Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Saint - Exupery giữa bầu trời và mặt đất

Saint - Exupery giữa bầu trời và mặt đất

“Nhưng cơn đói khát ánh sáng dữ dội đã xui chàng bay lên”
Bị kẹt trên cơn giông tố. chàng phi công Fabien bay lạc vào bóng đêm, “thứ bóng đêm của buổi sinh thành vũ trụ” và cuối cùng chàng biến mất giữa ngàn sao.
Đấy là nhân vật của cuốn tiểu thuyết “Bay đêm”. Và rồi, như để hoàn tất cuộc sáng tạo, Saint - Exupery cũng bay lên và biến mất vào cuối tháng Bay năm 1944.
Như Bernis trong chuyến thư phương Nam.
Như Memoz và Guilaumet trong Đất của con người.
Như Hoàng tử bé…
Saint - Exubery đã sống và chết như các nhân vật của mình.
Ông không phải là kẻ bịa ra anh hung mà chính ông là anh hung với tất cả ý nghĩa xứng đáng nhất của từ ngữ ấy, cái tiếng mà nhiều người ngày hôm nay muốn xóa đi ý nghĩa.
Nhân loại có người tư duy, có người hành động, Saint Ex (theo các gọi rút gọn thân yêu) là cả hai.
Ông vừa là phi công xuất sắc vừa là nhà văn lỗi lạc, vừa là người của toán học, vừa là người của thi ca.
Sự toàn diện ấy tạo nên một nhân cách phi thường.
Saint Exupery, ấy là kẻ nối trăng sao với mặt đất, sa mạc với tình người.
Saint - Ex chào đời cũng là chào cái thế kỷ phiền toái nhiễu sự này của chúng ta.
Theo ông, đây là thế kỷ của quảng cáo, chào hàng. Nhưng còn con người, con người được gì? Ông tự hỏi và tự trả lời rằng: “Con người chết khát”.
Và trong “Thư gửi tướng X”, Saint - Ex cho rằng vấn đề độc nhất của thế giới ngày nay là trả lại cho con người những ý nghĩa tinh thần bởi vì nó đã “cạn rỗng chất người” rồi.
Bay trên vòm thời đại, Saint - Ex đặt lại vấn đề nhân tính. Nếu nhân loại “chỉ còn nghe mỗi người máy, chỉ còn hiểu nổi người máy, hóa làm người máy” thì ấy là lúc con người đã chết.
Sinh ra cùng một lúc với thế kỷ, Saint - Ex đã bay cao hơn thế kỷ của mình và cố cảnh tỉnh nó trong suốt cuộc đời sáng tạo.
Con người không còn ý nghĩa nữa nếu như nó bị truất quyền sáng tạo trong một nền “văn hóa làm sẵn”, đó là tư tưởng nòng cốt của lá thư ấy.
Ngay từ lúc còn là cậu bé tóc vàng hoe giống như Hoàng tử bé (Vì thế được gọi là Roi-soleil: Vua mặt trời), Saint - Ex đã thích sáng tạo.
Năm lên sáu, một đêm kia cậu đã đánh thức cả nhà dậy để nghe mình đọc thơ, bài thơ mà cậu vừa viết và cho rằng rất hay.
Là một cậu bé thông minh và hiếu kỳ, cậu hay bịa ra những câu chuyện thần kỳ và kể cho mọi người nghe. Công chúng của cậu khá đông, bao gồm gia đình và bạn bè, vui thích nghe “Vua mặt trời” huyên thuyên.
Nếu gọi đó là những sáng tác văn chương đầu đời thì cũng chẳng sai – Khi dựng nhân vật Hoàng tử bé sau này, Saint - Ex hẳn nhớ trò chơi tuổi nhỏ ấy nên rồi hoàng tử từ tinh cầu xa xôi đến cũng có mái tóc vàng hoe như đồng lúa chin.
(Cậu bé Tonio (Saint - Ex) không chỉ mơ mộng với thơ ca. Giống như những người khổng lồ từ thời phục hưng, cậu mê thích cả khoa học, nhất là máy móc.
Cậu có năng khiếu toán học và thích phát minh. Cậu tự mình chế tạo điện thoại để nói chuyện cùng các bạn từ đầu vườn đến cuối vườn. Cậu vẽ ra những máy móc kỳ lạ và mơ bay trên một chiếc xe đẹp có cánh. Cậu viết: “Khi tôi bay trên chiếc máy tân kỳ ấy của tôi, đám đông sẽ reo lên: Vạn tuế Antone de Saint Exupery”.
Có lẽ trẻ con nào cũng thế. Trẻ con nào cũng là thần đồng trong giấc mơ của mình.
Nhưng rồi thần đồng lần lượt bị sát hại. “Mozart” trong mỗi em bé ấy chết mục giữa những toa tàu hỗn độn của đời sống.
Chỉ có một vài hoàng tử bé nuôi dưỡng được giấc mộng vàng và biến nó thành hiện thực, trong đó có Saint - Ex. Từ giấc mơ thơ ấu, Saint - Ex sẽ cất cánh và “đi bách bộ giữa những vì sao”.
Mất cha từ năm lên bốn, Saint - Ex chỉ còn lại người mẹ có tâm hồn nghệ sĩ. Với sự hiểu biết và kiên nhẫn, bà Marie de Saint - Exupery truyền cho đứa con yêu của mình tình yêu đối với âm nhạc. Cậu tập violon và piano. Cậu se vào đời với tình yêu Mozart.
Vào năm mười hai tuổi, Saint - Ex lần đầu tiên được đi máy bay. Máy bay thật đấy nhé. Khỏi phải nói cậu vui sướng như thế nào khi leo lên chiếc máy bay của Vedrines, một trong những phi công đầu tiên của nước Pháp và được đưa đi chơi một vòng như hoàng tử bé được chim di thê mang đi. Trong những bước dò dẫm tuổi thanh niên, cậu định vào trường Hải quân nhưng không thành. Sau đó, thử học một năm ở khoa kiến trúc trường Mỹ thuật.
Năm 1921, vừa đến tuổi đôi mươi, Saint - Ex nhập ngũ. Anh vào trung đoàn không quân ở Strasbourg.
Sau đó là những tháng ngày làm quen với các chiếc máy bay, kể cả máy bay quân sự lẫn dân dụng.
Đôi lần Saint - Ex bị thương nặng, cơ thể phải trả giá cho giấc mơ.
Máy bay hồi đó còn thô sơ lắm. Mỗi chuyến bay đều có tính chất mạo hiểm, một cuộc phiêu lưu dành riêng cho người dũng cảm.
Nhưng Saint - Ex thích đối mặt với gió mây. Từ độ cao đó, anh thích nhìn mặt đất bỗng nhiên mới lạ hẳn ra.
Bay, đối với Saint - Ex không đơn giản là một thú vui.
Bay, đó là hành động.
Dostoevsky từng cho rằng cái đẹp cứu vớt thế giới.
Saint - Exupery thì nói: “hành động cứu thoát tất cả, kể cả cái chết”.
Đến năm hai mươi sáu tuổi thì anh đã có thể viết cho mẹ lời thư hân hoan này: “Mẹ bé bỏng ơi, mẹ có đứa con trai vô vàn hạnh phúc, cậu ta đã tìm ra con đường của mình rồi đấy”.
Lúc ấy, Saint - Ex đã tìm được việc làm ở công ty Hàng không Pháp. Ở đấy, ông xin làm phi công chứ không thích nhận chức vụ an nhàn cao cấp nào. “Điều tôi muốn hơn hết là bay” ông nói, “Chỉ bay mà thôi”.
Người chỉ huy của ông ở Montauban là Didier Daurat. Đấy là một con người cứng rắn như thép. Phải điều động một công việc gian lao, Daurat cần cả chất thép ơ những người thừa hành. Họ phải được đào luyện, phải khép mình vào kỷ luật và am hiểu mọi điều liên quan đến việc bay. Daurat nói: “Là phi công, trước tiên phải là một người thợ”.
Saint - Ex đồng ý. Ông thích công việc của một người thợ.
Ngay từ mùa xuân năm sau, Saint - Ex đã sát cánh với các đồng đội như Memoz và Guillaumet trong những chuyến bay xa.
Saint - Ex lái phi cơ đưa thư trên tuyến đường Toulouse - Casablanca và người phi công trẻ tuổi thực sự phải đối đầu với bão giông và sa mạc.
Sau đó Didier Daurat chọn Saint - Ex làm trưởng trạm Cap Juby. Đó là một vùng nguy hiểm. Ông có trách nhiệm bảo vệ các phi công và nếu họ bị người Maure cầm tù, ông phải tìm cách giải thoát.
Và giữa sa mạc, giữa cô đơn, Saint - Ex vừa tích cực hành động, vừa trầm tư mơ mộng.
Ông vừa cứu thoát được bao nhiêu người, vừa thiết lập được những mối giao tình ở một nơi đầy đe dọa chết chóc. Có lúc, người ta thấy ông ngồi bình thản uống trà với các thủ lĩnh người Maure của sa mạc.
Một bức thư của Saint - Ex nhắc đến giai đoạn này như sau: “Tôi không biết bao giờ mình về. Từ mấy tháng nay tôi bận bao nhiêu việc: tìm kiếm các bạn hữu mất tích, sửa chữa các máy bay bị rơi xuống vùng ly khai và một vài chuyến đưa thư lên miền Dakar. Tôi vừa hoàn thành một chiến công nhỏ: hai ngày hai đêm tôi ở với mười một người Maure và một tay thợ máy để cứu một chiếc phi cơ…”
Đối với Saint - Ex, người sa mạc có niềm tin và chân lý riêng. Ông không lấy thước đo của nước Pháp hay của cá nhân mình để đo gió và cát. Ông cố gắng hiểu - và ông kính trọng truyền thống của những người xa lạ ấy.
Giữa sa mạc, Saint - Ex đem nhân tính ra mà hoán cải cát bụi.
Giữa sa mạc, ông phát hiện cho ta bao điều quý báu:
“Chân lý đối với con người, ấy là cái làm cho ta thành một con người… là cái làm cho thế giới trở nên giản dị chứ không phải là gây rối rắm. Chân lý là tiếng nói toát ra cái đại đồng… con người quanh ta đâu đâu cũng đều nói lên những nhu cầu giống nhau”.
Có phải cát bụi của sa mạc đả thổi vào linh hồn của Saint - Ex sự hiền minh của nó? Trước cát bụi, con người giống nhau.
Dựa vào kinh nghiệm ở biên thùy xa xôi ấy (giữa vùng ly khai Maroc) cùng với những hồi tưởng riêng tư, Saint - Ex miệt mài viết tác phẩm đầu tay của mình.
Đấy là truyện kể ấn hành ở Paris năm 1928 với cái tên “Chuyến thư Phương Nam” mà có người gọi là “một tập tư liệu trữ tình” (Un documentaire lyrique).
Qua nhân vật lãng mạn Jacques Bernis, đấy là bi kịch về một tình yêu khốn khổ hơn là một anh hung ca của bầu trời dù Andre Maurois cho rằng các tác phẩm này, Saint - Ex đã “đưa bầu trời vào văn chương”.
Ngay từ trang đầu tác phẩm, Saint - Ex mở bầu trời ra như thể rót nước mát cho chúng ta tắm:
“Một bầu trời trong như nước đang tắm các vì sao rồi phơi trần sao ra”.
Quyển sách cất tiếng bằng giọng điệu thơ ca như thế và tiếp tục:
“Rồi kế đó là đêm tối. Sa mạc Sahara hé lộ từng đụn cát dưới ánh trăng. Trên trán chúng tôi, ánh đèn này không đưa trình sự vật ra cho ta xem mà cấu tạo chúng, nuôi dưỡng chúng bằng một chất dịu êm”.
Tác phẩm văn chương của Saint - Ex ngay từ đầu đã giống như ánh đèn huyền ảo ấy của ánh trăng. Nó không “đưa trình” sự vật ra (ne livre pas les objets) mà là “cấu tạo và nuôi dưỡng từng thứ bằng một chất dịu êm” (mais les compose, nourrit de matiere tender chaque chose).
Jacques Bernis là phi công trên đường bay Toulouse - Dakar. Rời bỏ tuổi thơ, chàng mơ mộng thiết lập trật tự, xây dựng thế giới như một người thợ.
“Và mỗi ngày, đối với người thợ bắt tay xây dựng thế giới, thế giới bắt đầu”.
Những cát trần và đá nóng, những loạn quân sa mạc… Bernis  cố gắng chinh phục những gì còn xa lạ. Chàng đi tìm nguồn suối, đi tìm kho báu.
Và chàng gặp lại cô bạn ngày xưa ở Paris, nàng Genevieve xinh như mộng.
“Tôi đã tìm thấy nguồn suối… Tôi đã tìm thấy nàng như người ta tìm thấy ý nghĩa của sự vật”.
Nàng đã có chồng nhưng chồng nàng là một kẻ tầm thường, tự mãn, trống rỗng. Rồi con nàng đau ốm và chết. Nàng bỏ nhà, trốn theo Bernis. Họ rời Paris trong đêm mưa.
Nhưng rồi cả nàng và Bernis đều thấy rằng mình lầm lạc. Họ không hạnh phúc.
Genevieve mong manh không đủ sức chịu đựng cuộc phiêu lưu. Genevieve không thuộc về thế giới của Bernis dù chàng cố công lôi cuốn nàng vào.
Bernis lại ra đi. Để tìm kho báu giấu đâu đó trong đời, giữa ngàn sao hay sa mạc. Một kho báu huyền bí làm cho những cõi miền ấy đẹp hẳn lên.
Chàng lái chiếc máy bay đưa thư đi Dakar và trúng đạn của loạn quân sa mạc.
Phi công chết, phi cơ vỡ nhưng thư còn nguyên vẹn.
Những lá thư ấy lại bay về phương Nam, nhờ một phi công khác.
Năm hai mươi chín tuổi, Saint - Ex được chỉ định làm giám đốc công ty Không bưu Argentina ở Nam Mỹ.
Để chứng tỏ phi cơ hiệu dụng và nhanh chóng hơn tàu hỏa và xe lửa, cần phải mở các chuyến bay đêm.
Đó là một bước mạo hiểm mới. Phải dò bóng tối mà đi. Phải đương cự với gió bão và vô vàn tai ương. Không gian còn là cõi bất trắc và phi công thường phải tiến bước như người ném vận mệnh mình vào bóng tối.
Như các bạn cũ Memoz và Guilaumet đã nổi danh với những đường bay tiên phong, chính Saint - Ex cũng mở đường bay mới ở Nam Mỹ, trên vùng Patagonie vật lộn với bão tuyết trên vùng núi Andes, Saint - Ex tìm kiếm bạn trong suốt năm ngày.
Năm 1931, tác phẩm “Bay đêm” ra đời.
Đấy là một đêm của Reviere, nhân vật quan trọng của tác phẩm.
Saint - Ex đề tặng tác phẩm cho Didier Daurat và ta nhận ra đấy chính là nguyên mẫu của Reviere.
Giới thiệu quyển sách, Andre Gide cho rằng ông hài lòng hơn cả trong câu chuyện xúc động ấy chính là “tính chất cao quý” của nó và nhà văn lớn ấy giải thích:
“Những hèn yếu và đồi bại của con người đã được văn chương ngày nay tố cáo khéo léo đến nỗi ta dư biết cả rồi. Nhưng cho ta thấy những hành động tự vượt mình của ý chí cương quyết mới là điều chúng ta cần ở văn chương ấy”.
Văn chương thời đại này thiếu vắng anh hung vì người ta thích bôi đen hình ảnh con người.
Bằng cuộc đời và tác phẩm của mình, Saint - Ex đã khôi phục lại phần cao cả của con người tức là cái làm nên con người, điều mà Gide thấy như là hành động tự vượt của bản ngã (ce surpassement de soi).
Văn chương phương Tây đã từng sa lầy vào con đường bôi đen con người nhưng cũng chính nó tạo ra những kiệt tác như “Ông già và Biển cả” (Heimingway) và “Bay đêm” mà trong đó con người không hề biết khuất phục.
Viên chỉ huy Riveire gắn bó với các phi công của mình trong một ý chí cương quyết: Chiến thắng đêm tối. Ông yêu họ nhưng biết dấu tình yêu ấy trong một chất thép cần thiết:
“Cảm thức âm thầm về một bổn phận rộng lớn hơn cảm thức về ình yêu”.
Dưới sự điều động của ông, ba phi công lái máy bay đưa thư lên đường. Chiếc của Fabien lạc trong giông bão.
“Chàng ráng sức chế ngự chiếc phi cơ… Chàng không còn phân biệt nổi trời và đất. Chàng lạc vào một bóng tối nơi mà mọi sự trộn lẫn, một bóng tối buổi sinh thành vũ trụ”.
Như “Ông già đánh cá” của Hemingway, chàng phi công trẻ tuổi vẫn chiến đấu. Chàng không tin có định mệnh bên ngoài mà chỉ nhìn nhận một “định mệnh nội tại” (une fatatite interieure).
Trong khi đó, người vợ của Fabein căng thẳng chờ đợi. Nàng tìm gặp Reviere. Cả thiếu phụ này cũng nhân danh bổn phận của mình mà “đòi hỏi tài sản của nàng và nàng có lý. Cả ông nữa, Reviere, ông cũng có lý… Ông khám phá ra chân lý của riêng mình dưới ánh đèn gia đình nhỏ nhặt ấy, cái chân lý nghiệt ngã biết nói sao đây”.
Tất cả các nhân vật ấy đều cố gắng đi đến cùng bổn phận của mình. Nếu vì thế mà họ có va chạm nhau thì đấy cũng là lẽ tất yếu.
Fabein vượt lên giông bão, vượt lên bóng tối và uống lấy dòng sữa ánh sáng từ những áng mây và tắm trong nó.
Rồi chàng không về nữa. Điều lệnh của Reviere thất bại.
Nhưng “sự thất bại mà Reviere cam chịu có thể là lời hẹn đưa đến gần sự chiến thắng chân chính”.
Và do đó, cuối cùng Reviere là kẻ đại thắng (Reviere - le Victorieux)
Trong đêm tối, viên chỉ huy cương quyết ấy tiếp tục thả lên trời toán phi hành khác.
Cùng với “Ông già và Biển cả” (1952) của Hemingway, “Bay đêm” của Saint - Ex thuôc về loại tác phẩm cô đọng và toàn bích.
Đó là những sáng tạo cao quý của thế kỷ văn học tưởng như “lạc vào một bóng tôi nơi mọi sự trộn lẫn:.
Năm 1931, Saint - Ex trở về Pháp, kết hôn với một phụ nữ Nam Mỹ trẻ đẹp là Consuelo. Nàng là một góa phụ mà ông đã quen từ trước.
Cuối năm đó, “Bay đêm” đoạt giải thưởng Femina và được dựng thành phim ở Mỹ.
Lúc này, Saint - Ex nổi danh như một phi công vĩ đại và một nhà văn lỗi lạc.
Sau đó, ông là phi công thử nghiệm những chuyến thủy phi cơ (Hydravion). Rồi ông làm việc cho Hàng không Pháp thực hiện nhiều phi vụ anh hung, bị thương trầm trọng.
Không được bay, Saint - Ex lại cầm bút.
Năm 1939, Saint - Ex cho ấn hành cuốn sách “Đất của con người”.
Lập tức, nó đoạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp và được xuất bản cùng năm ở Mỹ.
Có thể gọi cuốn sách ấy là tiểu thuyết, tùy bút hay thơ xuôi.
Nó đề tặng người bạn thân Guillaumet cũng là nhân vật của cuốn sách. Những cuốn sách Saint - Exupery thường chứa đầy bạn hữu.
Mở sách ra, ta “tiếp xúc với gió, với sao, với đêm, vơi cát và với biển”.
Có vẻ như là truyện phiêu lưu và các nhân vật là những Ulysse của bầu trời và sa mạc.
Nhưng đó còn là cuộc phiêu lưu của nội tại (L’aventure interieure).
Tác giả hướng ta vào sức mạnh tinh thần của các nhân vật hơn là những hành động thể lý của họ.
Họ kh6ong đi tìm vương quốc ở bên ngoài vì “vương quốc con người thì ở bên trong”.
Tuy vậy, những chàng phi công ở đây, như Ulysse, đã sống qua những hiểm họa cam go. Cuộc đời đầy những điều mê hoặc như tiếng hát của các nàng siren: một hòn cuội đen trên cao nguyên không dấu chân người rơi từ một trận mưa lửa xa xưa, hai cô gái Concordia và con rắn lục, con chuồn chuồn báo hiệu bão giông, lão nô lệ người Maure được chuộc tự do, thác nước chảy ngàn năm trước đôi mắt kinh ngạc của ba người Maure đến từ sa mạc…
Tất cả đều kỳ diệu nhưng tất cả đều đơn giản như thác nước chảy ngàn năm kia. Đơn giản là chân lý.
“Chân lý, đấy không phải là cái gì có thể tự nó hiển bày. Nếu trên mảnh đất này chứ không phải mảnh đất khác, cây cam đâm rễ và kết trái, thì mảnh đất ấy là chân lý của cam…”
Quyển sách, ấy là tám bài thơ xuôi xoay quanh một chủ đề nhất quán, đấy là tiếng hát về hành tinh của con người: Đường bay, bạn hữu, phi cơ, hành tinh, ốc đảo, sa mạc, con người…
Các đề tài trên không phải lần đầu tiên được nói ra. Chính Saint - Ex cũng nhiều lần bàn tới. Nhưng ở đây không có sự đơn điệu, nhàm chán.
“Đất dạy ta rõ về nơi ta hơn mọi sách vở”.
Đó là câu đầu tiên của tác phẩm và cứ thế nó cho ta thấy sự mầu mỡ lạ thường của tư tưởng và ngôn từ.
“Vì đất cưỡng lại ta - Con người tự tìm thấy mình khi đọ sức với chướng ngại”.
Vì cuộc đọ sức ấy đã thể hiện ở nhiều người bạn. Như Guillaumet, kẻ đã mất tích năm mươi tiếng đồng hồ giữa mùa đông trong rặng núi Andes. Chỉ có một đêm ở đó, ta sẽ dễ dàng hóa thành băng.
Nhưng Guillaumet vẫn sống sau khi đi bộ suốt bốn đêm năm ngày, mỗi lần trượt ngã lại rang sức trỗi dậy dù hình hài đã tả tơi và đầu óc quay cuồng. Chàng quyết không để cho mình đông cứng.
Khi được cứu sống và bình phục, chàng thầm thì với Saint - Ex: “Cái mà mình đã làm, xin nói thật, không có con vật nào làm được”.
Saint - Ex cho rằng đấy là câu nói cao quý nhất, “câu nói định vị cho con người”.
Kỳ công của Guillaumet không phải dũng cảm mà là trách nhiệm. Chàng phải sống vì chàng là con người. Vì bổn phận. Vì bạn hữu. Vì thư tín mà bao nhiêu người chờ đợi.
Muốn đọ sức với chướng ngại, cần có những dụng cụ như cái bào, chiếc cày và máy bay. Chính vì thế, dù tối tân hay dụng cụ khác, chiếc máy bay không phải là mục đích.
Nó là một dụng cụ “giúp ta khám phá gương mặt thật của trái đất”.
Một điều kỳ diệu nhất của máy bay là nó đưa ta “phóng thẳng vào lòng sự huyền bí”.
Nó đưa ta đến ốc đảo và sa mạc ngay cả trong sa mạc, cũng có tình người.
“… Anh là người cứu sống chúng tôi, người bạn Bedouin xứ Libye ơi, nào tôi còn nhớ khuôn mặt anh nữa đâu. Anh là Con Người và anh hiện ra cùng một lúc với khuôn mặt của tất cả mọi người. Tuy chưa nhìn rõ mặt chúng tôi, anh đã nhận ra chúng tôi rồi. Anh là người an hem yêu quý. Và đến lượt tôi, tôi nhận ra anh trong tất cả mọi người”.
Toàn bộ tác phẩm “Đất của con người” mang tinh thần của đoạn văn trên.
Các hương sách, các bài thơ xuôi ấy được kết lại như người ta thận trọng kết những nhánh cành tươi nguyên để làm thành một bó hoa, những nhánh cành hái từ núi đồi, sa mạc, cánh đồng và giữa muôn sao trong những đường bay của tư tưởng Saint - Ex.
Cũng trong năm này, đại úy Saint - Exupery gia nhập phi đội trinh sát 2/33 dù rằng các bác sĩ không đồng ý cho ông bay lại vì các thương tích nặng nề trước đây.
Khi Đức tấn công Pháp vào năm 1940, chưa chiến đấu được bao lâu thì phi đội 2/33 phải giải ngũ.
Saint - Ex sang New York sống những ngày tháng lưu vong cay đắng. Vẫn nhớ về tổ quốc, ông viết cuốn “Phi công thời chiến”.
Tác phẩm ấy xuất hiện ở Mỹ và cả ở nước Pháp bị chiếm đóng năm 1942. Thoạt tiên, ấn hành ở Pháp, sách chỉ phải bỏ mấy chữ “Hitler là tên ngốc” nhưng năm sau, sách bị cấm hẳn, người dân phải đọc lén lút mà nuôi hy vọng.
Tác phẩm viết về sự thất trận cay đắng của Pháp và như mọi cuốn sách trước của Saint - Ex, nó có tính chất bút ký hơn là tiểu thuyết... Nó đề tặng các nhân vật có thật của sách: Thiếu tá Alias và phi đội 2/33 trinh sát.
Chính thiếu tá Alias ấy đã ra lệnh một chuyến bay trinh sát trên vùng Arras. Đó là một mệnh lệnh hầu như đẩy phi đội vào cái chết vô ích. Sẽ chẳng thu thập được gì trong tình thế tuyệt vọng của chiến bại.
Nhưng “chiến bại… chiến thắng… chỉ có một chiến thắng mà tôi không nghi ngờ là thứ chiến thắng nằm trong quyền lực của hạt giống. Gieo xuống đất đen là đã chiến thắng rồi. Nhưng cần đợi thời gian trôi qua để chứng kiến hạt giống chiến thắng trong gié lúa mì”.
Chính vì vậy phi đội vẫn thực hiện sứ mệnh của mình mà không cần cãi lý.
“Ngày mai, chúng tôi sẽ không nói gì nữa. Ngày mai, dưới mắt các nhân chứng, chúng tôi là người chiến bại. Kẻ chiến bại thì phải im lặng thôi. Như những hạt giống”.
Ở Mỹ, Saint - Ex không cam sống cảnh lưu vong yên ổn. Ông chiến đấu cách khác. Ông diễn thuyết ở New York, California, Canada, trên đài phát thanh, viết báo.
Và bất ngờ, năm 1943, một cuốn sách nhỏ ra đời gây ngạc nhiên và hân hoan. Đó là cuốn sách đáng yêu nhất của Saint - Ex mà cũng có thể là cuốn sách đáng yêu nhất của thế kỷ này: “Hoàng tử nhỏ”.
Từ khi xuất hiện, “hoàng tử nhỏ” đã được yêu mến khắp nơi. Người ta lập câu lạc bộ lấy tên “Hoàng tử nhỏ”, dựng kịch múa, đưa lên màn ảnh, người ta vẽ thêm tranh cho Hoàng tử nhỏ, dù những bức minh họa màu nước của Saint - Ex chừng như đã đủ lắm rồi.
Từ cái hành tinh bé xíu tưởng tượng B612, Hoàng tử nhỏ bước xuống đời.
Vào những ngày mà trái đất đảo điên trong khói lửa chiến tranh, những ngày mà tinh thần nhân văn bị trầm luân trong cơn cuồng bạo của chính con người, Hoàng tử nhỏ xuất hiện.
Đó là hóa thân thi ca của tâm hồn Saint - Ex.
Đó là tiếng hát u buồn, thanh thoát và trầm lắng nhất mà một con người lưu vong có thể cất lên cho “quê hương chung” của loài người.
Giữa tiếng bom đạn gầm rú, tinh thần nhân văn không còn có thể hung biện nữa, nó hóa thành một em bé tóc vàng hoe như đồng lúa chín. Và với trái tim thơ dại, em thầm thì với thế gian này về tình yêu, tình bạn, về đóa hoa hồng của mỗi người, về chút nước mát lành trao nhau uống, về những ngôi sao biết cười, về nguy cơ của lũ cây bao bá sẽ làm tan vỡ hành tinh vốn dĩ rất mong manh.
Mỗi người đều sống trên hành tinh bé nhỏ của bản ngã mình nhưng đồng thời cũng sông trong vũ trụ nữa. Vì thế mà Hoàng tử nhỏ ra đi. Em cần gặp những con người khác.
Và ai mà em gặp? Em gặp toàn những “người lớn” tức là những kẻ đã đánh mất cái hồn nhiên trong sáng và tâm hồn thần tiên.
Những người lớn ấy “không từng thở hít hương hoa. Không hề ngắm nhìn sao. Không bao giờ yêu ai. Không biết làm việc gì khác ngoài những bài tính cộng”.
Đối với Hoàng tử nhỏ, họ không phải là người mà chỉ là “nấm”, chỉ là những chiếc nấm thôi.
Những người lớn ấy thường tự mãn, ưa khoe khoang, ưa ăn nhậu, ưa tính toán, ưa làm mọt sách…
Chỉ trên tinh cầu thứ năm, có một người thắp đèn là không buồn cười lố bịch “ấy có lẽ vì chẳng bận tâm lo toan cho một cái gì khác hơn là chính bản thân mình”.
Ở trái đất, Hoàng tử nhỏ gặp con chồn. Nó dạy cho em về ý nghĩa của sự “thân thuộc hóa” (apprivoiser), ấy là ta6o lập các mối thân tình.
Chồn nói: “Nếu cậu làm cho tớ trở nên thân thuộc thì đời tớ như có nắng… Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân… một bước chân vang lên như điệu nhạc gọi tớ từ hang đất chạy ra… Cậu có tóc óng ánh vàng… Thì lúa mì vàng sẽ làm cho tớ nhớ nhung cậu…”
Khi sắp chết khát giữa sa mạc thì Hoàng tử nhỏ và chàng phi công Saint - Ex tìm ra một giếng nước. Nước đó không chỉ là nước uống mà nó tựa như một món quà. Con người chết khát nếu như không biết tìm ra nó. Không biết cách nhận những món quà đời, con người chế tạo đủ loại thức uống nhưng biết đâu rằng cái muốn tìm chỉ có thể tìm thấy trong một đóa hồng hay một chút nước mà thôi.
Bởi vì “đôi mắt thì mù lòa” Hoàng tử nói, “cần biết kiếm tìm với trái tim kia”.
Cuốn sách mỏng kỳ diệu này nói với các em nhỏ và tặng cho một người lớn là Leon Werth. Người lớn ấy đang đói rét ở nước Pháp, cần được an ủi.
Hai tháng trước đó, Saint - Ex có viết “Thư gửi một con tin” mà trong đó ông chào từ biệt người bạn thân Leon Werth, một con tin trong bốn chục triệu “con tin” bị cầm giữ ở nước Pháp.
Vậy thì có thể hiểu “Hoàng tử nhỏ” là tác phẩm gửi đến tất cả những ai còn đói rét những giá trị tinh thần, những giá trị mà Saint - Ex luôn đi tìm trong những đường bay can trường và trong cảnh lưu vong đau xót.
Nhưng những mơ mộng không bao giờ làm Saint - Ex nguôi quên số phận của quê hương. Nước Pháp đứng đầu trong tâm hồn ông.
Ông vận động được trở lại bay và chiến đấu.
Nhưng Saint - Ex đã bốn mươi ba tuổi rồi. Đã quá tám tuổi so với tuổi giới hạn của một phi công chiến đấu thời đó. Đó là chưa nói đến thân thể vạm vỡ của ông chưa bao giờ lành hẳn sau những thương tích trước đây.
Sau cùng, nhờ Roosevelt, ông mới được tiếp nhận trở lại phi đội 2/33 ở Maroc. Ông cần chiến hữu, cần mục đích chung khiến con người trở nên lớn lao.
Và những trang viết lại tiếp tục tràn đầy tư tưởng Saint - Ex, cao lên mãi để rồi cuối cùng trở nên Thành Trì.
Saint - Ex hy vọng rằng Thành Trì sẽ là cuốn sách của đời mình. Thật ra, nó được khởi thảo từ năm 1936 và như một lâu đài, nó được xây đắp từng bước một.
Đầu năm 1944, người ta cho phép Saint - Ex thực hiện năm phi vụ. Dù những phi vụ ấy rất nguy hiểm, ông vẫn tìm cách vượt qua số chuyến bay ấy.
Cuối tháng bảy năm 1944, Saint - Ex thực hiện phi vụ thứ tám.
Chiếc Lighning P.38 của ông cất cánh vào buổi sáng.
Không ai còn thấy Saint - Exupery quay về nữa.
Là phi công của 6500 giờ bay, là nhà phát minh nhiều khí cụ cho ngành hàng không lẫn hàng hải, là nhà toán học xuất sắc… vậy có thể xem Saint - Ex là nhà hoạt động và khoa học thuộc lớp người tiên phong của thế kỷ.
Nhưng từ tuổi nhỏ, Saint - Ex đã là thi sĩ - nên ông quan tâm đến ý nghĩa của sự vật và kh6ong bao giờ có thể sông ngoài tình yêu con người.
Do thuật luyện kim kỳ diệu nào mà các chất triết lý, thơ ca, toán học và sức mạnh hành động lại hóa thành hợp kim quý báu này: tâm hồn Saint - Ex?
Và có phải ông là kẻ muốn xây dựng “thành trì” trong trái tim con người?
Sauk hi Saint - Ex mất, mãi đến năm 1948, tác phẩm “thành trì” mới được in ra.
Tập di khảo này rút ra từ những sổ ghi của ông từ năm 1936 đến năm 1944. Người kiến trúc đã ra đi chưa kịp cho “Thành trì” những điều chỉnh cuối cùng.
Tác phẩm đã lớn dần theo bước lưu vong của Saint - Ex ở Mỹ, ở Bắc Phi.
Đó mới chỉ là một thứ “vỏ ngoài” (une gangue) như chính lời Saint - Ex tự nhận xét.
Nhưng lẫn trong cát không thể thiếu vàng ròng, lấp lánh biết bao nếu ta chịu đi theo tác giả đến cùng qua cuốn sách dầy nhất của ông.
Và muốn “thân thuộc” với Saint - Ex, cần tha thẩn trong cái “thành trì” tuy nặng nề nhưng hiển nhiên là chứa trong nó một kho báu tiềm ẩn vô song.
Theo lời Andre Maurois thì nó là một “đề tài mang tính chất Saint - Ex sâu đậm nhất”. Nhưng cần phải hiểu cái tính chất ấy không phải là chuyện lái máy bay. Ở đây chẳng còn  có bóng dáng chiếc phi cơ nào nữa.
Nhưng sa mạc, con người và ý nghĩa sự vật thì còn đấy. Giọng điệu Saint - Ex ơ đây dù kh6ong nói qua phi trường, đường bay vẫn là giọng điệu kh6ong lẫn được khi ông khám phá ý nghĩa và phẩm chất của con người.
Cuốn sách “ghi lại” lời của  một chúa tể sa mạc. Nó có giọng dụ ngôn và tiên tri. Nhưng nó kh6ong nói về nước trời mà nói về thành trì của trần thế.
Vị chúa tể của sa mạc ấy đóng vai chủ nhân của thành trì. Ông sẽ kiến tạo một Thành Trì luân lý. Ông sẽ xây dựng con người.
“Thành trì ơi, ta xây dựng mi trong trái tim con người”.
Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là sự xây cất đó.
“Bởi vì ta nhận thấy rằng con người chẳng khác một thành trì. Nó đạp đổ tường vách để được tự do. Nhưng sau đó chỉ còn lại thành trì đổ nát tan hoang, trống rỗng dưới trời sao”.
Đi trong trống rỗng, ở trong hư vô mà lại gọi đó là tự do ư? Saint - Ex đem Thành trì ra chống lại mọi chủ nghĩa hư vô.
“Bởi trước tiên ta là kẻ cư trú. Ôi thành trì, nơi ta trú ngụ, ta sẽ cứu thoát mi ra khỏi những mưu đồ của cát bụi bay tung… mà chống lại bọn vô loài man rợ”.
Nhưng không phải vì thành trì ấy mà phải hy sinh con người. Hơn ai hết, Saint - Ex chống lại điều đó.
“Tôi không dùng con người để phục vụ vương quốc” ông nói ở chương chín mươi hai, “Nhưng tôi dùng vương quốc để thành lập con người”.
Giữa những thành trì sụp đổ hay có nguy cơ sụp đổ, Saint - Ex dùng ngòi bút như dụng cụ kiến trúc và dùng phi cơ như dụng cụ nhận thức.
Toàn bộ tác phẩm của Saint - Exupery không nhiều (Cuốn “Oeuvres” của nhà xuất bản Galimard bao gồm hầu hết tác phẩm của Saint - Ex, in khổ nhỏ mà vẫn chưa đầy một ngàn trang).
Cuộc đời ông cũng ngắn ngủi.
Nhưng “yếu tính của ngọn nến nào phải đâu là những dấu tích để lại qua giọt sáp rơi, mà chính là ánh sáng soi chiếu ở đấy thôi”.
Đó cũng là lời của Saint - Ex và những dấu tích mà ông để lại, ta không tính theo giọt sáp rơi mà theo ánh sáng của nó tỏa xuống trái tim ta.
19/8/2012
Nhật Chiêu
Theo https://nhatchieu.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXPhiên bản 2

Phiên bản 2 CHƯƠNG 15 Khi anh trở về làm cảnh sát khu vực phường Đường Tàu thì em đã thành một con lưu manh thực thụ rồi. Sau vụ đốt chợ...