Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Những mùa trăng cũ

Những mùa trăng cũ

Những đêm rằm, ông Hai thường nằm trên giường nhìn ra cửa sổ. Con cháu cứ nghĩ ông đang thư giãn, nào biết đâu rằng, ông đang ngóng về những mùa trăng cũ, khi ông còn ở quê nhà. Nơi có ngôi nhà, mảnh vườn luôn ướt đẫm ánh trăng vào đêm rằm. Nơi có dáng bà Hai ngồi xua muỗi cho ông, cả người bà cũng đẫm trong ánh trăng.

Lại một đêm rằm nữa!
Ông Hai nằm trên giường, ngó đăm đăm qua ô cửa sổ. Phố lên đèn, nhà nào cũng cao tầng nên chẳng thể nhìn thấy ánh trăng. Ông nhớ những mùa trăng cũ. Cữ này ở quê, chắc trăng đã sáng lắm.
Kể từ ngày rời quê lên phố sống cùng vợ chồng đứa con trai, ông Hai luôn thấy nhớ mùa trăng, nhớ ánh trăng quê. Hẳn rằng, thứ gì đã thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức, cho con người ta cảm giác ấm áp, thoải mái và yên bình thì khó mà quên được.
Vợ chồng ông Hai chỉ có một đứa con trai. Ngay từ khi học đại học, nó đã có ý định ở luôn trong thành phố lập nghiệp. Dù ông bà Hai đã chuẩn bị cả “cơ ngơi” để sau khi tốt nghiệp ra trường, nó có thể về quê làm việc và sống cùng ông bà.
Nhưng rồi người tính không bằng trời tính. Năm ngoái, bà Hai bất ngờ ngã bệnh, rồi rời bỏ cha con ông Hai mà đi. Căn nhà ba gian càng trống trải hơn. Từ ngày bà mất, ông Hai nay đau, mai ốm, phần vì ông nhớ thương bà, phần vì ở một mình nên ông cũng ăn uống thất thường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thấy con trai sắp ra trường, ông Hai tỉ tê, khuyên nhủ nó về quê, nhưng xem ra không có tác dụng. Mà kể ra nó nói cũng có lý. Nào là, nếu về quê, ngành học của nó không phát huy được; nào là việc ruộng vườn, heo gà không quen…
Rồi nó quay ngược sang thuyết phục ông đồng ý cho ở lại thành phố. “Mai mốt, công việc ổn định rồi, sẽ đón ba lên ở cùng. Con sẽ chăm sóc ba thật chu đáo”- nó nắm chặt tay ông và nói.
Bao nhiêu dự định trong đầu không thành khiến ông Hai bực dọc trong người lắm. Ông buồn bã nói: “Tao ở quê quen rồi. Vả lại, nếu tao lên đó, mồ mả ông bà và má bay ở đây ai trông”. Nghe vậy, nó có vẻ buồn. Nhưng buồn là buồn vậy, khi ra trường, nó quyết tâm thi và trúng tuyển vào một tập đoàn lớn, với mức lương cao. Ngày nhận được tin, ông Hai mừng cho con, nhưng lại buồn vì nỗi cha con xa cách. 
Thương con một thân một mình nơi đất lạ, lại thấy nó đã bận trăm công nghìn việc, còn phải lo lắng cho cha mình nơi quê nhà, ông đành tặc lưỡi: Thôi thì “đất không chịu trời thì trời phải chịu đất” vậy.
Thế là ông Hai quyết định gói ghém đồ đạc, gửi gắm nhà cửa, ruộng vườn cho bà con lối xóm để rời quê lên phố cùng con. Ông bước lên xe mà lòng trĩu nặng. Chưa đi mà ông đã nhớ bà Hai, nhớ khoảnh vườn với đầy cây trái, nhớ những người bạn già, nhớ con đường làng quen thuộc rợp bóng cây xanh.
Ông Hai nhớ lắm căn nhà đầy kỷ niệm một thời tuổi trẻ vợ chồng ông đã cố công gầy dựng. Ngày trước nó là ngôi nhà đẹp nhất vùng, không chỉ có khoảng không gian rộng, mà kiến trúc cũng đẹp - được thiết kế theo lối nhà cổ, lại được bài trí rất công phu, tỉ mỉ. Đặc biệt là khoảng không gian trước sân nhà được ông Hai đặt một chiếc bàn nhỏ làm nơi để cùng bạn bè ngồi uống nước trà, đàm đạo chuyện thơ văn, hò vè. Ông Hai cũng thích nằm thư giãn trên chiếc chõng tre gần chiếc bàn nước này để ngắm ánh trăng vào ngày rằm, để nghe mùi thơm thoang thoảng của hương đồng gió nội và cả tiếng ếch nhái từ cánh đồng vọng lại. Nhất là vào những đêm hè, bầu trời trong xanh, ánh trăng vằng vặc. Khi đó, bà Hai luôn tay phe phẩy chiếc quạt đuổi muỗi, nhưng cũng luôn miệng càm ràm vì cái sở thích của ông khiến bà phải mỏi tay.
Những tưởng lên phố ít lâu rồi lại về quê. Ai dè cậu con trai cưới vợ, sinh con khiến ông Hai cũng không nỡ rời đi vì phải phụ các con trông nhà, trông cháu. Mỗi năm, vào ngày giỗ bà Hai, bố con ông cũng về quê, nhưng chẳng bao giờ đúng dịp trăng sáng. Hơn nữa, các con bận rộn công việc, nên ông cũng không thể ở lại nhà lâu được.
Đêm nay chắc trăng ở quê sáng lắm. Ông Hai nhớ làng, nhớ căn nhà, khoảnh sân, mảnh vườn có dáng bà Hai. Ông thèm được ngửi mùi khoai lang bà Hai nấu, thèm được nghe tiếng càm ràm của bà la ông vì tối đến cứ ra sân nằm ngắm trăng, hóng mát để bà phải ra quạt vì sợ muỗi đốt ông. Ông cũng nhớ mấy ông bạn hàng xóm ngồi tụ tập ngắm trăng, uống nước trà tán gẫu.
Ông Hai vẫn nhìn qua cửa sổ. Nhưng càng nhìn càng thấy mỏi, thấy mờ mịt bóng nhà cao tầng. Ánh trăng vẫn trốn biệt đâu đó.
- Ông ơi, ông nhìn gì đấy ạ- cu Tí bất chợt chạy vào phòng hỏi ông nội.
- À… ừ, ông đang tìm ánh trăng.
- Ông ơi, ở phố làm gì có ánh trăng hở ông? Cháu chỉ thấy ánh trăng trên ti vi thôi. Nếu ông muốn xem chỉ cần bật ti vi lên là có ngay ông ạ.
Ông Hai trố mắt nhìn đứa cháu mới lên 3 tuổi với câu trả lời hết sức ngây ngô. Mà cu Tí cũng chẳng ngây ngô đâu, vì ngay chính như ông Hai đây đã ở phố mấy năm rồi mà cũng đâu nhìn thấy được ánh trăng. Nhưng ông Hai phải giải thích để cháu hiểu:
- Ánh trăng chiếu sáng khắp nơi cháu à. Có điều, ở thành phố toàn nhà cao tầng, không gian chật chội; lại thêm ánh điện đường, điện màu giăng phủ khắp nơi nên mình không thể ngắm ánh trăng. Còn ở quê, sân vườn rộng rãi, ánh điện cũng không nhiều nên ta có thể thỏa sức ngắm nhìn ánh trăng. Có dịp, ông cháu ta về quê ngắm trăng cho thỏa thích cháu nhé!
Nghe ông nói, cu Tí reo rò hớn hở.
Ông Hai thấy thương cu Tí quá. Ông trộm nghĩ không biết sẽ còn những thứ đẹp đẽ gì nữa mà cu Tí nhà ông không được biết nữa hay không. Rõ khổ, ở thành phố được nhiều thứ mà lắm lúc tụi nhỏ cũng mất nhiều thứ quá, cứ như là “gà công nghiệp” vậy.
Ông Hai nhớ, cách đây mấy năm, cháu ông Bảy hàng xóm từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê cũng nói chuyện ngây ngô như thằng Tí bây giờ. Nó về đúng những đêm trăng sáng, theo ông nội sang nhà ông Hai ngắm trăng, trò chuyện. Đêm đó cũng là đêm đầu tiên trong đời nó được nhìn thấy ánh trắng sáng vằng vặc ở ngoài đời thực mà vui không tả nổi. Nó nằm trên chiếc chỏng tre nhà ông Hai quan sát thật kỹ ánh trăng đến tận khuya mà không chịu về ngủ, rồi đặt bao nhiêu là câu hỏi khiến người lớn cũng không thể nào giải thích hết được... Nó hẹn với ông Hai, lần sau về sẽ mang cái kính lúp để quan sát thật kỹ xem trên mặt trăng tròn vành vạnh ấy có chị Hằng và chú Cuội hay không, khiến ai cũng phì cười.
Ngày này tháng sau là giỗ bà Hai. Ông Hai ôm cu Tí thủ thỉ: “Cầu mong sao ông có sức khỏe và ba mẹ con sắp xếp được công việc để tháng sau, cả nhà ta có thể về quê lo đám giỗ cho bà nội. Khi đó ông cháu ta sẽ ở lại chơi ít ngày, tha hồ được ngắm ánh trăng quê cháu nhé”. Ông Hai nói với cu Tí mà cũng như nói với chính mình.
Ngoài cửa sổ, vẫn sáng rỡ ánh đèn đường, đèn màu!.
4/4/2021
Sông Côn
Theo http://baokontum.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...