Rừng là một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của
quốc gia. Hồ Chủ tịch lúc sinh thời từng có câu nói nổi tiếng về rừng Việt Nam:
“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu” (Bài nói
chuyện tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
khóa 3, ngày 16/4/1962). Và rừng cũng đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho
bao tác phẩm thi ca, âm nhạc của Việt Nam trong suốt tiến trình văn học sử.
1. Trong tiếng Việt, ngoài định danh thông dụng nhất là rừng,
người Việt còn có các đơn vị tương đương khác cũng mang ý nghĩa chỉ rừng
như: rú, lâm, ngàn. Chữ “rú” khi sử dụng độc lập được coi là mang ý nghĩa
chỉ rừng già gắn liền với núi. Rú cũng kết hợp với rừng tạo
thành một tổ hợp từ ghép đẳng lập, mang ý nghĩa chỉ rừng nói chung: rừng
rú.
Từ “rừng rú” từng đi vào thơ của Bùi Giáng:
“Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng
Lạc mất đường về chơi bỗng dưng
Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng”
(Người về)
Chữ “lâm” là một đơn vị vay mượn từ tiếng Hán, được viết
trong tiếng Hán với tự dạng hai chữ “mộc” (cây) đứng cạnh nhau, với ngụ ý “nhiều
cây thành rừng”. Đi vào tiếng Việt, “lâm” tham gia cấu tạo nên một số đơn vị từ
vựng phổ biến như: lâm nghiệp, lâm tặc, lâm sản, lâm học, lâm phần (khoảnh
rừng thuần nhất về cấu trúc, khác biệt với khoảnh rừng bên cạnh).
Đơn vị cuối cùng chỉ rừng là “ngàn”, đi vào khá nhiều câu
thành ngữ tục ngữ ca dao của người Việt như: Vượt suối băng ngàn, Đốn tre
đẵn gỗ trên ngàn… Nhạc sĩ Hoàng Việt có bài hát nổi tiếng mang tựa đề Lên
ngàn: Em đi cắt lúa trên ngàn, rẫy trên ngàn nắng chiều chang chang/ Đường
đi nước ngập mênh mang bàn chân dẫm gai lòng không thở than…
Dĩ nhiên chữ “rừng” vẫn là chữ thông dụng hơn cả và cũng xuất
hiện trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, thể hiện những quan điểm cách nhìn của
cộng đồng về miền không gian khá đặc biệt này.
Có lẽ không ít người Việt giữ một tâm lý khá e sợ với rừng, bởi
nơi đây có thể chứa đựng nhiều hiểm nguy, không phải là chỗ có thể tin tưởng về
mức độ an toàn cho sức khỏe và tính mạng con người. Vậy nên nới có câu “rừng
thiêng nước độc”.
Việc lạm dụng tài nguyên của rừng, tham lam vô độ trong việc
chiếm đoạt các sản vật từ rừng, được cảnh báo qua một câu tục ngữ khác: Ăn
của rừng rưng rưng nước mắt.
Rừng cũng được sử dụng như một ẩn dụ để nói về thành quả của
sự tích lũy qua câu tục ngữ: Góp gió thành bão, góp cây thành rừng.
Một tổ hợp khá thú vị nữa về rừng trong tiếng Việt là “luật rừng”,
được hiểu là luật mạnh được yếu thua, theo kiểu đấu tranh sinh tồn trong thế giới
loài vật, thường được dùng để diễn tả những thanh toán, tranh chấp, đấu đá của
giới giang hồ với nhau.
2. Khi đi vào các tác phẩm thi ca, rừng có nhiều biểu hiện
phong phú, sống động, gửi gắm nhiều cung bậc tình cảm của con người cũng như
không ít những suy tư, trăn trở, khát vọng, mơ ước. Trước tiên phải kể đến việc
rừng được miêu tả như là một vẻ đẹp tự nhiên, gắn với tình yêu thiên nhiên, yêu
cuộc sống, yêu cây cối lá hoa của con người. Nhiều ca khúc từ thời kỳ chống
Pháp, chống Mỹ cho tới sau năm 1975 đều mang đến với người nghe vẻ đẹp của rừng
qua những lời ca trong sáng, tha thiết:
“Rừng hát, gió lay trên cành biếc. Lao xao, rì rào, dòng suối
uốn quanh, làn nước trôi trong xanh”
(Nhạc rừng - Nhạc và lời: Hoàng Việt)
“Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về
Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa
(Tình ca Tây Bắc, Nhạc: Bùi Đức Hạnh, phỏng thơ: Cẩm Giang)
“Em đến với rừng, đâu chỉ vì rừng xanh thơm hương
Em đến với rừng, vì tình yêu màu xanh quê hương
Em đến với rừng, đâu chỉ vì rừng mờ trong sương
Em đến với rừng, bởi rừng xanh yêu thương”
(Rừng xanh yêu thương, Nhạc và lời: Huy Cường)
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ở thế kỷ XX, rừng
có thể nói như một người bạn đồng hành cùng những bước chân hành quân của người
chiến sĩ:
“Em đi lên rừng cây xanh mở lối
Em đi lên núi núi ngả cúi đầu”
(Cô gái mở đường, Nhạc và lời: Xuân Giao)
“Đàn theo ta đi qua con suối con khe, qua nương rẫy qua bao
nhiêu rừng
Đàn theo ta đi đánh Mỹ đêm ngày, giữa rừng xanh vang muôn câu
ca”
(Rừng xanh vang tiếng Ta lư, Nhạc và lời: Phương Nam)
Rừng không chỉ đồng hành mà thậm chí còn là một sức mạnh bảo vệ
và chiến đấu chống lại kẻ thù:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Có những khu rừng với những cái tên cụ thể đã đi vào nhiều
tác phẩm thơ và nhạc theo suốt chiều dài lịch sử.
Ở thời kỳ văn học trung đại, ta có một khu rừng Côn Sơn trong
thơ Nguyễn Trãi:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”
(bản dịch của Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình)
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ta bắt gặp rừng Việt Bắc
trong thơ Hồ Chí Minh:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay”
Trong quần thể rừng Việt Bắc còn phải nhắc tới rừng Pác Bó
trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ:
“Ơ, rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người. Bước chân
Người đi đất chuyển dời theo Người. Người về rừng núi, bóng Người vì sao trong
sáng”
(Tiếng hát giữa rừng Pác Bó).
Ở dải đất phương Nam, phải kể tới những cái tên rừng đã đi
vào các tác phẩm văn xuôi nổi tiếng của Sơn Nam, người được mệnh danh là nhà
Nam Bộ học: Hương rừng Cà Mau, Bắt sấu rừng U Minh Hạ…
Sau năm 1975, rừng Cúc Phương đi vào một ca khúc nổi tiếng của
nhạc sĩ Trần Chung, được coi như một tác phẩm “tỉnh ca” của Ninh Bình:
“Ơi, Cúc Phương ơi! Chiều nay tôi đến thăm em. Bâng khuâng giữa
Động Người Xưa, vui với cây Chò ngàn năm. Cho tôi ngủ lại, cùng cỏ cây hoa lá.
Rì rào qua mùa trăng, tưởng nghe con sóng mênh mông ngàn xưa vỗ về.”
(Nhớ về Cúc Phương)
3. Rừng cũng trở thành những hình tượng văn học mang chiều
sâu, biểu đạt những xúc cảm tình yêu, gửi gắm những thông điệp về nhân sinh, về
cuộc đời. Bài thơ Tự hát của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã nhắc tới rừng trong
hai câu thơ liên tiếp, thể hiện những ngổn ngang rối bời của tâm trạng, và cả
những rợn ngợp âu lo, vừa mê đắm nhưng cũng vừa xen lẫn không ít những dự cảm
khó nói hết thành lời:
“Mùa thu này sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”.
Nếu như cánh rừng trong thơ Xuân Quỳnh gắn với những ẩn dụ về
cảm xúc của tình yêu đôi lứa thì cánh rừng trong thơ Nguyễn Trọng Tạo lại như
muốn ẩn ý về những giá trị cuộc đời, là những gì đọng lại dù tháng năm đi qua,
dù thời gian tàn phá và băng hoại:
“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời”
(Đồng dao cho người lớn)
Đọc lại nhiều tác phẩm của các danh gia trong dòng chảy thi
ca Việt, tôi nhận thấy có một biểu hiện tâm lý - tình cảm tương đồng ở nhiều
người, đó là khát vọng muốn trở về với núi rừng để sống một cuộc đời an nhiên tự
tại, rũ bỏ hết mọi danh lợi vinh hoa.
Nguyễn Trãi (1380 - 1442), từ thế kỷ XV đã thể hiện tâm sự ấy:
“Đã hẹn suối rừng đâu nỡ phụ
Cúi đầu cát bụi chỉ thương ta
Chưa yên giặc giã mừng thân vẹn
Về đến làng quê tưởng mộng qua
Dưới núi bao giờ lều sẽ dựng
Đá kê đầu ngủ, suối pha trà”
Sau Nguyễn Trãi ba thế kỷ, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) cũng
mong ước:
“Hà thời vũ khố cao cung thỉ
Hạc cốt, sương đề phản cố lâm”
(Bao giờ kho vũ, cung tên xếp
Vóc hạc quay về với núi xưa)
(Nguyệt dạ lãng ngâm)
Và sau Ngô Thì Nhậm hai thế kỷ nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị
lãnh tụ vĩ đại của non sông Việt Nam thế kỷ XX ngay từ những năm đầu của cuộc
kháng chiến chống Pháp đã hẹn ước:
“Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa hạc cũ với xuân này”
(Cảnh rừng Việt Bắc)
Không chỉ những bậc thi nhân, danh gia hay những tâm hồn tao
nhân mặc khách tìm đến rừng, mà rừng còn cuốn hút cả những người trẻ tuổi thời
nay trong những chuyến phượt tự do, vừa mạo hiểm vừa tràn đầy phóng khoáng.
“Vì đi vào rừng người ta dễ yêu nhau” của Thùy Anh là một
tản văn hấp dẫn nhất tôi được đọc trong những năm gần đây. Rừng không chỉ mang
đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương xứ sở mà nó còn có khả năng đánh
thức những cảm giác hoang sơ, thiện lương trong mỗi tâm hồn. Và có những tình
yêu đôi lứa đã được khởi lên từ đó:
“Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng. Tôi nhìn thấy tôi.
Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị
và giản đơn (…) Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những
chiếc lưng còng đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò con dê lững
thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của
tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê” mất rồi. Chồng tôi
có lẽ cũng như vậy.
Còn bạn, bạn đã sẵn sàng đi rừng chưa?”.
Như vậy, có thể thấy đề tài về rừng đã trở thành một trong những
miền không gian khơi gợi cảm hứng trong thi ca Việt. Là một thực thể thiên
nhiên hoang dã đầy bí ẩn nhưng cũng luôn tràn ngập những năng lượng và sự chào
đón, mãi mãi quyến rũ con người, rừng đã trở thành một một hình tượng nghệ thuật
giàu giá trị thẩm mĩ trong văn chương, nghệ thuật. Hơn thế, hình tượng nghệ thuật
đó còn mang chứa nhiều thông điệp nhân sinh sâu thẳm, gián tiếp giúp các văn
nhân thi sĩ tỏ bày tình yêu với thiên nhiên, đời sống, con người.
8/8/2020
ĐỖ ANH VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét