Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Tính biến dị - Tính địa phương, dân tộc và quốc tế của văn học dân gian

Tính biến dị - Tính địa phương, dân tộc 
và quốc tế của văn học dân gian

Tính Biến Dị thể hiện con đường phát triển và hoàn thiện của các tác phẩm dân gian, quan điểm nhận thức, đặc trưng văn hóa của tác giả dân gian và bản chất của quá trình sáng tác và lưu truyền. Tính Địa Phương, Tính Dân Tộc và Tính Quốc Tế là ba cấp độ khác nhau trong mỗi tác phẩm và thể loại Văn Học Dân Gian. Chúng phản ánh cái riêng và cái chung giữa văn hóa địa phương, văn hóa vùng, văn hóa dân tộc và văn hóa khu vực. 
1/ Tính Biến Dị
Tính Biến Dị là kết quả của tính truyền miệng, tính tập thể. Các nhà nghiên cứu folklore luôn đề cập đến tính chất vận động của tác phẩm dân gian. Tác phẩm Văn Học Dân Gian ra đời chỉ là điểm khởi đầu, luôn biến đổi theo thời gian và không gian. Không có nhiều những tác phẩm dân gian đã được định hình, tạo thành dạng mô típ thuộc về truyền thống, nhưng vẫn ẩn chứa khả năng thay đổi. Truyền thống không phải là bất biến.
Dị bản là hệ quả của quá trình biến đổi. Dị bản thể hiện tâm hồn và quan điểm nghệ thuật của tác giả dân gian, là con đường phát triển của tác phẩm. Xu hướng chung giải thích dị bản là bản khác, nhưng đôi khi khái niệm đó vẫn còn bị nhầm lẫn với những khái niệm: bản thiếu, bản sai.
Dị bản khác các bản khác ở chỗ dị bản là một tác phẩm mà xoay xung quanh nó có một số dị biệt, một số chi tiết chỉ khác sắc thái biểu cảm nhưng vẫn thể hiện rõ một chủ đề còn các bản khác là các tác phẩm khác nhau không cùng một chủ đề mặc cho nó cùng sử dụng một mô típ như câu mở đầu, từ mở đầu.
Do áp lực của tính truyền miệng và tính tập thể, một tác phẩm dân gian luôn biến đổi có ý thức (làm cho hoàn thiện hơn, hay hơn, phù hợp hơn) hoặc không có ý thức (do trí nhớ không đầy đủ dẫn đến tác phẩm được ghi lại thiếu hay sai), nhưng nhìn chung, luôn phục vụ mục đích phù hợp với địa phương và tâm lý từng thời đại.
Sở dĩ có hiện tượng này là do các nguyên nhân sau: 
Thứ nhất, dị bản trong Văn Học Dân Gian trước hết là một quy luật sáng tạo - ứng tác, chủ yếu là ứng dụng một vốn truyền thống, có thêm bớt thông tin để phù hợp với một hoàn cảnh, mục đích cụ thể. Thứ hai, chính là phương thức lưu truyền bằng miệng. Các nghệ nhân chủ yếu sử dụng những tác phẩm đã sẵn có, chỉ thay đổi một chút cho phù hợp với yêu cầu, nội dung cần đáp trả.
Như vậy, tính biến dị thể hiện con đường phát triển và hoàn thiện của các tác phẩm dân gian, quan điểm nhận thức, đặc trưng văn hóa của tác giả dân gian và bản chất của quá trình sáng tác và lưu truyền. 
2/ Tính địa phương, dân tộc và quốc tế
Thứ nhất, Tính địa phương là một đặc trưng nổi bật của văn học dân gian, tồn tại như là một chân lý, mà trước hết được thể hiện ở những sản vật đặc biệt được sáng tác dân gian nhắc đến. Cũng từ đó, một số địa phương trở nên nổi tiếng nhờ ca dao, tục ngữ đặc sản quê mình. Chẳng hạn như: Dưa la, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét; Chẳng đi nhớ cháo làng Ghề/ Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đồng Viên. Người Nam bộ cũng bộc lộ nhiều niềm tự hào về đặc sản xứ sở: Cần chi cá lóc cá trê/ Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. Người Quảng thì lại tự hào về trái lòn bon: Đói lòng ăn trái lòn bon/ Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi. Người Huế có một món ăn dành riêng cho vua chúa đó là gạo de: Tôm vằn bóc vỏ bỏ đuôi/ Gạo de giã trắng mà nuôi mẹ già.
Thứ hai, Tính Địa Phương còn thể hiện ở hệ thống từ mang tính đại phương, chẳng hạn như: Vai mang bị bạc kè kè/ Nói quấy nói quá, nẫu nghe ầm ầm; Ví dù tình bậu muốn thôi/ Bậu gieo cho tiếng dữ cho rồi bậu ra/ Bậu ra cho khỏi tay qua/ Cái xương bậu nát cái da bậu bầm.
Thứ ba, tính cách con người cũng chi phối vào Văn Học Dân Gian rất rõ. Người miền Bắc thì ưa thanh lịch, họ từng là chủ nhân của những câu ca dao mượt mà, bên cạnh những vỡ chèo ý vị, cười cợt mà sắc sảo. Người miền Trung thì thẳng thắn, bộc trực, sự tương phản được thể hiện khá rõ qua ca dao mỗi vùng miền, chẳng hạn như: Giữa đường gặp cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta và Ra đường gặp nụ hoa rơi/ Lấy chân mà đạp đừng chơi hoa tàn.
Tính Dân Tộc là sự biểu hiện đặc trưng dân tộc, là tinh hoa văn hóa dân tộc và Tính Địa Phương, thể hiện trong nhiều lĩnh vực: thể thơ, cấu tứ, cốt truyện, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tâm lí lối sống dân tộc. Trong đó, thể thơ lục bát và song thất lục bát là hai thể thơ nổi trội trong ca dao, cũng là hai thể thơ đặc trưng của dân tộc. Ngoài ra, ngôn ngữ ca dao hầu hết là ngôn ngữ thuần Việt, góp phần đáng kể vào việc gìn giữ vốn ngôn ngữ dân tộc.
Tính Quốc Tế do sự giao lưu văn hóa và tương đồng với điều kiện chính trị, xã hội và văn hóa dân gian Việt Nam có những điểm giống văn hóa dân gian của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là sự trùng kiến trong văn hóa, Văn Học Dân Gian. Ngoài ra, Tính Quốc Tế của Văn Học Dân Gian được hình thành còn là bởi quá trình tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa.
Như vậy, Tính Địa Phương, Tính Dân Tộc và Tính Quốc Tế là ba cấp độ khác nhau trong mỗi tác phẩm và thể loại Văn Học Dân Gian. Chúng phản ánh cái riêng và cái chung giữa văn hóa địa phương, văn hóa vùng, văn hóa dân tộc và văn hóa khu vực. 
Đàm Nghĩa Hiếu 
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...