Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Sông Lô và thơ

Sông Lô và thơ
Những dòng sông quê hương, đất nước là một nguồn cảm hứng sáng tạo vô cùng, vô tận của thơ ca nhạc họa. Dòng sông nào cũng đẹp về phong cảnh thiên nhiên, đẹp với những dấu son lịch sử. Có những dòng sông đã đi vào những tác phẩm lớn như “Bạch Đằng giang phú” bất hủ của Trương Hán Siêu. Có những bài thơ sông đã đi vào trang sách nhà trường từng nuôi lớn tâm hồn trẻ thơ bao thế hệ, như “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh. Và cũng có nhiều dòng sông còn mãi bay bổng những lời ca, khúc hát…
Sông nước quê hương luôn gắn bó mật thiết với con người. Đến một cái tên sông cũng thật lạ. Có những chữ nghĩa rất nôm na, bình dị, vậy mà khi đã trở thành tên sông thì lại thật vô cùng thân thương, trìu mến (và cũng thật thơ nữa), như sông Đáy, sông Chảy, sông Kỳ Cùng, sông Lấp, sông Côn, sông Bé, sông Ba…
Thơ viết về sông nước quê hương xưa nay đã có nhiều. Nếu ai đó có công sức sưu tầm, tập hợp làm một tuyển tập thơ về sông thì chắc chắn tập thơ sẽ dầy dặn lắm, đồ sộ lắm.
Sông Lô cũng là một dòng sông lớn, một dòng sông đẹp và một dòng sông của lịch sử, của thơ ca như vậy… Thơ đương đại đã có khá nhiều bài hay viết về sông Lô, ca ngợi sông Lô. Những vần thơ, lời ca, bức họa ấy… đã góp phần làm cho những dòng sông thêm đẹp, thêm đáng yêu. Với sông Lô mỗi khi nhớ đến ta lại thấy lòng như lại dội lên những khúc ca hùng tráng của “Trường ca Sông Lô” và những lời ca tha thiết “Sông Lô chiều cuối năm”…
Từ hơn 50 năm trước, trong “Trường ca Việt Bắc” tràn đầy một khí thế hào hùng và đậm chất sử thi của nhà thơ Trần Dần, đã có những câu thơ đẹp dành cho sông Lô:
Đây
Việt Bắc
Sông Lô
nước xanh
tròng trành mảnh nguyệt
Bình Ca
sương xuống
lạc con đò…
Nhà thơ Xuân Diệu, người đã có những năm “Kháng chiến gian lao, gió núi mưa dầm” ở Việt Bắc, từng thật quen thuộc với sông Lô, vậy mà cũng hết sức xúc động trước cảnh đẹp chỉ ở một khúc sông Lô khi trở lại Tuyên:
Một khúc sông Lô, đôi bờ xanh mướt
Ngô khẽ lay cờ, mía ken lá sắc
Đường sâu quanh quất, nhà nhỏ xóm thưa
Đi về này những lối này năm xưa…
“Về Tuyên”
Tác giả Nguyễn Lê Ngô khi nhớ về Tuyên Quang cũng lại nhớ đến những hình ảnh thật đẹp, thật cụ thể của dòng Lô:
Dòng sông Lô loáng bạc
In bóng núi Tràng Đà
Bồng bềnh con bè nhỏ
Khói lam chiều mờ xa…
“Kỷ niệm dòng Lô”
Nguyễn Đình Phúc, trong bài “Đoản khúc sông Lô” viết cuối năm 2006 thì nhớ đến cả “…bao mùa lũ qua/nghiêng ngả đôi bờ con thuyền nhỏ…”. Sông miền trung du, thượng du là thế. Nó vô cùng hiền hòa, êm ả trong mùa cạn, nhưng cũng thật dữ dội trong mùa nước cả, sông sâu. Rồi sau mùa lũ nó lại “Bãi mật phù sa tím miền truyền thuyết”. Còn Lê Cảnh Thiện “Nhớ về sông Lô” lại nhớ rất cụ thể những cảnh vật trong cả hai mùa:
Sông Lô mùa trong, mùa đục
Mùa trong trông thấy cá bơi
Mùa đục nước tràn lên phố
Trẻ con đóng mảng đi chơi.
Và một liên tưởng thật thú vị “Thuyền nan đi vào trong phố/Như thành Vơ - ni xa xôi…”. Tác giả Nguyễn Thị Kim Thu nhớ về sông Lô cũng nhớ đến những hình ảnh thật cụ thể, chân thực và ngộ nghĩnh về kỷ niệm tuổi thơ của mình với sông Lô:
Sông Lô chảy trước nhà
Bãi cát trắng phau mỗi mùa nước cạn
Bè gỗ nối nhau đậu dài san sát
Lũ trẻ thách nhau
lặn qua bè, lần sẹo gỗ mò tôm…
“Thành Tuyên trong tôi”
Nhà thơ Phạm Khoa Văn ngắm sông Lô giữa một buổi trưa “lau trắng xóa” còn thấy được một nét rất đặc trưng của miền sông nước trung du. Đó không chỉ là bóng hoa lau bạc xóa… mà còn là những bãi đá, ghềnh đá, tảng đá nhấp nhô tựa những lưng trâu đằm mà những con sông miền xuôi không có được:
Trưa nay
Nước trôi đi mãi
Sông Lô phơi bờ đá lưng trâu
Bạc xóa hoa lau…
Sông Lô đã đẹp với bao vẻ đẹp tự nhiên, lại càng đẹp hơn với những chiến công lịch sử mà sông Lô đã góp phần làm nên. Trong “Chín năm nắng núi, mưa ngàn” chắc chắn không người vệ quốc nào lại không có những kỷ niệm suốt đời không phai nhạt với dòng Lô. Nhà thơ Nguyễn Chuông “Người vệ quốc” năm xưa khi trở lại gặp sông Lô cũng không sao quên được những chiến công ngày ấy:
Từ năm bốn bảy (1947) cờ bay
Sông Lô dậy sóng vùi thây quân thù.
“Gặp lại sông Lô”
Cùng cảm xúc ấy, nhà thơ Lê Na “Đi dọc miền lau” còn như “Nghe tiếng hát hò ô/ Xác tầu giặc rỉ/ xanh ngô bãi bờ…”. Và ông cũng thật vui, thật tự hào:
Miền lau trắng tặng riêng ai
Mà trang sử đỏ
vẫy hoài ngàn lau…
Nhớ về chiến công của sông Lô, nhà thơ Chu Ngọc Phan còn vui nhớ đến bản “Trường ca Sông Lô” nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao:
Tầu Pháp chìm nơi đâu
Tiếng súng năm nào bặt dưới vực sâu
Chỉ còn trường ca sông Lô dậy sóng…
Đến thời chiến tranh biên giới (1979) sông Lô lại oằn mình chịu đau thương trước súng đạn quân thù và tiếp tục kiên cường cùng quê hương giành những chiến công mới. Một lần nữa hình ảnh sông Lô lại được khắc họa đậm nét trong “Đêm thượng nguồn sông Lô” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, một người lính từng có mặt trên biên ải trong suốt những năm tháng ấy:
Tiếng xe pháo chật đường lên cực Bắc
Sông và người tất bật giữa rừng xanh.
Một đêm chiến tranh dữ dội và cũng thật oai hùng, tràn đầy một khí thế tiến công. Hình ảnh sông và người cứ quấn quyện với nhau, chung một chiến hào, chung một sức chiến đấu:
Tiếng sông Lô gầm thét vang trời
Dọc biên giới đêm nay vầng trăng như đạn vỡ
Sông và người chung áo lá quàng vai...
Trước dòng sông Lô đêm ấy, nhà thơ lại thấy lòng rưng rưng thương cảm và yêu hơn một dòng sông quê hương, đất nước thời bom lửa “Rừng một thuở chiến khu/sông một thời trận mạc”…
Khi hòa bình trở lại, sông Lô lại tươi đẹp, hiền hòa. Trong bài “Ta đi tới” viết từ tháng 8/1954, nhà thơ Tố Hữu đã reo lên khi gặp lại sông Lô. Những vần thơ đẹp như một bức tranh tươi tắn sắc mầu và một khúc hát ắp đầy những tiết tấu reo vui:
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt, bến nước Bình ca…
Rồi sông Lô cùng quê hương lại càng đẹp hơn trong những nét đẹp đổi mới. Nhà thơ Hải Đường thật vui trước những nét đẹp đổi mới ấy của sông Lô:
Sớm thu nay huyền thoại mới sông Lô
Cầu Nông Tiến bắc qua mùa lũ
Cờ đỏ bay dọc Tân Trào đại lộ
Lối ta về Thành nhà Mạc trầm tư…
Nhà thơ Phan Hữu Giản (anh ruột nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn) từ Hà Nội lên Tuyên Quang thăm lại cảnh vật sông Lô cũng thật ngỡ ngàng trước những nét đổi thay bên sông Lô:
Cầu đón ta qua nhớ bến phà
Xanh bờ ngô, mía… ngọt phù sa
Nhà mới nâng tầng trên đỉnh lũ
Vui chân ngỡ lạc giữa quê nhà.
“Qua sông Lô” 
Nhà văn Trịnh Thanh Phong - Giải văn học Mê Kông, một người con của Tuyên Quang thì còn lạ gì những cảnh vật quê hương, nhất là với sông Lô… Thế mà ông vẫn thấy thật vui “Ai về lạc giữa đường quen” trước sự đổi mới bên dòng Lô Giang:
Ngửa mặt núi Dùm mây tím
Cúi nhìn sông Lô gương trong
Thị xã ngực tròn con gái
Ai về lạc giữa đường quen.
Nhà thơ Cao Xuân Thái, ở Tuyên Quang, lên Hà Giang rồi lại về Tuyên thì lại càng thấy yêu hơn một vùng đất đầy tình nghĩa của mình. Câu thơ ông vui mà cũng như rưng rưng bao điều xúc cảm, tình cảm:
Thành nhà Mạc còn nguyên nét cũ
Cây si già rủ bóng trầm tư
Nhịp cầu lớn vươn sang Nông Tiến
Trăng núi Dùm nghiêng mãi vào thơ.
“Tuyên Quang ngày trở lại”
Nhà thơ như còn thầm cảm ơn dòng sông đã “…nuôi những cuộc đời nhân hậu/xanh mượt mà mảnh đất chiến khu xưa”.
Và làng chài Nông Tiến cũng là một làng rất đẹp, rất thơ và luôn từng ngày đổi mới bên dòng sông Lô. Một làng quê rất đáng yêu. Nhà thơ Gia Dũng, một người cũng đã từng gắn bó thân thương với Tuyên Quang cũng thật mừng, thật xúc động khi trở lại thăm sông Lô. Bài thơ “Làng chài Nông Tiến” của ông như một bức tranh đẹp, chân thực:
Nhỏ dịu hiền là dòng sông Lô
Thơ mộng trong chiều, ấy làng chài Nông Tiến
Mái chèo nhỏ đưa người về bến
Hiền hòa lại chở ánh trăng sang.
Làng vẫn rách lành, đói no đùm bọc
Với sông Lô, với núi Dùm quen…
Nhà thơ Lê Hữu Chư, một người con Ninh Bình lên Tuyên Quang xây dựng quê hương mới, ông cũng yêu tha thiết quê hương thứ hai của mình. Mỗi lần nhớ về Tuyên ông lại nhớ đến những vần thơ chân thành về sông Lô và những chiến công xưa còn ghi dấu cùng bao nhiêu những kỷ niệm khó phai mờ, phai nhạt:
Cứ mỗi lần nhắc đến tên sông
Khắc khoải trăm chiều “Bình ca bến nhớ”
Rừng ngút ngát “Khe lau biển lửa”
Tầu giặc chìm còn cắm ngã ba sông…
Đặc biệt tác giả Hà Thị Khiết, một người con yêu dấu của Tuyên Quang, Nguyên Ban Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang… thì dù bận rộn với bao “Đại sự quốc gia”, bà vẫn luôn hướng về quê hương, dành cho quê hương những tình cảm tốt đẹp nhất. Bà thật vui với sự đổi mới từng ngày của quê nhà. Và bà cũng có thơ tặng cho quê hương yêu dấu. Bài “Bình ca - Bến nhớ” của bà là một bài ca đẹp về quê hương:
Giờ đây đổi mới quê hương
Bình Ca - Bến nhớ soi gương một đời
Đôi bờ ngô, lúa xanh tươi
Làng quê đang đượm nét cười xuân sang.        
Tuyên Quang vùng chiến khu xưa
Bình Ca - Bến nhớ sóng đưa dạt dào…
Sông Lô quả là một đề tài thơ phong phú và hấp dẫn. Bấy nhiêu bài thơ là bấy nhiêu tấm lòng đối với sông Lô nói riêng và Tuyên Quang nói chung. Đọc những vần thơ ấy dù ai chưa một lần đến Tuyên Quang cũng thấy được bao vẻ đẹp và bao niềm tự hào của sông Lô, một dòng sông còn mãi ngời sáng bao chiến công lịch sử của dân tộc ta…
Nhớ về Việt Bắc, nhớ về chiến khu xưa, ta lại càng thêm tự hào có một dòng sông Lô đẹp và thơ như thế.
Trước Xuân Mậu Tuất 2018
Thanh Thản
Theo http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...