Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Truyện chưa kịp đặt tên


Truyện chưa kịp đặt tên
Chuyện đã lâu rồi, cụ thể là bao nhiêu năm thì tôi không rõ. Nhưng mỗi lần sực nhớ, tôi có cảm giác như nó vừa mới xảy ra đâu ngày hôm kia, hoặc hôm qua, thậm chí có lúc tưởng chừng như đang diễn ra trước mắt với đầy đủ từng chi tiết, từng góc cạnh dù nhỏ nhất. Chuyện lạ lẫm, dị thường, như mơ, như thật, nếu kể ra chưa chắc đã ai tin, không khéo còn bị quy chụp rằng duy tâm; rằng có tư tưởng này, quan điểm nọ thì khốn đốn cả đời. Nhiều lần tôi lấy giấy bút ra định ghi lại câu chuyện lạ, mà cũng là một bài học kinh nghiệm cho công tác biên tập, một công việc thường được nhận những lời than phiền nhiều hơn là thiện cảm. Nhưng cứ lần lữa mãi, rốt cuộc, chuỵện vẫn tồn đọng trong tiềm thức.
Đầu tháng chín năm nay, tôi ra thành phố Đ dự Trại sáng tác văn học, luôn tiện ghé lại thăm Tuyến. Thời chiến tranh, tôi với Tuyến cùng một đơn vị bộ binh, tham gia nhiều trận đánh ác liệt và lập được cũng khá nhiều chiến tích. Sau tháng 4-1975, mặc dầu có đầu óc làm kinh tế, Tuyến cũng phải lao đao lận đận suốt thời bao cấp. Bước sang cơ chế thị trường, Tuyến bắt đầu phất lên bằng nghề kinh doanh bất động sản. Còn tôi, hết chiến tranh về quê tiếp tục dạy học. Dạy được một thời gian thì đành phải bỏ nghề bởi môi trường giáo dục lúc này đang bị “ô nhiễm” trầm trọng. Thất nghiệp, lang thang, rồi phụ hồ, xe ôm, hái cà phê… cuối cùng không tự lượng sức mình lại thò cổ vào cái nghiệp văn chương nghiệt ngã! Gần 20 năm mang tiếng cầm bút viết lách nhưng chẳng gây được tiếng tăm gì trên văn đàn, lại được hợp đồng làm công tác biên tập cho một tạp chí văn nghệ cấp tỉnh.
Năm vừa rồi, tình cờ đọc một baì báo nào đó bắt gặp tên tôi, Tuyến lần theo địa chỉ tìm đến. Hai thằng bạn thân thời chiến tranh , sau 30 năm gặp lại cứ ôm chầm lấy nhau rơm rớm nước mắt, kỷ niệm của một thời đầy hy sinh gian khổ cứ ùa về… Tuyến bảo, anh ta đang rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh ngành địa ốc tại thành phố Đ và khẩn thiết mời tôi ra thăm chơi một chuyến. Dự định sẽ đi. Trước, thăm gia đình bạn. Sau, để biết thành phố Đ to lớn cỡ nào, phát triển tới đâu mà báo đài ngợi ca dữ lắm. Nhưng công việc cơ quan hồi đó cứ dồn dập, chồng chất. Là lính lác trong cơ quan, công việc nào cũng dính tay, dính chân nên khó bức ra được.
Thực tình mà nói, sau ngày thống nhất đất nước, người ta ra Bắc vào Nam như ăn cơm bữa. Còn tôi thì mãi lẩn quẩn trong tỉnh lẻ như kiến bò miệng chạn. Không phải ngại đi mà chính vì… nhiều lý do rất khó giải thích. Ngay cả thủ đô Hà Nội tôi cũng mới vừa đặt chân đến cách nay chưa đầy hai năm nhờ một ông cán bộ tốt bụng ra trung ương dự họp cho “quá giang”. Ba ngày lội bộ các đường phố thủ đô với tấm bản đồ trên tay, tôi cũng tạm đủ vốn liếng để khoe khoang, để khoát lác về chuyến Bắc du khá thú vị này với vài ba ông bạn chưa từng bức khỏi ranh giới khu vực miền Trung.
Ra thành phố Đ, sau khi được Ban tổ chức trại viết bố trí cho nơi ăn chỗ ở, tôi lần theo địa chỉ tìm đến nhà Tuyến. Mặc dù đã biết Tuyến đang làm ăn phát đạt nhưng không ngờ nó lại giàu to đến thế: chủ một ngôi biệt thự xinh đẹp nằm giữa khu vườn cây xanh mát, trên 10 lô đất mặt tiền, một khách sạn ba sao nằm dọc dòng sông H xinh đẹp; vợ quản lý cửa hàng dược phẩm lớn vào hạng nhất nhì trong thành phố, con đang  học nước ngoài. Tôi mừng cho Tuyến, thằng bạn thời chiến tranh rất lãng mạn, mê đọc thơ tình nay trở thành một đại gia.
Đêm hôm đó, chúng tôi nằm cạnh bên nhau đến tận khuya ôn lại những hy sinh gian khổ thời chiến tranh; tranh luận sôi nổi về mặt trái của  cơ chế kinh tế thị trường, về việc Việt Nam  gia nhập WTO, về chủ trương chống tham nhũng của Thủ tướng Chính phủ, về hội nghị APEC sắp diễn ra, về trật tự thế giơi đang bị đảo lộn, về tình hình chiến tranh Trung đông… Được hỏi về chuyện Văn chương chữ nghĩa, tôi bảo:
- Hư ảo, phù phiếm ông à!. Mang tiếng cầm bút nhưng chẳng danh phận gì, lương tháng một công chức quèn chẳng thấm béo gì so với vật giá thị trường ngày càng tăng vọt! Còn nhuận bút một bài viết chỉ đủ trang trải vài cữ cà phê buổi sáng. Tác phẩm ra đời, thương thì họ nâng lên tận mây xanh; ghét, họ dìm tận đáy. Đó là chưa nói đến công tác biên tập, cái nghề làm dâu trăm họ, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường -Tôi thở dài -Ông với tôi sinh cùng năm nhưng hai số phận hoàn toàn khác biệt.
Nói đến số phận, Tuyến hưởng ứng sôi nổi:
- Con người sinh ra đều có số ông à! Ông biết đấy, tôi thì học hành lập dập nhưng có số làm giàu. Mấy năm gần đây, công việc làm ăn suôn sẻ, của cải cứ đua nhau ào vào như nước lũ. Ví như cái biệt thự này, hiện nay cũng trên 10 tỷ. Vậy mà hồi tôi mua bao nhiêu ông biết không, chưa tới 25 cây vàng bốn con 9!.
Tôi tròn mắt nhìn Tuyến:
- Với số vàng đó nay chỉ mua được một căn nhà cấp bốn tận tít dưới quê!
Tuyến thong thả rút điếu ba số gắn lên môi châm lửa, kéo một hơi dài nhả khói, giảng giải:
- Ngôi biệt thự này của một tay quan chức, nghe nói từng là lính Trường Sơn gan góc, chiến tích đầy ngực. Và cũng một thời tử thủ thành cổ Quảng Trị. Cũng do ma lực đồng tiền cuốn hút mà lão bị dính vào một đường dây buôn lậu ma tuý lớn, bị toà tuyên án chung thân.
Thật đáng tiếc! Trong chiến tranh kiên cường, dũng cảm, thà hy sinh quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù, vậy mà trong hòa bình lại không ít người bị sức mạnh của đồng tiền cảm dỗ đến thân bại danh liệt. Mặt trái cơ chế mới kinh khủng thật.
- Hiện giờ vợ con ông ta ra sao? Tôi hơi tò mò.
- Tan tác như xác pháo ông à! Tuyến buông tiếng thở dài- Lão chỉ có một thằng con duy nhất lại thuộc hạng phá gia chi tử. Đang học cấp ba bỗng dưng bỏ cuộc ngang xương theo đám bụi đời ăn chơi bạt mạng. Sau ngày lão ngồi tù chưa kịp giáp năm, thằng quí tử của lão chết trong cuộc đua xe siêu tốc độ!
- Một thảm kịch! Một gia đình bất hạnh!
- Chưa hết đâu ông à! Còn con vợ của lão nữa. Thị trai gái như giặc dậy! Hết cặp bồ với tay tổ trưởng dân phố lại chuyển sang quan hệ với gã tiếp thị dầu gội đầu Clear. Sau ngày lão vào tù, trong tay thị có tới hàng tá nhân tình tuổi mới loi choi. Giàu có, phơi phới sức xuân, hừng hực ham muốn, thị mặc nhiên là mục tiêu để bọn trai tơ đàng điếm, lọc lõi khai thác triệt để. Mà cũng phải thôi ông, ai đời vợ chồng mà cứ như cha con. Lão hơn vợ đến  25 tuổi. Lão lo làm giàu, còn con vợ tranh thủ thời gian đú đỡn với bạn tình. Lão ngồi tù chưa đầy ba năm thì tài sản hoàn toàn khánh kiệt, ngôi biệt thự chỉ còn lại cái vỏ, bạn tình cũng lần lược bỏ thị ra đi. Cùng đường, thị đành phải treo bản bán ngôi biệt thự. Bảng bán nhà đã thay mấy lớp sơn rồi mà chẳng ai đến hỏi han
- Nghe nói đất ở đây rất đắt, chỉ thua kém thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội?
Tuyến dang rộng hai cánh tay rất điệu:
- Tất nhiên, nhưng về ngôi biệt thự thì không ai dám rờ tới.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Tuyến giải thích:
- Người ta đồn rằng trong ngôi biệt thự có oan hồn lẩn quất, âm khí nặng nề bởi xây cất trên ngôi mộ tập thể. Ai làm chủ nếu không chết bất đắc kỳ tử thì cũng vào tù, vợ con ly tán…
- Ông gan cùng mình, dám bỏ tiền ra mua ngôi biệt thự có vấn đề?
Tuyến mồi thêm điếu thuốc, kéo một hơi dài nhả khói rồi kê miệng vào tai tôi bảo nhỏ: Chuyện ngôi biệt thự có oan hồn, xây cất trên ngôi mộ thiêng là do tôi phịa ra cốt để…
Tôi vội khoát tay, cắt lời:
- Thôi thôi, tôi hiểu, tôi hiểu rồi. Hoá ra ông cũng kinh lắm!
Tuyến bật cười khoái trá :
- Thương trường là chiến trường mà ông. Lơ mơ nó dập ra bã. Trở lại việc bán ngôi biệt thự, Tuyến bảo- Bán được ngôi biệt thự với giá rẻ mạt, thị mừng như người được của. Sau đó thị ôm gọn số vàng theo gã trai tơ ra nước ngoài. Từ đó, thị biệt tăm .
Tôi cố nén tiếng thở dài. Hoá ra, Tuyến cũng thuộc hạng ranh ma, lại gặp vận may trong kinh doanh chứ chẳng tài cán gì. Liên tưởng đến những vụ việc chiếm đoạt đất đai ở Vũng Tàu, phú Quốc, gần đây là thị xã Đồ Sơn của các quan chức đang bị dư luận xã hội lên án gay gắt, tôi bỗng đâm lo cho Tuỵến.
Đêm đã khuya, biết tôi thích yên tĩnh, Tuyến giao cho một phòng riêng. Mặc dù phòng có gắn máy lạnh, ra nệm thơm tho nhưng tôi cứ trăn trở, liên tưởng đến những oan hồn đang lẩn quất đâu đây, không tài nào ngủ được. Tôi ngồi bật dậy lấy sổ tay ra định viết bài ký nói về một cựu chiến binh làm giàu. Quyển sổ mở sẵn trước mắt. Đang tìm ý mở đầu thì bất chợt câu chuyện cũ bỗng bật lên từ trong tiềm thức rồi diễn ra trước mắt tôi như một bộ phim quay chậm. Không suy tính, không đắn đo như mọi khi, tôi quyết định hạ bút. Gần 8 năm tôi chỉ quen viết trên máy vi tính, năm khi mười hoạ mới động đến bút bi. Vậy mà lúc này, đầu ngọn bút cứ chạy rào rào trên trang giấy. Những con chữ khỏe khoắn, bụ bẫm cứ tuông ra hàng hàng lớp lớp như có ma lực tác động.
Chuyện rằng:
Năm đó, tôi được tổ chức phân công về làm cán bộ biên tập cho một tạp chí Văn Nghệ địa phương. Cơ quan Tạp chí Văn Nghệ là một ngôi nhà ba tầng, cách xa trung tâm thành phố, chung quanh cây cối um tùm, cảnh quang tĩnh lặng, rất thích hợp với người làm công tác Văn học Nghệ thuật. Về mùa hè, khí hậu ở đây thật mát mẻ, mùa thu thì dịu êm, mùa đông có cảm giác ấm áp hơn, dễ chịu hơn nơi khác. Cán bộ công nhân viên Thường trực Hội chỉ có tám người, kể cả cô tạp vụ vừa mới hợp đồng nên dãy tầng trệt thôi cũng vừa đủ cho các phòng ban. Là “lính mới”, tôi tạm thời được bố trí chỗ làm việc trên tầng hai, một căn phòng nhỏ thật tĩnh lặng, hoàn toàn phù hợp với công việc bếp núc cho một tờ tạp chí Văn nghệ tỉnh lẻ. Căn cứ vào các dấu vết còn in lại trên tường, trên trần nhà, tôi đoan chắc, trước kia, người chủ cũ từng dùng nơi đây làm phòng ngủ. Lúc rỗi việc, từ căn phòng im ắng này phóng tầm mắt qua ô cửa sổ tha hồ mơ mộng mà không sợ bị ai quấy rầy.
Hôm đó là buổi chiều cuối thu. Mùa thu nơi đây ngày mau tối lắm. Đang đọc dang dở tập bản thảo thì tiếng các cánh cửa phòng dưới tầng trệt đóng sầm sập, đó là âm thanh quen thuộc báo hiệu đã đến giờ tan sở. Mới năm giờ chiều mà trời đã nhập nhoạng. Tập bản thảo chỉ còn hai trang cuối, tôi quyết định nán lại thêm một lúc nữa để đọc nốt kịp sáng hôm sau chuyển lên bàn tổng biên tập. Dưới ánh sáng của hai ngọn đèn huỳnh quang, loại sáu tấc, tôi tiếp tục cắm cúi trên trang bản thảo. Đọc chưa được nửa trang, mắt tôi cứ muốn díp lại… Bỗng có tiếng dép khua nhẹ rồi một cô gái còn rất trẻ xuất hiện đứng khép nép bên bậu cửa phòng tôi, tay cầm tập tạp chí. Cô gái độ khoảng hai mốt hai hai tuổi gì đó, mặc đồ bộ màu xanh lơ trang nhã, mái tóc xoã dài thoang thoảng mùi hương thanh khiết. Tóm lại, đó là một cô gái trẻ đẹp và có sức quyến rũ lạ kỳ. Tôi đinh ninh cô ta là cộng tác viên đến gửi bài cho phòng trị sự, nhưng vì đến muộn nên muốn gửi trực tiếp cho tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tiếp cộng tác viên nữ. Tôi vội đứng lên chào mời niềm nỡ. Khác với những cộng tác viên đến gặp tôi trước đây, họ thường tỏ thái độ vồ vập, đãi bôi, thậm chí có người còn mời tôi vô quán dùng cà phê rồi xì ra hàng tá bản thảo. Cô gái này thì ngược lại, nàng cúi đầu chào tôi với vẻ mặt thoáng buồn trước khi ngồi vào chiếc ghế đối diện. Tôi lên tiếng: “Cô đến gửi bài cộng tác hay nhận báo biếu, nhận nhuận bút?”. Cô gái khe khẽ lắc đầu, giọng nhẹ như cơn gió thoảng: “ Em không gửi bài cộng tác, cũng không nhận nhuận bút”. Quái lạ! Không gửi bài, không nhận nhuận bút thì đến làm gì vào giờ này?. Hình như  đoán biết ý nghĩ của tôi, cô gái tiếp: “Em đến trước nhất là cảm ơn anh đã cho dùng cái truyện ngắn có tên Khắc nghiệt của em vào số tạp chí vừa rồi, do một người bạn cũ gửi đến”. Tôi nói trong sự hưng phấn:“Tạp chí sẵn sàng cho đăng tải những tác phẩm hay của cộng tác viên từ khắp nơi trên cả nước gửi về. Cô khỏi cần phải cảm ơn mà chính chúng tôi phải cảm ơn cô mới đúng… Còn sau nữa?”. “Sau nữa là em rất không bằng lòng câu chuyện có thật đã bị biên tập lại toàn bộ đoạn kết”. Tôi bỗng cụt hứng, lúng túng bảo: “… là để truyện mang tính nhân văn,… để nâng cao… tầm tư tưởng, phù hợp với tôn chỉ của một tạp chí địa phương!”. Lúc này, tôi chợt nhớ lại toàn bộ câu chuyện đầy bi kịch của một nhân vật mang tên Hạnh. Câu chuyện diễn ra vào những năm miền Nam vừa mới giải phóng, được tóm tắt như sau:
Hạnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan chức giàu có của chế độ cũ. Cha Hạnh là một sĩ quan cấp tá nhưng có tư tưởng cách mạng ngay từ khi còn là sinh viên trường võ bị Đà Lạt. Hồi còn giữ chức chỉ huy phó tiểu khu, chính ông đã từng bí mật cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ sở cách mạng, nhờ vậy mà lực lượng bộ đội địa phương ta thời đó không những đã tránh được nhiều tổn thất nặng nề mà còn lập được nhiều chiến công xuất sắc. Cuối năm 1973, sau chuyến chuyển lô hàng thuốc tây ra vùng giải phóng bại lộ, ông bị cấp trên nghi ngờ và đẩy ra một đơn vị tác chiến đóng ở vùng I chiến thuật. Về đơn vị mới chưa kịp giáp năm, cha Hạnh mất trên đường rút quân vào những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ con Hạnh sống lủi thủi trong ngôi nhà ba tầng, cách ly với cuộc sống bên ngoài vì tự ty mặc cảm là vợ, con của một sĩ  quan nguỵ.
Mẹ Hạnh, con của một Lương y giàu có, thời con gái được cha mẹ cưng chiều. Lấy chồng, bà là một nội trợ đảm đang, một người vợ hiền thục. Sau năm 1975, bà phải thức khuya đậy sớm bán từng lọn hành, từng bó rau trên các phiên chợ hôm, chợ mai, quyết nuôi con gái ăn học nên người. Vốn thông minh, lại có chí, ở bậc trung học, năm nào Hạnh cũng đạt học sinh xuất sắc. Kỳ thi đại học đầu tiên, Hạnh đậu cao vào ngành sư phạm, nhưng ban tuyển sinh tỉnh không gửi giấy báo chỉ vì lý lịch có người cha là sĩ quan nguỵ quyền. Không nản chí, vẫn tiếp tục nuôi niềm hy vọng, Hạnh tự ôn tập bài vở chờ đợi khoa sau. Kỳ thi đại học năm sau, Hạnh lại đậu thủ khoa ngành y. Sắp đến ngày nhập học, chính quyền địa phương không chịu cắt hộ khẩu cũng vì cái vết đen to tướng trong trang lý lịch. Ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn, một bác sĩ y khoa của cô gái có tâm hồn trong trẻo như giọt sương buổi sớm bị tan vỡ hoàn toàn bởi định kiến khắc nghiệt của thời ấy. Thỉnh thoảng Hạnh viết văn, làm thơ để vơi bớt nỗi niềm. Trong khi đang chao đảo, hẩng hụt về đường tương lai bế tắt thì Hạnh lại nhận được tin người yêu (con một quan chức đương quyền) ra đi lấy vợ! Cũng phải thôi, thời bấy giờ ai lại dại dột lấy con gái của một sĩ quan nguỵ làm vợ, làm dâu để rồi bị đánh giá là chưa vững lập trường, lỏng lẻo quan điểm,  con đường thăng tiến tất phải bị tắt nghẽn!. Nỗi bất hạnh của đứa con gái khiến cho người mẹ như đứt từng đoạn ruột. Hằng đêm bà cứ trăn trở, thao thức với những giọt nước mắt ngắn dài. Bà dự tính sẽ bán ngôi nhà đến xứ khác sinh sống.
Số phận nghiệt ngã chưa chịu dừng lại ở đó. Một hôm, bà nhận được lệnh tịch thu ngôi nhà ba tầng mà người ta cho là của một sĩ quan cao cấp chế độ cũ để chuyển giao cho cơ quan hành chánh cấp xã. Trên thực tế, đó là tài sản của chính cha mẹ bà để lại, nơi mà bà đã sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn. Có người biết chuyện đã khuyên bà làm đơn tìm người trong cơ sở cũ xác nhận công trạng của chồng mới hy vọng giữ lại ngôi nhà. Nhưng, các hoạt động đơn tuyến thời chiến tranh đã giải tán, thủ trưởng có người đã hy sinh, cũng có người còn sống nhưng lại bị tâm thần, bị ngớ ngẩn do hơi bom, mảnh đạn của cuộc chiến. Hoàn toàn tuyệt vọng, mẹ Hạnh lăn ra ốm chưa được một tuần thì qua đời. Chôn cất mẹ xong, không còn chỗ bấu víu trên cõi đời này, Hạnh phẫn uất tự treo cổ kết thúc đời mình. Câu chuyện nguyên bản đại khái là thế. Đận ấy, Tạp chí Văn nghệ đang thiếu truyện ngắn. Để truyện đăng được, tôi bắt nhân vật Hạnh phải sống, phải vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc đời, phải vượt qua số phận của bản thân, phấn đấu trở thành một cán bộ phụ nữ thôn rồi một cán bộ phụ nữ xã với nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, phong trào phòng chống HIV, được cử đi báo cáo điển hình tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh…
Cô gái lạnh lùng phản ứng:“Hồi đó, Hạnh tuy là cô gái còn rất trẻ nhưng mang nhiều hoài bảo to lớn. Vì định kiến của thời đã qua mà nó mất hết nghị lực, sống trong nỗi tuyệt vọng chứ không phải Hạnh chỉ biết phấn đấu vươn lên để trở thành một cán bộ phụ nữ thôn như phần anh biên tập. Cô bỗng thở dài - Anh có biết Hạnh tự tử tại đâu không?. Không cần câu trả lời, cô gái tiếp - Tại căn phòng này, ngay chỗ anh đang ngồi đó!” Đang có cảm giác rờn rợn sau câu nói đột ngột của cô gái thì nàng lại tiếp với giọng thật nhẹ như chiếc lá: “Còn tôi, tôi chính là hồn ma của Hạnh!”. Sau câu nói của cô gái, lập tức, hai ngọn đèn nê ông trong phòng bỗng dưng phụt tắt rồi bật sáng như cũ. Lúc này, tôi như người vừa tỉnh cơn mê. Điều kỳ lạ thay, cô gái không còn nữa, trên bàn viết của tôi lúc này lại có tập tạp chí Văn nghệ còn thoang thoảng một mùi hương thanh khiết, trong đó có truyện ngắn Khắc nghiệt.
Chuyện huyển hoặc, như mơ, như thật được ghi lại, nhưng viết đến đây tôi cũng không tránh khỏi cái cảm giác gai gai chạy dọc sống lưng. Đêm cũng đã quá nửa khuya rồi, ngoài trời đầy sương, căn phòng bỗng trở nên trống trải và bí hiểm quá!. Tôi vội gát bút rồi ôm mền ra ngủ ngoài hành lang. Tản sáng, tôi tạm biệt Tuyến để trở lại trại viết.
Những ngày tiếp theo, vì bận lo hoàn thành một vài sáng tác mới nên chưa kịp đặt tên truyện. Mãi đến ngày cuối cùng, anh phó trưởng đoàn giục nộp bài gấp. Bí quá, tôi ghi vội cái tên vô thưởng vô phạt: Truyện chưa kịp đặt tên.
Trần Quang Lộc
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...