Soren Kierkegaard (1813-1855) chủ trương rằng Thượng đế không
thể đạt được bằng một tiến trình duy lý, rằng đức tin Thiên chúa giáo là đầy những
mâu thuẫn và rằng mọi cố gắng duy lý hóa là cố gắng thất công. Kierkegaard sớm
bị rơi vào tình trạng phân cực tinh thần, và không bao giờ ông có thể giải quyết
được những đối kháng và bất đồng nội tâm của một con người luôn đầy ưu tư và cảm
thấy mình cô đơn trước mặt Thượng đế. Với định mệnh bi tráng, con người là hiện
diện của tổng thể vật chất trong thời gian mà vận mệnh lại hướng về vĩnh cửu.
Victor Eremita đã phát biểu vào giữa thế kỷ XIX như sau: “Chỉ
có chân lý mang tính cách xây dựng thì mới là chân lý thực sự”. Những giằng co
đầy cảm tính giữa những đòi hỏi của trí năng và sự buồn chán riêng tư, lòng đạo
đức kính sợ Thượng Đế và sự bất an tinh thần, tình trạng sống mâu thuẫn nội tâm
dai dẳng đã tạo nên những ý nhiệm cơ bản cho suy tưởng của nhà triết gia hiện
sinh. Suy tưởng phát sinh từ trong nỗi sợ hãi và sự nghi nan khủng hoảng. Chính
sự hoài nghi dai dẳng đã trút lên con tim sự sợ hãi và lên tâm tư nỗi khắc khoải
nghi hoặc về tính bất toàn của vận mệnh quá mong manh của con người. Nếu tính
chất của con người như một sản phẩm vô tri của tiến hoá vật chất, cộng chút thời
gian, thêm giả thiết ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài thuỷ sinh, côn
trùng, vạn vật có sinh khí khác, vì rõ ràng chúngcũng đều là kết quả của mối
tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nếu đọc từ quan điểm duy vật,
trong sự cuồng tín vào tiến hoá hiện đại thì chắc chắn, không có Thượng Đế thì
đó là sự thật, và rồi tiến hoá sẽ đưa đến một kỷ nguyên Robocon theo nghĩa đen.
Nếu không có Thượng Đế thì mọi người, dù đẹp xấu cũng chỉ là một kết hợp tình cờ
của quy luật tiến hoá, lúc nào đó người ta cũng sẽ tìm được quy tắc tạo nên một
con người từ nhân bản vô tính, tế bào gốc hay công nghệ nano, vậy chúng sẽ như
con người, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ không có mục đích để sống một
cuộc đời vô mục đích mà chỉ làm theo những quy luật rồi diệt vong.
Bao lâu suy tưởng như thế, ta sẽ vẫn còn phân luồng trong
hoài nghi về thân phận con người trong mối liên quan sống còn với ý niệm Thượng
Đế, có nghĩa là sẽ vẫn còn những mối bất đồng và nhiều cuộc cãi cọ chung quanh,
và điều đó sẽ đưa tới không ít đổ vỡ cay đắng. Chính sự hoài nghi triền miên
này làm mất khả năng tín thác, tình yêu thương và tự do nội tâm. Theo
Kierkegaard, một người tin tưởng Thượng Đế thực sự không chỉ công khai bày tỏ
quan điểm tín ngưỡng của mình mà thôi mà còn phải hành động và sống, không chỉ
lý luận mà còn diễn tả qua cuộc đời sự hiện diện tất yếu của Thượng Đế và hiện
hữu của đời người. Với Nietzsche, Lời Kinh đã bị dứt tuyệt hoàn toàn với cái chết
của Đức Kitô; còn đối với Kierkegaard thì ngược lại, đó là sự bắt đầu. Để dấn
thân trung thành của với niềm tin vào Thượng Đế đòi hỏi một thái độ cư xử mềm dẻo
giữa con tim và tinh thần. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: “Nếu không có sự bất diệt
thì chúng ta đều có phép làm mọi sự”. Và cách nào đó, lối sống duy vật chất phản
ảnh tính ích kỷ, sống cho những nhu cầu của chính mình, vì cuộc đời chỉ là vật
chất tự sinh ra và bị huỷ diệt nên hãy liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không
phải là tư lợi; hy sinh là khái niệm dứt khoát cần loại bỏ. Vậy, nếu gạt bỏ
nguyên tắc Thượng Đế hiện hữu và công bình, thử hỏi trên cõi đời này, ai có thể
nói giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Mất đi ý niệm về Thượng Đế, đạo đức mất
tất cả ý nghĩa, đồng nghĩa với chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm và
các điều ác cũng ngang bằng sự trung thành, trong sạch, tình thương đồng loại
và tương tế quốc tế? Tình huynh đệ, bình đẳng, tình yêu và điều thiện cũng biến
mất cùng với Thượng Đế. Triết gia Jean Paul Sartre nói: “Tất cả những gì chúng
ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị”. Có ai muốn sống cuộc sống
vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị? Thế nên, họ cần có Thượng Đế để hiểu chính
mình, hiểu mọi lẽ đời đang tồn tại và giải thích quá khứ với ánh sáng chân thật
không pha màu sắc cải lương hay chính trị tả khuynh hay hữu khuynh.
Bowne nói: “Nhân vị toàn vẹn và toàn hảo chỉ có thể tìm thấy
trong hữu thể tuyệt đối và vô hạn” (x. ‘Encyclopedia New Catholic’, P11,
tr.173). Để hiểu rõ hơn sự hiện diện của Thượng Đế, hãy lắng nghe nội tâm, lưu
tâm đến nụ cười hoan lạc của tâm hồn. Thượng Đến tạo nên trong ta trạng thái
say khát vui hưởng ngây ngất tột đỉnh hoặc một ý chí dốc lòng hăng say đến vong
thân cho chân - thiện - mỹ, ở đó con người quên đi nỗi lo chết của mình. Tinh
ý, sẽ nhận ra dấu vết của vĩnh cửu triển khai trong kỳ gian. Kierkegaard đã
nói: “Đam mê xây lên đỉnh chóp của hiện hữu. Đam mê là biểu hiện của vĩnh cửu
trong đời sống của chúng ta. Bởi lẽ đời sống nhân loại là sự pha trộn giữa vĩnh
cửu và tạm thời, đam mê đã biểu tỏ cuộc đấu tranh ở đó con người nỗ lực hướng về
vĩnh cửu” ( x. ‘La Philosophie moderne’, tr.104).
Giá trị chân lý, luân lý và đạo lý mà xã hội có thể tiến hành
qui chiếu, soi xét hay phán xử các hoạt động nhân thế chỉ giữ được trật tự bên
ngoài không điều khiển được nội tâm. Tất cả các giá trị nhân sinh như công lý,
cái đẹp, đạo hạnh ở đời đều phải nhân danh một chuẩn mực tuyệt đối, và hành
trình của chúng buộc phải tiến đến chuẩn đích đó, Thượng Đế. Song, trớ trêu
thay, không cách nào làm cho Thượng Đế phải hiện lên trong phòng thí nghiệm.
Con người khao khát chỉ có thể ngẫm ra Thượng Đế bằng nẻo đường siêu nghiệm,
đôi khi trong thường nghiệm vũ trụ và ứng xử xã hội. Con đường mang đầy đủ hình
ảnh của Thượng Đế là con đường siêu nghiệm của tâm linh. Có người nói: Hãy để
linh hồn tự do phóng đi trên đôi cánh siêu việt của mình”. Đúng thật vậy nhỉ,
nào ta lên đường tìm gặp Người! Và kìa, ngôi sao mai đã xuất hiện...
Viết ngày 19/06/2017
Khi bước chân đến giảng đường vào buổi sáng đầu tháng Mười
năm 2000, tôi đối mặt với lòng tin phổ biến cho rằng triết học chỉ là một phiên
bản ấm áp của chủ nghĩa cá nhân, củng cố thêm chủ nghĩa ái kỷ mặc nhiên, và phê
phán lòng ngụy tín. Chắc chắn đây là cái nhìn khá rập khuôn của một trường phái
triết học chính yếu được lý luận và giảng dạy trong giảng đường, các lý thuyết
đầy tính tranh đấu về công bằng xã hội lẫn các cương lĩnh thực hiện chúng qua
con đường xoá bỏ giai cấp và phê phán gắt gao niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, tôi
lại say mê với khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa, cho dù nó nhấn mạnh đến việc
trở thành một cá nhân phê phán trước sau về xã hội với khuynh hướng phục tùng
và ưa hưởng tiện nghi vật chất, tìm kiếm sự an toàn không dám cởi mở, mạo hiểm
mở những chân trời mới, và khiêu khích chủ nghĩa bảo thủ nghèo trí tưởng tượng
kìm hãm ý chí và sự sáng tạo. Và thế là tôi lao theo những tư biện về những bất
tất của đời sống xét như là đời sống đã được nghiệm sinh trong hiện sinh. Triết
gia nào đó đã nói, đời sống phải được hiểu theo hướng ngược về quá khứ. Theo
tôi, đời sống phải được sống theo hướng tiến về tương lai đầy sáng tạo, táo bạo
và kiên nhẫn.
Viết và sống từ thời sinh viên để tránh triệt để loại lối phụng
sự triết học giả hình cổ súy cho thói tự mãn, tham lam, vụ hình thức theo hướng
nghèo hèn và chịu đựng trong khi đó lại hưởng lợi từ sự đồng nhất triết học - một
dòng sông chảy xiết với các thế lực chính trị và kinh tế hám lợi và chết cứng
trên lợi ích nhóm. Tôi đi theo chân lý đầy quả cảm để tích luỹ kinh nghiệm suy
tư mà tôi biết hết sức rõ ràng rằng sẽ phục vụ cho sự công bằng của công luận,
tức góp cái nhìn và mạo hiểm thử tách mình ra khỏi triết lý vo ve bên tai rất
hay nhưng rỗng trong cách thực hành. Và, dĩ nhiên tôi phải trả giá đắt cho những
lối suy tư “lập dị” thời sinh viên triết học bằng sự nhạo báng, châm biếm và
thành trò cười giữa giảng đường với những mệnh đề bắt bí của giáo sư về tình trạng
hiện sinh và tồn tại của Thượng Đế. Đi theo suy tư cá nhân trong thời thụ huấn ở
giảng đường đã làm cho tôi phải sự tránh né của những sinh viên khác khi đi tản
bộ trên những con đường vòng quanh khu vườn sinh học của trường mà tôi yêu
thích.
Tôi không ở cấp bậc cao nhất để phê phán, tôi làm công việc
quan trọng của trí năng là đi tìm kiếm sự thật mà thôi; có lẽ bạn bè tôi chưa
bao giờ cảm nhận được lòng nhiệt tình ấy đối với điều đó. Tôi cảm nhận được nỗi
u hoài đối với cái gì đó chưa biết, cái gì đó xa xôi, khiến tôi luôn khát khao
được cảm nhận được những chiều sâu cuộc sống hiện sinh. Tôi được dạy phải đi
vào triết học với lòng thành thực chân phác và kiên định tránh xa sự hèn nhát
và thói đạo đức giả. Trong tôi vang lên mạnh mẽ tiếng kêu gọi cho tinh thần sẵn
sàng bị quấy rầy vì chân lý một sắc sảo và mãnh liệt. Tôi không tin chân lý
đàng sau các cuộc cách mạng và đám đông thực hiện những cuộc cách mạng. Tôi
ghét hữu khuynh hay tả khuynh mà thích thái độ công tâm, tỉnh táo và quân bình.
Chính lòng yêu mến sự thật là điểm xuất phát cho tôi đi vào hiện sinh với sự nhạy
cảm với cảnh ngộ hiện sinh của người nghèo và bị áp bức. Tôi ít quan tâm đến những
sự kiện xảy ra bên ngoài cửa sổ phòng làm việc, và hướng sự quan tâm đến đời sống
nội tâm; chú trọng đến lòng khoan dung xã hội, hơn là đến những cuộc bạo loạn
nhân danh bất công xã hội vốn là động lực của bạo động. Khi đó, tôi đặt mình
vào đam mê với biến đổi tâm hồn chứ không phải sự biến động xã hội mà người ta
chọn như giải pháp ưa thích. Hoán cải nhân cách là cần thiết hơn và trọng
tâm của cách mạng xã hội, chiến thắng hoàn cảnh bằng cách thẩm trị được chính
cái tôi cuồng nhiệt, ưa bạo loạn của cá nhân để sáng suốt tìm kiếm con đường
không đi ngang qua sự hủy diệt, đạp đổ và miệt thị.
Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an
nguy cho vương quốc của mình, về kho báu và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông
không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở thành mối nghi ngờ, và
tương lai trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông. Sống bất hạnh trong sợ hãi, khép
kín, luôn bao bọc mình bằng sự bảo vệ của binh lính và gươm giáo. Một ngày nọ,
từ tử cấm thành nhìn xuống đám dân nghèo, vua thèm muốn được như họ, họ rất đơn
sơ, chất phác và không một chút lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của
dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên
nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an như vậy. Ngày kia, vua giả dạng
người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào
và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời. Vị vua giả dạng
hỏi: “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”. Người nghèo đáp: “Tôi có một ngày
rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay”. Vị vua
giả dạng hỏi tiếp: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền
mua bánh mì?”. “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ
tốt đẹp”, người thợ đáp.
Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin của người thợ giày.
Vua ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết bộ luật mới ban,
người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Ngay lập
tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước
thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối. Trời tối,
vị vua dưới dạng người ăn mày lại tới thăm người nghèo. Người thợ sửa giày vẫn
giữ thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua cho ra lệnh
cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay
đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào
triết lý sống từng ngày của mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình
an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn
thản nhiên tin rằng: “ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, đức vua
ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người
nghèo không được phát lương hằng ngày, mà phải hết tháng ông mới nhận được thù
lao. Mặc dù vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một
tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc. Vị vua giả dạng tới thăm
ông và hỏi: : “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?”. “Tôi được
làm lính cho vua”, người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng: “Làm lính nhưng nhận
lương vào cuối tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì
cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm thật và như thế tôi
sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ”. Nhà vua giả
dạng hỏi tiếp: : “Nhưng nếu ông phải sử dụng tới gươm vào ngày mai thì sao?”.
Người thợ sửa giày thản nhiên: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án
xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì
nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người đàn ông này sẽ không thể thực hiện
được nhiệm vụ. Và như vậy để xem niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông
có thể giúp được hay không? Tên tử tội quỳ xuống chân anh lính và van xin được
tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Người đàn ông nhà nghèo trong trang phục lính
nhìn đám đông xung quanh và hô lớn: “Lạy Đấng tối cao, nếu người sắp bị hành
quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Còn
nếu anh ta vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ”. Ngay tức khắc, ông
rút lưỡi gươm ra và quả thực thanh gươm bằng sắt đã biến thành gươm gỗ. Đám
đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ”. Vị vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng
thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng: “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối
tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm.
Ngươi hãy dạy cho ta cách sống lạc quan và bình an”.
Tôi không thích những triết lý “trừu tượng” thiếu sự chứng
nghiệm trong thực tại và thiếu quán chiếu nội tâm chân thật trước Thượng Đế. Tôi
dấn thân vào triết học, dù tôi rất nhỏ nhoi, để quan tâm đến tính chủ thể cụ thể
của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng, để đến gần hơn với đời sống
thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong “thân phận”
làm người chứ không thể tự ẩn khuất mình trong suy tưởng của kẻ khác, cũng
không ngủ trong tháp ngà và lơ lững suy tưởng trên mây và giả vờ, ủy mị...
Democrite (460 - 370 TCN) cho rằng, trong tư cách một thực thể
sinh học, con người là một sinh vật được cấu thành bởi hai yếu tố - thể xác và
linh hồn, và do vậy, con người vừa gắn chặt với xã hội đồng thời có một định mệnh
thiêng liêng riêng biệt so với mọi thực thể khác. Mọi cái mà con người đã nhận
biết trong chiều sâu chính bản thân mình được thể hiện ra trong bản chất vật chất
của con người. Con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, mang phẩm giá
cao quý có hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể.
Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt là lý trí và ý chí. Lý trí không
do thiên phú nhưng là nhờ khả năng trừu xuất từ những hình ảnh mà giác quan
cung cấp.
M. Scheler cho rằng ba bản năng sống đầu tiên của con người
thật là bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M.
Scheler, những bản năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống
con người dưới các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân,
thiết chế nhà nước. Có lẽ bản năng sống và những khát vọng sống của con người
đã được kết tụ trong các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Đàng khác,
đời sống con người cũng là biểu hiện của bản nguyên tinh thần, nguyên tắc tối
cao quy định bản chất con người. Tình yêu, sự sám hối, thiện tâm, thất vọng, ý
chí tự do đều là biểu hiện phong phú của bản nguyên tinh thần. Chưa có một thực
thể nào phức tạp như con người khi tiềm lực thần thánh và bản năng sinh vật lại
ẩn giấu bằng một phương thức duy nhất nào đó. Con người, một “nhiệm sinh” mang
đầy tính độc đáo, bí ẩn và phong phú trong bản thể độc đáo vừa tự nhiên, vừa xã
hội, vừa tinh thần.
Tư tưởng cận đại của Âu Mỹ đặt con người làm chủ đề cho những
suy tư của họ; tiếc rằng những suy tư ấy không phải lúc nào cũng đưa lại những
giải đáp thỏa đáng, nếu chưa nói là lôi theo những hậu quả tai hại. Ta hãy lấy
thuyết tiến hóa làm thí dụ: khi nói rằng loài người bởi loài khỉ mà ra thì có lẽ
có người sẽ tủi hổ bởi vì mình không phải là con rồng cháu tiên mà chỉ là con
cháu của khỉ đột đười ươi. Chính vì nhân danh thuyết tiến hóa như vậy, cho nên
các nhà nhân chủng Đức quốc xã đã biện minh cho thuyết diệt chủng, vì phù hợp với
định luật thiên nhiên: các chủng tộc kém văn minh cần phải nhường chỗ cho các
chủng tộc tiên tiến; và dĩ nhiên chính sách thực dân cũng là một hệ luận chính
đáng của thuyết tiến hóa. Một áp dụng khác của thuyết tiến hóa có thể nhận thấy
trong ngành phân tâm: theo đó, con người hành động do bản năng thúc đẩy, chứ chẳng
có tự do gì: con người bị “thú tính” chi phối nhiều hơn là do “nhân tính”. Triết
học cận đại của Âu châu đã đặt con người làm trọng tâm của các suy tư; con người
tự lập tự quyết, chủ thể của văn hóa và lịch sử. Các vấn đề về con người cần phải
được chính con người giải đáp, chứ không theo “thiên mệnh”. Theo họ, tôn giáo
chính là lực lượng chậm tiến, làm cho con người tha hóa, vong thân.
Kant cho rằng con người không thể thấu hiểu được bản chất của
vạn vật, thì ông Hegel chủ trương ngược lại: con người có khả năng vươn lên đến
tuyệt đối. Lịch sử của nhân loại là một cuộc tiến hoá không ngừng nhằm thể hiện
kế hoạch của Tinh thần tuyệt đối. Tuy nhiên ông Ludwig Feuerbach (1804-1872)
lưu ý rằng Tinh thần tuyệt đối của Hegel chung quy cũng là chính con người mà
thôi, bởi vì “đâu phải là Thiên Chúa đã tạo ra con người, nhưng con người đã tạo
ra Thiên Chúa”. Con người là Thiên Chúa của con người (homo homini deus est).
Có thể coi đây là khởi điểm của tôn giáo “vô thần”, được thay thế bằng tôn giáo
“nhân bản”. Karl Marx (1818-1883) cho rằng vai trò của triết học không phải
là giải thích thế giới con người nhưng là biến đổi thế giới và xã hội bằng những
cuộc cách mạng triệt để. Thiên Chúa hoặc Tinh thần là những chuyện mơ hồ; cái
thực sự Tuyệt đối chính là Vật chất; con người có vai trò biến đổi vật chất bằng
hành động, bằng những cuộc cách mạng xã hội. Theo khuôn mẫu của Emile Durkheim,
con người cũng là sản phẩm của xã hội, chịu ảnh hưởng của tập tục xã hội hay của
văn hóa: vô phúc cho ai muốn tỏ ra lập dị không chịu đi vào khuôn khổ, bởi vì hắn
sẽ bị đào thải hay đè bẹp.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận rằng một quan niệm triết học lệch lạc
về con người sẽ có thể dẫn tới những hậu quả không lường được tác dụng không nhỏ
đối với hạnh phúc con người. Thực vậy, cuộc đời của con người sẽ thay đổi rất lớn
khi tin rằng mình chỉ phải là sản phẩm của vật chất và sẽ trở về với vật chất.
Chính khi chấp nhận thực thể tinh thần tồn tại trong xác thể con người mới có
khả năng tinh thần vươn lên trên vật chất và hơn thế nữa là đi vào đời sống
siêu việt. Công trình phát triển nhân bản quy chiếu về tính bất tử của thân phận
con người cũng giải thích căn do của bao nhiêu khắc khoải dằn vặt trong con tim
con người. Mối xâu xé ở nội tâm bắt nguồn từ cuộc giao tranh giữa thiện và ác,
giữa sự lựa chọn vật chất và giá trị tâm hồn, tâm linh và tự do, giá trị của
tình bằng hữu, tình yêu đồng loại. Tiếc rằng hiểu biết không trọn vẹn về bản chất
con người đã bẻ gẫy trật tự liên hệ với vũ trụ và Tạo Hoá, từ đó các liên hệ xã
hội và môi trường cũng bị rối loạn.
Khi con người chỉ được đánh giá như một cái máy không hơn
không kém; khi đời sống tinh thần, phẩm giá, nhân vị, tự do càng vắng bóng
trong giáo dục và đời sống tương quan, con người có khác chi sản phẩm kỹ thuật
bào chế trong ống nghiệm, có thể được đào tạo qua các phương pháp tuyên truyền
đại chúng, và có thể đưa vào hoạt động theo “lập trình” của một thể chế độc tài
nào đó muốn toàn trị xã hội.
Người viết không muốn phản kháng lại bất cứ luận thuyết nào
đã có, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ được nhìn thấy qua
các hiện tượng bên ngoài, chỉ là vật chất tiến hoá đơn thuần mang lấy định mệnh
huỷ hoại của vật chất, nhưng tồn hữu trong thực tại sâu xa hơn. Con người có thể
đạt tới chân lý một cách chắc chắn không phải bằng phương tiện vật chất. Giá trị
của con người không hệ tại những việc chinh phục khoa học kỹ thuật, nhưng ở chỗ
biết khám phá ra chân lý của cuộc đời, biết yêu mến ngưỡng mộ điều thiện mỹ.
Nói khác đi, một con người cao quý không phải vì là một nhà bác học thông kim
bác cổ cho bằng một nhân vị thiện lương thiêng liêng.
viết ngày 21/06/2017
Đức Khổng Tử (còn gọi là Khổng Phu), là “Vạn thế sư biểu” hoặc
“Đại thành chí thánh tiên sư”, là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục,
nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Khổng Phu Tử hoặc Khổng tử là
danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu (551 TCN - 479 TCN) tự Trọng Ni.
Triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân
tộc Đông Á. Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và
cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự
chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo
Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Tư tưởng
của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng
giáo. Khổng giáo được một nhà truyền giáo Dòng tên, người Italia, Matteo Ricci
đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành
"Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người,
nhất là dân tộc Trung Hoa.
Sống trong một xã hội nông nghiệp, sản xuất kém phát triển
vào cuối đời Xuân Thu, đầy cảnh “đại loạn” và “vô đạo”, bản thân đã từng làm
nhiều nghề “bỉ lậu” rồi làm quan cai trị, Khổng Tử nhận thức được nhu cầu về
hoà bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng của xã hội và mọi thành viên. Khác với
Trang Tử coi đời như mộng, kiếp người phù du chỉ cốt “toàn sinh” cho bản thân,
Khổng Tử là một người “nhập thể” và luôn trăn trở với chuyện quản lý của xã hội
theo cách tốt nhất. Khổng Tử muốn thực hiện những cải cách xã hội từ trên xuống,
bằng con đường “Đức trị”. Khổng Tử chủ trương quyền lực phải nằm trong tay những
“bậc đạo đức” để thế giới không biến thành nạn nhân của những kẻ sùng bái bạo lực.
Thế giới Khổng Tử sống phân hoá rất lớn và vì thế rất cần có những đổi thay quyết
liệt. Giai cấp quý tộc thời ấy luôn dụng tâm biến cải cuộc sống của họ đã xa xỉ
lại càng xa xỉ hơn, một cuộc sống xa hoa dật lạc có được từ sưu thuế và sức lao
động của dân. Giới quý tộc thường gây chinh chiến. Thoạt đầu, giới quân phiệt
quý tộc đã thực thi chức năng hữu ích của họ là bảo vệ xã hội. Nhưng với tư
cách là một giai cấp, họ đã đi quá xa giới hạn, và đã cướp bóc nhân dân, thậm
chí còn cướp bóc lẫn nhau bằng những cuộc chiến thương vong triền miên. Quan
quyền, vua chúa đều thấy rằng chính cái nghệ thuật chinh chiến ấy mới là nghề
nghiệp duy nhất mà sĩ phu phải đặc biệt lưu tâm.
Khổng Tử sáng lập ra Nho giáo với hạt nhân là
đường lối “Đức trị”. Tuy nhiên, phải đến Mạnh Tử đường lối “Đức
trị” mới được phát triển tương đối hoàn chỉnh và trở thành
“đường lối nhân chính” (chính trị nhân nghĩa). Khổng Tử khuyên các nhà
quản lý phải “khắc phục được tư dục”, không nên cầu lộc cho cá nhân mình, cứ
chuyên tâm làm tốt công việc thì “bổng lộc tự khắc đến”. Làm cho dân giàu là mục
tiêu đầu tiên, cơ bản của nhà quản lý”: đối với những người nông dân nghèo khổ
đương thời, Khổng Tử biết lợi ích kinh tế là nhu cầu thiết yếu của họ, nên ông
biết đạo Nhân sẽ khó thực hiện được khi quần chúng còn nghèo khổ: “Nghèo mà
không oán là khó, giàu mà không kiêu là dễ” (Hiếu Vấn). Khổng Tử sang nước Vệ,
Nhiễm Hữu đánh xe, Khổng Tử nói: “Dân đông thay”, Nhiễm Hữu hỏi: “Đã đông rồi
làm gì hơn nữa?”, Khổng Tử nói: “ Làm cho dân giàu”, Nhiễm Hữu hỏi: “ Đã giàu rồi,
lại làm gì hơn nữa?”, Khổng Tử nói: “Giáo dục họ”. Tư tưởng “làm cho dân giàu”,
“tiên phú, hậu giáo” là tư tưởng duy vật của Khổng Tử, được các học giả của Nho
gia và Mặc gia sau này phát triển thêm.
Đức Khổng Tử chủ trương cai trị dân bằng đạo đức
chứ không phải bằng bạo lực. Với đường lối này, Khổng Tử hy vọng
xã hội phong kiến lúc bấy giờ sẽ trở lại yên bình như thời vua
Nghiêu, vua Thuấn và cứ như thế xã hội này sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Tư tưởng về phương pháp quản lý xã hội đóng vai trò nền tảng trong học thuyết của
Khổng Tử. Coi “đức trị” là phương pháp quản lý xã hội, ông chủ trương xây dựng
một xã hội có đạo với những chuẩn mực cụ thể và được bắt đầu từ gia đình. Về
phương thức tổ chức bộ máy nhà nước, Khổng Tử chủ trương trọng dụng những người
có đức, có tài. Đối với người cầm quyền, ngoài những phẩm chất “có đức, có
tài”, còn phải biết nêu gương. Có thể nói, trong quan niệm về quản lý xã hội của
Nho giáo, bên cạnh những hạn chế, còn ẩn chứa nhiều vấn đề hợp lý và có tính thời
sự đối với thời đại ngày nay.
Nho giáo đề cao "đức trị" và không đồng tình với chủ
trương "pháp trị" của Pháp gia. Nho giáo cho rằng, trị nước bằng
"đức trị" thì đã nắm được cái cốt lõi, cái sâu kín trong nhân tâm con
người rồi, đó là sự "liêm sỉ" (sự hổ thẹn, tự vấn của lương tâm). Và
điều đó giúp cho phương pháp này tự hiện hữu trong mọi suy nghĩ và hành vi của
con người mà không cần bất cứ biện pháp "giám sát" nào. Khổng Tử nói:
"Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dắt dẫn dân chúng;
chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chứ họ
chẳng biết hổ ngươi. Vậy, muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh;
muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ - tiết, thì chẳng những dân biết hổ
ngươi, họ lại còn cảm hoá mà trở nên tốt lành" (x. Luận ngữ, thiên Vi
Chính). Khổng Tử nhận định rằng: “Đức trị” nhưng cần có sự bổ trợ của “pháp trị”.
Rõ ràng, tư tưởng này của Khổng Tử cùng với đường lối “pháp trị” của Pháp gia
được các triều đại phong kiến Trung Hoa sau này vận dụng trong thuật trị nước,
như "Âm Pháp, Dương Nho", "Ngoại Nho, Nội Pháp". Nhận xét về
cơ bản thì Pháp trị là cai trị cứng, còn Đức trị là cai trị mềm. Một chế độ cai
trị bao giờ cũng kết hợp cả hai, trong đó trọng tâm vẫn là Pháp trị, còn Đức trị
chỉ dùng để hợp pháp hóa việc cai trị, khiến người dẫn dễ tuân phục, và do đó
giảm bớt việc sử dụng đến các công cụ bạo lực, điều mà không phải lúc nào chế độ
cai trị cũng có khả năng sử dụng; và do đó việc cai trị sẽ dễ dàng hơn, và kéo
dài hơn.
Thật ra, pháp luật và đạo đức là hai lĩnh vực ý thức xã hội
nhưng lại tương hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định
một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định
hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi
con người trong ứng xử với người khác. Tuy nhiên, trong tình thế chung hiện tại,
để thực thi triệt để vấn đề “Đức trị” với “Pháp trị” trên cơ sở pháp chế, khoa
học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm vì hạnh phúc con người, vì nhân quyền là
con đường còn rất dài, rất xa cần đến sự thức tỉnh, anh minh và liêm khiết của
kẻ cầm quyền trị dân. Vì, việc thống nhất được giữa “Đức trị” với “Pháp trị”,
được chứng minh trong tư tưởng và truyền thống văn hóa phương Đông, rất cần những
tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh và các hiền tài quản lý xã hội.
Viết ngày 22/06/2017
Trong giới trẻ hiện nay đang nổi lên trào lưu làm Vlog, mà
nhân vật chính xuất hiện trong các Vlog đó thường là những người còn khá trẻ.
Các vấn đề xung quanh đời sống hàng ngày được họ nhắc tới, thể hiện bởi muôn
vàn biểu cảm khác nhau. Và gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những
clip bạn trẻ hào hứng nói về sex, ví mình là những chuyên gia giảng giải về
tình dục cho bạn bè. sự táo bạo nói về sex, cộng thêm muôn vạn lời tục tĩu được
các Vlogger tuôn ra. Trong khi phụ huynh ngán ngẩm thì những
người đồng trang lứa lại tỏ ra đồng tình và thích thú với cách nói về sex thẳng
và thật của các Vlogger.
Thêm nữa, Facebook được các bạn trẻ sử dụng để phục vụ những
sở thích quái đản và suy đồi như việc đăng tải những bức ảnh hở hang, khoe thân
thể. Những bức ảnh của các bạn trẻ, ban đầu có thể chỉ là cái chúm môi, phồng
má, nháy mắt, chỉ một số ít thích chụp ảnh “nửa kín nửa hở”. Nhưng rồi những bức
ảnh hở hang chút chút đó lại nhận được nhiều like, nhiều comment ủng hộ. Những
chủ nhân bức ảnh cứ tưởng mình hot, mình được quan tâm và càng ngày càng thích
chụp những bức ảnh hở hang hơn, lôi kéo theo việc hình thành khuynh hướng có
nhiều bạn trẻ hơn mỗi ngày “nghiện” phơi thân; hễ online không sexy, không hở
là không chịu được...!
Đáng lẽ theo thời nay, mọi tiến bộ phải nhờ đạo đức làm gốc
thì những chuẩn mực luân thường đạo lý lại bị té nhào xuống. Nếu một ai đó phản
kháng những trào lưu ấy, muốn vực dậy tinh thần đang suy đồi, vô phương hướng của
nhiều bạn trẻ thì tất nhiên phải cần sự hậu thuẫn từ mặt bằng đạo đức xã hội vững
chắc, nếu không sẽ điêu đứng té nhào trước cơn “mưa đá thời văn minh truyền
thông kỹ nghệ số ảo”. Bênh vực cho chuẩn mực đạo đức ư? Điều đó cũng rất thực tế,
không cao xa gì; đạo đức căn bản chỉ cần xuất phát từ ý niệm hết sức đơn giản:
phàm đã là một nhân vị sinh tồn trên hoàn vũ, có một vận mệnh chính đáng, thì
phải giữ gìn những sự vẻ vang trong hành trình đời sống của mình, nghĩa là gìn
giữ lấy những đức hay tính tốt mà một con người đáng có, khiến cho họ vượt trên
bản năng giống loài và được tha nhân đem lòng kính trọng. Đạo đức là phương
pháp gọt giũa nhân cách như hòn ngọc được mài qua những khó khăn, như thanh sắt
được tôi luyện trở thành ngọn kim sáng lấp lánh thì thì mới gọi là đạo đức được.
Khổng Tử giáo huấn đệ tử rằng: “Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi” nghĩa là
mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô
đạp thêm. Thầy Mạnh Tử cũng khẳng định cho ta biết: “Nhân tất tự vũ nhi hậu
nhân vũ chi” nghĩa là mình có tự khinh mình thì người ta mới khinh mình.
Những tiêu chuẩn đạo đức mà mỗi một cá nhân, vô tình hoặc cố
ý, dựa vào đó để phán xét xấu tốt, phải trái, đúng sai tương đối chủ quan, có
người thích phê phán hay tán thành dựa vào đạo đức học Mác xít, có người pháp
giới Phật giáo và có người chọn luân lý Công Giáo. Tất cả đều là những nguyên tắc
điều hợp hành vi đạo đức, vốn được hiểu là một hành động trong bối cảnh tương
quan liên nhân vị.
Hành vi đạo đức không chỉ được biểu hiện ra bên ngoài bằng
các hoạt động tay chân, mà ngay cả một ý nghĩ hay đánh giá về một người nào đó.
Immanuel Kant định nghĩa hành vi đạo đức như sau: "Các nguyên tắc thực
hành là các mệnh đề bao hàm một sự quy định phổ biến với ý chí; và sự quy định
này chứa đựng dưới nó nhiều quy tắc thực hành”. Friedrich Engels đã khẳng định:
“Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản
phẩm của tình hình kinh tế cửa xã hội lúc bấy giờ”. Như vậy, mỗi giai đoạn xã hội
có giai cấp, đều có học thuyết đạo đúc riêng đúc kết từ những sai lầm có thật
trước đó. Vậy, có thể suy nghĩ, chính những “sản phẩm” trong phong cách sống của
giới trẻ phản ánh thực tiễn đang diễn ra trước mắt chúng ta là hệ quả hoặc là
triết lý đạo đức của một hình thái xã hội đã sai, hoặc là nền giáo dục không
đáp ứng được hoặc đã thực hiện sai đường lối giáo dục theo đúng học thuyết đạo
đức của hình thái xã hội hiện tại.
Trong xã hội theo một chuẩn mực mà người trẻ được giáo dục và
đào luyện đã bộc lộ những sai lầm trong đường lối triết lý hay trong cách thực
hành. Không ai có thể phủ nhận giá trị nhất định của một học thuyết đạo đức đối
với sự phát triển xã hội. Friedric Engels nhận định rằng: “thứ đạo đức hiện nay
đang tiêu biểu cho sự lật đổ hiện tại, biểu hiện cho lợi ích của tương lai, tức
là đạo đức vô sản, là thứ đạo đức có một số lượng nhiều nhất nhưng nhân tố hứa
hẹn một sự tồn tại lâu dài”. Nên biết, trong một xã hội có giai cấp, tư tưởng đạo
đức thống trị trong xã hội là tư tưởng đạo đức của giai cấp giữ địa vị thống trị
về kinh tế xã hội. Giai cấp ấy đã vận dụng mọi nguồn lực xã hội do mình chiếm
lĩnh để tuyên truyền, giáo dục và thể chế hoá tư tưởng đạo đức của mình thành
những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức trong toàn xã hội, biến nó trở thành thước
đo đánh giá, điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội cho phù hợp với lợi
ích của nó. Vậy, tất cũng phải chịu trách nhiệm về sự tha hoá, suy đồi đạo đức
“rầm rộ” trong xã hội mà nó chi phối với đầy tật xấu khó chữa trị: dửng dưng,
ích kỷ, tham lam vơ vét, bạo lực học đường, gian thương không kiểm soát, thủ đoạn
tranh giành lợi ích nhóm, gian dối trong thi cử khoa bảng. Tất cả, có nguyên
nhân từ sai lầm trong học thuyết hoặc sự yếu kém trong thực hiện học thuyết đạo
đức của mình chứ không phải từ sự phá hoại của “các thế lực thù địch” bên
ngoài.
Hành vi đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá dựa
trên lương tâm con người để thực hiện việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời
sống xã hội, được lương tâm đồng tình và dư luận tán thành. Nếu lợi ích xã hội
là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức thì cần phải xác định mức độ
phù hợp của học thuyết đạo đức hiện thời đối với với yêu cầu của tiến bộ xã hội.
Giá trị đạo đức không hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và tính đúng đắn của dư
luận. Khi ta cố tình “định hướng dư luận” có lợi cho kẻ thống trị, biến “công
luận” trở thành sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh đạo đức theo ý kẻ thống
trị thì dư luận bị thao túng ấy đâu thể trở thành “công cụ lợi hại” trong việc
điều chỉnh hành vi đạo đức xã hội mà chỉ là “thành trì” che chở những lực lượng
thống trị xã hội.
Nhận thấy, chỉ riêng khía cạnh đạo đức tính dục hiện thời
trong một bộ phận khá đông giới trẻ, thì rõ là những chuẩn mực đạo đức cá nhân
tự khẳng định hiện thời đa phần sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội tiến bộ.
Giá trị đạo đức trong xã hội quá nhạy cảm, cầu thị mà thiếu việc tu dưỡng, rèn
luyện cho phù hợp với chuẩn mực nhân văn thì thật đáng tiếc cho cả một thế hệ
không tiếp nhận được chuẩn mực hành vi đạo đức đúng đắn để làm người tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét