Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Thám hoa - Con bướm vàng tuyền


Thám hoa - Con bướm vàng tuyền
Trong tâm tưởng của tôi, thi sĩ Nguyễn Bính là một người có dáng gầy, vóc nhỏ, gương mặt nhẹ nhõm với đôi mắt sáng, tinh anh, mũi dọc dừa và cái miệng cân đối. Tóc Nguyễn Bính không bao giờ để dài. Áo quần Nguyễn Bính thường có màu sáng. Ông đi lại nhanh nhẹn, nhiều khi vội vã. Gương mặt Nguyễn Bính là một gương mặt ưa nhìn bởi trong đó chứa đựng chiều sâu của nhiều ý nghĩ và sắc mặt thay đổi theo tâm trạng thất thường của ông.
Nhà thơ Nguyễn Bính

Ảnh: baodanang.vn

Với những người đàn ông, Nguyễn Bính là người biết giấu mình. Song, đối với phái đẹp, tâm hồn Nguyễn Bính luôn rộng mở và phô bày. Cũng như vậy, Nguyễn Bính có giọng nói không êm tai đối với những người đồng giới, đồng trang lứa. Nhưng, đối với phụ nữ, trong giọng nói của Nguyễn Bính có sự thủ thỉ đặc biệt, nhất là giọng đọc thơ, đầy quyến rũ.
Tướng mạo của Nguyễn Bính cho thấy, ông không làm quan được, cũng như ông không thể ở lâu được một chỗ hoặc làm một việc gì lâu dài. Bởi số kiếp ông sinh ra để làm thi sĩ. Cái nghiệp văn chương vận vào ông một cách tự nhiên. Ông luôn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với lộc trời. Khí thiêng cỏ cây và đồng đất tích tụ, hòa nhập vào ông khiến ông có sự mệnh cất lên giọng nói của làng quê cổ điển Việt Nam. Trong giọng nói ngọt ngào và trong trẻo ấy, ta nghe thấy tiếng gió, tiếng mưa, tiếng lá trên nền của làng quê phủ đầy cây xanh mái rạ. Đồng thời, Nguyễn Bính còn là một họa sĩ kì tài. Những ai bị mất, những ai muốn hồi tưởng hồn quê, chỉ cần nhớ vài câu thơ lục bát của ông, sẽ trở nên như có phép thần, thoắt một cái, đã trở về làng, nơi mình cắt rốn chôn rau cách đây hàng thế kỷ.
Chưa bao giờ Nguyễn Bính giàu. Ông luôn có nhu cầu tiền cho những chuyến đi, cho những tặng phẩm đối với phụ nữ. Giữa những nhu cầu về vật chất và những khát vọng về tình yêu, về cuộc sống, về thẩm mỹ và giải trí, Nguyễn Bính luôn biết cách điều chỉnh để tồn tại. Điều này được ông thể hiện rất rõ trong thơ. Đọc Nguyễn Bính, người đọc có thể tìm thấy một sự cân bằng cho bản thân. Đây có lẽ là một phần lý giải sự mê thơ Nguyễn Bính của người Việt Nam.
Một lần, bạn tôi, nhà thơ Lê Minh Quốc gợi ý, nên viết một cái gì về hình ảnh con bướm trong thơ Nguyễn Bính. Lời gợi ý rất hay. Song, nó như cái dằm cắm vào tôi. Phân vân mãi, nay mới bắt tay vào viết, cũng là để nhổ cái dằm ra.
Trong thơ Nguyễn Bính có rất nhiều hình ảnh làng quê: dậu mồng tơi, hàng cau, vườn trầu, bến đò, cô gái quay tơ, người hàng xóm... Nhưng hình ảnh con bướm cứ bay đi bay lại trong thơ ông đến hơn chục lần. Thậm chí có bốn bài thơ Nguyễn Bính đều sử dụng con bướm như hình ảnh trung tâm của tác phẩm. Đó là các bài Truyện cổ tích, Hương cố nhân, Hết bướm vàng, và Người hàng xóm. Tất nhiên, trong mỗi bài, hình ảnh con bướm lại hiện ra ở những cung bậc tình cảm khác nhau.
Nguyễn Bính làm thơ từ rất sớm. 18 tuổi đã viết Chân quê nổi tiếng, bộc lộ tình yêu của một anh trai làng đối với cô thôn nữ. Song, tình yêu trong Chân quê chỉ mãi là những rung động đầu đời của thi sĩ. Nhà thơ yêu từ xa, thương thầm nhớ trộm. Yêu mà không dám nói. Một tình yêu lý tưởng. Đóng khung người yêu trong quan niệm bất biến, để tự chuốc lấy những hờn dỗi âm thầm. Những rung động đầu đời ấy phát triển dần qua những Thời trước, (1936), Lòng yêu đương (1937), Chờ nhau (1937)... Đến 1938, Nguyễn Bính viết Truyện cổ tích. Đây là câu chuyện do Nguyễn Bính tưởng tượng, kể theo lối dân gian, nhưng bằng thơ, khá ngắn gọn:
Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén tài mơ Điệp lang khoa
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.
Trong lối thi cử xưa, đậu Thám hoa chỉ là thứ bậc ở hàng thứ ba, sau Trạng nguyên và Bảng nhãn. Song, dù sao, đó cũng là một trong ba vị trí danh dự của Tam khôi. Là thi sĩ đích thực, Nguyễn Bính không thích làm quan. Làm thơ là công việc yêu thích nhất của ông. Và thi sĩ chỉ cần có giai nhân là đủ. Và có lẽ, theo hệ lịch phương đông, "bính" là vị thứ ba trong thiên can. Nguyễn Bính biết mình biết người nên chỉ mơ đậu ở hàng thứ ba? Chợt nhớ tới nhân vật kiến trúc sư-trung úy Kerghenxev, nhân vật chính trong tác phẩm "Trong chiến hào Xtalingrad" của nhà văn Nga V. Nhecraxốp, khi nhớ lại thời hòa bình, mỗi lần vào rạp hát, anh chỉ thích ngồi ở hàng ghế thứ ba. Vâng, chỉ ở hàng thứ ba-những con người ấy có lẽ đã sớm học được một bài học trong nghệ thuật sống vốn đầy khó khăn? Giữa những bậc thang cuộc đời, nghệ sĩ không nên "lộ sáng" nhiều Nguyễn Bính mơ giấc mơ trần gian: Vợ chồng đi chơi, lạc lối về... Bỗng một bà Tiên hiền hiện ra. Bà tiên phúc hậu rủ: Về tạm nhà ta ngủ với ta/ Có đủ chăn thêu cùng gối gấm/ Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa... Và thi sĩ hào hùng tưởng tượng:
Đêm ấy chăn êm và gối êm
Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên
Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hóa làm anh, vợ hóa em.
Theo quan niệm dân gian phương Đông, một đôi bướm là hình ảnh của hạnh phúc đôi vợ chồng. Nhưng đối với đời thi sĩ, hạnh phúc luôn ở trạng thái mờ ảo, khó nắm bắt, chỉ là hình ảnh viên mãn trong tưởng tượng. Và hạnh phúc trong mơ thường nhanh tan biến. Trong phần lớn thơ mình, Nguyễn Bính thường viết về những số phận dở dang, những mối tình đứt đoạn, chia ly, gần gũi với đời sống tình cảm của số đông. Một trong những yếu tố khiến thơ ông dễ nhớ, dễ thuộc là, ông thường dựng lên những cốt truyện đơn giản rồi kể bằng thơ, gửi gắm tâm sự của mình. Trong bài Hết bướm vàng, thi sĩ kể chuyện mình trồng hai vườn cải. Tháng chạp, cải nở hoa vàng. Bướm kéo đến. Đó là tín hiệu của trái tim thi sĩ gọi mời cô gái sang bắt bướm. Mối thân tình vừa mới nhen thì mùa hoa cải tàn, bướm không đến nữa và cô gái không sang. Một khoảng lặng giữa chuyện. Sang năm, hoa lại nở, bướm lại đến nhưng vắng bóng hình cô gái:
Em đã sang ngang với một người
Anh còn trồng cải nữa hay thôi?
Đêm qua mơ thấy hai con bướm
Khép cánh tình chung ở giữa trời.
Đó là vẻ đẹp của sự thất tình, của nỗi tuyệt vọng, của cái chết. Một cái chết dịu dàng trong tâm hồn, nhẹ nhàng thăng hoa giữa trời.
Nếu Trang Tử mơ thấy mình hóa bướm thì ngược lại, trong "Truyện cổ tích" Nguyễn Bính lại mơ thấy bướm hóa mình. Không yêu được nhau ở kiếp này thì tình duyên sẽ trả nợ nhau ở kiếp khác, cho dù kiếp khác ấy ở thế giới bên kia. Ở đây chúng ta thấy quan niệm của Nguyễn Bính có nguồn gốc sâu xa từ dân gian: khi con người chết, hồn hóa thành bướm. Không hề xa lạ hay có gì kinh sợ, những con bướm quẩn quanh bên người, trong khu vườn, nhởn nhơ trước sân nhà...
Cuộc đời của con bướm luôn chuyển động và biến hóa. Tuổi thơ là con sâu, trưởng thành là con sâu lớn, về già hóa thành con nhộng, kén nhộng là quả trứng. Và con bướm từ đó sinh ra. Người ta còn gọi kén nhộng là nấm mồ và con bướm nở ra, tức hồi sinh, bay lên khỏi mộ. Trong thơ Nguyễn Bính, khi con bướm đã được hồi sinh, nó có một sức sống diệu kỳ.
Trở lên ta thấy, những con bướm đều là bướm vàng. Những con bướm vàng ta thấy thường rất giản dị. Cái đẹp giản dị. Trong hội họa, màu vàng tượng trưng cho sự ngưng đọng, yên tĩnh, một màu tỏa xung quanh nhiều sức mạnh. Trong khao khát của mình, lúc sống cũng như khi chết, dù là trong cõi mơ, Nguyễn Bính luôn mong muốn rơi vào trung tâm của hạnh phúc. Nhưng trời ít lần cho ai được như ý, thường bắt con người phải luôn vất vả kiếm tìm.
Ít lâu sau, vào năm 20 tuổi, Nguyễn Bính viết bài thơ tuyệt vời Người hàng xóm. Cũng như nhiều bài thơ khác của ông, những nhân vật trữ tình trong thơ ông đều có cá tính hướng nội, muốn bộc lộ tâm trạng thường phải vin vào sự vật nào đó. Điều đó phần nào thể hiện tâm tính kín đáo của người Việt chúng ta. Trong bài thơ này, con bướm mang màu trắng. "Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng thường sang bên này". Con bướm trắng đóng vai trò sứ giả, người liên lạc, sợi dây thông tin giữa hai người. Tuy là hàng xóm láng giềng, nhưng hai người là hai khối cô đơn khép kín. Hai người sống giữa cô đơn/ Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi. Không phải vô tình mà Nguyễn Bính chọn sứ giả là con bướm trắng trong hoàn cảnh này. Theo các nhà phân tích hội họa, màu trắng có một sức mạnh khác thường. Sự xuất hiện của màu trắng như một giá trị làm trung hòa các yếu tố độc lập. Màu trắng có vai trò như một sợi dây vô hình nối kết các thành viên lại với nhau. Một bức tranh tình yêu đẹp không thể thiếu màu trắng. Mặt khác màu trắng cũng tạo nên cảm giác mềm mỏng, thuận hòa. Họa sĩ trừu tượng người Nga Kandinxki viết: "Màu trắng tác động tới tâm hồn chúng ta như là một trạng thái yên tĩnh tuyệt đối"...
Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang
Câu thơ bộc lộ trạng thái tuyệt vời của trái tim đang yêu. Con bướm trắng bay trên nền tơ vàng gợi hòa sắc thanh bình, no ấm của làng quê. Đó là khung cảnh đồng lúa chín vàng mênh mông và bên trên là những đám mây trắng bồng bềnh trôi.
Có thể nói, với thân hình nhẹ nhàng, với vẻ đẹp duyên dáng, với những đường bay bất ngờ, tinh tế, hình ảnh con bướm vấn vít, quấn quyện với từng từ, từng chữ, từng câu trong thơ Nguyễn Bính, hình bóng nó thấp thoáng trong mọi cung bậc tình cảm của nhà thơ. Đây là cảnh thơ mộng thấm đượm hương thơm tuổi học trò.
Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cửa mới tan mơ.
(Trường huyện - 1938).
Nguyễn Bính còn tưởng tượng hình bóng con bướm trong ánh mắt người yêu. Cách đập cánh của con bướm mang dáng hình ngọn lửa. Thi sĩ lên kinh thành, giữa sự ồn ào và lạnh lẽo của chốn phồn hoa, vẫn mong mỏi ánh mắt có bóng hình con bướm ấm áp như ngọn lửa của người gái quê trinh trắng, hiền hậu nuôi tằm dệt vải:
Cành dâu cao, lá dâu cao
Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em
Anh đi đèn sách mười niên
Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành?
(Bóng bướm)
Nếu Hàn Mặc Tử yêu trăng như một bệnh lý thì Nguyễn Bính yêu bướm như một tình cảm bẩm sinh. Nhưng chắc chắn Nguyễn Bính cũng ý thức được tình yêu đặc biệt này. Hồn thơ ông dồi dào, rộng rãi, cao sâu, thoáng đãng và phóng túng như thiên nhiên nên bất kỳ ở chỗ nào trong thơ ông, ta đều vô tình bắt gặp một cánh bướm. Tuy nó bé bỏng nhưng lại mang thông điệp lớn về cuộc đời, về tính cách, về số phận của nhà thơ cũng như nội dung chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật của thơ ông. Cũng tương tự một gen trong phân tử ADN chứa đựng thông tin toàn bộ một cơ thể. Thi sĩ chân quê thật tâm lý và tinh tế khi dùng hình ảnh con bướm bên đóa hoa để miêu tả những xúc cảm và ý nghĩ của người thiếu nữ chớm bước vào tuổi dậy thì:
Rồi một ngày qua, một tháng qua
Một năm qua nữa, tuổi mười ba
Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi
Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa
(Mười hai bến nước)
Bông hoa là biểu tượng trung tâm của sự sống. Người thiếu nữ cũng là nguồn sống tràn trề. Người thiếu nữ má đỏ hồng đứng lặng đi, mê mẩn ngắm nhìn bướm ủ hoa là một khoanh khắc vĩnh cửu, đầy ấn tượng, một bức tranh tuyệt mỹ, một khuôn hình không thể nào quên và, từ chiều sâu, vang lên một giai điệu thánh thiện. Đó là món quà vô giá mà Nguyễn Bính tặng chúng ta với lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống của ông.
Trong số những loài vật có cánh quanh ta, con bướm là kết tinh của sự duyên dáng và nhẹ nhàng. "Cánh bướm bay mang một làn sương mỏng". Thi sĩ Lê Minh Quốc đã viết một cách ấn tượng như vậy. Bí ẩn và mong manh. Thực và ảo quyện chặt. Nhưng ngoài những điều ấy, trong thơ Nguyễn Bính, đường bay của cánh bướm còn trở thành mẫu mực cho cái đẹp. một cái đẹp đầy nữ tính. Nhìn ngắm cái đẹp ấy, ta phát hiện ta sự tinh tế trong trẻo ở từng đường nét. Đồng thời, một người thấu nhân tình như thi sĩ còn thấy rõ những cái duyên rất đời, rất đàn bà:
Chim ca buổi sáng khuyên nàng học
Bướm dạy nàng thêu, gió dạy đàn
Con bé tài hoa, chim nhắn bướm
Gió truyền lời bướm xuống nhân gian.
(Mười hai bến nước).
Trên bước đường như dòng sông của Nguyễn Bính, không phải lúc nào cũng gặp yên ả, bằng phẳng. Sông có khúc, người có lúc. Trôi theo dòng đời, thi sĩ thường gặp phải sự giá lạnh của tâm hồn mình, sự vô tư, thờ ơ của đời. Trong những lúc thu mình lại như vậy, Nguyễn Bính, ngoài việc dùng hình ảnh ca dao, còn dùng hình ảnh bướm và hoa để diễn tả thân phận mình.
Năm 1939, nằm dài ở làng Hoàng Mai, một làng ngoại ô phía nam Hà Nội, thi sĩ thao thức:
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
(Tương tư)
Khuê các là nơi ở của người con gái trong cung. Xa lắm và cao lắm. Nguyễn Bính lúc này, tứ cố vô thân, nghĩ mình phận mỏng như cách bướm, cánh bướm giang hồ. Lâu nay, từ giang hồ bị biến nghĩa, trở thành như một tính từ, như một sự khinh miệt: Bọn giang hồ, ả giang hồ... Song, thực ra, đó là từ dùng dể chỉ sự không có chỗ nương thân, cái hư phù luôn biến động. Cuối bài thơ trên, Nguyễn Bính hỏi lại lần nữa nhưng không có câu trả lời. Một nỗi chờ đợi tuyệt vọng. Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào? Tuyệt vọng nhưng không bi quan. Bài thơ kết thúc nhưng gieo vào lòng người nỗi buồn ấm áp. Đó là âm hưởng chung của thơ Nguyễn Bính. Phải chăng, chính vì thế nên hơn nửa thế kỉ nay, thơ Nguyễn Bính trở thành một trong những nơi trú ngụ của nỗi buồn người Việt?

Tháng 9 năm 1941, Nguyễn Bính đến Huế. Lâu nay có một người du khách/ Gió bụi mang về xóm Ngự Viên. Thế thôi, không công hầu, không danh sĩ, chỉ là một du khách, như lá, như cánh bướm, như hạt bụi, bị cuốn theo chiều gió đến cố đô. Thi sĩ khiêm nhường trọ ở xóm Ngự Viên - ông kể - "đó là xóm nhỏ ở cạnh đường Gia Hội, ngày xưa là khu vườn Thượng Uyển". Khu vườn của nhà vua bây giờ ra sao?

Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng.
(Xóm Ngự Viên)
Lời trách như lời ăn tiếng nói hàng ngày của một người đàn ông từng trải, từng có những kỉ niệm đẹp với cỏ cây, từng có những mơ ước, khao khát về cái đẹp vĩnh hằng. Con bướm cánh nghiêng nghiêng chính là bóng dáng thi nhân lách mình tìm lối giữa những vô tâm của thói đời và phũ phàng thời gian. Cái nghiêng nghiêng làm se mắt, se lòng trước sự tàn tạ của cố đô. Chắc con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa ngày trước không ngờ cuộc về nguồn của mình lại diễn ra trong cảnh này.
Nguyễn Bính đến Huế trong những ngày cố đô mưa dầm dề "cứ kéo dài ra đến mấy ngày" khiến ông phải chịu cảnh "nằm mốc ở nơi đây/ Thuốc lào hút mãi ngươi ra khói/ Túi rỗng nợ nần hơn chúa Chổm/ Áo quần trộm mượn, túng đồ thay/. Trong cảnh cơ hàn đó, Nguyễn Bính nhớ kỷ niệm xưa cùng cô bạn nhỏ tên Nhi ra vườn nhặt hoa cam cất nước hoa. Kỷ niệm nhạt phai theo thời gian. Trong cảnh mòn mỏi Giữa lúc nắng không tươi đẹp nữa/ Hoa không buồn thắm bướm không bay/ thi sĩ hình dung:
Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương say.
(Hoa với rượu).
Cả khi viết về người phụ nữ rơi vào cảnh bất hạnh, Nguyễn Bính cũng liên tưởng đến hình ảnh thân yêu của mình:
Chị bây giờ... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang
(Lỡ bước sang ngang).
Bướm là loài vật lãng du. Như Nguyễn Bính, cả cuộc đời là những chuyến đi. Đi như thời gian, như những mùa đắp đổi. Những con đường, những miền không gian xa xôi luôn cất lên tiếng gọi giữa gió và bụi.
Nhà thơ Ấn Độ Tagore (1861-1941) đã viết: "Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa trên bờ giậu ven đường". Tất nhiên, ta bỏ quên cả những cánh bướm. Đó là những tặng vật của thiên nhiên, tinh hoa của đất trời, khiêm nhường và gần gũi, chấp chới, lung linh những vầng sáng bí ẩn.

Suốt tuổi thơ tôi, cơn bướm thơ Nguyễn Bính bị xua đuổi. Cùng thiếu thốn nhiều thứ khác, tuổi trẻ thế hệ tôi không được thưởng thức thơ Nguyễn Bính. Khi đã đứng tuổi, chúng tôi mới được đến cánh đồng thơ ông. Và hạnh phúc sao, được gặp những đàn bướm...

Con bướm trong thơ Nguyễn Bính, khi bay lượn, lúc đứng im. Đôi lần, ta cảm thấy bắt được nhưng nó luôn biến ảo. Nó đậu một chỗ cho ta ngắm nhìn rồi đột ngột vỗ cánh bay đi. Nó bộc lộ rõ ràng dưới ánh nắng rồi bất ngờ giấu mình giữa không gian. Theo cánh bướm, ta đi dạo trong thế giới tâm hồn của thi sĩ chân quê. Cách bướm dẫn ta vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ đồng nội. Giữa con bướm và ngọn lửa có những nét tương đồng. Màu sắc và cách đập cánh của con bướm gợi nhớ đến ngọn lửa. Với cánh bướm-ngọn lửa trên tay, bạn có thể bước vào cánh đồng thơ Nguyễn Bính. Cánh bướm ấy có thể giúp bạn thăm dò, khám phá thơ và tác giả; có thể như những nhịp cầu nối những cảm xúc tản mạn trong tâm hồn bạn và trong tác phẩm của nhà thơ; có thể khiến tâm hồn bạn đồng nhất với tâm hồn Nguyễn Bính, đồng nhất những tâm hồn thuần Việt; có thể giúp tâm hồn bạn rộng mở một cách sâu sắc hơn với làng quê, với cuộc đời; và cũng có thể, cánh bướm-ngọn lửa ấy, làm âm vang, làm rung lên trong bạn những cảm quan thẩm mỹ, hội tụ những cảm xúc khiến bạn tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trong việc tìm hiểu một thế giới khác, một con người khác.

Sao Nguyễn Bính không nói nhiều đến chim và ong? Đối lập với rắn tượng trưng cho trần gian, chim là biểu tượng cho một thế giới trên cao. Đương nhiên, một thi sĩ bình dân như Nguyễn Bính không thích thế giới ấy. Về ong, đó là những con vật cần cù, có tổ chức, có kỉ luật chặt chẽ. Hình ảnh thế giới công chức ấy sẽ là địa ngục đối với nhà thơ. Trong thơ Nguyễn Bính có đầy màu sắc phong phú của một thế giới bình thường: anh lái đò, cô hái mơ, người hàng xóm, kẻ lỡ bước, cô gái điếm, khách làng chơi...


Nghĩa là có toàn bộ cuộc sống với những thực tại của nó. Trong thế giới cát bụi ấy, con bướm Nguyễn Bính vô tình bay tới, đánh thức những tiềm ẩn xa xưa trong vắt ở tâm hồn mỗi người, khiến họ trông lên, thấy ánh sáng. Thuở trước loài hoa chửa biết cười/ Vô tình con bướm trắng sang chơi/ Khác nào tôi đã sang chơi đấy/ Rước bướm dừng chân, hoa hé môi/. (Hương, cố nhân).

Ở phương Tây, có khi nói về sự phức tạp của khí hậu, có một hình ảnh đã thành nổi tiếng, cái đập cánh của một con bướm ở vùng Amazon (Braxin), nếu có những điều kiện thuận lợi, có thể gây ra một cơn bão trên bờ biển Bretagne (Pháp) một năm sau. Cách đập cánh của con bướm thật diệu kì. Chỉ một lần đập cánh, chúng có thể bay lượn lâu trên không. Trong mười năm gần đây, thơ Nguyễn Bính đã được in lại hàng chục lần với số lượng hàng vạn bản. Ngoài ra, nhiều cuốn hồi ký về nhà thơ, nhiều sách phân tích, bình giảng thơ Nguyễn Bính cũng đã đến với người đọc. Thơ Nguyễn Bính được phổ nhạc, các nhạc sĩ trong nước và hải ngoại cố gắng trình bày, gọi ra được cái hồn quê trong thơ ông, cũng tức là trong mỗi chúng ta. Thậm chí có nhà thơ viết theo phong cách Nguyễn Bính và có những thành công nhất định: nhà thơ Phạm Công Trứ với những tập Lời thề cỏ may là một ví dụ.

Cuộc sống ngày càng gấp gáp. Những đường phố mọc lên xâm lấn đồng ruộng, làng quê. Hương lúa hồn làng ngày càng rời xa chúng ta. Người nông dân Nguyễn Bính đã sống, đã dạy và đã trả cho chúng ta chút hồn quê nguyên thủy, xanh tươi. Thơ Nguyễn Bính ngày càng có sức hút mạnh hơn. Cây sẽ xanh, hoa sẽ nở và bướm sẽ về bên khung cửa nhiều hơn. Nguyễn Bính thành người thiên cổ cách đây hơn ba mươi năm rồi. Song, theo tín ngưỡng dân gian, con bướm tượng trưng cho linh hồn người đã khuất. Những thuyết phân tâm học hiện đại cũng thấy ở con bướm một biểu tượng của sự tái sinh. Còn gì đẹp hơn, trong nắng xuân, ta gặp đôi bướm đang bay lượn trong vườn nhỏ trước nhà.

Đoàn Tuấn

Theo http://tapchisonghuong.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...