Mùa xuân đến hoa mai,
đào nở làm đẹp cho đời
Mùa xuân đến với dân tộc, Bắc có hoa đào thắm, Nam có hoa mai
vàng. Hoa mai thể hiện khí tiết thanh cao của người quân tử, thì hoa đào lại tượng
trưng cho tấm lòng của bậc nữ nhi son sắt.
“Mùa xuân hội tụ,
Niềm vui, nụ cười.
Đào, Mai nở rộ
Đẹp hai phương trời”.
Cứ mỗi độ xuân về, trăm hoa đua nở, sắc xuân rực rỡ muôn màu
muôn vẻ, những đóa hoa như khoe sắc cùng xuân, không gian bao trùm một vẻ tươi
tốt tràn ngập sức sống. Người người ngắm nhìn cảnh xuân với muôn nghìn tâm trạng.
Trong cái nhìn của người con Phật đứng trước cảnh sắc xinh đẹp của mùa xuân dẫu
biết tất cả là mộng là huyễn thế nhưng cũng không khỏi thoáng chút xao xuyến
cũng như có những cái cảm nhận mới lạ khác thường.
Mùa xuân đến với dân tộc, Bắc có hoa đào thắm, Nam có hoa mai vàng. Hoa mai thể
hiện khí tiết thanh cao của người quân tử, thì hoa đào lại tượng trưng cho tấm
lòng của bậc nữ nhi son sắt. Hoa mai thể hiện sự kiên cường mạnh mẽ, thì hoa
đào lại thể hiện một cách mềm mại thướt tha; Hoa mai quyền quý cao sang, thì
hoa đào lại dịu dàng đằm thắm; Hoa mai cười rạng rỡ trong nắng xuân, hoa đào lại
là đôi môi hồng e ấp. Hai thứ hoa, hai cốt cách, hai phương trời, cũng là hai sắc
màu xuân sang.
Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú
quý. Người ta chưng hoa mai vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài,
giàu sang. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều
cánh thì nhà đó càng may mắn và sung túc trong năm mới.
Đối với nhiều người, hoa đào cũng giống như một người con gái miền Bắc đẹp dịu
dàng, đằm thắm mà quyến rũ vô cùng, và còn tượng trưng cho sự tinh tế, sang trọng
và thủy chung. Ngoài ra, hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới, sự sinh sôi,
phát triển mạnh mẽ, và còn mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong
nhà luôn khỏe mạnh, bình an và vạn sự như ý trong năm mới. Hoa Đào nở vào mùa
xuân còn biểu trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tình bạn thân thiết và tình yêu.
Trang trí một cành đào đẹp trong nhà hay gửi tặng người thân, bạn bè một cành
đào thắm là lời chúc tuyệt vời nhất mà chúng ta muốn gửi đến mọi người trong
năm mới.
Nguyên âm:
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”.
Dịch nghĩa (Trần Trọng Kim)
“Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông...”
Hoa đào rất đẹp! đẹp từ khi đào mới kết nụ, đơm bông, cho tới
khi hoa nở, thậm chí hoa tàn vẫn đẹp đến nao lòng. Ngắm những nụ đào còn chúm
chím trên cành, sẽ thấy nét mơ màng e lệ của nàng Xuân. Rồi khi hoa mãn khai
nhuộm thắm một góc trời, đôi chân sẽ lạc bước vào tiên cảnh. Hoa tàn hoa rụng lại
càng đẹp và mộng mơ hơn nữa. Đó là “đào hoa lưu thủy”, trôi theo dòng nước; hay
là hình ảnh cánh hoa nương theo làn gió, bay lả tả khắp không gian; hoặc cũng
có thể là phơn phớt cánh đào trải thảm hồng trên nền cỏ biếc. Như trong “Truyện
Kiều” của Nguyễn Du miêu tả mối tình đầu của Kim Trọng và Thúy Kiều luôn thấp
thoáng bóng hoa đào. Đến khi chàng Kim phải về Liêu Dương thụ tang người chú,
sau nửa năm xa vắng, chàng trở lại vườn Thúy thì mọi vật đều đã đổi thay. Người
xưa không còn nữa, chỉ thấy:
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Người nhớ cảnh, cảnh nhớ người, đúng một năm sau trong tiết
thanh minh, chàng Thôi trở lại chốn cũ nhưng chỉ thấy cửa đóng then cài, người
xưa không biết ở chốn nao, mặc cho ngàn hoa vẫn rực rỡ. Thế nên, thi nhân xưa
thấy hoa rơi mà lòng đau nhói: “Thủy hoa lưu tạ lưỡng vô tình” (nước chảy, hoa
tàn, cả hai cùng vô tình), lại thấy: “Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy. Lưu thủy vô
tình luyến lạc hoa” (Hoa rơi hữu ý theo nước chảy. Nước chảy vô tình cuốn hoa
trôi). Kiếp hoa cũng giống như kiếp người, thoát sao được vòng quay của sinh -
lão - bệnh - tử? Con người là “sinh - lão - bệnh - tử”, Thiên Địa là “thành -
trụ - hoại - diệt”. Cho nên, ngắm hoa mà ngẫm đến kiếp người, suy ngẫm về đời
người mà nhận ra quy luật của thiên nhiên vạn vật, cũng là quy luật bất biến
vĩnh hằng của tạo hóa. Có người ngắm hoa đào mà say sưa giấc mộng hồng (chìm
trong cõi mê), lại có người ngắm hoa đào mà bừng ngộ, thấu triệt Pháp lý vần
xoay của vũ trụ (tỉnh thức, thoát khỏi cõi mê).
Cho nên ngài Thiền sư Linh Vân tu đạo trên núi, ngài đã 30 năm cần mẫn tu hành
nhưng vẫn chưa thật sự đắc Đạo. Ngày hôm nay ngồi tham thiền trong rừng đào, một
cơn gió thổi đến khiến những cánh hoa vương đầy trên mặt đất, ngài bỗng ngộ ra
chân Pháp chân Đạo từ những cánh đào rơi.
“Tam thập niên lai tầm kiếm khách.
Kỷ hồi lạc diệp kỷ trừu chi.
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu.
Trực đáo như kim bất cánh nghi.”
Dịch:
“Ba chục năm qua tầm kiếm khách
Bao lần lá rụng với cành trô
Từ khi được thấy hoa đào rụng
Cho đến ngày nay chẳng chút ngờ”.
Người thường là say trong sắc hoa, hương hoa, tình hoa, mà ảo
tưởng về cuộc sống phồn hoa giả tạm nơi trần thế. Nhưng kiếp người chỉ có trăm
năm, dẫu là công tử vương tôn quyền quý, là anh hùng hào hoa tuấn kiệt, hay là phận
nữ nhi yểu điệu, làm bóng hồng lưu luyến trong trái tim ai… thì cuối cùng, hết
thảy đều trở về cát bụi! Hoa đẹp đến mấy cũng phải héo tàn, người đẹp đến mấy
cũng phải đến lúc già nua, những gì là oanh oanh liệt liệt, vẻ vang lừng lẫy, rồi
cũng đến lúc trở thành dĩ vãng. Kiếp người này là giả tạm đến thế, phù du đến
thế, hư ảo đến thế, sao bằng buông bỏ tất cả những thứ phồn hoa giả tạm ấy để
trở về với Phật Pháp vĩnh hằng?
Vì lẽ đó mà những bậc chân tu như Linh Vân thiền sư, chỉ thấy hoa đào rơi mà bừng
ngộ. Lẽ dĩ nhiên, không phải ai ai cũng trở thành thiền sư, ai ai cũng tu hành.
Dẫu ai đó trong chúng ta không tha thiết làm bậc chân tu để ngộ Đạo, thì vẫn có
thể làm một người bình thường, nhưng là người sống trọn vẹn kiếp nhân sinh. Còn
những cây mai thì có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão và
chịu đựng được mọi thời tiết, kể cả khắc nghiệt nhưng vẫn sống bền bỉ theo năm
tháng vươn mình ươm chồi nẩy lộc, người Việt Nam dù bất cứ ở đâu cũng gìn giữ đạo
lý ân nghĩa và cội nguồn văn hóa tốt đẹp của tổ tiên và nhẫn nại chịu đựng can
đảm trước mọi hoàn cảnh để xây dựng cuộc đời. Bởi vậy mà cây hoa mai vàng còn
tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của con người
nói chung, người Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, mai còn là biểu tượng cho sự
cao thượng, quyền quý.
Hình ảnh cây mai nở rộ trong ngày đầu xuân là bài học đạo lý
đối với mọi người và mọi nhà. Cây mai dãi nắng dầm mưa trong lòng đất Việt cũng
là hình ảnh tiêu biểu cho những phẩm chất tinh thần cao quý của người dân Việt
trong quá trình đấu tranh và lao động xây dựng cuộc sống qua nhiều thế hệ. Cây
mai vàng Việt Nam có địa vị trong thơ Thiền của thời đại Lý Trần, đây là một
hình tượng cao quý ẩn dụ cho khả năng tiếp nhận sự chân lý của con người. Những
đóa mai vàng nợ rộ trong tiết xuân còn cho thấy niềm vui, niềm hân hoan, hạnh
phúc, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và gắn bó mọi người lại với nhau.
Từ khi tổ tiên lập nước và giữ nước, thành lập chế độ làng xã, đã chú trọng vấn
đề giáo dục đạo đức. Mỗi tên của làng xã cho đến tên tỉnh thành mà tổ tiên đặt
ra đều mang dấu tích lịch sử và luôn tâm nguyện cho con cháu đời sau sống an
lành. Nhiều làng xã trên quê hương Việt Nam đều có ngôi chùa, ngôi chùa từ thời
đầu tiên như là thay thế cho trường học ngày nay để dạy lễ giáo và cũng là nơi
tin ngưỡng chung cho mọi người. Khắp ba miền Nam, Trung, Bắc ở Việt Nam, mỗi
làng xã đều có nhà thờ họ, nhà thờ nhánh, đình làng và miếu xóm lập lên để tỏ
lòng tri ân đối với ông bà tổ tiên cũng như những anh hùng hào kiệt có công với
dân với nước.
Hằng năm, con cháu trong làng quê đi làm ăn hay sinh sống khắp nơi, thường trở
về làng quê thăm cha già mẹ yếu, thăm mồ mã ông bà, tu chỉnh gia phả, ôn lại lời
dạy của các bậc tiền bối để tri ân và báo ân. Cây mai trong sân chùa ở làng quê
Việt Nam được xem là hình ảnh quan trọng trong văn học Phật Giáo thiền thời đại
Lý Trần. Trong tuệ giác của các bậc thánh nhân, hình ảnh cây mai sống trong
sương mai nắng chiều, sống qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà nở hoa đó là năng
lực sống nhiệm mầu. Nó xứng đáng là biểu tượng cho trạng thái thân tâm vô nhiễm
trong cuộc đời này. Thiền sư Mãn Giác làm bài thơ “Cáo tật thị chúng” với hình ảnh
cây mai vàng đã gửi gắm tinh thần siêu việt tiềm ẩn trong khả năng của con người.
Đó là năng lực sống tự chủ và trí tuệ. Trí tuệ ấy là tầm nhìn tổng quát trong mọi
hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống, vượt qua mọi ràng buộc ước lệ thời gian và
không gian trong thế giới hiện tượng. Nội dung bài thơ như sau:
"Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một nhành mai”.
Hai câu thơ đầu như nói chuyện về thời gian, cảnh vật và thời tiết vốn có trong
đời. Hai câu thơ tiếp như lời tâm sự chân tình về sự việc đến đi liên quan
trong cuộc đời ngắn ngủi của con người. Tất cả đó diễn ra trong sân khấu cuộc đời
luôn biến đổi, mọi hiện tượng sự vật đang trong trạng thái: thành, trụ, hoại,
không. Con người cũng nằm trong quy luật: Sanh, già, bệnh chết. Hạnh phúc sau
cùng là sống với cái tâm chân thật không bị điên đảo trước mọi hiện tượng cám dỗ
của cuộc đời. Cuộc sống quanh năm dù nghèo khổ hay giàu sang phú quý, khó khăn
hay thuận lợi cũng quan niệm như cảnh huyễn mộng mà thôi.
Cái đạo lý siêu nhiên chứa đựng trong ý nghĩa hai câu sau: “Chớ bảo xuân tàn
hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một nhành mai". Đừng tưởng rằng xuân tàn
hoa rụng là hết, vẫn còn có cành mai vàng đang nở ngoài sân. Ngay trong hiện tượng
đang sanh diệt còn có chân tâm không sanh diệt. Cành mai như là một thông điệp
cảnh tỉnh mọi người đang sống trong trường đời thay đổi, hiện tượng sanh già bệnh
chết là điều tất yếu trong kiếp nhân sinh. Bản tâm thanh tịnh vô nhiễm, cái
chân lý tối hậu để thoát khỏi mọi khổ đau sanh tử.
Hoa mai vàng là loại hoa tiêu biểu để thờ cúng và trang trí trong nhà vào dịp Tết,
cũng như là trình bày bài học đạo lý uyên thâm cho đời. Cành mai ngày tết là
hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người. Quán chiếu hình ảnh cành
mai để thấy rõ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc để báo ân tổ tiên và quê hương xứ
sở. Quán chiếu hình ảnh cây mai ngày tết để nhận thức ý nghĩa cuộc đời. Tất cả
mọi hiện tượng thành tựu bởi tri thức sau cùng cũng bị đào thải bởi quy luật
sanh diệt với thời gian, trở về với chân tâm không sanh không diệt để có được hạnh
phúc vĩnh hằng.
Thực ra, cuộc đời vẫn tiếp diễn theo qui luật thiên nhiên, mọi người vẫn tiếp tục
cuộc sống, cây cỏ vẫn tốt tươi trở lại sau mùa đông băng giá: xuân qua, hạ đến,
thu sang, đông tàn! Lời thơ uyên áo, thiền vị, ý nghĩa tuyệt vời! Nhất chi mai
là niềm hi vọng, là cái tốt trên đời không thể mất, là sự tồn tại của các giá
trị siêu việt. Người tục hiểu khác người tu, nhưng cả hai đều thấy có cái trường
tồn bất diệt chi phối cõi đời này.
Ngoài giá trị thi ca tuyệt tác, bài thơ sáu dòng trên nói lên sở ngộ của một bậc
thiền sư. Giữa dòng đời mọi vật đều vô thường, biến đổi: đến đi, nở tàn, ngày
đêm, trước sau, vẫn có mặt cái thực tại như thật, cái thực tại luôn hiện hữu
cùng với con người, mà con người thường không thấy, hay bị che khuất bởi các tướng
sinh diệt. Con người cũng không tránh khỏi các quy luật này.
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm con người sanh ra không biết
bao nhiêu phiền não khổ đau. Muốn dẹp bỏ các tâm trạng bất an này, con người cần
áp dụng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Khi các vọng tâm phiền não hoàn toàn dứt
sạch, con người đạt được cảnh giới vô tâm.
Mùa xuân có đến ắt có đi theo quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, không vĩnh viễn
tồn tại, cũng không vĩnh viễn mất đi, có đi ắt có đến theo vòng sanh tử luân hồi.
Khi tất cả những thứ đó rơi rụng hết, ví như xuân tàn hoa lạc tận, thì lúc đó bản
tâm thanh tịnh, hay chân tâm, hiển lộ. Chân tâm bình đẳng là con người chân thật.
Khi đó, con người chân thật sống trong an nhiên tự tại của niết bàn. Nếu như
phiền não (tham, sân, si) chưa dứt sạch (hoa tàn chưa rụng hết), thì làm sao thấy
được chân tâm, làm sao thấy được nhất chi mai? Ví như mặt trời luôn sáng tỏ,
nhưng vì bị mây đen (phiền não) che khuất, ánh sáng trí tuệ không tỏ. Nếu người
nào hiểu được rõ ràng thì phước biết bao. Người nào bớt được phiền não khổ đau,
thì người xung quanh cũng đỡ khổ biết bao.
Cho nên kinh sách có câu: vô tâm tức niết bàn, chính là nghĩa đó vậy. Cũng như
Thiền sư Mãn Giác đã nói: hoa rụng hết, tức là các phiền não rụng hết. Khi ấy,
tâm thanh tịnh hiện tiền, cũng như một nhánh mai hiện diện nơi sân trước hồi
đêm qua. Sân trước, sân sau, đêm qua, đêm nay, ngụ ý chỉ sự đối đãi, sự tương đối,
trên đời này: có đúng có sai, có phải có quấy, có sáng có tối, có trước có sau,
có chánh có tà, có đen có trắng, có ngày có đêm... Thông thường, thời gian trôi
qua, con người lẫn vạn vật, tất cả đều tàn phai hoại diệt. Nhưng trong khi cái
vật chất hữu tướng bị hoại diệt đó, còn có một cái bất diệt, thời gian không hủy
hoại được. Cũng như ngay trong thân năm uẩn sanh diệt vô thường của chúng ta,
có cái thường hằng bất diệt, biểu trưng bằng một nhánh mai, tồn tại dù xuân đã
qua.
Dù sống trong cảnh đời đối đãi nhị biên như vậy, nhưng nếu con người biết pháp
môn tu tập, con người vẫn có thể giác ngộ được cái chân thật bất nhị, không còn
thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù người hay vật, sắc hay không, tượng
trưng là: nhất chi mai.
Với cuộc sống Chân - Thiện - Mỹ, điều đó khẳng định được giá trị thiết thực
của bài thơ mãi mãi bất diệt, trong bước đi tìm cầu chân lý giải thoát.
Trời có những ngày mưa gió, người có phúc có họa, nhưng trong
đời người ngoài sinh tử ra thì không có bao nhiêu chuyện lớn cả, nếu như có thể
tĩnh tâm, giữ thái độ xử thế hòa nhã, thản nhiên thì đương nhiên sẽ có thể gìn
giữ được nội tâm an lành bình yên trước khó khăn trong cuộc sống…
27/12/2019Đức Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét