Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Khúc hát tình rơi

Khúc hát tình rơi
Một chiều đầu đông trên đất nước Singapore tôi được đọc bài thơ Khúc hát tình rơi của tác giả Ca Dao. Là một bài ca buồn được viết ra bởi một tấm lòng thương cảm đầy tâm huyết của tác giả tặng người chị gái thân yêu của mình. Tôi đã lặng đi vì xúc động với nhiều phức cảm: ngậm ngùi, xót xa và cũng tràn đầy niềm kính trọng, ngưỡng mộ một tấm chân tình chung thủy sắt son, lòng cao thượng, đức hy sinh của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Tựa đề bài thơ "Khúc hát tình rơi" mới bốn chữ thôi đã làm tim ta đau nhói. "Tình rơi" dự báo một mối tình dang dở chia ly, một hạnh phúc không lấy làm trọn vẹn. Trước hết có lẽ là do cuộc chiến. Kẻ ở người đi. Chị (nhân vật trữ tình trong thơ) đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người chồng thân yêu và đứa con là kết quả của tình yêu đó. Nếu không có cuộc chiến có lẽ giờ này anh chị vẫn hạnh phúc bên nhau cùng với con thơ. Nhưng anh đã chọn đi về phương trời khác để lại chị và đứa con trong nỗi mong nhớ ngút ngàn với hy vọng đợi chờ ngày sum họp gia đình. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Bởi vì một lần tiễn đưa là một lần ly biệt. Tôi liên tưởng đến hoàn cảnh trong Chinh phụ ngâm: chồng ra chiến trận vợ ở nhà vò võ ngóng trông:
"Rèm thưa lòng não trăng tàn bóng
Gối lạnh châu tràn quốc gọi canh"( Thái Thuận)
Nhưng mà người chinh phụ chờ chồng không trở lại bởi vì chiến tranh khắc nghiệt quá! Và người chinh phu đã nằm lại nơi chiến trường nên cảnh đoàn viên đời thực không thể xảy ra. Người thiếu phụ vẫn có quyền sống với giấc mơ của mình. Anh vẫn là của riêng chị mà thôi dẫu anh không còn nữa! Nhưng ở đây nỗi đau xé lòng và bất hạnh của nhân vật trữ tình trong thơ có lẽ nằm ngoài sức chịu đựng của những người phụ nữ bình thường. Người ấy của chị đã rẽ về hướng khác. Niềm thương nhớ mong chờ đã trở nên vô nghĩa:
"Tìm đâu nắng giữa hư không
Nghe òa bong bóng phiến lòng mưa rơi"
Những tháng ngày hạnh phúc của một thời quá vãng bây giờ biết còn đâu? Muốn tìm lại ánh nắng vàng tươi của một thời tuổi trẻ với tình yêu hạnh phúc hôn nhân. Biết tìm đâu bây giờ giữa mênh mông hư ảo. Chỉ có tiếng lòng nghe chan chứa mưa rơi. Chỉ còn những giọt nước mắt như những giọt mưa của phiền muộn tái tê trong cõi lòng băng giá:
"Tìm đâu cánh nhạn mù khơi
Tìm đâu mộng cũ một thời nhớ thương"
Cánh nhạn đã bay vào cõi mịt mù xa xăm dâu bể. Làm sao có thể tìm lại được! Cũng như không thể nào tìm lại được giấc mơ ngày cũ mà cả một đời ôm ấp nhớ thương.
"Thuyền trôi dòng biển mịt mùng
Thuyền trôi sương khói nghìn trùng bể dâu
Gió lay nắn nửa cung sầu
Hương thừa gửi lại niềm đau riêng chiều".

"Cánh nhạn", "thuyền" là một ẩn dụ để chỉ một hình bóng mà một thời từng là niềm hạnh phúc của chị, là lẽ sống là niềm vui là chỗ dựa tinh thần là bờ vai ấm áp của hai mẹ con chị.Nhưng giờ đây thuyền đã xa xăm trong cõi biển mịt mùng giữa nghìn trùng dâu bể không thể nắm bắt được, không thể nhìn thấy chỉ mường tượng qua màn sương mờ ảo trong nỗi nhớ niềm thương. Giữa bộn bề cuộc sống người thiếu phụ tuổi xuân còn đang độ phải gánh vác hai vai thay chồng chăm sóc nuôi dạy con thơ và báo đáp ân tình của nội ngoại hai bên trong nỗi sầu muộn lắt lay. Một mình ôm lấy niềm đau không tả xiết.
Khổ thơ tiếp theo là sự cam chịu của một số phận không còn lựa chọn nào khác, chỉ còn một mình xót xa với nỗi cô đơn và nỗi đau của chính mình và chỉ một mình gánh vác.
"Gõ hồn nghiêng giữa hắt hiu
Gõ hồn khúc hát cô liêu đêm trầm"
Giữa nỗi niềm cô quạnh hắt hiu nghe hồn mình chênh chao với tiếng lòng cô lẻ. Trong những tháng ngày buồn não nuột, khi hoàng hôn buông xuống màn đêm đen đặc quánh vây quanh thì nỗi niềm đơn côi lại càng bi thiết:
"Căng dây gõ khúc trăm năm
Kìa đêm nguyệt lạnh âm thầm giấc mơ"
"Căng dây" là một động từ. Tác giả đã dùng nó thật đắt. Qua động từ "căng dây" cho thấy những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, đảm đang để vun vén xây đắp hạnh phúc gia đình. Chị đã làm tròn bổn phận của dâu hiền vợ đảm, chăm lo vuông tròn nuôi dạy con cái để làm sao cho hạnh phúc trăm năm thật viên mãn. Nhưng rồi mọi cố gắng không được như ước muốn để rồi đêm từng đêm chỉ thấy ánh trăng tan lạnh lẽo trong tâm tưởng. Tất cả những gì tốt đẹp của buổi ban đầu đã qua không bao giờ trở về thực tại. Hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay của chị.
"Tình ơi !Ngơ ngác vần thơ
Tình ơi! Vỗ giấc đêm trơ phím đàn
Tình ơi! Lỡ nhịp song lang
Tình ơi! Lỡ nhịp ngỡ ngàng dây buông"
Khổ thơ này tác giả dùng câu cảm thán "Tình ơi!" và nghệ thuật dùng điệp từ điệp ngữ có giá trị biểu đạt rất cao. Tiếng gọi "Tình ơi" như xoáy vào tâm can người đọc. Có nỗi đau nào hơn thế!
Còn gì nữa đâu! Gọi tên mối tình phu thê lần cuối. Cuộc tình lẽ ra thật đẹp thật vuông tròn nhưng giờ đây tình còn đâu nữa tình ơi! Tác giả để cho nhân vật trữ tình thảng thốt cất tiếng gọi một lần cuối. Cũng là lần cuối cho một nỗi đau của lỡ làng duyên nợ. Tình yêu, tình chồng vợ đã mặn nồng hương lửa bây giờ ngơ ngác giữa chợ đời đen bạc, ngơ ngác giữa vần thơ. Tuổi xuân từng ngày trôi đi trong cái lạnh lẽo cô liêu của đêm tàn nguyệt tận, hoang phí những tháng ngày tuổi trẻ dạt dào nhựa sống với khát vọng hạnh phúc. Gần cả cuộc đời phải lẻ loi trong chăn đơn gối chiếc bởi vì duyên phận đã chia thành hai lối. Ở một nơi nào đó người thương của chị đang hạnh phúc trong một mái ấm khác. Không còn gì níu kéo thì đành "ngỡ ngàng" buông bỏ dây oan. Có ai đó đã nói rằng "Tu là cõi phúc tình là dây oan". Thì thôi sau bao nhiêu năm tháng đằng đẵng nhớ thương mong ngóng đợi chờ với hy vọng hạnh phúc sẽ trở về nhưng điều đó không thể xảy ra. Đành phải chấp nhận một thực tế đau lòng: nhịp cầu duyên đã lỡ. Đứa con là núm ruột của chị là nguồn an ủi là điểm tựa tinh thần duy nhất, chị nuốt lệ vào lòng chấp nhận xa con vì tương lai phía trước của con, để con trở về bên ba mà không có mẹ. Khi tuổi già bóng xế "tuổi son nhạt phấn phai đào" (Nguyễn Bính) không còn lựa chọn nào hơn là về " ẩn bóng trăng suông":
"Thôi về ẩn bóng trăng suông". Lòng tự nhũ lòng thôi những đợi trông. Cả một trời kỷ niệm với ân tình ngày đó xin cất giữ trong miền ký ức của " hiên lòng" quạnh quẽ:
"Thôi về ẩn bóng trăng suông
Thôi về, má phấn nhòe loan giấc nồng
Thôi về, thôi những đợi trông
Thôi về, cất giữ hiên lòng tịch không.
Thôi thì thôi, cõi trăm năm
Thinh không điệu gió gọi thầm đêm sâu
Thì thôi mảnh nguyệt phai màu
Thì thôi phím lệch xẻ sầu buông trôi...
Kìa thôi xuân đã nhạt rồi!
Sau cả một cuộc đời mỏi mòn chờ đợi tuổi xuân còn đâu nữa, chỉ còn lại nỗi đau với tuổi già hiu quạnh, một mình đối diện với bệnh tật.
Bài thơ khép lại, lời hết rồi mà ý vẫn vô cùng. Người đọc cũng quặn thắt lòng với một nỗi niềm bùi ngùi thương cảm. Xin gửi tới chị niềm đồng cảm sâu sắc, lòng yêu kính ngưỡng mộ một con người bằng xương bằng thịt, đức hạnh, chung thủy sắt son, sự hy sinh cao thượng. "Khúc hát tình rơi" thể hiện phong cách nghệ thuật của nhà thơ Ca Dao trong ngôn từ, hình ảnh và dạt dào về cảm xúc. Cũng là một tấm lòng chan chứa yêu thương của người em đối với chị, là những giọt nước mắt cảm thông vỗ về an ủi, thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau của chị mình.
Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng gợi nhiều hơn tả, dùng nghệ thuật ẩn dụ, cảm thán, điệp từ, điệp ngữ rất thành công, bài thơ giàu nhạc tính, ngôn ngữ trong sáng hiện đại viết theo thể lục bát truyền thống. Kết cấu thanh vần khéo léo, nền nã chỉn chu, tinh tế, gieo vào lòng độc giả âm hưởng ngậm ngùi da diết đến nao lòng.
"Khúc hát tình rơi" đã chạm đến trái tim tôi, trái tim của bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn một tấm lòng, một ý thơ nói hộ tiếng lòng một con người.
Kính mời bạn đọc thưởng thức trọn vẹn văn bản bài thơ.
Khúc Hát Tình Rơi
(Tặng chị cả thân yêu của tôi)
Tìm đâu nắng giữa hư không
Nghe òa bong bóng phiến lòng mưa rơi
Tìm đâu cánh nhạn mù khơi
Tìm đâu mộng cũ. Một đời nhớ nhung!
Thuyền trôi dòng biển mịt mùng
Thuyền trôi sương khói nghìn trùng bể dâu
Gió lay nắn nửa cung sầu
Hương thừa gửi lại niềm đau riêng chiều
Gõ hồn nghiêng giữa hắt hiu
Gõ hồn khúc hát cô liêu đêm trầm
Căng dây gõ khúc trăm năm
Kìa đêm nguyệt lạnh âm thầm giấc mơ
Tình ơi! Ngơ ngác vần thơ
Tình ơi! Vỗ giấc đêm trơ phím đàn
Tình ơi! Lỡ nhịp song lang
Tình ơi! Lỡ nhịp! Ngỡ ngàng dây buông
Thôi về, ẩn bóng trăng suông
Thôi về, má phấn nhòe loang giấc hồng
Thôi về, thôi những đợi trông
Thôi về, cất giữ hiên lòng tịch câm
Thôi thì thôi, cõi trăm năm
Thinh không điệu gió gọi thầm đêm sâu
Thì thôi, mảnh nguyệt  phai màu
Thì thôi, phím lệch xẻ sầu buông trôi...
Kìa thôi, xuân đã nhạt rồi!.

6/12/2019
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...