Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Huế trong tình khúc của Trịnh Công Sơn

Huế trong tình khúc của Trịnh Công Sơn
"Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi...". Đó là một đoạn trong lời bài hát Ướt Mi. Bài hát ra đời năm 1958. Từ bấy đến nay, nó mãi ngân nga trong lòng lớp trẻ của bao thế hệ.
Trịnh Công Sơn có một tấm lòng thật bao dung nhân ái. Từ hình tượng con người bình thường nhất cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn lao trong anh.
Trong từng nốt nhạc của anh thể hiện một sự mượt mà, sang trọng, sâu lắng rất riêng biệt và rất Huế. Trong hơi thở của mỗi bản nhạc đều ẩn náu một nỗi buồn của Huế. Huế trong sự réo rắt. Huế trong sự rã rời. Huế trong những âm thanh huyền ảo về đêm. Huế trong những buổi sớm mai yên lặng. Huế trong sự thánh thót diệu kỳ mùa xuân; nỗi buồn ngay trong nắng cháy mùa hè bỗng cơn giông ập đến. Huế ảm đạm những đám mây chiều đông. Huế não nề trong đêm dài mưa dầm lạnh buốt. Trong chất nhạc của anh tất cả đều là Huế bởi có những nỗi buồn chỉ Huế mới có được; có những điều không diễn tả nỗi thành lời chỉ người Huế mới hiểu. Huế có trong "ướt mi" đến "Diễm xưa". Huế trong "Hạ trắng", "Biển nhớ", Huế trong "Cát bụi - tình xa", trong 'khói trời mênh mong", "Đêm thấy ta là thác đổ", trong "Một cõi đi về" trong "Dấu chân địa đàng", trong "phôi pha", trong "lời thiên thu gọi"...
Nhiều người hỏi vì sao trong lời ca của Trịnh Công Sơn không có từ "Huế" nào. Đúng, không có nhưng nó là Huế đấy: chẳng Huế sao được khi mà "Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ tên em" (Chiều Một Mình Qua Phố). Chỉ có Huế người ta mới nói "qua phố" (Qua sông để đến phố), bởi Huế chỉ có hai con đường được gọi là phố. "Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt" buồn quá, muốn khóc mà khóc không nổi - Huế đấy! "Em đi về chiều mưa ướt áo, đường phượng bay mù quên lối về" - cũng Huế đấy!... Tất cả đều là Huế. Nhiều, nhiều lắm, không thể kể hết những hàng cây, con đường, góc phố của Huế trong lời ca của Trịnh Công Sơn.
Điểm mạnh trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là lời bài hát, nó vừa trải dài của sự mượt mà, vừa lắng sâu trong suy tưởng, triết lý khiến người hát lắm lúc cứ phải suy ngẫm chẳng hiểu mình vừa hát cái gì và hát về ai. Có lẽ đây là điều mà anh hơn nhiều hơn nhạc sĩ khác. Anh triết lý với cỏ cây hoa lá, triết lý với tình yêu, với mọi lẽ sống trên đời... và với cả nhân gian tạo hóa.
Trong thế kỷ XX này, ở Việt Nam có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ dẫn đầu về số lượng ca khúc được nhiều người yêu thích và có khả năng lưu danh hậu thế. Anh có hàng trăm bài hát được nhiều người biết đến. Lớp trẻ thích anh bởi anh có quá nhiều ca khúc nói về tình yêu mà nói rất dịu dàng, đằm thắm. Hồn nhạc của anh tha thiết, dễ đi vào lòng người. Lời ca của anh đầy nhân ái, xót xa, thương cảm cho từng số phận con người. Hình như ai cũng có thể tìm thấy mình trong bài hát của anh.
ĐƯỜNG VÔ XỨ HUẾ "LOANH QUANH"...
Ngày nay, với sự rộ nở của Huế học, việc tìm tòi các luận chứng cho các nhận định về bản sắc của địa phương là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự đào xới văn hóa nghệ thuật, tìm ra những khía cạnh nhỏ để lý giải thêm cho những hiện tượng, cũng là việc rất cần... Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ tài hoa của dân tộc, là một nghệ sĩ điển hình cho nhiều nhận định mà mấy chục năm trở lại đây đang được phân tích và khảo cứu...
Sinh trưởng ở Huế, và hồn Huế đã hun đúc cho tâm hồn của anh. Nhưng, ngoại trừ bài “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” là có nhắc đến chữ “Huế”, trong âm nhạc của anh chưa bao giờ nhắc đến các địa danh ở Huế, mặc dù hình ảnh Huế vẫn man mác, bàng bạc trong các bài hát...
Cho nên, giáo sư Cao Huy Thuần nhận xét: “Cảnh, tình và người trong Trịnh Công Sơn là cảnh Huế, tình Huế, người Huế... Sau này Sơn rời Huế và Sài Gòn, chất thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là chất Huế, nguồn thơ vẫn chảy từ Huế. Vô số những bài hát của Sơn đều ướt và mưa. Vì Huế là xứ của mưa dầm. Mưa mùa đông, mưa mùa hè, mưa sợi nhỏ, mưa sợi to, mưa tỉ tê, mưa ray rứt, cảnh mưa trong Trịnh Công Sơn buồn nhưng rất đẹp...”.
Ở đây, tôi không nhắc lại các nhận định mà các nhà phê bình âm nhạc Trịnh Công Sơn đã nói, mà qua sự phân tích ca từ, chỉ muốn giới thiệu một số yếu tố cấu thành “chất Huế” trong nhạc Trịnh...
1. SINH THÁI NHÂN VĂN:
“Diễm xưa”, một tình khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà phần lớn người Huế đều yêu thích; cũng được người Nhật yêu thích, chuyển ngữ với tựa đề “Utsukushii Mukashi”, rồi lại được Đại học Kansai Gakuin chọn làm nhạc phẩm đưa vào chương trình giảng dạy trong bộ môn Văn hóa và âm nhạc; bắt đầu bằng những ca từ:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ,
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,
Nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ,
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...”
Trong ký ức “Diễm của những ngày xưa”, Trịnh Công Sơn kể lại: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi, đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua... Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…”.
Để giải thích hiện tượng một tâm hồn “buổi chiều ngồi ngóng, những chuyến mưa qua”, rồi thắc mắc “chiều nay còn mưa, sao em không lại?”, có thể hiểu tương tự như cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện của Pavlov trong y học. Đó là sự lặp đi lặp lại của một sự việc (những “buổi chiều... em... lại”) trong một điều kiện tự nhiên nhất định (“những chuyến mưa qua”), tạo nên một phản xạ có điều kiện trong... tâm thức. Và khi điều kiện tự nhiên ấy xảy ra (“chiều nay còn mưa”), lập tức có phản xạ liên đới là “ngồi ngóng” hiện tượng kèm theo (“em... lại”), nhưng nếu hiện tượng kèm theo không có, sẽ gây trong tâm tư một thắc mắc “sao em không lại”?!
Nói về sinh thái học nhân văn, giáo sư Trần Quốc Vượng bảo rằng văn hóa - nhân văn Huế đã “dựa theo và thích nghi với hệ sinh thái tự nhiên”.
Phần lớn diện tích của Thừa Thiên - Huế có địa hình đồi núi tạo thành một vòng cung từ phía Tây xuống phía Nam. Các dãy núi cao của Trường Sơn Bắc ăn lan ra sát biển và đột ngột chấm dứt ở phía Nam của tỉnh bằng một mạch núi cao lên đến trên 1000m đâm thẳng ra biển và kết thúc bằng hòn Sơn Trà ở phía Đông núi Hải Vân như một bức tượng thành đồ sộ chắn gió mùa Đông Bắc, nên các đợt gió mùa hầu như không còn đủ sức vượt qua dãy núi cao này.
Do vậy, bao nhiêu lượng hơi nước trong không khí của gió mùa đều tích đọng ở Huế gây nên mưa và rét, và đây là vùng có lượng mưa vào loại nhiều nhất nước ta. Đặc biệt mưa Huế là loại mưa lệch pha: ở hai miền Bắc Nam thì có hai mùa mưa và khô gần như trùng nhau trong hai nửa thời gian của năm với hai mốc khoảng tháng 4 và tháng 10 dương lịch, còn ở Huế mùa mưa lại trùng với mùa đông lạnh.
Vào nhũng lúc thời tiết đông lạnh mưa như vậy, người Huế ít ra khỏi nhà, thường nhìn mưa mà hồi ức với những kỷ niệm xưa... Từ đó hình thành nên một trong những nét của phong cách người Huế là thường trầm tư mặc tưởng, sống hướng nội hơn hướng ngoại, thích sâu lắng, không thích khoa trương ồn ào…
... Kiểu mưa Huế ấy, đã được mô tả rất đặc sắc: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang/ thênh thang...”, hoặc “mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi”, hoặc:
“Chiều chủ nhật buồn,
Nằm trong căn gác đìu hiu,
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,
Trời mưa trời mưa không dứt,
Ô hay mình vẫn cô liêu...”
Và so sánh với mưa các xứ khác, nhạc sĩ đã cho thấy rõ:
“Em còn nhớ hay em đã quên,
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…”
Trịnh Công Sơn tâm sự: “… Thường thường, con người có thói quen sống bằng kỷ niêm, và khi một tác phẩm được gắn liền với kỷ niệm thì tác phẩm ấy đã sẵn có bề dày cua sự ưu ái rồi!”.
Hãy theo dõi tiến trình xao xuyến của nhạc sĩ về kỷ niệm “yêu nhau yêu cả đường đi" trong không gian mưa... Với sự tả thực, khi thì “nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ...”, khi thì “mưa thì thầm, dưới chân ngà...”; nhưng khi những hình ảnh ấy chỉ còn là ký ức thì nhạc sĩ lại ray rứt “…trên bước chân em, âm thầm lá đổ…”. Cho nên, phản xạ Pavlov “… bước chân em xin về mau…” vẫn tiếp diễn mãi như hiệu ứng domino:
“Người ngồi xuống, mây ngang đầu,
Mong em qua, bao nhiêu chiều...”
Một lối tu từ được nhạc sĩ sử dụng để ẩn dụ “còn mưa xuống như hôm nào, em đến thăm...”, mà “người ngồi đó, trong mưa nguồn, ôi yêu thương, nghe đã buồn...”, thì tính chất cơn mưa lại là một đối trọng được đặt ra để so sánh:
“Mưa có buồn bằng đôi mắt em?...
Mưa có còn buồn trong mắt trong?”
Là người Huế, các điệu hò mái nhì, mái đẩy man mác nước sông Hương chính là một biểu hiện rõ nét tính cách sâu lắng trong tâm hồn; cho nên những tiếng rơi của cơn mưa lại được ẩn dụ qua điệu ru “thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ…” là điều rất kỳ lạ:
“Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang...
Lời ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm,
Ru em nồng nàn, ru em nồng nàn...”
Đó là những cơn mưa thực thể, nhưng ở nhạc sĩ họ Trịnh lại còn có những cơn mưa trong tâm thức:

“Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa,
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ…”
Hoặc:
“Đôi khi, trên mái tình ta, nghe những giọt mưa,
Tình réo tình âm thầm, sầu réo sầu, bên bờ vực sâu...”

Giải thích ý nghĩa tác phẩm của mình, Trịnh Công Sơn nói: “Âm nhạc của tôi, nói cho cùng chỉ là những kỷ niệm của tôi và rồi sẽ là kỷ niệm của người nghe...”. Và cuối cùng, nhạc sĩ bộc bạch, cho dù suối nguồn tạo cảm hứng trong tình ca của mình xuất phát như thế nào, vẫn không thể thiếu được một điều kiện tự nhiên:
“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,
Ôi! những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề...
là những cơn mưa…”
Và đó chỉ là một tiền đề, một tiền đề để người nghệ sĩ ước mong được tiếp tục cuộc hành trình của mình:
“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,
Để người phiêu lãng, quên mình lãng du...”
2. MỘT LOẠI HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT:
Bớ cô tóc xõa kề bề,
Cô mặc áo trắng, tóc thề ngang vai.
(Ca dao Huế)
Nghe nhạc Trịnh, ta vẫn thường gặp hình ảnh mái tóc của những cô gái Huế: “Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài...” hoặc “gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề...”. Đây chắc chắn là hình ảnh Huế, bởi hai chữ “tóc thề” là tiếng Huế, song vì sao gọi là “tóc thề” (?) thì đến nay vẫn chưa ai giải thích được rõ ràng!
Bác sĩ Bùi Minh Đức, một người Huế hiện ở California, chuyên nghiên cứu Văn hóa Huế và đã xuất bản Từ điển tiếng Huế, chỉ giải thích như sau: “Tóc thề: ngụ ý con gái Huế còn thơ ngây, tóc để xõa bờ vai...”. 
Trịnh Công Sơn nói rằng: “Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc... Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người…”.
Để giải thích vì sao “Thương một người”, nhạc sĩ hát “thương nụ cười và mái tóc buông lơi”, có thể đã ẩn dụ hình ảnh:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền...
Rồi hình ảnh đáng yêu “mây và tóc em bay trong chiều gió lộng...” đã biểu hiện “Tuổi đời mênh mông” như thuyền chưa cập bến, bởi vì…
Người ta nói rằng, con gái Huế ngày xưa thường để tóc dài tự nhiên, khi có một biến cố gì về tinh thần, thường làm chứng lời thề của mình bằng sự cắt tóc, do đó mới gọi là “tóc thề”. Nhưng khi dã đính hôn, người con gái phải kẹp tóc lại, ra đường người ta nhìn vào tóc đã kẹp, biểu hiện đã đính hôn nên không còn nhòm ngó; và khi đã lấy chồng hoặc lớn tuổi thì thường bối tóc, cuộn thành lọn ở phía sau. Do đó ca dao Huế mới có câu:
Ghét thay con gái Phong Chương,
Đầu thì tóc kẹp, ra đường ghẹo trai.
Ý nghĩa câu này ở chỗ con gái đã kẹp tóc, tức cũng như đã có chồng, mà còn “ra đường ghẹo trai”, tức vi phạm tiết hạnh, cho nên người ta mới ghét thay!
Có những khi “ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồ…” hoặc “gió heo may đã về… và gió hôn tóc thề” thì hình ảnh “tóc em gầy trong gió” đã tạo siêu cảm cho họ Trịnh là ở chỗ “gió sẽ mừng vì tóc em bay...”. Tóc đã bay, tức là chưa kẹp, chưa lấy chồng, nhờ đó những tâm hồn lãng mạn đa tình như chúng ta mới có thể trao yêu bằng cách “gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi...” hoặc “đóa hoa hồng cài lên tóc mây...”.
Và hình tượng “cho mây hờn ngủ quên trên vai”, cũng tựa hình ảnh của Nguyễn Du “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da...”; cho nên phải “gọi em cho nắng chết trên sông dài”, bởi “sông dài” ở đây chính là hình ảnh tóc thề “sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh như dòng nước hiền…”.
Và lại có khi nhạc sĩ phải thốt lên “Ôi, tóc em dài đêm thần thoại...”, để rồi họa sĩ đã phác chân dung “tay măng trôi trên vùng tóc dài...” như bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” nổi tiếng của Tô Ngọc Vân.
Nhưng sau khi “bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son, vào trời lãng quên, tóc em như trời, xưa đã qua đi ngàn năm...”, cũng có lúc nhạc sĩ phải “lùa nắng cho buồn vào tóc em...” và “ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn...”, bởi ca dao Huế lại có câu:
Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm!
Phụ nữ kẹp tóc hoặc bối tóc là biểu hiện đã có gia đình, nhưng tóc mai thì sợi ngắn sợi dài nên không thể bị kẹp hoặc bối vào lọn tóc được, nó thoát khỏi vòng cương tỏa của cái kẹp hoặc cục bối; hàm ý người phụ nữ vì vô duyên không lấy được người yêu, phải lấy người không yêu, dù phải theo luân lý “xuất giá tòng phu”, nhưng không gì có thể ngăn cấm được trong thâm tâm cứ thương hoài ngàn năm...
Vì “từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng...” nên nhạc sĩ họ Trịnh đã tự “Ru ta ngậm ngùi” bằng một câu hỏi “có sợi tóc nào bay (?) trong trí nhớ nho nhoi...”, hoặc “tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên...”. Người yêu đã ra đi nhưng trong lòng người nghệ sĩ thì “đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho...” nên “ru mãi ngàn năm… ru em bạc lòng…”, nhưng trực tiếp với người yêu thì lại ru cách khác: “- Em hãy ngủ đi!”, “ngủ đi em tóc gió thôi bay...”, tóc đã kẹp thì nên gió thôi bay, nên quên đi kẻo... khổ tâm thương hoài ngàn năm...
Tóc thề xứ Huế, đã được Trịnh Công Sơn ví von bằng nhiều hình ảnh như “mây”, “sông dài”, “dòng nước hiền”, “mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”... bởi chính họ Trịnh đã nói: “... Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng...”. Song hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn nhất về tóc thề, được tác giả mô tả như quay lại một đoạn phim chậm là “tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…”
3. NGÔN NGỮ CỦA SẮC MÀU
Không biết từ lúc nào? do đâu? và vì sao? mà người ta hay nói màu tím là màu đặc trưng của Huế! Có phải tím thành cổ? hay là tím chiều mơ?... bởi không ai có thể định nghĩa được, cũng như tính được chuẩn độ của màu “tím Huế” trong phổ hệ màu là như thế nào!
Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí cho biết: “Đối với màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là một sắc trang nhã. Trông không buồn mà chỉ như mỉm cười. Không quá nồng nàn như bông lài mà thoang thoảng như hương lan thanh đạm và tế nhị. Vì vậy, đàn bà con gái thường mặc màu tím... Và nữ sinh thường chọn màu này để làm đồng phục… Tím là sắc lạnh, là sắc thuộc âm, nằm dưới cùng trong quang phổ, phát ra bước sóng ngắn và sức sáng nhẹ nhàng... Điều vừa trình bày, chứng tỏ ý thức thẩm mỹ của chị em phụ nữ xứ này qua việc chọn màu tím để ví với đức tính của mình thì thật là tinh tế. Do đó, đã sinh ra từ ngữ “màu tím Huế”...
Trong thế giới màu sắc, chỉ có ba màu cơ bản là: đỏ, vàng và xanh. Trắng và đen có thể xem không phải là màu, mà chỉ là nền, sắc độ giảm tối đa hoặc tăng tối đa của các màu. Phối hợp các màu cơ bản trên, tùy theo từng mức độ mà có muôn màu nghìn tía...
Xanh là màu có tính lạnh và mạnh mẽ, đỏ là màu nóng cuốn hút. Hai màu xanh đỏ phối hợp tạo thành màu tím rất ấm áp và lôi cuốn mà người đời đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về màu này...
Tím là một màu chính trong ngũ sắc pháp lam Huế (đỏ, vàng, tím, lục, xanh) trang trí ở cung điện cũng như ở đình chùa miếu vũ..., nên sắc màu truyền cảm mạnh này đã quyện vào tâm tư người bản xứ. Cũng màu tím, song tùy theo sắc độ, cung bậc như tím hoa cà, tím than...; rồi đặc biệt là “tím Huế”, là biểu hiện sự thủy chung nhưng lãng mạn, bâng quơ và nhớ nhung:
“Chiều một mình qua phố,
Âm thầm nhớ nhớ tên em,
Có khi nắng khuya chưa lên,
Mà một loài hoa chợt tím…”
Huế một thuở là kinh đô, vàng là màu áo của vua thiết triều, thuộc thổ (trung ương) trong ngũ sắc truyền thống phương Đông (đỏ, vàng, xanh, trắng, đen), và cũng là một màu chính trong pháp lam Huế, được vua chúa chọn làm màu của vương quyền, nên cũng biểu hiện về Huế và có tính tươi sáng, sắc vui:
“Chiều một mình qua phố,
Âm thầm nhớ nhớ tên em,
Áo xưa chưa quen phong trần,
Đợi mùa thu vàng áo thêm...”
Trịnh Công Sơn nói: “- Tôi không thấy có ranh giới nào giữa thế giới âm thanh và thế giới im lặng cả. Những gì không nói được bằng ngôn ngữ âm nhạc thì tôi nhờ đến ngôn ngữ màu sắc. Nếu cả hai phương tiện này cũng chưa chuyên chở hết những suy nghĩ của tôi về đời và con người thì tôi lại phải tìm đến với văn chương”.
Trong cùng một ca khúc, mà nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh cũng là một họa sĩ, đã phối màu vàng cổ điển của văn hóa cung đình với màu tím của văn hóa dân gian tạo nên cặp màu đặc sắc của Văn hóa Huế. Đây là một cặp màu bổ sung mà mỗi màu đều có nét đẹp riêng, nhưng khi phối hợp đã cộng hưởng mang nét đẹp vương giả; cùng tôn lẫn nhau, không phải màu nào chính, màu nào phụ, mà phụ thuộc vào hệ quy chiếu của từng người cảm nhận...
Đặt cánh hoa vàng trên nền tím, màu vàng sẽ rực rỡ hơn, mà nền tím cũng không vì thế mà bị chìm. Nhưng nếu đặt màu vàng ấy vào nền trắng, xanh... thì cánh hoa không thể nổi bật được. Hiện tượng một cặp màu bổ sung thỉnh thoảng vẫn lặp lại trong những bài ca trữ tình mang không gian Huế.
“Nhìn những mùa thu đi...
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng. . .
Gió heo may đã về,
Chiều tím loang vỉa hè,
Và gió hôn tóc thề...
Trong nắng vàng chiều nay…”
Cũng có thể “chiều tím” là do không gian Huế tím, nhưng cũng có thể “tím loang vỉa hè” có nghĩa là nữ sinh tan trường buổi chiều được “gió hôn tóc thề” và gió cũng hôn luôn cả áo dài làm tà áo tím loang loáng trên vỉa hè! Song nhạc sĩ đã cho biết thêm “trong nắng vàng chiều nay”, như vậy tím đây không phải là tím chiều mơ, mà chắc chắn là màu của tà áo dài Huế đã nhuộm thắm được “nắng vàng” làm tươi thêm...
Sống trong thành phố vườn, hòa lẫn với cỏ cây, từ căn nhà nhỏ mà tiếp xúc với vũ trụ, người Huế cảm nhận sự vật và hiện tượng bằng trực giác hơn lý tính, từ đó sinh ra tâm hồn đồng nội. Vì thế mà nhạc sĩ đã tô điểm bức tranh bằng những màu sắc thiên nhiên, cũng như muốn ánh sáng làm phương tiện diễn đạt sự sinh động của hiện thực tự nhiên: “cỏ cây chợt lên màu nắng...” rồi lãng mạn cực điểm là “màu nắng bây giờ trong mắt em...”.
Cứ thử hỏi “màu nắng” là màu gì (?) thì tác giả cho biết ngay “em qua công viên mắt em ngây tròn, lung linh nắng thủy tinh vàng...”.
Có lúc nhạc sĩ không tô bằng màu trực tiếp, mà tả màu sắc một cách tinh tế qua thủ pháp ẩn dụ trong một số quy luật phối màu nhất định, để vẽ nên một không gian Huế rất đặc sắc. Người nghe được “đưa em về, nắng vương nhè nhẹ”, mà “chiều cuối trời nhiều mây”; những đám mây được “trời ươm nắng, cho mây hồng” hoặc ngay cả khi “trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi, từng phiến mây hồng, em mang trên vai…”. Chính những mây hồng này, long lanh với dòng Hương xanh ngát, tạo nên không gian rực tím làm họa sĩ vật vã cảm hoài vì sự trống vắng nửa hồn của gam màu “ngày xưa sao lá thu không vàng?... để nắng đi vào trong mắt em”, bởi thu tím mà thiếu lá vàng cũng như hoa xuân thiếu bướm lượn.
Đây là bức tranh của một họa sĩ thuộc trường phái Hội họa Ấn Tượng có màu sắc tả thực, ghi lại những cảm xúc đọng lại trong hồn người, thích không gian thiên nhiên, nhờ đó sử dụng ngôn ngữ hội họa nhạy cảm, giàu tính thẩm mỹ. Và những không gian rất ấn tượng này thoáng hiện thoáng mất, khi thì “một loài hoa chợt tím”, khi thì “cỏ cây chợt lên màu nắng”...
Có lúc nhạc sĩ lại dùng màu như một họa sĩ của trường phái Sắc Điểm: “Đóa hoa hồng cài lên tóc mây...”. Nhưng tóc ở đây không phải màu đen mà là “tóc nào hãy còn xanh...”, mặc dù xanh ở đây có nghĩa là thanh xuân, song về sắc màu thì vẫn là màu xanh, và trong nét phối trí kiểu điểm sắc hồng cạnh sắc xanh này vẫn tương ánh tạo nên sắc tím của Huế!
Cho nên, Trịnh Công Sơn bảo: “- Hội họa và âm nhạc là hai người bạn đồng hành trong nghệ thuật... Trong âm thanh có màu sắc và ngược lại, trong màu sắc có âm thanh... Khi bạn nghe một bản nhạc, bạn đắm chìm vào ban nhạc ấy và trong khối lượng âm thanh kia bỗng mở ra cho bạn một không gian đầy màu sắc, lung linh, óng ả mà có thể để bạn chưa bao giờ nhìn thấy...”. Và những ca từ hợp thành gam màu được chuyển tải qua âm thanh của họ Trịnh tài hoa, phần lớn là những màu trong ngũ sắc của pháp lam Huế, mà nổi bật và đặc trưng nhất là cặp màu bổ sung vàng - tím.
Trên đây, chỉ là vài nét chấm phá để cho thấy hồn Huế trong nhạc Trịnh vẫn có những yếu tố cấu thành mang tính lý luận... Và để có thể khai thác như một ngành “Trịnh học”, đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu sâu mới “giải mã” được ngôn ngữ của anh…
Nguyễn Anh Huy
Nguồn: Tạp chí Hồn Việt
Theo http://vannghehue.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...