Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 1
Tạ Ơn Phạm Duy (Thay lời tựa)
Tôi viết quyển sách này là để tạ ơn Phạm Duy.
Tôi là người ham hát. Thuở nhỏ, tôi đã hát ở nhà thờ và lớn lên đi kháng chiến ở
Bến Tre, tôi quảy cây măng đô trên lưng và trong ba lô luôn có tập nhạc dày cộm.
Tôi chép nhạc rất công phu, tên bài hát thì tôi viết rất nhiều kiểu vẽ tùy theo
bài, còn cây vẽ ngũ tuyến biểu thì làm bằng vỏ hột quẹt cắt thành năm chia đều,
gạch một phát là xong một dòng cớ 5 hàng rất đều. Đặc biệt khi chép nhạc, tôi
không bao giờ quên đề tên tác giả. Nhạc của... lời của... Tôi có ông cậu rất giỏi
nhạc. Do đó tôi đàn hát rất khá. Thời đó đi kháng chiến mà có cây măng đô trên
vai thì thật là... oai. Tôi chép không thiếu một bài hát nào. Ai có bài mới là
tôi tìm đến để xin chép, hoặc ai mượn vở của tôi tôi cũng cho mượn. Tiến
Quân Ca, Buồn Tàn Thu, Chiến Sĩ Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc, Đống Đa, Không
Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam, Bắc Sơn... của Văn Cao; Tiếng
Gọi Sinh Viên, Bặch Đăng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn Tử Sĩ, Kinh Cầu Nguyện, Giòng
Sông Hát... của Lưu Hữu Phước; Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến của
Đặng Thế Phong; Hòn Vọng Phu, Học Sinh Hành Khúc, Bản Đàn Xuân, Biển
Sau Giông Tố của Lê Thương; Bướm Hoa, Bình Trị Thiên Khói Lửa của
Nguyễn Văn Thương; Xuân Về, Nắng Tươi của Thẩm Oánh; Núi
Non Nước, Tuyên Truyền Xung Phong của Phan Huỳnh Điểu; Quốc
Dân Tiến của Lê Trầm; Tiếng Còi Trong Sương Đêm của
Lê Trực; Trung Đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí; Đời Sống Mới của
Nguyễn Đức Toàn; Nhớ Chiến Khu, Sơn La, Du Kích Ca, Du Kích Sông Thao của
Đỗ Nhuận; Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Tiếng Đàn Tôi, Nhạc
Tuổi Xanh, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Thi Đua Ái Quốc, Nhớ Người Thương Binh,
Dặn Dò, Về Miền Trung... của Phạm Duy.
Xen trong những bài hát Việt Nam còn có những
bài Pháp như D'un Bateau, Les Bateuax Des Iles, Chanson Pour Nina,
C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des Étoiles, Granada, Si Tu Reviens... Tổng
cộng trên cả trăm bài hát ta lẫn Tây, Cách Mạng lẫn tiền Cách Mạng tôi đều thuộc
năm lòng và có thể ''ôm đàn lên sân khấu sô lô'' được cả.
Trong các tác giả trên đây, tôi thích nhất Lưu
Hữu Phước, Văn Cao và Phạm Duy. Tôi hát ba vị này nhiều hơn cả. Còn nói về thời
gian và số lượng lẫn sự ham mê thì tôi hát Phạm Duy lâu nhất, nhiều nhất và say
nhất tính cho đến nay. Và có lẽ cả đời.
Tôi hát Phạm Duy từ 1946 hay 47 chi đó, cũng
không nhớ nữa. Bài đầu tiên là bài Xuất Quân. Không khí thời đầu
kháng chiến bừng sôi như nước bật vung. Tiếng lòng của người dân là tiếng hô khẩu
hiệu: Đả đảo thực dân. Hoan hô Cách Mạng. Riêng tôi, học trò, thì ngoài sự hô
khẩu hiệu, còn hát. Tôi hát miên man, thích thú say mê:
Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường (Văn
Cao)
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến (Phạm
Duy)
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều (Đỗ Nhuận).
Thiệt là mê man. Tôi hát và dạy hát, dạy bộ đội,
dạy thanh niên, dạy thiếu nhi, dạy nông dân cứu quốc. Tiếng hát thời đó thiệt
là ấm áp, bừng bừng thôn xóm. Một lần bộ đội anh Hai Phải đóng ở xóm tôi, ngay
trong nhà tôi và ông tôi. Hồi đó chưa là bộ đội chính qui. Từng phân đội vũ
trang mang tên người chỉ huy như bộ đội Bẩy Cống, bộ đội Hai Phải, bộ đội anh
Quang, anh Măng (Romand), anh Tỷ, anh Nhàn (Nhàn Râu) v.v... Buổi sáng hôm đó
các chiến sĩ thức dậy vác súng tập thể thao (gọi là thể thao quân sự), tôi cũng
long nhong chạy theo. Xong buổi tập, các chiến sĩ chạy về đứng sắp hàng trước
sân nhà tôi để hô khẩu hiệu ''Quyết chiến''. Hô xong, đem súng đặt trên giá
súng, đứng chờ tôi dạy hát. Bữa đó tôi dạy bài Xuất Quân vừa mới
chép được của cậu tôi ở ngoài làng Minh Đức cùng với bài Nhớ Chiến
Khu. Nhưng bài Nhớ Chiến Khu thì không thể hợp ca được.
Ngày bao hùng binh tiến lên!
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến!
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu...
Kèn vang theo tiếng chân đang dồn dập xa xa
Tiếng gào thiết tha...
Tôi vừa đàn vừa hát cho bộ đội nghe
trước khi dạy. Mới bắt đầu ''ngày bao hùng binh tiến lên'' thì trinh
sát về báo ''có Tây trong đồn ra bắt gà''. Đó là Tây đóng ở đồn
Cầu Mống, ở chợ làng tôi, trên trục lộ giao thông chính của tỉnh Bến Tre - Thạnh
Phú. Thế là bộ đội chụp súng, sẵn sàng, chờ lệnh. Theo kế hoạch miệng của ban
chỉ huy thì nếu Tây nó về ấp Bình Đông thì anh Quang chặn đánh, còn anh Phải
công đồn Cầu Mống, ngược lại hễ Tây tới bắt gà ở Thạnh Đông thì anh Quang công
đồn. Chiến sự đã xẩy ra theo giả thuyết một: anh Quang chặn đánh Tây còn anh
Phải công đồn. Cố nhiên là có tôi long nhong chạy theo bộ đội anh Phải. Trận
đánh đồn thiệt hào hứng và kinh hoàng. Xác đồn trở thành quả núi lửa rồi sau đó
thành núi tro, khói lên nghi ngút lâu lâu không tắt. Đó là trận đánh đồn lớn nhất
mở đầu cho Toàn Quốc Kháng Chiến năm 1946. Trong trận đó, tôi được thấy tận mắt:
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa...
Chiến sĩ ta thật oai dũng. Hô xông vào đồn địch
như chơi. Nhất là các vị chỉ huy Hai Phải, Ba Lắm, Ba Kích. Hình ảnh đó không
bao giờ phai nhạt trong đầu tôi. Mỗi lần tôi hát bài Xuất Quân thì
tôi lại thấy bóng dáng chiến sĩ băng mình qua lửa đạn và mỗi khi tôi nhớ lại trận
đánh đồn Cầu Mống thì tôi nghe môi và ngực nóng ran. Và bài Xuất Quân lại
bừng dậy trong tôi. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi vậy. Sau khi đồn Cầu
Mống bị hạ, Tây trở lại đóng Chùa Bà gần nơi đồn cũ. Chúng ra ấp tìm các nhà đã
chứa bộ đội và đốt sạch. Cả Xóm tôi ra tro. Tía tôi trốn thoát, bất hợp tác. Má
tôi khóc, nhưng tôi lấy làm kiêu hãnh. Tôi đi thoát ly luôn. Ba lô và măng đô
trên vai đi:
... đấu tranh cho muôn kiếp sầu
Lúc chưa phai tuổi xanh...
Tôi vẫn hát, vẫn chép nhạc, sô lô trên sân khấu
các bài mới của Phạm Duy do các đoàn quân Nam Tiến mang vào Nam. Chính Phạm Duy
cũng đã ''Nam Tiến'' ngay từ hồi đầu kháng chiến Nam Bộ và soạn bài Xuất
Quân ở vùng chiến khu này.
Từ 1948 trở đi, những bài hùng ca như vậy vẫn
còn sức động viên rất lớn nhưng hình như những bài có tính chất bi hùng ca đã bắt
đầu tranh giành địa vị với những bản hùng ca. Tôi thường sô lô bài Về
Miền Trung và được hoan nghênh nhiệt liệt. Tài nghệ nào có chi nhưng
tôi làm gan, hát với nhiệt tình. Trong lúc đó thì họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ
tranh Xác Đồn Cầu Mống. Ban Nhiếp Ảnh triển lãm ảnh trận đánh
đồn Vàm Định Thủy do Chính trị viên Trung Đoàn 99 chỉ huy. Văn Nghệ Chiến Khu
hình thành dần dần mà bộ môn âm nhạc hầu như dẫn đầu. Cuộc kháng chiến chống
Pháp chuyển qua giai đoạn quyết liệt. Máu lửa tràn lan. Bài Về Miền
Trung cũng mô tả được quang cảnh khốc liệt lúc đó. Tôi cũng tập tễnh
làm văn nghệ, khởi đầu là làm thơ (một cách may rủi) lãng mạn chiến đấu:
Nhà em Tây nó đốt
Em ra ngủ ngoài vườn
Khác gì anh chiến sĩ
Quen lạnh lẽo gió sương
Bây giờ em còn bé
Em ráng tập súng cây
Ngày mai em sẽ lớn
Ôm súng thiệt đánh Tây
Tôi thích bài Chiến Sĩ Vô
Danh vì nó có pha lẫn thơ mộng và chua chát chớ không phải chỉ
thích vung gươm ra sa trường mà thôi. Cho nên hình ảnh anh chiến
sĩ ra biên khu trong một chiều sương âm u... hoặc:
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống dồn...
... thì rất hợp với tình cảm và rất
đúng cái miệng của cậu học sinh thời đó. Và cái kết luận:
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh...
... thì càng làm cho cậu học sinh đó tái tê hơn, lãng mạn hơn. Có một cái
gì của câu nhất tướng công thành vạn cốt khô trong đó.
Ngoài hai bài Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô
Danh tôi còn thích bài Tiếng Đàn Tôi:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời...
Bài này không biết từ đâu lại lọt vào tận Cần Thơ nơi tôi đang làm trưởng
tiểu ban văn nghệ Tỉnh Đội lúc mới 20 tuổi và được giải thưởng Văn Nghệ Nam Bộ
Cửu Long với bài Niềm Thương Nhớ. Nhưng bài lúc đó, thú thực
tôi chỉ dám hát lén bài Tiếng Đàn Tôi với một thằng bạn nhạc
sĩ thôi.
Tôi chưa gặp Phạm Duy nhưng tôi có nhiều kỷ niệm
với những bài hát của anh. Sau đây là một kỷ niệm khác. Đó là bài Chinh
Phụ Ca. Khi tôi học Trung Học năm thứ nhất tôi có quen với một chị tên
Hiền học năm thứ hai. Chị rất đẹp, mặc đồ đầm, đi xe máy dầu, bữa sáng nào tôi
cũng đứng ở thềm trường chờ chị thả dốc vô sân trường, nhìn chiếc váy hoa phất
phất mà ngây ngất hồn. Nhưng người ta là chị, học giỏi hơn, lớn tuổi hơn, mình
đâu dám làm quen. Bỗng một hôm lúc tan trường, chị bảo tôi: ''Em hát
hay lắm, lại nhà tôi đàn cho hát!''. Thế là tôi đến nhà. Chị đánh
piano mới chết tôi chớ! Mình là dân vườn hát bậy chơi chớ đâu có biết hòa tấu
là gì mà hát với dương cầm. Tôi đổ mồ hôi mới hát được hai bài Nắng
Tươi và Xuân Về. Sự trật nhịp của cậu ca sĩ không phải
chỉ vì chiếc đàn nhiều phím rắc rối mà vì cánh tay chị trắng và mũm mĩm quá còn
những ngón tay của chị thì như những chú bướm lượn trên phím ngà. Tôi mải nhìn
mà quên nhịp, có lúc chị phải ngừng lại cười ngất. Tôi nhìn hàm răng của chị mà
như bị thôi miên.
Rồi thôi, tôi đi kháng chiến. Đầu khoảng 1948
chi đó, có phong trào vận động trí thức học sinh ra chiến khu. Mỗi người trong
cơ quan có bạn bè, bà con ở thành đều có nhiệm vụ viết thư kêu gọi họ ra khu
cứu nước. Tôi nhớ chị Hiền. Và chép bài nhạc Chinh Phụ Ca trong
một cái chòi dưới ngọn đèn hắt hiu, không biết tên tác giả là ai cả.
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Không biết chị có nhận được bài ca
hay không? Nhưng chuyện buồn cười là mãi đến 1980, nghĩa là 32 năm sau (nếu chị
Hiền có ra khu kháng chiến thì đã trở thành Má chiến sĩ), khi tôi nghiên cứu viết
Nửa Thế Kỷ Phạm Duy thì mới biết tác giả của Chinh Phụ Ca là
Phạm Duy!. Bài này mô tả rất đúng tâm lý của bọn học sinh chúng tôi thời đó.
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan
... Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền
Cho nên trong tập nhạc của bọn tôi
trong thời kháng chiến ít khi vắng mặt bài Chinh Phụ Ca.
Khoảng sau năm 1963, tôi từ Hà Nội về Khu Giải
Phóng Bến Tre. Thời đó dân ra vào thành bằng thuyền đuôi tôm, khuya đi trưa về
tới. Chúng tôi thường gởi đàn bà đi chợ mua các món cần thiết như giấy bút, thịt
cá, vải vóc v.v... Một hôm tôi bắt gặp mấy trang báo gói đồ. Tôi phóng mắt nhìn
qua. Nào ngờ thấy khuôn mặt Phạm Duy. Anh mang kiếng. Đó là lần đầu tiên tôi
''gặp'' nhạc sĩ, người làm những bản nhạc mà tôi từng say mê hơn 20 năm trước.
Quái lạ nhỉ! Tôi bèn đọc bài báo thử xem nói gì? Đó là bài nói về Giọt
Mưa Trên Lá. (Tôi không nhớ tác bài báo là ai nhưng chắc chắn là bài
báo nói về bản nhạc đó). Tôi đọc qua lời ca thì tôi hốt hoảng. Sẵn đàn của Tiểu
Ban Văn Nghệ tôi dạo liền. Rồi hát nhẩm. Tôi ghi vào đầu bài hát lạ lùng từ đó.
Tôi đâm ra suy nghĩ: thì ra lâu nay mình có làm văn nghệ gì đâu. Mình chỉ viết
những bài báo điểm xuyết tí tình cảm tươi mát chớ không hề có sự sáng tạo trong
nghệ thuật Tôi băn khoăn không ít, nhưng làm thế nào để vươn mình lên cao thực
tế, dùng thực tế để tạo ra một tác phẩm chớ không phải ghi chép thực tế?
Năm 1968 tôi về Sài Gòn. Người tôi ước mong gặp
và đã tìm đến gặp đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy. Anh Phạm Thành Tài chở tôi đến
ngôi nhà ở Phú Nhuận. Nhà hai tầng nhưng hầu như không có bàn ghế hoặc món gì
sang trọng. Đang câu chuyện thì có khách tới. Vài ba người, trong đó có một vị
mặc đồ bà ba mặt tròn tròn sau này tôi gặp lại ở Bộ Thông Tin lúc cùng nhận Giải
Thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Đó là thơ Phạm Thiên Thư.
Cách đó ít lâu, tôi làm phóng viên cho Đài
VOA, tôi lại gặp anh Phạm Duy trong lúc anh đang bận rộn thu xếp cho cuộc ra mắt
của ca sĩ James Durst ở Hội Việt Mỹ. Tôi hỏi địa chỉ anh để gởi tặng sách. Anh
nói ngay: ''Tôi đọc rồi. Họ cho anh giải thưởng là đúng''.
Đó là hai lần tôi gặp Phạm Duy, một lần 10
phút, một lần 1 phút rưỡi. Nhưng tôi cảm thấy hết sức sung sướng. Không hiểu
sao tôi cũng không biết nữa. Cũng như năm 1955 khi ra Hà Nội thì tôi luôn luôn
muốn gặp anh Văn Cao. Gặp anh lần đầu, tôi tự nhủ: ''Văn Cao là người
như vậy à? Chỉ vậy thôi à?'' Chỉ vậy là sao, tôi cũng không hiểu nữa.
Nhớ lại lúc đầu kháng chiến, tôi cứ hình dung Văn Cao, Phạm Duy thì phải là những
người ghê gớm lắm. Phải như thế này, phải như thế kia, tôi cũng không hiểu thế
này, thế kia là thế nào nhưng nhất định phải là người siêu phàm. Mà siêu về tài
năng thật, còn về con người thì chỉ phàm thôi, nghĩa là những người bình thường.
Tuy vậy mỗi lần gặp anh Văn Cao tôi vẫn thích nhìn anh. Người anh gầy gò, ọp ẹp
nữa là đằng khác, song bên trong phải tàng ẩn một sức sống phi thường, một trái
tim mang một ngàn trái tim.
Mỗi lần tôi hát bài Phạm Duy tôi đều nhớ tới
anh Văn Cao và nhớ thời kháng chiến chống Pháp thiệt mê say. Thời đó thiếu thốn,
khói lửa mà văn nghệ rất phong phú, tình cảm rất sâu đậm, tình yêu nước rất sôi
nổi, còn bây giờ cái gì cũng đầy đủ cả mà sao có vẻ lợt lạt không vui thích bằng
thời kháng chiến. Giá Tây nó xâm lăng lần nữa và tôi trẻ lại thì tôi sẽ đi
kháng chiến để hát lại Chiến Sĩ Việt Nam, Chiến Sĩ Vô Danh, Xuất Quân,
Ngày Mùa, Về Miền Trung v.v...
Có điều tôi cũng cần nói ra là anh Phạm Duy đối
với anh Văn Cao quả là một người bạn tốt. Anh bao giờ nói chuyện với tôi cũng
nhắc nhở tới anh Văn Cao với những tình cảm mến thương, thân thiết. Bây giờ hai
anh đều trên 70 tuổi rồi. Thất thập cổ lai hi. Chắc hai anh muốn gặp lại nhau lắm.
Và tôi cũng ước mong được chứng kiến cuộc tái ngộ đó.
Năm 1979, trong một đêm đau buồn cực độ, tôi
đã quyết định viết một cuốn sách về Phạm Duy. Như tôi đã nói ở đầu bài, một là
để tạ ơn anh về những bài hát lịch sử mà anh đã cống hiến cho dân tộc và những
bài hát mà tôi đã hát suốt từ thời niên thiếu, trẻ trung và bây giờ tóc đã bạc.
Anh đã cho tôi biết bao nhiêu điều quý giá qua những dấu nhạc của anh, những lời
hát vàng và những dấu nhạc xanh:
Một mùa Thu năm qua, Cách mạng tiến ra
Nước Việt bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng
Đoàn người trai đi lên, miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến! Chân oai nghiêm đều tiến...
Lúc đó anh mới 26 tuổi và tôi hãy
còn là thiếu nhi nhưng tình yêu nước cỏn con của tôi đã được những bài hát của
anh thổi vào những ngọn lửa thiêng dân tộc. Bây giờ anh đã già và tôi cũng
không còn trẻ nữa, 1945-1994 = đúng nửa thế kỷ trong đó, lúc nào tôi cũng hát
Phạm Duy, cũng nghe Phạm Duy hát và nghe người đời hát Phạm Duy. Có thể nói nửa
thế kỷ nhạc Phạm Duy đầy ắp trong tôi. Do đó cuốn sách NỬA THẾ KỶ PHẠM DUY ra
đời lúc này là đúng như ước muốn của tôi. Xin nhớ cho đây không phải là cuốn
sách biên khảo, mà là một công việc tình cảm nhằm tạ ơn nhạc sĩ Phạm Duy.
Phạm Duy, Đường Dài Mà Vui
Khách lữ hành lầm lũi đi trong vàng nắng tháng
sáu hạ hồng. Trên vai khách không có món hành lý nào ngoài cây đàn. Lá rụng đường
chiều lác đác rơi đáp trên mái tóc xanh ngời mà gió muôn phương thổi bồng lên từng
lúc. Y trang đã bám đầy bụi đường xa nhưng nét mặt khách vẫn tươi hửng trong nắng,
chân vẫn bước nhanh, miệng thì hát nhẩm:
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông...
Người đi trong thanh xuân
Sưởi hương nắng như lửa sống
Máu sôi như sắc trời
Bước nhanh vượt chân đời...
Bỗng thấy một ngôi quán hiện ra trước
mặt, bên bờ một dòng suối ngọc reo vui. Chủ quán hiện ra. Bàn tay ngà bứt quả hạnh
đào vui vẻ mời khách: ''Chàng hãy cầm lấy rồi lại lên đường, hỡi khách
viễn phương! Nhưng chớ có bỏ quên cây đàn và đừng tự hỏi là em yêu anh hay chỉ
yêu tiếng đàn anh mà thôi? Em yêu tiếng đàn và yêu cả anh nữa!'' Khách
cầm trái hạnh hình tim lên tay, miệng định nói cảm ơn thì cô hàng nhí nhảnh cười
rúc rích: ''Anh không nhìn ra em sao? Em là con bé rừng mơ đây!''
Khách vừa nhận ra duyên kỳ ngộ năm xưa thì
trên gương mặt yêu kiều của cô hái mơ hiện lên những nét nhăn nheo, ngập tràn
nước mắt như có một phép lạ vừa xảy ra. Mẹ già khốn khổ đội khăn đen, mặt áo
nâu đang đứng trước mặt khách, giọng run run: ''Mẹ là Gio Linh đây con!
Tiếng đàn năm ấy của con làm mẹ sống trăm tuổi. Mẹ chúc con đi chân cứng đá mềm''.
Khách bàng hoàng không biết mình đang tỉnh hay
mê. Ngó ra ngoài đường nắng chiều ánh lên rực rỡ. Một cành hoa trắng ở ven đường
nhoẻn miệng cười như nhắc nhở khách lên đường. Khách chào bà mẹ rồi bương bả bước
đi.
Đi chẳng bao xa thì đụng một chiếc cầu. Thì ra
đây là chiếc cầu bắc qua hai bờ sông ''bên ni và bên tê''. Chẳng ngờ đây là
''chiếc cầu biên giới''. Cùng với tiếng đàn, ta sinh ra là để vượt mọi ranh giới.
Nghĩ vậy rồi, khách nhanh nhẹn bước lên. Chiếc cầu tre lắt lẻo run rẩy, nhưng
chàng cương quyết vững bước, trong lúc đó ở tận tầng cao, nghe có tiếng ngọt
ngào vọng xuống:
''Mẹ là Nữ Oa, mẹ là Kính Tâm, mẹ là Châu
Long, mẹ là Tô Thị, mẹ là Trưng Triệu đây con! Mẹ đà hóa đá ngàn năm xưa nhưng
hồn mẹ vẫn nương theo tường vân để đỡ lấy chân con, biến chông gai ra cỏ non đồi
biếc, chia xẻ bớt nhọc nhằn với con!''
Khách vụt tỉnh: Vậy ra con đường thênh thang
ta đang vượt qua trăm núi nghìn sông mà ta không mỏi là do hồn Mẹ đưa chân? Rồi
bỗng nhiên chàng nghe chân chàng như mọc cánh, bước nhanh như gió. Không gian vụt
thu nhỏ lại khiến chàng trông thấy rõ những chặng vừa qua và những đoạn trước mắt.
Này là đường Lạng Sơn cây xanh, là Tháp Rùa rêu phủ, là Sông Hương thấp thoáng
mái chèo đưa, nọ là bác nông phu bên bờ Cửu Long và kia là bà mẹ ở đất Phù Sa
đang sống cô đơn dưới mái tranh nghèo.
Khách chỉ bước một bước ngắn là đứng trên đất
lầy mũi Cà Mâu. Cây cột số cuối cùng của con đường khách đã vượt, nằm ở mỏm đất
này. Khách khoan thai đi vào một xóm dừa bên ven đường. Một cô gái có đôi môi
xinh với hàm răng xít xa mang ra tặng khách một chùm vú sữa nâu. Khách bèn nâng
đàn lên dạo khúc tình ca:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai.
Phút tao ngộ tình đang chớm thì
giông bão tới bất ngờ. Nước dâng mênh mông, sóng gió điên cuồng mà khách không
có thuyền. May sao có chiếc thùng phuy dạt vào. Khách bám lấy mặc cho sóng dồi
không còn phân biệt ngày đêm. Cũng nhờ phép lạ, khách trôi dạt vào bờ. Chiếc
đàn chỉ đứt đôi dây còn chủ nó thì bình an vô sự. Khách đứng dậy xốc lại quần
áo, lau chùi chiếc đàn.
Ở đâu đời cũng cần có tiếng hát. Lữ khách lại
đi, lại hát, lại đàn. Trời lạ đất cũng lạ, người càng xa lạ, khách lấy tiếng
đàn để làm mối dây liên cảm ban đầu. Một chiều kia khách đến một bờ biển xanh.
Ngước mắt nhìn lên thấy có người đàn bà hóa đá đứng trên núi cao, tưởng là hòn
vọng phu xứ mình, nhưng trông kỹ lại thì nét mặt không phải người mình. Khách sực
nhớ đây là biểu tượng Tự Do của một quốc gia sinh sau nước mình ngót bốn ngàn
năm. Ngoảnh nhìn về xóm dừa quê hương đang quằn quại trong bão tố, khách bèn ôm
đàn lên, cất tiếng hát:
Này thần Tự Do ơi!
Muốn hỏi nàng mấy tiếng vu vơ
Có phải Nàng mắt đá ngu ngơ
Khiến Nàng nhìn thế giới không xa
Nên Nàng còn phân biệt màu da...
Tượng đá đứng im. Chỉ có sóng biển
vô tình đáp lại. Khách lại vác đàn ra đi. Con đường vạn lý còn nối dài thêm mãi
không biết đâu là cột số cuối cùng. Ngoảnh lại những chặng đường qua, khách bỗng
giật mình. Mới ngày nào xả thân trong mưa bão để vượt từng tấc đường, nay đường
đã vượt xong thì mình trở thành chim Đỗ Quyên lưu vong mang hồn Thục Đế, ngày
đêm ra rả kêu gào. Chốc đây mà ngót nửa thế kỷ trôi qua. Người làm nhạc cho tuổi
xanh nay tóc đã bạc phơ đang đứng dưới rặng mai già. Nhìn suốt những chặng đường
qua và nghe lại tiếng gió. Rừng mơ một chiều năm cũ, khách tưởng mới hôm qua...
Sự nghiệp của Phạm Duy quá mênh mông, mới nhìn
qua tưởng của cả chục người gộp lại. Hàng trăm bài sáng tác. Hàng trăm bài nhạc
ngoại quốc dịch ra hoặc phóng tác với lời Việt. Hàng trăm bài phổ nhạc thơ của
các thi nhân. Nó mênh mông như biển, ta có thể thả hồn bơi miên man thích thú.
Nó rực rỡ như một bức tranh toàn cảnh Việt Nam muôn sắc. Nó rộn ràng vang động
tiếng cười tiếng khóc của một nhân gian, gồm đủ các loại người già trẻ gái
trai, cả thanh lẫn tục, từ nàng công chúa đến cô bán vải chợ Bến Thành. Nó là tấm
gương soi rõ chân dung và nội tâm của mỗi người Việt Nam và là con đường cái
quan vạch suốt lịch sử Việt Nam. Nếu đem những dòng nhạc của Phạm Duy nối vào với
nhau, ta sẽ có một con đường dài trải khắp chiều dài đất nước mà mỗi nốt nhạc
là một dấu chân, hơn nữa, là một mảnh tim của nhà nghệ sĩ. Lope de Vega, nhà soạn
kịch Tây Ban Nha đã viết 800 vở kịch, nhưng có sách nói rằng đó là con số đã được
nâng lên chứ sự thực thì chỉ có 400. Con số 400 cũng đã là con số kinh hồn bạt
vía rồi. Nhưng sử sách còn cho biết thêm rằng trong số ấy chỉ có 3 vở được công
chúng hoan nghênh. Thế mà ông đã trở thành bất hủ. Ở nước ta, trong giới nhạc,
Văn Cao có trước sau độ 20 bài. Đặng Thế Phong để lại độ 5 bài. Lê Thương sáng
tác khoảng 20 bài. Lưu Hữu Phước viết trên 30 bài. Còn Phạm Duy, kể tới nay anh
đã viết khoảng 1,000 bài. Chưa kể những bài ông đã quên. Và còn đang viết tiếp.
Tôi chỉ nêu lên trường hợp của những nhạc sĩ lớn nhất mà tôi đã đếm tất cả bài
của các vị ấy sáng tác để chúng ta cùng thấy một Phạm Duy khổng lồ trong một cá
nhân bình thường đang sống bên cạnh chúng ta hàng ngày.
Đánh giá văn học nghệ thuật, không ai chỉ dùng
số trang, số bài, nhưng ở Phạm Duy số lượng và chất lượng đi đôi. Văn Cao được
xem như một trong những thần tượng âm nhạc Việt Nam là vì ông đã cho đời Thiên Thai, Trương Chi, Buồn Tàn
Thu và những bài ca hùng tráng bất hủ trong giai đoạn
kháng chiến chống Pháp trong đó có Trường
Ca Sông Lô. Đặng Thế Phong trở thành bất tử với Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu.
Lê Thương nổi bật nhất với ba bài Hòn
Vọng Phu. Lưu Hữu Phước được hoan nghênh vì những bài ca
yêu nước nhắc lại lịch sử anh hùng của dân tộc như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng
Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Tiếng Gọi Sinh Viên trước năm
1945.
Còn Phạm Duy? Số bài hay được công chúng nồng
nhiệt đón nhận kể ra không hết. Người ta có thể thu bài hát của Văn Cao hay Lưu
Hữu Phước vào một băng cassette, nhưng những bài hay của Phạm Duy mà toàn dân
đã hát, thì không một ca sĩ nào hát nổi hết, đừng nói chỉ thu gọn trong một vài
cuộn băng. Các lứa tuổi đều tìm thấy bài hát rất tủ của mình ở ngăn kéo Phạm
Duy. Chưa có nghệ sĩ nào được yêu mến bằng Phạm Duy. Tiếng thần tượng, thiên
tài chưa đủ để đánh giá Phạm Duy.
Hãy nói đến những ngón son của phím đàn Phạm
Duy. Trong văn học nghệ thuật, có nhiều nghệ sĩ chỉ sở trường một môn. Chỉ ở
môn đó thì tài năng của nhà nghệ sĩ mới được biểu lộ đầy đủ nhất, ở địa hạt
khác thì điều đó không thấy rõ. Ví dụ như Guy de Maupassant là bậc thầy của
truyện ngắn. Ông có viết truyện dài và kịch nhưng không thành công bằng truyện
ngắn. Lấy ví dụ ngay trong lãnh vực âm nhạc và trong nước, ta công nhận Văn Cao
là nhạc sĩ thiên tài trong nhạc hùng ca, nhạc trữ tình và trường ca. Tôi thấy
Lê Thương, Lưu Hữu Phước có những bản nhạc có thể được coi như trường ca
là Hòn Vọng
Phu, Hội Nghị Diên Hồng. Riêng ở Đặng Thế Phong thì không thấy
có hùng ca hay trường ca. Phạm Duy thì có đủ, lại có nhiều hơn: nhạc hùng ca,
nhạc trữ tình, thơ phổ nhạc, trường ca, chương khúc... (chưa kể những bài nhạc
ngoại quốc với lời Việt của Phạm Duy, dù không quan trọng nhưng cũng nêu ra để
thấy tài và sức của người nghệ sĩ). Ở các loại kể trên Phạm Duy đều vượt lên trên
tất cả.
Bên cạnh các điểm kể trên, Phạm Duy còn có một
điểm đặc biệt: vừa là người sáng tác, vừa là người biểu diễn, hát bài của mình
và bài của người khác nữa. Chính Phạm Duy đã mang bài Buồn Tàn Thu của
Văn Cao đi từ Bắc tới Nam trên sân khấu Đức Huy từ năm 1943.
Lại còn một điểm khác cũng nên kể ra: Phạm Duy
đã đào tạo đàn con của mình thành những nghệ sĩ phụng sự đồng bào bằng âm nhạc.
Một số đã trở thành nghệ sĩ thượng thặng. (Người viết bài này được biết Văn Cao
và Nguyễn Xuân Khoát rất đau khổ vì lũ con không chịu học nhạc). Ngoài ra, Phạm
Duy còn giúp đỡ các nhạc sĩ trẻ rất nhiều.
Hãy kể một trường hợp khác để thấy chất lượng
của tác phẩm Phạm Duy. Rouget de Lisle sáng tác bản La Marseillaise (Bài
Ca Của Người Marseilles) năm 1872, lúc ông 32 tuổi. 40 năm sau, bản hát này được
công nhận là quốc ca của nước Pháp. Để tưởng nhớ công lao của nhà nghệ sĩ vĩ đại,
nhân dân Pháp đã dựng tượng ông ở Choisy-le-Roy. Người ta được biết rằng bản thảo
đầu tiên của bản hát có những câu, xin tạm dịch như sau:
Đứng lên, con yêu Tổ Quốc
Ngày vinh hiển đến rồi
Hãy cầm súng đo gươm
Tiến lên, tiến lên!
Máu nhơ kẻ thù sẽ
Tưới ngập luống cày mềm
Tôi chép đến dòng này thì tôi nhớ tới
hai bài báo đăng trên hai tờ báo Việt ngữ lớn ở hải ngoại là VĂN NGHỆ TIỀN
PHONG (Hoa Kỳ) và QUÊ MẸ (Pháp). Bài đăng ở VNTP có câu: ''Đó là lúc chào cờ Việt
Nam. Vẫn lá cờ vàng ba sọc đỏ mà bao thế hệ đã tẩm mồ hôi và máu để bảo vệ
nhưng khi quốc ca cất lên thì không phải Này công dân ơi mà là Việt
Nam Việt Nam nghe từ vào đời của Phạm Duy''. (Từ Ngọc Lữ, VNTP số
277). Và bài trong báo QUÊ MẸ là của Thi Vũ, Võ Văn Ai nhan đề Phạm Duy, Một Tiếng Quê Hương.
Trong lời nói đầu của bài viết, nhà thơ kiêm chủ báo này cho biết hồi năm 1969
khi viết lời giới thiệu tập nhạc kháng chiến của Phạm Duy ở Paris, ông đã ''đề
nghị lấy bài Việt
Nam Việt Nam của Phạm Duy làm quốc ca, nhưng tập nhạc
không hiểu vì sao không được in ra'' (QM số 82-83).
Bây giờ xin trở lại vấn đề Phạm Duy viết
bài Xuất Quân,
bài hát được phổ biến cực kỳ nhanh chóng lan rộng như lửa bay khắp Nam Bộ năm
1946 như một bản quốc ca, trong đó có những lời như sau:
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi, hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu!
Đi là đi chiến thắng!
Đi là mang mối sầu thiên thu...
Lúc đó Phạm Duy mới 25 tuổi. Hai
mươi năm sau, Phạm Duy viết bản Việt
Nam Việt Nam:
Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời
Việt Nam hai tiếng nói trên vành nôi: Việt Nam, nước tôi!
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam hai tiếng nói sau cùng, khi lìa đời.
Rồi cũng lại 20 năm sau, từ nước
ngoài, Phạm Duy hoàn thành một tổ khúc, cho thấy bầy chim bỏ xứ đã có cơ hội trở
thành bầy chim hồi xứ rồi:
Bầy chim tỉnh giấc
Vì nghe tiếng thiêng liêng
Từ nơi huyền bí
Nổi lên tiếng chim Tiên...
Những cánh chim kêu gọi đàn con
Những cánh chim trên Bạch Đằng Giang
Những cánh chim vui cảnh Tao Đàn
Lướt gió bay qua miền Chi Lăng
Hót líu lo trên đồi Yên Thế.
Trong một lần sống trên dương gian, Phạm Duy
đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi và đã ba lần làm Rouget de Lisle tái sinh.
Chỉ với ba bản hát kể trên, Phạm Duy đã hiện diện trong mỗi chúng ta trong bốn
thập niên qua. Nhưng ai ai cũng biết Phạm Duy còn cho ta hơn thế nhiều, cho cả
người bên ni lẫn kẻ bên tê. Đối với nhân gian, tiếng đàn của Phạm Duy luôn luôn
mang đến một điều gì tốt lành và đẹp đẽ.
Với kẻ đau, tiếng đàn xoa dịu. Với cánh bay,
nó làm gió nâng lên. Phạm Duy như bàn chân đi nhẹ vào đời ta, ru ta ngủ khi ta
cần giấc ngủ và Phạm Duy cũng sẽ đánh thức ta trở dậy ''để nhìn mặt trời
lên''. Với ai thất vọng, Phạm Duy khuyên: ''Hãy cố nuôi mộng
dài''. Với những kẻ đang ''tranh nhau một đám bụi đen'', Phạm
Duy khẽ vỗ vai:' 'Anh mang được gì về cõi chết?'' Với các vị anh
hùng rơm, Phạm Duy nhỏ nhẹ hỏi: ''Bây giờ các ngài ở đâu?'' Đối
với kẻ hùng hục chém giết, anh khuyên hãy nhìn bà mẹ Phù Sa và anh nói: ''Ngọn
cờ thắng bại cũng chỉ là một giải khăn sô!''
Phạm Duy vượt cao hơn nỗi đớn niềm đau của
chính bản thân và cũng là của thời đại chúng ta đang sống. Và Phạm Duy đã diễn
đạt nỗi niềm đau đớn đó. Với bài 1954
Cha Bỏ Quê - 1975 Con Bỏ Nước, ta thấy hai thế hệ cha và con đều
gánh chịu những thảm kịch tái diễn trên một bối cảnh Việt Nam. Hồi tưởng lại những
năm đầu thất thểu lưu vong, ta còn rởn tóc gáy. Biển chắn trước mặt, súng chĩa
sau lưng. Lấy chết làm sống. Lấy xứ người làm xứ mình. Lấy ly tán làm hạnh
phúc. Vừa ra đến đất tự do, cuộc sống còn nhờ vả mênh mông lạ hoắc lạ huơ, nước
mắt chưa khô, chân bước còn loạng quạng, đầu óc còn say sóng, thế mà Phạm Duy
đã cầm đàn gọi ta, trước nhất với những tị nạn ca khẳng định sự ra đi là đối chống
chứ không phải trốn chạy.
Ta trốn Cộng hay ta chống Cộng
Đây là điều ta phải hỏi ta
Ta trốn Cộng hay ta chống Cộng
Đây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta!
Mặc dù những bài tị nạn ca của Phạm
Duy vang động cả trong lòng người Việt hải ngoại lẫn đồng bào trong nước, nhưng
Phạm Duy tự nhận mình chỉ là con dế hát rong. Oai hùng thay con dế hát rong!
Ngót năm mươi năm sáng tạo và suy nghĩ không
ngừng. Ngót năm mươi năm lấy đàn làm súng, tiếng hát làm đạn tên, năm mươi năm
yêu và được yêu, sống cay đắng ngọt bùi với số phận làm người - và người Việt
Nam - Phạm Duy đã sống một ngàn cuộc đời trong một cuộc đời, mang một ngàn trái
tim trong một trái tim, Phạm Duy sống trọn vẹn một đời nghệ sĩ, và một thân phận
làm người trong cõi nhân gian. Phạm Duy đi vào cầm ca bằng nghề đàn và hát trên
sân khấu. Sau đó thay đàn và hát chưa đủ, Phạm Duy làm bài hát để diễn đạt lòng
mình.
Bắt đầu Phạm Duy làm từng ca khúc. Rồi làm bộ
ba, bộ tư. Rồi làm hàng chục bài nói lên một chủ đề với nhiều khía cạnh. Rồi
làm trường ca. Rồi làm hàng loạt, hàng chùm sinh lực trào tuôn từ tim óc nghệ
sĩ như phép lạ thiên thần. Có bài chỉ viết trong năm, mười phút mà trở thành bất
hủ. Từ một cội Phạm Duy mà người đời hái được biết bao nhiêu. Nào hoa nào lá để
cài tóc cài áo, nào cành khô để sưởi, nào trái nụ để nuôi, trái chính để lấy hạt
ươm, nào hương nhụy để ấp ôm, để tẩm thư tình.
Bây giờ xin thử đặt một câu hỏi nhỏ: Tại sao
ta có tuyệt đỉnh Phạm Duy? Sở dĩ Phạm Duy đạt tới đỉnh chót vót đó là vì tài
năng của anh được tưới bồi bằng những nguồn lớn - có lẽ quan trọng ngang nhau -
như sau:
1. Huyết thống văn học nghệ thuật của gia
đình. Thân sinh là nhà văn Thọ An Phạm Duy Tốn, nhà văn đầu tiên soạn bộ Truyện
Tiếu Lâm An Nam mà nhạc sĩ đã đọc từ bản thảo viết tay và sau này nhạc sĩ trích
ra để làm mấy bản Tục Ca. Anh cả là thạc sĩ kiêm văn sĩ Phạm Duy Khiêm. Hai người
chị đều chơi đàn tranh và một người anh khác là Phạm Duy Nhượng cũng là nhạc
sĩ. Từ một gia đình như vậy, cậu Phạm Duy được sinh ra và lớn lên.
2. Thiên tài là của trời cho nhưng nó cũng còn
là kết quả của sự trau dồi luyện tập (nhưng cũng có những người trau dồi luyện
tập mãi mà không thành tài). Phạm Duy là con người luôn luôn nghiên cứu và học
hỏi âm nhạc ngay từ lúc còn đi hát cho gánh hát Đức Huy (1942) mà anh đóng vai
trò quản lý kiêm ca sĩ. Đến lúc đã nổi tiếng là bậc thầy, là đàn anh rồi, vẫn
còn khăn gói sang Pháp làm học trò để học lấy cái kỹ thuật tân tiến của người.
3. Hồn dân tộc luôn luôn ngự trị trong Phạm
Duy. Không một nhà nghệ sĩ nào, kể cả ở các bộ môn khác, mô tả dân tộc ta bằng
nhiều khía cạnh vừa đậm đà vừa sâu sắc rung động bằng nhạc sĩ Phạm Duy. Nói tới
quê hương, dân tộc, không thể không nghĩ tới Phạm Duy, mà nghĩ đến trước tiên.
Nói đến Phạm Duy cũng có nghĩa là nói đến dân tộc và quê hương Việt Nam. Phạm
Duy đã sưu tầm, chỉnh lý và nâng cao dân ca Trung Nam Bắc, nhạc miền suôi và cả
nhạc miền núi. Công lao này được ghi nhận là vô cùng to lớn.
4. Bắt tay với nhạc tân kỳ hiện đại, Phạm Duy
là bậc thầy của dân ca Việt Nam nhưng bao giờ cũng nhìn ra cái thế giới điện
khí hóa ngập trời, phản lực xé mây xanh. Đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn bầu,
âm nhạc dân tộc nói chung, làm cái nền để Phạm Duy đứng và vói tới trăng sao.
Cho nên dù đi xa, lên cao mà Phạm Duy vẫn không lạc nguồn. Tâm hồn nghệ sĩ vẫn
là tâm hồn Việt Nam.
5. Phạm Duy xem cầm ca là nghiệp chính của
mình, nói rõ ra là suốt đời anh chỉ sinh sống và nuôi gia đình con cái bằng nghề
đàn hát. - nước ta, cả Nam lẫn Bắc, tôi chưa thấy ai hoặc biết ai như thế.
6. Bỏ ngay nơi chốn có khí hậu không thích hợp
cho công việc tự do sáng tác của mình, mặc dù ở đó người ta dành cho anh rất
nhiều đặc ân. Một người dám cho nhau tất cả, không tiếc gì với nhau, chỉ trừ tự
do, thì không thể ở mãi một nơi mình không được tự do sáng tạo. Rời bỏ nơi chốn
không thích hợp đó cũng có nghĩa là vứt đi cái lăng kính mà người ta muốn Phạm
Duy đeo vào để nhìn đời rập khuôn theo kẻ chế tạo kính. Phạm Duy nhìn đời, và
chỉ muốn nhìn đời bằng đôi mắt Phạm Duy. Điều này đúng lắm. Sự nghiệp của Phạm
Duy kể từ sau khi ''lữ khách bước qua chiếc cầu biên giới'' đến nay đã là một
chứng minh hùng hồn. Nếu anh không bước, anh sẽ chịu chung số phận như Văn Cao,
bạn anh.
Sau đây là những chương đề cập tới sự nghiệp
Phạm Duy do một người biết ít nhạc nhưng hát nhạc Phạm Duy từ 1945 cho tới nay:
Phạm Duy, Đường Dài Mà Vui
Phần I.- Người Nghệ
Sĩ
Phần II.- Người Suy
Tư
Phần III.- Người
Tình
Phần IV.- Người Yêu
Nước
Phạm Duy Tạ
Ơn Đời, Đời Tạ Ơn Đời Phạm Duy.
Bên cầu biên giớiPhạm Duy - Khánh Ly
28 tháng 2, 1994Xuân Vũ
Bên cầu biên giớiPhạm Duy - Khánh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét