tôi trả lời chiếu lệ :
- Thưa thầy, khi nay con cũng nghe trên các diễn đàn văn học
của cả nước tranh luận nhau về vấn đề này, nhưng con không quan tâm lắm, chỉ viết
theo cảm xúc của riêng mình.
Nhà sư nâng tách trà lên chiêu một ngụm rồi nói giọng đĩnh đạc,
khúc chiết như một nhà lý luận văn học uyên bác:
- Theo tôi, văn học nước nhà cần phải cách tân, phải hiện đại
để tiếp tục tồn tại và theo kịp với các loại hình nghệ thuật khác trên thế giới
chú à, hiện đại về hình thức lẫn nội dung. Nhưng cái khó là cách tân, là hiện đại
như thế nào để phù hợp với trình độ cảm thụ của đại đa số bạn đọc hiện nay
trong cả nước, vừa giữ được khí cốt, hồn phách của dân tộc. Trào lưu văn học hiện
đại, hậu hiện đại đã có ở Châu Âu gần một thế kỷ trước, nhưng ở ta thì còn quá
mới mẻ, trình độ cảm thụ cùa người đọc còn giới hạn. Do vậy, mà có nhiều người
cho rằng, cách tân hay không cách tân không quan trọng, không thành vấn đề, chủ
yếu là viết cho hay, tác phẩm ra đời phải có độc giả, phải được đại đa số công
chúng thừa nhận. Sư trụ trì vỗ vỗ nhẹ vào bàn tay tôi, hỏi, là một cây bút trẻ,
chú có quan điểm gì về vấn đề này?
T6i bỗng giật mình thảng thốt, thảng thốt không phải vì câu hỏi
quá hóc búa của sư thầy đặt ra cho tôi, mà vì sự hiểu biết khá sâu sắc về tình
hình văn học hiện nay của một nhà sư mà trước đây mấy phút thôi, tôi cho là chỉ
biết tụng kinh gõ mõ, niệm Phật đốt nhang!
- Vâng, con cũng nghĩ như thầy, để tiếp tục tồn tại và phát
triển, văn học cần phải cách tân, cần phải hiện đại, hiện đại về hình thức biểu
hiện lẫn đề tài. Nhưng cách tân như thế nào, hiện đại ra sao để không xa rời được
đại đa số bạn đọc có trình độ cảm thụ khác nhau, không đánh mất quốc hồn, quốc
túy? Đấy mới là điều hết sức nan giải của người cầm bút hiện nay thầy a...
Như được khơi đúng mạch, sau câu trả lời của tôi, sư cụ cao hứng
đề cập đến một vài tác phẩm đang có tiếng vang trong nước, một số tác phẩm văn
học đoạt giải Nobel trong mấy năm gần đây. Đặc biệt, ông ca ngợi Linh Sơn của
Cao Hành Kiện: rất hiện đại từ bút pháp đến bố cục nhưng đậm đặc bản sắc dân tộc;
truyện không có cốt truyện, kết cấu không đầu không đuôi, không nhân vật vẫn cứ
cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Ông cũng hết sức thán phục tinh thần đấu
tranh quyết liệt chống lại cái ác, dũng cảm vạch trần những điều vô lý của xã hội
bằng giọng văn đầy nhạc tính trong từng tác phẩm của nữ văn hào Elfriede
Jelinek. Thú thực, tuy mang tiếng là một cây bút trẻ nhưng kiến thức về văn học
vẫn còn hạn chế lắm, cạn cợt lắm. Ngay cả một số tác phẩm văn học trong nước
đang được dư luận quan tâm tôi còn chưa đọc hết, nói gì đến Linh Sơn của Cao
Hành Kiện hoặc Thú tính, Con của những người đã chết ... của Elfriede Jelinek;
Thế kỷ của tôi của Guenter Grass, Bệnh mù của Jose Sarmago... Đối diện với một
người có kiến văn rộng rãi, uyên bác như vị sư thầy này, thưa thật, tôi có cảm
giác hơi trờn trợn. Do vậy, mà gần như suốt buổi, tôi chỉ ngồi gật đầu như gà mổ
thóc, thỉnh thoảng mới dám góp vào một vài câu vô thưởng vô phạt. Rồi như sực
nhớ ra điều gì, vị sư thầy vội đứng lên mở ngăn tủ lấy ra một tập giấy mỏng, loại
giấy kẻ ô đã ố vàng, đưa cho tôi:
- Tôi nhờ chú đọc hộ, ngắn thôi. Nếu chú thấy bất tiện thì để
lại khi khác vậy.
Cũng nên thưa thật, tôi ghét cực kì những ai gặp đâu cũng đưa
ra bản thảo, lại còn bắt người ta phải đọc ngay tại chỗ nữa chứ ! Một cách tra
tấn, một kiểu cưỡng bức, không thể chấp nhận được! Tiếp lấy xấp bản thảo của
sư trụ trì, lúc đầu tôi rất lấy làm khó chịu, nhưng kịp nghĩ lại đây là một nhà
sư có kiến văn uyên áo, sâu rộng, có thể tôi sẽ học được điều gì đó bổ ích từ
trong mấy trang giấy nhàu nhĩ, ố vàng kia, với lại tuổi già ai chẳng thế!?
Bản thảo không có tiêu đề cũng không ghi bút danh, nhưng nét
chữ chân phương, rõ ràng, dễ đọc.
Hồi cha ta còn sống, thấy ta thỉnh thoảng viết lách nhì nhằng,
ông nghiêm khắc bảo, sự nghiệp văn chương cực nhọc lắm, gian khổ lắm mà rất khó
thành đạt. Lòng đam mê thôi chưa đủ mà phải có thực tài cộng thêm với năng khiếu
bẩm sinh nữa con à. Lúc đầu, ta nghe lời cha theo nghề dạy học. Hơn mười năm
làm "kĩ sư tâm hồn", có nghĩa là đã trích ra từ quỹ thời gian của đời
ta hơn mười năm góp phần vào việc đào tạo con người toàn diện có ích cho nước, có
lợi cho nhà. Học trò ta tuy thành đạt không nhiều, đó là lẽ tất nhiên, nhưng
như thế cũng đủ làm cho ta hãnh diện lắm, tự hào lắm và yên tâm với nghề trồng
người, cái nghề tuy lao tâm khổ tứ nhưng được xã hội hết sức tôn vinh. Những
khi rãnh rỗi, ta tập trung vào việc viết lách, viết rất nhiều và đủ các thể loại,
chủ yếu là viết để giải tỏa nỗi niềm, để bày tỏ nhân sinh quan bằng thứ ngôn ngữ
bình dị, mộc mạc, giàu biểu cảm. Cũng có một vài tác phẩm khiến ta cao hứng gửi
đến Tòa soạn các báo rồi dài cổ chờ đợi, mòn mỏi ngóng trông. Tất cả đều bặt vô
âm tín!. Nhưng không sao, ta viết đâu phải để được đăng báo, để được nêu tên tuổi? Nào ngờ thằng bạn thân nó lại hại đời ta bằng cách gieo rắc trong tâm hồn ta
mầm móng của hư danh, của mộng ảo. Nó thuộc hàng đại gia trong giới đầu nậu
sách đang có cuộc sống đế vương tại thành phố. Chẳng biết ma xui quỉ khiến gì
đó mà nó thu gom tất cả những tác phẩm của ta còn đang ở dạng bản thảo in thành
tập qua một nhà xuất bản danh giá trong cả nước!. Ngày nó mang tiền bản quyền
và sách đến tặng ta, thú thật, lúc đó ta không giấu được niềm sung sướng tột đỉnh,
sung sướng vì lần đầu tiên tác phẩm của mình được in thành sách. Nhìn bìa
tập sách màu sắc hực hỡ và dòng chữ mang tên ta đẹp như rồng bay, phượng múa,
ta xúc động đến không gìm được nước mắt. Thế là mình đã thành một nhà văn thứ
thiệt rồi, đã góp mặt vào dòng văn học hiện đại nước nhà rồi!
Sự nhận thức quá ấu rĩ, quá ngây thơ của ta lúc đó bây giờ ngẫm lại không khỏi buồn cười!. Thừa dịp ta đang choáng ngợp trong hư danh nên mất cảnh giác, thằng bạn mạnh tay đẩy ta rơi vào cái nghiệp văn chương cực kỳ khắc nghiệt như lời cha ta đã cảnh báo. Nó xúi ta bỏ dạy để lao vào sự nghiệp viết lách mà nó bảo đang ở độ thăng hoa, đang trong giai đoạn chín mùi. Lúc đó hư danh đã ám vào ta, đầu óc ta mê muội nên không phân biệt phải trái, đúng sai, không tự lượng sức mình. Thế là ta hăm hở bỏ dạy vác bút lao vào chọc ngoáy ngôi đền thiêng chữ nghĩa. Trong buổi tiễn đưa ta rời ngành Giáo dục, bạn ta có người cho rằng, ta đang chạy theo hư ảo, phù phiếm. Cũng có người bảo ta đi đúng đường, hợp với khả năng vốn có. Mặc, nhân sinh quý thích chí. Người có bản lĩnh như ta dễ gì bị dư luận chi phối, bị tình cảm ràng buộc? Chỉ tội cho đám học trò lít nhít của ta, đứa nào cũng mang đến tặng ta những bó hoa tươi roi rói với những giọt nước mắt hồn nhiên mà đậm nghĩa thầy trò. Mà đâu phải chỉ có học sinh khóc từ biệt ta? Một vài cô giáo lặng lẽ dành cho ta những giọt nước mắt trong buổi chia tay nữa đấy.!
Sự nhận thức quá ấu rĩ, quá ngây thơ của ta lúc đó bây giờ ngẫm lại không khỏi buồn cười!. Thừa dịp ta đang choáng ngợp trong hư danh nên mất cảnh giác, thằng bạn mạnh tay đẩy ta rơi vào cái nghiệp văn chương cực kỳ khắc nghiệt như lời cha ta đã cảnh báo. Nó xúi ta bỏ dạy để lao vào sự nghiệp viết lách mà nó bảo đang ở độ thăng hoa, đang trong giai đoạn chín mùi. Lúc đó hư danh đã ám vào ta, đầu óc ta mê muội nên không phân biệt phải trái, đúng sai, không tự lượng sức mình. Thế là ta hăm hở bỏ dạy vác bút lao vào chọc ngoáy ngôi đền thiêng chữ nghĩa. Trong buổi tiễn đưa ta rời ngành Giáo dục, bạn ta có người cho rằng, ta đang chạy theo hư ảo, phù phiếm. Cũng có người bảo ta đi đúng đường, hợp với khả năng vốn có. Mặc, nhân sinh quý thích chí. Người có bản lĩnh như ta dễ gì bị dư luận chi phối, bị tình cảm ràng buộc? Chỉ tội cho đám học trò lít nhít của ta, đứa nào cũng mang đến tặng ta những bó hoa tươi roi rói với những giọt nước mắt hồn nhiên mà đậm nghĩa thầy trò. Mà đâu phải chỉ có học sinh khóc từ biệt ta? Một vài cô giáo lặng lẽ dành cho ta những giọt nước mắt trong buổi chia tay nữa đấy.!
Từ ngày bỏ dạy lao vào việc viết lách mà ta cho là sự nghiệp
sáng tạo vẻ vang, giàu trí tuệ, bạn giáo của ta thưa dần rồi mất hẳn. Chỉ còn lại
ngọn đèn 10 watt, kỷ vật của một nữ đồng nghiệp tặng ta nhân ngày ta rời đơn vị
đã cùng ta thao thức hàng đêm bên những trang bản thảo. Cũng may cho ta, hơn mười
năm dạy học đã để lại cho ta cái lộc của nghề thầy. Hàng năm, cứ đến ngày Nhà
giáo Việt Nam, trước căn nhà cấp bốn khuất nẻo, tĩnh lặng, ngôi nhà phản ảnh
đúng cuộc sống "cư trần lạc đạo" của chủ nó, những chiếc xe du lịch,
biển số xanh có, đỏ có, màu sắc rực rỡ biểu hiện cho quyền lực và sự giàu sang
đậu san sát. Thấy lạ, những người hàng xóm cứ rỉ tai nhau: cái lão "mất dạy"
teo nhách như que tăm kia làm gì mà được các quan chức đến thăm viếng nườm nượp? Người ta ngạc nhiên cũng phải thôi. Thời buổi bây giờ, lớp quan chức với đám
thương gia thường cấu kết nhau, dựa dẫm vào nhau để thăng tiến, để làm giàu chứ
mấy ai thèm quan tâm đến kẻ thị dân lãng đãng, làng nhàng như ta. Họ đâu biết
đó là những học trò cũ của ta đang thành đạt đến thăm thầy! Học trò cũ đến thăm
ta cũng phải thôi. Hồi còn là thầy giáo chủ nhiệm, ta xem học trò như con em
trong nhà. Ngoài việc giảng dạy chương trình chính khoá trên lớp, ta còn gom
góp những học sinh cá biệt, học sinh thuộc diện nghèo đưa về nhà dạy thêm mà
không lấy một đồng thù lao. Thỉnh thoảng ta còn phải trích từ đồng lương còm
cõi của mình giúp học sinh nghèo thanh toán kịp thời các khoản tiền trường để
khỏi bị đuổi học, khỏi bị đưa ra cảnh cáo toàn trường vào mỗi buổi chào cờ cuối
tuần, trong số đó có những người hiện đang là những vị chức sắc có quyền uy; những
đại gia tầm cỡ. Vì vậy, càng thành công trên đường đời, càng giữ trọng trách lớn
trong xã hội, học trò cũ càng không quên ta, càng quí trọng ta và một mực tôn
ta làm thầy. Thỉnh thoảng có đứa còn đến tham vấn ta mỗi khi gặp phải những khó
khăn rắc rối trong công tác quản lý, trong sự nghiệp an dân. Tình cờ bắt gặp
tên học trò cũ có hiện tượng tiêu cực, cậy chức cậy quyền nhũng nhiễu dân đen
in trên các mặt báo, ta đau đớn đến tận tâm can và thẳng thắn gửi lời nhắc nhở
về cái đạo làm người mà ngày xưa ta bỏ công dạy bảo.
Bạn văn bút của ta cũng nhiều nhưng đa phần như ta, rất háo
danh, chạy theo hư ảo, chỉ khác ta ở chỗ, họ lấy văn chương chữ nghĩa làm màu
trang trí thêm cuộc sống giàu sang phú quý. Hạng người này phần lớn không trung
thực, phải luôn dè chừng, không khéo dễ bị phản phé!. Người có thực tâm thì
bóng gió khuyên ta nên đọc nhiều hơn và viết ít lại.
Thằng bạn láu cá lại xúi ta phải bám vào thị hiếu của đông đảo
bạn đọc mà sáng tác để kiếm tiền, để làm nên danh phận. Mất cảnh giác, ta xoay
sang đề tài tình yêu. Tình yêu tay đôi, tay ba gay cấn, éo le, đầy kịch tính được
ta khai thác một cách triệt để bằng giọng văn trữ tình, ướt át, giàu nhạc tính.
Vì vậy, tác phẩm của ta vừa ra đời thì ngay lập tức được thằng bạn cho bọn đàn
em đưa đi phát hành khắp mọi nơi mọi chốn, đến tận tay quý bà, quý chị, quý cô
đọc rỉ rả lúc thư nhàn. Nhờ thế mà sách của ta ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu,
nhiều khi phải in nối bản vẫn chưa đủ phát hành. Hàng ngày, ngoài chuyện viết
lách, ta còn phải dành thời gian để đọc thư của độc giả từ khắp nơi gửi đến. Hầu
hết họ khen tác phẩm của ta phản ánh một cách sắc sảo, tinh tế về tâm sinh lý của
các lứa tuổi sắp yêu, đang yêu, kể cả những người sồn sồn đang cố vớt vát chút
tình cảm lúc xế chiều. Thậm chí có nhiều nữ độc giả cỡ tuổi U30 trở lên
tìm đến thăm ta lại còn nhờ ta... "gỡ rối tơ lòng". Tóm lại là ta rất
tự hào, rất thỏa mãn bởi tác phẩm của ta đang được đông đảo bạn đọc nhiệt
tình đón nhận, được công chúng quan tâm...
Rồi một hôm, chính ta tự đánh mất lương tâm trong sáng của một
người thầy, và cũng nhờ đó ta mới ngộ ra rằng, tác phẩm văn chương tình cảm tâm
lý của ta có tác hại nghiêm trọng đến đời sống xã hội, đến đạo đức truyền thống.
Đó là vào một buổi tối mùa đông. Lúc ta đang ngồi trầm ngâm
trước trang bản thảo, bỗng có tiếng gõ cửa khẽ khàng. Ta vội buông bút đứng lên
mở cửa. Tưởng ai, hóa ra là vợ của thằng học trò ruột đang thụ án hai năm tù vì
tội tham ô tài sản nhà nước. Tội nghiệp cậu học trò cũ của ta! Lâu nay có tiếng
là trung thực, liêm khiết bỗng dưng rơi vào vòng lao lý! Vừa thấy ta, nàng nước
mắt ngắn dài: "Thầy ơi, nhà em vừa bị ban thi hành án niêm phong rồi!". "Ấy chết! Sao lại thế? Thôi, em vào nhà đi đã". Nàng khép
nép ngồi đối diện với ta, nhìn ta bằng đôi mắt dân dấn nước, ra vẻ như cầu cứu: "Trước mắt, thầy cho em ngủ tạm một đêm, sáng mai em sẽ dọn đến nhà một
nhỏ bạn". Ta thực sự bối rối trước lời đề nghị hết sức bất ngờ này. Ngẫm nghĩ
một lát, ta đành buông xuôi: "Cũng được thôi. Nhưng mà... nhưng mà người
em ướt cả. Em ra sau tắm rửa rồi vào sẽ tính". Nàng mang đồ ra nhà sau một
lúc rồi trở vào với chiếc váy ngủ màu đen mỏng tanh làm nổi bật làn da trắng
nõn, lồ lộ một phần ba đôi quả bồng đào rừng rực sức xuấn và một mùi hương
thoang thoảng đầy quyến rũ. Nàng ngồi vào chỗ cũ, đối diện với ta. Lúc này,
Nàng là hiện thân của một vẻ đẹp hấp dẫn, gợi cảm. Có lẽ thượng đế bắt gặp cũng
phải mềm lòng đừng nói chi ta, một gã đàn ông tuy luống tuổi nhưng chưa vợ, sức
lực sung mãn. Nàng bồng dịu dàng thỏ thẻ: "Truyện của thầy viết hay lắm.
Em đã đọc nhiều tác phẩm của thầy. Em rất thích những pha làm tình vừa êm dịu vừa
mãnh liệt mà thầy mô tả". Nàng lại nhìn ta bằng đôi mắt mơ màng: "Mà
cũng lạ! Thầy sống độc thân mà đào đâu ra những kinh nghiệm tuyệt vời!".
Lúc này, ta cứ giả vờ dán mắt lên trang bản thảo, nhưng thực ra, trong ta sóng
lòng đang cuồn cuộn. Bất chợt, ta đứng lên nói giọng cả quyết: "Nhà thầy
chỉ có mỗi chiếc giường. Em cứ tự nhiên. Thầy sẽ sang nhà người hàng xóm ngủ nhờ".
Nàng vội đứng lên ngăn ta bằng chất giọng vừa như hờn dỗi, vừa như oán trách:
"Như vậy hoá ra em đến làm phiền thầy. Thầy cứ ngủ giường thầy, em nằm tạm
trên sàn nhà kia cũng được. Trời đang mưa lớn, thầy đi lúc này không tiện".
Quả thực lúc này trời đang mưa to, cơn mưa như đồng lõa với kẻ tội đồ xô đẩy ta
vào vòng tội lỗi... Mờ sáng hôm sau ta giật mình tỉnh giấc thấy ta và nàng trần
truồng như nhộng trên chiếc giường quen thuộc của ta. Kinh khủng quá! Hãi hùng
quá! Ta ngồi bật dậy lay gọi nàng, nói giọng gay gắt: "Lỡ một lần nầy
thôi đấy nhé!".
Từ hôm đó, ta như người dở say dở tỉnh. Khi thì khao khát, chờ
đợi, mong ngóng đến cháy lòng; lúc thì tự nguyền rủa, tự dày vò, tự trừng phạt
hết sức nghiêm khắc. Xét cho cùng, ta cũng chỉ là con người bình thường, một gã
đàn ông đã nhiều năm sống độc thân chứ đâu phải thánh thần gì mà cưỡng lại nét
đẹp đầy quyến rũ, đầy mê hoặc của một kiều nữ hừng hực sức xuân giữa đêm hôm
khuya khoắt trong căn nhà trống vắng, ngoài trời thì mưa như trút nước?. Và
những lúc thật tỉnh táo, ta chợt hiểu ra rằng, cái loại văn chương mà trước đây
ta ngộ nhận là hấp dẫn, là kiệt tác được đông đảo bạn đọc đón nhận chỉ là thứ
văn chương vớ vẩn, rẻ tiền, gieo rắc vào lòng người đọc thứ tình cảm yếu mềm,
nhu nhược, có tác hại nghiêm trọng đến đời sống xã hội đến đạo lý truyền thống.
Những tác phẩm của ta ta mười lăm năm cầm bút đa số chỉ là thứ văn chương nhăng
nhít, kích dục, đầu độc những người kém hiểu biết, kém nhận thức bằng những câu
chuyện tình tay đôi, tay ba, thậm chí tay tư; bằng những pha làm tình điệu
nghệ, bằng những cuộc vi vu, phiêu lưu tình cảm của đám loai choai con nhà đại
phú. Trong khi cả nước đang thiếu giấy in sách giáo khoa thì ta lại ngang nhiên
chiếm dụng một khối lượng không nhỏ dùng vào việc viết lách làng nhàng, vẽ vời
nhăng nhít. Bây giờ tĩnh tâm lại, ta thấy mình rất có lỗi với học sinh, với những
ai có thật tâm huyết với văn chương chữ nghĩa. Nhìn lại những tập sách, những tập
sách ta từng hãnh diện tự hào vì nó, lúc đó ta lại thấy hổ thẹn lẫn xót
xa. Có lần ta định mượn một mồi lửa để kết liễu những đứa con tinh thần què quặt,
bệnh hoạn. Nhưng suy đi tính lại lòng ta không nỡ, dẫu sao đó cũng là những đứa
con ta dứt ruột đẻ ra mặc dù chúng bị bệnh đao, bị tâm thần phân liệt!.
Có lần ta gọi bà đồng nát đến cân ký đổi lấy mấy chục ngàn
mua vài gói trà tàu, bao thuốc lá, giúp ta tĩnh tâm nhìn lại quãng đời đã qua đầy
tham vọng, đầy ảo tưởng viễn vông, tự đánh mất lương tâm của một người thầy. Nào
ngờ khoảng tuần lễ sau, một cậu học trò cũ là giám đốc Xí nghiệp chế biến giấy
khệ nệ mang đến cho ta một bọc lớn, bảo rằng, có ai đó đã trộm sách của thầy
mang đến bán chỗ em. Nghiệp chướng! Lúc đó ta chỉ còn biết thở dài rồi mang đống
của nợ nhét sâu vào hộc tủ. Chí chẳng lớn, tài không cao, danh phận bọt bèo,
lương tâm dằn vặt, ta thề sẽ không bao giờ thèm động bút.
Bữa nọ, ta đang ngồi ủ rũ như con mèo ướt, bất ngờ bắt gặp cậu
học trò cưng của ta, chồng của nàng, từ ngoài ngõ hấp tấp đi vào. Ta bàng hoàng
thảng thốt. Chết! Thế là ta đã đến ngày tận số.! Cái thằng to con lực lưỡng
như hộ pháp kia nó chỉ quật cho một nhát thì thân ta bẹp dí như con mực nướng.
Ta chết cũng đáng đời lắm!. Tội lấy vợ học trò trời nào dung?!. Ta nghĩ vậy và
sẵn sàng chờ đợi cơn sấm sét cuồng loạn của cậu học trò cũ ta hằng yêu qúi. Cậu
học trò vội nhảy bổ đến bấu lấy vai ta, giọng xúc động: "Thầy ơi, con bị
xử oan sai nên đựơc trả tự do rồi. Con đến báo tin để thầy khỏi lo".
Mừng cho trò, nhục cho ta! Không dám nhìn thẳng vào mặt nó,
giọng ta run run: "vậy thì em phải làm đơn kiện Viện kiểm sát, kiện Toà
án để lấy lại danh dự, bắt bồi thường những thiệt hại trong thời gian
qua". Học trò của ta nói: "Lúc mới về em cũng nghĩ vậy, nhưng xét thấy
làm to chuyện thêm rách việc, được về sống hạnh phúc với vợ con, được phục hồi
chức cũ là em mãn nguyện rồi". "Được sống hạnh phúc với vợ con".
Trời ơi! Thật mỉa mai, nhục nhã, đê tiện biết chừng nào, ta không còn xứng đáng để được cậu học trò dành cho ta dự tôn kính, tin tưởng. Giá như cậu học trò cưng dộng cho ta mấy đạp, nện cho ta mấy tát, nguyền rủa ta thậm tệ có lẽ lòng ta sẽ thanh thản hơn, dễ chịu hơn. Đằng nầy nó vẫn một mực quý trọng ta, tin yêu ta, lại còn đem quà đến biếu ta nữa chứ!?.
Trời ơi! Thật mỉa mai, nhục nhã, đê tiện biết chừng nào, ta không còn xứng đáng để được cậu học trò dành cho ta dự tôn kính, tin tưởng. Giá như cậu học trò cưng dộng cho ta mấy đạp, nện cho ta mấy tát, nguyền rủa ta thậm tệ có lẽ lòng ta sẽ thanh thản hơn, dễ chịu hơn. Đằng nầy nó vẫn một mực quý trọng ta, tin yêu ta, lại còn đem quà đến biếu ta nữa chứ!?.
Từ hôm cậu học trò cưng đến thăm ta, trong giấc ngủ, ta thường
bắt gặp nàng máu me đầy mình lao đến kéo áo ta khóc lóc thảm thiết, khi thì thấy
cậu học trò vác búa rượt theo ta quyết thanh toán món nợ cướp vợ làm náo động cả
bàn dân thiên hạ. Ta la hét, kêu gào trong những cơn mê như thế rồi giật mình tỉnh
giấc, mồ hôi ướt đẫm, hơi thở khò khè, thao thức cho đến sáng. Mới vài tuần lễ
mà mặt mũi ta bơ phờ hốc hác, thần kinh suy sụp, trông rất thảm hại. Ta chợt
đưa ra một quyết định hết sức quan trọng: văn chương của ta đã làm tổn thương
danh dự ta, hạ nhục ta thì bây giờ ta cũng phải dùng văn chương để phục hồi
danh dự, để lấy lại những gì tự ta đánh mất. Vâng, chỉ có thế lòng ta mới thanh
thản.
Ta khóa trái cửa, cách ly với cuộc sống, bứt khỏi mọi quan hệ
đời thường, ngày đêm dồn hết tâm huyết lên từng trang bản thảo. Gần bảy tháng
lao tâm khổ tứ, tập tiểu thuyết Sám hối của ta đã viết xong trang cuối. Ta tở
phào nhẹ nhõm như vừa bóc bỏ một khối u đã bám riết theo ta, đè nặng cuộc sống
tinh thần của ta suốt một thời gian dài. Sám hối rất hiện đại từ bút pháp đến bố
cục, từ ngôn từ đến ý tưởng cực lực lên án loại văn chương nhảm nhí rẻ tiền, những
thói hư tật xấu, những hiện tượng tiêu cực, góp phần ổn định trật tự xã hội, đồng
thời cũng thể hiện sự ăn năn sám hối của ta. Ta cẩn trọng gói kỹ tập bản thảo gửi
tặng vợ chồng cậu học trò cũ của ta và bảo với nó rằng, đây là tập bản thảo
thầy chỉ dành tặng riêng vợ chồng em. Nợ văn chương như thế cũng gọi là tạm ổn,
còn đạo thầy trò có lẽ đời ta không bao giờ trả nổi ...
Đọc xong câu chuyện, tôi ngẩng lên nhìn sư trụ trì, ngạc
nhiên hỏi:
- Nhà văn Bất Tri! Đúng là nhà văn Bất Tri rồi. Em đã đọc tập
sách của thầy. Thầy viết hay lắm. Tác phẩm của thầy đậm tính nhân văn
nhân đạo. Cách viết hiện đại của thầy lớp trẻ bọn em bây giờ khó có ai theo kịp.
- A Di Đà Phật! Nghiệp chướng. Chú nhầm rồi, ta là sư thầy
Thích Giác Ngộ.
Tôi vẫn cứ vô tư hồn nhiên mà không biết đây là điều cấm kỵ đối
với một người đã quyết tâm gửi thân vào cửa từ bi, gạt bỏ ngoài tai mọi thị phi
thế tục.
- Năm vừa rồi, giới phê bình văn học hết lời ca tụng tác phẩm
của thầy, tác phẩm được trao giải lớn nhưng không tìm ra tung tích tác giả.
- Thiện tai, thiện tai! A Di Đà Phật. Đã đến giờ thỉnh
chuông, nếu có cơ duyên ắt có ngày gặp lại.
Sư thầy đứng lên tiễn tôi. Rời khỏi cổng tam quan một quãng
xa, bỗng có tiếng chuông chùa thong thả ngân nga trong buổi chiều Đà Lạt mù
sương. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài Giã từ Yên Tử của Vũ Quần Phương:
Giã từ sương núi mây khe
Giã từ kinh kệ về nghe chuyện đời
Lăng nhăng trăm sự rối bời
Mà sao yêu cái cõi người thẳm sâu.
Giã từ kinh kệ về nghe chuyện đời
Lăng nhăng trăm sự rối bời
Mà sao yêu cái cõi người thẳm sâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét