Mishima, 23 tuổi, thời điểm viết Chôchô (1948)
Dẫn nhập của người dịch:
Năm 1898, nhà văn Mỹ John Luther Long, người chưa từng dặt
chân lên đất Nhật, đã dựa vào thư tín và tài liệu của chị mình, vợ hiệu trưởng
một trường đạo ở Nagasaki, để viết tiểu thuyết nhan đề Madam Butterfly (Hồ Điệp
phu nhân). Truyện kể lại mối tình bi đát giữa một sĩ quan hải quân Mỹ tên
Pinkerton và nàng con hát mới 15 tuổi có nghệ danh là Chôchô (Bươm Bướm) mà người
chị nghe dân sở tại truyền tụng. Hình tượng nàng Chôchô ôm con đứng trên mỏm đất
nhìn ra vịnh Nagasaki trông ngóng người chồng bạc tình ra đi không bao giờ trở
lại, buồn tuyệt vọng rồi tự sát trước Phật đài năm 18 tuổi…đã là nguồn cảm hứng
cho nhà soạn nhạc người Ý Puccini viết vở nhạc kịch ôpêra cùng tên, công diễn lần
đầu tiên ở nhà hát Scala thành phố Milano năm 1904. Vở nhạc kịch cảm động này vẫn
tiếp tục được trình diễn từ trên một trăm năm nay. Dù có thực hay không, truyện
nàng Chôchô chỉ là một thảm cảnh điển hình của bao người con gái Nhật Bản, phải
bán thân làm “vợ trên bến” (genchizuma) những chàng thủy thủ lang bạt thời Nhật
Bản vừa mở cửa.
Nhân vật thứ hai cũng quan trọng không kém, được nhắc đến
trong truyện này, là danh ca giọng nữ cao (soprano) Miura Tamaki (1884-1946).
Bà là người Nhật Bản giữ trọng trách đào chính (prima donna) trên sân khấu
Opera House ở London năm 1915 trong vai Madama Butterfly, cho đến lúc đó, chỉ
có người ngoại quốc chủ diễn. Đã đi khắp thế giới và diễn vai này trên 2000 lần.
Puccini gặp bà năm 1920 và cho rằng tài diễn xuất và tiếng hát của bà đã hoàn
thiện nhân vật sân khấu mà ông trông đợi. Ở Nhật, Miura Tamaki đồng nghĩa với
Madama Butterfly. Lúc đã ngoài 50 tuổi, tiếng hát của bà vẫn trong thanh như
thưở 20. Bà mất năm 1946 sau khi diễn lần cuối cùng mới có hai tuần, và như ý
nguyện, được chôn ở bên hồ Yamanaka, cạnh núi Fuji, nơi bà có thời đi sơ tán
trong chiến tranh..
Tuy nhiên, ta thấy ở đây hình như Mishima chỉ mượn hai nhân vật
trên để nêu một câu hỏi khác có tính cách triết học. Nó liên quan đến sự đối lập
giữa ngăn cách/ đợi chờ, hy vọng/ tuyệt vọng của con người mọi thời đại. Khác
với chàng Pinkerton vĩnh viễn bỏ đi và là đầu mối của bi kịch đời nàng Chôchô,
người đàn ông trong truyện này, Kiyohara, đã từ chiến trường trở về tìm lại người
xưa nhưng chính điều đó lại là nguyên nhân của một bi kịch khác.
Vào truyện:
Nàng Chôchô sẽ ra thế nào nếu tuổi già lại đến viếng nàng trước,
sớm hơn cả ngày trở về của chàng Pinkerton mà nàng mòn mỏi trông chờ? Nhưng ít
nhất tuổi già sẽ rước nàng đi cùng chứ không tàn nhẫn bỏ rơi nàng như anh chàng
Pinkerton kia. Đó là ý tưởng hiện ra trong trí Kiyohara vào đêm đầu tiên đi
nghe hòa nhạc sau khi anh giải ngũ trở về. Kiyohara là sĩ quan trừ bị chuyên
môn về kế toán lương bổng, bị trưng binh khi vừa bốn mươi tuổi, mới hai năm trước
đó, đã lâm vào cảnh góa bụa. Sinh trong một gia đình ngành xuất nhập cảng mà
anh là con trai nối dõi, Kiyohara đã được rèn luyện từ thời trẻ cách thức giữ
được một thế quân bình hiếm có giữa tính nghiêm khắc và sự dễ dãi. Cũng nhờ tài
xã giao thiên phú của mình, sau khi nhập ngũ, anh đã được lòng tất cả những nhà
kinh doanh các vùng anh đến đóng quân, đặc biệt thời ở Đài Loan, cơ sở giao hảo
tốt đẹp anh tạo được nhiều khi làm bùng lên lòng ganh tỵ của người trong đơn vị.
Thế nhưng Kiyohara chỉ yêu thích mỗi cuộc sống cô đơn. Thường thường lớp trẻ
không có duyên với chuyện ăn chơi giao thiệp mới hay ca tụng sự cô đơn chứ tự
buổi thiếu thời, Kiyohara thì đã thừa hiểu đó là một điều đáng ghét, và chính
vì không muốn yêu sự cô đơn một cách giả dối như họ, anh đã xử sự ngược lại, tạo
cho mình cái dáng một thanh niên ăn chơi ra trò. Ở giai đoạn từ hai mươi tuổi
trở đi, trong lòng anh có một niềm tự hào không chút ngại ngùng là chắc chắn
mình chưa từng để bất cứ cô gái nào phải khổ.
Rồi đến khi bước qua cái tuổi ba mươi, anh lại chỉ thấy có vợ
là người bên cạnh phải chịu đựng vì mình. Lúc đó anh mới biết rằng những trò
vui trong quá khứ mà anh cứ nghỉ chẳng làm chết ai chính là một chuỗi hành động
sai lầm hay thất sách. Bởi vì trong khoảng thời gian từ hai đến ba mươi tuổi,
anh cứ đinh ninh nếu mình làm một việc ác mà ý thức được là ác thì tất cả sẽ trở
thành điều thiện. Nhưng anh ngờ đâu sự xác quyết lầm lẫn thời trai trẻ này, chứ
không phải lý tính, đã làm say sưa hết cô gái này đến cô gái khác!
Sau khi vợ qua đời, anh được gửi đi xuống các nước phương nam
và có cuộc sống nhàn tản nhiều năm trong đời quân ngũ. Hoàn cảnh lúc đó thật lý
tưởng để nhen nhúm lại trong óc anh sự thỏa mãn là mình chưa để cô gái nào phải
khổ sở bao giờ. Thế nhưng có một điều Kiyohara không ngờ tới. Đó là trong tâm hồn
anh, sự thỏa mãn ấy đã được thay thế bằng một sự trạng thái nghĩ ngơi thoải mái
khiến anh dù có muốn, cũng không có thể làm khổ thêm cô gái nào nữa.
Như thế, một mình lẻ loi, anh đã băng qua công viên H. chiều
hôm ấy lúc trời vừa sập tối, để đi nghe hòa nhạc (xem hát một mình cũng chỉ là
một thói quen tự ngày còn trẻ). Đó là tối ngày 20 tháng 3 năm 1946, lúc cơn mưa
giá lạnh vừa mới tạnh xong.
Anh thấy lại trên sân khấu người nữ danh ca luống tuổi, mà cứ
theo lời người ta đồn đại, hồi chiến tranh, trong thời kỳ đi sơ tán ở vùng hồ
Yamanaka, mỗi sáng khi bà đứng hát bên bờ hồ thì chỉ trong chốc lát đã thấy
chim chóc tụ lại thành đàn trên những chòm cây như muốn cất tiếng hòa ca với
bà. Còn lúc bà đóng vai O-Chô Fujin (Hồ Điệp phu nhân). người ta có cảm tưởng
như nhìn lại được hình ảnh huyền ảo của nhân vật phụ nữ đã nổi tiếng thế giới một
thời đó. Thế nhưng tối hôm ấy, trong buổi hòa nhạc, bà không hát làn điệu Un
bel dì vedremo (Vào một ngày nắng đẹp) [2] tuyệt vời mà thay vào đó bằng những khúc leider thanh thoát
tươi tắn trong La Belle Meunière (Nàng thiếu nữ bên cối xay gió) của Schubert,
mà ai cũng biết là khá khó diễn đạt.
Hai tấm bình phong màu vàng kim, mỗi tấm sáu miếng kết lại,
vây quanh sau lưng, còn bà thì đứng bên cạnh chiếc dương cầm và cái ghế màu
xanh lục. Tuy từng cho khán giả biết “có thể sắp sửa phải chịu giải phẩu vì
đang mắc một chứng bệnh trầm trọng, nghệ sĩ cũng gắng gượng ra mắt”, thế nhưng
bà chẳng chịu ngồi xuống ghế mà chỉ tựa mình một cách khó khăn vào thành dương
cầm. Bà mặc một chiếc kimono tay thụng, nền trắng óng ánh có mô típ quạt Nhật,
thắt bằng dải thắt lưng màu son tươi. Những ngón tay đeo đầy nhẫn sáng lấp
lánh. Tất cả tạo cho bà cái dung mạo đoan trang đầy đặn như nữ thần Kichijô [3] nhưng thân thể bà đã bị bệnh tật làm cho yếu ớt giống như một
cánh hoa bìm héo hon vì bị ngắt khỏi cành từ ngày hôm trước. Dù vậy quang cảnh
bà bước ra sân khấu thật lộng lẫylàm cho mọi người không ai dám nghĩ rằng đó là
một nhan sắc đang đến hồi tàn tạ. Chỉ có thể nói một sự tàn tạ tuyệt mỹ. Có nhà
phê bình âm nhạc thời Taishô (trong thập niên 1910) đã ghép chung bà với T.S.,
một nữ danh ca khác bằng cái tên thân ái “cặp đào chính tốc-kê”, có lẽ vì kiếp
sống của bà đầy những cảnh dở dại dở điên, mà cuộc đời Hồ Điệp phu nhân xưa kia
cũng hao hao không khác.
Để cho từ bên trong cái thân thể bệnh tật già nua chưng diện
lộng lẫy như một bàn tiệc cưới phát ra được âm hưởng tiếng chim non đang hót,
chắc phải dùng đến tài ảo thuật. Tiếng hát trong thanh có một không hai của bà
giống như của người bị đồng nhập, nên dù không muốn, bà cũng phải mở miệng để
nó thoát ra. Thân thể bà có thể già nua cằn cỗi đi nhưng tiếng hát không hề
đánh mất cái nhựa sống đã gắn liền với da thịt trên khuôn mặt. Và khi tiếng hát
đó vọng vào tai mình, thính giả chỉ có thể thấy rằng họ đang đứng trước một chiếc
mặt nạ đẹp tuyệt vời.
Bao cánh hoa buông lơi,
Bên bờ giòng nước trôi….
Người nữ danh ca vừa hát vừa hơi cúi đầu ra phía trước, hai
tay vươn ra làm dấu vẽ cảnh giòng nước đang trôi. Tức thời trên sân khấu nổi
lên tiếng rì rào của con suối lấp lánh, hiền hòa trôi. Ngón tay có đeo nhẫn kim
cương của bà như cắt vào không khí để làm vọt ra từ không gian trong vắt đó
hình ảnh một giòng nước. Bao cánh hoa buông lơi, run en trong làn gió nhẹ bên bờ
suối. Thế rồi bằng những cử động ve vuốt của bàn tay nhỏ nhắn như tay một cô
bé, bà đã làm sống được những cành hoa tưởng tượng đó, để chúng phô bày những sắc
cầu vồng tựa hồ vệt dầu loang tươi tắn trên mặt nước.
Miura Tamaki (1884-1946)
(Ảnh Wikipedia)
Bất chợt Kiyohara có ảo giác mình đang nghe lại âm điệu của bản
Un bel dì vedremo (Vào một ngày nắng đẹp) yêu thích thuở nào. Có phải người nữ
danh ca có tiếng hát huyền hoặc của tay phù thủy với quyền năng thần bí, đã làm
sống lại ảo ảnh đó dễ dàng theo ý muốn? Khi bà cất tiếng hát “Vào một ngày nắng
đẹp”, người ta thấy được cả màu xanh của biển cả cuồn cuộn dâng lên trong đôi mắt.
Trên cái phông vụng về vẽ cảnh mặt biển, như thể những thần linh hải dương đang
rủ nhau về. Đôi mắt của Chôchô lúc ấy không còn đen láy của đôi mắt người con
gái Nhật Bản nữa. Có lẽ vì ngày lại ngày cứ phải đăm đăm nhìn mặt biển trong
mòn mỏi nhớ mong, cuối cùng cặp mắt nàng đã nhuộm màu biển cả. Thế nhưng, ngay
giữa lúc ấy, như thể nàng đã tiên liệu những gì sẽ xảy ra, trước khi bi kịch
trong màn cuối của tấn tuồng bắt đầu và cũng là lúc khuôn mặt nàng hoàn toàn
nhuộm trong màu xanh của biển, đôi mắt nàng đã bị ánh nắng mặt trời chói lòa giữa
trưa thu hút tự bao giờ. Con thuyền đang chở đến cho nàng tấn bi kịch. Chính là
đôi mắt xanh ngăn ngắt đại dương của Chôchô đã mời mọc nó ghé bến. Cái mà nàng
chờ đợi, không phải anh chàng Pinkerton. Thực ra, nàng chờ đợi tấn bi kịch.
Nghĩa là cái chết. Điều nàng trông mong dường như chỉ có thế.
Ngay khi đó, người nữ danh ca cũng vừa hát xong những nốt cuối
cùng của “Bài hát ru của dòng suối”. Bà ôm trong tay một bó hồng - tuy bó hoa
quá khiêm tốn để có thể bảo là “ôm trong tay” - ngỏ lời cùng khán giả với một
giọng ngọt ngào. Sau khi nhắc đến Paderwski [4], Caruso [5], Chaliapine [6], Gigli [7], những tên tuổi huy hoàng, quí giá như châu ngọc, đã cùng xuất
hiện với bà trên sân khấu một thời, bà mới bảo “Trong khi đạt được những thành
tựu trên thế giới, tôi đã bị tổ quốc Nhật Bản bỏ quên. Tên tuổi tôi ở đây quá
nhỏ bé (bà đưa bàn tay đeo nhẫn lên lấp lánh, giả vờ như đang nhìn vật gì dưới
kính hiển vi), nếu quý vị không chịu khó cúi xuống đọc thì sẽ không thấy đâu!”.
Trong tất cả những tình nhân trong đời bà, chưa ai nhận được tình yêu mà bà đã
dành cho sự nghiệp. Bà yêu danh vọng với cái tình cảm tinh tế chỉ có thể thấy
nơi người phụ nữ. Chỉ khi nghe tiếng vỗ tay rung cả hội trường, bà mới thấy niềm
vui của mình dâng lên tột đỉnh. Bao lần bà đã nghe nghe người trên thế giới thì
thào với nhau cái tên của mình như một câu thần chú linh thiêng. Tên của bà
cũng đã được chạm khắc để trang điểm cho những tấm phù điêu thanh lịch của các
thành phố cổ kính ở mãi Ý Đại Lợi. Mặt bà có lần tái xanh gần muốn ngất đi
trong làn hương tiễn biệt của hàng nghìn đóa hoa hồng thành La Mã. Đến khi con
tàu chở bà bỏ bến Gibraltar lại đằng sau, đêm Địa Trung Hải đã mở ra một khung
trời tráng lệ chưa từng có, tô điểm bằng muôn ngàn vì sao sáng, để tiễn bước
chân bà. Thế rồi khi đứng trên boong tàu ẩm ướt trong màn sương mai, người nữ
danh ca đã nhận ra những nét đầu tiên hình dạng của Hợp Chúng Quốc Mỹ Châu qua
vài vệt cắt mơ hồ phía chân trời, và lúc ấy bà đã ngỡ rằng những lớp sóng kia
là vô số bàn tay của đám đông nồng nhiệt hò reo, vẫy gọi.
-Quí vị có biết rằng khi đến ra mắt ở các buổi hòa nhạc, lần
trước tôi còn lấy xe điện được, thế nhưng kỳ này rốt cuộc (nàng phát âm tiếng
này mới một giọng nói nhỏ và thanh nhã đến độ không ngờ) tôi phải nhờ người ta
địu tôi trên lưng đó ạ. Tôi đã mắc chứng sưng ruột thừa hồi mấy năm về trước
sau khi đi ủy lạo các chiến sĩ về, rồi bệnh trở nặng làm thành một khối u trong
bụng. Chỉ nội tuần này, tôi sẽ biết mình phải mổ hay không. Nếu tai qua nạn khỏi,
tôi sẽ có dịp trở lại hát Hồ Điệp phu nhân hầu quý vị vào tháng sáu tới. Ví bằng
bệnh không lành và ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra, xin quí vị cứ xem hôm nay là buổi
trình diễn cuối cùng của tôi.
Nói xong, bà lau một giọt nước mắt với cánh tay áo lót vải kếp
màu đỏ rực bên trong chiếc kimono, hình ảnh gợi nhớ những đam mê nồng nhiệt đến
độ bệnh hoạn trong quá khứ của bà, một phụ nữ thế hệ Meiji [8]. Đặt bó hoa lên ghế, bà dựa lưng vào chiếc dương cầm trong khi
ánh đèn rầm sân khấu chiếu lên trên ngấn cổ nhăn nheo của bà những tia sáng tàn
nhẫn.
Bà hát bài ca từ giã “Home, sweet home” bằng một giọng thật
trầm và không cần nhạc đệm. Tiếng hát ấy khiến cho nhiều người trong đám nữ
khán giả tham dự hôm đó cảm động đến độ phải lật đật rút khăn tay. Tiếng hát của
bà làm liên tưởng đến khung trời thành Nhã Điển trãi rộng ra, bao trùm lên quang
cảnh sân khấu đang lặng lẽ trình diễn một vở bi kịch Hy Lạp mà chính bài hát
cũng chứa đựng những ca từ thê thiết và tang tóc. Người ta tự hỏi có phải chăng
đó là tiếng hát của Sappho, sau khi bị phản bội trong tình yêu, đã đốt một đống
lửa hồng trước mặt đền nữ thần Aphrodite, còn mình đầu đội vòng nguyệt quế, mặc
tấm áo đỏ rực, trong tay là cây đàn cầm bảy dây giát vàng, cất tiếng hát những
bài thánh ca trước giờ lâm tử. Nhưng đây chỉ là một Sappho già nua và suy sụp
vì bệnh hoạn, không còn đủ sức đội vòng nguyệt quế hay mặc áo khoác màu đỏ rực
nữa rồi.
Buổi hòa nhạc kết thúc, người nữ danh ca ra về. Đám học trò nắm
tay dìu bà, còn bà thì trong tay ôm lấy bó hoa hồng nghèo nàn, chậm chạp bước
ra khoảng không gian rộng lớn của hội trường nhiều lần để đáp lại tiếng vỗ tay
không muốn dứt của khán giả. Đôi mắt nhắm lại, mặt hơi ngẩng lên trời, hai tai
vươn ra ngóng đợi, bà như đang say sưa, không chú ý gì đến sự hiện diện của một
ai. Trong giây phút, cả thế giới hầu như đọng lại thành những tràng pháo tay.
Cũng chính lúc ấy, khuôn mặt của bà đẹp lộng lẫy và khêu gợi không gì cưỡng nỗi,
đến độ Kiyohara cũng phải rùng mình……
II/... Và như thế, hình ảnh rực rỡ của nữ danh ca Miura Tamaki
trong đêm từ giã ánh đèn sân khấu, dưới mắt tôi, không hiểu sao giống cảnh con bươm
bướm đang hấp hối đến thế. Con bướm đó tung ra lớp phấn lân tinh trên đôi cánh
hoa lệ khắp chung quanh, lạc loài lượn trên sân khấu và không biết cách nào để
che dấu vết thương rách nát tủi hổ của mình. Trong đôi mắt to màu xanh chết của
nó, một mặt biển đang thản nhiên lấp lánh. Sau khi đã cố gắng vươn lên một cách
vô vọng, những sợi râu mệt lả từ từ hạ xuống, cuối cùng bướm đã gục ngã lúc những
cơn run rẩy ập về như từng đợt sóng nhỏ, báo hiệu phút lâm chung đẹp đẽ của
nó.
Nếu như tôi mới viết thư trở lại cho bà sau từng ấy năm hay
sau cả hàng chục năm, có lẽ vì một nỗi lo âu đã ám ảnh, làm tôi ray rứt từ hôm
được chứng kiến cái chết của con bướm ấy. Tình cảm này giống như nỗi lo âu
trong niềm vui thấy mình đang sống mà chúng ta thường trải qua thời thơ ấu, nó
làm ta khóc hết nước mắt mỗi buổi sáng. Nó cũng giống như nỗi lo âu có tính bi
kịch nhưng ngọt ngào đẹp đẽ, nhất định sẽ đến với ta lúc nhớ lại một kỷ niệm
trong sáng nào đó. Nỗi bất an có điểm chung với tình cảm hiện ra trong hai trường
hợp nói trên, phải chăng chính là cái tình cảm đã đột ngột tìm về với tôi khi hồi
tưởng đêm công diễn vở Hồ Điệp phu nhân mà tôi có dự hai mươi năm về trước? Mấy
tấm bình phong xếp nếp kẻ ô vuông vức trông vui mắt làm tôi liên tưởng đến những
hình mắt cáo của hoa văn Ichimatsu [9] gợi nhớ mùa hoa cúc Nhật Bản, tấm áo kimono cài về bên trái,
anh chàng Gorô [10] với đôi mắt xếch như mắt chồn và cả nàng Hồ Điệp phu nhân do
bà Miura Tamaki, lúc đó hẳn trẻ, thủ vai. Bà ta lúc đó trông thật thơ ngây,
đúng cái tuổi mười lăm của Chôchô, “cái tuổi còn thích hái hoa, đuổi bướm” [11]. Những chi tiết đó làm cho tôi, cũng như đám khán giả đến xem
hát, cùng cảm thấy nước Nhật là một xứ sở thật kỳ dị và phù ảo, nơi đây những
sinh hoạt thường tình trong cuộc sống đều có thể trở thành rộn ràng linh động
như một câu chuyện thần tiên. Tuy vậy, phải nói thêm rằng khi thu dọn đồ đạc để
lên đường ra chiến trường, tôi đã lục ra tấm chương trình buổi trình diễn ở nhà
hát Scala dưới đáy một ngăn kéo và đã khám phá ra lời giới thiệu kỳ cục như thế
này: “ Madam Butterfly của Puccini. Địa điểm: Thành phố Nagasaki, Nhật Bản. Thời
điểm: Hiện tại” (mà lúc đó, hình như tôi cũng không mấy chú tâm đọc nó).
Thủa ấy, tôi mới khoảng hai mươi và còn đang học dự bị đại học
nhưng đã xin tạm nghỉ sáu tháng để làm một chuyến chu du vòng quanh thế giới với
bố tôi. Năm ngoái, ông vừa góa vợ, bà chính là mẹ tôi. Tâm tình của bố lúc đó -
bắt một đứa con phải bỏ một năm học quan trọng để tháp tùng mình đi một vòng
quanh thế giới - chỉ sau này khi đã góa vợ rồi, tôi mới hiểu ra.
Giờ đây nghĩ lại, tôi chắc bố muốn trốn thoát khỏi thực tại
và say sưa vùi đầu vào cái không xác thực của cuộc đời. “Thế giới” đầy tuồng ảo
hóa đó không chỉ có trong ý niệm nhưng còn trải rộng ra đến cả cảm giác. Bao
nhiêu địa danh nổi tiếng, vừa khi ta mới cất bước rời khỏi, đối với cuộc đời của
ta, chúng chỉ còn là những kỷ niệm không hơn không kém. Dù những địa danh ấy tượng
trưng cho lịch sử và truyền thuyết về cuộc sống tràn đầy những hỉ nộ ai lạc của
dân chúng từng sống ở đó hằng bao thế kỷ, nhưng đối với bố, nó còn mong manh,
bèo bọt gấp mấy sự có mặt của người vợ ông yêu trên mặt đất này. Điều đó đem đến
cho ông hai sự hài lòng: một là cái chết của vợ mình chỉ là một sự kiện chỉ có
tầm quan trọng ngang với một lần tạm dừng chân ở một hải cảng vô danh nào đó và
người lữ khách không có cớ gì để phải bất mãn. Hai nữa là, ngược lại, ông cảm
thấy một niềm vui nghịch lý khi nhận ra rằng cho dù cái chết của vợ mình là một
điều không xác thực, nó vẫn không to lớn hơn cái không xác thực của sự sốngtrên
đời. Nói là ông được cả hai sự hài lòng như thế, song những ngày lưu trú tại
các hải cảng hay những thành phố lớn, bố tôi không hề tỏ ra là một người cha dễ
thương và biết chăm sóc chu đáo con mình.
-Con chỉ mất có một người chứ nên nhớ là bố mất cả hai đấy
nhé!
Bố tôi có lần hạ tờ báo buổi sáng đang đọc, nhìn thẳng tôi và
nói. Đó là hồi ông đã biết nói đùatrở lại.
- Con mất một người mẹ. Còn bố, bố mất người vợ lẫn người mẹ của
con.
Đi hết chỗ này đến chỗ nọ như thế, ở mỗi nơi, ngoài những cuộc
chơi vô tội vạ, cha con tôi ai sống đời nấy. Bố cho một người đàn ông nghiêm khắc
đóng vai thư ký tháp tùng để kiểm soát tôi. Tôi đi đâu, ông thư ký này cũng bám
theo sau (không hiểu sao bố tôi lại thích sử dụng những tay chân bộ hạ thiếu
năng lực như cái ông này!).
Đổ bộ lên Napoli, một đoàn chúng tôi thẳng đường đi La Mã và
dừng chân ở đó một vài hôm. Khi tôi ngỏ ý muốn viếng thăm Milano, bố bảo tôi
hãy cùng viên thư ký lên đường trước và nhờ Tòa Đại Sứ viết cho một phong thư
giới thiệu đến người lãnh sự Nhật ở địa phương. Theo lời của Sứ Quán, hiện nay
vị lãnh sự bận công du ở Thụy Sĩ, nếu cậu nhà có cần ai hướng dẫn, chắc sự giúp
đỡ của phu nhân viên công sứ này cũng đã quá đủ. Theo lời khuyên của bố, đến
Milano, chúng tôi trọ ở Grand Hotel, một khách sạn nằm trên đường Manzoni. Tuy
nhiên, có hơi ngấy du lịch, tôi định bụng không đi đâu cả, cứ nằm dài trong
khách sạn nghỉ ngơi, đợi cha tôi đến. Tôi cảm thấy có một khoái cảm thật huy hoắc
khi được sống những ngày chây lười không phải làm gì cả giữa trung tâm cái
thành phố đầy di tích nổi tiếng như thế này, chẳng khác nào một nhà thám hiểm vừa
bước ra khỏi một kho tàng mà trên tay không đem theo một món đồ nào, ngược lại,
sắp bước vào một giấc ngủ say nồng. Tôi giữ lá thư giới thiệu kỹ lưỡng trong ví
nhưng định bụng sẳn sàng vứt nó vào sọt rác bất cứ lúc nào.
Tuy vậy, một buổi xế trưa, khi người canh gác tôi vắng nhà vì
đi mua hàng họ gì đấy, ở một mình mãi cũng chán, tôi bỗng thèm đi ra ngoài để thư
giản gân cốt. Tôi tản bộ đến Poldi-Pezzoli, một bảo tàng viện mỹ thuật không xa
Grand Hotel bao nhiêu, nơi đấy có trưng bày bức “Madonna đọc sách” nổi tiếng của
Botticelli [12]. Những Madonna [13] của nhà họa sĩ đều có hình ảnh ngoại đạo của một Venus [14], và nhân đó, Walter Pater [15] đã có lần viết: “Botticelli vẽ rất nhiều tranh Madonna, nhưng
trong bức nào, Đức Mẹ cũng như có vẻ e sợ vì đang phải bế con của Chúa Trời trên
tay. Bà có dáng như người đang cầu nguyện với một tư thế rõ ràng là thấp kém
nhưng do đó, lại khiêm tốn và ấm áp tình người hơn”.
Dù bức tranh này cho ta xem hình ảnh một Đức Mẹ nở nang sung
mãn như một quả chín đượm một mùi hương hoan lạc, thế nhưng đã lảng vảng đâu đó
hình bóng của tử thần với màu thịt xám ngoét và màu hoa úa nhạt. Trong bầu
không khí nhàn nhã của buổi xế trưa và giữa mùi bụi bặm tịch mịch của bảo tàng
viện, tôi đứng trước bức tranh, thả hồn vào trong những cơn mộng huyễn như thế.
Chợt tôi cảm thấy có người nào đang lẳng lặng đứng sau lưng mình rồi có một giọng
tiếng Nhật chớt nhả, nhưng ngay cả trong sự chớt nhả đó cũng có một cái gì cao
kỳ hiếm có:
- Dễ ghét quá đi!
Ngạc nhiên, tôi quay phắt lại và sự xuất hiện của một người
Nhật thứ hai là tôi trước mặt mình đã làm cho người đàn bà ấy biến sắc mặt.
Lúc đó, bà mặc một bộ đồ nhung đen khoảng khoát, phù hợp với tiết
trời trọng thu vùng Nam Âu, đeo trên cổ một chuỗi hạt lóng lánh, và khi nhận ra
bà đang đứng trước mặt, tôi bỗng tưởng tượng được phong ảnh những cái hồ nước Ý
mà tôi chưa một lần nhìn thấy. Nào là hồ Cômo, hồ Majore, hồ Lugano, hồ
Garda... Đôi găng thêu rua của bà gợi cho tôi cảnh những ngọn cây nhỏ nhắn trong
khu rừng bao quanh hồ đang thì thầm chuyện trò với bầu trời chiều. Chuỗi hạt
trên cổ bà là những vì sao le lói trong màn đêm. Đồi ngực căng căng của bà phập
phồng nhè nhẹ dưới làn vải nhung giống như mực nước hồ nóng bỏng, bị thúc đẩy,
đang lặng lẽ dâng lên giữa đêm khuya về hướng ngàn sao...
Đồng hành với bà là một người đàn ông Nhật Bản tuổi trạc ngũ
tuần, có vẻ nhanh nhẹn và vui tính. Ông ta chợt phá vỡ giấc mộng đẹp của tôi
khi chợt đặt câu hỏi:
- Xin lỗi, ông là người Nhật đấy chứ ạ?
Ông ta hỏi mà như ban bố cho tôi một lời khen.
Nhờ có thế, tôi được quen biết với bà. Trên tấm danh thiếp bà
cho, tôi đọc được hàng chữ “Kuroda Hanako” nên biết ngay bà là vợ ông lãnh sự
Kuroda (người chồng cũ) và tôi lật đật lấy từ trong túi áo bức thư giới thiệu
tôi mà kể từ giờ phút đó bắt đầu có giá hơn. Tôi nhớ bà bảo:
- Vừa vặn quá! Chúng tôi hiện có dư một vé để xem vở Madama
Butterfly ở rạp Scala tối hôm nay. Như thế, ông sẽ có đủ thì giờ để kể cho tôi
nghe những dự định của cụ nhà đấy nhé! Ông bạn đây cũng đi xem hát với chúng
mình, thế nhưng, về phía ông, có ai đi cùng không?
Tưởng tượng ra cái khuôn mặt lúc nào cũng như đưa đám của ông
thư ký khó tính, tôi đã trả lời bà không chút do dự:
- Không ạ, tôi chỉ có một mình!
Rạp Scala cũng nằm trên đường Manzoni và từ khách sạn, chỉ cần
đi bộ là đến nơi. Nhà hát bảy tầng trông thật đồ sộ lộng lẫy nhưng không để lại
ấn tượng gì có thể khuấy động con tim bằng ấn tượng mà một sự bốc đồng bắt buộc
mình phải nghe theo nó, đã đem đến cho tôi. “Sự vinh hoa của vua Salomon không
sánh nổi một cành hoa huệ”. Tôi thường tự nhủ, để có thể so sánh với một cành
hoa huệ, sự vinh quang này hẳn phải rộng lớn không có bến bờ. Đối với tôi, lúc
đó cái rạp Scala hầu như đã đem đến cho tôi một ý nghĩa như thế...Ngay khi ông
Nhật tháp tùng bà vừa ngồi xem chưa được bao lâu, có người đã mang đến cho ông
ta một mẩu thư nhắn tin khẩn cấp bắt buộc ông ta phải rời cuộc trình diễn ngay
giữa màn đầu tiên. Khi màn thứ hai bắt đầu thì trong lô ghế riêng tối tù mù, chỉ
còn tôi với bà đang bối rối ngồi cạnh bên nhau.
Như bà đã biết, bài Un bel dì vedremo (Vào một ngày nắng đẹp)
lúc nào cũng được hát ở đầu màn hai. Trên sân khấu, nàng Chôchô đang cất tiếng
hát, sau lưng nhân vật ấy là cái phông lớn với màu xanh thẩm của biển mà khán
giả có thể nhìn thấy qua những tấm bình phong kẻ ô mắt cáo đan sát vào nhau.
Người thủ vai Chôchô là bà Miura Tamaki, dạo ấy còn trẻ, trong bộ chiếc áo dài
đúng với hình ảnh của truyện Nghìn Lẻ Một Đêm, nghĩa là pha đôi nét luyến tiếc
não nùng hơi cải lương trong một nhiệt tình thành thực... Liền khi đó, những thần
linh hải dương sẽ giáng xuống cái phông màu xanh. Trên mặt biển, một niềm hy vọng
mãnh liệt như bùng cháy lên, ánh sáng của buổi trưa như thiêu đốt con thuyền có
lẽ vừa xuất hiện từ phía chân trời, đè bẹp lên toàn bộ khung cảnh bằng một bạo
lực ngây thơ vô tội. Và bây giờ cái ngọn gió biển trì trệ giống như một điềm gở,
đang sôi nổi săn đuổi nhau, chực phủ lên trên bộ ngực trắng ngần của nàng
Chôchô cái màu đất sẩm bẩn thỉu, nhớp nháp.
Tôi không cần dùng ống nhòm chuyên môn cho sân khấu ôpêra
cũng đủ nhận ra ngấn lệ long lanh trong đôi mắt của người nữ danh ca. Nhân vật
Chôchô chắc đang nhìn thấy một cảnh biển huyễn ảo, xanh thẳm màu tuyệt vọng, như trãi rộng ra để ngăn cách mảnh đất xa xôi nơi nàng đứng hát và những bến bờ
xa trên phần đất quê hương. Nếu ở cái tuổi hai mươi thời ấy, tôi hiểu rằng trước
bức tường xanh ngăn cách ấy, không có gì có thể vượt qua cho dù đó là tình yêu,
ý chí hay niềm hy vọng cao cả nhất của con ngươi, thì, chuyến du lịch vòng
quanh thế giới mà bố tôi dự trù để giúp ông xóa được kỷ niệm về người mẹ của
tôi, đã dạy cho tôi nghệ thuật biết quên (trong khi tôi đã có gì để quên) cái
thế giới ngay cả trước khi biết về thế giới ấy.
Đôi mắt tôi đã rời khỏi sân khấu để nhìn ngang khuôn mặt của
bà, lúc đó đẹp đoan trang như một đóa hoa huệ. Màu đỏ sẩm của những chiếc màn
nhung phản chiếu lên xâu chuỗi bà đeo và đôi má bà như nhuộm nó bằng ánh nắng hồng
của buổi bình minh... Thế nhưng cái nhìn của tôi đã bị biến chất sau một cuộc
hành trình đường biển mệt nhọc. Tôi không bị mù quáng vì sự ngẫu nhiên đã đưa đẩy
tôi đến ngồi cạnh bà cùng một lô ghế trong cái rạp hát ở vùng đất xa lạ này và
cũng không cảm thấy say sưa trong niềm hạnh phúc đó. Bởi vì tôi hiểu rõ rằng
cái cơ duyên đã tạo cho tôi cơ hội đến ngồi đây lúc ấy có một mối liên hệ với
khoảng cách tạo ra bởi một đại dương xanh màu tuyệt vọng. Nếu cuộc hội ngộ của
chúng ta trên hàng ghế nhà hát này có được là nhờ ở khoảng cách bằng đại dương
muôn trùng với quê hương Nhật Bản, có thể giữa hai ta hãy còn một đại
dương khác nữa ngăn cách. Bây giờ, một khi đại dương đã đồng nghĩa với định mệnh,
chúng ta đang bị du vào cái thế giống như nàng Chôchô, nghĩa là chờ đợi hoài
công một cái gì đó cho đến khi chết, hoặc làm như chàng Pinkerton, bỏ ra đi và
quên hết. Hai điều đó, bắt buộc phải chọn một. Cẩn thận lắm! Hai chúng ta đã
chìm đắm trong sự im lặng, bởi vì cả hai đã định bụng phải quên nhau ngay cả
trước khi yêu. Can trường lắm! Trong khi cánh màn nhung hạ xuống chấm dứt hồi
hai, giữa những tràng pháo tay vang rền, bà đã quay người lại đằng này và tôi
đã nhận ra những tình cảm đó trong nụ cười và trong ánh mắt long lanh ngấn lệ của
bà.
Lúc đó, trong người tôi nhẹ nhỏm đến độ thốt ra được một câu
nói đùa:
- Nếu có ngày nào đó Pinkerton một mình trở lại đón nàng và
khám phá ra Chôchô đã có chồng khác rồi thì vở opêra này sẽ kết thúc theo kiểu
nào nhỉ?
- Vâng, thật đấy!...nhưng trong tiểu thuyết tây phương, tác giả
thường tạo ra những tình huống như thế.
Cái kiểu trốn tránh trả lời thẳng có hơi vụng về nhưng nó chứng
tỏ bà chỉ là một con người bản chất vô tư lự, biết tìm ngay được sự thoải mái
sau khi làn sóng vừa xô đến đã rút xuống xa bờ. Về phần tôi, lòng vẫn chưa
nguôi tình cảm trách cứ sự hời hợt của bà - mà cũng là sự hời hợt của tôi mới
có một phút trước -, vì không biết phải nhìn đi đâu, rốt cuộc tôi đưa mắt nhìn
xuống một trong hai bàn tay của bà. Bàn tay ấy trắng và thanh, nhưng sao tôi lại
nghĩ nó thật no tròn, đang đặt nhẹ nhàng trên mặt bàn. Tôi nhận ra bà đeo một
chiếc nhẫn cẩn một hạt ngọc bích hình bầu dục.
Hạt ngọc xanh... hạt ngọc lam biếc... màu của đại dương... Giòng
liên tưởng của tôi như bị tắc nghẽn vì một trực giác mê tín. Nếu thế thì chiếc
nhẫn đúng là cái biển xanh đã ngăn cách tôi với bà. Chắc chắn sức mạnh phù thủy
của món nữ trang huyền bí này đã làm chúng ta phải xa nhau...
Bà chắc nào có biết đến những truyền thuyết thần bí mà chiếc
nhẫn đã gợi lên trong tôi bởi vì lúc đó bà đang dán mắt vào cái ống nhòm cực rõ
mà bà đang cầm với những ngón tay trắng muốt, nó che mất bà khỏi cái nhìn của
tôi.
III/ Kiyohara không hẳn có ý chờ đợi nhưng lá thư trên của anh
không được bà Kawaramachi hồi âm. Thế rồi, khoảng cuối tháng năm, Miura Tamaki,
người nữ danh ca luống tuổi thủ vai Hồ Điệp phu nhân đã từ giã cõi đời.
Kiyohara lại bắt đầu mê mãi nghĩ về cái chết của bà, còn vì
sao có cái nhiệt tình ấy thì chính anh cũng không thể giải thích. Bà đã ra đi
trong đêm tối trước khi trời hừng sáng. Có lẽ sau khi chờ đợi suốt cả đêm, bà
đã thấy lóe ra những tia sáng đầu tiên trên mặt biển, lúc ấy được chiếu rọi bằng
một nguồn vui đau thương, trong đó vừa có một nỗi tuyệt vọng xác thực và một niềm
hy vọng cùng giao hòa với nhau. Niềm hy vọng đó còn xác thực hơn cả sự tuyệt vọng,
nó là một hy vọng trong trắng như châu ngọc đã được kết tinh dần dần một cách
tuyệt vời và có lẽ bà đã nhìn ra nó trong những tia nắng đầu tiên hiện trên mặt
biển. Cho dù cuối chặn đường, bà phải đối đầu với cái chết nhưng cái chết này
chỉ đem đến cho bà sự nhẹ nhàng của người được giải thoát sau khi thành công
nhiệm vụ. Không biết thế giới bên kia ra thế nào chứ ở thế giới bên này, bà
không có gì khác hơn là những thành công.
Những ý tưởng đẹp đẽ nhưng phù phiếm đó đã đến với Kiyohara
vào một buổi mai trời nắng đẹp. Anh đã cho hãng mình thuê căn nhà chính của gia
đình để sửa lại thành khu cư xá, còn anh thì ra ở một căn phòng con trong dãy
nhà phụ. Ở đó, anh đã đọc đi đọc lại những trang báo có ký sự về cái chết của
Miura Tamaki. Chỉ sau khi đó anh mới ngó ngàng đến những bức thư mà chị giúp việc
mang tới đặt trên bàn. Từ nãy giờ, anh đã để ý trên ngọn cây anh đào trong vườn,
một con chim nhỏ đang hót véo von. Loại chim này anh không nhớ đã thấy lần nào
những tiếng của nó có âm hưởng rất khỏe như thể tiếng một ca sĩ độc tấu. Một
trong những lá thư trên bàn được lồng trong phong thư kiểu tây phương màu trắng
tinh, một chuyện lạ vào thời buổi ấy. Màu trắng kia cũng là màu của ban mai, nó
lạnh lùng và chói lòa như một chòm mây buổi sáng, cắt thành một hình chữ nhật
vào khoảng không gian của căn phòng. Kiyohara lơ đểnh đặt nó trong lòng bàn
tay. Cùng một lúc, con chim kỳ dị kia bỗng chiêm chiếp hai tiếng làm cho anh có
cảm tưởng như thể tiếng kêu đó phát ra từ lá thư nên vội thảy nó lên bàn. Rồi
ngạc nhiên về cái ngớ ngẩn trẻ con của mình, anh lại cầm lấy bức thư. Con chim
lạ cất tiếng hót trở lại.
Kiyohara phá lên cười. Anh không biết làm cách nào để cưỡng lại
được cơn buồn cười đang từ đâu tới xâm chiếm mình. Anh cảm thấy như nhận được một
ân huệ từ tiếng cười đó (dù nó chỉ là một tiếng cười thảm thiết khơi lại một vết
thương đau nhói trong anh) và anh định bụng sẽ chấp nhận tất cả những lời yêu cầu
trong bức thư này cho dù nó có gây cho anh điều gì bất lợi, anh sẽ thỏa mãn mọi
đòi hỏi của nó dù kỳ cục đến đâu chăng nữa. Thế nhưng trong cái phong bì trắng ấy
chỉ có một bức thư mời, viết tay, với nội dung như sau:
Ngày 25 tháng 5
Kính gửi ông bà Kiyohara Yutaka
Chúng tôi tổ chức trở lại những buổi họp mặt khiêu vũ như hồi
trước chiến tranh. Xin hẹn gặp hôm chủ nhật 2 tháng 6 từ một giờ trưa trở đi.
Chishima Yasutake
Vì vợ anh mất trong giai đoạn chiến tranh, đám tang chỉ tổ chức
trong vòng thân quyến, gia đình Chishima đã lâu lại không lui tới cho nên họ
không biết tin này. Khoảng thời gian trước sau năm 1940, nhà họ vẫn tổ chức một
tháng hai lần những buổi họp mặt khiêu vũ thân mật và Kiyohara có thói quen đưa
vợ mình tới dự.
Hôm đó cũng lại là một ngày thật đẹp trời, mùa xuân như còn
luyến tiếc trước khi nhường chỗ cho những cơn mưa tsuyu [16] đầu hạ. Ngôi nhà kiểu tây phương của hầu tước Chishima tọa lạc
trên một ngọn đồi, may mắn tránh được những trận mưa bom. Những khung cửa sổ kiểu
xưa thường ngày vẫn ngủ im lìm dưới lớp bụi đằng sau mấy tấm cửa nặng nề , hôm
nay khoe qua lớp kính lau chùi kỹ càng những bức màn màu vàng quí phái. Và trên
lớp kính bóng loáng ấy, phản chiếu hình ảnh đôi chòm mây.
Khi Kiyohara một mình leo lên bậc thang, tiếng âm nhạc đang
ngưng bắt đầu được chơi trở lại. Tiếng huyên náo của nhạc khiêu vũ âm vang
trong ngôi nhà cổ làm rung cả những mảnh giấy dán tường ngã màu hoa úa. Cánh cửa
ra vào trước phòng khiêu vũ để mở toang. Một tia sáng rọi vào căn phòng lổ hổng
cánh cửa bên trên cầu thang, soi rõ một cặp nam nữ đang nhảy ngay gần cửa ra
vào. Kiyohara nhận ra rõ ràng ánh sáng lấp lánh màu xanh biếc của một chiếc nhẫn
ngọc bích trên ngón của bàn tay trắng nhợt nhạt lạ thường, đang đặt trên vai
người đàn ông.
Ngồi thu hình trên chiếc ghế dài, Kiyohara tần ngần tự hỏi
không biết khuôn mặt của những người đôi khi đang nhảy, nhận ra sự có mặt của
anh và làm dấu chào, có phải bị tối sầm vì chói nắng hay không bởi dù sao trời
cũng đã về chiều. Anh không còn đủ sức lực dù để nâng cánh tay lên xem đồng hồ.
Kiyohara đảo mắt chung quanh nhìn hết chỗ này qua chỗ nọ với một cái nhìn vội
vã và căng thẳng, nửa như háo hức, nửa như lo lắng vì biết điều mình đang chờ đợi
sắp sửa đến gần kề. Đôi mắt anh ta hoàn toàn không phải của một người xấp xỉ bốn
mươi mà là đôi mắt của một gã thiếu niên hiền lành, thần kinh quá nhạy cảm, cho
nên lúc sáng rỡ lúc lại sa sầm.
Rốt cuộc Kawaramachi cũng nhận ra Kiyohara và cúi đầu chào.
Được chồng báo tin, Hanako quay lại, chào anh ta bằng mắt, và dưới đôi mày đen
nhánh của những nàng thiếu nữ thuộc về thời đại Meiji xa xưa, ánh lên một nụ cười
tươi sáng, không thua gì ánh nắng của cái ngày đẹp trời này.
Vừa khi điệu nhạc chấm dứt, hai vợ chồng Kawaramachi đưa nhau
về phía chiếc ghế dài của Kiyohara và ngồi xuống cạnh anh. Hai người bạn đồng
ngũ, gặp lại nhau lần đầu tiên từ ngày hết chiến tranh, nói chuyện như không biết
chán. Hanako im lặng ngồi quan sát hai người đàn ông đang kéo dài câu chuyện
không đúng lúc và không đúng chỗ. Nàng đưa đôi mắt lơ đãng nhìn quanh đám khách
đang bắt đầu nhảy theo một bản nhạc mới. Thế rồi nàng đưa hai tay lên ép nhẹ
vào mái tóc mình. Như thể cái làm cho nàng không vui là mép tóc bạc hai bên
thái dương Kiyohara, dấu hiệu chớm già của người đàn ông.
Vì Kiyohara mời bà Kawaramachi ra sàn nhảy nên người chồng
châm lửa vào ống điếu rồi đi ra ngoài bao lơn. Vừa nhảy, Kiyohara im lặng không
nói gì. Hanako lên tiếng trước:
- Bà Miura Tamaki mất rồi hở ông?
Kiyohara đáp:
- Phải, bà ấy đã chết.
-... Về lá thư của ông, em thành thực xin lỗi. Em
không thể nào viết trả lời ông được. Em nghĩ chắc ông đã nhầm người. Không phải
vậy sao...?
Rồi như không nhịn được lâu hơn nữa, nàng phá lên cười. Có thể
thái độ khó chịu của nàng lúc nãy là vì phải nén tiếng cười này. Vì nàng quay
lưng lại để dấu khuôn mặt nên Kiyohara không thể biết nàng đang cười như thế
nào nhưng tiếng cười ấy đã truyền từ thân thể nàng đến phía anh một sinh vật
nóng ấm, run rẩy vì sợ sệt.
- Không phải sao? Cứ như lá thư ông viết thì bây giờ tuổi em
cũng phải đến bốn mươi, năm mươi rồi đấy chứ? Như vậy có tội nghiệp cho em
không?
- Con số của cô bây giờ là hai con hai phải không?
- Em hăm hai!
Hanako ngây thơ tiếp tục trả lời:
- Em nhớ trước khi bị bắt lính, ông có thói quen cứ hỏi tuổi của
em hoài. Ông nói: Em mười tám, tôi bốn mươi:.. Rồi ông tính toán. Bốn mươi cộng
với mười tám rồi chia đôi thì thành hai mươi chín...
- Thôi mình đừng nói chuyện tuổi tác nữa. Cô chắc không sao
nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện tuổi tác của mình là tôi chán ngán lắm!
- Chính ra lá thư ông viết hay quá. Em đọc đi đọc lại ba lần
đó. Thế nhưng ông lại đem tên của em mà gán cho nhân vật trong kỷ niệm thật đẹp
của ông thì uổng quá. Chứ ông qua bên Milano gì gì đó chơi được bao lâu?
- Nếu ra ngoại quốc vì công việc buôn bán thì tôi chỉ mới qua
Mỹ thôi. Có dịp đến Milano bao giờ đâu?
- Ôi chao, cái “chú” này dễ ghét!... Cô gái thật đáng yêu,
nàng đã buột miệng thốt ra cách xưng hô của mình với Kiyohara hồi còn chưa lấy
chồng... Sao mà giàu tưởng tượng vậy ông? Thế thì cô gái trong lá thư chỉ là
nhân vật ông bịa ra hay sao? Nhưng tuyệt hay. Ông có thể viết tiểu thuyết được
rồi đó.
Giọng nói ngây thơ, cách diễn đạt trẻ con như thế, ai bảo
nàng đã hăm hai? Thân hình mảnh mai, mềm mại của nàng trông thật khả ái và nhẹ
nhàng, tưởng chừng chỉ cần buông tay nắm là nàng sẽ bay mất. Đôi mày rậm, khá
đen, không biết phục tùng. Dưới mắt Kiyohara, nàng mới có mười tám - những ai
không biết chắc đoán nàng chỉ độ mười lăm, đúng vào cái tuổi bi kịch của nàng
Chôchô, “cái tuổi còn thích hái hoa, đuổi bướm” - lúc anh gặp nàng lần đầu tiên
hồi mới vừa góa vợ. Kiyohara yêu cái tuổi mười tám, mười chín này của Hanako.
Anh đã yêu nàng không chút dè dặt, yêu mãnh liệt, với tất cả đam mê không ai
sánh được nơi một người đàn ông bốn mười đầy kinh nghiệm. Như thể hồn ma của
người vợ đã ám ảnh và hướng dẫn anh, có một sức mạnh hầu như siêu nhiên đã động
viên được - để thực hiện mục đích của mối tình này - tất cả những gì anh có từ
đức tính, thiện chí, khả năng chịu đựng sự đau khổ, niềm vui, nỗi buồn, cũng
như tất cả tật xấu và cả lòng hư danh của anh nữa. Đám cưới đã bị hoãn lại vì
câu trả lời thiếu cương quyết của cha Hanako, rồi chiến tranh còn làm cho
họ cách chia nhiều hơn thế nữa. Kiyohara phải đi đóng quân ở Đài Loan. Đến khi
chiến tranh chấm dứt, sau một cuộc hành trình đường biển dài và cực khổ để tìm
về tổ quốc, Kiyohara được tin Hanako đã lấy chồng. Đó là một kết luận tầm thường
mà ai cũng có thể gặp phải. Kiyohara đã không chống trả nổi cái “tuổi già” đang
hấp tấp trông ngóng ngày về của anh còn hơn cả Hanako nữa. Chính những dằn vặt
đến trong lúc này cũng là niềm vui thỏa. Một sự hối tiếc thấm thía xâm chiếm
lòng anh, người ngày xưa dù từng mong mỏi nhưng chưa hề một lần được nếm niềm
vui của sự cô đơn. Tuy nhiên, có phải một người đàn ông tuổi đã về chiều, không
còn chút khả năng yêu đương gì nữa, là người duy nhất biết hối tiếc? Và sự hối
tiếc phải chăng cũng là một hình thức yêu đương?
- Âm nhạc thật tuyệt vời. Âm nhạc có sức mạnh lạ lùng.
Giọng nói của Hanako trầm lắng trở lại. Kiyohara lòng se sắt
nhớ về kỷ niệm niệm khi ôm nàng trong vòng tay và thấy như cảm nhận được những
ý tưởng trẻ con của nàng truyền qua anh.
- Hồi bà Miura Tamaki trình diễn lần cuối, em cũng có đi nghe
với chồng em. Âm nhạc có thể khiến mình tạo ra được một ký ức mới không, ông?
Thật thế, như những gì giữa ông với em, hai mươi năm về trước...
- Chuyện lá thư à, tôi có bằng chứng cả đấy chứ! Chẳng hạn như
chiếc nhẫn của cô. Cô không thấy là chiếc nhẫn cô đang đeo trên tay giống in
chiếc nhẫn tôi có nhắc đến trong thư sao?
Kiyohara đưa mắt trỏ vào chiếc nhẫn mặt hình bầu dục thật
thanh nhã với viên ngọc bích màu xanh dương, cái màu của biển cả, trên bàn tay
cô gái đang đặt trên vai mình.
- Ủa, cái nhẫn này hở, vật kỷ niệm mẹ để lại cho em đó. Từ
xưa, lúc nào em chẳng đeo trên tay, chắc ông thừa biết! Vở ca kịch Madama
Butterfly... cách đây hai mươi năm... Milano... Ừ nhỉ, tất cả như đã thành ra chuyện
thật không biết từ lúc nào! Em tin là thật. Nếu vậy thì đó là chuyện có thật
cũng nên!
Hanako, như một con chim bất chợt cất cánh, bắt đầu nói như
nói một mình bằng một giọng hứng phấn, say sưa, có chút gì thất thường và bi kịch,
không đầu không đuôi.
- Trong thời gian chiến tranh, em sống ở vùng biển Ôiso [17], ông ạ! Suốt ngày em cứ mãi mê nhìn mặt biển. Nhìn nhiều quá
đến phát mệt, trong người khó ở, muốn buồn nôn. Em chỉ biết nhìn chứ không biết
làm gì khác. Em không chờ đợi như nàng Chôchô. Không, em không chờ đợi gì hết.
Chắc ông viết bức thư nói trên cho em để dọ hỏi về chuyện đó?
Em hoàn toàn hiểu ý ông. Ông thấy tại sao em không trả lời bức thư của ông chứ?
Có thực ông đã hiểu được chuyện đó hay không? Nhưng riêng em... thì em....- Lúc ấy
bản nhạc sắp chấm dứt -... Em chờ đợi một điều còn hơn thế nữa!
Như đã chực phát biểu từ lâu, bá tước trẻ tuổi Kawaramachi
kêu lên, khi đón Kiyohara và Hanako đang tiến gần về phía bao lơn, trong lúc
bàn tay cầm ống điếu chỉ trỏ một cách thích thú về phía xa:
- Này ông Kiyohara, ở đây mình thấy được biển đấy. Xem kia
kìa. Trước đây không làm sao thấy nó đâu. Buồn cười chưa, cảnh đẹp như thế này
mà có được cũng là nhờ chiến tranh.
Đúng như vậy thực, nhìn về hướng ngón tay anh ta trỏ, không
có gì làm chắn tầm mắt ngoại trừ ngôi biệt thự của dòng họ Chishima còn trụ lại
sau cơn bom đạn và đám lá non vừa mới mọc lên xanh um tùm. Đằng sau những dấu
tích màu hồng nhạt và xám tro của đống nhà cửa bị thiêu rụi bày ra dưới ánh
sáng lấp lóa một ngày sơ hạ, là vùng biển tuy bẩn thỉu nhưng bình lặng trải dài
màu tái nhợt bên kia các dãy nhà kho và cơ xưởng. Có bóng một chiếc tàu, hình
như là loại tàu chở hàng, cắm neo ở đó.
- Đấy là một con tàu Mỹ phải không ạ?... Anh chàng bá tước trẻ
tuổi lên tiếng như muốn chứng tỏ cho mọi người mình có đôi mắt tốt.
Kiyohara trả lời:
Thế r ồi, Kiyohara lại chăm chú nhìn quang cảnh mặt biển buồn
bã xám tro thêm một lần nữa như muốn ghi khắc nó vào tâm khảm mình. Trên tầng
không, một dãi mây dài, màu sắc không rõ, đang vắt ngang trời. Nó giống dấu hiệu
đầu tiên hứa hẹn sẽ đem đến những cụm mây dày đặc và tráng lệ như đỉnh núi, dấu
tích của một mùa hè dữ dội. Hình như gió đang thổi hung bạo trên mặt biển. Có lẽ
vì cớ ấy mà từ hình thể những đám mây, dường như thấy toát ra một nỗi sợ hãi,
và tình cảm tiếc thương một ngày nắng đẹp như thế này hiện ra rõ ràng hơn bao
giờ hết, so với tất cả những buổi chiều trong quá khứ.
Chỉ được hơn tháng, vào một buổi sáng giữa mùa hạ, Kiyohara
nghe tin cấp báo cái chết đột ngột của Kawaramachi Hanako (con người đang độ
tràn trề sức sống và linh hoạt không ai bằng). Sau khi trầm ngâm suy nghĩ,
Kiyohara mới thấm thía một điều là cái ham muốn giữ cho bằng được trong ký ức
hình ảnh của mặt biển vắng ngắt kia chỉ là cách anh dối lòng khi đã có linh cảm
về một chuyện bi đát mà mình không thể biết lý do.
Chú thích:
[1] Văn bản:
- Mishima Yukio, Chôchô, trong Megami (Nữ Thần), 1978, Shinchô
Bunko, Tôkyô, xuất bản. Nguyên tác Nhật Ngữ.
- Nakamura, Ryôji và de Ceccatty, René, Papillon, dịch Chôchô
của Mishima, trong Une matinée d’amour pur, 2005, Gallimard, Folio xuất bản, Paris.
Bản tham chiếu.
[2] Ca từ đại ý: Vào một ngày nắng đẹp. Bên kia chân trời, có vệt
khói hiện ra. Có phải con thuyền của người ấy đã về? Chiếc thuyền với cánh buồm
thật trắng. Tiếng súng chào mừng vọng lại từ xa. Có thấy chăng người ấy đã về?
[3] Tức bà Cát Tường Thiên Nữ hay Sri-Mahadevi, nữ thần trong thần
thoại Ấn Độ, vợ của Vishnu, dung nghi diễm lệ, đoan trang. Cũng được xem như một
nữ thần trong Phật Giáo.
[4] Ignacy Jan Paderwski (1860-1941), nguyên thủ tướng, nhà soạn nhạc
và nhạc sĩ dương cầm người Ba Lan. Làm thủ tướng được 10 tháng thì từ chức từ để
theo đuổi nghệ thuật.
[6] Fyodor Ivanovich Chaliapin (1873-1938), ca sĩ giọng nam trầm
(bass) người Nga trên sân khấu ôpêra.
[8] Lối nói “thế hệ Meiji” để chỉ những người còn giữ đạo đức truyền
thống, so với lớp người theo mới của thời Taishô đến sau.
[9] Hoa văn vuông vắn hai màu xanh và trắng như ô bàn cờ. Tương
truyền đó là hoa văn trên quần áo mà kép hát nổi tiếng là Sanokawa Ichimatsu
(1722-1762) mặc trên sân khấu kabuki vào khoảng năm 1741.
[11] Nguyên văn “o-mamagoto no toshi”, cái tuổi thơ ngây còn nấu
cơm với lò bếp, chén bát bằng đồ chơi.
[12] Sandro Botticelli (1445-1510) Danh họa Ý thời Phục Hưng sống ở
Firenze, được gia đình Medicis bảo trợ. Nổi tiếng vì các bức tranh có chủ đề thần
thoại.
[13] Ban đầu dùng để chỉ riêng Thánh Mẫu Maria, sau chỉ chung những
người đàn bà đẹp (nguyên văn tiếng Ý).
[14] Nữ thần tượng trưng cho tình yêu và nhan sắc của La Mã, tương
đương với nữ thần ái tình Aphrodite của Hy Lạp. “Dáng dấp ngoại đạo” khi đem so
sánh với thánh mẫu Maria.
[15] Walter Horatio Pater (1839-94), nhà phê bình và viết tiểu luận
người Anh, người có thẩm quyền về mỹ thuật sử thời Phục Hưng.
Mishima Yukio (1925-1970)
Dịch xong tại Tôkyô ngày 10 tháng 7 năm 2008
Nguyễn Nam Trân
Theo http://amvc.free.fr/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét