Tản mạn về tính thiền trong thi ca
Đi vào cõi thiền trong thi ca là đi vào cõi mênh mông bạt
ngàn, trùng trùng điệp điệp của muôn vàn cảm xúc. Ngôn ngữ của thiền trong thi
ca bất luận sử dụng theo một cấu trúc nào nó vẫn luôn hàm chứa những triết lý
siêu việt, vượt ra ngoài cảm quan và tri giác của cuộc sống đời thường. Tính
thiền trong thi ca là một dạng ngôn ngữ được sử dụng như là một công cụ tìm kiếm
chân lý, hay nói cách khác là lịch nghiệm nó bằng sự rung động của trái tim hơn
là để hiểu nó.
Nói về thi ca và thiền, Tuệ Sỹ viết: “… Muốn cho lời thơ
tuyệt diệu thì phải là không gò ép vừa không vừa tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết
mọi vọng động; không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời bôn ba giữa đời
mà như thấy mình nằm trên chóp đỉnh non cao. Đủ hết mặn nồng, chua chát trong
đó có cái hương vị tuyệt vời.
… Đạt tới cõi thượng thừa của thơ, như người học thiền chứng
chỗ không tịch của Đạo; cái đó vừa khó, vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đọa thâm tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi
không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra chỗ ảo diệu đó”. Vì thế, tính Thiền
trong Thi ca luôn ẩn chứa những tư tưởng uyên áo, thậm thâm vi diệu.
Thử đọc bài thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1117)
bàn về triết lý Có Không (hữu không) thâm u viễn viễn đầy thuyết
phục:
“Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không”.
(Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?)
Bằng sự quán chiếu tu tập sâu sắc về triết lý Tánh
Không, Thiền sư đã trực ngộ được bản thể của vũ trụ nhân sinh là
thâm diệu mà ngôn ngữ thế gian không thể diễn đạt hết nghĩa lý sâu
xa, nó chỉ có thể “thực chứng” với nổ lực của tự thân.
Vì tự tại vô ngại với vạn pháp mà Thiền sư nhìn hoa
rơi mà chẳng thấy xuân tàn, nhìn lá vàng rơi mà chẳng thấy mùa thu
úa màu. Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) trong “Cáo Tật Thị Chúng” đã
cho chúng ta diện mạo của một mùa xuân miên viễn như thế:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai)
Sanh, trụ, dị, diệt hay xuân, hạ, thu, đông là quy luật
tuần hoàn tất yếu của vũ trụ, nhưng qua cái nhìn “vô ngã tính” và
cách chuyển tải triết lý Phật giáo bằng ngữ điệu Thi ca của Thiền sư, bài
thơ đã trở nên bất hủ.
Cứu cánh của Thiền là “đốn ngộ”, là đưa hành giả
trở về với “Bản lai diện mục”. Cho nên, dù chỉ là những câu thoại
đầu đơn giản hay những bài kệ, câu thơ ngắn gọn nhưng cũng có thể
trở thành chiếc bè để đưa hành giả sang bên kia bờ giác ngộ.
Chỉ là chuyện đói thì ăn, khát thì uống thôi mà Trần
Nhân Tông (1258 - 1308), sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, đã chỉ cho chúng ta
một “công án” Thiền trong bài “Kệ Vân” (bốn câu cuối của “Cư Trần Lạc
Đạo Phú”):
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
(Cư trần vui đạo hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền)
Thơ Trần Nhân Tông vừa mang tính chất uyên bác thâm u
của một Thiền sư, vừa mang tính chất dân dã nên dễ đi vào lòng
người. Từ sự thực nghiệm sâu sắc về Thiền đi đến một đời sống tâm
linh đầy phóng khoáng, không gò bó bởi hình tướng của thế gian. Đọc
bài thơ “Nguyệt” ta mới cảm nhận sự rung cảm đầy chất lãng mạn của
Ngài:
“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư,
Thụy khởi châm thanh vô mích xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ”.
(Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,
Đêm vắng, sân thu lác đác sương,
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,
Trên cành hoa quế, nguyệt lồng sương)
Nhìn thấy trăng trong giọt sương lung linh huyền ảo giữa
đêm khuya thanh vắng chỉ có Thi sĩ và Thiền sư mới nhìn được. Khách
thể là trăng, chủ thể là thi nhân. Cả chủ thể lẫn khách thể đang
gặp nhau trong cuộc tồn sinh phiêu phong bạt ngàn vô tận.
Trăng trong thơ Lý Bạch thì khác, ông u uẩn trong trăng
niềm cô liêu khắc khoải về một quê hương xa xăm vời vợi. Bài thơ “Tĩnh
Dạ Tứ” thể hiện điều đó:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”.
(Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)
Cái chếch choáng mờ ảo giữa màn đêm, hồn thơ Lý
Bạch đã bay bỗng lâng lâng vào cõi mộng ảo bao la đất trời. Ở đây
trăng là sương hay sương là trăng? Hay như cuộc đời mộng thực, tỉnh mê
mờ ảo?
Hàn Mặc Tử thì điên với trăng trong thống ẩm cuồng
ca:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ...
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”.
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)
Trăng trong Thi ca có khi là cái đẹp trong sáng hồn
nhiên, nhưng cũng có khi là giọt lệ chia ly, là tiếng hờn lưu lạc, là
chứng nhân cho nội tâm đắng cay, sầu khổ.
Tô Đông Pha không thổn thức trong trăng mà nghẹn ngào trong
đêm mưa buồn thanh vắng:
“Thềm vắng, đêm mưa, buồn da diết
Nghẹn ngào cô quạnh khóc ai đây”.
Hay như Tuệ Sỹ một mình bước đi heo hút cô liêu trên
đỉnh tuyết để tìm lại hồn mình trong “dấu tích hoang đường”:
“Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết
Bước chập chùng heo hút giữa màn sương
Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường”.
Trong cuộc phiêu bồng lang thang từ mấy nẻo luôn hồi,
thi nhân cảm nhận cuộc sống như là một cuộc chơi. Vũ Hoàng Chương
ngậm ngùi:
“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở nọ sông cát bồi,
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về”.
Bùi Giáng cứ ngỡ dạo gót trần gian chơi một chút rồi đi,
nhưng “Có ngờ đâu ở mãi đến bây giờ”. Và cuộc chơi đó vẫn đến hồi
kết:
“Rồi tôi cũng phải xa tôi
Đời tài hoa cũng xa xôi ven trời”.
Trịnh Công Sơn xem cuộc đời như hạt bụi trong cuộc tồn
sinh rong chơi lữ thứ… “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn
hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”
Thiền sư và Thi sĩ tuy đi hai con đường nhưng chung một
hướng. Thiền sư đi tìm sự chứng ngộ tâm linh, còn thi sĩ đi tìm cái
đẹp trong muôn trùng cảm xúc bao la bạt ngàn của con người và vũ trụ
vạn hữu.
Thơ và Thiền gặp nhau trong cảm nhận tri thức và trực
giác. Thiền không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt, mà thơ cũng không
thể dùng lời để diễn đạt hết xúc cảm của nội tâm. Thơ là “Thi thị
khả giảng bất khả giảng chi gian” có nghĩa là thơ có cái giảng và có cái
không thể giảng được. Thơ và Thiền nằm trong cái siêu nhiên đó. Cho nên,
những bài thơ tuy là thơ thiền nhưng vẫn phóng khoáng. Phạm Thiên Thư
trong tập thơ “Đưa em tìm động hoa vàng” có đoạn viết:
“Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam Hoa có Thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn”.
Khi Thiền sư đủ bản lĩnh để đổi kinh lấy rượu rồi
là thong dong “thõng tay vào chợ”, “kỵ ngưu quy gia”, giải thoát và
giác ngộ.
Thiền sư Ngốc Tử muốn lên cõi Niết Bàn vẫn thương cho
người ở lại:
“Tim này ví xẻ làm đôi
Nửa dâng cúng Phật chao ôi còn nàng?
Lung linh dưới ánh trăng vàng
Như lai Điều ngự trên làn tóc em”.
Như Lai là Điều Ngự, điều ngự cũng có nghĩa là về
ngự trên làn tóc em. Trong em, Thiền sư nhìn thấy được thấp thoáng có
bóng dáng của Như Lai dưới ánh trăng vàng lung linh huyền ảo.
Hai câu thơ sau của Thiền sư Thiện Quang cũng mang Từ bi
tâm của công hạnh Bồ tát:
“Ta sợ khi ta thành chánh quả
Nghìn năm chẳng thấy dấu chân em”.
Ta là Thiền sư biết chuyển hóa tự thân, đoạn trừ khổ
đau, đạt đến cảnh giới Niết Bàn vẫn thương cho em cứ mãi rong ruỗi trôi
dạt trong biển sanh tử luân hồi.
Tính thiền trong thi ca không chỉ là những triết lý
siêu việt, ngôn ngữ huyền ảo mà cũng có lúc phóng khoáng với một
tinh thần lạc quan, yêu đời.
Cuộc đời chúng ta như nhưng “Con chim ở trọ trần gian,
con cá ở trọ trong khe nước nguồn…”, thắc mắc làm chi bến nọ bờ kia.
Dù sao ta cũng phải cám ơn trần gian tạm bợ này như nhà
thơ Bùi Giáng:
“Ta cám ơn trần gian này lắm lắm
Nhờ nơi đây ta biết được vui sầu.”
Và vẫn biết rằng “Luân Hồi Có Nhau” như nhà thơ Thái
Tú Hạp:
“Ta về tịch mặc ngàn hoa
Lá cao vút đẫm mây qua đỉnh trời
Nhân gian dành trọn cuộc chơi
Ta cùng em hát bên đồi xuân xưa
Nhất quán rồi - mộng mai sau
Tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi
Cảm ơn thơ, cảm ơn đời
Trăm năm nhật nguyệt, đầy vơi nghĩa tình”.
Tính thiền trong thi ca vượt ra ngoài ngôn ngữ của thế gian,
vượt ra ngoài luận lý của con người, chỉ có thể cảm nhận nó bằng sự
rung cảm của tâm hồn.
8/2013
Thiện Long - Hàn Long Ẩn
Theo http://www.chuathientruc.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét