Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Thần thoại trong văn học dân gian

 Thần thoại trong văn học dân gian

1/ Vấn đề khái niệm “thần thoại”
Nói đến thần thoại là nói đến tư duy lãng mạn, mơ mộng của nhân loại. Điều này là sự tương ứng đặc biệt giữa tên gọi Mythologie với những câu chuyện đậm chất hoang đường. Tuy nhiên, yếu tố hoang đường là đặc điểm chung của nhiều thể loại truyện kể dân gian. Về khái niệm “thần thoại”, đến nay vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau trong giới nghiên cứu.
Tuy nhiên, thuật ngữ Mythologie được sử dụng trên phạm vi rộng hơn nhiều so với khái niệm “thần thoại” ở nước ta.
+ Trường phái thần thoại cho rằng thần thoại là sự giải thích và nhân cách hóa nghệ thuật các hiện tượng trong vũ trụ mà con người chưa hiểu được. Họ công nhận các hình thức nghi lễ, truyện cổ tích cũng là những mảnh vỡ của thần thoại.
+ Trường phái nhân chủng học cho rằng thần thoại là sản phẩm của sự tưởng tượng, nhân cách hóa, của quan niệm vạn vật hữu linh, thần thánh hóa giới tự nhiên. Có ý kiến cho rằng thần thoại là chuyện có thật, là hình ảnh về những gì đã mất của tổ tiên.
+ Các nhà phân tâm học quan niệm thần thoại là biểu hiện của sự giải thoát những cảm xúc tính dục bị ức chế, nằm sâu trong tiềm thức con người cổ đại.
Có thể hiểu thần thoại là “những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần hoặc những con người, những loài vật mang tính chất thần kỳ, siêu nhiên do con người nguyên thủy sáng tạo ra để phản ánh và lý giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội theo quan niệm vạn vật có linh hồn” (1).
Các nhà nghiên cứu thống nhất công nhận “thần thoại nảy sinh từ cuộc sống của người nguyên thủy” (2). Trong đời sống tập thể khăng khít của người nguyên thủy, các nhu cầu cuộc sống được giải quyết bằng sức mạnh cộng đồng. “Dần dần thành tích và công lao của những nhân vật kiệt xuất không những được kể lại hoặc diễn lại đúng với sự thực mà còn được tô điểm theo óc tưởng tượng chất phác và phong phú của mọi người” (3). Đó là những nhân vật anh hùng sáng lập ra không gian sống, anh hùng khắc phục tự nhiên, anh hùng bảo vệ cộng đồng trước các bộ lạc khác, anh hùng dạy cho nhân dân sinh sống. Một hay nhiều nhân vật như vậy được khái quát thành các vị thần.
Nguyên hợp là đặc trưng chung của văn học dân gian. Song ở thần thoại, đặc trưng này thể hiện sâu sắc hơn cả. Vì thần thoại ra đời trong đời sống nguyên thủy, thời kỳ thơ ấu, nhất nguyên của nhân loại nên thể loại này bản thân là một nguyên hợp. Thần thoại bao gồm tư duy, kinh nghiệm, cách quan sát, điều quan sát được, lòng ngưỡng vọng sùng bái, niềm tin… của người nguyên thủy. Nếu văn học dân gian là bách khoa toàn thư của nhân loại thì thần thoại là phiên bản cổ xưa nhất.
Trong sự vận hành của tâm thức con người, điều gì cổ xưa, điều đó linh thiêng. Thần thoại vì thế vẫn là nơi mơ mộng quyến rũ của con người thời hiện đại. Người ta tìm thấy ở đó những kinh nghiệm đã mất, những tri thức hiện đại đến ngỡ ngàng, và hơn hết, là một lối tư duy độc đáo. Từ việc nghiên cứu một cách tổng thể và chi tiết lối tư duy này, có thể tái tạo được hình dung về thế giới của tổ tiên từ nguyên thủy.
2/ Đặc trưng nội dung
“Sự hình thành một hệ thống thần thoại Lạc Việt biểu hiện qua những áng sử thi của thời kỳ Văn Lang Âu Lạc có thể là một sự thật lịch sử. Những áng sử thi ấy biến mất từ lâu rồi, hệ thống thần thoại vì thế cũng tan rã theo. Tuy nhiên những mảnh vụn của hệ thống ấy vẫn còn tồn tại trong ký ức nhân dân cũng như trong nhiều nghi thức thờ cúng và phong tục xã hội cho mãi đến thời kỳ hiện đại (1). (…) Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu những nội dung chính của kho tàng thần thoại cổ qua những mẩu còn sót lại dưới hình thức văn xuôi truyền miệng là chính” (2).
Nội dung của thần thoại người Việt có thể tập trung vào các đề tài: thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên; thần thoại về nguồn gốc các loài vật; thần thoại về nguồn gốc loài người và nguồn gốc các dân tộc. Trong thần thoại, các vị thần giữ vai trò vận hành, xâu chuỗi, truyền tải và giải quyết vấn đề mà nhân dân đưa ra trong tác phẩm.
+ Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ là bộ phận cơ bản nhất trong hệ thống thần thoại của bất kỳ dân tộc nào. Thần thoại người Việt cũng không là ngoại lệ. Nguồn gốc vũ trụ là câu hỏi lớn và luôn luôn của con người.
Thần thoại của các dân tộc Việt Nam tập trung lý giải nguồn gốc vũ trụ. Thần thoại tộc Việt có truyện “Thần trụ trời”, kể rằng vũ trụ ban đầu là một cõi hỗn mang, mờ mịt, tối tăm. Từ trong cảnh tối tăm, mù mịt ấy, một vị thần bỗng từ đâu xuất hiện. Đó là một vị thần khổng lồ được hình thành trong thế giới hỗn mang mà nghệ nhân dân gian gọi là thần trụ trời. Ngài lấy đầu đội trời lên và dùng chân đạp đất xuống. Từ chỗ là một cõi hỗn mang, trời đất đã phân hai. Ngài đào đất, đào đá đắp một cột chống trời lên cao mãi. Khi trời đã thật cao, đất đã thật rộng, thần mới phá cột đi. Trời tròn như cái bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông. Đất đá từ cột văng ra tạo thành
núi non, gò đồi. Những chỗ đào sâu xuống thành ao, hồ, sông, biển… Thần thoại của các dân tộc anh em cũng lý giải nguồn gốc vũ trụ. Đây là nội dung chủ yếu của thần thoại Việt Nam. Điều quan tâm đầu tiên của người nguyên thủy là vũ trụ do đâu mà có, ai làm ra trời đất, sông ngòi và các hiện tượng tự nhiên như trăng sao, sấm chớp, mưa gió, lụt lội…
Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ của các tộc khác ở nước ta cũng lý giải về “thuở ban đầu” hỗn mang. Mỗi dân tộc một quan niệm: Thần “Bàn Cổ” của người Dao, thần “Ai Diê” của người Ê Đê giống như thần trụ trời của người Việt. Thần của người Dao là một vị thần có tầm cỡ lớn: “Đầu ngài là trời, chân ngài là đất, con người là trái tim của vua cha. Mắt bên trái của thần là mặt trời, mắt bên phải của thần là mặt trăng”. Thần Ai Diê của người Ê Đê cũng là từ vũ trụ sinh ra trong hỗn mang: đầu tròn của thần là bầu trời, trán của thần nhăn là mây bay, hơi thần thở là không khí, hai tay thần là cây trụ chia trời đất riêng ra. Hình tượng thần sáng tạo ra vũ trụ của người Việt, người Dao, người Ê Đê thể hiện theo quan niệm “vạn vật nhất thể”. Trong khi đó, thần thoại dân tộc Chăm thì quan niệm trời đất do thần trời (thần cha) và thần đất (thần mẹ) sáng tạo ra. Đây là quan niệm lưỡng thể. Trời đất do cặp vợ chồng phối hợp nhau tạo ra. Đây là hai mặt đối lập và thống nhất trong thiên nhiên vũ trụ, thể hiện triết lý âm dương tương hợp tạo ra trời đất: trời là dương, đất là âm.
Sau thần trụ trời, có một hệ thống thần kế cận, tiếp tục công việc xây dựng vũ trụ như đã được kể trong bài hát của người đời sau:
Nhất ông đếm cát Nhì ông tát bể
Ba ông kể sao Bốn ông đào sông
Năm ông trồng cây Sáu ông xây rú Bảy ông trú trời
Theo thần thoại người Việt, vũ trụ có ba cõi chính là: cõi trời, cõi đất và cõi nước với ba vị thần phụ trách. Ông trời vừa cai quản cõi trời, vừa cai quản toàn vũ trụ. Có văn bản đã đồng nhất ông trời với thần trụ trời.
Ông trời sinh ra muôn loài, thấu mọi điều, ảnh hưởng mọi việc trong đời sống. Ông ngự trị trên cao, nhưng ông vẫn luôn theo dõi và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của muôn loài. Người Việt cổ có thói quen kêu trời, một ông trời chưa bị nhuốm màu giai cấp như Ngọc Hoàng trong văn hóa phương Bắc.
Ông Trời có hai người con là nữ thần Mặt Trăng, và Mặt Trời. Họ thay nhau canh gác, chiếu sáng hạ giới. Thần thoại này xuất hiện vào thời mẫu hệ, ban đầu cả hai đều là nữ thần. Bởi vậy từ đây có sự nhầm lẫn trong cách gọi tên các vị thần. Đôi lúc mọi người cứ thuận miệng gọi ông trăng bà trời. Trên thiên giới còn thần mưa, thần gió, thần sấm Sét… Các thần phân công công việc rất rõ ràng nên mọi việc trong cõi giới đều ổn thỏa. Thần đất cai quản cõi đất. Đó là một ông già hiền lành, gần gũi với nhân gian, vì mọi người đều ăn mặc ở trên đất của thần, chết đi cũng gởi xác thân cho thần. Thần nước là chúa tể các loài thủy tộc, phụ trách cõi nước.
Hệ thống thần trong thần thoại người Việt được tổ chức khá chặt chẽ. Các thần quản lý mọi việc trong các giới theo một hệ thống rạch ròi, hợp lý. Từ trên xuống dưới, sự phân cấp thứ bậc tương ứng với công việc cụ thể dành cho các thần. Ngọc hoàng cai quản thần thiên giới, phụ giúp Ngọc Hoàng là thần mưa, thần gió, thần mặt trăng, thần mặt trời, thần sấm hay thiên lôi. Thủy giới, Long Vương hay vua thủy tề cai quản các thần thủy giới như thần biển, thần sông, ba ba, thuồng luồng. Địa giới là nơi sinh hoạt của các thần chăm sóc và cai quản con người: thần núi, thần cây, thần bếp, thần đất. Đứng đầu các thần, cai quản vũ trụ là Ngọc Hoàng, thần thiên giới là thượng đẳng, và thiên giới là cơ quan chỉ huy hoạt động mặt đất, mặt nước.
+ Thần thoại về nguồn gốc các loài vật kể rằng sau khi có vũ trụ, ông trời bắt đầu sáng tạo muôn loài. Vạn vật được nặn ra từ chất cặn bã còn sót lại trong trời đất. Vật lớn thì voi, bò, ngựa, vật bé như chuột, chim, cả sâu bọ bé tí teo cũng có. Ngài còn giao cho sứ giả xuống bù đắp cho những con vật còn khuyết một vài bộ phận. Tích xưa để lại nhiều câu chuyện mà đến nay ta vẫn có thể bắt gặp trong thực tế đời sống. Tích chó đi tiểu co một chân sau vì sợ ướt, hay vịt co một chân khi ngủ do thiếu sót của ông trời: ông tạo ra chó thiếu một chân, vịt cũng vậy. Dù trời đã sai sứ giả xuống bù đắp cho các con vật nhưng vì thiếu nguyên liệu nên chó và vịt mỗi loài bị một chân đất sét, dễ hỏng khi gặp nước. Tiếp đến phải có cái ăn. Trời ban lúa và cỏ cho nhân gian, những mong dương thế được sung túc. Thế nhưng luân lý là vậy, có gì đến dễ dãi mà bền lâu được. Phần vì con người sung sướng nên sinh biếng nhác, phần vì sự tắc trách của các thần trên thiên giới phá hỏng lúa thóc khiến con người vẫn đói kém, nhọc nhằn. Ông trời trước đến nay bao giờ cũng ưu ái chăm lo cho nhân thế, khổ nỗi cái sướng không yêu chàng dễ dãi, chàng lười - vốn khá phổ biến trong xã hội, do vậy kiếp phận loài người vẫn mãi luẩn quẩn trong vòng khổ đau, khó bề giác ngộ.
+ Thần thoại về nguồn gốc loài người kể rằng thần trời nặn ra người bằng những chất tinh túy trong vũ trụ. Mười hai bà mụ nặn ra loài người. Tuy khéo tay nhưng lại mắc chứng đãng trí nên mới nặn ra những con người tật này tài nọ, thiếu thừa, chẳng con người nào giống con người nào. Mặc dù nhận được nhiều ân huệ từ thần trời, trong đó có đặc ân được cải lão hoàn đồng, không phải chết. Tuy vậy, vị thần thực thi lệnh của Ngọc Hoàng bị rắn bắt và phải đổi lệnh, thế là từ đó con người bị cướp mất sự trường sinh. Đến lần tiếp theo, con người tưởng chừng đã thay đổi sự bất công nhờ tìm ra bài thuốc cải tử hoàn sinh của thằng Cuội, thế nhưng thằng Cuội theo cây thuốc thần bay về trời, mang lá bài hộ mạng của nhân thế đi mãi. Sự hèn nhát và đểnh đoảng của của sứ thần nhà trời người đẩy đưa nhân gian vào kiếp phận khổ đau. Như vậy, theo quan niệm xưa tồn tại một thần giới bên cạnh thế giới loài người. Hai giới ảnh hưởng lẫn nhau. Cùng với thời gian, theo quá trình phát triển lao động sản xuất, con người dần tìm hiểu về nguồn gốc của mình, nỗi băn khoăn về sự sống, cái chết dẫn ta đến những lý giải hoang đường. Nhưng suy cho cùng đó cũng xuất phát từ mong ước thấu hiểu thân phận của loài người từ thuở ấu thơ.
Thần thoại kể về nguồn gốc dân tộc của người Việt hiện nay còn lại rất mỏng. Trong đó, truyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ” là truyện tiêu biểu nhất. Theo đó, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Nhân tuần thú qua vùng Nghĩa Lĩnh, kết duyên cùng công chúa Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh phong cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Long Nữ, con gái Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi Kinh Dương Vương, xưng Lạc Long Quân. Đế Lai, con Đế Nghi ở phương Bắc, nhân nhớ họ hàng, đã cùng Âu Cơ xuống phương Nam. Tại đây, Âu Cơ kết duyên cùng Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trứng, sau nở trăm con.
Lạc Long Quân cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Như vậy, Lạc Long Quân thuộc loài rồng. Tục thờ giao long, xăm mình hình giao long bắt nguồn từ đây, nhằm trừ ma trừ quỷ. Do xăm mình theo hình giao long, tổ tiên ta tự cho mình là con cháu giao long.
Nguồn gốc dân tộc đã được thần thánh hóa qua thần thoại “Lạc Long Quân và Âu Cơ”. Hình tượng một bọc trăm trứng mang ý nghĩa của sự phát triển dòng giống của những thị tộc cùng nguồn gốc. Mặc dù hình thức kết cấu chưa thật hoàn chỉnh, nhưng thần thoại Việt đã góp phần giải thích những thắc mắc của tổ tiên loài người về nguồn gốc của mình từ thuở hồng hoang của lịch sử nhân loại.
3/ Đặc trưng nghệ thuật
Thần thoại người Việt đến nay còn lại không nhiều, và không giữ được trọn vẹn trạng thái ban đầu. Hầu hết thần thoại ngày nay ta tiếp cận được là những mảnh vỡ sót lại đã trải qua tư duy chủ quan của những người san định. Vì vậy, không chỉ ngôn ngữ đã được/ bị cận đại hóa mà kết cấu thần thoại cũng không còn nguyên vẹn. Trong trạng thái nguyên sơ của mình, thần thoại gắn liền với nghi lễ và được hát bằng lối văn vần nên ngày nay, việc đi sâu nghiên cứu nghệ thuật thần thoại gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua tìm hiểu nhân vật thần thoại, không - thời gian thần thoại cùng một vài thủ pháp, có thể sơ lược hình dung về phương thức biểu hiện của thần thoại.
Nhân vật thần thoại là thần. Đa số thần có nguồn gốc từ các hiện tượng thiên nhiên như: thần trụ trời, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mưa, thần gió, thần biển…
Thần là một trong các yếu tố cơ bản tạo nên màu sắc tưởng tượng kỳ ảo cho thể loại thần thoại.
Nếu như lớp suy nguyên thiên nhiên trình bày các hiện tượng thiên nhiên, là nguồn gốc hiện thân của các nhân vật thần thoại là thần thì lớp suy nguyên về nguồn gốc loài người và các tộc người cung cấp cho chúng ta những thông tin thú vị về cội nguồn nhân thế. Đó là tô tem giáo và bái vật giáo. Sự thờ vật tổ - những con vật linh thiêng gắn liền với sự hình thành tộc người là hình thức sơ khai của tôn giáo nguyên thủy. Một số vật tổ: giao long của người Việt cổ, con Nêga của người Khơme, con Nagary của người Chăm, con Ngược của người Thái… mang đặc điểm chung trong tín ngưỡng vật tổ của cư dân các nước Đông Nam Á.
Biện pháp xây dựng hình tượng nhân vật chủ yếu được người nguyên thủy sử dụng là thần thánh hóa và nhân cách hóa các hiện tượng thiên nhiên. Đó là biện pháp nghệ thuật “vô ý thức”, theo quan niệm vạn vật đều có hồn, đều có thần. Đó như sự bám víu cuối cùng nhằm giải thích nhưng hiện tượng vượt qua tầm hiểu biết của nhân loại thời bấy giờ.
Về hình dạng và hành động của nhân vật thần thoại, thần mang tầm vóc vũ trụ, lớp nhân vật thần thoại có nguồn gốc thiên nhiên vũ trụ không có hình hài rõ ràng. Hành động các thần biến hóa khôn lường, là sự kết hợp yếu tố thực là các hiện tượng mưa, gió, sấm - sét… trong tự nhiên với các yếu tố thần thánh hoang đường. Dưới tác động Hán học và Nho giáo tên gọi một số vị thần trong thần thoại Việt phần nào bị đồng hóa theo ngôn ngữ của Trung Hoa.
Cốt truyện thể loại này đơn giản, ngắn gọn, tập trung vào hành động của các thần nhằm lý giải những hiện tượng thiên nhiên tương ứng. Hành động và cốt cách của thần mang bóng dáng hiện tượng thiên nhiên mà thần thể hiện.
Về không - thời gian thần thoại
Không gian thần thoại là không gian vũ trụ, khó xác định phạm vi cụ thể. Trong thần thoại có ba không gian chủ yếu: không gian trên trời, không gian mặt đất, không gian dưới nước, chia thành ba cõi: cõi trời, cõi đất và cõi nước; không nói tới cõi âm phủ. Ba cõi này không cố định mà luôn chuyển hóa, hòa nhập vào nhau. Tuy mỗi thần được phân cai quản một phương nhưng vẫn phải có trách nhiệm đối với những cõi giới khác. Cõi đất là trung tâm vũ trụ, là chốn đi về của các thần.
Mỗi cõi giới đều rất rộng lớn. Thần núi ngự trị ở cõi đất nhưng núi nào cũng có thần. Thần biển là con rùa lớn ngụ dưới đáy biển nhưng biển cũng mênh mông. Tuy là vô biên nhưng đối với thần cũng có giới hạn. Các thần ở dưới mặt đất hoặc trên trời, thoắt một cái là đến nơi. Thần thủy tinh, hà bá… có thể dễ dàng lên mặt đất. Tuy nhiên thần nước không bao giờ lên được cõi cai quản của thần núi hoặc cõi trời. Cõi đất và cõi nước gần nhau nhưng có giới hạn, còn cõi trời và cõi nước hoặc cõi nước và cõi đất và cõi trời thường dễ xâm nhập nhau. Thần nước không bao giờ chiếm được cõi giới của thần núi.
Thời gian thần thoại là thời gian vĩnh hằng và mang đậm màu sắc ước lệ. Thời gian đi liền cùng không gian gợi ra một khung cảnh xa xôi, khó đoán định; chỉ biết ở đó có các thần trường sinh bất tử cai quản các lãnh giới.
Bên cạnh yếu tố hoang đường, thần thoại còn được xây dựng từ nhiều tình tiết dí dỏm, ngây thơ, ngộ nghĩnh, lý giải nguồn gốc và các hiện tượng một cách hợp lý một cách bất ngờ.
Thần thoại là thể loại hình thành sớm trong hành trình văn học dân gian. Đó là cảm quan của con người thời thơ ấu. Ở đó, có những tưởng tượng mơ mộng, lãng mạn, những kiến giải duy tâm thú vị và một không gian huyền hoặc đến quyến rũ. Đó là câu chuyện kể về xa xưa của nhân loại, xa xưa của mỗi đời người. Sống với thần thoại là suy nguyên về chính mình trong bồng bềnh tâm tưởng.
Đàm Hiếu Nghĩa
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...