Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Mùa thu trong thi ca


 Mùa thu trong thi ca
Trời mấy hôm nay thời tiết đã biến chuyển đổi thay. Mới buổi sáng nắng rực rỡ trên hàng cây, buổi chiều đã có sương khoác kín lãng đãng trên lối về. Một chút gió heo may đã lành lạnh hắt hiu đủ cho lòng chúng ta chùng xuống với chiếc lá rơi nhẹ trên mặt hồ tĩnh lặng như gương. Dẫu không nhìn thấy đâu đây “Một chiếc lá ngô đồng vừa rơi, mọi người đã nhìn thấy mùa thu trở về” (Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cọng tri thu). Chỉ thấy sương khói xây thành cũng đủ cho lòng nhau se sắt đón thu sang. Đã hơn hàng tỷ năm từ khi có sự hiện hữu trái đất này trong vũ trụ mênh mông, mùa thu đã ra đi và trở lại biết bao nhiêu tỉ lần theo chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa. Mùa thu, cái thời tiết lãng mạn trữ tình của thiên nhiên đã trở thành đề tài tuyệt diệu vô tận trong kho tàng văn chương nghệ thuật của nhân loại. Nó đã tạo nên bao nhiêu thi hào, thi bá lỗi lạc Đông Tây kim cổ. Không có một nhà khảo cứu văn học thế giới nào, tổng hợp cho hết được những áng văn chương toàn bích ca ngợi mùa thu. Vì hầu như trong tất cả những thi sĩ của mỗi quốc gia khi mới bắt đầu yêu thơ và chọn con đường sáng tạo thi ca như một nghiệp dĩ cao quý, đều xác quyết không thể nào từ chối hấp lực tuyệt vời đầy xúc động nghệ thuật của mùa thu. Hàng ngàn năm trước, khi địa vị của dòng thơ Đường được đánh giá tuyệt đỉnh của nền văn học Trung Hoa, đã khai mở từ thời Sơ Đường dưới thời Vua Cao Tổ năm Vũ Đức Nguyên Niên đến thời kỳ Vãn Đường dưới thời vua Chiêu Tuyên Đế, kéo dài lịch sử Đường Thi lên đến cả ngàn năm.  Tuy nhiên những bài thơ ca ngợi mùa thu của Lý Bạch, Vương Duy, Lưu Vũ Tích, Giả Đảo, Thôi Hiệu, Vương Hàn, Đỗ Phủ... cho đến bây giờ chúng ta có dịp đọc lại vẫn cảm nhận cái thâm hậu, kỳ tuyệt cao khiết biết dường nào. Đêm thu, trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời, hàng phong bên sông, ngọn lửa thuyền chài hắt hiu, nửa khuya tiếng chuông chùa ngân nga làm rung động sóng nước, Trương Kế đã viết nên bài thơ để đời:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Phong Kiều Dạ Bạc)
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Tản Đà)
Một cảm tác về đêm trăng mùa thu bơi thuyền ở Hồ Động Đình của Lý Bạch:
Động Đình Hồ tây thu nguyệt huy
Tiêu, Tương giang Bắc tảo hồng phi
Túy khách mãn thuyền ca Bạch trữ
Bất tri sương lộ nhập thu y
Trăng thu soi sáng Động Đình
Tiêu, Tương một giải, chim hồng sớm bay
Đầy thuyền khách hát như say
Bẵng quên áo thấm sương đầy móc thu
(Chi Điền)

Những thi văn tài lỗi lạc của thế giới văn chương Tây Phương thường được nhắc nhở đến nhiều nhất là Charles Beaudelaire, Paul Verlaine, Anatole France... đã sáng tác nhiều thi phẩm ca ngợi mùa thu diễm tuyệt. Chính những trường phái thi ca lãng mạn, tượng trưng vào cuối thế kỷ 19 ở Pháp đã tạo nên những ảnh hưởng sâu đậm, đối với các thi sĩ Việt Nam như trường hợp của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Cận, Vũ Đình Liên... tạo thành văn học sử của trường phái thơ mới ở thời điểm tiền chiến.  Chúng ta hãy lắng nghe bài thơ tả cảnh thu của Huy Cận:
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi, lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu hắt, với lòng quạnh hiu
Mùa thu đã thực sự vực dậy trong tiềm thức chúng ta những kỷ niệm êm đềm của một thời tuổi trẻ. Những con phố tịch liêu. Những tháp cổ rêu phong. Những am mây sầu thảm. Những tiền kiếp u trầm có nhau. Những tảng đá xanh trầm mặc. Những hàng cây tĩnh tâm khoác áo sương mù. Những ngọn đỉnh gió hú hoang tịch ngàn năm. Trong cuộc trường chinh ngôn ngữ hiện hữu với bao nhiêu thăng trầm theo mệnh số, chúng ta đã bao nhiêu lần gọi thu về đuổi nắng chói chang đi. Những buổi chiều thu đẫm ướt nỗi buồn vơ vẩn, cám dỗ ta bằng nỗi quạnh hiu, bằng những chiếc lá vàng rơi trên lối về lẻ loi như cánh hạc xa bầy:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng Thu - Lưu Trọng Lư)
Trong Thi Nhân Việt Nam xuất bản từ năm 1941, Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận định về nhà thơ Lưu Trọng Lư: “à Lưu Trọng Lư có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta...“
Không phải chỉ có nước Trung Hoa cổ là một mùa thu bát ngát, ở xứ Việt Nam mùa thu vẫn tạo nên những cảnh trí thật mơ màng quyến rũ đấy chứ. Bằng chứng đối với văn nhân thi sĩ nước ta trong suốt cuộc hành trình phát huy văn hóa dân tộc, đề tài mùa thu vẫn ghi nhận vượt trội hơn những cảm hứng so với số lượng sáng tác những mùa khác trong năm. Với cảnh trời thu man mác thơ mộng, sương khói lãng đãng giăng khắp núi đồi, đã thoáng hiện não nề trong Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, trong Bích Câu Kỳ Ngộ của Vô Danh Thị, ... trong những bài Thu Ẩm, Thu Điếu của Tam Nguyên Yên Đỗ, trong thơ của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chan chứa những nỗi niềm thu bi thiết:
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng 
Lá bay hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Ngọn gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc lá sang đông
Vàng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông
(Gió Thu)
Xuân Diệu, một trong những nhân vật tiên phong của phái thơ mới, chống lại những khuôn mòn sáo cũ, câu nệ quá đáng vào niêm luật tù túng không tạo cho hồn và ý thơ bay bổng lên đỉnh cao của nghệ thuật.  Nếu nói đến thơ tình thì Xuân Diệu được công nhận trải qua thời gian vài thập niên ông vẫn giữ địa vị đặc thù trên thi đàn Việt Nam. Tuy nhiên, về cảm xúc sáng tác từ gợi ý mùa thu, Xuân Diệu cũng tạo nên những thành tích đáng kể qua những thi phẩm như: Nguyệt Cầm, Nhị Hồ, Ý Thu... và Đây Mùa Thu Tới:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rửa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò...
Mây vẫn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì?…

Từ khi tuổi vừa chớm yêu đương, tôi đã có những nỗi buồn vu vơ khi tiết trời se sắt lạnh, lá bàng rơi trên lối đi về trong thành phố mái rêu phong cổ kính chứng tích của một thuở “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.  Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan).
Trong thơ Chế Lan Viên, ông vẽ nên những cảnh điêu tàn, niềm luyến tiếc đến một thuở vàng son, oanh liệt ngày xưa. Ông có trí tưởng tượng phong phú, tuy nhiên, những chữ ông diễn tả giản dị, đơn sơ nhưng không đánh mất nét thơ mộng bất ngờ. Chúng ta hãy lắng nghe những lời than thở của tâm trạng não nề đón thu sang:
Chao ôi!  Thu đã tới rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao
Cũng mới độ nào trong gió lộng
Nến lau bừng sáng núi lau xanh
Bướm vàng, nhè nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước mành
Thu đến đây! Chừ, mới nói răng?
Chừ đây, buồn giận biết bao ngăn?
Tìm cho những cánh hoa đang rụng
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!…
(Thu - Chế Lan Viên)
Qua đến câu chuyện tình thu buồn của T.T.KH với những tâm sự não nề ẩn chứa một cách xót xa cay đắng trong những bài thơ Hai Sắc Hoa Ty Gôn, Bài Thơ Thứ Nhất, Đan Áo Cho Chồng, Bài Thơ Cuối Cùng... đã hơn một thời gây nhiều xúc động trong giới văn học:
... Từ đấy, thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ...
... Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người
... Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi!  Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng?
Tất cả vật chất hiện hữu trong thế gian này sẽ hủy hoại qua thời gian. Chỉ có thế giới siêu tưởng mới là nơi chốn thi nhân hy vọng gởi gắm ít nhiều khổ đau miên viễn. Như trường hợp thi sĩ Đinh Hùng đã đào sâu trong huyệt mộ dĩ vãng, để tìm lại bóng hình yêu dấu của người tình muôn thuở:
... Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi!  Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu!
... Em mộng về đâu
Em mất về đâu
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đây màu hương khói là màu mắt xưa
(Gửi Người Dưới Mộ)
Bốn bề bát ngát buồn hiu hắt, những cành khô khẳng khiu in trên nền trời trắng đục chẳng khác nào bức tranh thủy mạc của thiên nhiên quá tuyệt vời, chỉ có mắt nhìn của nghệ sĩ mới khám phá ra từ ngàn năm tác phẩm vĩ đại đó. Chúng ta không ngạc nhiên đã thẩm thấu trong tâm hồn những nhà văn nhà thơ Thanh Tịnh, Thế Lữ, Hồ Dzếnh, Thâm Tâm... Và mãi cho đến thời kỳ hậu chiến, chúng ta khám phá càng nhiều hơn những tác phẩm lừng lẫy của thi đàn văn học miền Nam.
Trong cái thế giới ngôn ngữ thi ca đầy mê hoặc của Bùi Giáng, ông đã tạo nên cái sắc thái hòa hợp đầy kỳ ảo thần tình của hai dòng văn học uyên bác Đông Tây trong những thi tập Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Đêm Ngắm Trăng... và hơn hàng ngàn bài thơ ông sáng tác gần nửa thế kỷ, ông như một biểu tượng thiên tài lỗi lạc của văn học hiện đại. Trong số lượng thơ mênh mông đó, mùa thu cũng đã khiêm nhượng xuất hiện bàng bạc trong tâm hồn thi sĩ:
... Phải là nguyệt giữa đêm rằm?
Nguyên Tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ
Kể từ hằng thủy ban sơ?
Kể từ sơ thủy về tờ vẽ trang?
Kể từ thu tạ lên đàng?
Rừng phong thu đã quan san nhuộm màu?
Phải rằng đó trước kia sau?
Hay là sau trước còn tao ngộ gì?
Bước vào cái không khí đầy ảo giác mơ hồ, trữ tình của Nguyên Sa.  Thơ tình của ông đã thoát khỏi những băn khoăn, siêu hình. Tình yêu hiển lộng thánh hóa trong một phối cảnh thiên nhiên tuyệt vời của mùa thu kiều diễm:
Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Có phải mùa thu sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?
Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương
Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa
Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em
(Tương Tư)

Trong sinh hoạt thi ca ở hải ngoại... Du Tử Lê, nhà thơ được công nhận như một thi sĩ hàng đầu viết về tình yêu hiện nay. Ông có sức sáng tạo phong phú, mỗi năm đều trình làng dăm ba tác phẩm thơ văn. Riêng trong thi tập “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu”, Du Tử Lê xuất sắc với nhiều bài thơ ca ngợi mùa thu tình ái, ngôn ngữ mới lạ, phù thủy, lôi cuốn và mê hoặc. Chúng tôi yêu nhất “Bài Nhân Gian Tháng Tám” của ông:
Buổi chiều xám chỗ ngồi tôi tháng tám
Em dung nhan như một vết dao
Trong trí nhớ của một người khánh tận
Núi sông người thoáng chốc cũng hư hao
Em mười bảy bước chân vào tháng chạp
Hàng cây khô vai gọi lá hai hàng
Đâu sự thật cảnh đời tôi đã xế
Em đi qua, chỉ thức dậy điêu tàn
Đêm cao ốc bàn tay buồn, mắt lặng
Gió mưa đi tít tận trời nào
Môi tháng sáu bao dung hồn phiêu bạt
Em tin không? Tôi chết ngọt ngào
Em bước xuống cuộc đời tôi ảm đạm
Với bình minh, mười bảy vết son tươi
Kẻ khánh tận, cuối cùng soi trí nhớ
Trong bài thơ tháng bảy đã chia hai
Nếu em biết có lần tôi đã hỏi
Tôi đợi ai cuối cuộc chơi này?
Như tháng tám đi qua người sẽ khuất
Riêng vết son còn đỏ nẫu môi cười
Bài thơ nhỏ gói nỗi sầu vô hạn
Đường chim đi, nghìn dặm có ai tìm
Em không thể thì thôi đừng nắng, gió
Củi than riêng, tôi đốt một mình
Đêm tháng tám, chỗ ngồi tôi lửa cháy
Đến lúc tình yêu được quan niệm sâu xa hơn, vượt thoát ra khỏi những trăn trở khổ đau của định mệnh. Tình thương mới đích thực rộng lớn thăng hoa giữa con người với con người. Đó mới là giây phút hạnh phúc, sứ mệnh giác tha độ lượng của người nghệ sĩ, luôn luôn muốn đề cao cái đẹp vĩnh cửu của tâm hồn. 
Giữa cảnh trí tiêu điều mùa thu, một người ở tù nhiều năm trở về thăm lại làng xưa, nhà thơ Tô Thùy Yên đã giữ được tâm bình lặng ...  Ông đã thẩm thấu triết lý sâu sắc của người phương Đông.
... Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
... Ta về như lá rụng về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu nầy
... Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
(Ta Về - Tô Thùy Yên)

Mang tâm trạng của kẻ tha hương lúc nào cũng nhớ về cố xứ thân yêu. Nhà thơ Tuệ Nga đã biểu hiện nỗi niềm nhớ nhung trong những thi phẩm xuất bản ở hải ngoại. Không ngô đồng mà cũng vọng tưởng như “ngô đồng lác đác” trong lòng khi trời hiu hắt thu sang:
Ngô đồng lác đác báo Thu sang
Vườn cũ hoa xưa có điểm vàng
Khói loạn bốn phương sầu ngút ngút
Gió cuồng tám hướng hận mang mang
Mực hoen lòng giấy tình ngăn lối
Bút đọng niềm thương lệ ố vàng?
Sương tuyết nhạt nhòa Trăng cổ độ
Nghe chiều thế sự sóng âm vang...
(Thu Sơ)
Hằng đêm chúng ta nhìn lên bầu trời lấp lánh hàng muôn triệu vì sao, đâu có biết những thiên hà xinh đẹp thơ mộng đó, xa cách chúng ta hàng chục tỉ năm ánh sáng, có nhiều thiên hà đã mất hút từ lâu, hôm nay chúng ta mới nhìn thấy ánh sáng. Những biến thiên của vũ trụ cũng chỉ là những hiện tượng sắc không, nên thời tiết mùa thu của mỗi năm thường thay đổi. Tuy nhiên, những tác phẩm ca ngợi mùa thu thì vĩnh cửu, vượt thời gian.
Cứ mỗi năm, khi bước chân trẻ thơ rộn rã trên đường đến lớp học hay reo vui với nhịp trống múa lân giữa muôn sắc màu lộng lẫy, của những chiếc lồng đèn thắp sáng mừng đón Tiết Trung Thu, theo truyền thống Dân Tộc, tâm hồn người tha hương cũng xao xuyến bâng khuâng, tưởng nhớ đến những chuỗi ngày thơ ấu trên quê hương Việt Nam thanh bình.
Con đường quen thuộc, buổi sáng đi qua, buổi chiều trở lại như nhịp đập buồn bã của trái tim người lữ khách già nơi nghìn dặm quê người. Giữa những hàng cây thay lá gần hai mươi năm qua ròng rã, miệt mài, thầm lặng. Cũng như sáng hôm nay, chính ta khám phá mùa thu đã hiên ngang trở về, thong thả, bình an theo mây trời hạ xuống nhân gian, từng bước lụa là êm ả đầy quyến rũ trữ tình. Lòng ta cũng rạo rực yêu với thu.  Nói thầm với thu sao mà dễ thương quá như thuở ban đầu tỏ tình với em hồn nhiên và trong sáng như hoa cỏ trong khu vườn dấu yêu, nơi một góc trời Đà Nẵng đầy thơ mộng. 
Nếu hiểu được thời gian và không gian là khoảnh khắc vô thường, thì ta đang ở phương trời này hay phương trời nào khác, mùa thu vẫn không bội phản từ trong tâm thức thủy chung với nỗi đau của đất trời nơi cố quận thân thương.
 Thái Tú Hạp
Theo http://www.thienlybuutoa.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...