Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Từ huyền thoại tình yêu đến Vú Cát - Hành trình không mỏi


Từ huyền thoại tình yêu đến Vú Cát
Hành trình không mỏi
(Nhân đọc tập truyện ngắn Vú Cát của nhà văn 
Cao Hạnh - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2007)
Lần đầu tôi gặp Cao Hạnh năm 1999 ở Văn nghệ Quân đội, ông đến chơi với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhân tiện gặp tôi, ông tặng tập truyện ngắn Huyền thoại tình yêu do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Huyền thoại tình yêu còn ở trong tôi đến bây giờ không phải cách viết như thế nào, mà bởi những câu chuyện về chiến tranh ám ảnh, xúc động, bởi cái tình của người viết. Bẵng đi gần 10 năm, (có thể Cao Hạnh in nhiều tập truyện ngắn nữa mà tôi chưa biết), ông lại ra thăm Văn nghệ Quân đội với tập truyện ngắn Vú Cát. Người ta đã từng viết ẩn dụ rất tinh tế và lạ hoá biểu tượng nghệ thuật Vú Đất, Vú Mẹ, Vú Đá, Vú Cây v.v..., còn Cao Hạnh thì viết... Vú Cát.
Bẽ bàng, éo le những cảnh đời.
Tôi thực sự đồng cảm và xúc động khi Cao Hạnh vén tấm khăn che mặt của người phụ nữ. Khăn che mặt nhưng không che được tình cảnh trớ trêu, tréo ngoe, bất hạnh. Cao Hạnh lấy bối cảnh một nhà hai chị em ruột: Người em xinh đẹp, nõn nà, “bầu vú căng mẩy tròn”; người chị “mũi tẹt, mắt sâu, má bánh đúc nham nhở rỗ đậu mùa” làm không gian nghệ thuật bắt đầu một trò chơi số phận. Đó là một trò đùa dai độc ác của tạo hóa đã là trớ trêu lần thứ nhất; rồi người em căng mẩy đẹp tươi không được lấy người mình yêu mà lại bị đánh tráo, thay bằng người chị xấu ma chê quỷ hờn... là bẽ bàng, đau đớn lần thứ hai.
Sử dụng mô tuýp văn chương quen thuộc, thậm chí xưa cũ; nhưng Cao Hạnh làm mới nội dung và cách kể. Vú Cát là hai đồi cát giống hình khuôn ngực người mẹ, cũng là nghĩa địa của dòng họ Hoàng. Cao Hạnh can đảm, không né tránh mà đi vào cuộc đấu trực diện gay gắt trong gia đình, trong xã hội một thời máu lửa. Câu chuyện với nỗi đau không nói thành lời quặn thắt trái tim người mẹ: Hai đứa con ruột thịt, đứa theo Quân Giải phòng, đứa bị bắt lính thành người phía bên kia; chung một mẹ, một nhà mà thành ra đối địch, tương tàn. Nhưng Cao Hạnh đã dịch chuyển không gian nghệ thuật ra nghĩa địa; tất cả mọi sự bẽ bàng, chua xót, đau đớn xảy ra bên những nấm mộ người thân im lặng không biết nói. Nấm mộ người anh ấm nồng, ngào ngạt khói hương, ngày 27-7 nhộn nhịp người đến viếng thăm, chăm sóc; Nấm mộ người em gần đấy thì cô lẻ, đìu hiu, ghẻ lạnh vắng thiếu hương ấm của người đời. Chỉ tình thương bao la của mẹ với con cái, dù nó lỗi lầm vẫn giang vòng tay nhân ái chở che. Những đứa con lớn lên từ đất cát bằng bầu vú mẹ, khi chết lại về với cát được mẹ đùm bọc, chăm sóc. Người mẹ trong văn Cao Hạnh mang nỗi niềm hoà giải, đoàn tụ gia đình, dân tộc sau chiến tranh.
Cảnh báo sự suy đồi, tha hóa.
Có lẽ truyện ngắn Ly tâm làm người đọc băn khoăn, định giá trái chiều nhất, thậm chí cực đoan nghi ngờ ý đồ nhà sáng tác. Thời chiến tranh, người chồng chí thú công tác, giữ gìn phẩm giá, đằng đẵng bao nhiêu năm âm thầm chịu cảnh đàn ông một bóng vắng thiếu hơi ấm đàn bà; nhưng sau chiến tranh về Nam đoàn tụ, làm một “ông quan cách mạng” thì bị tha hóa bởi gái trẻ đẹp, bạc tình với người vợ đợi chờ thủy chung. Người thiếu phụ cũng thế, chăm lo nuôi mẹ chồng, nuôi con, hoạt động Cách mạng, vượt qua mọi cám dỗ, chung tình với chồng. Thời bom đạn, chhị còn đủ tỉnh táo để đối mặt với hy sinh, cái chết không khuất phụ. Khó khăn thử thách người vợ phải vượt qua chẳng phải đạn bom; mà là nỗi trống vắng chồng, là cám dỗ xác thịt bởi đòn kích dục trên cơ thể thiếu phụ trẻ tươi xanh tràn trề sức sống. Chính tiếng vọng “mình ơi... mình ơi” và hình ảnh chồng giúp chị vượt qua ham muốn đàn bà, giữ vững khí tiết... Nhưng thời bình, chị biến thành con người khác hoàn toàn, chạy theo đồng tiền, xa hoa, thậm chí trơ trẽn. Có nghĩa là: Thời quá khứ chiến tranh oanh liệt, huy hoàng bao nhiêu thì thời hiện hòa bình đổ đốn, suy đồi bấy nhiêu.
Lý do người chồng tha hoá, chạy theo gái đẹp chỉ là cái cớ để người đàn bà trả thù, và đánh mất mình. Nguyên nhân sâu xa có lẽ là sự biến động dữ dội của xã hội tác động vào con người; một khi chuyển môi trường sống từ chiến tranh khắc nghiệt, dữ dội sang hòa bình đầy ngọt ngào, cám dỗ không kịp phòng vệ rất dễ bị đốn ngã; mà vợ chồng người chiến sĩ cách mạng trong Ly tâm là một điển hình. Thời đại mới, thời cơ mới; tâm thế hưởng thụ bù đắp lại những thiệt thòi chịu đựng ngày gian khổ có cơ hội bùng phát. Đô la, tiền..., tên Mỹ ngày xưa chị xua đuổi ra khỏi đất nước thì nay chị lại đón rước về nhà.
Cao Hạnh còn có sự bao quát rộng lớn; mỗi thành viên trong gia đình một kiểu Ly tâm khác nhau. Bà nội sống khó khăn, khắc kỷ, luôn cảnh giác với đời với người thân. Bố theo gái, mẹ bắt bồ với tên Mỹ loá mắt vì đô la, đứa con gái đầu không chồng mà chửa trác táng đến nông nỗi chẳng biết thằng đàn ông nào là tác giả của cái thai... Tại sao thời chinh chiến bom đạn mù trời mà giữ được mình, tuy không ở cùng nhau nhưng gia đình liên kết chặt chẽ, vững chãi; còn thời hậu chiến bình yên thì mỗi người một mảnh, cái nhà ấy đã ọp ẹp, rách nát, có nguy cơ vỡ tung?
Thời loạn cả nước đồng tâm; nhưng thời bình cái tâm đang loạn. Gióng lên tiếng chuông về sự tha hóa, suy đồi, Cao Hạnh còn cảnh báo hiện tượng phân tâm trong xã hội; ông chỉ ra con đường đánh mất mình. Bằng truyện ngắn Ly tâm, Cao Hạnh đã làm tốt phận sự của một nhà văn với hàm nghĩa chức năng dự báo và phát hiện đời sống xã hội.
Ly tâm vẫn còn đứa con gái út, đứa con trai cả học ở nước ngoài buồn nản cảnh nhà, có lúc cảm thấy bất lực; nhưng vẫn giữ được mình như là giọt sương ban mai trong trẻo, như đốm than hồng lung linh. Cao Hạnh nhìn đời nhân ái; chính vì vậy Ly tâm - đứa con tinh thần của ông bớt đi cái lạnh lùng tàn nhẫn; người đọc được sưởi ấm lòng, còn có cái mà bấu bíu và hy vọng.
Viết về sự tha hóa, bạn đọc có thể còn tìm thấy ở truyện ngắn Con vàng. Bần hàn thì mẹ mẹ con con, vuốt ve: “Thương lắm! Tội lắm!” Khó khăn hoạn nạn, Vàng liều thân cứu chủ. Khi chủ giàu sang phú quý thì bỏ ngãi quên Vàng.
Thủ pháp đối sánh: Chủ tha hóa, từ nghèo khó khốn khổ khốn nạn thành giàu sang lại lá mặt lá trái. Vàng từ lúc được quý mến thân thiết đến khi bị bạc đãi, ghẻ lạnh nhưng vẫn ân nghĩa, trung thành. Con chó - Con Vàng là một nhân vật văn học. Cái chết của con Vàng vừa bi thương làm người đọc thương cảm; vừa hùng tráng làm người đọc cảm phục.
Những góc khuất tăm tối
Đọc Vú cát, tôi nhận ra bản năng, u tối của con người rõ nhất là trong truyện ngắn Sự tích chùa trinh nữ. Cao Hạnh tỏ ra rất am tường con người nông thôn, ông có con mắt lọc lõi nhìn thấu tim gan bọn chức dịch làng Mỹ Hòa, tham lam, háu gái. Khi cô gái trẻ đẹp xuất hiện đường đột lung linh, thơm phức ở làng thì: “Những người đàn ông đã có vợ, nhảy choi choi trong nhà ôm lấy mông vợ mà vòi vĩnh.” Cô gái bị vờ đuổi khỏi làng, bị hiếp đến chết mà không có một tiếng khóc, không giọt nước mắt thương tâm. Những tên Hương Bổn, Bộ Ẩn, Xạ kha bần tiện, vô học... hay người nào hớt tay trên đám đàn ông thô thiển, tham lam ở làng? Không biết, chỉ biết rằng một cô gái đẹp trinh tiết rằng một cô gái đẹp trinh tiết bị tước đoạt phũ phàng bởi bọn phi nhân tính, độc ác.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến ông bố trong chiếc khăn che mặt đánh tráo con chị thành con em. Chắc hẳn cái đầu tối om của ông ta cứ nghĩ sẽ đem lại hạnh phúc cho đứa chị xấu xí lấy được tấm chồng; thực ra là đắp mồ trước cho con gái mình.
Phía sau bãi chợ là nơi cái ác cái xấu giấu mặt, hoành hành. Tranh tối, tranh sáng, những kẻ núp danh người bảo vệ lợi dụng thời cơ lũ lụt đục nước béo cò xâm phạm của công.
Đường vòng tròn chính là đường hầm luẩn quẩn không lối thoát của những kẻ chụp giật, nợ nần không có khả năng thanh toán. Viết Đường vòng tròn, Cao Hạnh cũng hoá thân thành kiếp nợ nần lút đầu ngập cổ, hoang mang, thất vọng. Người này nợ người kia, người kia nợ kẻ nọ, kẻ nọ lại nợ người này. Cái vòng tít mù săn đuổi, thanh toán, đòi nợ toát mồ hôi, rợn người, và bế tắc không biết bao giừo chấm dứt.
Nhặt mảnh chai là cái nghĩa thật, còn nghĩa bóng là nhặt bỏ thói đố kỵ, ghen ghét của người nông dân ít học. Hình như Cao Hạnh viết lại thói xấu người nông dân với tính ích kỷ, kèn cựa, không muốn hàng xóm hơn mình là cái bệnh mãn tính của người đồng ruộng. Những gương mặt thù hận tối tăm, tàn sát vật chất, tinh thần, ganh đua nhà này có cái này thì nhà kìa phải mua cái tốt hơn... Mảnh sành chai ném tứ tung đến con gà cũng xước chân, con chó cũng què cẳng và ngọn gió vô hình cũng bị cứa buốt đau... xô đẩy đến nông nỗi hai gia đình tàn tạ, kiệt quệt. Chàng trai cô gái của hai nhà thù hận kéo xe đi nhặt mảnh sành chai trong trời mưa mù mịt là hình ảnh tươi rói đầy tính nhân văn đã xóa mờ cái xấu ác độc, tăm tối của người nhà quê.
Vài nét về khảo sát nghệ thuật
Từ Huyền thoại tình yêu đến Vú Cát là một bước tiến dài trên văn nghiệp Cao Hạnh. Nếu như Huyền thoại tình yêu thiên về kể chuyện thì Vú Cát dựng truyện; Huyền thoại tình yêu bản năng, giản đơn nhiều hơn thì Vú Cát lý trí, phức tạp, phong phú và dấu ấn nghề nghiệp đậm đặc hơn. Nhưng từ Huyền thoại tình yêu đến Vú Cát có một đặc điểm chung là tình người ấm áp, nhân ái, nhân văn và đọc thấy nỗi niềm trăn trở, day dứt của người viết.
Văn Cao Hạnh giàu có về ý tưởng; có những chi tiết độc đáo, ám ảnh được chắt ra từ những quan sát, ngẫm ngợi và cái nhìn lọc lõi của một người có kinh nghiệm sống. Ví như: Đòn kích dục của Jôn với người nữ cách mạng. Người thiếu phụ bị trói trần tênh hênh và quằn quại kìm nén cơn hứng dục bởi bàn tay lông lá của tên Mỹ kích thích vào các vùng nhạy cảm (Ly tâm). Ví dụ: Con nợ xin khất nợ, chủ nợ vốn là một tay anh chị, “đôi mắt hun hút ẩn chứa những điều quỷ quyệt” không nói gì chỉ lẳng lặng đem dao ra mài. Tiếng mài dao riết rát khuấy nát cả tim gan con nợ. Ví dụ: Tên chủ nợ cầm dao đến đòi nợ khi vợ con nợ đang đau đẻ; tần xuất cái đầu đứa bé thò ra thụt vào giữa hai đùi gái đẻ phụ thuộc vào tiếng thét đòi nợ dưới ánh dao sáng loáng. (Đường vòng tròn). v.v...
Nhưng tôi lại nghĩ: Thành công nhất trong nghệ thuật trong truyện ngắn Cao Hạnh là ông đã phát hiện và dựng được một hệ thống những thân phận yếu đuối, bấy bớt, ít có khả năng phản kháng, tự vệ. Thế giới nhân vật yếu ớt của Cao Hạnh là những: ông Cò, thằng Nhặt, trai làng thất nghiệp, bà bán nước chè chén, người đàn ông tàn phế v.v..., họ là những người bất hạnh ở dưới đáy, ở bậc thang thấp nhất của xã hội.
Ông Cò trước khi bị tù đày là một gã ngụ cư, không nhà cửa, không cha mẹ, cù bơ cù bất; mười bẩy tuổi chỉ cao bằng cái nấm; chuyên đi làm thuê, và tối ngủ ở ngoài cống, có khi ở hiên chuồng trâu... Bọn chức dịch chà đạp giày vò cô gái trẻ đến chết rồi đổ vấy cho Cò. Cò không cãi được; đi tù, về sau ra tù. Về sau nữa chết, người ta khâm liệm cho ông Cò mới biết ông không có bộ phận đàn ông. Nỗi oan khiên đã tỏ, nhưng không ai lấy lại được cuộc đời bị đày ải ở tù và bọn ác vẫn nhởn nhơ sống. (Sự tích chùa trinh nữ)
Chỉ vài ba chục dòng ở Bóng người ngày cuối năm đã thấy thấp thoáng hiện ra một thằng bé bấy bớt, nhỏ nhoi bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người. Thằng Nhặt ba tháng tuổi, bố mẹ đi gom phế liệu bị chết vì bom nổ; Nhặt bắt đầu những ngày lang thang, bị gã xích lô bắt làm “con mồi” để xin ăn.
Một bà hàng nước đã từng chiến đấu để giải phóng thành phố, vậy mà không một thước đất đặt cái mẹt bán nước chè xanh, lèo tèo vài lọ đựng kẹo lạc, mấy bao thuốc lá... Một người đàn ông tàn phế trên xe lăn cụt hai chân và một tay, con cái bỏ đi Mỹ hết. Ngày xưa, ông ta cầm súng cho Mỹ lấy tiền nuôi con; bây giờ các con làm thuê cho Mỹ lấy tiền... nuôi ông ta.
Những chàng trai của làng, tưởng như khoẻ mạnh, tráng đinh ra thành phố lại trở thành “con rệp” làm đủ mọi nghề thổ mộc kiếm sống nhưng vẫn lay lắt và sợ đủ mọi thứ. Ngày trước, mấy chàng tìm trầm ở rừng, bảo nhau sống cho ra người để muông thú sợ. Còn bây giờ ở thành phố muốn yên ổn phải làm cho ra con thú thì con người mới sợ. Thực ra, các chàng cứ gồng lên để người thành phố không bắt nạt. Cuối cùng, các chàng trai yếu đuối quê chỉ còn con đường... về làng với Bài ca điệu lý buồn não lòng.
Tôi đồ rằng, viết về thế giới nhân vật yếu ớt, ngòi bút Cao Hạnh trôi chảy, tung tẩy, thăng hoa, dào dạt bao nhiêu thì nhịp đập con tim ông lại chùng xuống, lắng lại bấy nhiêu.
Vú Cát vẫn còn truyện ngắn giản đơn như Người trong ảnh; dễ dãi, chưa kỳ công nghệ thuật, sức vang vọng lan toả yếu như Tiếng chim; hay lan man như ký sự ở bốn trang đầu Bài ca điệu lý. Yếu tố huyền ảo kết hợp với hiện thực chưa nhuyễn, thiếu tính tự nhiên ở các truyện ngắn Năm cây hoa gạo, Truyền thuyết làng hoa nên có cảm giác hơi gò ép, cập kênh... Và dù thành công nhất là xây dựng được một thế giới nhân vật yếu hèn, bất khả kháng; nhưng tôi vẫn thấy rất tiếc bởi Cao Hạnh buông lơi, không dành nhiều “đất diễn” cho họ, các nhân vật ấy vẫn cần “có da có thịt”, cần có ngôn ngữ riêng. Tôi có cảm giác như ông kỳ công nghệ thuật ở dựng truyện, ở đi tìm chi tiết, ở ý tưởng; còn khi ông viết về thế giới nhân vật yếu ớt này bằng bản năng thu nhận, gom nhặt dọc cuộc đời từng trải, nó có sẵn trong người rồi ông chép ra hơn là ý thức kỳ công lao động nghề nghiệp. Thật đáng tiếc biết bao! Cao Hạnh đã bỏ lỡ cơ hội để thế giới nhân vật bấy bớt công kênh ông lên một tầm cao mới.
Tuy vậy Vú Cát vẫn là tập truyện ngắn ấn tượng rất nên đọc; lao động nhà văn của Cao Hạnh thực sự đáng trân trọng. Đi tìm cái đẹp nghệ thuật chân chính luôn là khát vọng mãnh liệt với những bước đi không mỏi của người nghệ sĩ. Con đường ấy thật nhọc nhằn, nhưng vẫn có một Cao Hạnh đi cần mẫn, chậm chắc, lặng thầm không biết mỏi, không bỏ cuộc.
Sương Nguyệt Minh 
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...