Người tình của Trịnh Công Sơn
đối nghịch hoàn toàn với người tình của Phạm Duy. Ở Phạm Duy dù là “Sống
trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên dòng sông Danube” thì người tình của
ông luôn có da có thịt hẳn hoi. Còn Trịnh Công Sơn, người tình của ông được phật bà tạo hình bằng những cánh sen hồng
như bà đã từng làm thế cho thái tử Na Tra. Vì vậy Trịnh Công Sơn luôn phải nhẹ
nhàng với người nữ như người mẹ nâng niu đứa con yêu quý của mình. Và chúng ta
không ngạc nhiên khi ông rất thích hát ru cho nàng ngủ như một người mẹ hiền.
“Rừng đã cháy và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi”
Ngay cả khi nàng không buồn ngủ, nàng đang “hong tóc bên hồ”
nàng đang đứng chơi “bên đầu cơn gió”, ông vẫn rộn lên niềm âu yếm và ông muốn
ru nàng vào cơn mơ đẹp của “Nụ đời ơi thơm quá”
Nhưng người nữ của ông
có bao giờ có thật?
Ông chờ đợi một người
“là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm.”
Người nử thánh thiện “thơm ngát hương trầm” ấy đâu có nhiều
và luôn “dìu dặt đến quanh đây” vì vậy suốt đời ông cứ phải miệt mài đi tìm, miệt
mài chờ đợi...
“Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng,
tìm trong sương hồng trong chiều bạc mênh,
trăng tàn nguyệt tận,
chưa từng tuyệt vọng đâu em.”
Trên đường đi tìm ông cũng từng gặp những “đôi môi lửa cháy”
muốn trói đời ông vào “mùi son phấn người”, nhưng rồi trong sâu thẳm trái tim,
ông vẫn thấy con đường đi tìm còn ngút mắt.
Người tình cô đơn lại tiếp tục lên đường.
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi”
Có lẽ người nữ mà ông đi tìm
không có thực trên cuộc đời này. Ông yêu họ lắm nhưng họ không thể lấp đầy
nổi cô đơn trong trái tim mênh mông hoang vắng của ông.
“Có đường phố nào vui
Cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai
Và như thế suốt đời ông vẫn mơ hoài một bóng hình có thể cùng
ông
“Có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao
Đến đêm ngọt ngào”
Rồi một hôm
Ông “ngộ“ ra rằng “em” chính là “đóa sen hồng một độ” “Em” là “trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh”
“Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên”
Rồi khi “chút tình mới chớm đã viên thành” cũng là lúc ông
đau đớn chia lìa “em” như “chia lìa “một
chút mây phù du” Vì em là hoa, em chỉ ”ra đời đùa vui trong phút giây” và thoáng chốc em sẽ “rụng mát trong bình minh”.
Dù sao ông cũng đã
thành chánh quả trong tình yêu khi trái tim độ lượng của ông cuối cùng
hát lên rằng:
“Yêu em yêu thêm tình phụ
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”.
Trịnh Công Sơn, ông là
người tình dễ chịu nhất trên cõi đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét