Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Truyện cổ tích trong văn học dân gian

 Truyện cổ tích trong văn học dân gian

Trước cách mạng Tháng Tám, ở nước ta, tên gọi cổ tích, hay truyện cổ, hay truyện đời xưa được sử dụng để gọi chung cho các thể loại truyện kể dân gian, bao  gồm thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn và truyện cười. Về sau, khi công tác nghiên cứu văn học dân gian phát triển, truyện cổ được phân chia thành các thể loại truyện kể dân gian. Tuy nhiên, do bản chất nguyên hợp của văn học dân gian mà việc phân loại đã gặp nhiều khó khăn, ngày nay vẫn chưa thể đi đến thống nhất.
Riêng nội bộ thể loại cổ tích, những khó khăn nảy sinh trong quá trình xác định phạm vi, ranh giới so với các thể loại khác đã dẫn đến khó khăn trong việc hình thành nội hàm khái niệm cổ tích cũng như phân loại cổ tích mà nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện.
Trong khối truyện kể dân gian người Việt, cổ tích chiếm dung lượng trội hơn nhiều so với các thể loại khác. Một phần vì đặc trưng lịch sử, một phần vì đặc trưng xã hội và tính cách dân tộc mà cổ tích được lưu giữ hiệu quả hơn trong kho tàng truyện cổ người Việt.
Có thể hiểu cổ tích là “một thể loại truyện dân gian nảy sinh từ xã hội nguyên thủy nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp với chức năng chủ yếu là phản ánh và lý giải những vấn đề xã hội, những số phận khác nhau của con người trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng (chủ yếu là gia đình phụ quyền), có mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh xã hội quyết liệt”1.
Hầu hết các nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng cổ tích nảy sinh từ thần thoại trong thời kỳ bắt đầu tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. Trong bối cảnh đó, cổ tích ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức và lý giải đời sống xã hội. Có thể khẳng định rằng con người chỉ sáng tạo cổ tích sau khi trải qua thời kỳ thần thoại để chuyển tải đời sống xã hội sau khi định hình cuộc sống trong thế giới tự nhiên.
Mặc dù xuất phát từ thần thoại và thời kỳ thần thoại, song cổ tích không vì thế mà không thể thoát khỏi cái bóng lớn của thần thoại. Nếu “nhân vật thần thoại thường có ý nghĩa tượng trưng và thể hiện những nỗi gian khổ chung, những niềm hoan lạc chung, những lo âu chung và những ước mơ chung của thị tộc, bộ lạc” thì “truyện cổ tích xuất hiện phần lớn khi công xã thị tan rã và được thay thế bằng gia đình riêng lẻ”; nếu thần thoại có sự gắn kết gần gũi với tôn giáo nguyên thủy và thể hiện tinh thần tự do, ý thức dân chủ của con người khi xã hội chưa phân chia giai cấp thì cổ tích lại phản ánh tình trạng đấu tranh xã hội và thể hiện ý thức hệ của thời đại; nếu thần thoại xây dựng vẻ đẹp kỳ vĩ, hùng tráng, mỹ lệ, mang tầm vóc của toàn thể bộ lạc thì cổ tích lại hướng về những số phận, những ước mơ cải mệnh của con người trong cái hạn hữu chật hẹp của xã hội.
Trong tính nguyên hợp của văn học dân gian, sự gặp gỡ, hàm chứa nhau giữa các thể loại là hiện tượng không xa lạ. Trong đó, hiện tượng chuyển hóa chất liệu từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, thể loại này sang thể loại khác tạo nên một dòng chảy thú vị. Chẳng hạn trường hợp hình tượng con rùa, nó xuất phát từ thần thoại trong vai thần biển, đã tái sinh trong thời đại truyền thuyết qua “An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy” và tiếp tục đời sống của mình trong cổ tích “Rùa và Thỏ”.
Vấn đề phân loại truyện cổ tích đến nay vẫn tồn tại như một thách thức. Có lẽ, đặc trưng nguyên hợp là trở lực vĩnh cửu trước mọi nỗ lực phân định văn học dân gian ở bất cứ cấp độ nào. Tuy nhiên, để quán xuyến được việc nghiên cứu, các học giả, theo cách nào đó, phải đưa ra kiến giải về việc phân loại cổ tích.
Nguyễn Văn Ngọc trong Truyện cổ nước Nam chia cổ tích thành 5 loại: những truyện thuộc về lối cổ tích hoặc dã sử; những truyện mà kết cục trở thành phương ngôn; những truyện thuần về văn chương; những truyện ẩn một triết lý cao xa và những truyện vui chơi cười đùa lý thú nhưng chưa phải tiếu lâm. Cách phân chia này đưa ra những tên gọi dài dòng, đồng thời có sự chồng lấn giữa các loại một cách phức tạp.
Theo Nghiêm Toản, cổ tích được chia làm 4 loại: truyện mê tín hoang đường; truyện luân lý ngụ ngôn; truyện phúng thế hài đàm và sự tích các thánh. Cách phân chia này đã sử dụng nội hàm của thuật ngữ truyện cổ. Các loại được phân chia thành tương ứng với các thể loại truyện kể dân gian, song chưa đầy đủ. Ngay cả thể loại cổ tích cũng không tìm thấy vị trí cụ thể trong cách phân chia trên.
Theo Hoàng Trọng Miên, cổ tích được chia làm 6 loại: cổ tích lịch sử; cổ tích phong tục; cổ tích tình cảm; cổ tích thế sự; cổ tích tôn giáo và cổ tích hoang đường. Thanh Lãng thì chia cổ tích thành 7 loại: cổ tích ma quỷ; cổ tích anh hùng dân tộc; cổ tích ái tình; cổ tích luân lý; truyện thần tiên; truyện phong tục và truyện khôi hài. Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam chia cổ tích thành 3 loại: truyện cổ tích thần kỳ; truyện cổ tích thế sự và truyện cổ tích lịch sử.
Giáo trình Văn học dân gian của các trường Đại học Sư phạm chia cổ tích thành 3 loại: cổ tích hoang đường; cổ tích sinh hoạt và cổ tích lịch sử. Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên trong giáo trình Văn học dân gian của trường Đại học Tổng hợp chia cổ tích thành 2 loại: cổ tích thế sự và cổ tích lịch sử. Nhóm tác giả Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ chia cổ tích thành 3 loại: cổ tích loài vật; cổ tích thần kỳ và cổ tích sinh hoạt.
Theo giáo trình Văn học dân gian của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, căn cứ vào việc có hay không có yếu tố thần kỳ, có thể chia thành cổ tích thần kỳ và cổ tích hiện thực; căn cứ vào nội dung phản ánh, có thể chia thành cổ tích thế sự và cổ tích lịch sử.
Như vậy, vấn đề phân loại cổ tích hẳn là vô cùng phức tạp. Dù phân chia theo quan điểm nào thì bên cạnh những kiến giải hợp lý cũng tồn tại kèm theo những bất cập. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, tính nguyên hợp của văn học dân gian là trở ngại tất yếu, không thể khắc phục. Với các cách phân loại đã trình bày, chúng tôi tán thành hơn cả quan niệm của Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên. Đây là cách phân loại đơn giản, mặc dù không chi tiết, song đảm bảo được tính hệ thống trong phân loại. Hai bộ phận cổ tích thế sự và lịch sử có thể được minh định sáng rõ nhất. Hẳn nhiên, sự minh định ấy không bao giờ là sự tách biệt hoàn toàn.
Về vấn đề xác lập thể loại truyền thuyết và tiểu loại cổ tích lịch sử, đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến thống nhất từ các nhà nghiên cứu. Có ý kiến không thừa nhận truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian. Theo đó, những truyện kể dân gian có nội dung gắn với lịch sử được xếp vào tiểu loại cổ tích lịch sử. Tuy nhiên, trong tính hệ thống của các thể loại và truyện kể dân gian, cổ tích mang không khí sinh hoạt đời thường trong không gian hẹp hơn so với truyền thuyết. Truyền thuyết là một thu hẹp của thần thoại về không gian và thời gian. Song, với đặc thù biểu đạt, truyền thuyết gắn với không gian đất nước và thời gian lịch sử. Nó mang tầm vóc của cộng đồng, thay vì cổ tích mang giới hạn của những mối quan hệ cụ thể giữa một số ít người. Nhân vật truyền thuyết là nhân vật của cộng đồng, trong khi nhân vật cổ tích là đại diện cho tâm tình của một bộ phận người trong xã hội. Phân tích như vậy để thấy rằng những truyện kể có nội dung gắn kết với sự kiện hay nhân vật lịch sử, nó mang không khí truyền thuyết hơn là cổ tích. Vì vậy, chúng tôi tán thành ý kiến xem truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian.
2/ Đặc trưng nội dung
Cổ tích phản ánh nhận thức về thế giới tự nhiên là mảng đề tài xuất phát từ thần thoại và truyền thuyết mà cổ tích tiếp tục kế thừa và phát triển. Cổ tích tiếp tục lý giải đặc điểm sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên.
Cổ tích loài vật thể hiện cách lý giải của dân gian về đặc điểm, hoạt động của các con vật. Cùng phản ánh về thế giới loài vật nhưng ba thể loại thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn có cách nhìn sự vật khác nhau. Ở thần thoại là sự nhân hóa loài vật, thần thánh hóa hoạt động của các con vật bắt nguồn từ quan niệm vạn vật có linh hồn, gắn liền với tín ngưỡng vật linh, tôtem giáo và bái vật giáo của người nguyên thủy. Ở ngụ ngôn, loài vật được nhân hóa hóa một cách có ý thức, mượn loài vật để gián tiếp nói về con người, từ câu chuyện loài vật để nói chuyện con người. Còn cổ tích, loài vật như một đối tượng để khám phá đặc điểm sinh học, chức năng hoạt động. Đặc điểm các con vật được nhận thức, lý giải một cách vừa hồn nhiên vừa chân thực, cụ thể. Đó là truyện giải thích tại sao vịt trống kêu khàn khàn, lông quạ màu đen tuyền, mai rùa có vết hằn như rạn nứt, trâu chỉ có một hàm… Có khi đó là cách giải thích về mối quan hệ giữa các con vật như tại sao gấu với khỉ không chơi thân với nhau. Truyện “Tình nghĩa gà vịt” giải thích tại sao gà vịt không ở chung một chuồng, không ăn chung một bãi vì họ nhà vịt hiểu lầm khi thấy gà trống cưỡi trên lưng vịt mái để sang nhà vịt dự tiệc. Dù vậy, họ nhà gà vô tư, không biết chuyện đó, vẫn giữ tình nghĩa thân thiết bằng cách thỉnh thoảng vẫn ấp trứng cho vịt và nuôi vịt như con của mình.
Loại sự tích lý giải các danh lam thắng cảnh, địa danh, sản vật, phong tục tập quán của nhân dân từ xa xưa thể hiện những phong tục tập quán lâu đời của nhân dân liên quan đến tục ăn trầu trong truyện “Sự tích trầu cau”, tục làm bánh chưng bánh dày ngày tết trong truyện “Sự tích bánh chưng bánh dày”, hoặc các truyện “Sự tích ông bình vôi”, “Sự tích cây nêu ngày tết”, gắn với tập tục tín ngưỡng của nhân dân. Phần lớn các truyện ấy kết thúc đều có câu lý giải “Từ đó, người nước Nam ta có tục lệ…”.
Cổ tích các dân tộc anh em thể hiện khá phong phú, sinh động phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa dân gian. Truyện “Quả Pa Pao” của người HMông, “Tung còn lấy vợ tiên” của người Tày kể về tục ném còn. Kề về các nhạc cụ dân gian có truyện “Sự tích chiếc kèn môi” của người HMông, “Sự tích chiếc kèn đá” của người Raglai. Truyện kể về sự tích các điệu múa thì có “Sự tích điệu múa công” của dân tộc Thái, “Sự tích điệu múa bắt ba ba” của người Dao.
Bộ phận cổ tích gắn liền với việc lý giải các sự vật trong thiên nhiên như “Sự tích dưa hấu”, “Sự tích trái sầu riêng”, “Sự tích cây huyết dụ”, “Sự tích hồ Ba Bể”, “Sự tích núi Vọng Phu”, “Sự tích núi Bà đội om”, “Sự tích núi Ngũ Hành”, “Sự tích sông Tô Lịch và sông Thiên Phù”…
Cách lý giải thiên nhiên của cổ tích khác xa cách lý giải của thần thoại. Phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, sản vật đặc trưng của các vùng miền được thể hiện khá phong phú và sinh động ở cổ tích loài vật và cổ tích về sự tích.
Truyện cổ tích phản ánh những xung đột xã hội ngay từ giai đoạn sớm của nó. Cổ tích ra đời và phát triển song song với quá trình tan rã của gia đình thị tộc mẫu hệ, đồng thời với sự hình thành gia đình phụ quyền và sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Vì vậy chức năng cơ bản của cổ tích là phản ánh, lý giải những mâu thuẫn, xung đột giữa người với người trong xã hội có giai cấp.
Phần lớn cổ tích xoay quanh đề tài sinh hoạt gia đình, phản ánh và lý giải những xung đột, mâu thuẫn có tính riêng tư nhưng phổ biến giữa anh em trai: “Cây khế”, chị em gái: “Sọ Dừa”, giữa dì ghẻ con chồng và chị em cùng cha khác mẹ: “Tấm Cám”…
Những xung đột bên ngoài gia đình cũng chịu sự ảnh hưởng, chi phối từ những mâu thuẫn trong gia đình. Giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình là động lực giải quyết xung đột, mâu thuẫn xã hội.
Trong cổ tích “Tấm Cám”, tại sao nhân dân không gọi “dì ghẻ con chồng” hay một cái tên nào khác? Tại sao những lời nguyền rủa của Tấm lại tập trung vào Cám? Và tại sao tác giả dân gian lại để Tấm trừng trị Cám nặng nề như vậy? Rõ ràng, mâu thuẫn không đơn thuần giữa dì ghẻ với con chồng, mà còn là mâu thuẫn giữa những người cùng thế hệ, tương tự như trong truyện dân gian như: “Cây khế”, “Sọ dừa”, “Thạch Sanh”… Hình tượng nhân vật trong cổ tích mang tính phổ biến và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Sự đối lập giữa những nhân vật đàn anh - đàn em, bề dưới - bề trên trong quan hệ gia đình tương đồng với sự đối lập giữa những nhân vật thiện và ác, chính diện và phản diện trong những mối quan hệ xã hội phức tạp. Hơn nữa thực chất gia đình là hình ảnh một xã hội thu nhỏ. Và triết lý ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác cũng là triết lý chung của cổ tích.
Thực tế vấn đề không phải cứ nhân vật người anh và người mẹ kế là độc ác, tham lam, xấu bụng còn những người em, những người con chồng thì luôn luôn hiền lành, hiếu thảo. Nhưng cổ tích vẫn phản ánh, khẳng định, thậm chí tô đậm, phóng đại điều này. Cổ tích chủ yếu chú ý đến số phận chung của những loại người khác nhau trong xã hội, những người bị đối xử bất công trong gia đình phụ quyền. Sự bênh vực cho những con người thiệt thòi, đau khổ chính là hình thức lên án, tố cáo những nhân vật bề trên, những người anh, người chị, người mẹ kế độc ác trong cổ tích; đồng thời là hình thức chống lại những tập tục vô lý, bất công của xã hội có giai cấp.
Suốt quá trình phát triển qua lịch sử lâu dài, những hình tượng nhân vật trong cổ tích không ngừng được nhào nắn lại, bổ sung thêm, đây là yếu tố giúp làm tăng tính khái quát và điển hình hóa cho hình tượng, phản ánh được nhiều vấn đề lịch sử của đời sống xã hội.
Triết lý sống là phần quan trọng trong kết cấu nội dung của thể loại. Vì ở đó phản ảnh chân thực sự đấu tranh không khoan nhượng của nhân dân lao động bị áp bức bóc lột, chống lại những thế lực xâm phạm quyền sống, quyền làm người của họ, đồng thời, khẳng định ý nghĩa, giá trị cao quý trong cuộc sống của họ thành triết lý.
Trước sự nghiệt ngã trong xã hội có giai cấp, người dân lao động đấu tranh chống lại những thế lực xâm phạm nhân quyền của họ; đồng thời tự khẳng định bằng cách nâng lối sống của mình lên thành một triết lý.
Trong cổ tích, phần cốt lõi nhất trong triết lý sống của nhân dân là tinh thần lạc quan, yêu đời, lòng ham sống, tình yêu thương và quý trọng đồng loại. Có thể truyện hướng đến sự ca ngợi, biểu dương những hành vi cao đẹp như tình nghĩa thầy trò trong “Sự tích đầm mực”; hay phê phán, lên án những hành vi trái quy chuẩn đạo đức xã hội, như lừa thầy, phản bạn, ăn ở hai lòng, hay những đứa con bất hiếu như “Cái cân thủy ngân”, “Đứa con trời đánh”…
Nói đến tinh thần lạc quan trong cổ tích người ta thường đề cập đến kết thúc của thể loại này, phần nhiều kết thúc có hậu. Kết thúc có hậu chỉ là một biểu hiện phổ biến nhất, không phải biểu hiện cao nhất cũng như duy nhất của tinh thần lạc quan, yếu tố chủ đạo được đề cập trong thể loại này.
Thực tế cho thấy, kho tàng cổ tích Việt Nam nói riêng, của nhân loại nói chung không phải tất cả đều có kết thúc có hậu. Và cũng không vì thế mà cho rằng những truyện kết thúc không có hậu là bi quan. Không ít cổ tích có kết thúc bi thảm, nhân vật chính diện hoặc phải chết hoặc ra đi về miền khổ ải đọa đày, nhưng đó là cái chết nhằm giúp tỏa sáng, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm tin đối với những phẩm chất tốt đẹp của những con người hiền lành, lương thiện, khẳng định những giá trị đạo đức cao quý giữa dòng tuần lưu vô tận của dòng chảy lịch sử nhân loại.
Triết lý sống của nhân dân trong cổ tích còn thể hiện ở sự thưởng công phạt tội được nhìn nhận và giải quyết theo yêu cầu đạo đức. Chàng Thạch Sanh có những hành vi đạo đức cao đẹp mà chắc chắn còn rất lâu mới có thể trở thành hiện thực một cách phổ biến trong xã hội loài người nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng - đó là sự hào hiệp, vô tư, sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa trong mọi tình huống. Từ quan niệm đó, nhân dân ta khẳng định triết lý “ở hiền - gặp lành”. Niềm tin ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ vừa là triết lý sống lạc quan, tích cực, vừa là ước mơ công lý và đạo đức. Tuy hình thức bề ngoài nó khá giống với giáo lý của nhà Phật nhưng nội dung phục vụ cho ý nguyện của nhân dân. Đó là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong hoàn cảnh nghiệt ngã của nhân dân lao động.
Cổ tích còn là nơi hàm chứa lý tưởng sống và lòng ngưỡng mộ người tài đức của nhân dân lao động. Trong đa số cổ tích, nhất là cổ tích thần kỳ, những nhân vật đàn em, những đứa trẻ mồ côi, những người bề dưới thường được nhìn nhận, miêu tả như những con người đẹp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội, những con người lý tưởng, mẫu mực của nhân dân.
Trong gia đình, mặc dù chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi nhưng họ luôn sống có đạo đức. Đạo đức bộc lộ ở sự hiền hậu, thật thà, ngay thẳng, hiếu thảo, thủy chung, chịu thương chịu khó… Họ không hay và không thích trả thù những kẻ đàn anh, những người bề trên trong gia đình, dù những kẻ đó đã gây cho họ nhiều tổn thương, đắng cay, điêu đứng.
Nhân vật người em trong “Cây khế” mặc dù bị người bị người anh chiếm hết gia tài nhưng khi được chim thần đưa ra đảo lấy vàng và trở nên giàu có thì vẫn giữ nguyên tình anh em như trước. Hơn nữa, đã chỉ chỗ đảo vàng cho anh để anh cũng có đời sống sung túc. Còn Thạch Sanh dù bị Lý Thông lừa đảo năm lần bảy lượt một cách trắng trợn, bội nghĩa bạn bè nhưng khi có quyền binh trong tay vẫn sẵn sàng tha cho Lý Thông một con đường sống. Những điều nói trên nhằm bảo vệ quan hệ tình cảm, đạo đức huyết thống của gia đình thị tộc trong cổ tích.
Nạn nhân của những xung đột trong gia đình phụ quyền đang hình thành đáng lẽ phải đứng lên phá vỡ tôn ti trật tự bất công để xây dựng một kiểu gia đình khác, giải phóng mình khỏi những nỗi oan trái. Nhưng quy chuẩn xã hội đương thời không cho họ quyền được làm điều đó, nên họ chỉ có thể phủ nhận, chống lại những quan hệ áp bức, bóc lột của gia đình phụ quyền bằng cách quay về với những quan hệ tốt đẹp của gia đình thị tộc đã và đang trên bờ vực tan rã. Sự lý tưởng hóa những nhân vật đàn em là để củng cố những quan hệ gia đình lung lay, rạn nứt, nhằm cứu vãn nó, làm cho nó trở lại với thời kỳ “tổ ấm” xa xưa.
Nhưng mọi thứ không diễn ra một cách tốt đẹp như thế. Xã hội đương thời đầy rẫy bất công đã nhẫn tâm đưa họ vào những cạm bẫy, tai ương. Những người đàn em và những người bề dưới luôn chịu thiệt thòi, cay đắng mặc cho phẩm hạnh sáng ngời của họ là vì sự độc ác, vô đạo của những kẻ đàn anh, bề trên. Cổ tích phản ánh nỗi cùng quẫn của những kiểu nhân vật “đức hạnh nhưng bất hạnh” này trong việc tìm đường giải thoát cho mình. Nhưng ở một số truyện, sự sáng tạo của tác giả dân gian đã mang đến cho tác phẩm những làn gió mới, thể hiện ở phần kết thúc các nhân vật đàn em đã dám vượt qua khuôn khổ gia đình, tìm đến sự công bằng, hạnh phúc cho bản thân mình. Trí tưởng tượng của tác giả đã đưa con người khổ hạnh, bị áp bức bất công vượt biên giới gia đình, nhờ việc tạo ra, khai thác những hình tượng hư cấu, các yếu tố kỳ ảo như: Ông Tiên, Bà Bụt, Chim thần, Rắn thần, Vua, Công chúa, Hoàng tử… Tuy vai trò khác nhau nhưng những nhân vật ấy gắn liền với việc thể hiện lý tưởng thẩm mĩ của nhân dân. Đây là chiếc cầu nối giữa cuộc đời thực bất hạnh với cuộc đời hạnh phúc công bằng mộng tưởng của nhân vật chính diện. Nếu như các lực lượng thần - ảo góp phần thể hiện lý tưởng xã hội - thẩm mỹ, các nhân vật như vua chúa, hoàng tử, công chúa là phương tiện nghệ thuật, vừa là hiện thực vừa lý tưởng xã hội được hình tượng hóa. Các nhân vật đế vương trong cổ tích được phân thành hai loại đối lập: chính diện và phản diện, tức tốt và xấu. Vua tốt như ông vua trong truyện “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”; còn vua xấu như ông vua trong truyện “Ai mua hành tôi”, vua xấu như ông vua Trang vương trong “Phạm Tải Ngọc Hoa”.
Loại truyện về những chàng trai khỏe, dũng cảm hay truyện dũng sĩ của các dân tộc nhằm ca ngợi những tấm gương tài hoa, hiệp nghĩa, những bậc anh hùng trong lao động và chiến đấu. Truyện “Cẩu Khây” của người Tày kể về bốn anh em kết nghĩa có sức khỏe phi thường, dùng sức khỏe của mình tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ đồng bào. Truyện “Chàng Voi con” của người Thái cũng có cốt truyện tương tự. Hay truyện “Chê Hấu” của người HMông kể về các chàng trai khỏe mạnh hợp sức khai phá đất đai, chế ngự thiên tai, lao động sản xuất. Mở đầu là chàng Nhổ Cây, đến chàng Cắt Tranh, tiếp theo là chàng Chê Hấu trồng trọt, sau đó là chàng Hút Nước chống lũ, cuối cùng là chàng Đục Đá làm cối xay để chế biến lương thực. Truyện “Cẩu Khây” chủ yếu ca ngợi kỳ tích làm thủy lợi, chế ngự thiên tai. Truyện “Chàng Voi con” ca ngợi kỳ tích săn bắn. Truyện “Chê Hấu” xây dựng một tập thể những người lao động có trình độ kỹ thuật cao, có sự phân công lao động hợp lý, hiệu quả. Đây là những con người tài ba trong xã hội nông thôn.
Bên cạnh đó người Việt còn có những truyện mang tính hiện thực hơn như truyện “Lê Như Hổ” có tài ăn khỏe, một buổi phát luôn ba mẫu cỏ, một ngày gặt xong hai mẫu lúa. Truyện “Yết Kiêu” ca ngợi tài lặn nhiều giờ trong nước để đánh bắt cá, lặn xuống biển đục thuyền giặc. Lại có những truyện đề cao sự khéo léo trong lao động như: “Ba chàng thiện nghệ”, “Người thợ mộc Nam Hoa”, “Bùi Cầm Hổ”… Đặc biệt như truyện “Phân xử tài tình” ca ngợi vị quan thông minh tài giỏi. Nhưng cốt truyện loại này khá hiếm trong thể loại cổ tích, vì đa số quan lại là đối tượng châm biếm, đả kích của cổ tích…
Nhân dân tin rằng, nếu những con người tài đức làm mẫu nhi thiên hạ, những người khỏe mạnh cường tráng đóng góp công sức lao động sản xuất thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nhiều, nhân dân sẽ được sống đời bình yên, hạnh phúc.
2/ Đặc trưng nghệ thuật
Nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện cổ tích có nhiều đặc thù thú vị. Hệ thống nhân vật đa dạng, phức tạp và mang tính hiện thực rõ nét hơn nhân vật trong thần thoại. Cổ tích xây dựng nhân vật phân tuyến, được thể hiện rõ trong cổ tích thần kỳ. Nhân vật được xây dựng theo hai tuyến đối lập: thiện - ác, chính nghĩa - gian tà, tuyến tốt - tuyến xấu. Tính cách nhân vật mang tính chất cực đoan, hầu như không có chuyển biến trong suốt chiều dài tác phẩm. Đây là kiểu xây dựng nhân vật theo kiểu cực tuyến rõ ràng, không lẫn lộn tốt xấu.
Nhân vật hay vật thần kỳ là hiện thân của các thế lực mang sức mạnh thần diệu, phi phàm, đứng ra giúp đỡ nhân vật tuyến thiện hay cùng với nhân vật tuyến ác tạo ra sự hủy diệt cuộc sống. Nhân vật kỳ diệu thường gặp: Tiên, Bụt (Phật); vật kỳ diệu: Rùa thần, Chim thần, Cá Bống… hiện ra giúp đỡ người tốt thiệt thòi. Trái lại, Đại Bàng có thể bắt cắp bất kỳ cô gái đẹp nào, Trăn tinh có thể ăn thịt bất cứ ai… Đôi khi nhân vật hay vật thần kỳ là phép thử lòng người, phân định bản chất con người thiện ác như Đại Bàng hai lần xuất hiện trong cổ tích “Cây khế” đã tạo ra hai kết cục trái ngược nhau cho hai nhân vật thuộc hai tuyến thiện ác khác nhau, với hai anh em cùng một huyết thống nhưng tính cách thiện ác đối lập.
Nhân vật trong cổ tích trung gian và cổ tích hiện thực không phân tuyến hoặc phân tuyến không rõ. Nhân vật đôi vợ chồng trong truyện “Sự tích đá vọng phu” không phải là nhân vật phân tuyến. Nhân vật người vợ trong “Sự tích con muỗi” là nhân vật phân tuyến không rõ ràng giữa mối quan hệ với chồng và với tình nhân. Những truyện cổ tích lý giải về sự tích không hẳn là cổ tích thần kỳ, mà là dạng cổ tích trung gian, gần với cổ tích hiện thực. Nhân vật trong “Trương Chi”, “Gái ngoan dạy chồng”… không phải nhân vật lý tưởng hóa, không phân tuyến như nhân vật trong cổ tích thần kỳ. Nhân vật trong cổ tích thần kỳ thường không rõ tính cách. Nhân vật thuộc cùng một tuyến có tính cách hao hao giống nhau theo khuôn mẫu đã định.
Kết cấu cổ tích thường gặp là kết cấu đường thẳng. Cốt truyện tuân theo một trật tự nhất định từ trước đến sau, cái gì xảy ra trước kể trước, cái gì xảy ra sau kể sau. Cuộc đời Thạch Sanh trong cổ tích cùng tên đi theo một trình tự thời gian cụ thể, từ lúc đi đốn củi, qua thăng trầm, cưới công chúa, thuần phục chư hầu, được truyền ngôi báu… là một dạng của kết cấu này.
Loại kết cấu này có ưu điểm: dễ nhớ, đơn giản; nhược điểm: thiếu sinh động. Cổ tích với đặc trưng thể loại không thực hiện sự đảo ngược kết cấu, đôi khi làm giảm hiệu quả diễn đạt, gây nhàm chán.
Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ trong cổ tích cũng tương thích với đặc trưng và chức năng thể loại. Ngôn ngữ mang tính trần thuật, tính kể đặc trưng cho ngôn ngữ kể chuyện. Các câu tả và các đoạn đối thoại ít có mặt trong truyện. Hình thức tả chủ yếu mang tính phác họa những nét đặc trưng nhất của ngoại hình nhân vật. Ta chỉ biết chàng Thạch Sanh khỏe mạnh, thật thà, còn cụ thể chàng khỏe đến mức nào và thật thà ra sao cổ tích không đề cập. Đó cũng có thể là “độ không sáng tạo” dành cho độc giả, theo điểm nhìn hiện đại.
Về phương diện cú pháp, cổ tích thường có ba loại chủ yếu: câu tồn tại, câu luận, câu hoạt động. Câu tồn tại nhằm mục đích giới thiệu nhân vật: “Hồi ấy ở gần làng có anh học trò nghèo, bố mẹ chết sớm” (Lấy vợ cóc). Câu luận nhằm định tính, định danh nhân vật: “Chàng rất hay chữ, tuy chưa đỗ đạt gì, người ta cũng gọi chàng là Tú Uyên” (Tú Uyên). Phổ biến nhất vẫn là câu hoạt động.
Trong cổ tích, có môtip mở đầu và kết thúc. Mở đầu thường có câu: “Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, tại một làng nọ…” hoặc “Ngày xưa, có một nàng công chúa xinh đẹp, nàng sống cùng vua cha trong cung điện tráng lệ nhưng nàng luôn cảm thấy không vui”. Câu mở đầu thường có sự xuất hiện của cả không gian và thời gian theo thủ pháp ước lệ.
Ngôn ngữ cổ tích không có chức phận xác định cụ thể không gian - thời gian, mọi thứ đều hiện lên mơ hồ: thời gian quá khứ xa xưa, không gian xa xôi đâu đó. Ngoài ra, cổ tích còn sử dụng ngôn ngữ của tục ngữ, ca dao… nhằm gây ấn tượng. Cổ tích chứa đựng các câu văn đa dạng, phong phú về kiểu câu, phong cách ngôn ngữ. Càng về sau câu văn cổ tích càng gần với phong cách văn học hơn.
Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích cũng được xây dựng theo hệ quy chiếu thể loại, góp phần xác định diện mạo chung của thể loại. Không gian cổ tích là không gian đời thường, không gian sinh hoạt bao quanh cuộc đời nhân vật chính. Chính vì vậy, không gian còn mang tính chất khép kín, tức không quan tâm những nhân vật phụ, những diễn biến khác trong cuộc sống. Không gian cổ tích khó xác định giới hạn, nơi chốn, đặc điểm. Ta sẽ bắt gặp những không gian quen thuộc trong cổ tích, bởi vì các truyện thường được xây dựng trong một không gian hao hao nhau. Dường như cổ tích chỉ gọi tên địa danh bằng danh từ phiếm chỉ để không gian bớt mơ hồ, còn thực sự địa danh ấy đặc điểm ra sao thì cổ tích không quan tâm đến.
Thời gian cổ tích là thời gian vĩnh hằng, bất biến. Thời gian cổ tích kéo dài theo số phận của đời người. Khi nhân vật chính được giải phóng số phận, thời gian theo đó dừng lại. Tính chất ước lệ được thể hiện rõ trong thời gian cổ tích; chẳng hạn ta thường bắt gặp các thời điểm như: “một hôm”, “một ngày kia”, “ngày xửa ngày xưa”… Ngoài ra, ta có gặp thời gian ước định bằng tuần trăng, “Ba tuần trăng… Rồi sáu… rồi chín tuần trăng” (Sự tích hòn vọng phu). Thời gian trong cổ tích chỉ được gợi ra một cách mơ hồ, hầu như không xác định năm nào, đời vua nào…
Như vậy, không gian - thời gian trong cổ tích có tính ước lệ, áng chừng. Hai yếu tố này luôn đi cùng nhau, vì thời gian chỉ diễn tiến trong không gian nhân vật hoạt động. Trong cổ tích, mọi thứ thường mơ hồ xa xôi, nhưng đôi lúc rất quen thuộc như trong chính ngôi làng của mình là vì thế.
Đặc trưng nghệ thuật của cổ tích còn có sự đóng góp của các thủ pháp nghệ thuật. Trước hết, nghệ thuật phiếm chỉ, cũng tương tự kết cấu đường thẳng, nhằm phục vụ nhu cầu truyền miệng, cổ tích thường gạt bỏ những yếu tố khó nhớ. Do vậy, nhân vật, không gian, thời gian thường có tính phiếm chỉ. Trong cổ tích ít sử dụng danh từ riêng. Điều này khác với truyền thuyết, thường sử dụng danh từ riêng. Nhân dân không có nhu cầu đặt tên, gọi rõ nhân vật, chỉ muốn tạo dựng hình tượng những nhân vật có tính phổ quát cao, nhằm biểu đạt những ý nguyện của mình, mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Một cụm từ thường được sử dụng trong cổ tích là: “ngày xửa ngày xưa”; một số danh từ phiếm chỉ thường gặp trong cổ tích như: một phú ông, một quý cô, một anh tiều phu nọ… Việc chỉ sử dụng danh từ phiếm chỉ như vậy có tác dụng tạo ra một mảnh đời, một số phận có tính khái quát cao.
Nghệ thuật tưởng tượng, hư cấu là một phần quan trọng nhằm giúp con người có thêm trợ lực để hoàn thành được mơ ước của mình. Dĩ nhiên kết quả cuối cùng như thế nào vẫn do bản chất, sự lương thiện hay lòng tham của con người quyết định. Anh canh điền chiến thắng phú ông, lấy được vợ nhờ sự giúp đỡ của Bụt, nhưng muốn có cây tre trăm đốt làm sính lễ, anh đã phải bỏ công sức trèo đèo lội suối, vất vả gian truân không ít. Hơn thế, dù cho hư cấu thế nào, các yếu tố thần kỳ vẫn phải tuân theo luân lý thông thường. Trong “Cây khế”, phượng hoàng đưa người ra đảo lấy vàng, giúp người trở nên giàu có sung túc, nhưng không phải muốn lấy bao nhiêu của cải cũng được. Thánh thần chỉ giúp đỡ những ai chăm chỉ lao động, nhưng gặp khó khăn. Yếu tố thần kỳ chỉ là phương tiện nhiệm mầu trong cổ tích, hiện thân của những mong ước quá sức của con người. Yếu tố thần kỳ giúp nhân vật cổ tích đạt được mong ước tốt đẹp, hợp luân lý; còn ta trong đời thực phải lao động không ngừng mới mong nhận được điều tốt đẹp.
Cổ tích là mơ ước của nhân dân lao động về xã hội tốt đẹp, công bằng, về đời người ấm no, hạnh phúc. Cổ tích cũng là những bài học về lòng thiện, tình yêu thương và đức tính chăm chỉ, cùng tài năng, dũng khí của con người. Đó là những ước mơ gần gũi, là động lực hiện thực mà con người có thể vươn tới.
Đàm Hiếu Nghĩa
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...