Phật giáo là hình thái ý thức xã hội, ra đời
phát triển, tồn tại song song với sự phát triển của loài người. Trong quá
trình đó, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, xã hội, đến tâm
lý, đạo đức, phong tục tập quán của nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới trong
đó có Việt Nam.
Không chỉ phản ánh trung thành thế giới tâm linh của con người,
Phật giáo còn mang lại cho chúng ta niềm hứng khởi và sức sáng tạo vô tận bởi một
nền văn minh quyến rũ mê hoặc của thế giới phương Đông huyền bí mà tiêu biểu của
nó là kiến trúc chùa, tháp... Đứng trước những công trình kiến trúc Phật giáo ấy,
dù bất cứ ai cũng đều có một cảm nhận trọn vẹn rằng những công trình nghệ thuật
đó đều là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa điêu khắc và hội
họa của một nền nghệ thuật đượm chất men Phật giáo.
Hình ảnh ngôi chùa đã trở nên gần gũi thân quen với tất cả mọi
người dân Việt. Dưới mái chùa cong nghiêng, vút nhọn, ẩn mình khiêm nhường dưới
lũy tre xanh, muôn mặt đời sống tinh thần của người dân vùng lúa nước đã được
tái diễn. Mái chùa không chỉ chứng kiến lời thề nguyền chung thủy của đôi
trai gái tuổi đương thì mỗi khi xuân đến:
Nhớ ngày mùng bảy tháng ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy
Hội chùa Thầy có hang Cắc cớ
Trai chưa vợ, nhớ hội chùa Thầy [1]
Nó còn là nguồn vui sống, điểm tựa tâm linh tinh thần cho con
người ta sau cả một kiếp phong ba với bao đắng cay, hệ lụy của cõi bi hoan ly hợp:
Trên đường cát mịn, một đôi cô
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt niệm Nam mô [2]
Sinh thời, nhà thơ lớn của Trung Quốc là Vương Duy thường được
gọi là “thi Phật”. Đọc thơ Ông, bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội cũng đều hiểu
được triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn chứa đằng sau mỗi con chữ. Với Ông cửa Phật,
chốn Thiền môn không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo, giúp Ông thăng hoa mọi cảm
xúc sâu kín nhất của tâm hồn, mà nó còn là nơi chở che cho con người ta những
khi lầm lỡ, và nâng đỡ tất cả mọi chúng sinh trong những cơn giông tố của cuộc
đời:
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự - đường đời nhiều nỗi thương
tâm
Bất hướng không môn hà xứ tiêu? - không nương cửa Phật biết
ngày nào nguôi? [3]
Người xưa quả thật chí tình, chí lý khi đưa ra lời nhận định:
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Khi “vàng son đương lộng lẫy buổi chiều
xanh” hỏi có mấy ai lặng lẽ nhìn hoàng hôn buông xuống mà đoán định được buổi
thất cơ lỡ vận? bước thất thế sa cơ?. Vì thế đối với bậc thức giả thì “chọn
quan không bằng chọn Phật” là cách lựa chọn thông tuệ nhất. Khi “khóa tu tập
cai nghiện game Online’’ được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vĩnh
Phú, biết bao cậu ấm, cô chiêu của đất Tràng An đã tự giác lên chùa”cai nghiện”
để tránh xa những cạm bẫy ngọt ngào. Các bậc phụ huynh thì hỉ hả và an tâm vô
cùng khi thấy con em mình lại có được phương pháp tư duy ngược chiều Noron thần
kinh như vậy. Thì ra, đã bao lâu nay chính bản thân con em họ đã bị “bội thực”
văn hóa phương Tây mà họ không hề hay biết. Ngành kỹ nghệ truyền thông, giải
trí của thế giới phương Tây quả thật đã có tác dụng nhất định khi thỏa mãn thị
hiếu của người xem, nghe, đọc. Thế nhưng nếu càng đi sâu vào nó giới trẻ càng
trở nên mất phương hướng, thụ động. Cảm giác như bơi đi trong cái thế giới ấy
mênh mông, không biết đâu là bến, bờ và con người ta không biết phải chết đuối
lúc nào vì kiệt sức; khiến một bộ phận giới trẻ tìm về các giá trị văn hóa tinh
thần mà họ tìm thấy chỉ có ở Phật giáo. Lên chùa họ được chấp tác làm các công
việc có tính chất vận động cơ bắp giúp tăng cường sức khỏe. Lên chùa, họ được
thở, được Thiền với chính nguồn năng lượng tâm linh quý báu của mình giúp tinh
thần minh mẫn, khí lực ôn hòa. Và như thế, mái chùa mặc nhiên là một trung tâm
giáo dục ý thức cộng đồng, giáo dục tình thương, tính tự giác, lòng chung thủy
sắt son, giáo dục những chuẩn mực đạo đức - nền tảng căn bản của xã hội:
Ngày xuân đi hội lễ chùa
Nam thanh nữ tú bỏ bùa cho nhau
Ước duyên, duyên thắm trầu cau
Ước tình, tình mãi một màu thủy chung [4]
Yêu nhau không chỉ để yêu. Tình yêu còn phải mang theo trên
mình nó bổn phận, trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, gắn liền với nó luân lý
của đạo làm người. Vì thế khi đám cưới của nam diễn viên gạo cội Lương Triều Vĩ
- Trung Quốc, diễn viên nữ chính trong bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” - Hồng
Ánh và cây hài Thúy Nga - Việt Nam cùng nhiều các đôi bạn trẻ khác được tổ chức
tại chùa đã có tác dụng tích cực về quan niệm hôn nhân của một số bạn trẻ.
Ảnh: Bảo Thiên
Thời Pháp thuộc, vì mục đích chính trị người Pháp đã dùng mọi
biện pháp để triệt hạ sự phát triển của Phật giáo. Bởi vì, khi người dân càng
tu học Phật thì càng gắn bó sâu xa với tinh thần dân tộc, và càng gắn bó với
dân tộc tính thì ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần càng bất khả chiến
bại. Đó cũng là lý do vì sao mà hình ảnh ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn
hóa của cả một quốc gia. Dù bất cứ ai làm gì, ở đâu chỉ cần nhìn thấy thoáng
qua hình ảnh mái chùa Một cột là đã thấy sóng dậy trong lòng, đất nước con Rồng,
cháu Tiên, đất nước của mấy nghìn năm văn hiến như hiện ra trước mắt:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ (Ca dao Việt Nam)
Nếu để hỏi rằng đâu là quốc hồn, quốc túy của đất nước Việt Nam người
viết bài này không ngần ngại trả lời rằng mái chùa chính là hồn nước, hồn
thiêng sông núi. Trong bất kỳ khoảng không gian, thời gian nào mái chùa tự bản
thân luôn tồn tại như một chứng nhân của lịch sử. Không biện luận, chỉ sinh hoạt
và tồn tại nhưng chùa lại ghi đậm những dấu ấn của cả một đời người mà bất kỳ
ai từ thủa ấu thơ cho đến lúc trưởng thành đều phải nhớ, nghĩ về:
“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng Rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa". [5]
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng Rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa". [5]
Đó cũng là lời lý giải tại sao người Việt Nam ta dù lý do
công tác, quan hệ ngoại giao, hay phải tha phương cầu thực bất cứ nơi đâu Mỹ,
Anh, Pháp, Nga, Ca Na Đa, Úc, Tiệp Khắc v.v..., cũng đều cố gắng tạo dựng cho bằng
được một mái chùa để sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng.
Lại một mùa xuân nữa sắp về trên quê hương chúng ta, bao sóng
gió của một năm đầy biến động đã qua đi. Ngoài khơi xa, âm ba từ lòng đất như
vang vọng về thúc giục con người ta hãy mỉm cười lên, hãy tạm quên đi những đau
thương mất mát hôm nào để cùng nhau nhìn về phía trước. Con người ta có thể bị
tiêu diệt nhưng không thể bị khuất phục. Cũng như những mái chùa quê dù trải
qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử vẫn lặng lẽ, cong nghiêng, nép mình
khiêm hạ dưới lũy tre làng. Vẫn hôm sớm đi về cùng mưa, nắng cùng bao mùa xuân
yêu thương.
Chú thích:
[1] Trích: Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam, Bản in lần thứ 10,
Vũ Ngọc Phan.
[2] Trích: Thơ Nguyễn Bính trong bài “Xuân về” sáng tác năm 1937.
[3] [4] Trích: thơ Lê Quang Trường trong bài “Xuân đi lễ chùa”.
[5] Trích: thơ
Nguyễn Bính, trong bài “Quê ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét