Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Bước thời gian - Chặng đường thơ mới của Tùng Bách

Bước thời gian (*). Chặng đường 
thơ mới của Tùng Bách

Bước thời gian là  tập thơ mới nhất, tập thơ thư tám của anh, một phong cách không thể lẫn lộn. Ngắn gọn cô đúc, đôi lúc như những ngạn ngữ dân gian. Những nghịch lý đời sống cười mà buồn. Thơ anh thường có tứ đọng lại ở câu cuối, người đọc cảm nhận đột ngột một điều tác giả gửi gắm, có phần sửng sốt, đôi chút ngạc nhiên để rồi ngẫm nghĩ thích thú. Để có những chiêm nghiệm đầy xúc cảm đó hẳn phải trải qua một bề dài tháng ngày lưu lạc đây đó, tiếp xúc với bao nhiêu thân phận đến cái tuổi cổ lai hy anh mới rút ra được...
Tôi quen Tùng Bách từ những năm tám mươi, sau hai mươi năm gặp lại, anh vẫn như xưa: khuôn mặt chất phác, giọng nói trầm nhẹ, lúc nào cũng như tâm tình, thủ thỉ. Chỉ có đôi mắt có vẻ tư lự, từng trải hơn. Thơ cũng như người, bây giờ so với lúc trước, thơ Tùng Bách đã đi một chặng đường dài, rất nhiều chiêm nghiệm và từng trãi có mặt trong thơ anh. Đó là sự giễu nhại, cười cợt những mô chuẩn giả dối của mặt trái đời sống thị trường, là lối lấy tin sốt dẻo từ các vấn đề thời sự trên báo chí, là những hình ảnh thực ảo lẫn lộn, là ngôn ngữ dân dã tưng tửng rặt cách nói Xứ Nghệ. Và trong tận cùng sự đổi thay là cách nhìn đời không còn giản đơn theo mô hình như ngày xưa. Bao tháng ngày từng trải anh chiêm nghiệm nhiều nghịch lý đời sống chắt thành thơ thổ lộ với độc giả, rất khiêm tốn. Thoáng nghe thì nhẹ tênh, như một nhếch mép, nhưng lắng lại long lanh những giọt buồn đời!
Thơ Tùng Bách nhiều chất hài hước, cái hài không nặng về khoa trương chữ nghĩa mà ở những nghịch lý được trình bày của sự việc. Nó sâu sắc và có tính khái quát cao. Từ một chi tiết nhỏ nhặt, chiếc răng khểnh của người đẹp đi qua phố, tác giả liên hệ đến sự ngờ nghệch, sự kém hiểu biết, thói a dua, thường có của người đời, cho đến những nghịch lý đời sống, nghịch lý văn hóa gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đến tâm lý cộng đồng: Người đẹp có chiếc răng khểnh đi qua phố/ Nhiều tiếng trầm trồ chỉ trỏ… Ai cũng cảm thấy nơi khóe miệng mình/ Thiêu thiếu một tý gì đó! (Răng khểnh).                              
Đời sống thường có nhiều nghịch lý, nghịch cảnh, hơn ai hết các nhà văn nhà thơ phát hiện rất nhanh, nghiệm suy những điều sâu kín bên trong. Sự vật hiện lên sắc nét  và phô bày những vấn đề có khi mang tầm khái quát. Sự bức hại thiên nhiên vì cái lợi trước mắt có khi hủy hoại nền văn hóa lâu đời, làm thương tổn tình cảm nhân văn của cộng đồng. Nhà thơ từ cảnh thực mà hình tượng lên với ngôn ngữ trữ tình, phép nhân cách hóa.
Nhớ thương chờ nhau hóa đá/ Tưởng rằng đến thế thì thôi
Đá nào được yên phận đá/ Có ngày bạc phếch như vôi - (Miền viễn tưởng)
Thói hư danh, ham thanh, chuộng lạ, cũng là một điều dễ bắt gặp, nhưng nó lại trừu tượng ở những phạm trù tinh thần như văn chương phú lục. Nó làm lóa mắt với nhưng xảo thuật màu sắc nhưng có khi là bước thụt lúi hoặc xa lạ tâm niệm công chúng: Văn chương phú lục đang dần thoái/ Hiện đại thơ ca tiến đến vè/ Ca ve khéo vỗ thành hoa hậu/ Lời thật thời nào cũng khó nghe.
Tập thơ có những bài đậm chất trào phúng hóm hỉnh, lại có những bài suy tư sâu lắng, nhưng lẫn vào đâu đó còn là những khúc trữ tình nồng thắm về tình yêu, tình bạn (Bạn vàng, Những lời có cánh, Yêu…), về quê hương xứ sở (Đèo Ngang, Chiều  Phủ Quỳ, Cát bụi, Đêm Anh Sơn…)
Tùng Bách thoạt nhìn có vẻ khô khan, nhưng gặp lâu lai thấy khá nồng đượm. Thơ anh cũng vậy: ngắn, chân thật, ít mỹ từ ngay cả khi nói về tình yêu khác một số thi phẩm ta thường gặp. Chia khuất, tử biệt đôi đường người bạn thân Chu Vĩnh Phương, lời thơ trầm tĩnh như nén lại nỗi buồn đau da diết: Sơn khê gió mưa chẳng thế/ Tiễn đưa nhau nốt quãng chiều/ Mọi nhẽ từ nay đà ký ức/ Khuyết tròn một thuở thương yêu/ (Mọi nhẽ từ nay). Như người xưa nói “Lời đạm mà tình nồng” là vậy!
Tác giả đi nhiều, do nghề nghiệp, phần nữa do sở thích, hay xê dịch nhưng một sợi dây vô hình vẫn níu giữ với quê hương, đi đâu một mình  hay với người thân, bè bạn thì vẫn thấy ”không đâu bằng quê hương”. Ở đâu thành phố hoa lệ đèn điện lầu hoa, hay đèo cao núi biếc thì “Ta xưa giờ vẫn Quê”. Chất Quê là linh hồn, là phẩm cách mà tác giả luôn cố giữ lấy! Nỗi nhớ quê là một tâm trạng day dứt của tác giả trên mọi nẻo đường vào Nam ra Bắc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều hiện hình cùng một nỗi ám ảnh những lúc xa ấy là thấy thiếu vắng. Cảm giác thiếu vắng quê nhà dẫu những lúc đó có thể thừa nhiều thứ bao bọc xung quanh, đó là một cảm xúc khá phổ biến ở nhiều bài thơ. Chính bởi vậy khi qua vùng Phủ Quỳ tác giả đã xúc cảm:
Phủ Quì chiều mang mang/ Thả hồn cùng sông Hiếu/ Chợt thấy mình thừa ra.
Mới hay mình đang thiếu. (Chiều Phủ Quỳ)
Nhà thơ nào cũng muốn thử thách mình với thơ tình yêu. Cũng muốn bày tỏ cũng muốn gửi gắm. Chúng tôi nghĩ, không có hay và dở trong mảng đề tài này, vì nó đều thoát ra tự con tim, nó rất chân thành, tùy theo đối tượng người đọc để cộng  cảm mà thôi. Nhưng thơ tình mỗi nhà thơ đều có cái khác nhau đó là do cái “tạng”, hay nói một cách chữ nghĩa là “cá tính sáng tạo của họ”. Thơ tình của Tùng Bách khi ồn ào như sóng lại có khi thầm lặng như bóng đêm, chung quy vẫn không thoát ra ngoài chữ Buồn và Mong.
… Yêu man dại và điên cuồng như thế/ Que diêm nào cũng chỉ cháy một lần thôi (Yêu)… Cái rét ăn theo gió bấc mưa phùn/ Tiếng thở dài không làm đêm ngắn lại.
Cớ chi lòng thổn thức nhớ người dưng… (Tháng chạp)
Nói về nghề Thơ Tùng Bách rất khiêm tốn, cho rằng năm mươi năm mình “tí tóe làm thơ” đến bây giờ vẫn câu được câu mất, thực ra, với gần chục tập thơ ra mắt độc giả anh đã tạo được một dấu ấn riêng, một bút pháp riêng, theo tôi đó là bút pháp cười - buồn. Thơ anh như một nhịp thở, đa phần là ngắn và có “điểm đọng” - nơi gói lại, đóng lại và nâng lên tình ý, chủ đề bài thơ.
Gần đây, trong sự bắt nhịp sự đổi mới của thơ cả nước, ngòi bút anh có nhiều đổi mới, nhưng cái mới của anh không thiên về câu chữ, mà thiên về cách nhìn cuộc sống. Cách nhìn không bảo thủ, không đơn giản, không nặng về bề nổi, cố gắng đi vào bề sâu, bề sau các hiện tượng, có khi bên sau tiếng cười lại váng vất một nỗi buồn: Lòng như biển mấp mô bờ đá dựng/ Chân trời xa bảng lảng cánh chim trời/
Thương mến ạ, về thôi chiều trở gió/ Mặc sợi buồn giăng mắc phía xa khơi! (Không đề). Chính cái bề sau của sự vật mà nhà thơ chiêm nghiệm đã nâng cánh cho thơ bay lên.
Chú thích:
(*) NXB Hội Nhà Văn Hà Nội 2018.
Tháng 7/2019
Yến Nhi
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...