1.
Hắn đi thuyền dọc sông Hồng.
Thuyền chở lâm sản từ mạn thượng lưu về đầy măng khô, thảo quả,
nấm hương. Sông Hồng mùa nước nổi. Rều rác. Cành khô. Củi mục. Nứa tươi… trôi lềnh
phềnh trong nước phù sa đục đỏ, cuồn cuộn. Cuộc đời thật trớ trêu và thú vị. Hắn
bắt gặp lại con thuyền và khúc sông xưa.
Buồn bã. Thở dài. Hắn buông một câu đầy ngẫm nghĩ:
“Dòng sông Hồng này chẳng bao giờ bình yên”.
Chủ thuyền niềm nở tiếp chuyện:
“Đó là mấy năm về trước. Buôn lậu. Mãi lộ thuyền giang. Trấn
lột sông nước. Đánh cá bằng mìn điện, mìn kíp… Sông lúc nào cũng đau đớn sôi
lên sùng sục. Bây giờ, thì… anh thấy đấy, thong dong thuyền trôi xuôi theo
dòng. Rõ là yên lành nhé”.
Vậy mà, hắn không nhận ra. Có thể, gã chủ thuyền này từng
buôn lậu, nay hoàn lương, làm nghề sông nước chân chính. Hắn nhớ lại mấy năm về
trước, hắn đã thu mãi lộ, cũng có thể nói là trấn lột bao nhiêu thuyền buôn lậu
ở khúc sông này. Xuồng máy chở hắn và mấy thằng đàn em lượn lờ trên mặt nước
sông Hồng chọn đoạn cong khuất vắng có nhiều cây cối rậm rạp trên bờ che lấp và
đánh cá…bằng mìn kíp. Gã tra kíp vào từng miếng thuốc nổ mua lậu ở biên giới, bọn
đàn em giật kíp rồi quẳng xuống nước. Một tiếng nổ ục, đủ âm làm lọng óc tàn
sát từ đòng đong cân cấn đến con cá nặng một yến. Sơ xẩy một lần, hắn tra kíp lỏng
và thằng đàn em giật mạnh quá, kíp rời khỏi mìn. Thằng chó ấy luống cuống,
không quẳng đi, kíp nổ tiện đứt một bàn tay.
Hắn tự cho mình làm vua Thủy tề ở khúc sông này và giành quyền
phân phối lại. Hắn quát chủ thuyền: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Sao chúng
mày lại cả gan tàn sát rừng?” Gã chủ thuyền nào cũng chối: “Không! Chúng em
không phá hoại rừng, chúng em chỉ mua của rừng”. Hắn chửi chủ thuyền: “Cũng là
của bòn rút từ rừng rú ra. Tiếp tay cho bọn phá rừng...” Chửi xong, rồi bọn đàn
em đến thu tiền, và tất nhiên chúng không quên quẳng lên xuồng mấy con thú rừng
ngon nhất làm thịt chén chú chén anh. Hắn có lý của hắn: “Đất có thổ công sông
có hà bá”. Không thằng buôn lậu nào qua nơi lãnh địa của hắn mà không phải nộp
mãi lộ. Chuyến nào cũng trót lọt. Nhẵn mặt. Không xa lạ gì. Biết nhau cả, nhưng
chẳng thằng chủ thuyền nào ngu đần, dại dột trình báo công an, rằng: Tôi chở
thú rừng cấm về Hà Nội cứ đến khúc sông này là bị trấn lột.
Hắn nhớ lại chuyến hành nghề cuối cùng. Chờ cho chiếc thuyền
chở thú rừng quý xuôi qua gầm cầu Thăng Long là xuồng máy lá tre chở hắn và mấy
thằng đàn em phóng vút đến. Áp sát mạn thuyền, nhảy vọt lên. Dưới ánh trăng lờ
mờ, lố nhố những bóng đen. Thuyền lâm sản chòng trành. Nai, trăn, kỳ đà, kỳ
nhông… bất chợt thức giấc, lộc xộc trong các cũi. Khác hẳn với các lần trước, mặt
chủ thuyền bạc phếch, nói cứng vài câu rồi nem nép nôn tiền ra, và mặc sức cho
bọn đàn em khuân từng cũi thú rừng sang xuồng của hắn. Lần này, chủ thuyền đĩnh
đạc, điềm nhiên mặc cho bọn đàn em của hắn hành sự. Chỉ đến khi, hắn chuẩn bị lấy
tiền mãi lộ từ tay chủ thuyền buôn lậu thì mấy cái bóng đen mới từ dưới khoang
phụ bất ngờ xuất hiện.
“Cớm rồi. Biến đi chúng mày ơi!”
Hắn chỉ kịp kêu lên, rồi nhảy vọt xuống xuồng. Một vài thằng
đàn em nhảy tõm tõm xuống sông. Chưa kịp giục rú ga tẩu thoát nhanh thì một tiếng
súng lục chỉ thiên vang lên.
“Đứng im. Nếu chạy chúng tôi bắn”.
Nòng súng lục và mấy khẩu AK báng gập đang gương nòng sẵn
sàng nã đạn. Hắn đang lưỡng lự thì một chớp sáng bùng lên dưới thắt lưng người
cầm súng lục, anh ta đổ gục. Một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu: “Thằng nào chó
nào đã rút kíp mìn ném rồi”. Ngay lúc đó hắn cũng bị một viên đạn AK xuyên qua
bắp đùi.
2.
“Lá vàng còn ở trên cây
Bà đã hời lên như vậy suốt mùa đông rét mướt và ảm đạm. Gió
thốc thác lá vàng rơi bời bời, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài cái lá xanh
đau đớn dùng dằng lìa cành vào lúc cuối ngày. Tiếng hời nghèn nghẹn, xót xa
trong giấc ngủ chập chờn, toàn mộng mị. Bà thấy con trai về. Nó đi từ bến sông
lên bờ. Con trai bà mang sắc phục công an mầu vàng sữa. Gương mặt buồn. Đôi mắt
to đen ngước nhìn mẹ. Cặp môi mấp máy nói không thành lời. Bà bảo:
“Quân. Nói gì với mẹ đi con?”
Anh con trai vẫn lặng im. Bà lại gặng hỏi:
“Mày không hỏi vợ con đâu, hả Quân?”
Anh thở dài, nhìn xuống sông Hồng giữa mùa con nước lớn. Sa bồi
đỏ quạch. Mấy cái thuyền chở đồ gốm Bát Tràng đang nổ máy phành phạch cố ngược
dòng mải miết.
“Sao áo quần con sũng nước thế?”
Anh vẫn lặng im, nhìn mẹ như muốn khóc. Gương mặt lúc này xa
xót quá. Bỗng chốc bà thấy một lỗ hốc hoác, nhòm được từ trước ngực ra phía sau
lưng con trai. Không thấy máu me, cứ như phim ma đầy hình ảnh kinh dị rờn rợn
và con bà đang thủ một vai chính. Giá như ngày trước thì nó đã chạy ào đến, đỡ
lấy đòn gánh đang treo hai nửa thùng nước óc ách, rồi năn nỉ: “Mùa này mẹ đừng
ra sông gánh nước nữa.” Bà lẽo đẽo đi sau, bảo: “Con ơi! Mẹ không múc nước sông
thì lấy cái gì tưới tắm cho mấy luống cải hoa vàng rồi”. Con trai bà sẽ dừng
chân, quay mặt lại, lo lắng: “Lối xuống bến mưa phùn trơn lắm. Lưng mẹ còng như
dấu hỏi rồi. Lỡ ngã xuống thì khổ thân. Từ nay trở đi để vợ con làm cho” . “Con
ơi! Cái Mai vợ con thì cũng bận đủ mọi việc ở trường phổ thông.”
Rồi con trai bà đi băng băng vào vườn, nghiêng thùng tưới rào
rào. Vòi ô doa loa hình hoa sen phun nước mù mịt. Bà ngẩn ngơ nhìn con thảng thốt:
Ôi! Con trai đã chững chạc đến nhường kia ư? Cao to. Đô con. Lực lưỡng. Hai hàm
răng trắng đều tăm tắp như hạt ngô sữa. Khuôn mặt sáng và cương nghị đầy vẻ quật
cường. Chả như ngày còn nhỏ, nó mò mẫm cua ốc, cá mú ở Hồ Tây, lăn lóc bẫy cò ở
mạn Trích Sài, và theo mẹ đi chợ Nhật Tân, sang cả bãi Tứ Liên đằm mình ở bãi
sa bồi. Bà lại chợt nhận ra, mình lẩn thẩn. Con trai bà đâu còn thơ dại nữa.
Lặng thinh, buồn bã,
nó không nói một lời. Bà kêu lên: Quân ơi! Nhà mình đây, mày đã về thì
vào nhà đi con.”
3.
Hắn lồng lộn trong nhà. May thay, đứa con gái học lớp 11 tiếng
Anh ban chiều chưa về. Vợ hắn dúm dó ngồi trong xó giường. Tóc rũ rượi. Quần áo
xộc xệch. Cúc trên bật ra hở cả hai chân vú. Người đàn bà hết hồn. Hắn rít lên
trong cổ họng:
“Mày trai trên gái dưới với thằng Quân công an bao nhiêu lần?”
“Không!”
“Chúng mày yêu nhau từ thời phổ thông. Tao đi tù, “tình cũ
không rủ cũng đến”.
“Không! Anh Quân bị oan.”
“Còn mày?”
Vợ hắn tức tưởi, kể lể:
“Cái nhà dột thế đấy. Cái công tắc đèn bị hỏng thế này. Con
bé học tiếng Anh vào tai nọ thì lại ra tai kia. Rồi con bé bị sốt cao chín phần
chết một phần sống… Anh Quân đến giúp bao nhiêu việc, mình không biết ơn lại
còn lấy oán trả ân. Anh vắng nhà, họ hàng ở xa, hai mẹ con em đàn bà con gái biết
trông cậy vào ai”.
Hắn uất quá. Ôi trời ơi! Cái mông vợ hắn tròn to phồn thực.
Đôi mắt lúng liếng thèm khát đàn ông. Cặp vú căng nưng nức thế kia. Chồng đi
tù. Gái vắng hơi giai như cánh đồng khô cạn nứt nẻ. Chịu sao nổi. Hứng tình lên
thì trời sập cũng bỏ qua hai từ chung thủy. Muốn bóp cổ con vợ lăng loàn đến tắc
thở, chết rũ quá. Nhưng, mỗi lần nhìn thấy đứa con gái mặc váy hồng, thắt nơ trắng,
hai tay khoanh trước ngực, tư thế đứng chững chạc như người lớn trong bức ảnh
treo ở góc học tập là hắn lại chùn tay. Đôi mắt con bé mở to, buồn, nhìn bố như
trách móc.
Hắn nằm vật ra. Bất lực và tuyệt vọng. Những nguồn tin của bọn
đàn em từ ngoài dội đến Trại giam: Từ khi hắn vào tù, vợ hắn không còn thủy
chung đã cặp bồ với kẻ khác. Khốn nạn quá! Hú hí với ai chả hú hí lại cặp bồ với
kẻ thù của chồng. Chẳng ai xa lạ, người tình của vợ hắn chính là người cảnh sát
hình sự đã bị bọn đàn em của hắn ném kíp mìn nổ, rồi bị thương. Hôm tòa tuyên
án hắn và đồng bọn, anh ta vẫn đang ở bệnh viện. Điều trị khỏi, anh ta hư hao mấy
chục phần trăm sức khỏe, đã lại công tác bình thường. Hừ, anh ta thương tật thì
hắn và đồng bọn cũng vào tù. Coi như nợ nần đã trả xong. Sòng phẳng! Vậy mà
“tình cũ không rủ cũng đến”, yêu thương thật hay anh ta cố tình cặp bồ với vợ hắn
để… trả thù? Thời buổi này chả ai tử tế, ban phát lòng tốt vô tư đến thế. Hắn
quơ chai rượu lạnh ngắt trên bàn thờ để mấy năm chẳng ai uống. Nốc ừng ực, hắn
chỉ tay vào mặt vợ:
“Tao trốn tù về đây. Tao sẽ đến nhà thằng Quân cảnh sát, quẳng
mìn, làm nổ tung cả nhà nó lên giời. Sau đó, bóp cổ chết con vợ của tao lăng
loàn.”
Đột ngột người đàn bà phản kháng. Giọng nhỏ nhẹ và quật khởi
đến mức lạnh lùng:
“Anh bóp cổ em đi. Rồi anh mang con gái anh vào tù mà nuôi.
Còn làm nổ tung nhà người ta thì anh không còn cơ hội nữa đâu.”
“Thế nghĩa là làm sao?”
“Nghĩa là em không bị
oan đâu”.
“Không oan. - Hắn bình tĩnh một cách lạ lùng. - Vậy là mày công nhận ngoại tình?”
Vợ hắn cũng bình tĩnh. Chưa bao giờ nàng tỉnh táo và sự thật
sòng phẳng đến đau lòng và đắng chát như lúc này. Nàng vuốt mái tóc ngay ngắn,
vênh mặt, bảo rằng: Nàng khi nào cũng trung thực với chồng, với bản thân mình.
Trước lúc lấy nhau, nàng đã từng nói: Em không yêu anh. Hắn không phật lòng, bảo
nàng: Chỉ cần làm vợ anh là đủ. Dần dần tình yêu sẽ đến. Vậy mà, đến bây giờ,
dù đã là vợ hắn, nàng vẫn chưa có tình yêu với chồng.
Hắn cay đắng thú nhận:
“Đúng thế. Như vậy là sòng phẳng. Nhưng, làm vợ không có
nghĩa là ngủ với giai.”
“Em không ngủ với giai.”
“Đừng chối cãi.”
Nói cùng với đập tay vào chiếc tivi đánh rầm. Hắn không hề thấy
đau. Cú đập mạnh làm cho cái tivi màu cũ nát, mọi ngày vốn ậm ạch, bỗng lại bừng
sáng.
4.
Hắn quét ánh nhìn vào màn hình ti vi một cách vô thức.
… Chị đeo băng tang màu đen. Chị ngồi trên sân khấu dưới ánh
đèn sáng rực. Bao nhiêu ánh mắt dưới hội trường đổ lên nhìn chị. Nước da hơi
xanh. Đôi mắt sáng và đã bớt buồn. Ngồi bên chị là trung tá Nguyễn Thành Quang
- Đội trưởng đội điều tra hình sự, người trực tiếp chỉ huy phá án thành công vụ
bắt cóc con tin. Anh đang kể về thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm có sử dụng vũ
khí nóng, đánh lừa ông bố đại gia mang tiền tỉ đến nhiều địa điểm trong thành
phố, rồi lại điều ông bố khốn khổ đến một địa điểm ở tỉnh bạn xa hàng trăm cây
số để chuộc đứa con độc nhất 7 tuổi. Loanh quanh, lòng vòng đánh lừa, cắt đuôi
lực lượng cảnh sát phá án và điểm cuối cùng chúng hẹn để nhận tiền chuộc lại
con tin là một khu đô thị mới đang xây dựng ở ngoại ô thành phố…
“Vâng! Kẻ chủ mưu bắt cóc con tin đã sa lưới. Nhưng, lực lượng
phá án cũng bị tổn thất. Xin anh nói rõ về trường hợp hi sinh anh dũng của thượng
úy Trần Hoàng Quân?”
“Thưa quý khán giả! Lúc bấy giờ đã là cuối ngày, kẻ cầm đầu tội
phạm đã nhận tiền và thả cháu bé ra. Theo “kịch bản”, chờ cho cháu bé chạy về
chỗ bố, và bố cháu sẽ ôm lấy con nấp luôn vào góc tường ẩn nấp an toàn thì lực
lượng phá án sẽ áp sát tội phạm. Nhưng, có một tình huống gay cấn bất ngờ xảy
ra: Trên đường cháu bé chạy về với bố thì bị vấp ngã đau quá không dậy được.
Ông bố thương con quá chạy ra cũng bị vấp ngã tiếp. Bọn tội phạm bỏ con tin nhảy
lên xe ô tô vù ga. Không để chúng chạy thoát, lực lượng phá án buộc phải áp sát
truy đuổi. Điên cuồng căm tức ông bố phản
lại lời hứa không báo công an, chúng nhả đạn về phía cháu bé đang phơi mình
trên khoảng trống. Bọn tội phạm cực kỳ hung hãn và tinh khôn, nã đạn về phía cháu
bé cũng là một hình thức ngăn cản, làm chậm quá trình cảnh sát truy bắt. Tôi
quyết định ra lệnh nổ súng tiêu diệt bọn tội phạm hung hãn. Giữa lúc ấy, cháu
bé lại đứng dậy và chạy về phía bố dưới làn mưa đạn. Không một giây chần trừ,
thượng úy Trần Hoàng Quân đã lao ra ôm chầm lấy cháu bé và lăn một vòng sang
bên bức tường. Cháu bé không hề gì, nhưng thượng úy Trần Hoàng Quân đã bị một
viên đạn AK xuyên thấu phổi. Bị thương nặng quá, trên đường về bệnh viện cấp cứu
thì anh đã ngừng thở.”
“Vâng! Thật thương xót một sự hi sinh anh dũng và cần thiết
vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Tôi xin hỏi cô giáo Mai là vợ liệt sĩ cảnh
sát hình sự Trần Hoàng Quân. Thường ngày ở nhà, anh Quân có dành được nhiều thời
gian cho vợ con không ạ?”
“Thưa quý khán giả! Chồng tôi là cảnh sát hình sự, nhưng cũng
là một người chồng, người cha bình thường như trăm ngàn người chồng người cha
khác. Những lúc ở nhà, anh luôn tay gánh nước tưới rau, múc nước tắm cho mẹ già
lúc đau yếu, đưa con đến lớp, nấu cơm, thậm chí giặt giũ cả đồ lót cho vợ. Anh
kính trọng mẹ, yêu vợ, thương con lắm. Nhưng, những khoảnh khắc ấy cũng không
nhiều vì công việc anh phải đi suốt. Có đêm khuya khoắt đang nằm, vợ chồng ôm
nhau, nhận được điện thoại, anh bật dậy mặc quần áo đi luôn. Tôi níu chặt. Anh gỡ
nhẹ tay, ánh mắt nhìn trìu mến, bảo vợ: Anh đi rồi anh lại về mà”.
Ống kính quay lướt ở dưới hội trường, có nhiều người đồng cảm
chia sẻ với thiếu phụ góa bụa. Có người rút khăn mùi xoa lau nước mắt. Cô MC lại
hỏi:
“Chị có biết công việc cảnh sát của chồng sẽ gặp rất nhiều hiểm
nguy đến tính mạng không?”
“Khi còn đang yêu, sắp đến ngày cưới, anh Quân bảo: Em hãy
nghĩ lần cuối cùng đi rồi quyết định có lấy anh làm chồng không? Nói dại, nếu
anh truy đuổi tội phạm bị chúng sát hại thì em mồ côi chồng lúc còn quá trẻ.
Tôi mới bảo: Em nghĩ kỹ rồi. Trời thương chúng ta, không bắt phải chia lìa đâu.
Vậy mà…”
Nước mắt chị trào ra. Dưới hội trường có nhiều người sụt sịt.
Dường như không gian sân khấu đèn đỏ rực hơn. Cô MC cũng nghẹn lời, cố trấn
tĩnh nhưng giọng nói vẫn đứt quãng:
“Với tư cách là vợ một sĩ quan cảnh sát hình sự truy bắt tội
phạm vừa hi sinh. Chị Mai có điều gì nhắn gửi với đồng đội của chồng mình
không?”
Chị cầm khăn mùi xoa chấm khô nốt vệt nước mắt trên má, rồi
nói:
“Tôi biết lực lượng cảnh sát hình sự thường là cán bộ, chiến
sĩ trẻ. Các anh như những chiếc lá xanh biếc. Và chồng tôi là một chiếc lá xanh
không may rụng vào một buổi cuối ngày. Tôi chỉ muốn nói với đồng đội của chồng
tôi là: Các anh ơi! Bọn tội phạm cực kì hung hãn và manh động, các anh dũng cảm
chứ đừng liều lĩnh và phải luôn tỉnh táo. Vì đằng sau các anh là bố mẹ, vợ dại
và con thơ.”
Cả hội trường xúc động. Cả triệu người xem truyền hình xúc động.
Còn hắn, hắn ngồi đực mặt ra, ngây dại trước màn hình tivi đang vang lên tiếng
vỗ tay như sấm dồn.
5.
Con gái hắn xuất hiện. Mấy năm hắn ngồi tù, con bé đã kịp cao
lớn, thanh mảnh, ra dáng thiếu nữ. Hắn muốn hỏi con gái một câu, nhưng cổ họng
nghẹn tắc. Hắn muốn ôm con gái vào lòng, nhưng ngập ngừng không dám. Dường như
con bé đi học tiếng Anh về đã kịp nấp vào trong buồng nghe được câu chuyện cuối
của bố mẹ. Và con bé đã biết mình phải làm thế nào.
“Con đã quá khổ vì bạn bè xa lánh, mặc cảm tội lỗi vì bố đang
ngồi tù”.
Thương con bé quá, hắn nhẫn nại nghe, chịu trận mưa oán
trách.
“Hôm làm lễ truy điệu chú Quân, mẹ có đưa con đến thắp hương
viếng chú. Cô giáo Mai chít khăn tang trắng đứng chắp tay đáp lễ cho chồng. Thằng
cu Tin sáu tuổi cũng chít khăn tang, cầm cây gậy đứng bên quan tài phủ quân kỳ.
Bà cụ phải đi cấp cứu trong viện vì không chịu đựng nổi cái tin con trai bị bọn
tội phạm bắn chết. Bố không chứng kiến được cảnh này, bố không biết thương tâm
đâu. Ba ngày sau, cô giáo Mai gọi con đến. Đôi mắt cô trũng sâu, hai gò má nhô
lên. Mái tóc trước đấy đen xanh, óng mượt, tụi con nhìn phát thèm mà sau mấy
ngày đã bạc trắng. Cô Mai mệt mỏi, bảo:
“Con là học trò của cô. Bao giờ cô cũng dạy con làm điều nhân
đức. Cô có cơ sở tin ở chồng cô và cô biết chắc thế nào bố cháu cũng tìm mọi
cách trở về. Cháu phải đưa ngay lá thư này cô viết cho bố cháu để ngăn chặn
hành động báo thù. Nhưng mà bố ơi! Chú Quân hy sinh rồi. Bố có muốn báo thù
cũng không được nữa đâu.”
Con bé khóc và ấn lá thư kín đặc nét mềm mại, tròn vành rõ chữ
và mấy tờ giấy photocoppy vào tay bố. Hắn giơ lên cho ánh sáng tràn vào. Hóa
ra, các bản sao Bệnh án, sao Giấy giám định thương tật của trung úy Trần Hoàng
Quân. Cái của nợ này thì có liên quan gì đến hắn? Đôi mắt cú vọ lướt nhanh,
nhưng hắn cũng kịp biết kẻ thù của hắn là:
“Trung úy Trần Hoàng Quân bị thương vì kíp mìn nổ trong khi
đang làm nhiệm vụ đặc biệt, bị phá rách toác nham nhở hai đùi, hạ bộ bị dập nát
phải cắt bỏ. Mất chức năng đàn ông hoàn toàn”.
Và thư cô giáo Mai viết cho hắn:
“… Đúng như chồng tôi dự đoán, thế nào anh cũng trốn tù về trả
thù… Nói cho anh biết: Anh Quân - chồng tôi không làm gì nên tội. Vợ anh cũng
không có tội lỗi. Ngày ấy, đồng bọn của anh đã giật kíp mìn ném vào chồng tôi.
Chồng tôi không chết, nhưng bị thương tật, đau đớn cả thể xác và tinh thần. Năm
tháng thời gian làm nỗi đau nguôi dần, chồng tôi đã vượt qua mặc cảm để sống,
và yêu thương mọi người.
Tôi tự hào về chồng tôi vì chồng tôi vẫn là khắc tinh của đám
đàn em tội lỗi chui lủi của anh. Đừng nghe chuyện họ đồn bậy, xúi giục. Vợ và con gái anh đáng tin cậy hơn hay bọn đàn
em của anh?
Hãy dừng lại! Đừng làm thêm điều ác nữa.”
Hắn nhớ lại: Ngày ấy, tòa xử án hắn và đồng bọn, người ta chỉ
đọc cáo trạng buộc tội thằng đàn em hắn ném kíp mìn nổ gây bao nhiêu % tỷ
thương tật người sĩ quan cảnh sát, chứ tuyệt nhiên không miêu tả kỹ như trong hồ
sơ bệnh án.
6.
Chiều vãn.
Hoàng hôn đang buông dần. Ngoại ô thành phố bình yên đến lạ
lùng. Trời mùa đông hơi lạnh và cỏ áy vàng lối đi. Hắn lững thững đi bộ ra
nghĩa địa. Bãi bồi Phú Thượng, Tứ Liên vẫn xanh ngằn ngặt ngô non. Đầu hắn ong
ong những câu nói chân tình của vợ: “Có hai anh giám thị trại tù theo anh từ đầu
giờ chiều”. Hắn cáu kỉnh, bảo: “Biết rồi. Tôi đã tính rồi. Bắt thì bắt. Tăng án
thì tăng”. “Đừng nói càn. Người ta muốn để anh tự nguyện trở lại trại, chứ tra
còng số 8 vào tay anh thì họ đã làm từ đầu giờ chiều rồi. Trở lại Trại giam rồi
hết hạn tù về với em và con”. Hắn nói dỗi: “Có ai thương yêu tôi nữa đâu mà về.
Tôi sẽ xin ở trại đến mục xương luôn”. “Người đâu mà tính nết gàn dỡ. Anh ra viếng
mộ anh Quân đi, đi rồi về ăn với mẹ con em bữa cơm. Em sẽ đưa anh về Trại giam.
Em sợ chồng em bị còng số 8 còng tay lắm rồi”...
Hắn bất ngờ.
Trước mặt hắn là bà cụ già nua, mặt đầy các nếp gấp nhăn
nheo, cứ y như thời gian ngưng đọng lại. Bà ngồi âm thầm nhìn ngôi mộ mới đắp.
Ba nén hương cháy đỏ lập lòe. Hắn quỳ mọp xuống đất trước mặt người mẹ già mất
con khốn khổ:
“Con có tội. Xin mẹ đại xá”.
Giọng bà cụ yếu và thoảng nhẹ trong gió chiều ngoại ô:
“Thắp cho thằng Quân nén hương đi”.
Bà cụ nói rồi đứng lên quay gót. Hắn mừng rơn. Bà cụ đã không
nhấp nhặt. Lòng hắn hết e ngại, bối dối. Hắn rụt rè châm lửa đốt ba nén hương.
Khói xanh tỏa rộng và tan loãng vào trời chiều. Hắn phủ phục vái người trong mộ,
lẩm bẩm nói những lời rất thành tâm chỉ có trời biết, đất biết.
Bóng bà cụ xiêu vẹo, có lúc ngã dụi dọ trong trời chiều ráng
đỏ. Hắn chạy theo.
“Để con bế mẹ về. Cho con được mấy phút làm người”.
Hắn bế thốc bà cụ lên tay như bế người mẹ đẻ ốm yếu nhẹ tênh.
Lòng da diết, và bước chân hắn nhẹ bẫng.
“Đừng. Anh hãy đặt tôi xuống. Tôi yếu, nhưng chân vẫn cố bước
được về nhà”.
Hắn miễn cưỡng đặt nhẹ đôi chân bà cụ xuống đất. Bà cụ chới với
rồi vịn tay vào vai hắn. Ừ thôi, bà sẽ vịn vào vai cho mày được làm người. Kỳ lạ!
Không phải hắn dìu bà cụ đi mà hắn đang tựa vào bà cụ để vững tâm làm người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét