Âm nhạc: Liều thuốc cho tâm hồn
Âm nhạc gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Thật khó mà tưởng
tượng một thế giới thiếu vắng những nốt nhạc: từ lời mẹ ru con ngủ, nhạc không
lời cho cà phê chiều thứ bảy, bài ca vinh danh cô cậu học trò cho lễ tốt nghiệp,
đến giai điệu rộn ràng cho lễ cưới đôi uyên ương. Ngay cả khi buồn bã, đau khổ,
chúng ta cũng tìm tới những giai điệu giúp xoa dịu tinh thần.
Không chỉ đem đến niềm vui, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, những
món ăn tinh thần này còn là chất keo tạo nên sự liên kết cộng đồng. Lív sẽ cùng
bạn tìm hiểu thêm về những tác dụng của âm nhạc trong bài viết này nhé.
Kết nối cộng đồng
Âm nhạc là một phát minh quan trọng của loài người. Những bài
ca tạo ra mối gắn kết xã hội, là nền tảng cho sự hình thành những cộng đồng đầu
tiên. Các nhà nghiên cứu còn khẳng định không có xã hội nào không có âm nhạc.
Giai điệu, tiết tấu, và chuyển động cơ thể là phương pháp
giao tiếp mà con người nguyên thủy sử dụng trước khi
có ngôn ngữ. Bằng việc cùng tạo ra những giai điệu, chúng ta có thể hiểu cảm
xúc, suy nghĩ, tâm trạng của đối phương, từ đó kết nối và gắn bó với
nhau.
Qua âm nhạc, ta có thể hiểu cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của đối phương, từ đó
kết nối và gắn bó với nhau.
Âm nhạc từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của
người Việt. Với những người dân miền núi phía Bắc, ngày hội xuống đồng đầu xuân
là dịp mọi người cầu xin một mùa trồng trọt bội thu bằng hình thức hát Then. Những
lời ca điệu múa này còn xuất hiện trong mọi sự kiện của làng xã, và riêng từng
gia đình như mừng tân gia hay sinh con đầu lòng.
Hò giã gạo là hình thức diễn xướng rất được ưa chuộng tại nhiều
địa phương miền Trung. Khởi nguồn từ những bài dân ca phục vụ lao động, những
buổi hò này còn là cơ hội để thanh niên trong làng gặp gỡ, giao lưu. Điệu hò
câu hát vừa thể hiện tài năng ứng đối, vừa ngỏ ý giao duyên.
Có thể thấy, những giai điệu muôn màu muôn sắc này không chỉ
ghi lại những thanh âm của cuộc sống mà còn là nét văn hóa, phản ánh đời sống
tâm hồn và tính cộng đồng của con người.
Nuôi dưỡng tâm hồn
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, tiến
hóa của xã hội loài người, âm nhạc còn có những tác động rõ rệt đến cuộc sống
tinh thần và cả thể chất của từng cá nhân.
Với giảng viên Đoàn Nhược Quý của Trường Âm nhạc Adam Muzic, âm
nhạc là động lực để anh thay đổi cuộc sống và định hướng tương lai. Năm 21 tuổi,
anh bỏ tất cả mọi thứ để theo đuổi việc học nhạc và làm nhạc.
(Giảng viên Đoàn Nhược Quý
của Trường Âm nhạc Adam Muzic)
Theo anh, điều quan trọng nhất mà âm nhạc mang đến đó là niềm
vui trong cuộc sống. Anh chia sẻ: “Cảm nhận âm nhạc tốt sẽ giúp bạn luôn yêu đời,
bớt tiêu cực, cộc cằn hơn. Trường hợp của mình là rõ nhất. Hồi bé, mình cộc
tính, quậy phá lắm. Từ hồi học nhạc, chơi nhạc, mình điềm tĩnh hơn. Âm nhạc khiến
mình cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn nhiều.”
Những lợi ích mà trẻ nhận được khi học nhạc
Giúp trẻ khéo léo hơn, tăng vốn từ vựng, khả năng lý luận.
Tạo sự tự tin cho bé trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.
Chơi nhạc có thể giúp bé phát triển trí thông minh. Tuy nhiên, việc nghe nhạc một cách thụ động không đem lại lợi ích cụ thể.
Giảng viên Đoàn Nhược Quý cũng muốn chia sẻ với các bậc phụ
huynh, nếu trẻ thích âm nhạc thì nên khuyến khích bé học hỏi ngay từ nhỏ. Khi
các bé được học điều mình thích, các em sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc
hơn.
(Điều quan trọng nhất mà âm nhạc mang đến đó là
niềm vui
trong cuộc sống - Giảng viên Đoàn Nhược Quý chia sẻ)
Liều thuốc chữa lành
Não bộ của chúng ta phản ứng với âm nhạc khác hẳn so với ngôn
ngữ hay những tiếng động đơn thuần khác. Hẳn bạn đọc không cần bằng chứng về sức
mạnh của âm nhạc đối với cảm xúc. Chỉ cần nghe một bản nhạc Tây Ban Nha với tiếng
guitar thổn thức, mặc dù không hiểu ngôn ngữ, ta cũng dễ cảm thấy não lòng.
Từ lâu, con người đã biết sử dụng âm nhạc để trị liệu. Các
giai điệu, hòa âm, tiết tấu có tác dụng duy trì, phục hồi hoặc cải thiện sức khỏe.
Nhà nghiên cứu
âm nhạc Lê Hải Đăng ví von âm nhạc chính là món ăn tinh thần giúp dưỡng
sinh, chữa bệnh, tìm lại cân bằng cho cơ thể.
Tọa lạc tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trường Sunrise For Art School, thuộc Viện Khoa học Đông Nam Á là một
ngôi trường đặc biệt. Các giảng viên tại đây đã xây dựng một chương trình riêng
bằng âm nhạc dành cho trẻ tự kỷ. Các bé được nghe nhạc mỗi ngày, đồng thời được
học chơi đàn để luyện tay và các cử động. Việc ca hát, học nhảy theo nhịp điệu
giúp các em phát triển kỹ năng và cởi mở hơn.
Hippocrates, cha đẻ của y học hiện đại, cho rằng tinh thần khỏe mạnh là một phần của một cơ thể khỏe mạnh. Thực
vậy, người Hy Lạp thời đó coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và biết áp
dụng các phương pháp trị liệu bằng nghệ thuật, âm nhạc và kịch. Họ tin rằng,
các chứng bệnh của cơ thể sẽ được chữa lành với các liều thuốc tinh thần. Ví dụ,
âm thanh của sáo và đàn hạc được dùng để điều
trị bệnh gút, căn bệnh viêm khớp phổ biến.
Âm nhạc trị liệu sẽ đem đến những tác dụng tích cực đối với
các chứng bệnh như mất trí nhớ, lo lắng, trầm cảm và thậm chí cả ung thư. Một
thử nghiệm cho thấy, khi nghe nhạc trong khi thực hiện lấy ven, 2/3 các trẻ
tuổi từ 3 đến 11 cảm thấy ít đau hơn và giảm lo lắng rõ rệt.
(Âm nhạc là liều thuốc chữa lành mọi vết thương,
phát triển
não bộ và nhận thức của trẻ em)
Chị Bùi Tuyết Minh là người tiên phong trong việc ứng dụng
nghệ thuật múa trong trị liệu tại Việt Nam. Tốt nghiệp Thạc sĩ về Múa và Chuyển
động Trị liệu tại Sarah Lawrence College, Mỹ, cùng với nhóm Múa/ Chuyển
động Trị liệu - Vietnam Dance Movement Therapy, chị đang sử dụng chuyên
ngành của mình để trị liệu cho nhiều người. Đối với chị, âm nhạc và múa là một
liều thuốc để giải tỏa lo âu và thậm chí là giảm đau đớn trong suốt quá trình
sinh nở.
Mình mang thai đầu ở tuổi 38. Cũng như nhiều mẹ bầu khác, cơ
thể nhỏ nhắn của mình khá chật vật trước những sự thay đổi. Ngoài ốm ghén, khó
ngủ, chuột rút, đau lưng, mình còn bị đau dây chằng cả hai khớp cổ tay. Nhờ
tích cực vận động, đi bộ, múa, và nghe nhạc mà mình đã vượt qua thời kỳ khó
khăn này.
Chị Bùi Tuyết Minh
Khi đến ngày sinh, chị Minh đã có một quyết định táo bạo. Chị
cùng chồng là anh Bryan Wilson, một nghệ sĩ cello, đã cùng chơi nhạc,
nhảy múa suốt 27 tiếng chuyển dạ. Khi nói về quyết định này, chị Minh cho
biết: “Chỉ cần nghe tiếng đàn thân thuộc thì cả hai vợ chồng đều thấy nhẹ
nhàng. Những giai điệu và chuyển động giúp chuyển hóa sự căng thẳng, đau đớn
thành niềm vui và bình an.”
Tác động của âm nhạc đến sức khỏe
Theo một nghiên cứu, đối với các bệnh nhân cao huyết áp, nghe
nhạc cổ điển sau khi uống thuốc sẽ làm tăng tính hiệu quả của dược phẩm.
Trị liệu với âm nhạc giúp giảm các triệu chứng lo lắng, mệt mỏi và đau nhức, cải thiện
chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Nghe những giai điệu quen thuộc có thể cải thiện trí nhớ đối với những bệnh nhân bị tổn thương
não.
(Âm nhạc giúp cải thiện sức khỏe, giảm lo lắng,
căng thẳng,
mang lại niềm vui cho người nghe)
Âm nhạc là một phần thiết yếu trong quá trình tiến hóa của
loài người nói chung, và cả quá trình hoàn thiện về thể chất và tâm hồn của mỗi
cá nhân.
Dù nghe nhạc hay chơi nhạc, thì những giai điệu luôn có tác động
tích cực đến tâm trí, cảm xúc, và sức khỏe. Hãy luôn để cuộc sống trôi qua
trong tiếng nhạc, dù ở bạn bất cứ trạng thái nào, để sự buồn bã rồi cũng được
xoa dịu và niềm vui thì càng thêm rộn rã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét