Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Truyền thuyết trong văn học dân gian

 Truyền thuyết trong văn học dân gian

Truyền thuyết là tên gọi một thể loại văn học dân gian với nhiều quan niệm khác nhau về mặt phạm vi và đặc trưng thể loại. Nhóm tác giả Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên - Võ Quang Nhơn không xếp truyền thuyết vào hệ thống thể loại văn học dân gian, những truyền thuyết ở thời kì đầu thì xếp vào thần thoại, những truyền thuyết ở thời kỳ sau thì xếp vào cổ tích lịch sử.
Có quan niệm cho rằng các truyện kể dân gian có liên quan đến lịch sử, đồng thời có yếu tố hoang đường, tưởng tượng là truyền thuyết. Có cách hiểu hẹp hơn cho rằng truyền thuyết là những truyện dân gian có liên quan đến lịch sử, đồng thời có ảnh hưởng thế giới quan thần thoại. Theo quan điểm này, một số học giả đã xếp chung thần thoại và truyền thuyết trong nghiên cứu, không phân định đặc trưng nghệ thuật của thần thoại và truyền thuyết.
Có thể hiểu truyền thuyết là những truyện kể dân gian liên quan đến lịch sử được xây dựng bằng sắc màu huyền thoại. Đây là một thể loại tự sự dân gian manh nha từ cuối thời kỳ thần thoại và tiếp tục phát triển sau đó, với chức năng nhận thức, phản ánh, lý giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng với một thời kỳ, một địa phương hay một dân tộc bằng thế giới quan thần thoại.
Vào cuối thời kỳ thần thoại, truyền thuyết bắt đầu những thể nghiệm. Truyện kể dân gian ra đời trong giai đoạn này vì thế rất khó để phân loại một cách chính xác, rạch ròi. Truyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ” có quan niệm xếp vào truyền thuyết giai đoạn đầu. Điều này có lý khi xét đến nội dung lịch sử ra đời của dân tộc. Tuy nhiên, bản thân sự hình thành dân tộc được thể hiện trong truyện vẫn chưa thực là một sự kiện lịch sử. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành truyện kể này cho thể loại thần thoại.
Truyền thuyết sau giai đoạn manh nha, còn nhập nhằng với thời kì thần thoại, đã phát triển độc lập qua các thời kỳ Âu Lạc - Bắc thuộc, các thế kỷ phong kiến tự chủ và các thế kỷ phong kiến suy yếu, nội chiến và chống ngoại xâm. Đó là truyền thuyết lịch sử. Càng về sau, yếu tố thần kỳ, huyền ảo dần nhường chỗ cho yếu tố lịch sử, truyền thuyết tiệm cận cổ tích, truyện kể dân gian tiếp tục đời sống của mình. Bên cạnh bộ phận truyền thuyết lịch sử, hệ thống truyền thuyết Việt Nam còn có bộ phận truyền thuyết anh hùng và bộ phận truyền thuyết văn hóa.
1/ Đặc trưng nội dung
Bộ phận truyền thuyết lịch sử có thể khảo sát theo các thời kỳ lịch sử. Trước hết, phải kể đến bộ phận truyền thuyết thời kỳ Âu Lạc - Bắc thuộc. Nước Âu Lạc tồn tại khoảng nửa thế kỷ (229 - 179 TCN). Từng có lúc thời kỳ này được gắn với thời Văn Lang thành thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Đây xem như giai đoạn chuyển tiếp giữa thời  kỳ Văn Lang và thời kỳ Bắc thuộc.
Nước Âu Lạc được thành lập từ thế kỷ III TCN, khi kết thúc thời kỳ vua Hùng, đến khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng là mười hai thế kỷ, một giai đoạn phát triển mạnh mẽ phong trào chống ngoại xâm. Truyền thuyết “An Dương Vương” đã xuất hiện trong thời kỳ này, mà một trong những cơ sở đầu tiên là cuộc xung đột Hùng - Thục.
Sau khi nước Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà, truyền thuyết này đã được nhào nặn, bổ sung tình tiết Mị Châu - Trọng Thủy nhằm giải thích nguyên nhân họa mất nước lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Sau đó, cốt truyện được ổn định trong bản ghi Thiên nam ngữ lục. Xung đột trong những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội thể hiện xu hướng cổ tích hóa của truyền thuyết này, và tên gọi Mị Châu - Trọng Thủy bắt nguồn từ đó.
Sự cường điệu hóa yếu tố cổ tích làm lu mờ bản chất truyền thuyết của truyện, làm sai lệch ý nghĩa thực sự của truyền thuyết này. Nàng Mị Châu chết với lời khấn nguyện tẩy sạch mối nhục thù, thể hiện khát vọng được minh oan, không phải mong ước kiếp sau được sum họp với kẻ thù đã lừa dối nàng. Nàng là nạn nhân trong vở kịch mà kẻ thù dựng lên để lừa dối vua cha và nàng, dẫn đến họa mất nước. Nàng chết đi, máu hóa thành châu ngọc, chứng minh cho lòng trong trắng của nàng, một nạn nhân, không phải một tên phản nghịch bán nước.
Sự nảy sinh và phát triển, sự lan truyền tương đối rộng rãi và sức sống lâu bền của truyền thuyết trong một giai đoạn đấu tranh gian khổ trong lịch sử dân tộc là một hiện tượng thú vị.
Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938, không cuộc khởi nghĩa nào không được nhân dân dựng tượng đài tưởng niệm bằng truyền thuyết lịch sử. Hình thức lễ nghi cúng bái, thờ tự gắn liền với truyền thuyết lịch sử, nhằm thuyết giải, chứng minh, củng cố niềm tin cho nhân dân. Suốt thời kỳ Bắc thuộc, làng nước vẫn mãi của người Việt; vì thế, sự thờ cúng các anh hùng dân tộc, sự truyền tụng các truyền thuyết ca ngợi các vị anh hùng ấy đã thể hiện khí phách dân tộc trong cuộc chiến đấu bài trừ Hán tộc và văn hóa Hán.
Thứ hai là bộ phận truyền thuyết thời kì quốc gia phong kiến tự chủ, thời kỳ của chế độ phong kiến biết lấy dân làm gốc. Chính chủ trương sáng suốt đó đã tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc chống lại những âm mưu xâm lược.
Đặc điểm ấy của giai đoạn lịch sử này đã in dấu ấn đậm nét vào nội dung và cơ cấu của truyền thuyết lịch sử. Truyền thuyết xưa kia ca ngợi các bậc anh hùng dân tộc như Lý Bí, Ngô Quyền… thì những truyền thuyết thời Đại Việt ca ngợi những triều đại với những cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt hào hùng. Chân dung các vị thống soái kết tinh cho ý chí, trí tuệ của dân tộc và nhân dân trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa có thể kể ra như: Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Chu Văn An… Truyền thuyết giai đoạn này giàu tính hiện thực hơn so với giai đoạn trước.
Giai đoạn này có chính sử và văn học nghệ thuật với tư cách hình thức sản sinh tư tưởng chuyên môn hóa, nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của giai cấp thống trị phong kiến dân tộc. Thuyền thuyết dân gian góp phần cung cấp dữ liệu phục hồi những cứ liệu bị giặc xuyên tạc trong thời kỳ nước ta chịu họa xâm lăng.
Trong xã hội Việt Nam xuất hiện hai bức tranh về lịch sử: chính sử và tự sự lịch sử dân gian. Truyền thuyết lịch sử dân gian đề cao những người xuất thân bình dân, như anh chăn trâu cắt cỏ, đan sọt đánh cá… (Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu…). Ngoài ra, sử dân gian còn hư cấu, thần thánh hóa sự ra đời, xuất thân của những vị vua có xuất thân không rõ ràng như Lý Công Uẩn, Lê Thánh Tôn… Nhân dân không phiền hà gì về điều này, vì họ không quan tâm xuất thân vị vua bằng mối quan hệ của ông đối với dân và với triều thần. Và sử sách theo vậy mà ca ngợi công lao của họ đối với vương triều, đối với giang sơn. Còn tiểu sử ấu thơ của họ cũng không phải chủ đề chính được xem xét trong chính sử.
Nhìn chung, truyền thuyết dân gian vẫn lấy cảm hứng từ tình yêu nước thương dân, của lòng ngưỡng mộ các bậc tài đức của dân của nước, không chú ý đề cao vương quyền và thần quyền.
Thứ ba là bộ phận truyền thuyết thời kỳ quốc gia phong kiến suy yếu, nội chiến và chống ngoại xâm. Từ thế kỉ thứ XVI - XVII, chế độ phong kiến suy yếu dần dưới thời Lê, Lê - Trịnh và triều Nguyễn. Các sinh hoạt văn hóa dân gian đến đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của phong trào nông dân, văn học dân tộc bước vào thời kỳ hoàng kim của nó.
Truyền thuyết vẫn tiếp tục sứ mạng lịch sử của nó. Cảm hứng chủ đạo của truyền thuyết là: nhân dân đấu tranh chống phong kiến, nêu cao tinh thần yêu nước. Truyền thuyết còn tô đậm tính chất nhân dân, vai trò của nhân dân trong việc quyết định thành bại của các cuộc khởi nghĩa của các lãnh tụ, trong khi đó chính sử thản nhiên biến tấu công lao trăm họ thành hồng phúc của một nhà.
Tiêu biểu trong giai đoạn này là truyện kể về những người anh hùng nông dân, tiêu biểu như: chàng Lía, Cố Bu, vợ Ba Cai Vàng. Truyện không có kết thúc mang tính hiển linh khi người anh hùng tựu nghĩa. Sự xuất hiện nhóm truyền thuyết lịch sử về anh hùng nông dân đánh dấu chuyển biến quan trọng trong cảm quan sáng tác của nhân dân. Khi xây dựng nhân vật người anh hùng nông dân, dân gian đã gửi gắm vào đó quan điểm của người lao động. Những người anh hùng này mang đầy đủ ưu nhược điểm của một nông dân bình thường, đồng thời chứa thêm sự phi thường mà nhân dân mơ ước.
Bên cạnh chủ đề chính là sự tự khẳng định, tự nhận thức về mình, truyền thuyết lịch sử chú ý đến kẻ thù xâm lược, phản ánh và nhận thức về chúng nhằm tìm phương án đối phó.
Trong truyền thuyết, bên cạnh những nhân vật chính diện, còn có những nhân vật phản diện, những tên xâm lược phương Bắc như Triệu Đà, Trọng Thủy, Tô Định, Mã Viện, Sĩ Nhiếp, Cao Biền… Truyền thuyết còn nhiều mẫu truyện về Cao Biền (một tên võ quan đô hộ nhà Đường, kiêm thầy địa lý, thầy phù thủy thời Bắc thuộc) như “Cao Biền yểm long mạch”, “Cao Biền dậy non”, truyện kể Cao Biền bị thần Tản Viên nhổ nước bọt vào mặt hay bị thần sông Tô Lịch phá phép thuật… Câu thành ngữ “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” thể hiện sự chế giễu dành cho tên phù thủy này, xuất phát từ việc y “ủ quân” thất bại.
Bộ phận truyền thuyết kể về nhân vật anh hùng không tách rời khỏi bộ phận truyền thuyết lịch sử. Bởi vì, chỉ trong hoàn cảnh lịch sử thì nhân vật anh hùng mới xuất hiện, hành động và trưởng thành. Chỉ khác là, truyền thuyết kể về nhân vật anh hùng xây dựng cốt truyện xung quanh cuộc đời và tài năng, tính cách nhân vật, trong khi truyền thuyết lịch sử được xây dựng theo bối cảnh, tình huống và sự chuyển biến của các sự kiện.
Sau khi Cổ Loa thất thủ, nước Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà mười thế kỉ dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Nhân dân ta không ngừng chiến đấu giành lại tự do. Sự phản kháng của nhân dân đối với bọn xâm lược phương Bắc thể hiện sớm nhất ở các truyền thuyết về thần núi Tản Viên, thần sông Tô Lịch, thần chính khí Long Đỗ.
Qua các thời kỳ lịch sử, nhiều anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân chống ngoại bang. Nhân dân đã kể chuyện về các nhân vật và sự kiện lịch sử đó như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi… Nhân vật anh hùng trong truyền thuyết giống nhau ở lòng yêu nước, thương dân, chí căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập dân tộc. Họ được mến mộ, hưởng ứng, suy tôn. Các câu chuyện đều kết thúc bằng chiến thắng; nếu mất mát, nhân dân giải thích bằng nguyên nhân khách quan và tiễn đưa họ về cõi bất tử.
Bộ phận truyền thuyết văn hóa phản ánh phong tục, tập quán, các loại cây trái, món ăn. Đồng thời đó còn là những câu chuyện kể về các danh nhân văn hóa dân tộc như “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, “Đầm Mực” (về Chu Văn An), “Trạng Bùng” (về Phùng Khắc Khoan)…
2/ Đặc trưng nghệ thuật
Về nhân vật, khác với thần thoại, nhân vật truyền thuyết chủ yếu là người và nhân vật bán thần. Nhân vật bán thần chỉ tồn tại ở những truyền thuyết thời kỳ đầu, còn bị che phủ bởi màng sương thần thoại dày đặc như “Sơn Tinh, Thủy Tinh” hay “Thánh Gióng”. Về sau, hầu hết nhân vật truyền thuyết đều là người, đều là nhân vật lịch sử, có thời điểm sinh thành và kết thúc, có lai lịch, có diễn biến cuộc đời gắn với các sự kiện lịch sử.
3/ Về không - thời gian truyền thuyết
Thời gian truyền thuyết là thời gian lịch sử, diễn ra theo thời đại, triều đại, được xác định cụ thể hơn so với thời gian thần thoại. Câu chuyện có thể diễn ra trong nhiều triều đại, có thể trong một triều đại. Truyện “An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy” diễn ra từ lúc nhà vua xây thành cho đến khi thất bại; truyện “Thánh Gióng” kể từ lúc đất nước có giặc ngoại xâm cho đến lúc giặc tan. Tuy nhiên, thời gian truyền thuyết không cụ thể đến từng thời điểm, bởi vì dù sao thì truyền thuyết cũng là truyện kể, hơn nữa, lại là truyện kể dân gian. Yếu tố hư cấu và bất biến đã chi phối đến thời gian nghệ thuật. Một phương diện khác có thể góp phần minh định thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết là cuộc đời nhân vật. Nhân vật truyền thuyết là cuộc đời có lai lịch, có bắt đầu, có kết thúc, mặc dù, cũng như hệ quy chiếu thời gian chung, thời điểm là không xác định.
Không gian truyền thuyết là không gian đời thường, không gian chiến trường, không gian xã hội. Không gian truyền thuyết gắn liền với các địa danh cụ thể như làng Phù Đổng, làng Quế Võ, núi Sóc, Phong Khê, núi Thất Diệu, Dạ Sơn, Lam Sơn, hồ Tả Vọng… Những địa danh, di tích xuất hiện trong truyền thuyết thường gắn với các sự kiện lịch sử và cuộc đời của nhân vật.
4/ Một vài đặc điểm nghệ thuật nổi bật của truyền thuyết:
Tính cụ thể xác thực: một đặc điểm nghệ thuật nổi bật của truyền thuyết nhằm phản ánh sự thật lịch sử. Trong truyền thuyết, những danh từ riêng chỉ tên người, tên đất, tên thời kỳ lịch sử rất được coi trọng, như An Dương Vương, Mị Châu… vì những tên này gắn liền với những con người thật, vùng đất thật. Đặc điểm này góp phần vào việc dựng lại không khí lịch sử của truyện, thực hiện chức năng cơ bản của thể loại.
Tính văn - sử: Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này góp phần tạo nên tính xác thực về thời gian - không gian lịch sử cụ thể xảy ra sự kiện lịch sử, đồng thời đảm bảo thông tin được truyền tải một cách hiệu quả, nghệ thuật đến công chúng.
Yếu tố huyền thoại trong truyền thuyết là cách thần thánh hóa hình tượng, bất tử hóa cái chết của những bậc anh hùng mà nhân yêu mến, ngưỡng vọng. Theo truyền thuyết, An Dương Vương nhảy xuống biển tự tử, nhưng nhân dân muốn tưởng nhớ công lao của ông, đã để ông cầm sừng tê rẽ nước về sống tại thủy cung, trường sinh bất tử cùng các vị thần. Bà Triệu lên núi Tùng Sơn chết thì hồn bà hòa quyện cùng thanh gươm quý thành ánh hào quang sáng chói bay về trời.
Việc thờ tự, lập miếu thờ, lễ nghi cúng kính thường niên các bậc anh hùng dân tộc cũng không nằm ngoài mục đích tưởng nhớ, ghi công ân đức của các vị ấy đối với con cháu ngàn đời. Nhân dân tin rằng các bậc thánh nhân, các bậc anh hùng thỉnh thoảng vẫn trở về giúp đỡ cháu con vượt qua những lúc khó khăn ngặt nghèo nhất.
Nhân dân gởi gắm một thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với quốc gia của tất thảy con cháu mọi đời, phải cùng đoàn kết bảo vệ sơn hà mà máu xương ngàn đời cha ông tô thấm. Và cũng từ đó, ý nghĩa hình tượng nhân vật trong truyền thuyết trở nên thiêng liêng, vĩnh hằng.
Truyền thuyết là một thể loại có sự gắn kết gần gũi với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Đó là pho sử dân gian. Nó được kể lại bằng cảm quan dân gian, được phán xét bằng triết lý dân gian. Truyền thuyết được xác định là đời sau thần thoại, song, vẫn tồn tại song hành cùng nhau và có những điểm giao mờ nhòe giữa hai thể loại là chứng hiện cho con đường tư duy của con người.
Đàm Hiếu Nghĩa 
 Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...