"Một người làm thơ đi sang Tàu cùng vợ thăm quê gốc của
vợ - vốn người gốc Hoa và cũng làm thơ, về nói rằng ở bên đó họ bảo Truyện Kiều
(TK) của Nguyễn Du là ‘cóp pi' Kim Vân Kiều truyện (KVK) của Thanh Tâm tài
nhân" (Cái từ "cóp pi" dùng theo kiểu trước đây, tỷ như:
"cậu học trò này chuyên cóp pi bài của bạn").
Ông bạn cho tôi biết thế và tức bực nói thêm: "Anh ta
nói một cách khoái chí, mà không chỉ nói một lần!"
Khổ! Ông bạn bực tức mà chi! Chẳng phải cho đó là những
"sàm ngôn" chẳng đáng để tâm, mà cần ngẫm về phía chúng ta, những
người muốn vinh danh TK. Nếu không nói cho tách bạch thì việc vinh danh như
ta thường làm có thể có những chỗ lấn cấn, có khi gây tác dụng ngược. Nhiều
chỗ đề cao có thể bị "phản biện".
Để "bảo vệ" tác giả TK, có những ý kiến viện các
tác giả phương Tây như Raxin (Racine), Coócnây (Corneille), Sêchxpia
(Shakespeare),... vẫn mượn cốt truyện của nước ngoài để sáng tác. Thực ra,
không đơn giản như vậy. Thường là các tác giả này chỉ mượn tích truyện. Hoặc
"kỹ" hơn như, chẳng hạn, trường hợp Ôtenlô của Sêchxpia. Để viết vở
kịch này, Sêchxpia đã dựa vào tác phẩm Người Mô thành Vơnidơ của Xintiô (nước
Ý) nhưng có điều chỉnh cốt truyện, mạch truyện, lược bỏ, thay đổi một số tình
tiết, đưa vào những vấn đề mới, nhân vật mới cùng tính cách xã hội của họ.
Trong khi TK của Nguyễn Du hầu như giữ nguyên cốt truyện, mạch truyện KVK của Thanh Tâm tài nhân.
Có người khi đề cập, viện dẫn TK đã viết, chẳng hạn,
"xã hội VN trong TK", "con người VN trong TK", thậm chí
"Nguyễn Du đã để cho Từ Hải chết đứng", v.v... Rõ là "tôn
nhau như thế bằng mười hại nhau"! Khỏi nói chuyện Từ Hải chết đứng chẳng
phải do Nguyễn Du tạo ra, xã hội trong TK, con ngưòi trong TK trước hết là ở
Trung Quốc. Chẳng hạn, trong các thư tịch VN cổ dường như không thấy có các
"nhà thổ" rất đàng hoàng nhan nhản trong các sách truyện TQ, mà chỉ
thấy thấp thoáng "nhà trò" hát ca trù (ả đào) thường khi còn lưu diễn
theo lời mời (thuê) tới các nơi hội hè hoặc nhà riêng. Chẳng hạn, người Việt
mình cũng có tục tảo mộ vào tiết Thanh Minh, nhưng không nghe nói có hội Đạp
Thanh "ngựa xe như nước, áo quần như nen". Chẳng hạn, cảnh sống của
các nhà họ Vương, họ Thúc, họ Hoạn không phản ánh cảnh sống trong xã hội VN... Tất nhiên, một tác phẩm đích thực bao giờ cũng mang dấu ấn xã hội và thời
đại mà nó ra đời lồng trong cảm quan của tác giả, trong trường hợp TK là xã hội
VN cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Xã hội phong kiến VN có những nét tương đồng
với xã hội phong kiến TQ do bị ảnh hưởng dài lâu, nhưng không vì vậy mà nhận
(nhầm) những gì chẳng phải là sáng tạo của Nguyễn Du.
Nếu nói theo hình thức thì có thể coi TK là tác phẩm chuyển
ngữ và chuyển thể từ KVK, - chuyển ngữ chữ Hán sang tiếng Việt và chuyển thể
văn xuôi ra thơ lục bát. Đó là nói kiểu ngày nay, chứ chắc hẳn Nguyễn Du chẳng
có ý làm cái việc dịch KVK ra tiếng Việt mà muốn mượn chuyện người để kí thác
nỗi đau đời, nỗi bức xúc nội tâm của mình. Do vậy, không thể đánh giá TK như
một tác phẩm dịch thông thường mà tiêu chuẩn hàng đầu là trung thành với
nguyên tác. Trong TK, nhiều tình tiết ở KVK đã bị thay đổi, thêm bớt hoặc loại
bỏ, một phần do chuyển thể loại (từ văn xuôi sang thơ, lại là thơ lục bát);
song phần quan trọng hơn, quyết định hơn, là do cảm quan nghệ thuật. Đọc hai
tác phẩm thấy rõ mạch truyện TK "suôn sẻ" hơn, chẳng phải chỉ vì
KVK chia ra chương hồi và đầu mỗi hồi có lời bàn luận dông dài. Về miêu tả,
trần thuật, tự sự nói chung, văn xuôi có lợi thế hơn thơ; thế mà về những mặt
này, TK làm tốt hơn KVK nhiều. Không ít bài nghiên cứu trên các sách báo đã
bàn đến, đã chỉ ra.
Nhiều nhân vật trong KVK nếu không có TK thì không thể trở
thành "bất tử" ở VN được. Cô Kiều của Thanh Tâm tài nhân lắm lời,
hay lí sự, không đáng yêu mấy; còn nàng Kiều của Nguyễn Du sắc sảo mà tinh tế,
giàu nữ tính, có đời sống nội tâm sâu sắc, đáng yêu và đáng trọng, dễ được cảm
thương... Tính cách của nhân vật trong TK nổi rõ qua những nét mô tả chấm phá
-có khi ước lệ, qua các hành động, qua đối thoại, qua suy cảm nội tâm và qua
cả "đối cảnh sinh tình". Có những nhân vật phụ mà lại "nổi tiếng",
đi vào thành ngữ tiếng Việt hoặc trở thành danh từ chung: có máu Hoạn thư, đồ
Sở Khanh, sa vào tay Tú bà,... Có thể có người sẽ hỏi: "Chẳng phải những
điều đó đều đã có trong KVK sao?".
Không đâu! Chỉ xin đơn cử trường hợp Tú bà, hãy chỉ
nói việc mô tả thôi. Tú bà trong KVK
là "một mụ chừng ngoài bốn mươi tuổi, cao lớn to béo, mặt mũi cũng hơi
trắng trẻo, ra đón và nói: - Kiều con! ...", còn trong TK là một người
"nhờn nhợt màu da, ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao", "lơi lả han
chào", và rồi "vắt nóc lên giường ngồi ngay",... Chân dung trước
là một mẩu tả chân có thể gặp những nét tương tự ở nhiều tác phẩm, chứ chân
dung sau là những nét biếm họa khó tìm thấy ở đâu khác.
Trái với cảnh trong KVK hiếm và sơ sài, mờ nhạt, cảnh trong
TK phong phú, đa dạng và như là những
nét phác thảo tranh; cảnh quyện vào tình,... Tác giả TK khéo mượn cảnh thiên
nhiên, trong đó có cảnh trăng, để làm nền, làm "chứng nhân" cho diễn
tiến câu chuyện, nhất là cho tình cảnh, tâm trạng của nhân vật, cũng có khi để
nói lên tâm trạng, cả tính cách nữa, của nhân vật. Có lẽ cũng nên nói thêm một
điều: Nhiều cảnh trong TK là cảnh bên Tàu, không phải cảnh tả chân mà là cảnh
ước lệ như trong nhiều thơ văn TQ cổ, nhất là thơ Đường. Cái cảnh "rừng
phong, thu đã nhuộm màu quan san" là sáng tạo của Nguyễn Du nhờ chịu ảnh
hưởng thi tứ thơ Đường, rõ ràng chẳng phải là cảnh ở VN; nhưng cảnh sắc đất
Việt hẳn phải in đậm trong tâm hồn Tố Như và do đó in dấu trong các tác phẩm
của ông. Câu thơ "Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia" làm ta nhớ đến
những dải cát dằng dặc miền Trung ven biển Bình Trị Thiên, mà sinh thời chắc
thi sĩ đã không ít lần đi qua.
Tả tình trong TK có tác động rất lớn đến sự cảm thụ của người
đọc. Tả đúng chỗ, đúng người, đúng cảnh, sâu sắc, nhuần nhị, có khi nâng mạch
truyện lên. Tả tình trong KVK lớt phớt, khô khan, nhiều lúc lướt qua, dù vui
dù buồn.
Về ý tưởng, chủ đề của TK, một số vị mang đầu óc của thần
dân "con trời" cho rằng y chang của KVK. Tuy nhiên, nhiều nhà
nghiên cứu VN, và cả TQ, đã chỉ ra chỗ khác nhau, nhưng chưa có được tiếng
nói chung. Gần đây, Nguyễn Thanh Hằng trong cuốn "Nghệ thuật tái tạo
nhân vật Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du" (Nxb Thanh niên,
2003) có đưa ra ý kiến: Chủ đề của KVK là "tình yêu tài tử giai nhân,
con người kỹ nữ, con ngưòi trung nghĩa," và Chủ đề của TK là "tài - mệnh", (không phải "tài mệnh tương đố")
với "tài là năng lượng, bản chất, là sức sống, sức vươn dậy kiên trì, bền
bỉ để làm người mặc dù luôn bị ám ảnh về số mệnh" và "mệnh là một cái gì vô hình, vô ảnh,
tai ác, khắc nghiệt, định sẵn, bất di bất dịch, là cái không thể tránh được,
không thể thay đổi được...". Ý kiến này có vẻ là một "đột
phá", tôi nêu ra đây để bạn đọc tham khảo, chứ tán đồng lại là chuyện
khác.
Về nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo của nhà thơ đất Tiên Điền
khó ai phủ nhận. Ông đã đưa thơ lục bát và truyện thơ VN lên đỉnh cao rực rỡ.
Nếu như Chinh phụ ngâm của Đoàn thị Điểm (?) chuyển ngữ (chữ
Hán ra chữ Nôm) và chuyển thể (thơ "Trường đoản cú" ra thơ
"song thất lục bát") từ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn vẫn
được coi là một sáng tác phẩm tuyệt cú thì với TK của Nguyễn Du không thể
sao? Chinh phụ ngâm của Đoàn thị Điểm là bản dịch đúng nghĩa, cũng như Tỳ bà
hành mà Phan Huy Vịnh (?) dịch của Bạch cư Dị. Còn TK của Tố Như chẳng phải
là "bản dịch" đơn thuần!
Vấn đề của bài này là vấn đề của những cuộc nghiên cứu quy
mô và dài hơi, nhiều người đã làm, và chắc còn cần nhiều người tiếp tục làm nữa.
Đó phải là những công trình trong các tập sách chứ không thể là tầm một bài
báo nhỏ. Tôi chỉ mạo muội đưa ra vài ý mọn bàn góp mà thôi. Cốt để trao đổi
và để được nghe những lời chỉ giáo.
Và... để được thấy ông bạn của tôi, thay vì bực tức, lại cất
tiếng cười khà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét