Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Từ Hải - Hình tượng anh hùng trong "Truyện Kiều"

Từ Hải - Hình tượng anh hùng
trong "Truyện Kiều"

“Truyện Kiều” - Một kiệt tác không chỉ bất tử trong lòng dân tộc mà còn chiếm được tình cảm rộng rãi của đông đảo người đọc trên toàn thế giới. Sở dĩ như thế là vì ngoài nội dung phong phú và sâu sắc của nó Truyện Kiều còn là một tác phẩm chứa đựng tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc.
Dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã tạo nên “Truyện Kiều”. Nhưng không phải là sự rập khuôn hay đơn thuần là việc tiếp nhận một tiểu thuyết chương hồi từ một nền văn hóa khác, mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thực sự biến những nhân vật, tính cách, chi tiết trở thành của riêng mình, tung hoành trên những trang giấy bằng sự sáng tạo mới mẻ mà chỉ riêng người nghệ sĩ này mới làm được. Trong “Truyện Kiều”, bên cạnh tấm lòng yêu thương, sự đồng cảm dành cho nàng Kiều thì nhân vật Từ Hải là hiện thân cho những lý tưởng, ước mơ về cuộc sống, là hình tượng mà có lẽ Nguyễn Du luôn muốn đạt được trong thời buổi lúc bấy giờ. Nếu trong những trang văn của Thanh Tâm tài nhân, hình tượng của Từ Hải tuy là một hảo hán nhưng cũng không thoát khỏi nét tính cách tầm thường của một tên tướng cướp, “giặc cỏ”. Thì dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, Từ Hải trở thành một người anh hùng mang cảm hứng vũ trụ với tầm vóc lớn lao phi thường.
“Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”
Lai lịch của Từ Hải được Nguyễn Du giới thiệu với đầy sự trang trọng trong từng câu từng chữ, “đội trời đạp đất” là những chuẩn mực mà một đấng nam nhi thời xưa phải có, như Nguyễn Công Trứ từng bàn về chí làm trai:
“Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”
Giữa biển đời rộng lớn ấy, trong thời kỳ loạn lạc biến động của lịch sử, xã hội thì mục nát, vô nhân đạo nhưng vẫn luôn có những trái tim rộng lớn, phẩm chất anh hùng, không quản ngại những khó khăn của trần gian, không bao giờ bị bó hẹp và giới hạn, đó đều là những nguyện vọng mà Nguyễn Du đã dày công đặt vào nhân vật Từ Hải. Chàng là con người của những lý tưởng, của những hoài bão lớn lao, mang tâm thế của một anh hùng “bốn phương”, xem tứ hải là nhà. Với khí phách ngang tàng, lòng kiêu hãnh Từ Hải tự tin có thể làm nên nghiệp lớn.
Có thể nói, Nguyễn Du đã dùng những từ ngữ, hình ánh tráng lệ nhất, giọng thơ hùng tráng nhất, để ca ngợi cốt cách phi thường, thói giang hồ tự do, chí khí anh hùng của Từ Hải. Qua đó cho ta thấy được sự trân trọng, ước mơ về công lý, về con người lý tưởng anh hùng của Nguyễn Du gửi gắm vào nhân vật Từ Hải.
“Râu hùm, hàm én, mày ngài.
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”
Nhìn chàng, ta cảm nhận được đó là phong thái của một bậc trượng phu trong hình dáng như một vị thần với tướng mạo phi phàm uy nghi. Ngoại hình của Từ Hải khiến người ta vừa kính lại vừa sợ. Chiều rộng của vai dường như có thể gánh vác cả giang sơn bốn bể, chiều cao mười thước khiến người khác phải ngưỡng mộ, tầm vóc ngang tàng như muốn thách thức với chuẩn mực của vũ trụ.
Không những thế, cuộc đời đau khổ tủi nhục của người con gái “tài sắc vẹn toàn” mà Nguyễn Du hết mực yêu thương tưởng chừng như hoàn toàn bế tắc, tuyệt vọng, không có lối thoát thì Từ Hải đã xuất hiện. Chàng là niềm hy vọng, là tia sáng duy nhất giúp Kiều thoát khỏi cuộc sống bất hạnh kia. Từ Hải đã giúp Kiều thoát khỏi lầu xanh, vĩnh viễn chấm dứt những tháng ngày đen tối trong chốn thanh lâu và đưa Kiều từ địa vị kỹ nữ thấp hèn dưới đáy xã hội bị người đời khinh khi lên vị trí cao nhất của người nắm giữ cán cân công lý, thi hành lẽ phải ở đời trong màn báo oán báo ân. Dẫu cho đang sống với Kiều trong cảnh nồng nàn hương lửa ấm êm hạnh phúc nhưng khi nghĩ đến chí lớn chưa thành nên Từ Hải đã “động lòng bốn phương”. Qua đó cho ta thấy tình yêu vốn không trói buộc được ý chí của người anh hùng, Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Vì quyết tâm mưu cầu nghiệp lớn, vì mong muốn mang lại cho Kiều một cuộc sống sung túc, hạnh phúc hơn nên Từ đã quyết dứt áo ra đi, “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”. Hình ảnh lúc Từ Hải ra đi cũng thật lãng mạn và hùng tráng:
“Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”
Hình ảnh chim bằng lướt gió cưỡi mây trên biển khơi bát ngát tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn. Đã đến lúc Nguyễn Du để cho nhân vật của mình, Từ Hải tung hoành bốn phương, không vướng bận chuyện nhi nữ thường tình mà theo đuổi ước mơ, lý tưởng của bản thân, vẫy vùng trong thiên hạ. Nhưng anh hùng cũng không phải thánh nhân, con người phi thường ấy có lúc cũng như bao con người khác, cũng dễ dàng bị mắc bẫy, đưa ra quyết định sai lầm dẫn đến họa diệt thân. Chỉ vì “nghe lời nàng nói mặn mà” mà Từ Hải đã dễ dàng thay đổi quyết định, từ thế chủ động tấn công đột ngột chuyển sang đầu hàng kẻ địch. Sự thiếu quyết đoán trong phút chốc đã khiến Từ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình:
“Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”
Thậm chí cho đến lúc chết Từ vẫn để lại trong lòng người đọc một hình ảnh không thể nào quên được. Từ Hải chết đứng, một cái chết bi tráng mà lẫm liệt. Cái chết gan lì của kẻ anh hùng chiến đấu đến phút cuối cùng, cái chết yên lặng không một tiếng kêu, không một giọt lệ, không một cái thở dài. Đến chết vẫn hiên ngang, vững chắc như một tượng thành, bức tượng đó đã trở nên bất tử trong lòng người đọc. Hồn thiêng của Từ giờ đây đã hòa vào hồn thiêng của sông núi, bất biến giữa vũ trụ vĩnh hằng.
Nếu xét về một khía cạnh nào đó thì ta cũng không thể hoàn toàn phủ nhận việc Từ Hải đầu hàng. Bởi vì sự mù quáng trong tình yêu, quá tin tưởng Kiều mà Từ Hải đã mắc mưu của Hồ Tôn Hiến. Có thể nói, cái chết của Từ cũng là một kết cục tất yếu bởi sự thiếu sáng suốt của bản thân. Nhưng lại cũng không thể quên rằng con người duy nhất có tấm lòng và khả năng đem đến cho cuộc đời oan khổ bất hạnh của Thúy Kiều ánh sáng công lý chính nghĩa là Từ Hải, con người đã xúc phạm mạnh mẽ đến cái tôn ty trật tự khắc nghiệt của phong kiến bằng quan niệm sống “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” cũng chính là Từ Hải. Khí phách ngang tàng, lời lẽ khẳng khái, hành động anh hùng và cả mối tình đậm đà ý vị kia đều đã vang dội sâu xa trong lòng con người qua nhiều thế hệ và bất tử mãi cho đến hôm nay.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nói rằng: “Ngờ đâu non ba trăm năm sau, đầu thế kỷ XIX, ở một xứ mà sinh thời chắc Từ Hải không biết đến, trên bờ sông Lam, Từ Hải còn được tái sinh một lần nữa. Đã suýt mai một cùng quyển truyện của Thanh Tâm tài nhân, Từ Hải bỗng được một thiên tài Việt Nam cho sống lại và vinh quang của Từ Hải lần này mới thật rực rỡ. Cái mộng của Thanh Tâm tài nhân, cái mộng biến Từ Hải thành một vị anh hùng cái thế, phải có thiên tài Nguyễn Du mới thực hiện được… Ca tụng uy võ của Từ Hải, Thanh Tâm tài nhân viết: “Không quá ba ngày, Từ Hải phá một thôi được năm huyện”. “Phá được năm huyện thì còn ra gì! Nguyễn Du chỉ bỏ vài chữ và đổi cách đặt câu:
“Đòi cơn gió táp mưa sa
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam”
Vẫn chừng ấy mà lời văn mạnh mẽ và khoái trá biết chừng nào”.
Nguyễn Phạm Thanh Hương
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình quê hương Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: Làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam Kỳ, hai người mới tìm đượ...