Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Bút ký triết học 1


Bút ký triết học 1
Mỗi con người khi bước vào đời không bao giờ có được một chọn lựa cả, ai cũng đồng ý rằng bất cứ ai trong 7 tỷ dân trên trái đất đều không bao giờ được hỏi trước liệu có muốn được sinh ra hay không? Nhưng rồi khi được sinh ra làm một con người, qua bao cuộc chuyển hoá, trở nên một người trưởng thành biết nghĩ suy, mới hoang mang nhận ra, sẽ làm được gì với cuộc sống mà Tạo Hoá đã chọn cho mình? Đời người, làng xóm, cận nhân, những chọn lựa đó của Tạo Hoá hoàn toàn không theo sở thích của mình, không theo nhận định và cách mình thích. Tương lai cũng lơ mơ, mù tịt về những băn khoăn điểm đến cho những chuyến hành trình. THƯỢNG ĐẾ cho mỗi con người bắt đầu học về những thứ đó từng bước, từng bước như trẻ tập đi. Điều duy nhất được học là làm sao để đạt giá trị. Đời người là một quà tặng của Tạo Hoá, sự sống là món quà đẹp, đáng yêu, cũng có những chặng cuộc sống tưởng mình như cái cục nợ đáng chán nản, rồi lại muốn bỏ cuộc. Lúc nào đó, nhận ra bản thân chẳng có giá trị gì về mặt con người cho đúng. Và rồi, mau mắn nhận ra một điều, chỉ có những ai biết mình, chọn lựa cách dấn thân trong cuộc đời này mới tận dụng được môi trường làm người để vươn lên chân - thiện - mỹ tuyệt đối. Vậy mà, phần nhiều trong 7 tỷ thụ tạo ấy của Tạo Hoá, chẳng biết mình là ai, muốn gì, cứ ầm ầm lao đầu vào xã hội bằng bản năng, chiến đấu giành giật, giẫm đạp lên nhau mà sống; và đương nhiên có nhiều người, bằng mọi cách; để đến nỗi những người rớt lại phải chán nản và xấu hổ hay kể cả quyên sinh... tiếc thay, thương thay!!

Trong suốt cuộc đời, ai cũng có thể khai triển một thái độ tự do khi đối diện với sự sống: sẽ đón nhận sự sống như một ân huệ, và theo một nghĩa nào đó, “trở nên” điều khả dĩ có thể là nơi bản thể hữu hạn nhân sinh, trở nên bước chân Tạo Hoá tìm đến tình thương, nhân từ, khoan dung, độ lượng và cống hiến phụng sự. Bước chuyển đó sẽ đánh dấu một khúc quanh trưởng thành trong hữu thể nhân sinh và trong tương quan liên đới, và mối tương quan này chứa đựng Lòng thương xót của Tạo Hóa kỳ tài, huyền ái. Đó là một bước chuyển làm cho hữu thể khả biến cũng có khả năng đi vào thường hữu, bất chuyển dịch nhờ thường trụ với Tạo Hóa, tập tành thương xót, quảng hiến như Tạo Hóa...
Ngày 13 tháng 06, 2017
Mỗi lần chớp mắt nhìn lên trời, là khi công cụ có tên gọi là “đôi mắt” bắt một nhịp cầu cho nội tâm phóng suy nghĩ của mình lên nền thinh không và thu vào tâm hồn cảm hứng từ bên ngoài. Tuy nhiên, hình ảnh bên ngoài này  có thể lấp đầy cho nỗi khác vọng vươn lên bằng tất cả bản thể, chứ không phải chỉ “nhìn” và tạp niệm mông lung trong tưởng tượng vô thường. Vũ trụ tồn tại trọng điều kiện tự do, xác thể ta cũng là hiện thân của tự do, không ai có thể phủ nhận. Nhưng thân thể ta là hoàn cảnh giới hạn, là một thứ tù ngục, bởi vì hiện hữu là tự đặt vào hoàn cảnh thân xác một khoảng hẹp của trách nhiệm, sứ mạng, làng xóm, môi trường văn hoá, công sở, nói cách khác, bối cảnh hữu hạn ràng buộc ta vào vô số điều kiện khiến ta gần như bất động và khó giải phóng bản thể, ngay cả khi chết đi, huỷ hoại tù ngục này rồi sẽ ra sao? Xác thể hữu hạn ràng buộc trong sự yếu nhược không thể bay, không thể phóng xa, không hiện diện ở nơi mà ý thức có thể vươn tới. Thực chất của tự do không thể bay nhảy trong sự bất toàn khiếm khuyết, cho nên ta không thể đạt tới điều kiện của tự do như quan điểm cổ điển chủ trương.
Hoàn cảnh, trách nhiệm, phẩm hạnh, tính khí là những xác định riêng biệt cho một xác thể. Tự do là chân trời rộng lớn hơn thân xác và tự do có một khoảng cách vô hạn chỉ khi nào đạt đến tự do hoàn toàn, thân xác mới hoàn tất vai trò con thuyền cho bản thể sang sông đời. Tự do và ý chí con người cùng đồng tính chất trong nhiều phương diện với thế giới vật lý, nên thân xác luôn luôn vươn tới để trở thành tự ngã như toàn thể vũ trụ vật lý hoặc sinh học. Chính lúc thân xác đạt đến cao độ của tự ngã như trong hiện tượng ngụy tín chẳng hạn là lúc tôi tự thấy mình được mình tự do nhất. Mặt khác, chính lúc thân xác trở thành tự ngã là lúc tôi đạt đến cao độ của buồn nôn đối với thân xác tôi như lời Jean Paul Sartre.
Ngụy tín hoặc buồn nôn là những sự kiện chứng tỏ hiện hữu tự do của tôi. Một đàng thì, nhờ hai bàn tay, tôi mới sờ mó sự vật, mới giao tiếp được với ngoại giới, đàng khác tôi lại cảm thấy nó không phải là tôi mà chỉ là một đồ vật vô duyên, trơ trẽn. Tôi không phải là hai bàn tay, tôi không phải là thân xác tôi, và do đó, tôi không là ngoại vật, tôi không là gì cả, tôi không có gì cả. Tôi là như vậy, tôi mất tự do trong những điều kiện ấy và trong hoàn cảnh ấy, và chỉ có trong hoàn cảnh ấy không tồn tại, mới tự do. Mặc dầu hoàn cảnh không mang đến tự do, nó chỉ khắc lên tâm hồn khát vọng tự do. Một lần nữa, tự do tồn tại bên trong và bên ngoài ngục thất xác thể, người sinh ra là đi vào ngục thất bất đắc dĩ ấy: “Những bàn tay tôi, đó là khoảng cách bao la làm cho tôi thấy được sự vật, và làm cho tôi bao giờ cũng ly khai với sự vật. Tôi không là gì cả. Tôi không ly khai khỏi thế giới, giống như ánh sáng chờn vờn trên mặt đá và nước, không một cái gì bám được vào tôi hoặc trát bùn lên tôi. Ở ngoài, ở ngoài, ở ngoài thế giới, ngoài thế giới, ngoài quá khứ, ngoài chính tôi: đó là tự do, tự do là lưu đày, và tôi đã bị kết án phải tự do” (x. Le Sursis).
Khả năng gặp gỡ, đón nhận là dấu hiệu của một tự do rộng mở tới tột đỉnh để có thể thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Hành động tự do là hành động của một người đã thấm sâu trong đam mê vươn lên triền miên. Augustinô đã xác quyết: “Dilige et quod vis fac”: cứ yêu đi rồi làm điều bạn muốn làm. Đó là một tình yêu trọn hảo dám ban tặng trọn vẹn bản thân. Ở mức độ này, tự do trở thành luật lệ cho chính mình, và không còn luật lệ nào khác ngoài luật của tự do: “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.” (x. Gc 2, 12).
Nói rằng tự do là tự động và cần thiết để hoàn thiện xác thể. Tự do không mục đích là tự do chết, tự do vô nghĩa, không thể quan niệm được. Trong vũ trụ ngoại cảnh và nội tâm, có sẵn những động lự tiến tới của tự do, và mục đích tự do chân thật, tuyệt đối ấy lại ở ngoài con người. Mục đích ấy được nhắm tới và có tác dụng giải phóng tự do. Vì thế, một con người khép kín trong bản thân sẽ là một bế tắc, không thể tìm được lối thoát. Duy ngã bế tắc chỉ tìm thấy một thú tiêu khiển tạm bợ trong vòng lẩn quẩn của vật chất và hoan lạc trần luỵ, dẫn tới vô nghĩa chứ không dẫn đến vô biên. Sự giải phóng của tự do chỉ có thể xảy ra trong sự gặp gỡ. Trong sự gặp gỡ này, ta nhận ra một giá trị vô biên, cũng chính là giá trị ta cảm thấy nơi mình. Khao khát tự do là khao khát một giá trị vô biên. Điều đó mời gọi ta nhận ra cái hiện diện vô biên đang ở trong mỗi con người. Nhờ sự gặp gỡ, mà người ta cho mình có quyền thực hiện điều mình muốn, vì đã giải phóng khỏi bản thân bằng việc mở ra cho ngoại giới, phóng chiếu cho tự do đích thật. 
Tình yêu hữu tính như một nguyên lý cho sự sinh sôi nảy nở của nòi giống. Hữu tính là liên kết mật thiết của hai đối thể bổ túc cho nhau được xem như là phương tiện cho sự sinh sôi nảy nở ấy. Tuy nhiên, có một bộ phận đáng kể của cả thế giới thực vật lẫn động vật sinh sôi nảy nở một cách vô tính: bằng sự phân hóa, đâm chồi, bào tử, ghép chiết. Giao tính là khả năng tự nhiên của của đối tượng cấp thực vật cho đến cả động vật bậc cao. Trong tính giao, sức hấp dẫn hữu tính diễn ra với quy mô rất lớn: sức sinh sản khổng lồ bởi sức hấp dẫn tương tự khái niệm như tình yêu hữu tính (bởi lẽ chưa có ngay sự phân chia tính); tiếp theo, ở những sinh thể hoàn hảo hơn, xuất hiện sự phân hóa giới tính, và ứng với nó, một sự hấp dẫn hữu tính nhất định. Xem xét tình yêu hữu tính chỉ riêng trong thế giới con người; ở đây, ở một độ cao hơn rất nhiều so với thế giới động vật, nó thu nhận được tính chất cá thể, khiến cho một và chỉ một cá nhân nhất định thuộc giới khác trở nên có ý nghĩa tuyệt đối đối với người yêu quý nó, như thể một cái gì đó độc nhất vô nhị, không gì thay thế được, như một mục đích tự thân tự tại.
Cuộc sống của loài người, được hiểu như là một tiến trình lịch sử, nhiệm vụ nâng cao và hoàn thiện bản chất con người. Muốn thế, cần có không chỉ càng nhiều càng tốt những kiểu mẫu khác nhau của tính người, mà còn cần làm cho xuất hiện những kiểu mẫu ưu tú, có giá trị không chỉ một cách tự thân tự tại, như là những kiểu thức cá thể, mà còn do tác dụng nâng cao và làm cho hoàn thiện hơn cá thể khác. Trong sự sinh sản của loài người, cái sức mạnh thúc đẩy tiến trình thế giới và tiến trình lịch sử có nguyện vọng không chỉ làm cho những cá thể con người sinh sôi nảy nở liên tục theo chủng loại của mình, mà còn làm cho ra đời những cá thể nhất định, càng có giá trị cao càng hay. Mà muốn thế, thì chỉ một sự sinh hạ đơn thuần bằng đường kết hợp ngẫu nhiên và vô tình các cá thể khác giới là chưa đủ: để có những sản phẩm cá thể - xác định, cần có sự kết hợp những người sản xuất cá thể - xác định, và vì thế mà cái sức hút hữu tính chung phục vụ cho sự tái sản xuất nòi giống ở các động vật đã không còn là đủ. Trong nhân loại, vấn đề không chỉ là sản sinh ra hậu thế nói chung, mà còn là sản sinh ra một loại hậu thế nhất định, thích hợp hơn cả cho  mục đích thế giới, và bởi lẽ một cá nhân xác định có thể sản sinh ra hậu thế ấy không phải với bất kì một cá nhân nào khác giới, mà chỉ với một cá nhân xác định, cho nên chỉ một cá nhân ấy có sức hấp dẫn đặc biệt đối với y, hiện ra trong con mắt y như là một cái gì đó hết sức đặc biệt, không gì thay thế được, có một không hai và có khả năng ban thưởng cho y một hạnh phúc cao nhất. Đấy, chính cái đó là sự cá thể hóa và sự phấn khích bản năng tính dục, nó làm cho tình yêu của con người khác tình yêu của con vật, nhưng cả hai thứ tình yêu ấy đều được kích thích ở trong ta bởi một sức mạnh xa lạ với ta, mặc dù có thể đó là một sức mạnh cao siêu, và những mục đích của nó nằm ngoài ý thức của cá nhân ta - được kích thích như là một dục vọng phi lý tính và định mệnh, chiếm lĩnh và chi phối ta, nhưng sẽ biến mất ngay như ảo ảnh một khi đã không còn cần thiết đến nó nữa* .
Nếu mà cái thuyết ấy là đúng, nếu mà sự cá thể hóa và phấn khích hóa tình cảm yêu đương có toàn bộ ý nghĩa, có lý do và mục đích duy nhất của nó ở ngoài tình cảm ấy, đích thị là ở những phẩm chất của hậu thế cần thiết (cho những mục tiêu thế giới), thì từ đấy, theo lôgic, sẽ phải suy ra là mức độ  cá thể hóa và phấn khích hóa cái tình yêu ấy, hay là sức mạnh của tình yêu, có quan hệ trực tiếp với mức độ điển hình và giá trị của hậu thế là sản phẩm của tình yêu: hậu thế càng là những nhân vật quan trọng bao nhiêu, thì tình yêu của các thân sinh càng phải mãnh liệt bấy nhiêu, và ngược lại, tình yêu gắn bó hai con người nào đó càng mạnh bao nhiêu, thì ta càng phải chờ đợi ở họ những hậu thế xuất sắc bấy nhiêu, theo cái thuyết ấy. Nếu nói chung tình cảm yêu đương đựơc ý chí hoàn vũ kích thích chỉ vì thế hệ mai sau cần thiết và chỉ là phương tiện để sản sinh ra nó, thì dễ hiểu là trong từng trường hợp một, sức mạnh của phương tiện mà động cơ vũ trụ sử dụng phải tương xứng với tầm quan trọng của mục đích muốn đạt. ý chí hoàn vũ càng quan tâm đến một sản phẩm nào đó sẽ phải ra đời thì nó càng cuốn hút lại với nhau mạnh hơn và gắn bó với nhau chặt hơn hai người sản xuất cần thiết. Chẳng hạn, vấn đề là làm cho ra đời một thiên tài cấp thế giới mà hoạt động của con người ấy sẽ có ý nghĩa rất to lớn cho tiến trình lịch sử. Thế thì sức mạnh tối cao điều khiển tiến trình ấy sẽ phải bận tâm với sự ra đời này nhiều hơn gấp bao nhiêu lần so với  những sự ra đời khác, tương đương với việc vị thiên tài thế giới này là  hiện tượng hiếm hoi hơn cũng gấp bằng ấy lần so với những con người bình thường, và vì thế mà cái sức hấp dẫn hữu tính, mà bằng nó ý chí hoàn vũ (theo thuyết này) bảo đảm cho mình sự thực hiện mục đích quan trọng ấy, sẽ phải mãnh liệt hơn cũng gấp bằng ấy lần so với ham thích bình thường.
Tất nhiên, những người bảo vệ thuyết này có thể bác bỏ ý tưởng về tương quan số lượng chính xác giữa tầm quan trọng của nhân vật và sức mạnh ái tình ở cha mẹ anh ta, bởi lẽ những đối tượng này không cho phép đo lường chính xác; nhưng điều hoàn toàn mặc nhiên (theo quan điểm của thuyết ấy), là nếu ý chí hoàn vũ quan tâm đặc biệt đến sự ra đời của một con người nào đó, thì nó phải có những biện pháp đặc biệt để bảo đảm kết qủa mong muốn, tức là theo nghĩa của thuyết này, nó phải kích thích ở trong cha mẹ người ấy một dục tính mãnh liệt đặc biệt, có khả năng chiến thắng mọi trở lực không cho họ đến với nhau.
Trong thực tế thì chúng ta lại chẳng tìm thấy một cái gì tương tự như thế - chẳng có một tương quan nào hết giữa sức mạnh của dục vọng tình ái và tầm quan trọng của hậu thế. Trước hết, chúng ta bắt gặp một hiện thực mà thuyết này tuyệt không giải thích nổi, đó là tình yêu mãnh liệt nhất lại hay không được chia sẻ và vì thế mà tuyệt không để lại sau mình một hậu thế nào. Nếu vì một tình yêu như thế mà người ta cắt tóc đi tu hay tự tử, thì cái ý chí hoàn vũ bận tâm với hậu thế xăng xái ở đây để làm gì? Nhưng giả sử chàng Werther cuồng nhiệt không tự vẫn đi nữa, thì niềm say đắm  bất hạnh của chàng vẫn cứ là một câu đố không giải được đối với thuyết hậu thế ưu việt. Tình yêu hết sức cá thể hóa và phấn khích hóa của Werther đối với nàng Scharlotte chỉ ra rằng (theo quan điểm của thuyết này), chính cùng với Scharlotte, Werther sẽ phải sản sinh ra một hậu thế đặc biệt quan trọng và cần thiết cho nhân loại, vì nó mà ý chí hoàn vũ đã kích thích nên trong chàng niềm say mê phi thường ấy. Thế nhưng vì  sao cái ý chí toàn tri và toàn năng ấy lại đã không đoán ra hay là đã không thể tác động đến cả Scharlotte theo hướng mong muốn, bởi lẽ không có sự tham gia của nàng thì dục vọng nơi Werther là hoàn toàn vô đích và vô dụng ? Đối với một bản thể hoạt động hợp đích, love’s labor lost là cái vô nghĩa hoàn toàn.
Tình yêu mãnh liệt đặc biệt thường đa số là bất hạnh, mà tình yêu bất hạnh rất hay đẩy đến tự sát dưới hình thức này hay hình thức kia; và mỗi một cuộc tự sát như thế vì thất tình rõ ràng làm đổ nhào cái thuyết cho rằng tình yêu mãnh liệt được kích thích ngõ hầu bằng mọi cách cho ra đời một thế hệ mai sau mong muốn, mà tầm quan trọng được biểu thị bằng sức mạnh của tình yêu ấy, trong khi đó thì trong thực tế, ở tất cả các trường hợp ấy, chính sức mạnh tình yêu loại trừ không chỉ khả năng có được một hậu thế quan trọng, mà còn cả khả năng có được bất kì một hậu thế nào.
Những trường hợp tình yêu không được chia sẻ quá là thông thường, để có thể nhìn thấy ở đấy một ngoại lệ không để ý đến cũng được. Mà giả sử nó có là ngoại lệ, thì cái đó cũng chẳng hề chi, bởi vì ngay cả trong những trường hợp có tình yêu mãnh liệt đặc biệt từ hai phía, nó vẫn không dẫn đến cái mà lý thuyết đòi hỏi. Theo lý thuyết, lẽ ra Romeo và Juliet, tương xứng với niềm say đắm nhau vĩ đại ở họ, sẽ phải sinh ra một con người nào đó rất vĩ đại, ít nhất cũng một Shakespeare, nhưng trong thực tế, như mọi người đều biết, thì ngược lại: không phải họ đã tạo tác ra Shakespeare, như là lý thuyết dạy, mà Shakespeare đã tạo tác ra họ, mà lại một cách vô dục hoàn toàn – bằng sáng tác vô tính. Romeo và Juliet, cũng như đa số các cặp tình nhân cuồng nhiệt, đã chết đi mà không đẻ ra ai cả, còn Shakespeare đã sinh ra họ thì, cũng như những vĩ nhân khác, đã được sinh ra không phải từ một tình yêu cuồng điên nào đó, mà từ một cuộc hôn nhân đời thường rất xoàng xĩnh (và bản thân ông, mặc dù đã từng nếm trải cái tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, như có thể thấy, thí dụ, từ những bài xonê của ông, nhưng từ đấy đã chẳng ra đời một hậu thế tuyệt vời nào). Sự ra đời của Christophe Colomb, đối với ý chí hoàn vũ, có thể còn quan trọng hơn sự ra đời của Shakespeare; song chúng ta không biết tí gì về tình yêu đặc biệt của các thân sinh ông, mà biết về mối tình say đắm mãnh liệt của chính ông đối với qúy nương Beatrice Enriquez, và mặc dù ông đã có với nàng một con trai ngoài giá thú tên là Diego, nhưng người con ấy đã không làm nên sự nghiệp gì vĩ đại, mà chỉ để lại tiểu sử về cha mình là việc mà bất cứ người nào khác cũng làm được.
Nếu toàn bộ cái lẽ của tình yêu là ở hậu thế và nó có một sức mạnh tối cao điều khiển việc yêu đương, thì vì sao sức mạnh ấy, thay vì lo liệu cho những người yêu nhau được đoàn tụ, lại ngược lại, cứ như cố tình ngăn cản sự đoàn tụ ấy, cứ như nhiệm vụ của nó chính là bằng mọi cách tước đoạt của những người tình chân chính ngay cả khả năng sinh đẻ con cái: nó bắt họ, do một sự hiểu nhầm định mệnh, đâm chết mình trong nhà mồ, nó nhận chìm họ dưới đáy biển Hellesponte và bằng nhiều phương cách khác dẫn dắt họ đến cái chết sớm không để lại con cái. Còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà tình yêu cường liệt không kết thúc thê thảm, khi mà cặp uyên ương sống hạnh phúc đến già, thì dẫu sao họ vẫn không có con. Một linh tính thơ ca nhạy sắc với hiện thực đã buộc Ovidius và Gogol tước đoạt con cháu hậu sinh của Philimon và Baucis, Afanasi Ivanovich và Pulkheria Ivanovna.
Không thể thừa nhận tương quan trực tiếp giữa sức mạnh của tình yêu cá thể và tầm quan trọng của hậu thế, khi mà với tình yêu như thế, ngay sự tồn tại của hậu thế chỉ là điều ngẫu nhiên hiếm  hoi. Như ta đã thấy, 1) tình yêu mãnh liệt rất hay không được chia sẻ; 2) nếu được chia sẻ, thì sự đắm đuối mãnh liệt đưa đến kết cục bi thảm, trước khi để lại hậu thế; 3) tình yêu hạnh phúc, nếu nó rất mạnh, cũng thường không sinh con đẻ cái; còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà một tình yêu mãnh liệt phi thường để lại hậu thế, hậu thế ấy hóa ra hết sức tầm thường.
Có thể xác định một quy tắc chung hầu như không có ngoại lệ là cường độ đặc biệt của tình yêu hữu tính hoặc là hoàn toàn không cho phép có con cháu hậu sinh, hoặc chỉ cho hậu sinh mà giá trị không tương xứng tí nào với độ căng thẳng của tình cảm yêu đương và tính chất ngoại biệt của những quan hệ nảy sinh từ đấy.
Nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu ở sự sinh con đẻ cái hợp đích – tức là chỉ thừa nhận ý nghĩa ấy ở nơi nào hoàn toàn không có tình yêu, còn ở đâu nó có, thì tước đoạt đi của nó mọi ý nghĩa và mọi lẽ tồn tại. Cái thuyết hư mạo ấy về tình yêu, khi ta đối chiếu nó với hiện thực, hóa ra không phải là một giải thích, mà là một sự chối từ bất kì giải thích nào.
Cái sức mạnh điều khiển sự sống của loài người, mà có người gọi là ý chí hoàn vũ, có người gọi là tinh thần vô thức, nhưng trong thực tế nó là Cơ Trời, rõ ràng sắp xếp sự ra đời đúng lúc của những con người thiên hựu cần thiết cho những mục đích của nó, xếp đặt trong các chuỗi dài của các thế hệ những kết hợp phải có của những người sản sinh, hướng tới những sản phẩm tương xứng không chỉ gần nhất, mà cả xa xôi nhất. Để có được sự lựa chọn theo thiên mệnh những người sản sinh ấy, nhiều phương tiện hết sức đa dạng được sử dụng, nhưng tình yêu theo nghĩa đích thực, tức là sự say đắm hữu tính, được cá thể hóa và phấn khích hóa đặc biệt, không thuộc về số những phương tiện ấy. Lịch sử Thánh Kinh, với chủ nghĩa hiện thực chân chính và sâu sắc của nó – cái chủ nghĩa hiện thực không loại bỏ, mà thể hiện ý nghĩa lý tưởng của các sự việc trong những chi tiết nghiệm chứng của chúng – lịch sử Thánh Kinh, trong trường hợp này cũng như mọi khi, cho ta một minh chứng chân thật và giàu sức giáo huấn đối với tất cả những ai hiểu biết lịch sử và nghệ thuật, không phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn giáo.
Sự kiện trung tâm của thánh sử, tức là sự ra đời của Đấng Cứu Thế, hơn bất kì sự kiện nào khác, giả ước một kế hoạch thiên định trong sự lựa chọn và kết hợp những người sản sinh nối tiếp nhau, và qủa là cái thú vị chính của các  thánh tích tập trung ở những số phận kì lạ muôn màu muôn vẻ đã làm phương tiện cho sự ra đời và liên kết của các bậc ‘tổ tiên thần thánh’. Thế nhưng trong toàn bộ hệ thống phức tạp ấy của những phương tiện đã quy định, theo trật tự  hiện tượng lịch sử, sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế, không có chỗ cho tình yêu theo đúng nghĩa của nó; trong Kinh Thánh tất nhiên cũng có tình yêu, nhưng đó chỉ là những sự kiện riêng biệt, không phải là công cụ của quá trình sản sinh Đấng Kitô.
Sách thánh không nói, Abraham đã lấy Sara có phải vì tình yêu nồng cháy hay không, nhưng trong mọi trường hợp thì Thiên Cơ đã chờ đến khi tình yêu ấy đã nguội lạnh hoàn toàn mới cho ra đời từ cặp thân sinh đã trăm tuổi một đứa con của đức tin, chứ không phải của tình yêu. Isaac đã lấy Rebecca không phải vì tình yêu, mà theo kế hoạch định trước của cha mình. Jacob yêu Rachel, nhưng tình yêu ấy hóa ra không cần thiết cho sự sinh hạ Đấng Cứu Thế. Ngài là hậu dụê của con Jacob - Juda, nhưng ông này đã có mẹ đẻ không phải là Rachel, mà là Léa không được chồng sủng ái.
Để sản sinh ra trong thế hệ này một vị tổ tiên của Đấng Cứu Thế, đã cần có sự kết hợp của Jacob với Léa chứ không phải ai khác; nhưng để có được sự kết hợp ấy, Cơ Trời không kích thích ở Jacob tình yêu đắm đuối mãnh liệt đối với người mẹ tương lai của vị ‘tổ tiên thần thánh’ – Juda; không vi phạm tự do của tình cảm trái tim, sức mạnh tối cao đã để cho Jacob yêu Rachel, còn để thực hiện sự kết hợp không thể thiếu được của ông với Léa thì nó lại dùng một phương tiện hoàn toàn khác: đó là cái mẹo vụ lợi của một nhân vật thứ ba- một Lavane trung thành với những lợi ích của gia đình và kinh tế của mình. Bản thân Juda để sản sinh ra những tổ tiên gần hơn của Đấng Cứu Thế  đã phải, ngoài con cháu trước đây của mình, lúc đã về già còn phối giao với người con dâu Tamara. Vì sự phối giao như thế tuyệt không nằm trong trật tự sự vật và sẽ không thể xẩy ra trong những điều kiện bình thường, cho nên mục đích đã đạt được nhờ một cuộc phiêu lưu rất kỳ lạ, khá giàu sức cám dỗ đối với những người đọc Kinh thánh một cách hời hợt. Trong cuộc phiêu lưu này, không thể nói về bất kỳ một thứ tình yêu nào. - Không phải tình yêu đã liên kết một kỹ nữ ở Ierechon tên là Rahab với một người Do Thái ngoại bang; ban đầu, nàng hiến thân cho chàng theo nghề của mình, sau đó quan hệ tình cờ ấy được gắn bó bằng niềm tin của nàng vào một Thần Linh mới và nguyện vọng được Thần che chở cho mình và những người thân thuộc của mình. Không phải tình yêu đã kết hợp cụ nội của vua David, ông già Booz, với nàng Ruth trẻ tuổi thuộc bộ tộc Mohabit, và cũng không từ một tình yêu chân chính, sâu sắc, mà chỉ từ một ý muốn kì quặc, tội lỗi của bậc vương giả mấp mé tuổi già mà vua Salomon đã ra đời.
Trong thánh sử, cũng như trong thông sử, tình yêu hữu tính không phải là phương tiện hay công cụ của những mục đích lịch sử; nó không phục vụ cho nòi giống con người. Vì thế cho nên, khi cảm giác chủ quan nói với ta rằng tình yêu là một phúc lợi  độc lập, rằng nó có giá trị riêng, siêu tương đối trong cuộc sống cá nhân của ta, thì ứng với cảm giác ấy, cả trong thực tại khách quan ta cũng thấy tình yêu cá thể mãnh liệt không bao giờ là phương tiện cho mục đích giống nòi, những mục đích ấy luôn đạt được ở bên ngoài tình yêu. Trong thông sử, cũng như trong thánh sử, tình yêu hữu tính (theo đúng nghĩa của nó) không đóng một vai trò nào cả và không tác động trực tiếp đến tiến trình lịch sử: ý nghĩa chính diện của nó phải bắt rễ trong cuộc sống cá nhân.
Phật giáo tin rằng “Karma - Nghiệp” là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý của Thân, Khẩu và Ý. Hay Công giáo gọi đó là hành vi nhân linh kéo theo trách nhiệm luân lý. Ngôn ngữ mang tính trung lập, “nghiệp” và “quả báo” tạo thành” do miệng lưỡi phỉnh phờ và tâm loạn ác. Ngôn ngữ, không được sử dụng bởi tâm minh, thiện hành sẽ vĩnh viễn tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi biển khổ. Khẩu phát gieo nghiệp thiện thì kiến tạo niềm vui, hạnh phúc, tạo nghiệp ác thì sẽ bị đọa vào khổ luỵ triền miên. Sức mạnh ngôn ngữ là thứ có thể gieo tạo nghiệp nhiều nhất, hơn cả mọi binh khí.
Nguyễn Du viết:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao (Nguyễn Du, tr. Kiều)
Sở Khanh dùng lời đường mật để đưa Kiều vào bẫy. Khi họ Sở cam kết:
“Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!” (Nguyễn Du, tr. Kiều)
Và gã hẹn hò giờ giấc cụ thể để dẫn Kiều “trốn thoát”, những lời nói ấy không đơn thuần truyền đạt thông tin mà còn thực hiện một hành động lừa bịp đầy ác ý. Triết học hiện đại dành cho hiện tượng này một thuật ngữ chuyên môn: “hành vi ngôn ngữ”. Cam kết, hứa hẹn, tuyên bố, ra lệnh…, ngôn ngữ còn là hành vi gây ra hậu quả, chứ đâu phải chỉ là lời nói gió bay! Kể sao hết bao nhiêu tội ác và bao nhiêu nạn nhân của trò chơi ngôn ngữ, của việc đánh tráo và lạm dụng khái niệm. Thêm nữa, ngôn ngữ càng có sức biểu cảm bao nhiêu, càng dễ mang tính bạo lực bấy nhiêu. Ca tụng lên tận mây xanh hoặc vùi dập xuống bùn đen, ngôn ngữ đều phô bày tính bạo lực của nó: gây ảo tưởng và khổ đau cho người khác. Có câu: “phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn” - nghĩa là, xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra. Đức Cồ Đàm dạy chúng đệ tử: trong thập nghiệp ác của con người thì trong đó khẩu ngữ đã chiếm hết bốn: dựng chuyện xuyên tạc sự thật, buông lời hung ác, miệng lưỡi hai chiều, khoa trương phóng đại sự thật. Ngoài ra phê bình, khen chê, rêu rao lỗi của mọi người cũng tạo nên nghiệp chẳng lành. Không cần ngôn, sẽ chỉ gây nên những tổn phước và tội lỗi, gây mâu thuẫn, hận thù giết hại lẫn nhau mà thôi.
Phương ngôn có câu: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh” - mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua rồi phải tranh đấu, miệt thị mà sinh chuyện thương tâm. Do vậy mà ngạn ngữ Tây phương cũng có câu: ”trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”.
Phật giáo có bài kệ rất hay rằng:
“Lời nói đổi trắng thay đen,
Đó là điạ ngục bon chen lối vào.
Trực ngôn tâm chẳng lao xao,
Giữ tâm thiền định biết bao an lành.”
“Thần khẩu nó hại xác phàm,
Người nào nói quá họa làm khổ thân.
Lỡ chân gượng được đỡ lên.
Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi"
Ngày trước, sách “Quốc văn giáo khoa thư” dạy cho học trò những bài luân lý vỡ lòng qua những câu chuyện dân gian có kể đến câu chuyện sau đây cho thấy hậu quả của ngôn ngữ tuỳ tiện, hoạ miệng lưỡi:
“Một hôm ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông một món ăn mà phần quí nhất là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân và có ích cho nhân loại. Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông phú hộ một dĩa đồ ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm bèn trả lời rằng vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất tàn ác nhất làm tan nát gia đình xã hội và có thể khuynh đảo nước nhà ngay cả làm hại cho nhân loại. Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người làm”. (x. Quốc Văn Giáo Khoa Thư)
Nếu như Ngôn ngữ tạo ra cho chúng ta một cơ hội, một địa chỉ để gặp gỡ, cuộc gặp gỡ này không bao giờ diễn ra trên một bề mặt bằng phẳng, trong một không gian được kết cấu vững chắc của các biểu đạt, đúng hơn là một thứ quan hệ xa lạ, đầy lo âu và nghiệt ngã. Chúng ta đang sống trong thế giới của từ ngữ. Trong tất cả các phương tiện mà con người dùng để giao tiếp thì ngôn ngữ là phương tiện duy nhất thoả mãn được tất cả nhu cầu của con người. Ngôn ngữ có vai trò vô cùng  quan trọng trong cuộc sống.. Mỗi một giây, một phút trôi qua đều có người đang nói, đang viết, hoặc đang đọc cái gì đó. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng ngôn ngữ nhanh chóng và hiệu quả. Công cụ giao tiếp vạn năng ấy đã hành trình cùng con người, từ lúc con người xuất hiện cho tới tận ngày nay. Như thế, ngôn ngữ cần được sử dụng trọng một thái độ ứng xử tích cực trong quan hệ giao tiếp với nhau.
Luôn nhớ rằng ngôn ngữ xuất từ “tự khẩu” có sức mạnh rất lớn, tác động vô cùng tích cực hoặc tiêu cực đến cuộc sống của bất kỳ ai. Nếu là suy nghĩ thì ta chỉ giữ trong đầu, chỉ mình mình biết, còn lời nói sẽ có người nghe rồi họ ngẫm nghĩ, suy tư, bị tác động ít nhiều.  Khẩu ngữ thường nhật rất cần cân nhắc cẩn trọng vì không thể thu hồi, lấy lại được. S. Maugham có câu: “Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại”. Trước khi nói, ta có tự hỏi liệu lời nói ấy có gây hại cho bản thân mình hay cho người khác không? Càng là lúc gặp điều không mong muốn, điều khiến ta bực bội và muốn trút giận, càng là khi ta dễ dàng nói những lời khó nghe, dễ gây tổn thương đến tình cảm với người ta quý mến, và gây tổn hại đến mối quan hệ, công việc sau này. Cẩn trọng với những gì mình đang nói và sắp nói để những lời nói ấy thực sự là những lời hay ý đẹp có giá trị. Vậy, thay vì nói những lời phàn nàn và những điều mình bực bội về người khác hoặc về những tồi tệ đang xảy ra cho mình, hãy tập nói những câu nói ý nghĩa, những lời hay ý đẹp có tác dụng tích cực và tạo động lực cho nhau. Hãy học cách nói những lời hay ý đẹp đúng lúc, đúng chỗ và vận dụng phù hợp cho chính cuộc sống của bạn.Rất quan trọng, các từ ngữ thường dùng hàng ngày phản ánh phần nào lối sống của bạn. Hạn chế nói những lời như “chán quá”, “chắc không thể”, “không được đâu”, hoặc những lời buồn nản, than thân trách phận. Những từ ngữ tưởng chừng như chẳng có ảnh hưởng gì ấy sẽ làm bạndần mất đi nghị lực và sự tự tin. Thay vào đó, hãy nói những lời hay ý đẹp, những lời đầy tự tin và tích cực như: “cố lên”, “làm được mà”, “chẳng có gì phải sợ”, v.v... sẽ giúp bạn thêm tự tin, lạc quan và nỗ lực nhiều hơn. Roland Dorgeles viết rằng: “Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên là lời nói hư không”.
Trong đời sống, để sáng tỏ một việc gì đó cho người khác thấy hoặc làm cho ai đó tin vào nhận định của mình, thì rất cần đến lập luận, khi muốn người khác ủng hộ lập trường của mình thì cần biện luận, khi muốn đả phá sai lầm trong quan điểm hay thực hành nào đó thì cần đến biện bác. Trên thực tế cuộc sống chỉ có thể tin vào nhận định của ai đó khi nhận định đó có căn cứ đúng đắn, dựa trên những sự thật được thừa nhận. Chẳng hạn, chứng minh tính bền vững thì phải đưa ra luận chứng, lập luận chặt chẽ. Trong khi khẳng định một luận điểm nào đó là đúng sự thật (thay vì nêu bằng chứng), vận dụng lí lẽ, dẫn chứng phải được lựa chọn thật tiêu biểu, trình bày rõ ràng, phong phú càng có sức thuyết phục.
Không có con đường tắt nào đi đến thuyết phục triệt để thực sự công luận. Trái lại, lập luận giả tạo, phiến diện và nguỵ tạo lại có thể đạt được tính thuyết phục trên bình diện đại chúng một cách nhanh chóng. Một lúc nào đó, chúng ta nghĩ rằng lập luận của chúng ta trống rỗng và mình đang bị kiểm soát bởi những dữ kiện và lý lẽ sai lầm mang những hậu quả bi thảm đi kèm mà khó bác bẻ được. Người ta thường dựa vào uy thế đám  đông trong những cuộc tranh luận. Thuyết khách thường sử dụng khả năng hùng biện của mình, lợi dụng truyền thống, tình cảm, quyền lợi, thói quen suy nghĩ của đám đông để tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của đám đông đó, tạo áp lực buộc người tranh luận đối mặt phải chấp nhận quan điểm riêng của mình đưa ra. Trong kiểu lập luận dựa vào dư luận, thay cho việc  đưa ra luận cứ và chứng minh luận điểm, thuyết khách cho rằng luận điểm của anh ta là đúng vì có nhiều người công nhận như vậy. Đây là lập luận thường thấy, thể hiện đôi khi xảo ngữ, giả ngôn lại thành tựu, vì nhiều người cho là đúng mà vẫn chưa đảm bảo tính  đúng đắn chân thật của luận  điểm; nhiều người chấp nhận luận điểm ấy vì nó hợp cách suy nghĩ, hợp tầm hiểu biết của họ.
Thường thấy, lập luận xã hội đôi khi dựa trên sức mạnh số đông. Ví dụ, trước con đường nhà tôi, thiên hạ vứt rác bừa bãi. Có người quăng rác ra đường cách công khai, có người lẻn bỏ vào giữa đêm, nếu chẳng may bị nhân viên thu dọn đường phố nhắc nhở thì gân cổ lên:  “Ở khu phố này, người ta làm vậy, có sao đâu?”. Đó có phải lập luận đúng? Không, đó là nguỵ biện và rất nguy hiểm khi nó ăn sâu vào tập quán thiếu trách nhiệm vệ sinh công cộng. Ngụy biện được sử dụng rất nhiều trong đời sống xã hội. Đó là những cách lập luận quanh co, đánh đổi khái niệm, mơ hồ nước đôi, phản logic khiến người khác phải hiểu sai sự thật. Tuy nghe có vẻ đúng nhưng ẩn sâu là thói quen dối trá cố ý và đầy thủ đoạn. Cũng có lúc, nguỵ biện không quá phức tạp như vậy, mà ngay cả chính bản thân chúng ta đã ngụy biện mà không hề biết là mình ngụy biện.
Lập luận giỏi đóng vai trò quyết định thành bại cũng khá lớn; nhưng nhiều khi trong tranh luận để đi tới sự đồng thuận, lập luận giả cũng được xen vào khiến con người ta tư duy theo lối mòn, lập luận thiếu sắc bén, vô căn cứ, thường đuối lý mà không biết rằng mình đang đuối lý, để rồi cuối cùng nói những lời có phần xúc phạm người khác. Đó cũng chính là lý do chúng ta lại có thuật ngữ "anh hùng bàn phím", ám chỉ những thanh niên tay gõ ra toàn những lời lẽ thiếu căn cứ, mang tính xúc phạm là chủ yếu. Để thành công trong lập luận, phản tính và nắm vững lý chứng, nguyên tắc suy luận có vai trò vô cùng to lớn. Nhận thức đúng đắn và bác bỏ nguỵ biện trong đời sống mới có thể giúp tiến bộ. Lập luận chính đáng được hỗ trợ cách trực tiếp nhờ quan sát, làm thí nghiệm, trải nghiệm, nhờ lượng thông tin tiếp nhận từ thực tiễn. Để có được lập luận hiệu quả, phải rút ra nhiều thông tin khác từ các thông tin đã có, tức là phải suy luận. Với một tinh thần tư duy, mỗi người đều có thể có tầm nhìn xa, nhìn rộng, luôn nhìn lại chính mình cách khách quan nhất để vượt lên. Lập luận khách quan, khoa học với niềm tin từ kho tàng tri thức và tài nguyên vô giá là sự kiên trì học hỏi và khai thác tốt những nguồn thông tin từ cuộc sống sẽ là nguồn lực hỗ trợ khắc phục khiếm khuyết quá khứ và lớn lên từ mọi thất bại để vươn đến những mục tiêu lớn lao, cao thượng với khao khát dồn sức, dốc lòng nắm bắt mọi vận hội để phát triển.
Nếu trong đời sống người ta thích biện bác hơn tư duy thì sẽ dễ nghiêng về nguỵ biện hơn là lập luận khách quan và thực tế. Điều đó giải thích phần nào nhiều kẻ thắng được lời nói nhưng hiệu quả thuyết phục nhân tâm thì chưa đạt mức tối ưu. Thông tin đa chiều, góc nhìn rộng, phương pháp khoa học rất thuận lợi cho những lập luận đích xác mang lại sự tiến bộ, nắm bắt vận hội của chính mình. Người có đầu óc lập luận hiệu quả luôn luôn ý thức phải biết nhìn lại mình, biết học hỏi, biết nhận ra sự thật, nắm lấy cơ hội và đặt mục tiêu phát triển đúng khả năng của mình. Óc tư duy luôn luôn buộc người ta nghĩ lại xem đã cập nhật được những điều mới mẽ hay chỉ khư khư ôm lấy quá khứ không đón nhận đổi thay tất yếu. Mọi thứ ngày nay đều thay đổi rất nhanh, khó có gì tuyệt đối đúng mãi mãi, lập luận cũng không thể theo chủ quan hay quá khứ mãi. Óc phê bình, biện luận thường không hài lòng với quá khứ, không cố giữ mô hình cũ, không để cho mình ngủ quên trên chiến thắng.
Nhưng, dù lập luận giỏi, thu hút dư luận đồng tình thế nào cũng không bằng lập luận xuất phát từ lòng thành thật, luôn luôn bao giờ thành thật thì mới có khả năng vững bền. Lập luận giỏi, nắm được nhiều kiến thức, thu được nhiều cảm tình công luận mà chủ trương lọc lừa, xảo trá, gian ngoa sẽ chuốc lấy thất bại. Tự nhiên mọi người cũng sẽ dần dần thấy ngay một nguyên lý chung, tính đứng đắn, chân thành, luôn luôn biết tôn trọng những quyền lợi người khác và giữ cho mình một sự chân thành tuyệt đối cùng với những người chung quanh mới nắm được quy luật tồn tại. Vì thế lập luận cho chân lý là một chuyện đương nhiên để thành công.
Để bảo toàn được thiên chức làm người của cá nhân là nguyên tắc đầu tiên, chính lòng chân thành là nêu cao nhân cách. Con người nếu sống trong xã hội, vấn đề chân thành càng phải được bảo toàn. Lập luận, nói năng, ứng đối để chung quanh khâm phục khởi phát từ tấm lòng thành thật, từ chuyện khâm phục lòng thành thật trong lập luận, mới có thể nói đến những vấn đề mật thiết lâu bền. Lập luận thành công chính là chân thành tuyệt đối và chỉ có tồn tại trong sự thật, mới đem đến chiến thắng thực sự trong đời.
Trong quyển sách tiểu thuyết lịch sử triết học của Jostein Gaarder “Thế giới của Sophie”, tác giả đã trả lời vấn đề mà mọi người đều cần phải quan tâm này bằng sự khẳng định của các triết gia: “Con người không chỉ sống bằng lương thực. Mọi người đương nhiên cần đến chúng. Lại nữa  tình yêu và lòng đôn hậu cũng thiết yếu vậy. Nhưng trong cuộc đời cần hơn những mảng thiết yếu đó, rất cần, đó là tự vấn và trả lời được: chúng ta là ai và tại sao chúng ta sống?”. Hạnh phúc khi được là chính mình, biết mình và sống theo ý mình, dĩ nhiên là loại trừ khả năng thác loạn và lối sống hai mặt bệnh hoạn. Trong khi phấn chấn, thành không, ít có người nào ngồi lại ngẫm nghĩ: “tôi là ai? Tại sao tôi có mặt trên cõi đời này? Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống tôi?”. Mải miết làm việc, bận rộn trách nhiệm, mê đắm vào bao cuộc vui đôi khi khiến ta quên luôn mục đích sống của mình và thái độ tự thân đi tìm hạnh phúc thật sự. Nếu mục đích sống của  tôi là sự giàu có thì tiền bạc là quan trọng nhất, nếu niềm vui của tôi là những cô gái xinh xắn dễ thương thì tôi sẽ chìm ngập trong sắc dục, nếu mục đích sống của tôi là thành đạt, địa vị, tôi sẽ miệt mài học tập và nắm lấy mọi cơ hội, vì có được một địa vị cao trong cuộc sống thì sự thăng tiến trong sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Thứ hạnh phúc thật sự có phải là sự hài lòng, thoả dạ mong chờ nơi những sự kiện trên đời mà ta đặt mục tiêu phấn đấu cho mình? Vậy khi tuổi già đếnm sức khoẻ suy kiệt, lâm cảnh bần hàn, hoá ra những đối tượng ấy là không hạnh phúc?
Thông thường, ta hay nhẫm lẫn cảm giác tuyệt vời của hạnh phúc và sự phấn chấn là hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự có thể được phản ảnh qua dữ kiện tâm thần tuy nhiên đắc hữu hạnh phúc không phải lèo lái thần kinh bằng ảo giác, á phiến hay loại thuốc kích thích nào đó cũng tác động cơ học thể lý. Tác giả Gérard de Nerval (1808-1855), người được biết đến như người bị chứng tâm thần phân liệt và tình trạng tâm thần định kỳ đã mô tả thế này: “Tôi đã cảm giác như thể tôi đã biết mọi sự và mọi sự đã tỏ hiện với tôi, tất cả những bí mật của thế giới tôi đã hiểu trong những giờ phút hạnh phúc”. Hạnh phúc không chỉ đơn thuần là những cảm giác biết mọi sự, yên trí mình biết mọi sự. Tất nhiên niềm vui của sự hiểu biết rất đáng trân trọng nếu không bị truy bởi ảo giác. Triết gia Công giáo Karl Jaspers (1883-1969) kể rằng, một lần có ai đó nói với ông: “Tôi thức dậy vào một buổi sáng với cảm giác tuyệt vời của việc được tái sinh. Niềm hạnh phúc thần linh ấy tôi đã cảm nhận được, cái cảm giác tràn ngập của sự hiện diện tự do đối với mọi sự thì thật là nhỏ nhoi.” Đó cũng chỉ là cảm nhận, với tới nhưng chưa thật sự là hạnh phúc bền vững. Dữ kiện hôm qua và hôm nay thay đổi nhiều, tâm trạng cũng không luôn tốt, vậy hạnh phúc nếu chỉ là sự hài lòng với dữ kiện có điều kiện thì hoá ra rất mơ hồ và yếu ớt.
Một bộ phận thanh niên nghiện ma túy hoặc nghiện rượu, hoặc bất cứ thứ gây nghiện nào khác cũng tìm thấy cảm giác đê mê, thần kinh kích động hưng phấn dữ dội nhưng tuyệt đối không phải là hạnh phúc. Khi dùng những chất gây nghiện này, có thể chúng ta có được cảm giác cực kỳ phấn khích, nhưng điều này nhanh chóng qua đi. Sự mất mát đi kèm với trí phán đoán và trí năng sắc bén thường kết thúc trong sự trầm cảm, tha hoá tâm thần. Quyến rũ của danh vị - sắc đẹp - thành tựu và sự hưng phấn ảo giác của á phiến chỉ là hạnh phúc ảo, ảo tưởng phù du của sự thỏa mãn tạm qua, nhất thời. Lại bởi, hạnh phúc giả tạo có thể đạt được một cách nhanh chóng theo sau đó là một cảm giác trống rỗng kiểm soát, thậm chí hậu quả bi thảm đi kèm.
Hạnh phúc không xuất phát từ của cải và danh tiếng. Tất cả cúi mình trước sự giàu có mà không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự bền lâu nơi vật chất. Theo bản năng, ai ai cũng tỏ lòng kính trọng của cải, tôn xưng kẻ lắm của thừa tiền. Hệ số đo lường hạnh phúc trần gian thường bằng của cải và sự an toàn tích trữ; và hình thái xã hội nào cũng đánh giá việc tôn trọng tư cách bằng của cải, khuyến khích làm ra của cải hơn là tạo lập hạnh phúc thật sự dựa trên những giá trị nhân văn, tâm linh. Không biết từ bao giờ, nhân thế có niềm tin sâu xa rằng với của cải, ta có thể làm mọi việc, Tiền bạc là quyền năng xã hội, là nhân cách xã hội và thước đo thành công xã hội. Hạnh phúc, tôi cho rằng không hệ tại loại triết lý vật chất thông dụng hiện đại: “nhiều, nhiều hơn nữa”- như tiền bạc nhiều hơn, thoải mái hơn, tự do tình dục hơn, kích động nhiều hơn hoặc ngay cả nhiều kinh nghiệm thống trị. Lòng tham vọng tạo cho con người cảm giác thiếu thốn và có nhu cầu bất tận. Người ta kêu gào tiêu thụ, tiêu thụ nữa, cánh kinh doanh than phiền khủng hoảng là do ít mua sắm, ít xài tiền. Thực hành theo loại triết lý này, trên thực tế luôn tạo nên bất hạnh. Triết lý “kiếm tìm nữa, xài nhiều hơn nữa”, “làm tới nơi, chơi tới bến, xài tới hết” lại luôn luôn không thể làm hài lòng tất cả. Người ta như đang khát trong sa mạc “uôn luôn muốn có nhiều hơn nữa, luôn luôn thấy thiếu thốn, luôn luôn có nhu cầu cạnh tranh”. Muốn kỳ nghỉ đắt đỏ, muốn ngôi nhà đẹp, một xe hơi sang trọng, một người phối ngẫu hoàn hảo. Cam đoan, kẻ có được tất cả những điều đó sẽ nói ra không chút ấp úng về niềm hạnh phúc ấy “không phải là hạnh phúc thật”. Thậm chí, kém hơn niềm vui của bà mẹ nghèo quét đường với điểm mười mới trong tập cô con gái nhỏ cấp 1 của bà.
Tất nhiên, hạnh phúc rất cần cho con người, là chất xúc tác cho cuộc sống lành mạnh. Người ta sẽ phấn chấn, hoạt động hiệu quả hơn khi thấy những nhu cầu của mình được đáp ứng đầy đủ và cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Song, khi tìm thấy giá trị của mình, tìm thấy hạnh phúc thật sự là động lực hoàn thiện nhân cách và các khả năng cá nhân.  Nhìn sâu hơn vào tâm hồn, sẽ thấy mỗi nơi chính mình nhiều những lúc như thế. Công tâm nhìn nhận trên số đông, việc tiêu dùng ngày càng tăng thì nhu cầu cá nhân được thỏa mãn, dường như chỉ số hạnh phúc đã đồng thời gia tăng qua các nghiên cứu xã hội học. Tuy nhiên, đàng sau những kẻ sang trọng, phía sau những toà nhà đầy đủ tiện nghi, những con người lịch lãm, sang trọng, hớn hở là sự thật về chỉ thất vọng dường như đã tăng lên và ở mức độ đáng báo động. Thử nhìn qua một nghiên cứu, cứ mười lăm người Mỹ thì có một người chịu đựng tình trạng trầm cảm nặng. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu được tiến hành gần đây do giáo sư Ronald Kessler thuộc Đại Học Y Harvard. Lần nữa, có thể khẳng định: vật chất thừa mứa, vũ khí tối tân, ngân hàng đầy tiền mặt, công nghệ đỉnh cao, sức mua sắm ào ào chưa đổi lấy được hạnh phúc. Những thứ thật sự quan trọng để tạo nên hạnh phúc bền vững thì không được bày bán tại chợ, không thể đổi chác trên hệ thống kiều hối, siêu thị và ngân hàng. Hạnh phúc thì không chỉ có niềm vui, sự ham mê vui thú, hay cảm giác được thỏa mãn. Hạnh phúc dường như nằm bên ngoài những thứ có thể đo lường, đong đếm hay cảm nhận được. Tiền tài vật chất và những biến cố trong cuộc sống theo đúng ý cá nhân cũng không bao giờ có thể được gọi là hạnh phúc đúng chất. Theo thiển nghĩ, hạnh phúc khó nắm bắt, nhưng lại trong tầm tay, khó nhìn thấy, sờ mó nhưng rất dễ bắt lấy. Vì, hạnh phúc phụ thuộc vào việc “tôi là” hơn là “tôi có”. Nếu mỗi người luôn được dạy dỗ những điều này tiệm tiến theo tuổi đời kể từ khi đến lớp đồng ấu, ắt hẳn niềm vui sẽ đến rộng rãi trong xã hội, và chúng ta luôn bắt gặp thường trực nụ cười trên gương mặt người trên phố từ chị lao công quét chợ đến bác giám đốc nhẵn bóng.
Hạnh phúc từ nhận thức bản thân không phải cảm giác thỏa mãn thuần túy và nhất thời của người sống trên mây trên gió. Thỏa mãn là cảm nhận bản năng sinh học. Hạnh phúc là cảm nghiệm tâm linh, văn hóa và thẩm mỹ. Những giới hạn thấp của va chạm xác thịt, vật chất và công nghệ làm cho con người thỏa mãn bản năng nhưng không làm cho con người hạnh phúc, bởi vì chỉ cần nhìn lên những giới hạn cao hơn, họ sẽ đau khổ. Thỏa mãn bản năng bằng thói quen phụng sự các giác quan cơ thể chỉ làm tăng nhu cầu xác thể, do đó con người không phát triển tới hạnh phúc thật sự dù bề ngoài họ vượt hẳn số đông. Càng thỏa mãn một cách giản đơn như vậy bao nhiêu thì chỉ xác lập sự chậm phát triển càng rõ rệt bấy nhiêu. Hạnh phúc là năng lực biết thưởng thức và gìn giữ cho bền vững tất cả những gì tạo ra niềm vui chân chính, tiến bộ. Và hành trình tìm kiếm hạnh phúc chính là cuộc trường chinh chiến đấu với nhu cầu xác thể, phá vỡ mọi sự thoả mãn đơn giản.
Hạnh phúc không phải là một khái niệm túc thể bản năng, nhưng là một bản thể văn hóa chiều sâu, tiêu chuẩn cho sự đúng đắn của con người trong đời sống. Theo tôi, hạnh phúc chân thật đi từ lẽ phải tâm hồn của mình khi biết chủ động, biết rõ lộ trình sống, lộ trình làm việc, lộ trình cống hiến, lộ trình thưởng thức cách hợp lý tất cả những yếu tố mà cuộc sống đem lại. Càng biết chịu trách nhiệm trước cuộc đời, càng biết sống hài hoà với môi trường, với tha nhân bao nhiêu, thì cho đến cuối cuộc đời, con người sẽ tìm đến một miền triển vọng mới, đó là hạnh phúc túc linh nơi Thượng Đế. Miền hy vọng lớn nhất và vô tận nhất của con người chính là đạt tới sự hiểu biết mình, biết người và biết mệnh trời. Sống hạnh phúc là cảm nhận bình an từ giây phút hiện tại cho tới trước từ giã cuộc sống một khắc. Niềm tin vào hạnh phúc là niềm tin rằng sẽ đến một miền cao thượng hơn cái miền đã có trong quá khứ, trong hiện tại. Hành trình đi tìm hạnh phúc, sống với hạnh phúc thật sự là con đường mỗi ngày đi vào các miền cao thượng của đời sống con người, tương lai đầy triển vọng và tự do.
Nguyễn Văn Thượng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...